Đầu tháng 5.2020 dịch Covid-19 giảm dần từ một ngàn ca nhiễm mỗi ngày chỉ còn vài trăm rồi vài chục, chính quyền Thụy Sĩ ký sắc lệnh ngày 28.5.2020 mở cửa cách ly, mọi người và mọi tổ chức, nhất là tôn giáo được phép sinh hoạt cho tới 300 người bắt đầu từ 6.6.2020, nhưng vẫn sử dụng những biện pháp ngăn ngừa: Giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, và sát khuẩn. Đặc biệt nữa chùa phải ghi danh, số phon, địa chỉ người tham dự, phòng khi phát hiện sự lây nhiễm sẽ khoanh vùng người liên hệ.
Mọi người thở phào nhẹ nhõm như bị tù lâu ngày được lệnh ân xá!
Chùa Viên Minh tại Thụy sĩ, thông báo sẽ tổ chức Phật Đản vào chủ nhật 14.6.2020.
Giữa tiết trời mùa Xuân nắng ấm tươi đẹp, cơn mưa bất ngờ ghé thăm, mang hơi hướm của mùa Đông giá lạnh với những cơn gió thốc làm anh em Phật tử vô cùng vất vả dựng lều. Mưa lớn và gió mạnh tưởng chừng vật ngã mọi thứ nhưng vẫn phải đầu hàng với lòng quyết tâm thắng lướt gian lao của anh em, Trời Phật cũng thương tình, cuối cùng mọi việc cũng đã đâu vào đấy. Ngày tổ chức mọi sự suôn sẻ êm đềm, thời tiết đã lắng dịu, khô ráo, chỉ còn là những cơn gió se se lạnh không đáng kể nên thu hút được 150 người đến tham dự.
Chương trình bắt đầu lúc 9.30 sáng, Phật tử tề tựu trong chánh điện. Sau thời kinh mừng Phật Đản sanh, Thầy Trụ Trì Thích Như Tú đăng đàn thuyết Pháp. Thầy giảng về sự sản sanh vô cùng lạ lùng và đặc biệt của Hoàng Hậu Ma Da, thân mẫu Đức Phật, trên đường về nhà mẹ ruột sinh nở thì đản sanh Ngài tại vườn Lâm Tỳ Ni. Và sự thị hiện của Đức Phật trên cõi đời này với mục đích cứu độ chúng sinh thoát khỏi luân hồi.
Rồi sau đó, trước khi làm lễ Tắm Phật, Thầy Như Tú còn nói ý nghĩa và hướng dẫn Phật Tử về việc tắm Phật, tại sao phải xối ba gáo mà không là hai hay một gáo? Đề tài cũ rình „Biết rồi, khổ lắm, nói mãi“, thế nhưng khi Thầy hỏi đến chả ai biết trả lời, kể cả tôi, người luôn quan tâm về giáo lý, nhưng tiếc là tôi chỉ là “đỉnh...thấp trí tuệ„ đi chùa mấy chục năm nay, học mãi, nghe mãi mà cứ quên! Giờ một lần nữa xin nhắc lại nhé.
Tắm Phật, không phải tắm cho Phật sạch sẽ, cho bớt bụi giữa khi tôn tượng Ngài đã sáng bóng, mà tắm Phật ở đây là gột rửa thân tâm của chính mình. Ba gáo tượng trưng cho ba điều sau đây:
1- Đoạn trừ nhất thiết ác. (xối nước vào vai phải)
2- Nguyện tu nhất thiết thiện. (xối nước vào vai trái)
3- Nguyện độ nhất thiết chúng sanh. (xối nước vào hai bàn chân)
Do vậy, khi tắm Phật là ta gởi tâm trí vào ba điều trên, quán niệm trụ về hiện tại trong kim thân Đức Phật là ta đã hiển lộ Phật tánh trong tâm ta.
Rồi để Phật tử dễ nhớ và khi tắm Phật không thả hồn lang thang khắp cõi ta bà, Thầy Như Tú yêu cầu, tất cả Phật tử đồng thanh liên tục niệm ba câu trên. Âm thanh vang vọng phát ra từ những giọng đọc to, chậm rãi thoáng nghe như lớp học vỡ lòng của các bé mẫu giáo, vừa dễ thương vừa thiết thực. Là con Phật, dù ngoài đời có là Bác sĩ, Kỹ sư, Văn nhân...chỉ là bằng cấp, sở học của thế tục, bước chân đến cửa Phật mon men học đạo đều là vỡ lòng hết. Tôi còn nhớ khóa tu học Âu Châu năm nào, đứng nhìn Hòa Thượng Như Điển chấm bài, HT khoanh tròn zero ráo vào một bài thi. Khi đọc tên của thí sinh, HT giật mình thảng thốt: “Trời, ông này là Giáo sư Đại Học!„
Thầy Như Tú còn hướng dẫn Phật tử cách xối nước sao cho tôn nghiêm, tay phải cầm gáo nước, tay trái đỡ cùi chỏ hay tay áo tràng, cứ thế nhẹ nhàng xối vai phải của Đức Phật trước rồi vai trái sau cuối cùng đến hai bàn chân.
Ngoài ra, Thầy còn giải thích thêm, xối vai phải biểu trưng cho mọi duyên nghiệp thuận trên thế gian này giúp cho hành giả gặp mọi may mắn trong sinh hoạt cuộc sống. Vai trái ám chỉ mọi sự bất trắc, bất như ý không may của cuộc đời; toàn gặp oan gia trái chủ, chỉ thấy mặt hay nghe tên đã khởi sinh phiền não. Đó là lý do, dù nghịch hay thuận khi xối nước là gột rửa và giải quyết vấn đề nội tâm vượt qua mọi trở ngại để tìm thấy sự an nhiên tự tại mới có thể nguyện tiếp...nhất thiết độ chúng sinh khi cầm gáo nước thứ ba dội hai bàn chân Phật. Đôi bàn chân thể hiện bước đi vững chải, đạp trên mọi gian lao quyết tâm tiến tới thực hiện những hoài bão cứu độ chúng sinh. Mà độ với tâm thiện lương, chứ không phải độ chúng sinh vừa độ vừa la hét um sùm, cho bát cơm mà còn nạt nộ: “Nốc đi rồi xéo cho khuất mắt!„ không thích hợp là con Phật tí nào.
Thầy Như Tú mới định cư tại Thụy sĩ vài năm gần đây thôi, Thầy luôn có ước vọng là gạch nối, nối nhịp cầu để Phật tử đến với Phật qua kinh điển của Ngài, hiểu để đi trên con đường đạo. Do vậy, Thầy luôn tìm những phương cách dễ học, dễ nhớ để hướng dẫn Phật tử chùa Viên Minh vì Phật pháp vốn khó nghe, nghe rồi khó hiểu, hiểu rồi khó hành. Cho nên mỗi khi tụng kinh, giảng kinh xong, Thầy hay hỏi lại Phật tử về những điều vừa giảng. Điều đó bắt buộc Phật tử phải chú tâm nghe, tập trung vào bài giảng nếu không sẽ...quê xệ, bị đánh giá, ngồi đó mà hồn lang thang để ngoài cửa chùa. Dù hiểu hay chưa hiểu bài, ít ra cũng nhớ là Thầy vừa giảng gì. Với cách này, mưa dầm ướt áo, theo thời gian sẽ nhập tâm thôi.
Cầu mong ước vọng tốt đẹp của Thầy Như Tú sẽ thành công như ý nguyện. Nhưng vấn đề đặt ra là làm thế nào để thu hút Phật tử hoan hỉ về chùa học đạo, đó mới là điều quan trọng.
Sau cơm trưa, là giờ sinh hoạt cộng đồng, Phật tử tề tựu ngoài lều, ai đam mê văn nghệ thì ghi tên ca hát, ai thích tâm tình cho bõ những ngày nhung nhớ quê hương, cảm thấy chơ vơ lạc lõng xứ người thì tha hồ tâm sự. Rồi với niềm hân hoan trong lòng, dường như mọi người quên mất cảnh giác con vi rút Corona vẫn còn đang hiện hữu lăm le tấn công chúng ta bất cứ lúc nào, thôi thì, chỉ trông mong Phật Trời che chở cho chúng sinh của Ngài mọi sự sẽ được tốt đẹp như mong đợi.
Kính chúc mọi người an lành trong mùa Phật Đản dưới sự che chở của Chư Phật, Chư Bồ Tát và chân thành cám ơn ban tổ chức đã bỏ công sức thực hiện lễ Đản Sanh lần thứ 2644 này.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Trần Thị Nhật Hưng
***