Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Con Đường Dẫn Đến Hoà Bình Thế Giới ....

16/06/201417:14(Xem: 6693)
Con Đường Dẫn Đến Hoà Bình Thế Giới ....

Buddha_200

Tham lu
ận VESAK 2014:
Con Đường Dẫn Đến Hoà Bình Thế Giới Qua Sự Kết Hợp Hai Quan Điểm Của Immanuel Kant và Phật giáo

Đỗ Kim Thêm

Tham luận “The Way to World Peace via an Integrated Kantian and Buddhist Perspective” được tác già trình bày tại Diễn Đàn Phật Giáo và Xây Dựng Hoà Bình Thế Giới, Trung Tâm Hội Nghị Quốc Tế Bái Đính, Ninh Bình ngày 9.5.2014 và in trong Buddhist Contribution to Global Peace Building, Most Ven. Dr. Thich Nhat Tu and Most Ven. Dr. Thich Duc Thien (Eds.), Vietnam Buddhist University Press Series 24, 2014, 251-294. Bản Việt dịch của Tỳ Kheo Ni Thích Nữ Viên Ngạn được đăng tại ấn phẩm IV của Đại lễ VESAK LHQ 2014 Việt Nam, trang 247-291. Bản lược dịch sau đây là của tác giả.



* * *



Toát yếu:

Thời đại chiến tranh toàn cầu chống khủng bố đòi hỏi một lộ trình mới cho hòa bình thế giới. Triết gia Immanuel Kant chỉ ra rằng sự phát triển tiệm tiến của các thể chế con người là chìa khóa dẫn đến hòa bình thế giới, và rằng các nguyên tắc pháp luật, đạo đức và chính trị được thiết lập một cách toàn diện sẽ trở thành một động lực thúc đẩy quyền tự quyết của các cá nhân, các dân tộc và toàn nhân loại một cách có hệ thống. Một liên minh quốc tế vì hòa bình, nền hiến pháp cộng hòa quốc gia và luật công dân thế giới là những công cụ pháp lý cần phải được thực hiện.

Hơn nữa, Phật giáo đề cao hòa bình không chỉ trên phương diện bản thể mà còn như một phương tiện. Phật giáo xác định bản chất con người và cấu trúc của nguyên nhân dẫn đến bạo lực. Phật giáo có sức mạnh văn hóa có thể thúc đẩy và quy trách nhiệm đạo đức cho con người trong việc đạt được các lý tưởng hòa bình: cơ sở chung của hệ thống giá trị, đức hạnh, quyền và trách nhiệm, văn hóa bất bạo động, sự đoàn kết và lòng khoan dung. Bằng cách liên kết với các Phật tử, mọi người trên thế giới có thể cảm thấy đủ mạnh mẽ để đối phó với các vấn đề của thế giới đương đại.

Vì lẽ đó, đạo đức Phật giáo được gọi là một kỹ năng mang tính khái niệm cần thiết cho một dự án giáo dục hòa bình trong khi tiêu chuẩn đạo đức mà Kant đề xướng được gọi là một kỹ năng có tính kỹ thuật cần thiết cho phong trào phát triển nền pháp trị. Cả hai đều là những nhân tố bảo đảm cao nhất cho hòa bình, và do đó trở thành mô hình mới trong công cuộc điều hướng hòa bình. Sự hợp tác ở cấp độ địa phương như vậy có thể góp phần vào quá trình xây dựng và gìn giữ hòa bình trên toàn thế giới. Bây giờ là thời điểm chín muồi để giới thiệu một cách tiếp cận hợp nhất như vậy.

Đối sách:

Dựa trên sách lược hiện thực này, Liên Hiệp Quốc phải cùng sát cánh và đóng vai trò hỗ trợ đối với Liên đoàn Phật giáo quốc tế và Hiệp hội Quốc tế các Trường Đại học Phật giáo để tạo thuận lợi cho công việc hòa bình, vốn là một công việc chung. Các chính quyền quốc gia, các đoàn thể dân sự, các doanh nghiệp, tôn giáo, gia đình cũng như các cá nhân phải nhận lãnh một vai trò quan trọng và trực tiếp ở cấp độ trong nước. Bằng cách hỗ trợ xác định các kỹ năng cần thiết nhất ở các cấp độ trách nhiệm khác nhau, các thể chế và các mạng lưới có tầm ảnh hưởng toàn cầu có thể trở nên hữu ích trong việc lựa chọn, đào tạo và đề bạt.

* * *

Dẫn Nhập

Thế giới chúng ta đang trải nghiệm những thách thức nghiêm trọng khi khủng bố càng lan rộng. Dù phải đối phó với thực tế của chiến tranh, nhưng thế giới vẫn còn thiếu một viễn kiến cần thiết cho việc kiến tạo và giữ gìn hoà bình, vì tất cả mọi luận điệu hoà giải trong quá khứ không còn hữu dụng và có một cái gì đó sai lầm cơ bản trong các hệ thống chính trị, triết lý, tôn giaó và luật pháp. Những ưu tư về các nan đề chủ yếu của thời đại là: Chúng ta đang ở đâu, sẽ đi về đâu và được phép hy vọng gì? Làm sao ngăn ngừa baọ lực và thực hiện hoà bình? Và tại sao những nỗ lực phải dựa trên cơ sở đạo đức?

Đã đến lúc vấn đề hoà bình trong bối cảnh chung của thế giới đang biến đổi cần được đặt ra mà cụ thể là vai trò của các tác nhân quốc tế và quốc gia, quy định của thể chế, bản chất của con nguời và nguyên nhân của việc sử dụng bạo lực, và quan trọng nhất là các phương tiện và kỹ thuật để phục vụ cho hoà bình.

Nói chung, có nhiều phân tích đạo đức cho hoà bình thế giới, nhưng kỳ thực các ý kiến này là quá mênh mông mà đạo đức học lại không thể nghiên cứu hết các hậu quả phức tạp của việc hợp tác quốc tế để ngăn ngừa và giải quyết xung đột và theo dõi diễn biến của bối cảnh hậu xung đột. Học giới luật quốc tế không chú trọng đến khiá cạnh đạo đức khi đề ra luật áp dụng mà việc áp đặt luật pháp, tự nó, sẽ không giải quyết được thù hận đã hằn sâu trong lòng người và tham vọng dành quyền lực còn tiếp tục. Nhưng bi quan nhất là việc điều hành của cơ quan Liên Hiệp Quốc (LHQ) đang bị chìm đắm trong bối cảnh hỗn loạn chính trị và bất trắc kinh tế thế giới, nên bất lực trong khả năng bối đấp cho hoà bình.

Dĩ nhiên, đã có nhiều nỗ lực khác nhau cho việc xây dựng hòa bình, thí dụ như triết giới cố tìm những căn bản trách nhiệm mới cho cá nhân, doanh nghiệp và thể chế trong việc cải thiện trật tự thế giới. Luật giới tìm cách thay đổi luật chiến tranh để thích ứng với tình hình. Cơ quan LHQ cũng khởi động cải cách toàn diện hơn với hy vọng là sẽ có nhiều thẩm quyền và phương tiện để hoàn thành sứ mệnh về hoà bình.

Trong chiều hướng này, Cựu Tổng Thư Ký LHQ Boutros Boutros-Ghali lập luận là: “Muốn các hoạt động kiến tạo và gìn giữ hòa bình đạt được thành công, chúng ta cần có những nỗ lực tìm hiểu và hỗ trợ những cấu trúc nhằm cũng cố hoà bình và nâng cao ý nghiã của niềm tin và phúc lợi cho tất cả mọi người." Đây là mục tiêu đáng được chúng ta theo đuổi.

Bản tham luận này đề xuất một cuộc đối thoại giữa hai lĩnh vực Phật học và Luật học chuyên nghiên cứu về hoà bình nhằm mục đích là cả hai sẽ đạt đến một sự hợp tác có ý nghĩa hơn. Trong khi hợp tác thể chế đem lại nhiều lợi điểm cho việc tăng cường vai trò của luật pháp, thì hiểu biết về nhân tính theo quan điểm của Phật giáo lại càng thiết yếu hơn trong lĩnh vực giáo dục. Muốn đạt thành quả này, một khảo hướng liên ngành hoà bình theo triết học của Kant và Phật giáo là một ý kiến mới. Tham luận sau đây sẽ trình bày lý tưởng tổng hợp này. Tác giả sẽ thảo luận về một đường lối dựa trên phương cách đạo đức của luật quốc tế và dùng phương cách tiếp cận này làm định hình cho các nhu cầu nghiên cứu trong tương lai.

Tác giả sẽ theo một trình tự thảo luận như sau. Phần khởi đầu trình bày về ý nghĩa của hoà bình. Phần hai giới thiệu khái quát về nội dung tác phẩm “Hướng Về Một Nền Hoà Bình Vĩnh Cữu - Một Sơ Thảo Triết Học“ của Kant. Phần ba tóm lược quan điểm của Phật giáo về hòa bình, đặc biệt nhất là nguyên nhân sử dụng bạo lực và phương cách giải quyết. Để kết thúc tác giả kết hợp hai khảo hướng và định hình một khuôn mẫu giá trị mới cho việc nghiên cứu hòa bình thế giới.

Nếu hai lĩnh vực kết hợp được nhau, thì khảo hướng này sẽ mang đến những biện pháp cụ thể bất bạo động để giải quyết các tranh chấp, bất kể bắt nguồn từ đâu, giữa các cá

nhân, đoàn thể xã hội hay các chính quyền.

Ý Nghĩa Của Hoà Bình

Ý Nghiã Truyền Thống

Hoà bình không phải là một khái niệm mới mà đã có từ trong những truyền thống văn hoá ngàn xưa, đặc biệt nhất là tại Trung Quốc, và một trong những triết gia tiêu biểu nhất là Lão Tử. Ông sống vào khoảng thế kỷ VI trước Công nguyên và là tác giả Đạo Đức Kinh. Trong tác phẩm này, Lão Tử bàn đến những hình ảnh an hoà của nước và gió. Dù đặc điểm của cả hai là mềm yếu nhưng đó chính là hai phương tiện cực kỳ hữu dụng, còn mạnh hơn sắt và đá. Vì đặc điểm này mà ông khuyên giới lãnh đạo quân sự nên thông minh hơn để tìm cách sử dụng trong các chiến lược quân sự.

Ngược lại, Mặc Tử (468-391 trước Công nguyên) có quan điểm hiếu hoà và lập luận là tình yêu là một giá trị đạo đức nhân sinh phổ quát và hoà bình là một mục tiêu nhân bản đáng tôn trọng nhất và luôn nằm trong tầm tay của con người. Nói một cách đơn giản, ông cho rằng: “Hãy làm điều thiện cho tha nhân, thì tha nhân đối xử tốt đẹp với ta." Nhưng quan trọng nhất có lẽ là Khổng Tử, (551- 479 trước Công nguyên) tác giả Luận Ngữ. Ông lập luận là hoà bình là một tình trạng an hoà trong xã hội và cũng là một mục tiêu tối hậu của con người. Để đạt đến mục tiêu này ta phải đối xử với thuộc hạ giống như đối với bậc trưởng thượng.

Lý tưởng về hoà bình cũng có nền tảng trong Thiên Chuá giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo. Theo nhận xét chung của các sử gia thì các tôn giáo này là hiếu chiến lúc cổ thời. Các Đấng Abraham, Mose và David được mô tả là một khuôn mặt đấu tranh trong Cựu Ước và những người Do Thái là những chiến binh không khoan nhượng. Qua thời gian các truyền thống đều thay đổi, nhất là trong Thiên Chúa giáo. Tình yêu thương và tinh thần bất bạo động được đề ra trong Tân Ước, thí dụ điển hình là khi Đức Chuá Jesus có nói với tín hữu trong thông điệp về Hoà Bình của Ngài: “Ta xin gởi lòng bình an đến anh chị em."

Khác hằn với truyền thống tôn giáo, hòa bình không phải là vấn đề nổi bật trong nền văn hoá thời cổ của Hy Lạp, vì hầu như không có một khái niêm nào rõ rệt về chiến tranh hay hoà bình. Thuycydides là một sử gia, tác giả Đối thoại Melian, đề xuất là quân bình cấu trúc quyền lực là thiết yếu và phải được duy trì để kiến tạo hoà bình tại các thành phố của Hellas. Trong tác phẩm lịch sử về chiến cuộc Peloponnesian, ông cho là thoả ước giữa các quốc gia là có tầm quan trọng và chính giới phải nỗ lực để tránh làm tan vỡ kết ước. Ngay trên bãi chiến trường, tướng lãnh cũng phải đối xử bình đẳng và tôn trọng kẻ thù. Trong chiều hướng này, Aristote trong tác phẩm về đạo đức Nichomachean, cổ vũ vai trò mậu dịch và hợp tác để đạt đến hoà bình, mặc dù trong thực tế nhiều cuộc chiến thảm khốc xảy ra trong thời này.

Ý Nghiã Hiện Đại

Hiện nay đã có nhiều nghiên cứu về các ý nghiã dị biệt của hoà bình. Theo nghĩa rộng, hoà bình được hiểu chung là hạnh phúc, hoà hợp, công bình, tự do và có hai khiá cạnh là tích cực và tiêu cực. Tích cực có nghiã là các thành tố đóng góp cho tình trạng hoà bình của cá nhân và xã hội đạt được mơ ước. Tình trạng cá nhân đó là sự bình yên nội tại trong con người và an hoà xã hội nhằm chỉ sự hoà hợp của các cá nhân khi chung sống. Hoà bình theo nghĩa tiêu cực được hiểu là sự vắng mặt của chiến tranh hay các hình thức khác của các xung đột. Hình thức tiêu cực này lại hỗ trợ tích cực cho hoà bình trong thời kỳ thương thuyết, bởi vì các phe lâm chiến đang cần đình chỉ giao tranh.

Thực ra, hoà bình theo nghĩa tiêu cực không luôn là một giải pháp tương ứng tốt đẹp, vì đó cũng có thể là do ý chí chính trị của kẻ mạnh đối với kẻ yếu, thí dụ như hoà bình dưới thời đế quốc La Mã. Hoà bình là nhờ có bạo chúa đàn áp khi áp dụng luật La Mã, kết quả của chế độ nô lệ và độc tài và vì thế mà không thể gọi là hoà bình theo một ý nghĩa chân chính.

Theo trào lưu chung các nhà nghiên cứu quan tâm nhiều hơn về tầm quan trọng của hoà bình theo ý nghĩa tích cực. Họ lập luận là sử dụng bạo lực trực tiếp và kết quả bi thảm của đàn áp dễ nhận ra hơn. Vì thế mà họ giải thích nguyên nhân của xung đột là do sử dụng bạo lực theo tính cấu trúc mà các khía cạnh xã hội, văn hoá và kinh tế là vấn đề cần tìm hiểu.

Từ Điển Quốc tế Webster định nghiã hoà bình theo những chuẩn mực như sau: thoát khỏi những phẫn nộ hay hỗn loạn của dân chúng; tình trạng bình yên chung, an toàn hay ổn định trong phạm vi một cộng đồng tạo nên do luật pháp, phong tục hay công luận; trạng thái tâm linh hay tinh thần được đánh dấu bởi vì không còn lo âu do những tư tưởng đàn áp hay cảm xúc và cuối cùng là tình trạng hoà hợp giữ các chính quyền, nhất là khi không còn thù hận hay chiến tranh.

Tóm lại, chúng ta có thể kết luận là hoà bình là tình yêu thương, hoà hợp và công bình. Hai khía cạnh tích cực và tiêu cực đều quan trọng và bổ sung nhau. Kiến tạo và gìn giữ hoà bình là một nhu cầu ưu tiên thiết yếu cho nhân loại hôm nay.

Quan Điểm Của Kant

Bối Cảnh

Từ đầu thế kỷ XVII các chuyên gia luật quốc tế bắt đầu quan tâm đến vấn đề tính hợp pháp hay bất hợp pháp của chiến tranh và Grotius là luật gia đầu tiên đề ra nền tảng qua tác phẩm The Law of War and Peace (1625). Ông đề xuất một vài quy luật nhằm làm xoa dịu cho luật thời chiến, nhưng không phân biệt rõ giữa luật pháp và đạo đức cho chiến tranh.


immanuel-kantjpg

Hoà Ước Westphalia ra đời vào năm 1648 và đánh dấu một khởi điểm cho sự phát triển chính trị tại châu Âu vì một hệ thống mới của các quốc gia được hình thành.

Thế kỷ XVIII là kỷ nguyên khai sáng cho châu Âu và hoà bình là một đề tài của môt số nhà tư tưởng lừng danh như Puffendorf, Vattel, Hobbes, Montesqiueu và Rousseau. Nhưng Abbé de Saint Pierre là người đầu tiên đặt vấn đề hoà bình vĩnh cữu theo quan điểm của khoa học chính trị qua tác phẩm “Đề Án Về Một Nền Hoà Bình Vĩnh Cữu Cho Châu Âu“, Projet pour rendre la paix perpétuelle en Europe“, I-II (1713), and III, (1717).

Đối diện với tình hình ngày càng bất ổn, Saint Pierre hoạch định một liên minh để ngăn chận sự bành trướng của Đế Quốc Ottoman và cổ vũ thiết lập một nền hoà bình vĩnh cữu giữa các quốc gia. Đề nghị này gặp nhiều phản bác của Rousseau, Leibnitz và Voltaire vì lý tưởng này là bất khả thi về mặt chính trị.

Trước bối cảnh này, Immanuel Kant (1724-1804) xuất bản tác phẩm “Zum Ewigen Frieden, Ein Philosophischer Entwurf“ (1795) (Huớng Về Một Nền Hòa Bình Vĩnh Cữu - Một Sơ Thảo Triết Học) sau khi ông đã triển khai hệ thống tư duy về phê phán thuần lý. Ông nghĩ là đã đến lúc cần phải quan tâm nhiều hơn về tính khả thi các nguyên tắc đạo đức mà ông đã đề ra. Sơ thảo này soi sáng những vấn đề triết học cho nguyên tắc sống chung hoà bình giữa các dân tộc và quốc gia. Ông bị tác động mạnh bởi công cuộc đấu tranh giành độc lập của Hoa Kỳ và thành công của cách mạng Pháp. Với sự phát triển này thì hệ thống chính trị phong kiến tại châu Âu đã đến lúc suy tàn, phải được thay thế bằng thể chế dân chủ và cần có một liên minh giữa các quốc gia để cùng theo đuổi một mục tiêu cao cả. Nếu các quốc gia hợp tác chặt chẽ nhau, thì thế giới sẽ được an bình và thịnh vượng. Để bảo vệ hoà bình vĩnh cữu, cần phải có tinh thần thương mại giữa các quốc gia và nền tảng đạo đức của luật quốc tế. Uớc mơ này khó thành tựu vì những lý do khách quan. Nhưng điều làm chúng ta quan tâm nhất là phải ý thức tầm quan trọng của việc kiến tạo hoà bình và tìm cách tạo ra những phương tiện để tiến gần đến mục tiêu.

Ý Nghiã của Hoà Bình

Theo Kant, hòa bình không phải là một tình trạng tự nhiên trong xã hội và phải được con người thiết lập vô điều kiện. Chúng ta có thể an hưởng một cuộc đình chiến, nhưng không thể coi đó là một hoà bình đích thực và vĩnh cữu, vì vẫn còn sống trong một tình trạng nguy hiểm thường trực và khả năng bùng nổ của những thù nghịch. Bao lâu mà các giới chức ngoại giao vẫn còn có tư tưởng thầm kín về một cuộc chiến tương lai, thì một loại hoà ước như vậy không có giá trị.

Tìm kiếm hoà bình là thực hiện hoà bình được vĩnh cữu. Muốn đạt được, hoà uớc phải ký kết trong một sự thành tín đích thực dựa trên quan điểm đạo đức. Đạo đức của Kant hướng dẫn chúng ta biết về những gì phải làm và không nên làm. Theo ông, có hai loại cưỡng chế, một là có tính giả thuyết và hai là có tính mệnh lệnh hay quyết liệt.

Cưỡng chế theo giả thuyết có nghĩa là một loại mệnh lệnh của lý trí được áp dụng tùy theo điều kiện cụ thể để đạt được một mục tiêu xác định. Loại thứ hai của cưỡng chế là mệnh lệnh dứt khoát hay quyết liệt, có nghiã là lý trí của chúng ta phải tuân thủ mà bất kể là chúng ta có muốn hay không. Chúng ta phải thực hiện nghiã vụ đạo đức này vì đó là một giá trị tự tại và trở thành một nghiã vụ phổ quát.

Đó chính là lý do tại sao mà một nền hoà bình vĩnh cữu không thuần túy là một ước muốn cá nhân về một tình trạng bình yên tạm thời hay ngay cả sự sống còn, đó không phải là kết quả việc thoát khỏi sợ hải hay theo đuổi hạnh phúc. Tìm kiếm hoà bình là một loại cưỡng chế dứt khoát, mệnh lệnh của lý trí thuần túy và là bổn phận đạo đức cho tất cả mọi người. Chúng ta phải tìm kiếm hoà bình, vì hoà bình là một điều tốt đẹp tự tại cho tất cả mọi người.

Một giải pháp tạm thời không luôn đem lại thoả mãn và chiến thắng sau cùng cũng không được vững bền. Vì thế mà hoà bình không phải chỉ là sự vắng mặt của chiến tranh, mà là nỗ lực tự thực hiện, phải đến từ trong hành động có ý thức của cá nhân và tập thể. Nỗ lực này đạt đến tính trường cữu và không bị ràng buộc bởi bất cứ điều kiện nào và phải đưa tới một tình trạng tuyệt đối làm cho chiến tranh không thể xảy ra. Điểm chủ yếu là chúng ta làm thế nào tạo những điều kiện chuẩn bị cho hoà bình

Những Điều Kiện Kiến Tạo Hoà Bình

Tình trạng hoà bình phải được thiết lập, không phải là một tình trạng tự nhiên, vì tự nhiên là còn bị đe dọa thường trực do chiến tranh ngấm ngầm, cho dù không hề có một hành vi thù nghịch nào công khai.

Tình trạng tự nhiên có ảnh hưởng đến nhân tính. Kant nghi ngờ về thiện tính của con người cho dù nhân tính có rất nhiều đặc điểm, thí dụ như yêu thương, hy sinh, hoà ái, mãn nguyện, bất bình, thù ghét, vô cảm, không hoà hợp và cạnh tranh vv…. Tất cả mọi đặc điểm này là những yếu tố giúp ta quyết định hành động, là động cơ chủ yếu cho ta có quyền gây sự và gây chiến. Lý do này hiển nhiên, vì những gì mà chúng làm không nhằm phục vụ cho hoà bình như là một quy luật phổ quát, nhưng là cách để cho chúng ta sử dụng bạo lực. Chúng ta tạo chủ động trong mọi hành vi của mình. Cuối cùng, chúng ta hủy diệt nhau và chỉ còn tìm thấy một nền hoà bình vĩnh cữu trong những nghiã trang rộng lớn, nơi che khuất mọi tội ác đáng bị trừng phạt.

Tình trạng tự nhiên không luôn mang lại an bình và cần chuyển hoá với tương thuận của dân chúng qua hợp đồng. Để thực hiện cần phải có một số điều kiện tích cực và tiêu cực mà Kant gọi là những điều khoản sơ bộ và chung quyết. Sáu điều khoản sơ bộ đầu tiên này là những điều kiện tiêu cực.

Những Điều Khoản Sơ Bộ

1. Hoà ước không có hiệu lực khi có những điều khoản bảo lưu để chuẩn bị điều kiện vật chất cho một cuộc chiến trong tương lai.

Chúng ta có thể an hưởng một tình trạng đình chiến lâm thời, nhưng đó không phải là hoà bình vô hạn, vì không ai tạo niềm tin cho việc kiến tạo hòa bình và các phe còn đang hoạch định cho một cuộc chiến trong tương lai. Chiến thuật này không được tín nhiệm và hoà ước soạn thảo trong tình trạng này không hiệu lực.

2. Không có một quốc gia độc lập nào, dù lớn hay nhỏ, điều này không quan trọng, có thể được thụ đắc qua cách chia di sản, trao đổi, mua bán hay tặng dữ.

Sự cấm đoán này có nhiều lý do, nhưng quan trọng nhất là bắt nguồn từ một hợp đồng nguyên thủy giữa nhà nước và dân chúng mà xã hội sẽ định đoạt về vấn đề vẹn toàn lãnh thổ. Chính quyền không thể coi lãnh thổ như là một loại tài sản riêng, đem ra mua bán và không tham khảo ý kiến người dân, đây là chuyện không được phép. Điều khoản này không những được áp dụng trong quá khứ mà còn cho tương lai.

3. Quân đội thường trực phải giải giới qua thời gian.

Huấn luyện quân sự tự nguyện và thường xuyên là cần thiết cho nhu cầu quốc phòng. Quân đội chỉ nhằm sử dụng cho nhu cầu phòng vệ mà không để hủy diệt đối phương. Thế giới giống như đang sống trong chiến tranh khi quân đội các quốc gia luôn đe doạ lẫn nhau. Luôn chạy đua vũ trang thì không thì tránh được chiến tranh. Vũ trang đến một mức độ nào đó, thì gây chiến ngắn hạn sẽ hữu hiệu hơn là thương thuyết, vì gây chiến thường ít tốn kém hơn là nỗ lực kiến tạo hoà bình. Có ba loại quyền lực chủ yếu cho quốc gia: liên minh chính trị, tài chính và quân đội, nhưng quân đội tác hại nhất vì khích động bất ổn ở ngoài nước và thúc đẩy gây hấn trong nước.

4. Nợ công không thể đưọc giải quyết qua hình thức kết ước trong mối quan hệ đối ngoại.

Về mặt lý thuyết, chính quyền phải xử lý vấn đề nợ công cực kỳ cẩn trọng, vay nợ là cần thiết để dùng trong mục tiêu xây dựng, thí dụ như để phát triển cơ sơ hạ tầng và đầu tư cho sản xuất, nhưng tuyệt đối không nên dùng tín dụng ngoại quốc để tài trợ cho tấn công quân sự. Khi nợ công chồng chất và quyền đòi nợ của chủ nợ kéo dài vô tận, thì quyền lực chính trị của chủ nợ tăng cao.

Về mặt thực tế, khi thuế thu không đủ trả lãi và các biện pháp kinh tế không đem lại hồi phục và quân bình kinh tế, thì tất yếu xung đột về những biện pháp bình ổn trong ngắn hạn và duy trì nợ công trong dài hạn sẽ xảy ra. Khi tình hình tài chính mong manh thì chính trị quốc nội dễ bị xáo trộn và khả năng gây chiến giữ các nước gia tăng.

5. Không một quốc gia nào có quyền can thiệp bằng bạo lực vào hiến pháp và chính quyền nước khác.

Không một nước nào được phép tạo điều tai tiếng hay xúc phạm nước khác. Các nước chỉ giới hạn can thiệp nhằm cảnh báo cho nước khác biết là đang ở trong một tình trạng vô luật pháp.Tuy nhiên, khi quốc gia đã được tách rời thành hai nước mới, thì sự can thiệp là có lý do hợp pháp.

6. Không một quốc gia lâm chiến nào được phép gây ra những biện pháp thù nghịch làm cho sự tin tưởng nhau không còn, thí dụ như sử dụng độc chất để giết người, tìm cách hủy bỏ việc đầu hàng, khiêu khích gây nên tình trạng lừa đảo và thù nghịch.

Ngôn ngữ hiếu hoà của giới ngoại giao không thể gây tín nhiệm, nếu họ dùng những chiến thuật bất xứng nêu trên trong lúc thương thuyết. Không có những biện pháp xây dựng niềm tin mà giới ngoại giao chỉ dùng sức mạnh, thì cuối cùng họ sẽ buộc đối thủ rơi vào một tình trạng tự nhiên vô luật lệ và còn cách là lâm chiến. Vì giữa các quốc gia có sự bình đẳng và không có một hệ thống tài phán quốc tế, nên không một phe lâm chiến nào có thể tự tuyên bố là cuộc chiến của mình gây ra là có chính nghiã hay xem đây là một hình thức trừng phạt. Gây chiến theo hình thức này phải bị cấm đoán.

Điều Khoản Chung Quyết

1. Hiến pháp dân sự của từng quốc gia phải theo thể chế công hoà.

Hiến pháp theo thể chế cộng hòa gồm có ba đặc điểm: người dân được hưởng quyền tự do, bình đẳng và phải thượng tôn luật pháp.

Khi người dân ý thức về các phí tổn vật chất và nhân mạng, tổ chức hậu cần lúc gây chiến và kiến tạo hoà bình, thì họ phải có quyền rà soát các loại phí tổn này trước khi quyết định lâm chiến. Ngược lại, các vị vua chuá, dù không tham gia trực tiếp chiến đấu, nhưng lại nhân danh quốc gia để tuyên chiến. Dĩ nhiên, vua chuá không chiụ trách nhiệm về mặt hình luật hay giải trình chính trị.

Có hai loại hiến pháp cộng hoà và dân chủ. Hiến pháp cộng hòa đề cập đến hình thức của chính quyền trong khi hiến pháp dân chủ quan tâm đến quyền tối thượng. Vấn đề cơ bản của hiến định là ai cai trị (độc tài, qúy tộc hay dân chủ) và được cai trị như thế nào (cộng hòa hay chuyên chế).

Dân chủ nghiã là chính quyền thuộc về đa số của nhân dân, không phải do bầu cử giữa những nhóm lãnh đạo hay giữa các chính khách. Ý muốn dân chủ của đa số sẽ là chuyên chính và dân chủ là một chuyên chính tất yếu, vì dân chủ quy định quyền cai trị của hành pháp.

Thể chế cộng hoà tách rời quyền hành pháp ra khỏi quyền lập pháp của chính quyền. Nếu đa số làm luật, thì đa số này không có quyền thi hành luật, vì như vậy sẽ không phù hợp với thể chế cộng hoà. Nói đơn giản hơn, phân quyền là thiết yếu. Theo định nghiã này thì tinh thần đại nghị không thể đạt được trong một chính quyền dân chủ, vì nói là dân chủ nhưng thực ra chỉ là đa số tương đối, trong khi ý chí chung tự nó thể hiện tương phản với lý tưởng tự do tuyệt đối.

Số lượng nhà lãnh đạo, hay giới hành pháp càng ít thì tinh thần của chế độ đại nghị càng thể hiện rõ. Chính quyền theo thể chế cộng hòa cai trị tốt hơn. Nguyên tắc cộng hoà ủy nhiệm quyền lập pháp và hành pháp cho đa số. Quân chủ và qúy tộc luôn dè dặt trong việc cải cách toàn diện thể chế cộng hoà trong khi dân chủ lại có quá nhiều đấu tranh bạo động.

2. Luật quốc tế phải dựa trên nền tảng của liên bang các quốc gia tự do.

Chiến tranh là một tình trang vô luật lệ và phá hủy tàn bạo nhân loại. Tình trạng phúc lợi, phát triển và an ninh của một quốc gia hoàn toàn tùy thuộc vào tình trạng của quốc gia khác. Do đó, mối quan hệ hoà bình phải dựa trên quyền lợi hỗ tương. Mỗi quốc gia có quyền đòi hỏi quốc gia khác tham gia vào một liên minh hoà bình trên cơ sở pháp luật. Chính vì tình trạng bình đẳng giữa các quốc gia mà không thể có vấn đề thứ bậc trên dưới giữa các quốc gia và các dân tộc.

Thực tế cho thấy cường quốc luôn dùng lập luận biện giải cho các hành vi xâm lăng của mình là hợp pháp, xem thường yêu sách của tiểu quốc và hủy diệt mối quan hệ tự nhiên. Vì không có một hệ thống tài phán quốc tế nên cường quốc dễ dàng cưỡng chế quyền của mình và nếu thấy cần sẽ gây chiến để bảo vệ.

Mục tiêu của việc thiết lập liên bang hoà bình là ngăn ngừa chiến tranh. Luật pháp phải cấm đoán gây chiến và phải tạo điều kiện kiến tạo hoà bình. Nhưng chỉ kêu gọi xây dựng hòa bình thì chưa đủ. Liên minh quốc tế vì hoà bình không thể chỉ đem lại ngưng chiến cho một cuộc chiến đặc biệt mà cho tất cả mọi cuộc chiến trong mọi hoàn cảnh và mọi thời gian. Nếu nguyên tắc này được phổ biến thông qua liên minh và có được sự đồng tình của các quốc gia thì với thời gian liên minh quốc tế vì hoà bình sẽ khả thi.

3. Quyền công dân trong thế giới đại đồng phải bị hạn chế, khi mà điều kiện hiếu khách không cho phép.

Về mặt lý thuyết, bảo vệ ngoại kiều không nhằm vào mục tiêu nhân đạo mà là nhân quyền, vì không có bất cứ ai trên quả đất này có nhiều quyền hơn người khác. Người ta bắt đầu thông đạt và thông cảm nhau qua việc sử dụng ngôn ngữ chung và thiết lập hệ thống luật pháp trên điạ cầu. Càng gần nhau qua công việc và cùng thông cảm nhau qua những giá trị và trách nhiệm chung, thì thái độ của con người đối với thế giới và đồng loại sẽ thay đổi. Thí dụ như vấn đề vi phạm nhân quyền ở một nơi thật xa xôi nào đó sẽ được cộng đồng nhân loại cùng quan tâm, vì lòng người và tâm trí cùng trải rộng và cùng nhạy cảm trong một thế giới tương thuộc. Đó chính là lý tưởng và chuẩn mực chung để đưa tới việc du nhập về quyền công dân đại đồng.

Về mặt thực tế, người ngoại quốc không thể bị đối xữ như kẻ thù. Luật pháp phải cấm đoán sự phân biệt như vậy. Lòng hiếu khách, cho dù mở ra, nhưng cũng phải bị giới hạn trong mức độ là người ngoại quốc phải tuân thủ theo luật lệ điạ phương. Khi sống phù hợp với luật pháp, họ có quyền lưu trú trong một thời gian dài, nhưng quyền cư trú này không bắt nguồn từ một hợp đồng gia ân đặc biệt, vì thực ra quyền này bị giới hạn bởi thời gian.

Tóm lại, chiến tranh là một tình trạng tự nhiên và hoà bình là một tình trạng do luật pháp tạo dựng, mà phương cách là biết sử dụng luật pháp như một phương tiên. Để kiến tạo hoà bình chúng ta cần một hiến pháp cộng hoà, một liên minh quốc tế hoà bình và luật về quyền công dân đại đồng. Nhưng để có những điều kiện này chúng ta cần nguyên tắc bình đẳng, tự do, trong sáng giữa các quốc gia và các dân tộc.

Những rào cản cho hoà bình không phải là vì chúng ta bất lực trong việc giới hạn những khuynh hướng gây chiến mà là vì thiếu khả năng phát hiện khi nào chiến tranh sẽ xảy ra. Kant cho rằng con người hiếm khi có được tình trạng thuần lý bởi vì thiếu tinh thần phê phán khách quan.

Phụ đính I: Những Bảo Đảm Cho Hoà Bình

Trong phần phụ đính Kant đề ra những điều kiện bổ túc nhằm bảo đảm cho hoà bình, đó là vai trò của thiên nhiên, các mật ước, sự đóng góp của trí thức, tinh thần hài hoà của đạo đức và chính trị và nguyên tắc trong sáng trong luật công.

Thiên nhiên là một nghệ sĩ vĩ đại có vai trò sáng tạo trong việc đem lại sự hoà hợp cho con người, ngay cả việc chống lại ý muốn của con người. Chúng ta quan sát sự biến đổi của thiên nhiên và giải thích theo luật nhân quả mà chúng ta có thể kiểm chứng được. Dù kết quả này như thế nào, thì chúng ta cũng không thể đo luờng bằng cách so với ý muốn của Thượng Đế. Chúng ta không biết rõ về cơ chế hoạt động của thiên nhiên mà chỉ suy đoán về quyền năng sáng tạo của Thượng Đế trong việc quy định những tiến trình này, nhưng lại không thể trắc nghiệm ý nguyện này trong thực tế và chỉ so sánh với hoạt động tương ứng của con người. Mưu tìm hoà bình phải dựa trên bổn phận đạo đức và lý thuyết hoà bình, nên không thể căn cứ vào niềm tin tôn giáo.

Thiên nhiên thu xếp cho con người sống chung nhau theo ba cách: dù ở bất cứ nơi nào trên quả điạ cầu, thiên nhiên cũng cung ứng phương tiện tối thiểu cho việc sinh tồn. Chiến tranh bộc phát buộc con người tản lạc và cùng quy tụ về sống chung nhau; mối quan hệ xã hội giữa con người không do thiên nhiên bảo vệ, nhưng quy luật chung sống được hình thành qua hai hình thức: sự thành lập quốc gia và trao đổi hàng hoá qua mậu dịch. Thái độ chăm sóc của thiên nhiên dành cho con người là một phép lạ mà sự phát triển ngôn ngữ và các phương tiện trồng trọt thời sơ khai là những thí dụ điển hình.

Có ba lĩnh vực mà con người tham gia để thoả mãn ý muốn của thiên nhiên: luật công, luật quốc tế và luật về quyền đại đồng của công dân.

Th nhất, dân chúng phải đoàn kết để tự vệ chống chiến tranh và tham gia vào việc sống chung bằng cách tuân thủ luật công của chính quyền. Hiến pháp cộng hoà là một khuôn khổ để bảo vệ quyền lợi của người dân. Thực tế cho thấy việc lập hiến và duy trì tinh thần bảo hiến rất khó, vì trình độ phát triển của xã hội còn nhiều dị biệt. Khi nhà nưóc tổ chức hoàn chỉnh là một vấn đề, nhưng tinh thần công dân tốt lại là một vấn đề khác. Cải thiện đạo đức cho dân chúng rất quan trọng trong việc đem lại an lạc cho xã hội, nhưng chức năng của một hiến pháp tốt đẹp sẽ làm nền tảng cho tình thần đạo đức của con người và không có tình trạng ngược lại. Mọi quốc gia cần có một hiến pháp tốt đẹp và tinh thần công dân tốt, trong khi xã hội cần có một nền cơ sở vững mạnh cho việc xây dựng đạo đức.

Thứ hai, lý do để dân chúng sống cách biệt nhau là vì có dị biệt ngôn ngữ và tôn giáo. Hai đặc điểm này là nguyên nhân cho sự phân hoá xã hội và chính trị. Nhưng luật quốc tế là một phương tiện nối kết hữu hiệu, nhất là khi mỗi quốc gia giữ được mối quan hệ hoà ái với lân bang. Quan trọng hơn, liên minh cho hoà bình là một chiến lược để ngăn ngừa chiến tranh bởi vì tinh thần thần tối thượng của luật quốc tế được tôn trọng. Hoà bình khi do luật pháp tạo ra không thể giống như loại hoà bình do cường quốc áp đặt. Trật tự xã hội do luật pháp mang lại không giống như trật tự do nhà độc tài đề ra.

Thứ ba, áp dụng luật quốc tế về quyền công dân sẽ nối kết cộng đồng quốc tế tạo ra các quyền lợi hỗ tương. Qua thời gian, các nổ lực này sẽ mang lại kết quả, mà không phải quyền lợi vị kỷ, quyền lợi địa phương và quốc gia mà chính tinh thần trao đổi thương mại sẽ duy trì hoà bình quốc tế.

Phụ Đính II: Các Mật Ước Cho Hoà Bình

Mật ước là chuyện nghịch lý với nguyên tắc trong sáng của luật quốc tế. Thực ra, thu xếp trong bóng hậu trường chính trị thường xảy ra, vì có nhiều lý do khác nhau, nhưng có lẽ quan trọng nhất là việc giới ngoại giao muốn che dấu các hành vi của mình gây ra. Những thoả hiệp không chính thức trong thời kỳ đàm phán là điều có thể hiểu đưọc và chính vì thế mà cũng được phép làm.

Chính sách đối ngoại không phải là một công tác dành riêng cho giới ngoại giao hay là một chương trình nghị sự của nhà lập pháp, mà kỳ thực là một mối quan tâm chung của giới trí thức. Chính quyền vì thế cũng nên tham khảo ý kiến của họ. Ý kiến đóng góp của học giả và triết gia là quan trọng, chính quyền cũng nên tôn trọng để cho giới này tự do phát biểu ý kiến chuyên môn. Nói chung giới trí thức không có tham vọng nắm quyền và gây áp lực chính giới.

Phụ lục I: Sự Đối Nghịch Giữa Đạo Đức và Chính Trị

Về mặt lý thuyết, hầu như không có mâu thuẫn giữa đạo đức và chính trị, vì hai phạm vi này dựa trên cơ sở lý thuyết về quyền luật định. Chính trị thì theo hướng thực tiễn trong khi đạo đức lại ngã về lý thuyết. Nếu nhìn theo khía cạnh đóng góp cho hoà bình thì hai lĩnh vực này có thể gặp nhau.

Về mặt thực tế, xung đột quyền lợi không dễ giải quyết bởi vì một chính khách có tấm lòng đạo đức và một nhà đạo đức học về lĩnh vực chính trị theo đuổi những mục tiêu khác nhau. Một chính khách có lòng đạo đức quan tâm tới việc chọn lựa nguyên tắc chính trị phù hợp với suy nghĩ đạo đức, trong khi nhà đạo đúc học về chính trị muốn tìm cách phục vụ cho quyền lợi của chính khách. Trong khi nhà đạo đức trở thành độc đoán vi phạm quy luật về khôn ngoan trong chính trị, thì một chính khách thấm nhuần đạo đức không có khả năng đề ra cải cách, cả hai tạo kết quả không như mơ ước, vì thế mà các quyết định sai lầm trong chính trị và đạo đức trở nên tồi tệ hơn. Cuối cùng, cả hai không giúp gì trong việc cải thiện tình hình.

Để thay đổi, Kant đề xuất là chúng ta hãy theo một nguyên tắc hình thức của lý trí thuần túy: "Anh hãy hành động sao cho hành động của anh trở thành một phương châm và là một quy luật phổ quát mà không kể đến cứu cánh". Chúng ta thể hiện hành động vì mục tiêu đạo đức mà không cần quan tâm đến kết quả và theo ông có hai cách để thực hiện.

Thứ nhất, nhà đạo đức học về chính trị nên xem luật quốc tế và luật đại đồng về quyền công dân như là một vấn đề kỹ thuật và sự cẩn trọng trong chính trị là một giá trị phương tiện. Thứ hai, chính khách có lòng đạo đức nên xem việc kiến tạo hoà bình là một nghĩa vụ, một loại khôn ngoan về đạo đức và giá trị nội tại. Cả hai giới có thể hợp tác nhau vì một chính sách với lòng thành tín sẽ đạt hiệu năng.

Phụ đính II: Sự Hoà Hợp Của Đạo Đức Và Chính Trị

Nguyên tắc trong sáng đòi hỏi luật công phải được công bố, một đặc điểm đạo đức và pháp lý. Một người kiện trước toà sẽ thất bại khi không trích dẫn luật pháp. Nguyên tắc này được áp dụng trong hai lĩnh vực luật quốc gia và quốc tế.

Vấn đề đặt ra cho luật quốc gia là dân chúng có quyền lật đổ ách đàn áp của bạo quyền qua một nổi dậy không. Nguyên tắc công bố sẽ giải quyết được vấn đề này. Dân chúng tự hỏi là họ dám công bố loại vấn đề này trong hiến pháp không. Nếu đã được quy định thì dân chúng có quyền làm như vậy.

Nguyên tắc công bố cũng được áp dụng trong luật quốc tế nếu đó là một công bố về ý chí của mỗi quốc gia và được coi như là một điều kiện pháp lý. Nếu không có công bố thì ý muốn này có giá trị như luật tư và xung đột giữa các quốc gia sẽ giải quyết theo căn bản này. Sự hình thành luật quốc tế rất quan trọng, nếu không có luật, thì hiệu năng của quốc tế công pháp sẽ không đạt được.

Sự hoà hợp giữa luật pháp và đạo đức phải được đo lường bằng tiêu chuẩn pháp luật. Tất cả những nguyên tác này chỉ được thẩm xét theo nguyên tác công bố.

Nhận xét

Kant viết tiểu luận này vào năm 1795 và ảnh hưởng vẫn còn sâu rộng cho đến ngày nay. Thực ra, các triết gia Hobbes, Spinoza, Locke và Rousseau đã có nhiều nghiên cứu về hoà bình theo khảo hướng lý thuyết kết ước xã hội. Nhưng không giống như Kant, các tác giả này không quan tâm đến sự đóng góp cuả luật quốc tế cho hoà bình.

Kant là người đầu tiên đặt toàn diện vấn đề trong nhiều khảo hướng chính trị, đạo đức và nguyên tắc tiên thiên cuả luật quốc tế. Nỗ lực tổng hợp này đã định hình cho khuôn mẩu giá trị mới về lý thuyết kết ước xã hội quốc tế hoá và lý thuyết đạo đức của luật quốc tế.

Kant chứng minh là các nguyên tắc luật pháp, chính trị và đạo đức có thể kết hợp toàn diện nhau, cổ vũ cho quyền tự quyết của cá nhân, các dân tộc và nhân loại, đó chính là động lực thúc đẩy cho hoà bình. Liên minh thế giới cho hoà binh, hiến pháp theo thể chế cộng hoà và một bộ luật quy định về quyền công dân đại đồng, tất cả là phương tiện hữu hiệu để thục hiện mục tiêu. Nguyên tác bình đẳng giữa các dân tộc và bất can thiệp của Kant đề ra sau này được ghi vào Hiến Chương LHQ.

Giới phê bình thì cho là quan điểm của Kant là bất khả thì vì xa vời. Kant không quan tâm đến bối cảnh kiến tạo hoà bình cho quốc gia vì nội tình quá mong manh và cần nhiều biện pháp cụ thể hơn. Còn có nhiều phản bác về mơ tưởng của Kant như sau:

Thứ nhất, Kant suy đoán các văn hoá trên toàn thế giới ban đầu chống nhau nhưng qua thời gian sẽ trưởng thành và hợp tác trong hoà bình. Ước vọng này không phù hợp với thực tế hiện nay. Tình hình chính trị quốc tế cho thấy có xung đột của các nền văn minh và chiến tranh khủng bố trên toàn cầu đang lan rộng, đây là một thì dụ ngược lại.

Thứ hai, Kant lập luận là hoà bình có thể được duy trì qua phát triển mậu dịch. Hiện nay, những biện pháp chống suy thoái kinh tế toàn cầu chứng minh ngược lại. Các quốc gia chủ trương bảo hộ mậu dịch và tiếp tục bảo vệ các lợi điểm này. Một điểm nữa là các nước giàu không có động lực thúc đẩy để giúp cho các nước nghèo và các chương trình viện trợ phát triển kinh tế tỏ ra không hiệu năng. Nguy hiểm về bất ổn đang càng ngày nhiều hơn. Do đó, lập luận bảo vệ hoà bình qua mậu dịch không thuyết phục.

Thứ ba, Kant đề xuất việc thiết lập hiến pháp cộng hòa và đề cao nguyên tác bất can thiệp vào nội tình nước khác. Ngược lại, một chính quyền dân chủ có thể hình thành qua sự can thiệp. Muốn đạt thành quả này việc du nhập một cơ chế nhà nước pháp quyền là thiết yếu. Nhưng nỗ lực này đến nay đều thất baị vì thiếu cơ sở cho việc điều hướng một thể chế công quyền, lãnh đạo cũng không từ bỏ quyền lực độc tài để chấp nhận dân chủ, nhất là khi bạo lực và mầm móng đe doạ bao lực vẫn còn.

Thứ tư, Kant cho rằng những điều kiện sinh hoạt trong tình trạng tự nhiên là giống với tình trạng chiến tranh. Lòng mong muốn sống trong một xã hội an hoà và có tinh thần thượng tôn pháp luât đòi hỏi người dân có một số động lực tham gia nhất định. Nhưng không vì thế mà tổng quát hoá động lực này và cho rằng ý chí của các dân tộc sống chung trong khuôn khổ của luật quốc tế cũng tương tự. Thực ra, có dị biệt giữa hai khiá cạnh hình thành của hai động lực này, duy trì uy lực cưỡng chế luật quốc tế khác và khó hơn luật quốc nội.

Thứ năm, Đệ Nhị thế chiến chấm dứt không phải do hoà ước và toà án hình sư quốc tế xét xữ tội phạm chiến tranh tại Nürmberg và Tokyo cũng không phải là một phương tiện pháp lý hữu hiệu như Kant kỳ vọng.

Cuối cùng và quan trọng nhất, Kant minh định sự tiến hoá tuần tự về thể chế con người là chủ yếu trong việc xây dựng hoà bình thế giới. Những nguyên tắc về luật pháp, đạo đức và chính trị có thể tổng hợp được. Nhưng tương lai một nền hoà bình không thể nào kỳ vọng được vì hợp tác thể chế luôn thất bại, mà lý do chủ yếu vì không thể nào quy kết bổn phận đạo đức của các tác nhân quốc tế và quốc gia một cách rõ rệt, thứ hai là các tác nhân không thể giải quyết vấn đề hoà bình khi dựa và những hậu quả do quyền lợi vị kỷ và quốc gia.

Kant đề ra một phương châm hành động theo một hệ thống chính trị, luật pháp và đạo đức mà ông tin tưởng rằng sẽ hoạt đông hữu hiệu, kỳ thực tất cả mọi nỗ lực điều hướng hiện nay đều thất bại. Chúng ta không thể thực hiện được giấc mơ của Kant, nhưng điều này không có nghiã là ý kiến của Kant hoàn toàn sai lạc, thực ra cần phải đưọc bổ sung. Giải quyết các vấn đề của thế giới ngày nay đòi hỏi thay đổi triệt để hơn.

Để tiếp cận vấn đề, có lẽ một phương cách quan trọng nhất mà chúng ta cần đến đó là tìm hiểu về bản chất nhân tính và nguyên nhân sử dụng bạo lực. Hai quan điểm này có thể tìm thấy trong quan điểm của Phật giaó. Vấn đề là Phật giáo có khả năng để giải quyết những vấn đề bức bách hiện nay hay không sẽ được tóm lược sau đây.

Quan Điểm Cuả Phật Giáo

Bối Cảnh

Cồ Đàm Sĩ Đạt Ta (563-483 trước Công nguyên) là thái tử thuộc dòng Sakya ở phía nam của Nepal ngày nay. Sau khi từ bỏ ngôi báo và suy niệm về những thăng trầm sinh tử, Ngài đạt đến giác ngộ rồi hành đạo và giảng pháp tại Ấn Độ.

Nói chung, Phật giáo không phải là một tôn giáo mà còn là một triết thuyết và quy tắc đạo đức phổ quát, vì Phật giáo không chỉ chuyên chú về tâm linh mà còn có mục đích trao giồi tính hạnh như hiếu hoà, từ bi và an lạc. Mọi người dù khác nhau về văn hoá, hoàn cảnh, tôn giáo đều tự có thể tự tìm cách tiếp cận với Phật giáo để tu tập để có một đời sống tốt đẹp hơn.

Giáo Lý Cơ Bản

Pháp môn của Đức Phật dựa trên quy luật về vũ trụ và nghiệp báo. Hai quy luật này phối hợp vận hành một cách phố quát và bất tử. Hiểu được hai quy luật này chúng ta sẽ hiểu về ý nghĩa đích thực của cuộc đời. Để tìm hiểu chúng ta cần nghiên cứu hai điểm: đau khổ và phưong cách để diệt khổ. Đức Phật giải thích quy luật này qua hai nguyên lý là Tứ Diệu Đế và Lý Nhân Duyên.

Tứ Diệu Đế

Tứ Diệu Dế gồm có bốn phần và cũng là bốn bước chính để chúng ta noi theo, mà cụ thể là

1. Đời là bể khổ

Nhân sinh phải chịu bốn cảnh khổ là sinh, lão, bịnh và tử. Ngoài ra còn có những hình thức khác của khổ như là lo âu, thương xót, đau khổ, đau bệnh, sầu khổ và thất vọng.

Có ba loại của đau khổ. Một là đau khổ về tinh thần hay thể xác mà người ta cảm nhận qua bực dọc và không thoải mái. Hai là đau khổ có quan hệ đến sự thay đổi, thí dụ như đang ở trong tình trạng hạnh phúc đột nhiên chuyển sang lo âu. Đặc điểm thứ ba nhưng nổi bật nhất theo Phật giáo khổ trong cõi luân hồi, đó là sự luân chuyễn trong cuộc sống hay thay đổi trong các cảnh giới. Phật tử tin là con người sinh ra và tái sinh vào nhiều cõi khác nhau, có thể là vào kiếp nhân sinh, hay thú vật hoặc nhiều hình thể khác. Hình thức tái sinh hoàn toàn tùy thuộc vào quy luật nhân quả.

2. Ảo tưởng về bản ngả là nguyên nhân khổ

Mỗi cá nhân đều có nhiều bản ngã và đóng nhiều vai trò khác nhau. Mâu thuẫn cơ bản trong quan niệm về bản ngã thể hiện qua thái độ và ràng buộc vào những gì mà chúng ta mong muốn hay thù ghét. Nguyên nhân chính của đau khổ là các hình thức của yêu thương và thù ghét. Do vô minh mà chúng ta tin rằng bản ngã là thường hằng, lo âu vị kỷ và quan niệm về cái tôi là quan trọng nhất. Hơn thế, chúng ta tin rằng có đủ khả năng để quyết định mọi việc. Vì ràng buộc vào bản sắc và khả năng, chúng ta cho là nhận chân thực tại của thế gian và cảm nhận thực tại của cuộc đời, thực ra chỉ là mong muốn về cuộc đời hơn là nhìn đúng thực tế cuộc đời. Từ vọng tưởng này mà chúng ta không đạt hạnh phúc đích thực, vì thực tại thường tương phản với ước vọng và vì bám chặt vào bản ngã là trọng tâm của xung đột.

3. Cách diệt khổ là gạt bỏ ràng buộc.

Để thoát khỏi những vọng tưỏng, chúng ta phải nắm bắt được bản chất đích thực của sự vật cũng như của chúng ta. Phật tử xem nhận thức này là mục tiêu tối hậu và là một tình trạng giải thoát trong tĩnh thức. Tình trạng này thường được xem như là Niết Bàn hay là hoà bình lâu dài. Một số học giả phương Tây đôi khi diễn dịch một cách sai lệch là một tình trạng dập tắc hay loại bỏ. Đúng ra phải nên hiểu là một hạnh phúc thường hằng sau khi đã được quả vị Phật với sự giác ngộ viên mãn.

4. Có con đường để đạt đến cách diệt khổ.

Trao giồi một thái độ tĩnh thúc là chủ yếu. Bước sau cùng để vượt qua đau khổ của kiếp người là thực hành nhiều phương cách thiền định. Cụ thể nhất là hành trì theo Bát Chánh Đạo, đó là con đường gồm có tám hướng mà chúng ta phải tuân thủ đó là: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chính Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định. Khi đạt được quả vị phật giác ngộ viên mãn thì mới có khả năng thoát mọi khổ đau.

Lý Nhân Duyên

Nguyên gốc của từ Lý Nhân Duyên trong tiếng Sanskrit là pratiya- samutpada nghĩa là một tình trạng phát sinh và hiện hữu của một hiện tưọng, nhưng lại hoàn toàn tùy thuộc vào một hiện tượng khác. Đây là một diễn tiến liên tục của những nguyên nhân và hậu quả, hậu quả là điều kiện khác của hiện tượng tiếp nối. Tiến trình này giải thích được tại sao một hiện tượng mới nãy sinh sẽ bổ túc cho sự hình thành của một hiện tượng đã xảy ra.

Lý luận chính của thuyết Lý Nhân Duyên có đặc điểm là thực tại của thế gian này là một vũ trụ tương thuộc không cùng giữa nhân và quả. Phật tử tin là có bốn cảnh giới khác nhau là con người, thú vật thiên nhiên và vũ trụ. Chúng ta quan hệ nhau qua bốn cảnh giới này và từ đó mà mọi cuộc sống gắn bó nhau. Nói một cách khác, dù là sinh vật hữu tình hay không, tất cả đều có quan hệ lẫn nhau và không có ai hay bất cứ tạo vật nào có thể hiện hữu tự tại.

Tiến trình phân tích Lý Nhân Duyên là cốt nhìn sâu vào cơ chế vận hành để nhằm nối kết các cảnh giới. Là con người, Phật tử không thể phân cách thế giới đang sống, đúng ra, nhờ hiểu được nguyên lý tái sinh và nghiệp báo, Phật tử sẽ mở rộng cảnh giới nhân sinh để kết hợp các cảnh giới khác như thú vật và vũ trụ, cùng tiến và thoái trong không gian và thời gian. Khái niệm vô ngã là phương tiện giúp ta cảm nhận được trí huệ này. Ta có thể diễn đạt một cách bóng gió như sau: “Ta hiện hữu trong tha nhân và tha nhân đang có trong ta. Ta là một tiến trình vẫn còn liên tục diễn tiến cùng với tha nhân.“ Đó là cách giúp ta trao giồi đức hạnh để nối kết với các mối quan hệ trong thế gian.

Ý Nghiã của Hoà Bình

Để đạt đến giác ngộ, ta cần hành trì Tứ Diệu Đế và Lý Nhân Duyên. Trọng tâm là khởi động tinh thần từ bi hỷ xả như là tính hạnh đạo đức. Cuối cùng, hành giả sẽ vượt qua mọi vọng tưởng để đạt đến bình an tâm hồn. Đức Phật xem giác ngộ là điểm cuối cùng trong hành trình tâm linh. Trong kinh điển của Phật giáo có nói đến lời giaó huấn này và thường được trích dẫn như sau.

"Mọi tạo vật là vô thường

Mọi ảo vật đều bất toại

Mọi hiện tượng đều trống không của hiện sinh cố hữu

Thiên đàng là hoà bình"

Thiên đàng ở đây ám chỉ tình trạng bình an tâm hồn của hành giả đạt đaọ. Thực ra, Phật giáo không giới hạn đề cao hoà bình như là lý thuyết về một tình trạng giác ngộ cá nhân. Khái niệm Hoà bình có thể tìm thấy ở các kinh điển tiếng Sanskrit. Từ samnipata, samgri, samgama có nghĩa chung là hoà bình. Gốc của ba từ này là samvii nghiã là con người hợp tác nhau qua một hành vi tập thể. Do đó, hoà bình không có nghĩa là quan tâm và trách nhiệm về tương lai riêng mình mà còn lo cho an lạc của người khác.

Phật giáo không phân biệt hai khái niệm hoà bình tích cực và tiêu cực, vì cả hai có mục tiêu chung là phục vụ cho con người. Nói đơn giản hơn, hoà bình không là công tác của giới ngoại giao mà là nhiêm vụ hàng ngày của mỗi cá nhân trong xã hội. Tất cả phải lo trao giồi tính hạnh để phục vụ cho hoà bình.

Theo quan điểm này, Phật giáo mở ra một chiều hướng tìm hiểu về nhân tính, nguyên nhân sử dụng bạo lực, lý thuyết xung đột và đề ra giải pháp.

Lý Thuyết Về Xung Đột

Giáo lý Phật giáo phân biệt có hai loại xung đột, một là nội tại và hai là ngoại lai. Xung đột nội tại đề cập đến tình trạng tinh thần của từng cá nhân, khi có một tình trạng lững lờ trong quyết định, nó thể hiện có tranh chấp trong bản ngã. Xung đột ngoại lai có liên hệ đến mâu thuân trong mối quan hệ giữa con người và cần có một giải pháp để dung hoà quyền lợi.

Dù xung đột nội tâm hay quyền lợi xã hội, câu hỏi đầu tiên cho dành cho hành giả là loại tiên trách kỷ, tôi có làm điều sai lầm không và những gì sẽ xảy ra? Phật tử tìm nguyên nhân và mối quan hệ giữa những biến động của các nguyên nhân để xác định hậu quả. Trước khi đào sâu về cấu trúc của việc sử dụng bạo lực, Phật tử tìm cách xét những yếu tố thể hiện trong bình diện cá nhân và xã hội.

Đầu tiên, trên bình diện cá nhân, ai cũng có tiên kiến, quan điểm cá nhân hay sở thích riêng và xem là ưu tiên. Đây là chuyện không thể tránh trong nhân tính. Thông thường, chúng ta cũng không thể tự mình giải thích được tại sao thích món ăn này, loại nhạc kia hay màu sắc nọ, bực dọc trước lời phê phán của người khác. Ta không có thói quen tự kiểm trước các quyết định loại này vì cho rằng đây là chuyện riêng và vô hại cho người khác, chẳng qua là giải quyết nhu cầu cá nhân.

Thứ hai, lòng mong muốn có nhà cửa, được thiện cảm, tín nhiệm, của cải và bình yên, đây là chuyện dễ hiểu. Khi nhu cầu tiện nghi vật chất (thực phẩm, y phục, trang bị và gia cư) hay cuộc sống tốt đẹp hơn (sức khoẻ, thành đạt và uy tín) ngày càng tăng lên, là chuyện bình thường. Con người bị ràng buộc vào đủ loại nhu cầu và mơ ước cho cuộc sống trong khi thái độ luôn thay đổi. Hoàn cảnh sống biến dạng, nhu cầu và mơ uớc cũng đổi thay qua thời gian. Con người rất khó có những quyết định thuần lý để xác định ước mơ và dĩ nhiên dễ dàng với chính mình để tìm mọi cách vượt qua giới hạn để thoả mãn.

Nhưng điều căn cơ nhất là con người không thể nào tự mình thấy hết nhiều tầng lớp của nguyên nhân, nó nằm khuất ở một nơi nào khác. Những khó khăn để lượng giá vì có thể đến từ sợ hãi, bực tức, giận dữ và thù hận. Cảm nhận không rõ ràng, đôi khi còn thiên vị, vì sự việc xảy ra hôm nay không giống với hôm qua. Đó là triệu chứng của mọi diễn giải sai lệch. Chừng nào mà chúng ta chưa đủ khả năng để hiểu rõ về mình thì còn lưỡng lự trước một quyết định. Để vượt qua trạng thái lưng chừng này, chúng ta nên cẩn trọng cần rà soát lại các ham muốn, ganh tị và ràng buộc.

Bằng cách nào ta có thể thay đổi ý muốn và có được một loại hy vọng khác? Làm sao để thấy quan niệm về bản ngã không còn phù hợp trước hoàn cảnh mới? Đó là vấn đề.

Trên bình diện xã hội, hậu quả của vấn đề cũng không khác với bình diện cá nhân, dù không ai có thể xác định trước được xung đột của cá nhân trong xã hội vì quan hệ xã hội có đủ loại nguyên nhân, thí dụ như tìm lạc thú, giành của cải, thích chế ngự kinh tế và tìm ưu thế chính trị. Tuy nhiên, bản chất của xung đột trong xã hội bắt nguồn từ mong ước nội tại như đã đề cập ở trên.

Nói một cách khác, mong muốn được sở hữu nhiều hơn để thoả mãn nhu cầu tối đa và không quân bình với quyền lợi với người khác, dù xung đột không cho phép ta làm như vậy, đó là trọng tâm vấn đề. Nguồn gốc của xung đột ngoại tại là ta không còn kiểm soát được tranh chấp nội tại và để nó thể hiện ra bên ngoài, mà còn làm hại cho người khác, từ ngôn ngữ, thể xác và vật chất. Từ đó, xung đột xảy ra không tránh được và có sử dụng bạo lực để bảo vệ quyền lợi. Nhưng làm sao chúng ta giải quyết tranh chấp?

Giài Pháp An Hoà

Tìm giải pháp an hoà đòi hỏi đầu tiên là ta có suy nghĩ hướng nội, vì Phật tử khởi đầu giải quyết vấn đề là với chính bản thân mình. Mục tiêu chính của việc thực tập phương pháp nội quan này để giữ gìn tinh thần cẩn trọng trong sự phát triển trí huệ và tĩnh thức. Đó là điều kiện tiên quyết làm cho thế giới trở nên từ bi hơn.

Khi nhìn lại kinh nghiệm hành trì của mình Đức Phật xác nhận là Ngài cũng gặp giao động khi đối diện với những quan điểm đối nghịch và đủ loại ý kiến. Khởi đầu, người ta thưòng bàn luận về một vấn đề rôì chú trọng về một quan tâm nào đó, cuối cùng đi đến kết luận là đây là quyền lợi của tôi mà tôi phải bảo vệ bằng mọi giá. Cái Tôi nghĩ, mơ, nói, cảm thấy và tin tưởng tạo vấn đề. Nhưng không ai biết rõ Cái Tôi là gì. Vì thế chúng ta nhận định như thế nào thì sẽ làm, phản ứng và bày tỏ như thế ấy. Vì bám viú vào bản ngã là lý do mà chúng ta không có khả năng để hành đông phù hợp mà một người xa lạ có thể kỳ vọng.

Như đã đề cập ở trên, giáo lý Phật giáo có những khái niệm cơ bản nhằm trao giồi tính hạnh cho hoà bình, đó là Tứ Diệu Đế, Lý Nhân Duyên và Bát Chính Đạo, loại kim chỉ nam cho Phật tử soi rọi tâm linh.

Thực ra, hành giả không thể tu tập dựa trên quan điểm thuần túy trí thức mà còn cần hành trì cụ thể trong đời sống hàng ngày, quan trọng hơn là suy niệm tâm linh. Để đạt mục tiêu này, Đức Phật có đề ra Ngũ Giới, năm điều mà Phật Tử không được phép làm, đó là sát sinh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ và dùng rượu.

Ngoài ra, Đức Phật còn đề ra năm điều nên làm như là bổn phận đạo đức, đó là phát triển lòng từ bi, không bán vũ khí và ruợu, kiểm soát ham mê thể xác, nói sự thật, cẫn trọng và nâng cao tĩnh thức.

Hai quy luật nên làm và không nên làm là cách tu tập nhâp môn. Tuy nhiên, ph ư ơng pháp nội quan chưa hẳn là cách tốt để giải quyết các xung đột hơ Phật tử còn cần cảm thông và hợp tác của nguời khác. Theo thuật ngữ Phật giáo, Phật tử cần thực tập phương cách Lục Hoà để đạt giải pháp.

Giáo lý Phật giáo cho là xung đột xã hội có có nhiều loại nhưng có sáu điểm tiêu biểu là phiền muộn, siểm nịnh, kiêu căng, dối gạt, oán hận và gây tổn hại. Liệt kê này có tính cách tượng trưng, nhưng kỳ thực vì con người có vọng tưởng và bám viú vào bản ngã, đó là yếu tố chính sinh ra xung đột xã hội.

Để giải quyết, Phật giáo đề ra nguyên tác Lục Hoà để tránh tổn hại cho tha nhân. Nội dung của Lục Hoà là Phật tử khởi động lòng từ bi, tôn trọng, gắn bó, không tranh chấp, hoà thuận để đi đến thống nhất với tha nhân. Nói một cách cụ thể hơn, áp dụng Lục Hoà làm cho ta quan tâm tới người khác nhiều hơn là lo cho cá nhân có nhiều thành đạt, quyền lực và điạ vị. Sáu nguyên tắc của Lục Hoà là: thân hoà đồng trú, lợi hoà đồng quân, khẩu hoà vô tranh, ý hoà đồng duyệt, kiến hòa đồng giải và giới hoà đồng tu. Hành động theo Lục Hoà làm tăng những động lực hướng về xã hội, đó là khả năng về quan tâm, từ bi, thương cảm, hiểu biết và hợp tác. Nếu làm đưọc như vậy, người ta có cảm tưỏng khích lệ là góp phần cho yên bình xã hội.

Nhận xét

Đóng góp của Phật giáo cho bình an xã hội không luôn thành công mà còn có nhiều khó khăn trong suy nghĩ và hành động phù hợp, vì Phật giáo không thể đề cập các vấn đề to lớn về kinh tế và chính trị hiện đại. Chư tôn đức ít quan tâm đến chính trị quốc tế, thay vào đó lại để thì giờ nhiều hơn cho công tác từ thiện xã hội và nhập thất. Bên trong cánh cửa thiền viện khép kín, tăng ni phải lo tuân thủ các quy luật thiền định và không quan tâm đến các vấn đề mới nãy sinh cho những thách thức của thế gian. Tăng sĩ thường bị phê phán là quá bi quan trong các phong trào tác động tích cực cho hoà bình. Các nhà nghiên cứu đi đến kết luận tiêu cực này khi theo dõi vấn đề taị Tích Lan, Miến Điện và Thái Lan. Do đó, họ cho là rất khó triển khai quan điểm hiếu hoà của Phật gíao.

Ngược lại, một số học giả khác lập luận là đạo đức Phật giáo có ảnh hưởng tích cực lan toả hơn, vì khái niệm hoà bình của Phật giáo nhằm bảo vệ sinh linh thoát khổ và đình chỉ mọi gây hấn. Đây là một cuộc đấu tranh trong từng tâm trí của cá nhân. Loại tư duy này là một tiến trình lý luận giúp con người tự kiểm sâu xa hơn, để xử lý xung đột trong một phạm vi nhỏ hẹp. Khi hai bình diện cá nhân và xã hội thu hẹp này tương tác nhau theo chiều hướng tích cực, thì kết quả là cá nhân và xã hội sẽ an lành. Một số học giả phương Tây mô tả hiện tượng này là đạt hiệu năng trong một quy mô nhỏ. Tinh thần hoà ái thường đưọc coi là một đặc trưng cho các xã hội truyền thông phương Đông.

Lịch sử đã đem lại nhiều bằng chứng cho thấy sinh hoạt của Tăng Đoàn là một khuôn mẫu hoà hợp lý tưởng để giải quyết tranh chấp. Sau khi Đức Phật tịch diệt, Giáo hội có ý định điển chế các lời Phật dạy theo một thể thống nhất. Trong ba cuộc họp để kết tập kinh điển tại Vương Xá, Tỳ Xá Ly và Hoa Thị ở Ấn Độ, kết quả không được viên mãn vì có sự bất hoà việc điển chế lời giaó huấn. Dù mỗi tông phái giữ vững quan điểm riêng, tăng đoàn tỏ ra cỏi mở và khoan dung trước quan điểm dị biệt.

Đã có nhiều vụ dính líu và lối luận giải của Phật giáo liên quan đến sử dụng bạo lực. Kinh điển Phật giáo có kể là Đức Phật đã có lần can thiệp vào chính trị và giải quyết được tranh chấp giữa hai vương quốc Sakiya và Koliya. Câu chuyện bắt nguồn từ việc sử dụng nguồn nước chảy qua hai vương quốc này. Với quyền lục hoá giải, Đức Phật đề ra giải pháp và được hai phe tranh chấp tôn trọng, không còn lạm dụng và chiến cuộc không xảy ra.

Ngoài ra, còn có nhiều thí dụ trong lịch sử cho thấy sư tăng đóng góp tích cực vào việc hoà đàm để kết thúc chiến tranh. Sự đóng góp của Thiền Sư Vạn Hạnh vào triều đại nhà Lý là một tấm gương về tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam.

Một thí dụ khác về ảnh hưởng giáo lý Phật giáo đối với luật pháp đã có tại Nhật Bản. Vào năm 604 trước Công nguyên, Thái tử Shotoku, một Phật tử đã chấp nhận du nhập nguyên tắc Lục Hoà vào trong hiến pháp Nhật. Đối với các học giả luật học thì đó là một bản hiến pháp đầu tiên thấm nhuần tinh thần dân chủ và luật pháp theo Phật giáo.

4. Vào thế kỷ XX Phật giáo Tích Lan đã không những có nhiều đóng góp quan trọng trong việc bảo vệ đạo Pháp trong thời kỳ nội chiến mà còn tích cực xây dựng hoà bình thời hậu chiến. Hơn 600 tăng sĩ đã tham gia vào nỗ lực hoà giải tại các làng xóm bị tàn phá chiến tranh. Nhờ những tác động này mà các thành viên tham dự hoà giải và hoà hợp cùng đồng thuận với Phật giáo về quan điểm hiếu hoà.

Một trường hợp tương tự cũng xảy ra cho việc tái thiết hậu chiến tại Nhật Bản. Soka Gakkai là một phong trào Phật giáo đại chúng thành công nhất trong việc giáo dục về hoà bình. Mục tiêu là để huy động con người học tập tinh thần hoà hợp của Phật giáo, không lập lại sai lầm trong quá khứ, bảo đảm việc xây dựng quê hương và thế giới như trong một mạng lưới tương thuộc.

4. Ngày nay, xung đột sắc tộc, tranh chấp về quyền tự quyết và đấu tranh giành quyền lợi giữa các phe nhóm trong điạ phương cùng với việc sử dụng bạo lực đã gia tăng khắp thế giới. Bi thảm nhất là khủng bố hoạt động lan tràn khắp bốn phương. Trước tình hình này, hầu hết các nhà nghiên cứu về hoà bình đều tin là quan điểm hiếu hoà của Phật giáo là một nguồn lực dồi dào cho tiến trình hoà giải toàn cầu. Họ lập luận như sau:

Một là, Phật giáo có một quyền năng văn hoá để huy động con người tuân thủ đạo đức để đạt đến lý tưởng hoà bình. Phật giáo tạo giá trị, tính hạnh và trách nhiệm cho tất cả mọi người trong xã hội, cổ vũ cho tinh thần bất bạo động, tôn trọng tha nhân, đoàn kết và khoan dung. Dù theo đuổi con đường nào, cá nhân hay xã hội, người ta có thể phát huy năng khiếu thiện xảo của Phật giáo để gây tĩnh thức về giá trị này như là một khuôn mẫu cho hoà bình. Vì thế mà hoà bình được coi như là hành vi cá nhân và xã hội.

Hai là, tiếp theo lối suy nghĩ về nỗ lực cá nhân, có ý kiến khác cho là con người còn sống trong một cùng thế giới an hoà. Sống chung một cảnh giới có nghiã là tất cả chúng sinh có cùng một tài sản đạo đức chung, đó là Phật tính trong từng cá nhân chúng ta. Đây không phải là nguyên tắc áp dụng cho tu viện mà cho tất cả mọi người trên toàn cầu. Khi chúng ta nhận ra đặc điểm này là một giá trị, thì chúng ta sẽ nổ lực để cùng noi theo. Lối suy nghĩ tổng hợp này dễ thu phục và áp dụng trong các vấn đề bảo vệ môi sinh và giải giới quân sự. Mối quan hệ chung trong thế gian là lý do để giải thích nguyên tắc tự suy giải, tự thực hiên và tự cải thiện, một điểm thiết yếu chung đễ chúng ta có một mơ ước chung: sống trong một thế giới an hoà và thịnh vượng.

Ba là, lý thuyết hoà hợp theo Phật giáo có thể đưa đến việc áp dụng một khuôn khổ phổ quát cho hoà bình. Bốn cảnh giới theo Phật giáo làm cho con người nối kết nhau và mở rộng mọi biên giới. Đó là một chuyển hướng về hoà bình, mà thực tế khó áp dụng trong một căn bản toàn cầu như chúng ta mong đợi. Những khó khăn này cần được điều chỉnh lại trong lúc kiểm nghiệm thực tế cho phù hợp hơn.

Bốn là, không ai có thể bảo đảm là một khuôn mẫu nghiên cứu về hoà bình sẽ được áp dụng thành công. Theo quan điểm Phật giáo, bốn cảnh giới sẽ tương tác nhau qua thời gian, nhưng vì thái độ của con người thay đổi liên tục nên cũng khó đạt như mơ ước. Nguyên tắc nội quan là bước chuẩn bị cho nhận thức về hoà bình. Trong mối quan hệ với môi trường, người ta cần nhiều quan tâm khác để để đáp ứng với những xảy diễn chung quanh. Mỗi cá nhân phải mở rộng quan điểm về hoà bình của mình với môi trường. Nỗ lực cá nhân chỉ có tính tương đối và có ràng buộc quan hệ trong điều kiện địa phương. Điều quan trọng là cá nhân tự thấy mình là chưa đủ mà còn có sự đồng tình của nguời chung quanh. Ước mơ hoà bình là một khái niệm năng động. Mỗi nỗ lực phải có tính liên tục và chúng ta cũng không thể kỳ vọng rằng hoà bình chung cuộc sẽ đạt được.

Tóm lại, Phật giáo đem lại một nền tảng cho việc giáo dục hoà bình, một mục tiêu tối hậu và một phương tiện hiếu hoà. Nguyên tắc tự suy giải về lòng ham muốn, tinh thần bất bạo động, tôn trọng tha nhân, đoàn kết và khoan dung là thiết yếu để cho xây dựng hoà bình. Hai nhu cầu cơ bản cần có là giáo dục hoà bình và thực hiện phương pháp bất bạo động. Phật giáo mang lại hai giá trị về nội dung và phương tiện. Đồng hành với Phật tử, mọi người sẽ cảm thấy rằng mình có nhiều khả năng hơn để giải quyết các vấn đề của thế giới đương đại, thí dụ như quan hệ giữa con người, bảo vệ súc vật, nhân quyền và bảo vệ môi sinh cũng như những phương cách đối thoại liên tôn và liên quốc.

Nhu Cầu Về Một Khảo Hướng Kết Hợp

Đạo đức của Kant và Phật giáo có một lý tưởng chung là tìm một con đường dẫn đến hoà bình thế giới qua một tiến trình năng động và đề ra trách nhiệm thực hiện. Dù giống nhau về mục đích nhưng khác nhau về phương tiện. Theo Kant, kiến tạo hoà bình chỉ là vấn đề hợp tác thể chế của con người và thiếu tìm hiểu về khía cạnh thầm kín của con người. Đó chính là điểm mà đạo đức Phật giáo có thể bổ sung. Là một hệ thống đạo đức thế tục, Phật giáo xem vai trò cá nhân là chủ yếu. Thông qua việc hành trì tự kiểm cá nhân và dung hoà với xã hội, mỗi cá nhân tự khấn nguyện có những ràng buộc đạo đức. Nhờ thế, đạo đức cá nhân trở thành đạo đúc xã hội. Khi hai khảo hướng này áp dụng trong việc điều hướng cho hoà bình, cơ hội đạt được mục tiêu gia tăng.

Ngược lại, có học giả lập luận việc kết hợp này là hoang tưởng, vì cả hai phương cách tiếp cận đòi hỏi quá mức không thể chấp nhận được, và vượt khỏi phương pháp thông lệ nghiên cứu về hoà bình. Do đó, cổ vũ và thay đổi theo chiều hướng này khó thuyết phục.

Tuy nhiên, chúng ta có thể lập luận là bổn phận đạo đức về hoà bình có thể được đặt ra từ trong lý thuyết lẫn thực tế. Vấn đề tương tự đã có như trong chiến lược toàn cầu về bảo vệ môi sinh, mà dựa trên đạo đức cá nhân và xét đến hậu quả gây ra điạ phương là chủ yếu. Chúng ta sẽ nghĩ đến hoà bình trong tất cả mọi khía cạnh áp dụng cho toàn cầu, nhưng khi phải hành động thì dựa trên hoàn cảnh điạ phương và điều kiện cá nhân. Cổ vũ cho việc kiến tạo hoà bình là một quan điểm đúng đắn về mặt đạo đức, nhưng điều chỉnh mục tiêu toàn diện đối với trách nhiệm cá nhân và hoàn cảnh địa phương là một nhu cầu thực tiễn. Những lý do chính để theo đuổi mục tiêu này như sau:

Một là, mọi người đều có bổn phận kiến tạo hoà bình vì hoà bình gây ảnh hưởng chung cho tất cả trên điạ cầu. Nguyên tắc chung là thống nhất, nhưng việc thực hiện sẽ tùy từng quốc gia và thời điểm. Một mặt, chúng ta có thể quan tâm và hành động để giải quyết những đau khổ tại Sudan nhưng không thể so sánh giống như tại Tây Tạng hay Syria, vì bổn phận chỉ có thể nãy sinh trong hoàn cảnh điạ phương và bổn phận đối với hoà bình cho thế giới không khẩn thiết bằng hoà bình cho địa phương. Mặt khác, sự sụp đổ của Afghanistan hay khống chế chính trị của Trung Quốc đối với nội tình của Việt Nam sẽ có tác động chính trị thế giới không tránh khỏi. Dù khác nhau, nhưng ở mức độ căn cơ nhất, chúng ta vẫn có trách nhiệm nhân đạo trên toàn cầu. Các loại trách nhiệm này có thể kết hợp nhau khi cần thiết.

Hai là, chúng ta cần có một khái niệm mới về hoà bình vì bản chất của chiến tranh hiện đại đã thay đổi. Chiến tranh khủng bố là một bằng chứng. Các nhà nghiên cứu về hoà bình cho rằng hầu hết các cuộc chiến hiện nay là nội chiến hơn là quốc tế, 93% xung đột là do sắc tộc, tôn giáo và điạ phương gây ra. Chiến tranh giữa hai quốc gia dân chủ là ngoại lệ. Để đáp ứng với những biến chuyển này chúng ta cần có nhận thức chung về các cách giải quyết thuộc về điạ phương và bổn phận cụ thể trong xử lý.

Giải pháp khẩn cấp cho Darfur hiện nay là cần phải có lực lượng gìn giữ hoà bình và biện pháp cưỡng chế cần thiết. Nhưng vấn đề quan trọng không kém là Dafur cần đề ra các biện pháp về phát triển cơ sơ hạ tầng kinh tế và triển khai tinh thần thượng tôn luật pháp. Cả hai vấn đề cần được giải quyết. Việt Nam không nhất thiết phải có những giải pháp tương tự.

Hiện tình Việt Nam là nguy cơ hơn bao giờ hết, vì về mặt nội trị có quá nhiều bất ổn và về mặt đối ngoại có quá nhiều tổn thương. Lý do chính là vì lãnh đạo đất nước đặt quyền lợi Trung Quốc và quyền lợi riêng lên trên quyền lợi của dân tộc. Mọi vấn đ hiện nay có thể sẽ được giải quyết được một phần nào khi có sự hiểu biết của toàn dân, đồng thuận chính trị, và quyết tâm chuyển hướng. Bang giao Trung-Việt ổn định sẽ hỗ trợ cho hoà bình và thịnh vượng. Nhưng sự hợp tác v một chính sách ngoại giao tương kính là bất khả thi, trừ khi nào Trung Quốc công nhận Việt Nam là một người bạn đối tác đích thực bình đẳng, và dĩ nhiên không phải chỉ bằng ngôn ngữ ngoại giao bóng bẩy như hiện nay.

Phật giáo làm được gì trong tiến trình này? Trong hiện tại không ai biết được. Chủ yếu là Phật giáo sẽ nhập thế hơn để giúp người dân tìm lại nguyện vọng trung thực, khởi động một trào lưu nhận thức chung về tinh thần bất bạo động và giúp lãnh đạo chuyển hóa chính trị trong an hoà.

Ba là, cần phải kết hợp cấu trúc lý thuyết của Kant và cách áp dụng của Phật giáo là điểm quan trọng. Dù giá trị nền tảng của hoà bình không thay đổi, nhưng chúng ta phải vượt qua lý tưởng của Kant đề ra, vì hiện nay chúng ta không thể giải quyết vấn đề theo phương hướng này và đặt tầm quan trọng về Lục Hoà của Phật giáo để kết hợp, dĩ nhiên cùng với những trào lưu học thuật hiện đại. Khi kết hợp ở mức độ tối thiểu thì sức thuyết phục sẽ cao hơn.

Dù chúng ta chấp nhận kết hợp này là có tính khả thi hay không trước hiện tình, khảo hướng này không phải là tổng số của hai phương cách, mà nội dung cần được biện giải đâu là khuôn mẫu giá trị để tạo ra một tinh thần trách nhiệm mới.

Khuôn Mẫu Mới Cho Việc Điều Hướng Hoà Bình

Phương tiện Bất Bạo Động

Phương cách để đạt đến hoà bình là ngăn ngừa, xử lý, giới hạn và cấm sử dụng bạo lực (tấn công trực tiếp và tàn sát), sử dụng bạo lực theo cấu trúc (gián tiếp qua cấu trúc) hoặc bạo lực dựa theo khống chế văn hoá (ở vị trí khống chế vì dựa vào ý thức hệ thống trị). Điều tiên quyết là chúng ta phải có một tinh thần bất bạo động và một phương cách thực tiễn khả thi. Thái độ hiếu hòa của Phật giáo là môt nguồn lực thúc đẩy để thực hiện mục tiêu. Với đạo đức tự kiểm, nguyên tắc bất bạo động, tinh thần từ bi và vị tha, Phật tử có thể tránh chiến tranh và tranh chấp. Bất bạo động và dung hoà xã hội là hai đặc điểm cần được tôi luyện. Giáo dục đạo đức phục vụ cho mục tiêu hòa bình và đạo đức Phật giáo hoàn toàn phù hợp với triết thuyết về luật pháp của Kant.

Tinh Thần Thượng Tôn Pháp Luật

Nguyên tác hoà hợp theo Phật giáo quy định mối quan hệ giữa con người, thú vật, thiên nhiên và vũ trụ. Điều này không có nghĩa là toàn bộ lý thuyết này đề ra rằng con người là tác nhân đạo đức luôn đi trước xã hội. Phật giáo không thể tạo ra xã hội mà xã hội hình thành trước và từ đó mà có Phật tử. Tinh thần từ bi, thương cảm và vị tha của Phật tử là những đáp ứng trước những đau khổ của thế gian. Dù hiếu hoà là nguồn gốc cho hoà bình, nhưng việc thực hiện tùy thuộc vào sự hiện hữu và vận hành của các thể chế xã hội. Sự nối kết này là tương đối và bị ràng buộc vào những hoàn cảnh địa phương và khả năng cá nhân.

Những khấn hứa đạo đức rất dễ áp dụng cho một cộng đồng Phật tử thu hẹp và có quen biết nhau. Một vị vua từ ái khi đề ra một khuôn mẫu an lạc và kêu gọi mọi người cùng chia sẽ những trách nhiệm chung cho đất nước, thì nhờ uy tín mà việc áp dụng dễ thành công. Nhưng mẫu mực này không thể áp dụng cho mô hình của xã hội hiện đại.

Vấn đề nguyên tắc đặt ra để so sánh ở đây là uy lực hoà hợp theo giáo lý của Phật giáo không thể thu hẹp trong động cơ đạo đức. Động lực này còn quan hệ với những vấn đề bức thiết của thời đại, đó là tìm một khuôn khổ luật pháp để điều hướng cho hoà bình. Tất cả mọi người, kể cả Phật tử, đều bị ràng buộc bởi pháp luật. Giáo huấn về Lục Hoà phải được hiểu là mối tương thuận giữa các thành viên trong xã hội hơn là cho Tăng đoàn, nếu chấp nhận sự diễn giải này qua nghiã vụ kết ước xã hội mà Kant đề cập: tất cả mọi người đều bị ràng buộc bởi quy luật xã hội để nhằm tạo dựng hoà bình và trật tự theo luật định.

Trong chiều hướng này, chúng ta nên hiểu ý nghiã hoà bình của Phật giáo năng động hơn, nghiã là có khía cạnh pháp luật, quan trọng cũng như là kinh tế, xã hội và tôn giáo. Tóm lại, thay vì cổ vũ nguyên tắc Lục Hoà cho một tăng đoàn thu hẹp, chúng ta cần điều chỉnh khuôn mẫu giá trị này và mở rộng theo tinh thần thượng tôn pháp luật của xã hội. Đây là một điều chỉnh chiến lược về hiệu năng trong một quy mô nhỏ cho phù hợp với quy mô hiện đại hơn. Ý kiến điều chỉnh này là thực tế, có sức thuyết phục hơn và cần được cổ vũ.

Tuy nhiên, nếu nhìn trong toàn cảnh thì chúng ta e ngại rằng nối kết các ý tưởng này có khó khăn.

. Hầu hết mọi mưu tìm hoà bình là đấu tranh chống nghèo đói, bảo vệ môi trường và kiểm soát các vũ khí chiến lược. Hiện nay, hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực này đều thất baị, vì các nền kinh tế các nước không giải quyết được việc giảm nghèo đói và gia tăng phúc lợi y tế và nâng cao trình độ giáo dục. Trong khi xã hội ngày càng phân hoá trầm trọng thì chính quyền lại không đủ khả năng để cải cách triệt để. Tác hại này đưa tới việc tự hủy của nhân loại. Đe doạ chính cho thế giới là không có một chính sách điều hướng hoà bình cho phù hợp, mà tình hình này sẽ có thể còn kéo dài đến vô tận.

Thực ra, việc điều hướng chiến lược và chiến thuật để mưu tìm hoà bình trên cơ sơ địa phương vẫn còn có những lợi điểm tương đối, nhưng cho đến nay không ai có thể đề ra một chương trình hợp tác trên quy mô toàn cầu cho thế kỷ XXI và không ai có thể chờ đợi những hy vọng này. Trong việc khám phá ra tiềm năng chuyển hoá, nổ lực tự thực hiện vẫn là chính yếu và với sự dè dặt chúng ta có thể đề ra mục tiêu tổng hợp trong một chừng mực giới hạn mà căn bản giáo dục đạo đức cho hoà bình theo Phật giáo và tinh thần thượng tôn pháp luật theo Kant là nội dung chính.

Nhiệm vụ tìm kiếm hoà bình mà Kant và Đức Phật cổ súy phù hợp với chương trình giáo dục đạo đức và thuợng tôn pháp luật. Tinh thần bất bạo động và thượng tôn luật pháp là bảo đảm tối hậu cho hoà bình, cả hai là khuôn mẫu giá trị mới cho việc điều hướng hoà bình hiện nay.

Đề Nghị Cho Nhu Cầu Nghiên Cứu Trong Tương Lai

Khảo hướng kết hợp này có thể làm phong phú hơn cho lĩnh vực nghiên cứu và thực hiện hoà bình. Nhưng những tiềm năng này còn cần phãi được tiếp tục đào sâu cho cả hai lĩnh vực vì đây là mối lợi hỗ tương. Chúng ta đã có ý thúc vấn đề này chưa và ai có thể đảm nhận việc cổ vũ này, đó là vấn đề.

Cho dù giá trị này có thể đem lại một tương lai hưá hẹn, nhưng thể chế xã hội mới cho phép chúng ta hoàn thành nhiệm vụ này. Việc này thuộc về phạm vi quốc gia, tổ chức điạ phương, cộng đồng, doanh nghiệp, gia đình và cá nhân.

Nhưng nếu muốn thực hiện bước tiến này một cách nghiêm chỉnh, cần có nhiều hỗ trợ khác, cụ thể là qua các thể chế quốc tế. Vai trò hỗ trợ của các tác nhân quốc tế quan trọng không kém. Trong nhiều thập niên qua đã có nhiều chương trình viện trợ cho việc thi hành các đề án liên quan đến pháp quyền, đặc biệt nhất là phác hoạ lộ trình cho việc kiến tạo hoà bình, cung ứng chương trình huấn luyện cho các chuyên gia trong việc cải cách lập pháp và lập quy. Phật giáo sẽ làm được gì trong các công tác này?

Nói một cách đơn giản, chúng ta không thể kỳ vọng chư tôn đức sẽ dạy luật quốc tế hay đảm nhiệm công tác ngoại giao. Một khảo hướng tổng hợp đòi hỏi các học giả Phật giáo cần quan tâm đến lĩnh vực luật học, vì ngoài khiá cạnh đạo đức chư tôn đức không thể tránh được vấn đề tính chính thống của các giải pháp của Phật giáo. Sư tăng luôn hướng về đạo đúc cá nhân và xã hội và mong rằng lòng từ bi hỷ xả sẽ có hiệu ứng lan toả, nhưng công tác giáo dục của Phật giáo cũng hổ trợ cho các hiệu ứng về luật pháp. Sư tăng phải nhìn vượt qua những cách giải thích của Phật giáo về tranh chấp. Hiệu ứng tổng hợp này sẽ có một chức năng trong tương lai. Tác động này sẽ thể hiện trong điều kiện tương tác của một hoàn cảnh chung hay cụ thể. Lập luận này có vẻ thuyết phục được nhiều hơn.

Nhưng tư duy của Phật giáo có đóng góp gì trong việc giải thích pháp luật không và có tính cưỡng chế không? Đối với luật giới vấn đề này có khó khăn hơn nhiều nếu so với học giả Phật học, vì luật giới chỉ quan tâm đến tính cưỡng chế của pháp luật và sự vận hành của thể chế. Đối với họ, những luật cấm đoán về mặt hình thức hay thủ tục là quan trọng hơn là việc đạt đến một tình trạng bình an tâm hồn cho cá nhân. Du nhập quan điểm của Phật giáo vào trong chương trình giáo dục về tinh thần thượng tôn pháp luật cần phải được nghiên cứu sâu rộng hơn. Là một tác nhân chủ yếu cho đạo đức Phật giáo, các học giả Phật giáo sẽ phải dấn thân nhiều hơn nữa để nêu cao tầm quan trọng của giáo lý Phật giáo trong lĩnh vực luật quốc tế và thể chế.

Để có thể xác định một chương trình hợp tác chung này, cần có nhiều việc huấn luyện chung cho học giới thuộc hai lĩnh vực và một số vấn đề chính cần được nêu ra như sau: Ai là nhũng thành phần liên quan? Hoc giả luật học và Phật học cùng chia những trách nhiệm chung nào trong hai mục tiêu giáo dục và can thiệp? Đâu là mối quan hệ giữa Giáo hội Phật giáo quốc tế, quốc gia với các tác nhân quốc tế, các thể chế hay chính quyền trong việc phân định lĩnh vực nghiên cứu. Thách thức hợp tác này là hiễn nhiên và quá quy mô. Bao lâu mà chúng ta chưa ý thức được các hy vọng này thì vấn đề cổ vũ khảo hướng này chưa có tác dụng.

Kết Luận

Thời kỳ chiến tranh khủng bố toàn cầu đòi hỏi một lộ trình mới cho hoà bình thế giới. Mục đích của tiểu luận này là đề ra một khuôn mẫu mới về việc điều hướng để kiến tạo hoà bình. Đây không phải là đề tài có tính cách lý tưởng xa vời mà là một chiến lược thiết thực mà quan điểm của Kant và Phật giáo là hai lĩnh vực nghiên cứu cần phối hợp.

Giá trị của Phật giáo về tinh thần bất bạo động, từ bi, hỷ xả là đặc điểm cho chương trình giáo dục về hoà bình, trong khi quan điểm luật học của Kant về thể chế đem lại tinh thần thượng tôn pháp luật. Kết hợp cả hai sẽ đóng góp cho tiến trình kiến tạo và gìn giữ hoà bình trên toàn thế giói

Sự dị biệt giữa hai khảo hướng là một cơ hội cho các học giả Phật giáo nghiên cứu thêm về tác dụng của luật học và ngược lại. Những người hoạt động xã hội cho Phật giáo có khả năng huấn luyện cho dân chúng thực hiện tinh thần từ bi hỷ xả và họ sẽ đóng góp nhiều hơn cho việc tạo nên ý thức về mặt luật pháp, trong khi các cải cách thể chế của luật giới cần hướng về một xã hội nhiều từ bi hơn, thay vì chỉ tập trung cho cạnh tranh, thành đạt, quyền lực và điạ vị.

Kết hợp hai lĩnh vực này có thể được triển khai khi chúng ta có ý thức, đồng thuận, quyết tâm chuyển hướng. Nếu theo chiều hướng này, cơ quan LHQ sẽ hợp tác với Giáo Hội Phật giáo Thế Giới và Hiệp hội Các Đại Học Phật Giáo để cùng chia sẻ những điều hướng mới cho hoà bình. Chính quyền các quốc gia, xã hội dân sự, doanh nghiệp, tôn giáo, gia đình và cá nhân đảm nhận trách nhiệm trực tiếp trong phạm vi địa phương. Để xác định kỷ năng và nhu cầu về trách nhiệm, các tác nhân quốc tế, thể chế và các mạng lưới hỗ trợ luật pháp sẽ trợ giúp trong các nhu cầu tuyển chọn, huấn luyện và cổ vũ.

Những khái niệm đặc sắc của Phật giáo và Kant trở thành thành tố quan trọng nhất trong việc điều hướng tương lai cho hoà bình. Thời điểm hiện nay dường như là đã phù hợp cho viêc du nhập khảo hưóng kết hợp này. Nếu thực hiện được, chúng ta hy vọng sẽ tiến đến gần mục tiêu hơn. Tuy nhiên, vấn đề thực tế ở đây không phải là một giải pháp hứa hẹn, vì không có một áp lực nào để mang các nhà tư tưởng hay các chuyên gia quan tâm đến khả năng hợp tác này. Chúng ta hy vọng rằng sẽ có nhiều thảo luận liên quan cho đề xuất này và sẽ còn phải quan tâm theo dõi nhiều hơn.

Bài liên quan:

Hoà Bình Theo Quan Điểm Của Kim Cang Thừa - Karma Lekshe Tsmo

Phật Giáo và Hoà Bình Thế Giới - Johan Galtung

Chiến tranh và Hoà Bình Theo Quan Điểm Phật Giáo - Peter Harvey

Hướng Về Một Nền Hoà Bình Vĩnh Cữu - Immanuel Kant

Hiến Pháp Cộng Hoà: Lý Thuyết của Immanuel Kant và Thực tế tại Việt Nam

Sự Thịnh Vượng Của Đất Nuớc: Lý Thuyết của Adam Smith và Thực tế Tại Việt Nam

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/06/2023(Xem: 2876)
Lễ Phật Đản 2647 (11/6/2023) tại Tu Viện Như Ý, Kentucky, USA
15/06/2023(Xem: 1915)
Phật về từ hạt sương sa Gieo lên từng hạt đoá hoa dâng đời. Phật về theo cánh mây trôi Làm mưa cho cả đất trời nở hoa.
12/06/2023(Xem: 2618)
Là Phật tử thời đại mới Đại duyên tiếp cận nhiều phương tiện Chiêm ngưỡng nhiều hình ảnh, sự kiện qua livestream Đặc biệt Đại lễ Phật Đản 2647 với cảm nhận từ trái tim Đang cử hành từ Launceston, Niệm Phật Đường Đức Hải !
11/06/2023(Xem: 1398)
Trong các thời khóa Khai Kinh của hệ Bắc truyền đều có tụng 4 câu kệ này, của Hoàng Đế Võ Tắc Thiên (Võ Hậu), suốt hơn ngàn năm nay vẫn chưa có ai làm bài tán thán “Khai Kinh” nào tuyệt diệu hơn: “Phật Pháp cao siêu rất nhiệm mầu Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu Nay con nghe thấy chuyên trì tụng Nguyện hiểu Như Lai nghĩa nhiệm mầu”
10/06/2023(Xem: 2056)
Sáng ngày 20 tháng Tư âm lịch (07/6/2023), sau nghi lễ Tưởng niệm Bồ tát Thích Quảng Đức hòa cùng không khí trang nghiêm với các tự viện khắp đất nước, môn đồ pháp quyến chùa Diên Thọ đã tổ chức Lễ cung nghinh Xá lợi Cố Thượng toạ trụ trì Thích Chơn Thành, huý Tâm Chí, hiệu Tịnh Hạnh nhập ngôi Bảo Tháp mới hoàn tất xây dựng an trí ngoài sân trước bên phải ngôi Chánh điện của chùa.
09/06/2023(Xem: 2236)
Quốc lễ Vesak PL.2567 – DL.2023, đại lễ kỷ niệm ba sự kiện trọng đại trong cuộc đời Đức Phật Thích Ca, người sáng lập đạo Phật: ngày Phật Đản sinh, ngày Phật Thành đạo và ngày Phật nhập Niết bàn, Hiệp hội Thanh niên Phật tử Indonesia (YBA) đã tổ chức một loạt các sự kiện cho công chúng thưởng lãm, nhằm nâng cao nhận thức về các gia trị phổ quát của đạo Phật và thúc đẩy sự hài hòa trong đa dạng xã hội.
08/06/2023(Xem: 4226)
7 bước của đức Phật sơ sinh có ý nghĩa như vầy: Trong quá khứ có vô lượng chư phật ra đời được ghi trong kinh điển trải qua các a tăng kỳ. Gần đây của Kiếp Hiện Tại lần lượt đã có 6 vị phật ra đời, đó là: Đức Phật Tỳ Bà Thi Đức Phật Thích Khí Đức Phật Tỳ Xá Đức Phật Ca La Tôn Đại Đức Phật Câu Na Hàm Mâu Ni Đức Phật Ca Diếp
08/06/2023(Xem: 3108)
Nam Mô Lâm Tỳ Ni Viên Vô Ưu Thọ Hạ Thị Hiện Đản Sinh Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Kính thưa chư Tôn đức, chư Pháp hữu & quí vị hảo tâm. Mùa Phật đản, trong tâm tình tri ân đức Phật giáng trần cùng với tâm nguyện hộ trì chư Tôn đức Tăng già, các bậc tôn đức tu hành nơi xứ Phật, vào sáng hôm qua ngày 6. 06 2023 chúng con, chúng tôi đã thực hiện viên mãn một buổi cúng dường chư Tăng các truyền thống Phật giáo tại Bangladesh Monastery thuộc khu vực Bồ Đề Đạo Tràng Bodhgaya India với sự bảo trợ của chư tôn đức Ni và chư Phật tử 4 phương... Xin tường trình cùng chư vị một vài hình ảnh của buổi cúng dường International Maha Sangha, chư Tăng India, Tibet, Lào, Miến, Thái, Bangladesh, Campuchia, VN.(Chư Tăng thâm niên thọ nhận phong bì 1000INR kèm với 1 phần quà).
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]