Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ý nghĩa giải thoát trong bảy bước hoa sen

25/04/201204:44(Xem: 5960)
Ý nghĩa giải thoát trong bảy bước hoa sen
Ý NGHĨA GIẢI THOÁT
TRONG BẢY BƯỚC HOA SEN


phatdansinh7hoasenLời nói đầu:

Thật chẳng có gì mỉa mai hơn khi giới thiệu một vị thầy đã nhìn rõ cái giả tướng, hư vọng của đời sống và truyền trao cho đời những giáo pháp từ đơn giản, dễ hiểu, lên đến những thâm sâu, uyên áo bằng những lời chỉ dạy có giải đáp rõ ràng, mà lại được giới thiệu, bắt đầu bằng một câu chuyện thần thoại, hoang đường, có đầu mà không có kết: Một hài nhi vừa mới ra đời đã vươn dạy, đi đứng quen thuộc, tuyên bố lời dị thường, rồi sau đó không lẽ lại rùng mình ngã trở lại vào vòng tay nâng đỡ của thường nhân? hay là gì khác (chẳng thấy kể ra)? hay chỉ tan vào hư ảo như lúc nó xuất hiện?

Đức Thích Ca nếu có dịp trở lại ghé thăm thế giới của chúng ta, chắc ngài cũng phải quở: “Đạo của ta là đạo của sự thật, đạo của trí tuệ, thế mà các ông không thấy sự giới thiệu của các ông khởi đầu về ta là hư ảo, là thần thoại như vậy chẳng phải là mâu thuẫn lắm sao?”

Nay với khung cảnh tiến bộ, hiện đại của xã hội, cộng đồng, trình độ của các Phật tử đòi hỏi phải giải thích các giáo pháp của Phật theo chiều hướng có quy luật và duy lý, ta nên xem tất cả các giải thích thần thoại về Đức Phật như là một loại lịch sử bên lề, thích hợp với thời đại mà con người còn lo ngại bóng tối và hứng thú với những chuyện dị thường, thì sự trưng dẫn chuyện tích phải cung ứng những giá trị đại loại như vậy để tồn tại, thích hợp và phát triển trong khung cảnh đó. Vậy nay đã đến lúc chúng ta phải có bổn phận tách biệt vị thầy của trí tuệ ra khỏi những chuyện hoang đường, có đầu mà chẳng có kết như xưa đã từng làm, bằng cách giải thích hình cảnh bẩy bước hoa sen một cách hợp lý, hầu mang lại cho nó một giá trị mô phạm thích hợp, và xứng đáng làm biểu tượng đẹp đẽ ngay nơi tiền diện của các chùa. Song song với việc biến nó thành một trình tự theo đúng với quy luật nhân quả: Ai gieo một chủng tử Phật Pháp nơi đất tâm là đã thành một vị tiểu Phật vừa mới ra đời (cũng đồng nghĩa là thành một Phật tử), sau đó tin sâu, theo học một cách chuyên cần, rồi sau cùng cũng sẽ đạt được quả Phật (cái ta giải thoát), biến cái ta vô minh, mờ tối khi xưa trở thành một cái ta quý giá, trên trời dưới đất không có gì quý bằng.

***

Mỗi năm gần đến ngày Phật Đản, trên mạng lại xuất hiện một số bài viết về đề tài này nhằm giới thiệu Đức Phật và nhân đó quảng bá Phật Pháp, tùy cái “thấy” khác nhau của người viết. Tựu trung tất cả đều dựa trên những chuyện tích cũ của Đức Phật là ngài mới sinh ra đã trỗi dậy, đứng và đi trên bảy hoa sen hiện ra trước mặt, dừng ở hoa sen thứ bảy, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất và tuyên bố lời dị thường.

Chấp nhận và lướt qua sự giới thiệu thần thoại này với sự dễ dãi, thì ngay sau đó lại đối mặt với nhiều mâu thuẫn hiển nhiên, dẫn đến bế tắc như nêu trên trong “Lời nói đầu” mà ta không cần dông dài liệt kê ra đây.

Với những mục đích trên đây, phật tử Ngẫu Hồ xin được trở lại đề tài, với sự giải thích cẩn trọng hơn về thức thứ bảy và thức thứ tám đã dùng để liên kết bảy bước hoa sen trong dịp kính mừng Phật Đản 2556, nhằm vào tháng tư 2012 dương lịch:

  1. Nhằm đưa Đức Thích Ca ra khỏi sự gán ghép, khiên cưỡng không cần thiết, và chấm dứt vĩnh viễn sự liên kết ngài với khởi đầu bằng một chuyện huyễn hoặc, mơ hồ, vì ngài đã và mãi mãi là một bậc thầy về trí tuệ của nhân loại.
  2. Sự hiểu đúng giá trị, ý nghĩa của câu chuyện bảy bước hoa sen, rồi phổ biến nó đến những Phật tử chưa hiểu là đóng góp một pháp lành vào điều dạy của Đức Thích Ca “Theo ta mà không hiểu ta là hủy báng ta”.
  3. Nhằm đề phòng những sự hiểu biết sai lạc, sẽ dẫn đến biến tấu, hạ thấp giá trị của chánh pháp.
  4. Nhằm tạo thiện cảm, tâm phục cho những người ở ngoài văn hóa Phật giáo, trong ngay lần tiếp xúc đầu tiên với Phật giáo, đồng thời giúp cho mọi người dù ở trong hay ở ngoài văn hóa Phật Giáo khi nhìn thấy hình cảnh của vị tiểu Phật đứng trên hoa sen, thì ai ai cũng thọ hiểu trong sự hoan hỉ.

Biết bao trang sách biện giải, biết bao lý luận tỷ giảo để sau cùng cũng để chỉ ra cái tối hậu giải thoát này, vậy mà nó được gói ghém trọn vẹn trong hình cảnh bảy bước hoa sen mà ta lại đem giải thích nó sai hẳn với giá trị thật của nó, cùng lúc biến Đức Thích Ca thành một nhi thần mới sinh, xuất xuất, nhập nhập, giống như trong một chuyện đồng bóng, nhập hồn, xuất hồn tầm thường thì thật là đau lòng.

Sau đây là phần chi tiết:

Một người bất kể ai, khuynh hướng nào, tuổi tác bao nhiêu, khi được tiếp xúc với Phật Pháp, bỗng dưng bùng vỡ một cái “thấy”, thì ngay đó, mình trở thành một vị tiểu Phật vừa mới sinh ra đời. Hàm nghĩa một chủng tử Phật vừa mới được gieo nơi đất tâm của mình (tức thức thứ tám hay còn gọi là A Lai Da thức, hay còn gọi là ngã thức). Thành một vị tiểu Phật vừa mới ra đời, cũng đồng nghĩa là thành một Phật tử sẽ quyết tâm đi tìm hiểu thêm về giáo pháp.

Theo thiển ý, đây là một giải thích mang tính chiêu dụ rất trang trọng, rất tâm lý. Người nghe được ví mình là một vị tiểu Phật sẽ làm cho họ phấn chấn, hãnh diện, tuy thế, cũng nên giải thích sau đó, là thành một vị tiểu Phật không có nghĩa là đã thành đạt được quả vị Phật ngay. Tiểu Phật được dụ cho một mầm hạt vừa đã được gieo trồng và phải được chăm sóc một cách đúng mức, kỹ lưỡng, thì sau đó, hạt mầm mới nảy lên thành cây (cây Phật) được.

Trở lại, tại sao tôi lại nhấn mạnh đến sự bùng vỡ một cái thấy là vì muốn ám chỉ một cái thấy gây kinh ngạc, một cái thấy chưa bao giờ mình tiếp xúc được từ trước đến giờ, nhờ đó mà sau sẽ đem đến sự chuyển hóa nội tâm, biến cái tâm lang thang, không định hướng trước đây của ta, nay thành một khuynh hướng rõ nét: khuynh hướng Phật tử và ngang đây ta trở thành một Phật tử, có niềm tin sâu vào Phật pháp.

Sự chăm sóc mầm Phật để nên cây là dụ cho công lao tìm học một cách nghiêm túc các pháp Phật, sự lớn lên dần, vững chãi của cây với thời gian dụ cho sự thấm nhập các pháp cao hơn (chiều cao của cây và sự đâm rễ sâu hơn). Cây càng cao, rễ càng sâu, tư duy Phật pháp càng trưởng thành, dần dần hoa sen đầu tiên đã bắt đầu ló dạng.

Đức Thích Ca đã dùng hoa sen để biểu trưng cuộc sống và giáo lý của ngài (Kinh Diệu Pháp Liên Hoa), vì thế, hoa sen thường được dùng trong các chuyện tích của Phật giáo, ám chỉ đặc biệt của sự không nhiễm ô, vì hoa sen tuy xuất hiện và trưởng thành trong bùn tanh tạp chất, vẫn đứng thẳng lên và tỏa hương thơm tinh khiết.

Bùn tanh tạp chất là dụ cho đời thường, trần gian; hoa sen đứng thẳng lên từ bùn, dụ cho hình ảnh một hành giả Phật tử sống trong đó, mà không bị ảnh hưởng, lôi cuốn, trì kéo bởi những cám dỗ, lậu uẩn, mà vẫn hướng đến giải thoát cao thượng.

Hoa sen giải thoát đầu tiên là nhãn thức, giờ đây đã thành tựu rõ rệt, mà một khi một căn thức được giải thoát thì các căn thức còn lại sẽ được giải thoát. Đây là lời giảng khẳng định của Đức Thích Ca trong kinh Lăng Nghiêm cho ngài A Nan. Các đạo hữu Phật tử có thể tìm thấy trên các website của Phật giáo hay ngay trên Thư Viện Hoa Sen cũng có đầy đủ.

Nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý và mạt na thức, đã được thanh sạch, tượng trưng cho bảy hoa sen thơm ngát. Đứng và đi được trên bảy hoa sen, dụ cho sự làm chủ được các thức tình này, tức là giải thoát rốt ráo, trọn vẹn. Việc đứng trên thức thứ bảy mới tuyên bố lời chung kết là được dụ cho sự sạch hết hoàn toàn các lậu uẩn vi tế, tiềm ẩn sâu xa nơi tâm thức, vì thức thứ bẩy nằm sâu hơn ý thức như sự giải thích dưới đây. Khi bẩy thức được giải thoát, thì thức thứ tám là ngã thức (tức là A Lai Da thức) cũng được giải thoát thành hoa sen thứ tám, vô hình, vô tướng. Đây cũng chính là Chân Ngã tôn quý nhất trần gian, được tượng trưng bởi câu:

phat-dansinh-0012Trên trời, dưới đất, chỉ có ta (ngã) là tôn quý.”

Dịch từ câu:

Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”

Ta (ngã) trong đây, chính là Chân Ngã, chính là Phật Tánhcủa mỗi hành giả Phật tử sau khi đã “xong việc nhàn ca”.

Tóm lại, khởi đi từ một chủng tử Phật, thành một vị tiểu Phật mới ra đời, công phu kiên cố, để sau cùng đạt được quả Phật, thì cái ta trong lời tuyên bố chung kết nọ mới có ý nghĩa là cái Ta giải thoát (Phật tánh). Đó chính là cái mục tiêu tối hậu của tất cả các hành gỉa tu theo Phật nhắm đến.

Vì là Phật tánh, nên trên trời, dưới đất mới không gì quý bằng. Ý nghĩa này đã thật rõ ràng.

Sau đây, tôi xin được bổ túc một cách tóm tắt về thức thứ bảy và thức thứ tám. Đây là hai thức nằm sâu hơn ý thức, nên hơi khó thấy. Xin được dùng 2 thí dụ làm đơn cử có thể nêu lên được hai thức này:

Thí dụ 1:Anh A đã thay xong quần áo để sẵn sàng đi làm, anh thấy trên bàn có chùm chìa khóa, anh vơ lấy, sau đó, anh đi tìm cái cặp da, ra tới cửa, tính xỏ chân vào giày, nhưng lại nhớ tới chưa lấy chìa khóa, anh hốt hoảng đi tìm, vì do hốt hoảng phóng chiếu chế ngự trên ý thức (thức thứ sáu) nên quên là mình đang cầm chùm chìa khóa trong tay, trong đầu lúc đó chỉ nghĩ phải đi tìm chìa khóa, mắt dáo dác nhìn khắp nơi trong sự căng thẳng và hoảng hốt, sợ trễ giờ đi làm.

Trong trường hợp này, thức thứ sáu nhớ đến chùm chìa khóa mà hoảng hốt đi tìm. Thức thứ bẩy “chạy” đây đó giúp thức thứ sáu đi tìm chùm chìa khóa (thức thứ tám). Bạn nghĩ sao? Khi nào thì anh A tìm thấy chùm chìa khóa? Câu trả lời là, chỉ khi nào anh A ngưng đi tìm, thì nhìn thấy ngay chùm chìa khóa đang trong tay mình.

Vậy khi hỏi thức thứ 8 nằm ở đâu, thì cũng tương tự như ta đang đóng diễn cái hoạt cảnh trên đây, cái ta đang hỏi, nó chính là cái đang là. Chính cái sinh diệt, cái tâm phan duyên, cái tâm chạy theo sống trong trần cảnh, còn được gọi là ngã thức, hay A Lại Da thức, nó chẳng ở trong, nó chẳng ở ngoài. Khi ta sinh ra một niệm ưa thích, thì nó chính là cái ưa thích đó, và ngược lại, khi ta chê bai, thì nó chính là cái chê bai đó. Nó theo ta và xuất hiện cùng tất cả nơi pháp giới mà ta có mặt cho đến ngày chung cuộc của ta tức là khi ta nhắm mắt lìa đời, thì nó trở thành nghiệp thức đưa ta về với duyên mới!

Thí dụ 2:Một người nhận được một cú điện thoại và họ dùng điện thoại di động nói chuyện, đang trong câu chuyện, họ nhớ là cần phải đi chợ, và theo thói quen, khi ra bên ngoài, là phải mang theo điện thoại, nên vừa nói chuyện, vừa đi tìm điện thoại để mang theo, trong trường hợp này, thức thứ sáu vừa để ý tới cuộc nói chuyện, vừa nghĩ tới việc phải tìm điện thoại, thức thứ bảy “đi” khắp nơi trong nhà để giúp thức thứ sáu tìm điện thoại (thức thứ tám).

Chuyện cưỡi trâu đi tìm trâu cũng tương tự chuyện cầm chìa khóa mà đi tìm chìa khóa hoặc chuyện cầm điện thoại mà đi tìm điện thoại. Bạn nghĩ sao? Khi nào thì tìm thấy chìa khóa, điện thoại? Chỉ khi nào chấm dứt sự đi tìm, thì người đó mới nhận ra rằng, chùm chìa khóa, chiếc điện thoại mình đang cần tìm chính là đang ngay trong tay mình.

Thức thứ bảy khi được giải thích đơn lẻ sẽ dễ thấy hơn. Thí dụ như lúc nào các bạn có dịp phải đếm một số lớn lên đến vài trăm, như lúc tập thể dục, dịch cân kinh, vảy tay chẳng hạn. Lúc đếm được tới lúc nào đó, đầu bỗng nghĩ miên man sang một chuyện khác, một lát sau quay lại, vẫn thấy sự đếm số không bị lộn xộn, nghĩa là vẫn theo thứ tự, thì đó là nhờ mạt na thức hoạt động thay cho ý thức. Để ý vài lần, bạn sẽ thấy mạt na thức thể hiện rõ hơn.

Riêng thức thứ 8, khi còn phan duyên, còn sinh diệt thì gọi là ngã thức, nhưng khi đã được sạch rỗng, chấm dứt chạy theo trần cảnh, chấm dứt sinh diệt thì gọi là Chân Ngã, hay Phật Tánh cũng thế.

Tùy lúc, tùy nơi mà gọi nó là gì.

Kết luận:

Phật tử Ngẫu Hồ tôi chỉ mong giải thích câu chuyện bảy bước hoa sen bằng Phật pháp, hy vọng nêu lên được một quy luật nhân quả rằng, ai gieo một chủng tử Phật, với một lòng tin sâu, sau đó tìm học và hành Phật pháp, thì sau cùng sẽ được một quả vị Phật, không sai chạy, và sự đính chính rõ rệt là vị tiểu Phật lúc sinh ra đời đi bảy bước không nhất thiết là Đức Thích Ca Mâu Ni. Sở dĩ, tôi phải nhắc đi, nhắc lại hai điều này, vì các chùa thường hay đặt hình cảnh này ở ngay mặt tiền, mà nếu không giải thích khế hợp, hoặc lảng tránh sự giải thích, ý nghĩa câu chuyện khi được hỏi đến, thì có khi biến cuộc tao ngộ đầu tiên thành một buổi trà đàm ngắn ngủi. Vậy, điều cẩn thận này, nếu được đánh giá là quá đáng thì xin quý vị Phật tử cho tôi được xin lỗi (3 lần).

Nếu các bạn đồng thuận sự giải thích như trên, thì xin được phổ biến khi thuận duyên.

Ngoài mục đích đơn giản, rõ rệt nêu trên trong bài, tôi không mong đề tài dắt đến sự tranh luận đúng sai của các pháp Phật. Đa tạ.

Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.

Phật tử Ngẫu Hồ.

Source: thuvienhoasen

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/05/2017(Xem: 9493)
Tôi thấy Phật ngự trong từng tia nắng, khi vườn tâm yên ắng những buồn lo
01/05/2017(Xem: 12666)
Come and join us for this multicultural celebration of the Buddha’s Birth Enlightenment and Passing Its a Free Event - All Welcome Vesak Procession & Commemoration in the City of Melbourne. 10am - 3.30pm, Saturday 27 May Come along to celebrate one of the most important days in the Buddhist Calendar and together commemorate the Buddha’s universal peace message for the world. Vesak Celebrations:
01/05/2017(Xem: 3090)
Trầm Tư về Tính Nhân Bản về ngày Vesak
01/05/2017(Xem: 4547)
Nhiều Phật tử hỏi người viết về sự khác biệt giữa hai con số 2561 và 2641 trên các thông báo trong Mùa Phật Đản năm 2017 nên người viết xin được trình bày vắn tắt vấn đề này để phân biệt hai con số đó. Thật ra không có gì mâu thuẫn giữa năm Đức Phật đản sinh 2641 BE và năm Đức Phật niết bàn 2561 BE cả, nhưng trước hết cần phân biệt vài chữ viết tắt về niên đại. BE là Buddhist Era, niên đại Phật giáo, Phật lịch tính từ khi Đức Phật đản sinh.
30/04/2017(Xem: 5063)
Đỉnh rằm ánh tỏa muôn nơi Rủ rơm vàng nhả thơm rơi quanh làng Sông quê rực biếc hào quang Đan xen sóng kết đèn dâng cúng dường
30/04/2017(Xem: 9004)
Điều Ngự Trượng Phu xuất thế gian, Vô ưu mừng rỡ tỏa non ngàn. Tỳ Ni thị hiện sen nâng bước, Lộc Uyển quảng khai đạo khởi lan.
29/04/2017(Xem: 4739)
Sông Hằng một dải trôi mau; Vận đời đôi ngã bạc đầu Vương gia. Tuyết sơn phất ngọn trăng già, Bóng Người thăm thẳm vượt qua chín tầng. Cho hay Bồ tát hậu thân, Chày kình chưa chuyển tiếng vần đã xa. Sườn non một bóng Đạo già Trầm tư năm tháng bên bờ tử sinh. Nhìn Sao mà ngỏ sự tình: Ai người Đại Giác cho minh quy y? Năm chầy đá ngủ lòng khe; Lưng trời cánh hạc đi về hoàng hôn.
29/04/2017(Xem: 3720)
Nói đến Phật Đản mọi người đều hiểu đó là ngày sinh của đức Phật Thích Ca, là ngày mà các chùa chiền, tu viện ở nhiều quốc gia trên thế giới đều long trọng tổ chức Lễ Phật Đản để kỷ niệm ngày ra đời của một vị Đại Giác Ngộ tại vườn Lâm-Tỳ-Ni. Tương truyền, nơi đây có cây cổ thụ Vô Ưu, ngàn năm hoa mới nở một lần.
29/04/2017(Xem: 3872)
Sau khi thành đạo dưới cội Bồ đề, chứng được Tam minh và vượt thoát mọi sự ràng buộc của thế gian, Đức phật đi giáo hoá và danh tiếng ngày càng vang xa, khắp mọi nơi ai cũng nhắc đến Sa môn Cồ Đàm. Vua Tần Bà Sa La và dòng tộc đồng quy y Tam Bảo và dâng cúng Tịnh xá Trúc Lâm. Ba anh em Ca Diếp cùng 1000 đệ tử cũng đều quy y Phật. Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên cùng 200 đệ tử cũng đều phát nguyện làm đệ tử Phật. Các giáo chủ ngoại đạo hết sức bất bình vì đệ tử của mình đi theo Sa môn Cồ Đàm, vua Tần Bà Sa La cũng giảm bớt niềm tin với các nhà thông thái Bà La Môn.
28/04/2017(Xem: 4553)
Bước sơ tâm là bước đi như thế nào, vào lúc nào? — Là khi tâm rộng mở một phương trời, khởi động cho bước chân ban đầu. (1) Bước chân ban đầu vì thế, là bước chân vừa chấn động đại địa, vừa rung chuyển thiên không. Bước chân ban đầu là bước chân quan trọng, khi chân vừa dợm cất lên, chưa đặt xuống; khi đất trời lay chuyển quần tụ vào một điểm, chờ đợi nâng bàn chân; khi đóa sen cung kính trân trọng, không muốn bàn chân thanh khiết phải chạm vào thực tế ô nhiễm của trần gian. Bước chân ban đầu là bước chân khai mở con đường vượt thoát những phiền não, ràng buộc của kiếp sống; giải trừ những vọng chấp đảo điên từng dìm đắm thế nhân trong khổ lụy.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567