Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

THÔNG ĐIỆP CỦA TỔNG THƯ KÝ LIÊN HIỆP QUỐC NHÂN DỊP ĐẠI LỄ VESAK (2002 ĐẾN 2007)

09/05/201101:18(Xem: 4296)
THÔNG ĐIỆP CỦA TỔNG THƯ KÝ LIÊN HIỆP QUỐC NHÂN DỊP ĐẠI LỄ VESAK (2002 ĐẾN 2007)

THÔNG ĐIỆP

CỦA TỔNG THƯ KÝ LIÊN HIỆP QUỐC NHÂN DỊP ĐẠI LỄ VESAK (2002 ĐẾN 2007)

un-logo

m 2002 - Tổng Thư ký Kofi Annan

KofiAnnan-02NEW YORK, ngày 6 tháng 5 năm 2002 (Trụ sở Trung ương LHQ) – Sau đây là thông điệp của ông Tổng Thư ký Kofi Annan nhân dịp kỷ niệm lễ Vesak ngày 7 tháng 5 năm 2002:

“Tôi rất sung sướng được gửi đến quý vị lời chào mừng nồng nhiệt nhất nhân dịp kỷ niệm ngày Đản sanh, Thành đạo và Nhập Niết bàn của Đức Phật.

Những lý tưởng đạo đức và nhân đạo cao thượng của Đức Phật đã khai sinh ra một truyền thống tâm linh sinh động mà hơn 2500 năm sau, vẫn tiếp tục làm cho đời sống của hàng triệu người trở nên cao cả. Hôm nay, trên khắp thế giới, Phật tử vui mừng ca ngợi thông điệp Từ bi, Cảm thông và Tương kính mà Đức Phật đã mang đến cho nhân loại.

Trong thời đại bất trắc toàn cầu hôm nay, quan niệm về hòa bình và về tiềm năng cao cả nhất của con người mà Đức Phật đã chỉ ra, bỗng trở nên thích đáng hơn bao giờ hết. Thật vậy, nếu chúng ta muốn có cơ hội để khắc phục những thách đố mà chúng ta đối diện hôm nay – trong các lãnh vực hòa bình và an ninh, phát triển, và bảo vệ môi sinh toàn cầu – thì chúng ta phải thoát lên trên lối tư duy hẹp hòi và thiển cận vì tư lợi, và nâng chúng ta lên một tầm nhìn phổ quát hơn, trong đó phúc lợi của một cộng đồng nhân loại rộng lớn cũng quan trọng như phúc lợi riêng của chính mỗi chúng ta. Mỗi chúng ta cần san sẻ niềm hy vọng về một tương lai bình an, quân bình và bền vững. Hành động của chúng ta hôm nay – dù với tư cách của những cá nhân hay là những thành viên của cộng đồng - phải được hướng dẫn bởi giấc mơ chung đó.
Nhân ngày Vesak hôm nay, xin hãy nhớ rằng dù nguồn gốc, chủng tộc, văn hóa và đức tin của chúng ta là gì chăng nữa thì chúng ta chủ yếu vẫn không khác nhau. Tại vì trên hết, chúng ta chia sẻ với nhau cùng một mái ấm gia đình, một hành tinh đang thu nhỏ mà chúng ta phải gắn bó sống với nhau. Vậy xin hãy cùng nhau hợp tác làm chung việc thiện và hợp tác cho sự sống chung hài hòa và an bình của mọi dân tộc trên thế giới này.

Tôi xin chúc quý vị một ngày lễ Vesak hạnh phúc.”


Năm 2003 - Tổng Thư ký Kofi Annan

NEW YORK, 15 tháng 5 năm 2003 (Trụ sở Trung ương LHQ) – Sau đây là thông điệp của ông Tổng Thư ký Kofi Annan nhân dịp kỷ niệm lễ Vesak ngày 15 tháng 5 năm 2003:

Ngày lễ Vesak vừa là một dịp vui mà Phật tử khắp thế giới kỷ niệm ngày Đản sanh, Thành đạo và Nhập Niết bàn của Đức Phật hơn 2500 năm trước đây, vừa là một thời điểm để chúng ta suy nghiệm về những bài học rút ra từ chính cuộc đời của Đức Phật và những lời dạy của Ngài cho cuộc sống chúng ta hôm nay.

Thông điệp của Đức Phật là một thông điệp về Hòa bình và Từ bi, nhưng cũng còn là một thông điệp về Tỉnh thức - nhận biết bản thân mình, hành động của mình và nhận biết về thế giới chung quanh mình. Đây là thông điệp mà những ai quan tâm đến hướng đi và vận mệnh của loài người cần nghiêm chỉnh đón nhận.

Trừ ra chúng ta không còn quan tâm đến thế hệ tương lai nữa, vì tình trạng thoái hóa tàn nhẫn của môi sinh hôm nay sẽ làm tổn thương đến khả năng cung ứng nhu cầu của những thế hệ nầy.

Nếu chúng ta không hiểu được rằng những chọn lựa của chúng ta - với tư cách là kẻ tiêu thụ, người công dân hay những cử tri - sẽ tác động vượt xa hẳn ra ngoài cộng đồng hàng xóm gần kề, thì ngôi nhà toàn cầu của chúng ta quả thật sẽ trở nên nguy hiểm hơn hiện nay rất nhiều.
Và nếu chúng ta không nhận biết được rằng dù nghèo đói và tranh chấp có diễn ra ở đâu chăng nữa cũng đều quan hệ đến chúng ta, thì chúng ta sẽ thất bại trong nhiệm vụ chung nhằm xây dụng một thế giới có xã hội hài hòa và phúc lợi phổ quát.

Nhân dịp kỷ niệm ngày Vesak, tôi xin được nắm tay mọi người trong niềm hy vọng về một thế giới mà mọi người đều phấn đấu để tỉnh thức - nhận biết và quan tâm đến đồng loại. Trong tinh thần đó, tôi xin gửi đến quý vị lời chào nồng nhiệt nhất.”


Năm 2004 - Tổng Thư ký Kofi Annan

NEW YORK, 1 tháng 6 năm 2004 (Trụ sở Trung ương LHQ) – Sau đây là thông điệp của ông Tổng Thư ký Kofi Annan gửi đến “Lễ Quốc tế công nhận Ngày Vesak” tại New York vào ngày 1-6-2004:

“Tôi rất sung sướng được gửi lời chào mừng nồng nhiệt nhất của tôi đến ngày lễ quốc tế công nhận Ngày Vesak.

Mỗi năm, vào ngày này, chúng ta lại kỷ niệm ngày Đản sinh, Thành đạo và Nhập Niết bàn của Đức Phật hơn 2500 năm trước đây, và để tỏ lòng biết ơn đến những cống hiến của Phật giáo trong nỗ lực tìm kiếm hòa bình của thế giới.

Năm nay, nhân lễ kỷ niệm này, tôi muốn đặc biệt biểu lộ mối quan tâm của tôi rằng những biến cố gần đây - kể cả cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, chiến tranh tại Iraq, và cuộc chiến bi thảm giữa Do Thái và dân tộc Palestine - đã làm cho tình trạng căng thẳng giữa các tín đồ của vài tôn giáo lớn trên thế giới trở nên trầm trọng hơn.

Chúng ta phải dứt bỏ cái thói quen rập khuôn hóa, tổng quát hóa và các định kiến, và cẩn trọng không bôi nhọ cả một dân tộc, cả một vùng miền, hay cả một tôn giáo chỉ vì tội lỗi của một vài cá nhân. Như đạo Phật đã dạy, chúng ta vừa phải ứng xử công bình và khách quan với đồng loại của chúng ta, vừa phải kiềm chế ác tâm, sự hung hãn và ý muốn làm tổn hại người khác. Lòng khoan dung thì cần thiết nhưng vẫn chưa đủ. Chúng ta phải đi xa hơn nữa, phải tinh tấn nỗ lực tìm hiểu tha nhân và khám phá những điều tích cực nhất trong tín ngưỡng và văn hóa của họ.
Nhân ngày Vesak này, chúng ta hãy cam kết làm trọn phần của mình cho một chiến dịch lâu bền để xây dựng lại lòng tin tưởng và sự tin cậy giữa những người khác tín ngưỡng và khác văn hóa. Như đạo Phật, xin hãy công nhận tính tương thuộc thiết yếu giữa chúng ta. Và hãy cùng nhau lên đường như những người bạn đồng hành. Trong tinh thần đó, tôi xin chúc tất cả một ngày Vesak hạnh phúc.”

Năm 2005 - Tổng Thư ký Kofi Annan

Tôi xin gởi đến quý vị lời chào mừng nồng nhiệt nhất của tôi nhân Ngày Vesak, ngày mà chúng ta làm lễ tưởng niệm Đản Sinh, Thành Đạo và Nhập Niết Bàn của Đức Phật. Lý tưởng chúng ta chào mừng vào ngày này rất gần gũi với lý tưởng của Liên Hợp Quốc: đó là cổ võ sự hiểu biết giữa các dân tộc, theo đuổi mối liên lạc hòa hợp của các quốc gia và cổ động nền hoà bình.
Ngày Đại Lễ Vesak này rơi vào khoảng thời gian đặc biệt của Liên Hợp Quốc. Không những năm nay là năm đánh dấu kỷ niệm năm thứ 60 ngày thành lập LHQ sau khi Thế chiến Thứ Hai chấm dứt. Đây cũng là một năm mà chúng ta suy nghĩ về tương lai, và tham dự vào một cuộc thảo luận trong tinh thần xây dựng tương lai: làm thế nào để chấm dứt sự nghèo khó trên thê giới; làm thề nào để xây dựng một hệ thống an ninh tập thể có thể đối phó với đe dọa chung cho chúng ta; làm thề nào để tăng gia sự tôn trọng nhân phẩm trên các lãnh thổ khác nhau. Tôi tin rằng chúng ta có thể đạt được những tiến bộ lịch sử và lâu dài. Nhưng tất cả đều tùy thuộc vào quyết tâm của các chánh phủ, và sự tham gia tích cực của các tổ chức và cá nhân trên toàn thế giới.

Khi chào mừng Đại Lễ Vesak năm nay, chúng ta nên nhớ là, dù có nguồn gốc, chủng tộc, văn hoá hay tín ngưỡng nào, chúng ta đều chia xẻ một quê hương chung - một hành tinh trơ trọi nhỏ bé, nơi chúng ta sống gắn bó với nhau. Chúng ta hãy quyết tâm chung sức làm những việc mang lại lợi ích chung cho một đời sống hài hoà và hoà bình giữa tất cả các dân tộc trên thế giới.

Tôi xin cám ơn quý vị đã quyết tâm thực hiện các lý tưởng trên và xin chúc quý vị cử một mùa lễ Vesak tuyệt vời.”


Năm 2006 - Tổng Thư ký Kofi Annan

NEW YORK, 3 tháng 5 năm 2006 (Trụ sở Trung ương LHQ) – Sau đây là thông điệp của ông Tổng Thư ký Kofi Annan nhân dịp kỷ niệm lễ Vesak ngày 11 tháng 5 năm 2006:

“Tôi rất sung sướng được gửi đến quý vị lời chào mừng nồng nhiệt nhất nhân dịp kỷ niệm ngày Đản sanh, Thành đạo và Nhập Niết bàn của Đức Phật.

Những lý tưởng mà chúng ta tán dương hôm nay thì gần gũi với lý tưởng của Tổ chức Liên Hợp quốc: Cảm thông giữa các dân tộc, mưu cầu một xã hội hài hòa, và xiển dương hòa bình trên thế giới.

Ngày Vesak năm nay rơi đúng vào lúc Liên Hợp quốc đang tiếp tục những nỗ lực để thích nghi mình hầu đối diện với những thách thức của thế kỷ thứ XXI, và đặc biệt để triển khai những nghị quyết đã được các nhà lãnh đạo trên thế giới thông qua tháng Chín năm ngoái tại Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới 2005. Sự thành công của chúng ta khi tiến hành chương trình này không những tùy thuộc vào các đại diện chính phủ và các quan chức quốc tế mà còn tùy vào thành phần cử tri, giới tiêu thụ, các nhóm xã hội dân sự và các cá nhân thuộc mọi lứa tuổi, trong nước nghèo cũng như giàu, đã suy nghĩ và hành động như những công dân toàn cầu.

Kỷ niệm ngày Vesak năm nay, xin như đạo Phật, hãy công nhận tính tương thuộc thiết yếu giữa chúng ta. Và hãy quyết tâm cùng nhau hợp tác làm chung việc thiện và hợp tác cho sự sống chung hài hòa và an bình của mọi dân tộc trên thế giới nầy. Xin cảm ơn tất cả đã cam kết sống cho những lý tưởng này và xin chúc tất cả một lễ hội tuyệt vời cho Ngày Vesak.”



Năm 2007 - Tổng Thư ký Ban Ki-moon

BanKi-moon“Tôi lấy làm vinh dự được gửi lời chúc mừng nhân dịp vui kỷ niệm ngày Đản sanh - Thành đạo và Nhập diệt của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Ngày Tam Hợp Vesak gồm cả ba ý nghĩa trên - ND)
Hơn 2500 năm qua, những lời dạy của vị Đạo sư Giác ngộ - Phật Thích Ca vẫn tiếp tục là kim chỉ nam và đã mang lại ý nghĩa cho cuộc đòi của hàng triệu người trên thế giới. Việc tổ chức hằng năm Đại lễ này là cơ hội để Phật tử xác quyết niềm tin vào giáo lý của Ngài, đồng thời phát huy tinh thần Từ bi-Trí tuệ và Hoà bình mà Phật tổ đã truyền trao.

Chân giá trị của giáo pháp thì vượt thời gian, nhưng lễ kỷ niệm như hôm nay thì lại cần thiết hằng năm. Những biến cố xảy ra trong những năm gần đây đã tạo ra vực ngăn cách càng ngày càng tăng giữa những cộng đồng và giữa các nước trên thế giới. Những biến cố nầy làm gia tăng mối quan ngại về tinh thần không khoan nhượng và về tình trạng căng thẳng trong quá trình tương tác văn hoá. Lật ngược xu thế này là chuyện sống còn cho một nền hoà bình lâu dài và tình trạng ổn định cho thế giới.

Điều này đòi hỏi chúng ta phải có tầm nhìn vượt ra ngoài những lợi ích hữu hạn của cá nhân. Như lời Đức Phật đã dạy: Chúng ta cần tỉnh thức trong chánh ngữ và chánh mạng, và ý thức về những hệ quả của chúng đối với những người xung quanh chúng ta. Chúng ta cần hiểu được tính tương duyên giữa các thành phần trong xã hội, và coi trọng hạnh phúc của cộng đồng và của nhân loại như chính là hạnh phúc của bản thân mình.

Nhân ngày Vesak, tất cả chúng ta – dù là Phật tử hay không - hãy quyết tâm ứng xử với nhau trong tình thần độ lượng và khách quan. Chúng ta hãy phấn đấu mỗi ngày vì sự tiến bộ của bản thân và của thế giới. Trong tinh thần đó, tôi xin gửi lời chúc cho một ngày Vesak thật phong phú.”

TUYÊN NGÔN BANGKOK 2004

Thông Cáo Chung Hội nghị các nhà Lãnh đạo Phật giáo Thế giới về Quyết định Quốc tế Công nhận Ngày Vesak Tam Hợp tại Buddharmonthon, Nakhon Pathom, Thái Lan Ngày 25 tháng 5 năm 2004 (Phật lịch 2547) Quyết định Quốc tế Công nhận Ngày Vesak Tam Hợp năm 2004 (Phật lịch 2547)

Chúng tôi, những tham dự viên Hội nghị các nhà Lãnh đạo Phật giáo Thế giới về Quyết định Quốc tế Công nhận Ngày Vesak Tam Hợp của các quốc gia Bangladesh, Bhutan, Cambodia, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Mongolia, Myanmar, Nepal, Singapore, SriLanka, và Thái Lan, đã họp nhau tại Buddhamonthon, tỉnh Nakhon Pathom, nước Thái Lan, vào ngày 25 tháng 5 năm 2004 (Phật lịch 2547).

Chúng tôi công nhận rằng Ngày Vesak Tam Hợp, ngày rằm tháng Năm mỗi năm, là ngày được thế giới thừa nhận, đặc biệt tại Trụ sở chính và các Cơ quan khác của Liên Hiệp quốc, theo sáng kiến của Chính phủ Thái và Hội đồng Tăng già Tối cao Thái để làm lễ kỷ niệm tán dương ngày Vesak Tam Hợp vào năm 2004 (Phật lịch 2547) vừa tại New York vừa tại Bangkok.

Chúng tôi thừa nhận rằng ngày rằm tháng Năm mỗi năm là ngày thiêng liêng nhất của Phật tử trên khắp thế giới vì vào ngày đó họ kỷ niệm ngày Đản sanh, ngày Thành đạo và ngày Nhập diệt của Đức Phật; ngoài ra, Phật tử đồng thời còn có thể noi theo đức hạnh Từ bi, Trí tuệ và Thanh khiết của Ngài như là một cách thế sống hài hòa lý tưởng.

Chúng tôi xét rằng sự thừa nhận của quốc tế tại Trụ sở chính và các Văn phòng đại diện của Liên Hiệp quốc sẽ tạo nên một xác tín về Phật giáo, một trong những tôn giáo cổ xưa nhất trên thế giới, đã trong suốt hơn hai thiên niên kỷ rưởi qua và vẫn còn tiếp tục, đóng góp cho đời sống tâm linh của nhân loại. Do đó, Phật giáo phải được bảo trọng và xiễn dương để tiếp tục cuộc hành trình của mình.

Không phải tốn kém cho Liên Hiệp quốc, chúng tôi quyết định sẽ dàn xếp để những lễ hội kỷ niệm sẽ được tổ chức tại Trụ sở chính cũng như tại các Văn phòng của Liên Hiệp quốc, sau khi đã hội ý với các văn phòng và nhiệm sở Liên Hiệp quốc tương ứng. Cho năm 2004 (Phật lịch 2547), quốc gia Thái Lan đã được chỉ định để phối hợp với những quốc gia Phật giáo khác hầu làm lễ tán dương Ngày Vesak Tam Hợp vừa tại Trụ sở chính Liên Hiệp quốc tại New York vừa tại các trụ sở vùng của Liên Hiệp quốc.

Vì vậy, nay chúng tôi đồng ý những điểm sau đây:

1. Chúng tôi sẽ nỗ lực duy trì và bảo vệ Phật giáo, đối tượng thờ phụng và Thánh địa trên toàn thế giới.

2. Chúng tôi sẽ nỗ lực chuyển tải những thông điệp cao quý của Đức Phật đến tận con tim và khối óc của mọi người trên toàn thế giới thông qua sự tu tập và hành trì Giáo lý để bảo đảm công cuộc truyền bá Phật giáo.

3. Chúng tôi sẽ nỗ lực thúc đẩy hòa bình, hòa hợp và cảm thông giữa các dân tộc thông qua Phật giáo.

4. Chúng tôi sẽ nỗ lực để hợp tác và làm lễ kỷ niệm ở cấp độ quốc tế Ngày Vesak Tam Hợp tại các Trụ sở chính, trụ sở vùng Liên Hiệp quốc, và đặc biệt tại Văn phòng UNESCAPE ở Bangkok tại Thái Lan.



TUYÊN NGÔN BANGKOK 2005

Thông Cáo Chung Hội nghị Quốc tế Phật giáo về Ngày Vesak Tam Hợp của Liên Hiệp quốc từ ngày 18 đến 20 tháng 5 năm 2005 (Phật lịch 2548) tại Buddharmonthon, Nakhon Pathom, Thái Lan và tại Trung tâm Hội nghị Liên Hiệp quốc, Bangkok, Thái Lan

Chúng tôi, những tham dự viên của 41 quốc gia và cùng thuộc Hội nghị Quốc tế Phật giáo về Ngày Vesak Tam Hợp của Liên Hiệp quốc tại Buddharmonthon, tỉnh Nakhon Pathom, và tại Trung tâm Hội nghị Liên Hiệp quốc, thủ đô Bangkok, từ ngày 18 đến 20 tháng 5 năm 2005 (Phật lịch 2548), tri ân rằng Hội nghị đã được Chính phủ Hoàng gia Thái Lan và Hội đồng Tăng già Tối cao Thái Lan hỗ trợ, đồng thanh quyết nghị những điểm sau đây:

Chiếu nghị quyết được thông qua vào năm 1999 (Phật lịch 2542) tại Đại Hội đồng Liên Hiệp quốc rằng đại lễ Vesak Tam Hợp, vốn rơi vào ngày trăng tròn của tháng Năm, thì sẽ được thế giới công nhận và kỷ niệm, rằng Ngày Liên Hiệp quốc Vesak Tam Hợp đó sẽ được đồng kỷ niệm bởi tất cả các truyền thống tông phái Phật giáo;

Ngoài ra, để củng cố sự cảm thông và hợp tác giữa các truyền thống Phật giáo khác nhau, giữa các tổ chức hoặc cá nhân Phật giáo khác nhau thông qua những đối thoại liên tục giữa giới lãnh đạo và học giả Phật giáo, chúng tôi đã quyết định sẽ phổ biến thông điệp hòa bình sau đây căn cứ trên lời dạy của Đức Phật về Trí tuệ và Từ bi.

Sau khi thăm dò những vấn đề liên quan đến Phật giáo, Hội nghị đã đồng ý những điều sau đây:

1. Quyết định gia tăng và nâng cao sự hợp tác giữa các trường phái Phật giáo để đẩy mạnh sự thống nhất và tình đoàn kết giữa các Phật tử.

2. Đồng ý sẽ triển khai giáo dục thế nào để thúc đẩy sự cảm thông lẫn nhau, tôn trọng lẫn nhau và an bình nội tâm giữa các cá nhân và cộng đồng.

3. Ghi nhận việc sáng lập ra một mạng lưới tâm linh bằng cách dùng khoa học và công nghệ hiện đại để củng cố sự phát triển luân lý và đạo đức giữa tất cả giới trẻ Phật tử.

4. Bảo đảm tiến hành một cách không thành kiến việc triển khai nhân đạo và xã hội cho lợi ích của toàn nhân loại.

5. Nỗ lực bảo trọng Phật giáo và giáo pháp cao cả để duy trì những giá trị phổ quát của Chánh pháp.

6. Đồng ý hỗ trợ các quốc gia và vùng khác tổ chức các Hội nghị Phật giáo Quốc tế và Diễn Đàn Phật giáo Quốc tế sẽ được tổ chức tại Trung Quốc.

7. Quyết định tiếp tục Lễ hội Ngày Vesak Liên Hiệp quốc tại Thái Lan, với sự công nhận quần thể Buddharmonthon như là Trung tâm của Phật giáo Thế giới, và Đại học Maha- chulalongkorn Rajavidyalaya sẽ tiếp tục là Điều hợp viên của Lễ hội nầy.



TUYÊN NGÔN BANGKOK 2006

Thông Cáo Chung Hội nghị Quốc tế Phật giáo lần thứ Ba về Ngày Vesak Tam Hợp của Liên Hiệp quốc tại Buddharmonthon, Nakhon Pathom, và tại Trung tâm Hội nghị Liên Hiệp quốc, Bangkok, Thái Lan từ Ngày 7 đến 10 tháng 5 năm 2006 (Phật lịch 2549)

Chúng tôi, những tham dự viên của 46 quốc gia và vùng thuộc Hội nghị Quốc tế Phật giáo về Ngày Vesak Tam Hợp của Liên Hiệp quốc tại Buddharmonthon, tỉnh Nakhon Pathom, và tại Trung tâm Hội nghị Liên Hiệp quốc, thủ đô Bangkok, từ ngày 7 đến 10 tháng 5 năm 2006 (Phật lịch 2549), tri ân rằng Hội nghị đã được Chính phủ Hoàng gia Thái Lan và Hội đồng Tăng già Tối cao Thái Lan hỗ trợ rộng rãi trong khi toàn thể Vương quốc Thái Lan đang hân hoan kỷ niệm Lễ Đăng quang thứ 60 của Vua Bhumibol Adulvadej, và đồng thanh quyết nghị những điểm sau đây:

Với quy chiếu hoàn toàn về nghị quyết được thông qua vào ngày 15 tháng 12 năm 1999 tại Đại Hội đồng Liên Hiệp quốc, khóa họp thứ 54, mục Nghị sự số 174, về một đề nghị của 34 quốc gia rằng đại lễ Vesak Tam Hợp, vốn rơi vào ngày trăng tròn của tháng Năm, thì sẽ được thế giới công nhận và kỷ niệm tại các Trụ sở chính và Trụ sở vùng của Liên Hiệp quốc kể từ năm 2000 trở đi, rằng Ngày Liên Hiệp quốc Vesak Tam Hợp đó sẽ được đồng kỷ niệm bởi tất cả các truyền thống tông phái Phật giáo;

Ngoài ra, để củng cố sự cảm thông và hợp tác giữa các truyền thống Phật giáo khác nhau, giữa các tổ chức hoặc cá nhân Phật giáo khác nhau thông qua những đối thoại liên tục giữa giới lãnh đạo và học giả Phật giáo, chúng tôi đã quyết định sẽ phổ biến thông điệp hòa bình sau đây căn cứ trên lời dạy của Đức Phật về Trí tuệ và Từ bi.

Sau khi đã thăm dò những vấn đề liên quan đến Phật giáo và Thế giới, Hội nghị đã đồng ý những điều sau đây:

1. Gia tăng và nâng cao sự hợp tác giữa các trường phái Phật giáo để đẩy mạnh sự thống nhất và tình đoàn kết giữa các Phật tử.

2. Đẩy mạnh các hành động dấn thân xã hội để tạo dựng các Pháp hội bằng cách nhấn mạnh vai trò quan trọng của sự triển khai an bình nội tâm, và ứng phó với những động cơ đã thúc đẩy thân khẩu ý gây ra các mối bất hòa.

3. Thiết lập thêm nhiều trung tâm thiền định trên toàn thế giới và vì vậy phải gầy dựng thêm nhiều thiền sư.

4. Xúc tiến việc sáng tác những tác phẩm giáo dục dể dùng cho các em thiếu nhi, thanh thiếu niên và người lớn thông qua sự thiết lập một thư viện điện tử như là một tàng thư Phật giáo trung ương. Tàng thư nầy sẽ là kết quả hợp tác giữa Hệ thống trang nhà Buddha Dhama Education & BuddhaNet và Đại học Malachulalongkornrajavidyalaya.

5. Biên soạn và phát hành một tác phẩm có tính phổ biến quần chúng về Phật giáo để phát miễn phí tại các khách sạn trên toàn thế giới trong nỗ lực hoằng dương Phật pháp. Để thực hiện điều nầy, một Tiểu ban sẽ được hình thành trong khuôn khổ của Liên Ủy ban Tổ chức Quốc tế (JIOC).

6. Thành lập một cơ quan quốc tế để chịu trách nhiệm về quan hệ quân chúng cho Phật giáo.
7. Thúc đẩy các phe phái, tổ chức Liên Hiệp quốc, tổ chức UNESCO và các chính phủ liên hệ hãy bảo tồn gia tài văn hóa vật thể và phi vật thể của Phật tử.

8. Đề xướng những hành trì chuyển hóa nội tâm, được biểu hiện bằng đức tính tự chế, tự nguyện, giãn đơn và tiêu thụ khôn ngoan cũng như những nỗ lực đóng góp vào phong trào dấn thân xã hội và kết hợp trong việc triển khai những khuôn mẫu kinh tế mới.



TUYÊN NGÔN BANGKOK 2007

Được công bố trong nghị Phật giáo thế giới lần IV nhân đại lễ Phật đản Liên Hiệp quốc, từ ngày 26-29/5/2007 tại Buddhamonthon, Nakhon Pathom và Trung tâm Hội thảo Liên Hiệp quốc Bangkok.

Chúng tôi là những tham dự viên từ 61 quốc gia và các khu vực của Hội nghị Phật giáo quốc tế nhân ngày Phật đản Liên Hiệp quốc tại Buddhamonthon, Nakhon Pathon và Trung tâm Hội thảo Liên Hiệp quốc, Bangkok, Thái Lan, từ ngày 26 đến 30-5-2007 (PL. 2551), chân thành tỏ lòng biết ơn sự bảo trợ của Chính phủ Hoàng gia Thái Lan và Hội đồng Tăng già tối cao Thái Lan, khi toàn thể Vương quốc Thái Lan hân hoan tổ chức lễ kỷ niệm 80 năm ngày sinh của đức vua Bhumibol Adulyadej, đã đi đến thống nhất như sau:

Thực hiện nghị quyết được chấp thuận vào ngày 15-12-1999 tại Đại hội Liên Hiệp quốc, phiên họp số 54, mục nghị sự 174, bản kiến nghị tập thể đại diện cho 34 quốc gia đã nhất trí ngày lễ Vesak (nhằm ngày Rằm tháng 4 âm lịch, tương đương với tháng 5 dương lịch) được thừa nhận trên toàn thế giới và đã tiến hành tưởng niệm tại Trụ sở Liên Hiệp quốc và các văn phòng khu vực của Liên Hiệp quốc từ năm 2000 trở đi, ngày Vesak Liên Hiệp quốc cần được các truyền thống Phật giáo đồng tổ chức.

Hơn nữa, để củng cố sự hiểu biết và tinh thần hợp tác giữa tất cả truyền thống, tổ chức, các cá nhân thông qua việc đối thoại giữa chư vị lãnh đạo và học giả Phật giáo, quyết định truyền bá thông điệp hòa bình dựa trên giáo lý Từ bi - Trí tuệ của đức Phật, nhằm khám phá những vấn đề liên quan đến Phật giáo và thế giới, Hội nghị đã thỏa thuận các điều lệ sau:

1. Đẩy mạnh tinh thần đoàn kết giữa các truyền thống Phật giáo để phát huy tinh thần hòa hợp và đoàn kết vững mạnh của những người con Phật.

2. Thừa nhận tính khoan dung và vai trò chủ chốt của Vương quốc Thái Lan về việc tổ chức Lễ Phật đản Liên Hiệp quốc trong 4 năm qua, đồng thời đồng thuận và ủng hộ Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hiệp quốc năm 2008.

3. Tái khẳng định rằng Đại học Thái Lan Mahachulalongkornrajavidyalaya là văn phòng thường trực của Ủy ban Thư ký quốc tế thuộc Ban Tổ chức quốc tế về Ngày lễ Phật đản Liên Hiệp quốc.

4. Phát huy những nguyên lý Phật giáo nhập thế về những hoạt động xã hội, kêu gọi giới lãnh tụ Phật giáo đóng vai trò lãnh đạo về vấn đề đạo đức và luân lý, đặc biệt về công bằng xã hội, tôn trọng các cơ hội bình đẳng, quản lý tốt và minh bạch, sáng suốt.

5. Ghi nhận các tán dương và khích lệ của các quốc gia và các khu vực đặc biệt là thế giới Phật giáo và Chương trình phát triển Liên Hiệp quốc đối với đức vua Thái Lan về việc quản lý tốt và phát triển vương quốc trong suốt 61 năm trị vì.

6. Ủng hộ Diễn đàn Phật giáo Thế giới lần thứ II dự kiến được tổ chức tại Trung Quốc vào năm 2008.

7. Tiếp tục thực hiện hoàn tất dự án Thư viện Phật học điện tử, đã được triển khai từ năm 2006 với sự hợp tác giữa Chương trình Giáo dục Phật pháp và trang nhà BuddhaNet và đại học Mahachulalongkorn, đồng thời ghi nhận sự ủng hộ và quan tâm của các trường đại học và học viện Phật giáo tại Hội nghị này.

8. Tiếp tục dự án biên soạn và xuất bản quyển Thánh điển Phật giáo nhằm ấn tống và phổ biến rộng rãi trong các khách sạn khắp nơi trên thế giới.

9. Kêu gọi các đảng phái, Liên Hiệp quốc, UNESCO, các chính phủ và những cơ quan có liên quan để bảo vệ các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của Phật giáo và khuyến khích Phật tử viếng thăm các thánh địa Phật giáo như một phần tái khám phá đời sống tâm linh chính họ.

10. Ghi nhận tại Hội nghị này sự thành lập mang tính lịch sử và ủng hộ chức năng cũng như sự lớn mạnh vê mọi phương diện có thể của Hiệp hội các Trường Đại học Phật giáo thế giới, bao gồm hơn 80 trường viện Phật học thuộc 22 quốc gia và các khu vực.

11. Tổ chức hội thảo khoa học lần thứ II của Hiệp hội các trường đại học Phật giáo thế giới do đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya bảo trợ vào năm 2008 tại Bangkok, đồng thời bài tỏ thái độ hoan hỷ đối với sự phát tâm của trường Phật giáo này trong việc bảo trợ ngân sách, ít nhất là một năm, cho Ủy ban thư ký quốc tế của Hiệp hội các Trường đại học Phật giáo, và

12. Nhấn mạnh ở nhiều cấp độ những giá trị khoa học và tác dụng của thiền học Phật giáo trong sự phát triển của nhân loại, và khuyến khích áp dụng các phương tiện truyền thống và công nghệ hiện đại trong việc hoằng pháp, cũng như nêu cao ý thức về việc sử dụng các hình tượng đức Phật đúng mục đích.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
31/05/2015(Xem: 9566)
Lễ Phật Đản 2639 (2015) tại Chùa Pháp Quang, Úc Châu
31/05/2015(Xem: 7292)
Lễ Phật Đản 2639 (2015) tại Thiền Viện Minh Quang, Sydney
29/05/2015(Xem: 7911)
Hướng đến đệ thất cá niên của quốc gia Liên hoan Phật đản PL. 2559 và Tiết kỵ Mẫu thân, Tiết Khánh chúc đại hội, mùa hè thời tiết dương quang ấm áp, gần hai trăm nghìn người không phân biệt Tôn giáo, Quốc tịch, Chính đảng, ngày 10/05/2015 tại Đài Bắc Quốc tế Phật Quang hội tổ chức thiên Tăng, vạn Chúng Khánh chúc Phật đản, nhất tâm Thập nguyện báo Mẫu ân, các hoạt động hài hòa, chia sẻ niềm hoan hỷ trong bầu không khí trang nghiêm trọng thể.
29/05/2015(Xem: 7149)
Cách đây hơn 26 thế kỷ, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện tại xứ Ấn Độ cổ xưa, cội nguồn của nền văn minh sông Hằng. Sự kiện trọng đại Đức Thế Tôn thị hiện vào cõi đời này thật là hy hữu. Ngài đản sanh tại vườn Lâm Tỳ Ni, ngoại thành Ca Tỳ La Vệ, ngày nay là xứ Nepal. Sử sách Ấn Độ cho rằng một người ra đời với ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, sau này xuất gia sẽ thành Phật, sẽ đem chánh pháp giáo hoá chúng sanh. Khi Đức Thế Tôn thị hiện đản sanh, tiên nhân A Tư Đà đoán rằng sau này Ngài sẽ trở thành Chuyển Luân Thánh Vương hoặc xuất gia sẽ thành Phật; còn ngài Kiều Trần Như cho rằng Đức Thế Tôn sau này chỉ thành Phật và điều ấy đã trở thành sự thật. Lịch sử của Đức Thế Tôn có tính siêu việt giống như đoá hoa Vô Ưu mấy ngàn năm mới nở một lần. Theo tục lệ Ấn Độ, người phụ nữ hoài thai sẽ trở về quê ngoại để sinh nở, Hoàng hậu Ma-Da sắp đến ngày nở nhụy khai hoa đến vườn Lâm Tỳ Ni gặp hoa Vô Ưu nở, đưa tay hái liền hạ sanh Thái tử Sĩ-Đạt-Ta.
28/05/2015(Xem: 9309)
Mừng Phật Đản Bài của Ni Sư Như Đức Diễn đọc: Trọng Nghĩa - Mộng Lan
27/05/2015(Xem: 7837)
Người đã đến, vầng hồng dương rạng rỡ Bước nhiệm huyền bừng nở những đài sen, Ưu Đàm hoa còn lưu hương muôn thuở Cõi trầm luân còn nhắc nhớ bao phen..
27/05/2015(Xem: 6840)
Đối với tôn giáo độc thần, thần linh là tối thượng và độc nhất, tín đồ không thể nào có thể trở thành thần linh; trong khi đối với Phật giáo, Phật là một bậc thầy, là biểu tượng của giải thoát - giác ngộ, là biểu tượng cho phẩm tính toàn thiện tiềm tàng nơi mỗi chúng sanh; kẻ nào thực hành đúng chánh pháp (con đường mà bậc giác ngộ đã kinh qua), cũng đều có thể thành Phật.
26/05/2015(Xem: 5998)
Mùa Phật đản ( PL2559 - DL2015), Mùa kỉ niệm Phật ra đời, là con cháu của Phật, chúng ta dành thời gian nhớ lại những lời dạy của Ngài. Đức Phật trước khi xuất gia, là thái tử với tên gọi là Tất Đạt Đa. Với tuệ nhãn và tâm từ, thái tử Tất Đạt Đa, từ bỏ cuộc sống gia đình, tìm kiếm một con đường chấm dứt khổ đau cho ngài và cho người khác. Cuối cùng, sau sáu năm tu tập, dưới gốc cây bồ đề, Đức Phật giác ngộ rằng, chánh niệm là con đường duy nhất để thực hiện giải thoát. Chánh niệm sẽ đưa thân tâm và hơi thở, trở về một mối. Có chánh niệm thì đời sống được soi sáng bởi cái nhìn chân thực (chánh kiến), suy tư chân thực (chánh tư duy), lời nói chân thực (chánh ngữ), hành động chân chính (chánh nghiệp), tu tập trên con đường chánh đạo (chánh tinh tiến) và thiền định giúp đạt mục đích giải thoát (chánh định).
26/05/2015(Xem: 8461)
Lúc Phật còn chín tuổi, Ngài nghe kể lại rằng Một hôm mẹ nằm mơ Thấy voi trắng sáu ngà Với một đóa sen hồng
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]