Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thiền Sư Vạn Hạnh (938– 1018) Đời thứ 12 Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Sư Phụ của Vua Lý Thái Tổ 🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️

22/07/202110:31(Xem: 22105)
Thiền Sư Vạn Hạnh (938– 1018) Đời thứ 12 Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Sư Phụ của Vua Lý Thái Tổ 🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️


 

Nam Mô A Di Đà Phật

Kính bạch Sư Phụ,

Bài pháp thoại hôm nay là bài giảng thứ 262 của Sư Phụ bắt đầu từ mùa cách ly do bệnh đại dịch Covid (đầu tháng 5-2020).

 

Hôm nay chúng con học 2 vị thiền sư:

1-Thiền Sư Định Huệ, thuộc đời thứ 12 dòng Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Sư họ Khúc, quê ở Cẩm Điền, Phong Châu. Lúc đầu, Sư cùng thiền sư Vạn Hạnh thờ Thiền Ông Đạo Giả làm thầy, và được truyền tâm ấn.


Sau Sư về trụ trì ở chùa Quang Hưng, làng An Trình, phủ Thiên Đức.


Khi sắp tịch, Sư trao pháp ấn lại cho đệ tử là Lâm Huệ Sinh.

 

Thầy Chúc Hiền có làm bài thơ tán thán công hạnh của Thiền Sư Định Huệ như sau:

Sanh thời đảnh lễ đức Thiền Ông
Tổ ấn thừa đương quyết một lòng
Tấn đạo nghiêm thân truyền giáo pháp
Tu thiền nhập định xiễn tông phong
Quang Hưng thạch trụ gương tâm sáng
Định Huệ thiền sư giới đức trong
Mọi nẻo đi về thơm suối đạo
An Trinh Thiên Đức rạng thiền tông.

  


2- Thiền Sư Vạn Hạnh, thuộc đời thứ 12 thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Ngài là Sư Phụ của Lý Công Uẩn, đã hướng dẫn cho vị này một thời gian dài trước khi khai sáng triều đại nhà Lý (kéo dài 216 năm).


Thiền Ông Đạo Giả có hai đệ tử đắc pháp là thiền sư Định Huệ và thiền sư Vạn Hạnh.


Sư phụ giải thích:

Thiền Sư Vạn Hạnh là vị nổi tiếng nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, người công dạy dỗ Lý Công Uẩn, về sau lên làm vua, mở ra triều đại nhà Lý, kéo dài đên 216 năm (1009-1225), tồn tại với 9 đời vua nối nhau trị vì.

Sư họ Nguyễn, quê ở làng Cổ Pháp, gia đình đời đời thờ Phật. Thuở nhỏ Sư đã thông minh khác thường, thông suốt Tam học và nghiên cứu Bách Luận, mà vẫn xem thường công danh phú quý.

 

Sư phụ giải thích:
Thiền Sư Vạn Hạnh thông suốt tam học (giới, định và tuệ) và nhất là có duyên nghiên cứu Bộ Bách Luận (2 quyển) do Tổ Sư Ấn Độ thứ 15 Ca Na Đề Bà (Āryadeva/Kanadeva) ở Ấn Độ biên soạn vào thế kỷ thứ ba được Bồ tát Thế Thân chú thích, ngài Cưu Ma La Thập dịch ra chữ Hán năm 404, kế thừa tư tưởng trong Trung Luận của Bồ tát Long Thọ dùng nghĩa không, vô ngã …của Phật giáo đại thừa để phá kiến chấp của ngoại đạo.

Ngài Ca Na Đề Bà tác giả bộ Bách Luận là đệ tử và đắc pháp với Tổ Sư Long Thọ (Nagarjuna, Tổ 14). Sư Phụ có nhắc lại câu chuyện của ngài Ca Na Đề Bà khi đi hoằng pháp qua một thành phố đã độ được cho La Hầu La Đa  (Rahulata) đã ăn một thứ nấm do một tỳ kheo đầu thai để trả nợ, La Hầu La Đa phát tâm xuất gia tu và trở thành một vị tổ thứ 16 của Phật giáo ở Ấn Độ.


Sư Phụ có nhắc lại làng Cổ Pháp là nơi mà thiền sư Định Không cho đào đất lên để làm chùa thì gặp mười cái khánh, một cái khánh trôi lăn tận đáy ao mới dừng, ngài Định Không ghép chữ thập với chữ khẩu thành chữ Cổ, và ghép chữ thủy và chữ Khứ thành chữ Pháp và đặt tên là làng Cổ Pháp. Sư Định Không là nhà tiên tri, phong thủy nổi tiếng trước khi xuất gia và tiên tri hơn một trăm năm sau sẽ có một người họ Lý sanh ra trong làng này sẽ làm vua.

Năm 21 tuổi, Sư xuất gia và xin làm đệ tử Thiền Ông Đạo Giả, hầu Sư Phụ cùng thiền sư Định Huệ, ở chùa Lục Tổ làng Dịch Bảng, phủ Thiên Đức. Khi việc rảnh rỗi, Sư học hỏi quên cả mỏi mệt.

Sư Phụ có kể, năm 1992 Sư Ông Thanh Từ có hoài bảo ra Bắc tìm chùa Lục Tổ nhưng không tìm ra, 10 năm sau ngài trở lại đất Bắc thì phát hiện có đến hai chùa Lục Tổ, một chùa ở trên núi và một chùa ở dưới núi là chùa có thờ sáu vị tổ, không biết chùa nào là chính gốc, nơi Thiền Sư Vạn Hạnh đã tu học xưa kia và cũng nơi nuôi dưỡng chú tiểu Lý Công Uẩn, sau nay lên ngôi, lập ra triều đại nhà Lý.


Sau khi Thiền Ông tịch, Sư kế tiếp trụ trì chùa này và chuyên tập “Tổng trì tam ma địa”, lấy đó làm sự nghiệp. Bấy giờ Sư có nói ra lời gì dân chúng đều cho là lời sấm ký. Vua Lê Đại Hành rất tôn kính Sư.

 

Sư phụ giải thích:


Tổng trì tam ma địa là pháp tu đào luyện nội tâm, Tổng trì (Darani) là trì chú, Tam Ma Địa là chánh định, thiền tập lắng xuống mọi xáo trộn của tâm, đây là pháp môn Thiền-Mật song tu; Tổng trì tam ma địa là luôn giữ tất cả điều thiện không cho mất, thì điều ác không phát sanh trong tâm (tổng thiện bất thất, trì ác bất sanh).

Niên hiệu Thiên Phúc năm thứ nhất (980), tướng Tống là Hầu Nhân Bảo kéo quân sang đánh nước ta. Vua Lê Đại Hành mời Sư đến hỏi: -Quân ta thắng bại thế nào?
Sư đáp: -Trong ba, bảy ngày thì giặc ắt lui.

Quả đúng như lời Sư đoán, sau 21 ngày thì giặc rút lui.

Có kẻ gian tên Đổ Ngân âm mưu hại Sư, biết trước sự việc, Sư đưa cho y một bài thơ. Sư Phụ ngâm bài thơ này:
Thổ mộc sanh nhau Cấn với kim
Vì sao ôm ấp lòng hận phiền?
Bấy giờ tôi biết lòng buồn dứt,
Phật đến sau này chẳng bận tâm.


Sư Phụ giải thích và có viết chữ để minh họa, chữ thổ ghép với chữ mộc thành chữ Đỗ. Chữ cấn ghép với chữ kim thành chữ Ngân.


Đọc thơ này, gả Ngân hoãng sợ, không dám mưu hại Sư nữa.

Lúc vua Lê Ngoạ triều ở ngôi quá tàn bạo, mọi người đều oán ghét. Khi ấy Lý Thái Tổ còn làm chức Thân Vệ. Bấy giờ trong nước có những điềm lạ xuất hiện. Tuỳ theo chỗ thấy nghe, Sư đều bàn giải phù hợp với triệu chứng nhà Lê sắp mất, nhà Lý lên thay.
Để chiêu an bá tánh, Sư ra yết thị rằng:

“Tật Lê chìm biển Bắc
Cây Lý che trời Nam
Bốn phương binh đao dứt
Tám hướng thảy bình an “

(Tật Lê trầm bắc thủy
Lý tử thọ nam thiên
Tứ phương qua can tịnh
Bát biển hạ bình an).

Sư Phụ giải thích, thiền sư Vạn Hạnh tiên đoán nhà Lê sắp mất (Tật Lê chìm biển bắc), nhà Lý sẽ lên thay (cây Lý che trời Nam).

Lý Công Uẩn là võ tướng của thời vua Lê Đại Hành, là con nuôi của Sư Lý Khánh Vân, thọ học  văn-võ với Sư Vạn Hạnh. Sau khi thành tài, Sư Phụ Vạn Hạnh cho ra làm tướng dẹp giặc, vì giặc phương Bắc tấn công nên ra trận giúp vua.

Lúc vua Lê Đại Hành qua đời, Lê Trung Tông lên ngôi được 3 ngày thì bị Lê Long Đĩnh giết. Lúc đó, Lý Công Uẩn ôm xác vua Lê Trung Tông khóc, Lê Long Đĩnh thấy Lý Công Uẩn trung thành nên giao cho giữ binh quyền .


Năm 1009, Lê Long Đĩnh bị bệnh qua đời, quần thần tôn Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) lên làm vua. Năm sau, vua Lý Thái Tổ  dời kinh đô về Thăng Long và đặt niên hiệu là Thuận Thiên.


Sư Phụ giải thích, Thuận Thiên là thuận theo ý trời, ý trời ở đây là chỉ cho lòng dân. Lý Công Uẩn tấn phong thiền sư Vạn Hạnh làm Quốc Sư, người cố vấn tối cao cho vua về sách lược trị quốc, trong đó quan trọng là việc dời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Đại La Thăng Long (Hà Nội ngày nay), giúp cho triều đại nhà Lý vững bền đến hơn 200 năm sau.

Niên hiệu Thuận Thiên thứ chín (1018), ngày rằm tháng năm, Sư không bệnh chi, mà gọi chúng đệ tử đến nói kệ:


Thân như bóng chớp có rồi không
Cây cỏ xuân tươi, thu đượm Hồng,
Mặc cuộc thạnh suy không sợ hãi
Thạnh suy như cỏ hạt sương đong

(Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô,
Nhậm vận thạnh suy vô bố uý
Thạnh suy như lộ thảo đầu phô)

Nói xong, Sư lại bảo chúng: “các ngươi cần trụ chỗ nào? Ta chẳng lấy chỗ trụ mà trụ, chẳng y không trụ mà trụ.” Ngưng giây lát, Sư tịch, vua Lý Thái Tổ và đệ tử làm lễ hỏa táng, nhặt xá lợi xây tháp cúng dường.


Sư Phụ diễn ngâm bài thơ theo bảng dịch của Ngô Tất Tố và của Sư ông Thanh Từ và giải thích bài thơ nói lên hình ảnh vô thường, triết lý có và không.

Cuối bài giảng, Sư Phụ diễn ngâm bài thơ tán thán công hạnh của Thiển Sư Vạn Hạnh do Thầy Chúc Hiền cúng dường.

 

Thông minh mẫn tuệ thật phi thường
Bách luận nghiên tầm Tam học thông
Phú quý công danh xa lánh bỏ
Tổng Trì đạo nghiệp quyết vun trồng
Siêng năng học hỏi tâm ngời sáng
Tinh tấn tu hành chí suốt trong
Sấm ngữ phò vua nên nghiệp lớn
Thơ văn tỏa sáng sử huyền trang…!

 

Kính bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được Sư Phụ ban giảng về Thiền Sư Vạn Hạnh, sự hiện diện ra đời của Sư như là một ân huệ vận hạn cho nước Việt Nam, Sư đã đào tạo từ trong chốn thiền môn một vị vua tài đức song toàn, Lý Công Uẩn, đem lại sự bình an cho nước Việt Nam suốt chiều dài lịch sử 216 năm. Tôn danh của Ngài vẫn còn mãi trong lòng người Việt nhất là viện đại học Phật giáo “Đại học Vạn Hạnh”, và câu di chúc với tinh thần vô ngã của Sư trước khi thị tịch “Ta chẳng lấy chỗ trụ mà trụ”.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Cung kính và tri ơn Sư Phụ,
Đệ tử Quảng Tịnh Tâm
(Montréal, Canada).     

 


259_TT Thich Nguyen Tang_Thien Su Van Hanh


Thiền Sư Vạn Hạnh( 938-1018 ) vị Thiền sư lỗi lạc của Việt Nam thời nhà Lý .
Đời thứ 12 Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi
( - Người mang ánh sáng giác ngộ đi vào cuộc đời để giúp dân xây dựng một nước Việt huy hoàng rực rỡ ngoài việc thực chứng, thực ngộ của chính mình ! Và cũng là Sư Phụ của Lý Công Uẩn, đã hướng dẫn cho vị này một thời gian dài trước khi khai sáng triều đại nhà Lý (kéo dài đến 216 năm )


Học giả Hoàng Xuân Hãn viết: “Triều đại nhà Lý là triều đại thuần từ nhất trong lịch sử nước ta, đó là nhờ ảnh hưởng của Phật giáo”. Điều này cũng đủ cho ta thấy rằng triều đại nhà Lý được hưng thịnh có sự đóng góp của Thiền sư Vạn Hạnh là vô cùng to lớn .
Sử sách còn ghi " Nơi thiền sư ta nhận thấy một quốc sư mẫn tuệ, một nhà chiến lược tài ba, một nhà ngoại giao tuyệt vời, một con người giàu nghị lực không nản chí và một tâm nguyện lớn của bậc cao tăng Phật giáo đã làm “khởi sách” cho một triều đại mới. Thiền sư Vạn Hạnh, người đã suốt đời tận tụy với sự nghiệp “Hộ quốc an dân”, và từng được xưng tán là “Chống gậy thiền trấn giữ bờ cõi "



Kính dâng Thầy bài thơ trình pháp với chi tiết về Thiền Sư Vạn Hạnh trích từ lời giảng qua pháp thoại quá tuyệt vời hôm nay . Kính bạch Thầy xuyên suốt bài giảng , lồng trong đạo lý Thầy đã đem những trải nghiệm trong những lần chứng minh lễ tang với 2 câu đối mà ít người đã học được sau khi chia tay người thân không biết bao giờ họ có cơ hội làm người .
Con kính ghi vào tâm khảm điều Thầy muốn trao truyền
" THIÊN NIÊN THIẾT THỌ KHAI HOA DỊ
NHẤT THIẾT NHƠN THÂN TÁI PHỤC NAN"
cũng giống như bài học từ kệ thị tịch của Thiền Sư Vạn Hạnh . ..
Kính tri ân và kính đảnh lễ Thầy , HH 




Kính đa tạ Giảng Sư ....
Bắt đầu ngày mới ...đại hữu duyên nghe pháp thoại
Thiền Sư Định Huệ , cùng Vạn Hạnh theo sử sách ghi (1)
Thiền Mật Song Tu theo yếu chỉ Tỳ Ni Đa Lưu chi (2)
Đệ tử nối pháp đời 12 sau Thiền Ông Đạo Giả!

Riêng Thiền Sư Vạn Hạnh tài ba lỗi lạc tiếp quản Đạo Cả (3)
Siêu việt tâm linh trong toàn cảnh Đại Việt đương thời.
Làm thay đổi lịch sử ...để lại dấu ấn cho đời
Chứng ngộ nội tâm bằng Thiền định, lại hành trì Tam ma địa. ! (4)


Với tinh thần nhập thế ...dạy Lý công Uẩn đạo lý và chữ nghĩa (5)
Tài trí dụng mưu ... mà không ràng buộc bởi lợi danh ( 6)
Bài kệ thị tịch "Thị Đệ Tử " chỉ rõ đường lối thực hành (7)
Tinh thần Vô Trụ, Vô Chấp trước nhậm vận thịnh suy ...Vô Uý (8)


Bài truy tán của Vua Lý Nhân Tông ...(9)
......hình tượng ngàn năm được kính quý !!
Với tầm nhìn ưu việt....phương tiện và vị trí
....thuyết phục Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long
Hội đủ giá trị ....kiến thiết cường thịnh thành công (10)
Kính ngưỡng thay Bậc Cao Tăng anh tài lỗi lạc !!!

Nam Mô Vạn Hạnh Thiền Sư tác đại chứng minh .


Huệ Hương
Melbourne 22/7/2021

(1) Thiền Sư Định Huệ

Sư họ Khúc quê ở Cẩm Điền, Phong Châu. Lúc đầu, Sư cùng Thiền sư Vạn Hạnh thờ Thiền Ông Đạo Giả làm thầy, và được truyền tâm ấn. Sau Sư về trụ trì ở chùa Quang Hưng, làng An Trinh, phủ Thiên Đức.

Khi sắp tịch, Sư trao Pháp ấn lại cho đệ tử Lâm Huệ Sinh.

(2) Nói đến thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi không thể không nhắc đến yếu tố Mật giáo trong thiền phái này. Các yếu tố Mật giáo đã được các vị Thiền sư trong thiền phái ứng dụng để cho ra đời hình thức “sấm vĩ” như một phương tiện để truyền đạo hữu hiệu.

Thiền uyển tập anh chỉ đề cập một điểm nhấn là ngài chuyên tu tập pháp “Tổng trì Tam ma địa” chứ không phải là cốt lõi thực chứng. Truy tìm lại Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, ta thấy có bóng dáng Mật tông ở đó, mà ngài thuộc thế hệ thứ 12 của Thiền phái này. Tam ma địa, theo Trí độ luận, còn gọi là Tam muội và Thiền cũng gọi là Tam muội., tuy nhiên đây có thể là diệu dụng nào đó của việc đạt được thực ngộ Thiền, chứ không hẳn Tam ma địa là thực thể có từ bên ngoài. Như vậy hẳn nhiên ngài chứng ngộ là nhờ khai quật nội tâm bằng phương pháp Thiền định qua cửa ngõ và phương pháp hành trì của Tam ma địa. Nhờ đó, những việc làm của ngài đã làm thay đổi hướng vận động của lịch sử dân tộc, mở ra một giai đoạn phát triển mới, để lại dấu ấn cho đời sau.
Sự truyền thừa ý chí quật khởi từ thế hệ này (Định Không )sang thế hệ khác ( La Quý - Thiền Ông ) giống như một cuộc chạy rước đuốc tiếp sức, có lẽ khi đến tay Ngài Vạn Hạnh thì đã chín mùi.

Từ các yếu tố Mật giáo trong tư tưởng thiền học của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã đưa đến việc hình thành “sấm vĩ học”, là môn học suy trắc về tương lai, căn cứ trên lý thuyết âm dương và lý thuyết ngũ hành tương sinh tương khắc. Thiền sư Vạn Hạnh là người kế thừa những tinh hoa của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi về phong thủy và sấm vĩ triệt để, là người đã ứng dụng nghệ thuật sấm vĩ một cách toàn diện và khéo léo, tài tình. Trong những bài sấm của Thiền sư Vạn Hạnh có thể kể đến lần sét đánh lên cây gạo do Thiền sư Đinh La Quý trồng ở chùa Minh Châu khi xưa. Sau khi bị sét đánh cháy trên thân cây gạo hiện ra bài sấm:

“Thụ căn diểu diểu
Mộc biểu thanh thanh
Hòa đao mộc lạc
Thập bát tử thành
Đông A nhập địa
Dị mộc tái sinh
Chấn cung kiến nhật
Đoài cung ẩn tinh
Lục thất niên gian
Thiên hạ thái bình”.

Dịch:

“Gốc cây thăm thẳm
Ngọn cây xanh xanh
Cây hòa đao rụng
Mười tám hạt thành
Cành Đông xuống đất
Cây khác lại sinh
Đông mặt trời mọc
Tây sao ẩn hình
Sáu bảy năm nữa
Thiên hạ thái bình”.

Sách Đại Việt Sử ký toàn thư có chép: “Nhà sư Vạn Hạnh tự đoán riêng rằng: trong câu thụ căn diểu diểu, chữ căn là gốc, gốc tức là vua, chữ diểu đồng âm với yểu, thế là nhà vua chết yểu; trong câu mộc biểu thanh thanh, chữ biểu là ngọn, ngọn tức là bề tôi, chữ thanh đồng âm với chữ thịnh; hòa đao mộc là chữ Lê; thập bát tử là chữ Lý; Đông A là chữ Trần; nhập địa tức chỉ giặc phương Bắc vào cướp. câu dị mộc tái sinh tức là họ Lê khác lại nổi lên. Câu Chấn cung kiến nhật thì Chấn là phương Đông, kiến là mọc ra, nhật chỉ Thiên tử; Câu Đoài cung ẩn tinh thì Đoài là phương Tây, ẩn cũng như lặn, tinh là thứ nhân. Mấy câu ấy ý nói vua thì mệnh yểu, tôi thì cường thịnh, họ Lê mất thì họ Lý nổi lên. Thiên tử ở phương Đông mọc ra thì thứ nhân ở phương Tây lặn mất. Trải qua sáu bảy năm nữa thì thiên hạ thái bình”

Về phương diện phong thủy học, Thiền sư Vạn Hạnh cũng là người tinh thông. Xét kĩ từ “Chiếu dời đô” có thể thấy tư duy của những con người thực sự am hiểu về địa lí, mà người giúp sức cho Lý Thái Tổ trong công cuộc dời đô ấy không ai khác ngoài Thiền sư Vạn Hạnh. Sấm vĩ học và Phong thủy học là những phương tiện để các Thiền sư hoằng dương chánh pháp, đem đạo lý Phật đà truyền đến cho bách tính thiên hạ. Truyền đến Thiền sư Vạn Hạnh, nghệ thuật sấm vĩ và phong thủy ấy đã được Thiền sư sử dụng với tinh thần tùy duyên bất biến, ứng dụng sấm vĩ và phong thủy một cách tài tình để đưa Lý Công Uẩn lên ngôi. Việc làm ấy có thể coi là “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Mục đích cuối cùng của Thiền sư Vạn Hạnh cũng chỉ là giúp đất nước tránh một cuộc can qua, đưa người hiền lên ngôi đế vương để xây dựng đất nước cường thịnh và phát triển, xiển dương Phật pháp để xây dựng một xã hội theo

(3) Thiền Sư họ Nguyễn, quê ở làng Cổ Pháp, gia đình đời đời thờ Phật. Thuở nhỏ Sư đã thông minh khác thường, thông suốt Tam học và nghiên cứu Bách luận, mà vẫn xem thường công danh phú quý.

Năm 21 tuổi Sư xuất gia, cùng Thiền Sư Định Huệ, thọ học với Thiền Ông Đạo Giả ở chùa Lục Tổ, làng Dịch Bảng, phủ Thiên Đức. Khi việc rảnh rỗi, Sư học hỏi quên cả mỏi mệt.

(4) Sau khi Thiền Ông tịch, Sư kế tiếp trụ trì chùa này và chuyên tập pháp “Tổng trì tam-ma-địa”, lấy đó làm sự nghiệp. Bấy giờ Sư có nói ra lời gì dân chúng đều cho là lời sấm ký.

Được biết

Tam Học ngoài nghĩa Kinh Luật Luận của Tam tạng thánh điển còn có nghĩa là Tâm vô Lậu Học ( GIỚI - ĐỊNH - HUỆ ) từ giới sinh định và từ định sinh Huệ .

Trong khi Bách Luận là một trong ba bộ luận:Trung quán (Long Thọ, Nāgārjuna), Bách luận (Thánh Thiên, Āryadeva ), và Thập nhị môn (Long Thọ, Nāgārjna) để xiển dương không, vô tướng, bát bất Trung Đạo cho phái Tam Luận Tông , và nhất là xiển dương tánh không của các pháp nên còn gọi là Pháp Tánh Tông.

Giáo nghĩa chủ yếu của tông Tam luận gồm 3 khoa: Phá tà hiển chính, Chân tục nhị đế và Bát bất trung đạo. Trung luận, Bách luận và Thập nhị môn luận đều không ngoài2 mục đích phá tà và hiển chính đào sâu giáo lý Không và Vô Ngã

Theo Đại thừa huyền luận thì hữu đắc là tà, mà vô đắc là chính, phá tà là phá trừ cái kiến giải hữu sở đắc (có cái để được), còn hiển chính là nêu tỏ cái lí không vô sở đắc. Thông thường, phá tà hiển chính là chỉ cho phá bỏ tà kiến, hiển bày chính lí, nhưng tông Tam luận chủ trương ngoài phá tà không có hiển chính, bởi vì phá tà tức là hiển chính. Hiển chính là Trung đạo vô sở đắc, lìa tứ cú, dứt bách phi, lời mất, ý bặt. Vì muốn cho chúng sinh lãnh ngộ được cái lí thể vô sở đắc này mà trong chỗ vô danh tướng, cưỡng lập ra danh tướng, để nói Chân đế và Tục đế, 2 đế chính là ngôn giáo giải thích rõ lí vô sở đắc. Vì thế, Trung luận đặc biệt dùng Bát bất thuyết minh nghĩa của 2 đế. Bát bất là bất sinh, bất diệt, bất thường, bất đoạn, bất nhất, bất dị, bất xuất, bất lai. Cái gọi là tà tuy có nhiều thứ khác nhau, nhưng có thể tóm lại mà gọi chung bằng kiến giải nhất thiết hữu sở đắc(tất cả đều có chỗ được); nói cách khác, không ngoài 4 đôi 8 chấp: Sinh-diệt, thườngđoạn; nhất-dị, xuất-lai. Phá trừ 8 cái chấp tà mê này để hiển bày chính quán vô sở đắc, tức là Bát bất trung đạo. Tông này phá trừ tất cả kiến giải hữu sở đắc, lấy vô sở đắc làm tông chỉ, bởi thế, đối với giáo pháp 1 đời của đức Phật không lập quyền thực chân giả, hoặc chia sâu, cạn, hơn, kém. Tuy nhiên, để thích ứng với căn cơ của chúng

(5) Thiền sư Vốn tinh thông cả Nho, Lão,Phật , ông là người đã dạy học cho cả vua Lê Đại Hành và Lý Thái Tổ, không những về chữ nghĩa văn chương mà còn dạy cả giáo lý Phật Đà. Tinh thần nhập thế, phụng sự chúng sanh. Thiền sư Vạn Hạnh đã giúp đỡ rất nhiều cho vua Lê Đại Hành trong các công việc quân quốc đại sự.

Niên hiệu Thiên Phúc năm thứ nhất (980), tướng Tống là Hầu Nhân Bảo kéo quân sang đánh nước ta, đóng binh ở Cương Giáp, Lãng Sơn, vua Lê Đại Hành mời Sư đến hỏi:

– Quân ta thắng bại thế nào?

Sư đáp:

– Trong ba, bảy ngày thì giặc ắt lui.

Quả đúng như lời Sư đoán.

Có kẻ gian tên Đỗ Ngân âm mưu hại Sư. Biết trước sự việc, Sư đưa cho y một bài thơ:

Thổ mộc sanh nhau Cấn với Kim
Vì sao ôm ấp lòng hận phiền?
Bấy giờ tôi biết lòng buồn dứt
Thật đến sau này chẳng bận tâm.

(Thổ mộc tương sanh Cấn bạn Câm (kim) [Thổ Mộc là Đỗ, Cấn Kim là Ngân]
Vân hà mưu ngã uẩn linh khâm?
Đương thời ngũ khẩu thu tâm tuyệt
Chân chí vị lai bất hận tâm).

Được thơ này gã Ngân hoảng sợ không tiến hành mưu hại nữa.

Khi nhận biết đế nghiệp nhà Tiền Lê đã đến hồi mạt vận, Thiền sư Vạn Hạnh đã khéo léo vận động đưa Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế. Sau cuộc thay triều đổi đại không đổ máu ấy, Thiền sư Vạn Hạnh được vua Lý Thái Tổ sắc phong làm Quốc sư. Thiền sư Vạn Hạnh đã đem hết tài trí và tinh thần dung hợp Tam giáo Nho, Lão, Phật của mình để giúp vua Lý Thái Tổ trị quốc an dân đúng với vị trí của một vị lãnh đạo về mặt tinh thần và tâm linh. Với tinh thần nhập thế Thiền sư đã hành động để giúp dân an cư lạc nghiệp. Bàn tay và khối óc của Thiền sư Vạn Hạnh đã góp một phần không nhỏ cho việc hình thành và phát triển nhà Lý, một triều đại huy hoàng trong lịch sử dân tộc.

Khả năng của Thiền sư còn sử dụng tuyệt diệu hơn trong việc đào tạo nên một nhân vật lỗi lạc mà sau này đã trở thành một vị minh quân, một vĩ nhân của dân tộc. Ngài đã đào tạo Lý Công Uẩn ngay từ lúc còn làm chú tiểu ở chùa làng Cổ Pháp, để sau này trở thành một vị vua anh minh làm tròn sứ mạng cao cả cho dân tộc. Nhờ sự giáo dục uốn nắn tài tình của ngài, Lý Công Uẩn đã thâm nhập tinh thần từ bi trí tuệ trong đạo Phật, đặt sự tồn vong của dân tộc lên trên, xây dựng một xã hội nhân bản thịnh vượng.

Dưới sự giáo dục của sư, khi trưởng thành Lý Công Uẩn là người văn võ song toàn, lại sẵn có bản tính nhân từ , khoan thứ, tinh mật, ôn nhã. Hẳn là do sự tiến cử của sư VH mà chàng trai LCU được nhà vua tin dùng :”Lớn lên làm quan nhà Lê được thăng dần lên chức điện tiền chỉ huy sứ” (sđd–trang 159). Chức vụ này giống như quan võ cận vệ bên vua. Đầu năm 1004, hoàng tử thứ ba là Nam Phong Vương Lê Long Việt được phong làm Thái Tử. Lý Công Uẩn có nhiệm vụ phò Thái Tử để chuẩn bị lên ngôi kế nghiệp. Đầu năm sau 1005 vua băng hà, Thái Tử lên ngôi. “Vua lên ngôi được ba ngày thì bị Long Đĩnh giết, bầy tôi đều chạy trốn, duy có điện tiền quân là Lý Công Uẩn ôm xác mà khóc. Lê Ngọa Triều khen là người trung , cho làmTứ sương quân phó chỉ huy sứ, thăng lên đến Tả Thân vệ điện tiền chỉ huy sứ” (sđd–ĐVSKTT- bản in năm 1993–Tập I, trang 240)( từ chức phó chỉ huy quân coi bốn mặt thành lên đến chức cận vệ)).

Long Đĩnh có tính tàn bạo, đã giết anh ruột thì bầy tôi ôm xác chủ mà khóc tất nhiên cũng sẽ bị giết. Thế mà Công Uẩn còn được Long Đĩnh khen là bầy tôi trung và cho làm cận vệ bên mình. Theo tác giả Lê Văn Siêu , sau đó sư Vạn Hạnh còn bầy kế để Công Uẩn lấy chị của vua làm vợ, lại cho em của vua là Bà Chúa Ba làm đệ tử tu hành ở chùa Hương ( sđd-VHĐL-trang 106 ). Như vậy thanh thế của Lý Công Uẩn trong triều rất lớn.

6)

Đối với ngài, Thiền môn vẫn là nơi cư trú, cơm rau đạm bạc vẫn là thức ăn hàng ngày.Ngài đi vào cuộc đời, tham dự vào chính sự trong cương vị xuất thế của mình, nhưng lại không muốn hòa mình trong ràng buộc của lợi danh, quả là “Vô hành nhi hành, vô ngôn nhi ngôn”. Ngày Lý Công Uẩn lên ngôi vua, ngài ung dung ở chùa Lục Tổ bên cạnh chén trà trong tĩnh lặng. Cái ung dung thanh thoát của ngài thể hiện ngay cuộc sống không vướng bận buộc ràng. Vì dân tộc vì chúng sanh nên phải dấn thân nhưng không bị hoen ố bởi danh lợi dục trần.

(7) Bài kệ Thị Đệ Tử . di chúc để lại cho đời sau của Thiền Sư Vạn Hạnh:

Thân như bóng chớp có rồi không

Cây cỏ xuân tươi, thu đượm hồng

Mặc cuộc thạnh suy không sợ hãi

Thạnh suy như cỏ hạt sương đông.

(Sư ông Thanh Từ dịch Việt)

Thời gian cuối đời Thiền sư Vạn Hạnh lui về chốn Già lam u tịch phụng sự cho Đạo pháp. Thiền sư vẫn tiếp tục công việc giáo dục cho bao thế hệ trẻ thơ, đồng thời cũng làm cố vấn cho các việc quan trọng mà Lý Thái Tổ thỉnh ý. Năm Thuận Thiên thứ 16 (1025) Thiền sư không đau ốm gì mà thị tịch. Thi hài Thiền sư Vạn Hạnh được triều đình và môn đồ pháp quyến trà tỳ và đặt trong tháp thờ ở chùa Tiêu Sơn. Trước khi thị tịch Thiền sư Vạn Hạnh để lại bài kệ để răn dạy hàng đệ tử:

“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”.

Dịch:

“Thân như bóng chớp có rồi không
Cây cối xuân tươi thu não nùng
Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi
Kìa kìa ngọn cỏ hạt sương đông”. [5]

Chính trong bài kệ thị tịch của Thiền sư Vạn Hạnh đã thể hiện rõ nét tư tưởng của ông, một tư tưởng triết học Phật giáo thiền tông. Mọi sự vật, hiện tượng đều luôn biến động vô thường. Con người cũng không tránh khỏi quy luật vô thường. Vì phàm phu không hiểu được quy luật vô thường ấy mà có sự sợ hãi về cuộc thịnh suy của thời vận. Là bậc tu hành chứng đắc, đạt đến cảnh giới “nhậm vận” Thiền sư Vạn Hạnh đã hiểu rõ quy luật vô thường. Chính vì hiểu vậy nên Thiền sư trở về với bản tính chân như vốn có của con người, từ đó có thể thấy được cái “vô ngã” trong giáo lý nhà Phật. Chính vì lẽ ấy mà sự hòa nhập giữa nội tâm và ngoại giới ở Thiền sư Vạn Hạnh đã đạt đến cảnh giới đỉnh cao, vượt lên mọi sự phân biệt của thế giới nhị nguyên. Sự an nhiên trở về với tự tính, trở về với lẽ chân như mà diệu hữu của đạo Phật để thấy được bản thể trong sự vận động vĩnh cửu vô thủy, vô chung. Vì vậy khi ấy con người chỉ có thể coi như ánh chớp có rồi không ngắn ngủi. Và sự thịnh suy của cuộc đời cũng mong manh nhỏ nhoi như giọt sương đọng trên đầu ngọn cỏ. Theo giáo lý thiền tông thân xác chỉ là hóa thân có mất đi cũng chỉ là kết thúc một dạng tồn tại, chứ bản thể có mất đi bao giờ mà buồn thương tiếc nuối. Đó cũng là bài học mà Thiền sư Vạn Hạnh để lại cho đời sau.

(8)

Vạn Hạnh đã nhập thế bằng những bước chân vô ngã, không hệ lụy khập khiễng bởi hữu ngã trói buộc, cũng vừa nói lên nhân sinh quan và phong thái trong con đường hành đạo của Ngài: thể hiện tinh thần vô ngã, vô trụ, vô chấp của bậc liễu đạo có tầm nhìn bao quát rộng rãi về thế cuộc, có trách nhiệm với dân tộc một cách hết lòng.

. Với tư tưởng vô thường của lời Phật dạy và thực tiễn của xã hội hiện tại, Ngài nhận thấy sự chóng vánh của cuộc đời thăng trầm hoại diệt. Nếu không còn làm chủ được quy luật phát triển của xã hội thì con người dễ rơi vào hoang mang sợ hãi, không biết phải ứng dụng thế nào trước sự biến đổi vô thường của mọi hiện tượng và sự vật. Thiền Sư Vạn Hạnh để lại bản di chúc nhắn nhủ với các môn đồ phải làm chủ quy luật thịnh suy đó (nhậm vận thịnh suy). Đó chính sức mạnh vô úy trước các biến thiên còn mất, thành bại cũng là thái độ dõng dạc của những thiền Sư có đầy đủ phẩm chất đạo lực trong lòng giác ngộ. Cho đến tận bây giờ Cổ Pháp lưu hương đến mãi muôn đời về sau, theo chiều dài tháng năm của Thăng Long – Hà Nội.

(9)

Sư VH viên tịch trước vua Lý Thái Tổ (băng hà 1028). Ba triều vua kế tiếp của nhà Lý ( Lý Thái Tông 1028-1054 —Lý Thánh Tông 1054-1072—Lý Nhân Tông 1072-1127 ) đã củng cố nền độc lập tự chủ của dân tộc vững mạnh hơn cho đến đỉnh cao là dưới thời Lý Nhân Tông có danh tướng Lý Thường Kiệt vào năm 1075 trở đi lập đại công phá Tống bình Chiêm. Nhìn lại từ bước khởi đầu vào năm 1010 Lý Thái Tổ thiên đô về thành Thăng Long cho đến khi vua Lý Nhân Tông mất vào năm 1127, nhà Lý đã trụ hơn 100 năm. Trong lúc còn trị vì, chính vua Lý Nhân Tông đã nhìn nhận ảnh hưởng tinh thần to lớn của Sư Vạn Hạnh trong công cuộc dựng nên vương triều qua bài thơ truy tán công lao của Sư như sau :

Vạn Hạnh dung tam tế

Chơn phù cổ sấm cơ

Hương quan danh Cổ Pháp

Trụ tích trấn vương kỳ

Có bốn học giả dịch bài thơ này ra bốn phiên bản như sau:

1/ Lê Văn Siêu dịch nghĩa : Sư VH thông cả ba nền học (tam giáo:Nho, Lão,Phật); sự ra đời của ngài thật rất hợp với lời sấm cổ. Ngài đã làm rạng danh quê nhà ở Cổ Pháp và đã chống gậy Phật để trấn giữ nơi đế đô (VHĐL-trang 40).

2/ Nguyễn Đăng Thục dịch nghĩa : Thiền sư VH hợp nhất được ba cõi quá khứ, hiện tại, vị lai.

Đúng với tinh thần tiên tri thời cổ xưa. Quê hương danh tiếng là Cổ Pháp ( kinh đô Phật giáo Việt Nam tối xưa ). Thiền sư đem gậy thiền học bảo vệ cho lãnh thổ quốc gia. (Xem sách “Thiền Học Việt Nam–in năm 1966 tại Gia Định–Chương “Triết Lý dung tam tế của thiền sư Vạn Hạnh).

3/ Nguyễn Lang dịch thành thơ : Hành tung thấu triệt ba đời. Ngữ ngôn phù hợp muôn lời sấm xưa. Quê hương Cổ Pháp bây giờ. Dựng cây tích trượng, kinh đô vững bền ( VNPGSL-trang 144).

4/ Hòa Thượng Thích Mãn Giác dịch thành thơ: Vạn Hạnh thông ba cõi. Thật hợp lời sấm xưa.

Quê nhà tên Cổ Pháp. Gậy chống giữ nghiệp vua.(VH,KĐQCLS–trang 13).

(10)

Khi Lý Công Uẩn lên ngôi, việc đầu tiên thiền sư Vạn Hạnh tham mưu cho nhà vua, cần phải dời đô về Thăng Long, vì vị trí này mới xứng đáng tầm cỡ của một quốc gia. Mục đích triều Lý dời đô về Thăng Long là tính kế sách lâu dài

Trước đây khi đập tan loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh đã chọn Hoa Lư làm kinh đô. Đó là một sự lựa chọn rất tự nhiên, bởi lẽ Hoa Lư là quê hương ( bên ngoại ) cũng là đất dấy nghiệp của họ Đinh. Sang thời tiền Lê, Hoa Lư vẫn tiếp tục được chọn làm đất đóng đô. Xét về địa thế, Hoa Lư quả là mộ vị trí hiểm trở, rất thích hợp với việc xây dựng một hệ thống phòng ngự lợi hại. Nhưng một vị trí chỉ thuận lợi về mặt phòng ngự như thế, không thể thích hợp với việc kiến thiết kinh đô của một quốc gia đang phát triển trên tất cả mọi phương diện. Bước vào giai đoạn cường thịnh của nhà nước độc lập, kinh đô phải là một trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của cả nước. Vị trí hội đủ những điều kiện quan trọng này chính là Đại La hay La Thành (tức Hà Nội ngày nay). Lý Công Uẩn khẳng định: “ Vùng này đất đai rộng rãi và bằng phẳng, vị thế cao ráo mà sáng sủa, dân cư không phải khổ về nỗi thấp trũng tối tăm, muôn vật thật tốt tươi phồn thịnh. Xem khắp nước việt ta thì đây chính là nơi thắng địa, đúng là chốn tụ họp quan trọng nhất của bốn phương, xứng đáng làm kinh đô của muôn đời.”

Lý Công Uẩn chẳng những đã sớm phát hiện ra chỗ ưu việt của Đại La mà còn nhanh chóng thực hiện dời đô. Tháng 7 năm 1010, việc dời đô được thực hiện.





youtube


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]