Đôi điều cảm nhận về bài pháp thoại
tại chùa Bắc Linh - Nam Úc
nhân chuyến Phật Sự của
TT Thích Nguyên Tạng tại South Australia
Dù đã được thông báo rằng ngày 15/5/2021 pháp thoại thứ 234 trong mùa đại dịch Covid-19 về Tổ Sư Thiền sẽ được online tại chùa Pháp Hoa (20 Butler Ave, PENNINGTON, SA 5013) mà thôi , nhưng đến tối 14/5/2021 vào lúc 7:30pm giờ địa phương chúng tôi lại được thông báo rất cận kề TT Thích Nguyên Tạng sẽ có một pháp thoại giảng tại chùa Bắc Linh (Buckland Temple and Meditation Centre - 99 Reedy Road, Buckland Park, SA 5120) .
Điều này làm tôi hơi ngạc nhiên vì hiện nay đại dịch sẵn sàng đe dọa dù đã chích vắc xin nhưng Thầy rất bận rộn với các Phật Sự đa đoan và xuyên tiểu bang thì sức khỏe đâu cho phép ?
Thế nhưng khi vào nghe pháp thoại livestream , vẫn thấy được nụ cười ấm áp và biện tài thuyết pháp của Thầy đã lôi cuốn chúng đệ tử về đề tài " Thiền là gì " xuyên qua câu Niệm Phật , vì vậy thói quen sẵn có tôi lại lấy giấy bút chăm chú ngồi nghe và viết lại cảm nghĩ này, hy vọng chia sẻ được những gì Thầy đã giảng ... gọi là trình pháp!
Tôi chưa từng viếng thăm Nam Úc ( thật là một khuyết điểm) nhưng qua sách báo và nhất là các bài về những ngôi chùa trong Giáo Hội ( GHPGVNTNHN Úc Đại Lợi - Tân Tây Lan ) thì những điểm sơ lược mà tôi được biết về chùa Bắc Linh như sau :
Buckland Temple and Meditation Centre
99 Reedy Road, Buckland Park, SA 5120 ở vùng phía Bắc Nam Úc.
Trụ trì: Thượng Tọa Thích Viên Trí
Tổng Vụ Trưởng TV Thanh Niên GĐPT/ TVP TV Từ Thiện XH
(Trước đây từ năm 2010 là Tăng Xá Bắc Linh) nơi đây là vùng Farm nên bà con rất cần Thầy hướng dẫn tu tập và sinh hoạt vào mỗi thứ Sáu hằng tuần và các Lễ: Tết Nguyên Đán, Phật Đản, Vu Lan (sau Chùa Pháp Hoa 1 tuần).
Lễ Đặt Viên Đá Xây Dựng Chùa Bắc Linh vào ngày 05-05-2019 dưới sự chứng minh và chú nguyện của HT Hội Chủ Thích Bảo Lạc và HT Phó Hội Chủ Thích Quảng Ba, cùng Chư Tôn Thiền Đức trong Giáo Hội và địa phương.
Ngoài ra TT Thích Viên Trí,đang kiêm nhiệm Kế thừa Tổ Đình Pháp Hoa trong hiện tại do Sư Ông HT Thích Như Huệ người sáng lập, lèo lái con thuyền Chánh pháp khắp Liên Châu và đặc biệt là GHPGVNTNHN Úc Đại Lợi - Tân Tây Lan này, vững vàng vượt qua phong ba bão táp, để hôm nay phát triển vươn lên. Ngài là hiện thân hiện thân của sự “hòa hợp” trong Tăng đoàn, hàng chúng đệ tử cũng nương vào đó mà “tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự” được mọi điều hanh thông đến ngày nay .
Riêng Cố Hoà Thượng Thích Như Huệ là một trong Quảng Nam Tứ Trụ đó là :
1- Hoà Thượng Chơn Phát
2- Hoà Thượng Như Vạn ( Bổn Sư của TT Thích Hạnh Tuấn )
3- Hoà Thượng Long Trí ( Sư Phụ của HT thích Như Điển , Cố HT Thích Tâm Thanh và TT Thích Như Tịnh )
4- Hoà Thượng Như Huệ .
Và sau đây vài dòng về Tổ Đình Pháp Hoa do Ngài sáng lập: vào năm 1982, bấy giờ, Hòa Thượng Thích Như Huệ, đến Nam Úc từ Nhật Bản theo diện nhà truyền giáo. Ngài đến Trụ Trì tại Chùa Pháp Hoa ban đầu chỉ là một ngôi nhà nhỏ “cải gia vi tự” tại số 83 Addison Road khu Rosewater, được hình thành bởi một số cư sĩ Phật tử nhiệt tâm đóng góp .
Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, số lượng Phật tử ngày càng đông. Vì lý do đó, nên Hòa thượng đã quyết định mua một lô đất diện tích 5000 m2 ở số 20 Butler Avenue, Pennington, nằm cách trung tâm thành phố Adelaide (thủ phủ của tiểu bang South Australia) 10 km về hướng Tây Bắc, để tạo lập nên ngôi Phạm Vũ Pháp Hoa huy hoàng, được coi là ngôi Chùa trước tiên và lớn nhất trong cộng đồng Người Việt tại Nam Úc và cũng là nơi được Chính phủ đưa vào danh bạ danh lam thắng cảnh cho khách tham quan du lịch, học tập của địa phương Nam Úc, đóng góp được nhiều văn hóa tín ngưỡng sắc
Sau khi Ngài viên tịch, TT Thích Viên Trí đã khởi công và tạo dựng lên Chùa Bắc Linh như ngày nay mà theo lời giới thiệu của TT Nguyên Tạng " thật tán dương và ngưỡng mộ vì trai đường được thiết lập tuy tạm nhưng rất kiên cố " và chánh điện rộng rãi để có thể nghe giảng pháp thoại trong những ngày có khoá tu học .
Bây giờ vào bài pháp thoại " Thiền là gì " một đề tài đang được nhiều hành giả thảo luận khi thế giới Tây Phương đến với Phật Giáo đều do Thiền ( Meditation) nhưng mục đích chính của bài pháp thoại ....vẫn là xoay quanh một vấn đề là làm sao có tư lương để chuẩn bị cho một chuyến đi không về và làm thế nào để trở về cội nguồn tâm linh ! Và bằng pháp môn Thiền hay niệm Phật đểu có thể!
Thượng Tọa Giảng Sư rất khéo léo khi dẫn dắt từ định nghĩa Thiền là gì và đi vào pháp môn Thiền Tịnh song tu qua câu niệm Phật khi ngồi thiền , để rồi giải thích tỷ mỷ sự và lý trong cách niệm Phật liên tục trong 7 ngày để được Nhất Tâm và cũng từ đó làm rõ nghĩa hơn Thất tình và Lục Dục
Bài pháp thoại rất phù hợp với mọi căn cơ khi Giảng Sư nói về cách thiền hơi thở ( đếm sổ tức) để đi dần đến Thiền Tứ Niệm Xứ và đi vào Thiền Tông từ câu hỏi của Phật Hoàng Nhân Tông và được Tuệ Trung Thượng Sĩ đáp " PHẢN QUAN TỰ KỶ , BỔN PHẬN SỰ BẤT TÙNG THA ĐẮC " để chỉ rõ lộ trình tu tập cần nhất là PHẢN VĂN , VĂN TỰ TÁNH để thấy được cái THỂ TÁNH TỊNH MINH , CHÂN TÂM THƯỜNG TRÚ mà Kinh Lăng Nghiêm Đức Phật đã chỉ cho chúng ta thấy điều xưa nay chúng sinh thường nhầm lẫn về Tánh Nghe .
Tôi rất thích thú với cách dẫn giải về Tịnh nghiệp Tam Phước để rồi từ đó "từng sát na mình có làm chủ được Ông Phật trong tâm của mình không? " để sống được an lạc nhất tâm qua 4 câu thơ của H T mãn Giác trong bài thơ " Nhớ Chùa "
Chuông vẳng nơi nào nhớ lạ lùng
Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của Tổ Tông
Cũng như những bài trình pháp về Tổ Sư Thiền , kính xin tóm tắt nội dung bài giảng trong bài thơ do HH tự thu thập được và những ghi chú đã nghe được trong pháp thoại như lời tri ân đến đường lối hoằng pháp của TT Giảng Sư Thích Nguyên Tang trong thời đại dịch ....đã giúp chúng đệ tử luôn tinh tấn trong việc nghe pháp và tự mình chuẩn bị tư lương .
Kính đảnh lễ Thầy và kính chúc Thầy pháp thể khinh an !
PHÁP TU TỊNH NGHIỆP TAM PHƯỚC đường đến AN LẠC NHẤT TÂM.
Thiền là gì ? chủ đề pháp thoại thật thú vị
Được Giảng Sư trình bày định nghĩa rõ ràng (1)
Tổ dùng Niệm Phật khi thiền sinh quá mơ màng
Và sách tấn cách nào tận diệt THẤT TÌNH LỤC DỤC (2)
Từ Sổ Tức, Thiền Tứ Niệm Xứ, Tức Tâm tức Phât (3)
Cách tu dễ nhất Tịnh Nghiệp Tam Phước lâu dần (4)
Phước thứ ba lưu ý TỨ VÔ LƯỢNG TÂM (5)
Chính lối về cõi A Di Đà Tây Phương Cực Lạc ! !
Dùng yếu chỉ Tổ Sư Thiền chỉ ra CHỦ , KHÁCH !
Đừng phan duyên từng sát na làm chủ tâm mình
Tự hỏi , tự trả lời để về nguồn cội tâm linh !
Và hành trình ấy chỉ xoay quanh TỊNH NGHIỆP TAM PHƯỚC !!!
Niết Bàn trong tầm tay, nếu thực hiện được !!
Khi sống mãi với Ông Phật mình trong ngôi chùa tâm linh
Đã thể nhập được Thể Tánh Tịnh Minh
Là Phật tánh, Chân Tâm Thường Trụ bạn nhé !
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật
Huệ Hương
Melbourne 15/5/2021
Vài hình ảnh thời Pháp Thoại tại Chùa Bắc Linh
và Chùa Pháp Hoa, Adelaide, Nam Úc
(Photo: Hoàng Lan QTD)
(1) (Thiền), gọi đầy đủ là Thiền-na (zh. chánna 禪那, sa. dhyāna, pi. jhāna, ja. zenna, en. meditation), là thuật ngữ Hán-Việt được phiên âm từ dhyāna trong tiếng Phạn. Trung hoa gọi là zh. chán 禪 và Nhật Bản (, ja. zen
Tất cả các trào lưu triết học Ấn Độ đều hiểu dưới gốc động từ này là sự tư duy, tập trung lắng đọng và vì vậy, ta cũng tìm thấy từ dịch ý Hán-Việt là Tĩnh lự (zh. 靜慮). Thiền là sự kết hợp giữa thân thể và ý niệm trong thời gian – không gian hiện tại để nhận biết sự vật, hiện tượng và ý niệm[1]. Thiền là để tĩnh tâm, gạt bỏ mọi tạp niệm để nhận thức bản ngã và thế giới xung quanh một cách đúng đắn, sáng suốt nhất.
(2)
Nghĩa của thất tình lục dục.
Thất tình: Là bảy thứ tình cảm mà mỗi chúng ta đều có như vui mừng, giận dữ, buồn bã, vui vẻ, yêu thương, ghét và ham muốn hay nói cách khác là hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục.
Bảy trạng thái tâm lý nầy luôn luôn tiềm ẩn ở nơi tâm thức chúng ta, hễ khi nào gặp một cơ hội thuận tiện, tự nhiên cái tình cảm ấy sẽ hiện nguyên ra bên ngoài như khi vui, người ta có bộ mặt tươi tắn, lúc buồn mặt ủ dột, lạnh nhạt, còn giận thì mặt tái mét, xanh xao, yêu thương mặt đỏ. Một trong 7 thứ tình cảm trên thái quá cũng khiến cho tâm sinh lý con người xáo trộn mất bình tĩnh và gây ra những hành động thiếu ý thức và tai hại.
Lục dục gồm 6 điều ham muốn đã trở thành thói quen khó sửa đổi như sau:
Sắc dục: Thấy các sắc xanh, vàng, đỏ, trắng và hình sắc nam nữ rồi tham đắm vào đó.
Hình mạo dục: Thấy hình dung đoan chánh, tướng mạo tốt đẹp mà sanh lòng tham đắm.
Uy nghi tư thái dục: Thấy tướng đi, đứng, nằm ngồi, nói cười mà sanh lòng ái nhiễm.
Ngữ ngôn âm thanh dục: Nghe tiếng nói trau chuốt êm ái thích ý vừa lòng, giọng ca lảnh lót, tiếng nói dịu dàng mà sanh lòng yêu mến.
Tế hoạt dục: Thấy da thịt của nam nữ mịn màng, trơn láng mà sanh lòng yêu mến.
Nhân tượng dục: Thấy hình nam nữ dễ thương mà sanh lòng đắm trước.
(3) Thông thường Thiền là phương pháp chỉ chung cách ngồi, tùy theo pháp môn tu mà mỗi người chọn để thực hành thiền.
Mỗi pháp môn đều có chỉ dẫn cách thực hành thiền riêng của nó như
tu Chỉ: Là buộc tâm không cho suy nghĩ, không cho tư tưởng khởi lên, gọi là dứt vọng tâm dứt tán loạn, phải tỉnh táo sáng suốt và tịch tịnh vắng lặng.
Tu Quán: Là quán sát các tướng nhân duyên sinh diệt, như quán “Thân bất tịnh” để đối trị tham dục,
quán “Sổ tức” là đếm hơi thở ra vào, đối trị loạn động, ngăn ngừa suy nghĩ nhớ tưởng đủ thứ;
tu “Tứ Niệm Xứ” quán sát “thân thọ tâm pháp”, tu “Tứ Thiền” v.v….
Riêng Thiền Tông, tuy không chủ trương ngồi thiền, vì có thể áp dụng trong mọi hoàn cảnh đi đứng nằm ngồi đều dụng công tham thiền được cả, nhưng không phải là bác bỏhẳn việc ngồi thiền, vì những người mới tu, ngồi dễ dàng hơn cho việc thực hành tham thiền của mình.
(4)
Tịnh nghiệp tam phước, . Phật nói tam phước, tổng cộng đã nói mười một câu. Mười một câu này chính là “đạo”. Trái ngược mười một câu này, đó chính là “phi đạo”
Phước thứ nhất là phước nhân thiên, cũng chính là đạo của nhân thiên
Đó là Hiếu dưỡng phụ mẫu. Phụng sự sư trưởng. Từ tâm bất sát. Tu thập thiện nghiệp”.
Phước thứ hai là Nhị thừa, là tiêu chuẩn mà người Nhị thừa tu. Có ba câu: “Thọ trì tam quy. Cụ túc chúng giới. Bất phạm uy nghi”. Đây là vào cửa Phật.
Phước thứ ba là nền tảng của Bồ Tát Đại Thừa. “Phát tâm Bồ Đề. Tin sâu nhân quả. Đọc tụng Đại thừa. Khuyến tấn hành giả”.
(5) Tứ Vô lượng Tâm
Tứ vô lượng tâm là Từ, Bi, Hỷ, Xả, bốn đức tính tiềm tàng trong lòng mỗi người chúng ta. Giàu giàu có sang cả hay nghèo khổ cơ hàn, dù thông minh trí tuệ hay đần độn dốt nát, dù ốm hay mập, cao hay thấp, xinh đẹp hay xấu xí, mạnh mẽ hay yếu đuối, dù điếc dù đui, dù câm, dù ngọng: Tứ vô lượng tâm có sẵn trong lòng chúng ta cả.
Từ là tâm chẳng sân si
Bi thương hết chẳng vì một ai
Hỷ là vui vẻ hoà hài
Xả thì xoá hết đắng cay vui buồn
Ai đã phát triển được tứ vô lượng tâm trong lòng mình, người ấy đã tạo được trạng thái tinh thần hòa và bình giữa mình và nhân loại, hòa mình được với tất cả vạn vật.
Chính nhờ từ, bi, hỷ, xả mà con người có thể gọi là văn minh và con người xứng đáng là con người. Tứ vô lượng tâm là phần tinh túy cao cả nhất trong tâm hồn ta và nó phải là lý do và nền tảng của mọi hành động ta. Tâm hồn ta có được tinh khiết thanh tịnh cùng chăng, cũng do tứ vô lượng tâm vậy.
Đành rằng tứ vô lượng tâm đã có sẵn trong lòng ta, nhưng ta phải cố công tìm mới gặp được và tìm được rồi ta phải thi thố, thực hành nó, phải vun phân tưới nước cho nó một cách liên tục, với sức cố gắng không ngừng.