Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thiền Sư Vô Văn Minh Thông (1480-1543) Tổ thứ 27 của Thiền Phái Lâm Tế. 🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷

11/05/202110:18(Xem: 18274)
Thiền Sư Vô Văn Minh Thông (1480-1543) Tổ thứ 27 của Thiền Phái Lâm Tế. 🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷


 

 
Nam Mô A Di Đà Phật

Kính bạch Sư Phụ

Bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được học về Thiền Sư Vô Văn Minh Thông (1480-1543). Ngài là Tổ thứ 64 (tính từ sơ tổ Ca Diếp), thuộc đời thứ 31 sau Lục Tổ Huệ Năng, và cũng là Tổ thứ 27 của Thiền Phái Lâm Tế.

Bài pháp thoại hôm nay là bài giảng thứ 232 trong loạt bài giảng của Sư Phụ bắt đầu từ mùa cách ly do bệnh dịch cúm Tàu.

Sư họ Hề, tự Vô Văn, hiệu Tuyệt Học, Sư sanh năm 1480 niên hiệu Thành Hoà thứ 15 đời vua Minh Hiến Tông, tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Hoa.

Năm 17 tuổi, Sư xuất gia, năm 20 tuổi Sư thọ giới Cụ túc. Sư chuyên tinh giới luật, nghiên cứu sâu về Duy thức. Sư nghiên cứu 4 câu kệ của Đức Đại Thông Trí Thắng Như Lai, thuộc phẩm thứ 7 Hóa Thành Dụ trong kinh Pháp Hoa.
Đức Đại Thông Trí Thắng.

Sư Vô Văn Minh Thông có duyên với Duy Thức , cuối cùng ngài nghiên cứu kinh Pháp Hoa vì ngài tâm đắc với Đức Đại Thông Trí Thắng Như Lai.

 

Con cảm ơn Sư Phụ đã kể chuyện về Đức Đại Thông Trí Thắng Như Lai, lâu nay con đọc Kinh Pháp Hoa mà không nhớ gì về Đức Phật này, nay có dịp biết chi tiết về Ngài.

Đức Đại Thông Trí Thắng Như Lai thọ thế đến 540 vạn ức na do tha kiếp. Ngồi Thiền 10 kiếp mới thành đạo. Trước khi xuất gia Ngài có 16 người con trai, 16 người con khi theo cha xuất gia sau khi thấy cha thành đạo. Cha của Phật Đại Thông Trí Thắng là Vua chuyển luân thánh vương. Sau khi Ngài thành đạo, tám muôn ức người theo hầu đức Chuyển luân Thánh vương thấy 16 vị vương tử xuất gia cũng xin xuất gia và được vua chấp thuận. Đức Phật Đại Thông Trí Thắng nói kinh này liên tục trong 8.000 kiếp. Nói xong Ngài trụ thiền định, 16 vị sa di liền thay Phật giảng kinh Pháp Hoa trong 84.000 kiếp.

16 vị sa di Bồ tát nay đã thành Phật, ở phương Đông là A Súc và Tu Di Đảnh, ở phương Đông Nam là Sư Tử Âm và Sư Tử Tướng, ở phương Nam là Hư Không Trụ và Thường Diệt, ở Tây Nam là Đế Tướng và Phạm Tướng, ở phương Tây là A Di Đà, Độ Nhất Thiết Thế Gian Khổ Não, ở Tây Bắc là Tu Di Tướng và Đa Ma La Bạt Chiên Đàn Hương Thần Thông, ở phương Bắc là Vân Tự Tại và Vân Tự Tại Vương, ở phương Đông Bắc là Hoại Nhất Thiết Thế Gian Bố Úy và Thích Ca Mâu Ni.


Sư Phụ giải thích 16 vị vương tử là biểu trưng cho 16 tâm kiến đạo, đó là bát nhẫn và bát trí. Trong 8 nhẫn thì bốn nhẫn trước là nhịn chịu và ấn chứng bốn phép nhẫn của bốn đế ở cõi Dục, đó là:
1/ khổ pháp nhẫn
2/ tập pháp nhẫn,
3/diệt pháp nhẫn
4/đạo pháp nhẫn.

Còn bốn nhẫn sau là nhịn chịu và ấn chứng bốn loại nhẫn của bốn đế ở cõi Sắc và cõi vô Sắc, đó là
5/khổ loại nhẫn
6/tập loại nhẫn,
7/diệt loại nhẫn
8/đạo loại nhẫn

 

Vì tám nhẫn diệt trừ kiến hoặc trong ba cõi, khi Kiến hoặc đã dứt hết, sự quán chiếu trở nên rõ ràng nhờ có bát trí,  đó là:

1/ khổ pháp trí

2/tập pháp trí

3/diệt pháp trí

4/đạo pháp trí

5/khổ loại trí

6/tập loại trí

7/diệt loại trí

8/đạo loại trí

Có bát nhẫn, có bát trí là đạt đến đạo giải thoát, ra khỏi vòng sanh tử luân hồi.

 

Ngài Vô Văn quán cuộc đời của Đức Đại Thông Trí Thắng Như Lai là ngài đào luyện nội tâm của mình chuẩn bị cho hành trình liễu ngộ khi đến cầu pháp với TS Thiên Kỳ Minh Bản.

Sau đó ngài đến tham yết với thiền sư Thiên Kỳ.
Một hôm tổ Thiên Kỳ hỏi: “khổ vui do tâm, cớ sao lại chấp bên ngoài?
Ngài đáp: “vì chưa liễu ngộ”.
Tổ hỏi: “thị phi đều là sự, cớ gì vội tin theo”.
Ngài đáp: “nhận lầm khía cân”.
Tổ hỏi: “mê ngộ do mình sao lại không hiểu?”.
Ngài đáp: “nếu sớm biết đèn là lữa, cần gì lay hoay tìm kiếm khắp nơi?”

Tổ Thiên Kỳ liền trao bài kệ phó pháp:
Tâm đạo chí cao  tợn lão bà
Dạy con khó nhọc chẳng kêu ca.

Sư Phụ giải thích:
“do nhận lầm khía cân” Sự di chuyển khía cân do tự mình chủ động, cũng như tự mình kiến giải chủ quan, tự tạo ra phiền não.
“Nếu biết sớm đèn là lữa”, nếu biết tự tâm là Phật, cần gì tìm kiếm bên ngoài, mê ngộ do mình.
“Vì chưa liễu ngộ” khổ vui do tự mình.
Ngài Vô Văn trả lời ba câu hỏi của sư phụ Thiên Kỳ rất đúng Chánh pháp, nhận ra tâm này là Phật, là tự giải thoát.

Một hôm nghe tiếng ngựa hí, Sư triệt ngộ nhận được tánh nghe thường luôn trụ trong chính mình.

 

Sư phụ giải thích TS Vô Văn ngộ đạo là “Phản văn văn tự tánh” mà xưa kia Đức Phật đã dạy trong kinh Lăng Nghiêm. “Phản văn văn tự tánh” có nghĩa “xoay ngược cái nghe để nghe tự tánh của mình”. Tự tánh của mình luôn thường trụ không bao giờ gián đoạn, đó là ông Phật của mình. Sp có ví dụ: thông thường có tiếng chuông vang lên, ta có nghe tiếng chuông, nhưng khi không có tiếng chuông ngan vang, ta cho rằng mình không nghe, đó là mê lầm tai hại mà lâu nay ta mắc phải. Ở đây Phật dạy, khi không có tiếng ngân vang, ta vẫn cứ nghe, nghe cái “ không có tiếng chuông”, vì tánh nghe thường hằng bên trong của mỗi người.

Sư phụ có nhắc lại lời khai thị của Thiền Sư Vô Trụ (đời nhà Đường) khi Tể Tướng Đỗ Hồng Tiệm đến hỏi về tánh nghe: “Đức Phật ra đời rất khó gặp, chánh pháp rất khó nghe, các ông hãy lắng nghe cho kỹ ! Có tiếng, không tiếng, không dính dáng gì đến tánh nghe. Tánh nghe xưa nay chẳng sanh nên đâu từng có diệt. Khi có tiếng thì thinh trần tự sanh, khi không tiếng thì thinh trần tự diệt, tánh nghe chẳng nhơn nơi tiếng mà có sanh có diệt. Ngộ tánh nghe thì không bị thinh trần chi phối. Cho nên phải biết, tánh nghe vốn không sanh, diệt, đến, đi”.


Bất cứ hành giả nào nhận ra được tánh nghe thường trú này của mình và sống với nó là mình đã về đến nhà, đã liễu ngộ, đã ra khỏi vòng sinh tử trần lao rồi. TS Vô Văn đã làm được việc nên ngài được Sư phụ Thiên Ký ấn chứng.

Sau khi triệt ngộ, Sư trình kệ với Tổ Thiên Kỳ Bản Thụy và được tổ hứa khả truyền trao y bát. Sư ra hoằng pháp tại chùa Long Tuyền, Tuỳ Châu (nay thuộc Hồ Bắc), đồ chúng theo tu học rất đông.

Năm Quý Mão, 1543, niên hiệu Gia Tĩnh thứ 22 triều vua Minh Thế Tông, Sư an nhiên thị tịch thọ thế 64 tuổi. Đệ tử nối pháp có Thiền Sư Đức Bảo.

Cuối bài giảng Sư Phụ diễn ngâm bài thơ tán thán công hạnh của Thiển Sư Vô Văn Minh Thông (1450-1543) của Hoà Thượng Hư Vân do Hoà Thượng Minh Cảnh dịch Việt:

 

Cảm thọ khổ vui vốn bởi tâm

Cớ sao vọng chấp hướng xa tầm

Vô minh chướng ngại gương tròn sáng

Hữu lậu đọa sa bọt sóng ngàn

Mê ngộ thị phi đều chấp ngã

Niết bàn sanh tử bởi sai lầm

Thạch hương miếu dụ chân diện mục

Tánh giác muôn đời vẫn thậm thâm.

Kính bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được Sư Phụ ban giảng bài pháp về Ngài Vô Văn Minh Thông, Ngài nhờ tự có duyên với duy thức, nghiên cứu kinh Pháp Hoa và tâm đắc với Đức Đại Thông Trí Thắng Như Lai nên ngài trả lời ba câu hỏi của Tổ Thiên Kỳ Bổn Thụy một cách ngắn gọn liễu ngộ tuyệt vời, khổ vui, mê ngộ đều do tự tâm. Tâm này là Phật, hằng luôn chiếu sáng trong tất cả chúng sanh vạn loài.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Cung kính và tri ơn Sư Phụ,
Đệ tử Quảng Tịnh Tâm
(Montréal, Canada).     




234_TT Thich Nguyen Tang_Thien Su Vo Van Minh Thong-2

Khổ, vui do Tâm sao lại chấp bên ngoài “
 

CÂU HỎI SƯ PHỤ RẤT TỪ BI 

VÀ CÂU ĐÁP CỦA ĐỆ TỬ LẠI QUÁ TUYỆT VỜI !

Thiền Sư Vô Văn Minh Thông (1480-1543) Tổ thứ 64 (tính từ Sơ Tổ Ca Diếp),
Đời thứ 31 sau Lục Tổ Huệ Năng và cũng là Tổ thứ 27 của Thiền Phái Lâm Tế.

Kính dâng Thầy bài viết trình pháp về Thiền Sư Vô Văn Minh Thông. Kính bạch Thầy bài pháp quá tuyệt vời đã giúp chúng đệ tử hiểu Sự và Lý về Đức Phật Đại Thông Trí Thắng phẩm Hoá Thành / Kinh Pháp Hoa lại được nghe nhĩ căn viên thông của Bồ Tát Quan Thế Âm trong kinh Lăng Nghiêm về Phản văn , văn tự tánh . Kính đa tạ và Tri ân Thầy vì đây là 2 bộ kinh cốt tủy trong Đại Thừa . Kính đảnh lễ Thầy và kính chúc sức khỏe Thày thật tốt khi mỗi ngày Phật Sự quá đa đoan HH




Từ giới luật, Duy Thức và Thiền Chỉ Quán 

Cuối cùng thời gian dài suy ngẫm kinh Pháp Hoa 

Phẩm 7, Phật Đại Thông Trí Thắng muôn kiếp lâu xa (1) 

Và triệt ngộ “Phản Văn Văn Tự Tánh” (2) 



Tâm Đạo, Chí cao , Kệ phó chúc nối pháp ( 3) 

“PHÁP NHĨ TẬN TƯỜNG LÀ KẺ GIÚP TA “

Kính đa tạ Giảng Sư hướng dẫn công thức tự đề ra 

Dựa vào lời đáp của Ngài khi trình sở ngộ ( 4) 

Vô Văn- pháp hiệu Tuyệt Học đúng với trình độ 

Vô vi nhàn đạo nhân khi lý sự viên thông (5)

Tứ diệu đế , bát chánh đạo nằm lòng 

Tâm này là Phật khi thanh tịnh không loạn động (6) 

Mẫu  chuyện Thiền Sư Vô Trụ được Giảng Sư kể ..rộng 

Giải thích cho Cư sĩ Đổ Hồng Tiệm/ đại chúng về Tánh Nghe (7)

Và bài tán dương sách tấn ... Tâm phải  chăm, dặt dè (8) 

Sắc, Thọ, Tưởng , Hành,  Thức đều nằm trong Tánh Giác ! 

Nam Mô Vô Văn Minh Thông Thiền Sư tác đại chứng minh .



Huệ Hương 

Melbourne 11/5/2021 




(1) 

Đức Phật bảo các Tỳ Kheo rằng trong quá khứ lâu xa về trước, có Đức Phật Đại Thông Trí Thắng Như Lai ra đời. Từ khi Phật đó diệt độ đến nay cũng rất lâu xa, không thể tính được. Đức Phật Đại Thông Trí Thắng thọ 540 vạn ức na do tha kiếp. Lúc Ngài ngồi đạo tràng phá xong ma quân nghĩ rằng sẽ được Vô thượng đẳng giác, nhưng pháp Phật vẫn không hiện ra. Ngài phải tiếp tục nhập định đến hơn 10 tiểu kiếp mới thành Vô thượng giác. 

Lúc Phật Đại Thông Trí Thắng chưa xuất gia, Ngài có 16 người con trai. Người thứ nhất tên là Trí Tích. Các con nghe cha thành Phật, tất cả liền bỏ của báu đi đến đạo tràng của Phật. Ông nội là Chuyển luân Thánh vương và 100 đại thần cùng trăm ngàn quyến thuộc cũng đến cúng dường Phật. 

Mười sáu vị vương tử thỉnh Phật Đại Thông Trí Thắng nói pháp. Đức Phật Thích Ca cho biết khi Đức Đại Thông Trí Thắng thành Phật, các nước trong mười phương đều chấn động, những chỗ tối tăm cũng đều sáng rỡ. Chư thiên biết có Đức Phật ra đời liền kéo đến thỉnh Phật chuyển pháp luân. 

Đức Phật Đại Thông Trí Thắng nhận lời thỉnh của Đại Phạm thiên vương và 16 vương tử nói pháp Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, tất cả bốn lần làm cho hằng hà sa chúng sanh giải thoát. Bấy giờ 16 vương tử xuất gia làm sa di trí tuệ sáng suốt, tịnh tu phạm hạnh. Các vị này mong cầu tri kiến Như Lai và xin Phật nói pháp Vô thượng chánh đẳng giác. Tám muôn ức người theo hầu Chuyển luân Thánh vương thấy 16 vị vương tử xuất gia cũng xin xuất gia và được vua chấp thuận. 

Đức Phật Đại Thông Trí Thắng nhận lời thỉnh của sa di qua hai muôn kiếp sau mới ở trong hàng tứ chúng nói kinh Đại thừa Diệu Pháp Liên Hoa giáo Bồ tát pháp Phật sở hộ niệm. Đức Phật nói kinh này liên tục trong 8.000 kiếp. Nói xong Ngài trụ thiền định, 16 vị sa di liền thay Phật giảng kinh Pháp Hoa trong 84.000 kiếp, độ hằng sa chúng phát tâm Vô thượng chánh đẳng giác. Qua 84.000 kiếp, đức Đại Thông Trí Thắng xuất định khen ngợi 16 vị sa di căn tánh thông lợi và khuyên các hàng Thanh văn, Bồ tát nên kính tin, thọ trì pháp của các vị ấy sẽ được Vô thượng giác. 

Đức Phật Thích Ca lại bảo các Tỳ kheo rằng hằng sa chúng sanh dưới sự giáo hóa của 16 vị sa di Bồ tát đó, đời đời sanh ra đều cùng nghe pháp với các vị ấy. 16 vị sa di Bồ tát nay đã thành Phật, 

ở phương Đông là A Súc và Tu Di Đảnh, 

ở phương Đông Nam là Sư Tử Âm và Sư Tử Tướng, 

ở phương Nam là Hư Không Trụ và Thường Diệt, 

ở Tây Nam là Đế Tướng và Phạm Tướng, 

ở phương Tây là A Di Đà, Độ Nhất Thiết Thế Gian Khổ Não, 

ở Tây Bắc là Tu Di Tướng và Đa Ma La Bạt Chiên Đàn Hương Thần Thông, 

ở phương Bắc là Vân Tự Tại và Vân Tự Tại Vương, 

ở phương Đông Bắc là Hoại Nhất Thiết Thế Gian Bố Úy và Thích Ca Mâu Ni.

(2) Sư chuyên tham cứu 4 câu kệ của Phật Đại Thông Trí Thắng một thời gian dài 

Một hôm Sư nghe tiếng ngựa hý , chợt Triệt ngộ vì liễu ngộ về Tánh nghe 

PHẢN VĂN , VĂN TỰ TÁNH chính là Xoay cái nghe , nghe lại nơi tự tánh 

Thay vì nghe tiếng bên ngoài hãy quên đi và nghe trở lại tánh nghe hằng hiện hữu nơi chính mình không gián đoạn . Đó là chỗ chơn thật 

(3) Một hôm Ngài Thiên Kỳ hỏi 

  • Khổ vui do Tâm cớ sao lại chấp bên ngoafi
  • Vì chưa liễu ngộ 
  • Thị  phi đều là Sự , cứ vì vội tin theo 
  • Nhận lầm khía cân ( kiến giải chủ quan ) 
  • Mê Ngộ do mình cớ sao không hiểu 
  • Nếu sớm biết đèn  là lửa, cần gì loay hoay tìm kiếm khắp nơi ? 

Ngài Thiên Kỳ liền trao bài kệ phó pháp 

Tâm Đạo chí cao tợ lão bà 

Dạy con khó nhọc chẳng kêu ca 

Luyện thành khuôn thước , kèo xiên báu 

Pháp nhĩ tận tường, kẻ giúp ta 

(4) Dựa vào lời đáp tuyệt vời của Thiền Sư Tuyệt Học "Nếu sớm biết đèn  là lửa, cần gì loay hoay tìm kiếm khắp nơi ? " 

Giảng sư đã đề nghị một công thức cho hành giả tự chiêm nghiệm như sau : 

Nếu sớm biết là phiền não tức bồ đề , cần gì loay hoay tìm kiếm khắp nơi ? 

Nếu sớm biết trong tâm này có Phật , cần gì loay hoay tìm kiếm khắp nơi ? 

Nếu sớm biết trong rác có hoa , cần gì loay hoay tìm kiếm khắp nơi? 

Và v,v.....

( 5) Thật ra trong những bản kinh đại thừa, Nghĩa  nằm ẩn bên trong mặt chữ 

Sư Tử Âm tượng trưng cho Chánh Ngữ 

Sư tử Tướng tượng trưng cho Chánh Nghiệp 

Hư Không tượng trưng cho Thiền Định ( Ngoài không loạn, Trong không động) 

Thường Diệt tượng trưng cho Tịch Tĩnh 

Lại nữa khi nói về Lý thì chính 16 Vị vương Tử này là 16 Tâm  kiến Đạo của mỗi hành giả tu tập 

Và như ta đã biết Phiền não do Kiến đạo đoạn trừ gọi là Kiến hoặc. 

Những phiền não do Tu đạo đoạn trừ gọi là Tu hoặc. 

Theo đó  16 tâm kiến đạo này gồm 8 nhẫn và 8 trí; 

Bát nhẫn gồm ( khổ loại   nhẫn - tập loại nhẫn - diệt loại nhẫn - đạo loại nhẫn và 

Khổ pháp nhẫn - tập pháp nhẫn - diệt pháp nhẫn -  Đạo pháp nhẫn ) và một khi bát nhẫn thuần thục rồi mới loại trừ được kiến hoặc và tư hoặc trong tam giới .

Bát trí gồm ( khổ loại trí - tập loại trí - diệt loại trí - đạo loại trí và Khổ pháp trí - tập pháp trí - Diệt pháp trí. - Đạo pháp trí ) đến chỗ Đạo  giải thoát chấm dứt luân hồi 

(6) AI NÓI GÌ MÌNH CỨ NGHE ( đừng vội vàng đáp trả, đừng chống đối ) 

THIỆT ĐỘNG THỊ PHI SANH 

KHẨU KHAI THẦN KHÍ TÁN 

Nên quán chiếu cái Tâm Phạta của mình 

(7) có lần Cư Sĩ Tể Tướng Đổ Hồng Tiệm đến luận đạo với Thiền Sư Vô Trụ 

Đang luận đạo thì có con quạ đậu trên cành cây kêu "Quạ, quạ " 

Ông hỏi TS : Thiền Sư có nghe không? 

Đáp : Nghe 

Một lúc sau con quạ bay đi chỗ khác   ông hỏi tiếp " Bây giờ TS có nghe không ? 

TS đáp: Cũng nghe 

Hỏi : con quạ đã  bay đi tại sao Thầy nói Nghe ? 

Thiền Sư Vô Trụ liền tập hợp đại chúng và thượng đường dạy như sau : 

Đức Phật ra đời rất khó gặp   Chánh Pháp rất khó nghe các Ông phải nghe cho kỹ đây " CÓ TIẾNG, KHÔNG TIẾNG, KHÔNG DÍNH DÁNG GÌ ĐẾN TÁNH NGHE "

Tánh Nghe xưa nay chẳng sanh nên không có diệt 

Khi có tiếng thì thanh trần tự sanh 

Khi không tiếng thì thanh trần tự diệt , Tánh Nghe chẳng nhơn nơi tiếng mà có sanh có diệt .Ngộ được tánh Nghe thì không bị thanh trần chi phối .

(8) 

 (Bài thơ tán thán công hạnh của Thiền Sư Vô Văn Minh Thông (1850-1543) của Hòa Thượng Hư Vân, do HT Minh Cảnh dịch Việt)

Cảm Thọ khổ Vui vốn bởi Tâm

Có sao vọng chấp hướng xa tầm 

Vô minh chướng ngại gương tròn sáng 

Hữu lậu đọa sa bọt sóng ngầm 

Mê , Ngộ thị phi đều chấp ngã 

Niết Bàn sinh tử bởi sai lầm

Thạch hương miếu dụ chân diện mục 

TÁNH GIÁC MUÔN ĐỜI VẪN THẬM THÂM

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]