Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Lời Bạt Về việc xuất bản những tập sau cùng của Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh (từ tập 188 đến tập 203).

06/04/202113:05(Xem: 8092)
Lời Bạt Về việc xuất bản những tập sau cùng của Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh (từ tập 188 đến tập 203).

dai tang kinh linh son



Lời Bạt
Về việc xuất bản những tập sau cùng của 
Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh 
(từ tập 188 đến tập 203).
 
Thích Như Điển


 

Như tất cả những vị nghiên cứu đều biết rằng Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh do cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh chủ trương, hầu hết được dịch thẳng từ bản chữ Hán của Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daizokyo), gồm 32 tập đầu thuộc Kinh, Luật, Luận. Từ tập 33 đến tập 39 gồm 7 tập viết về Kinh Sớ Bộ. Quyển thứ 40 thuộc Luật Sớ Bộ Toàn và Luận Sớ Bộ thứ nhất đến tập thứ 44 và Chư Tông Bộ thứ nhất. Từ quyển 47(chư Tông Bộ thứ tư) đến hết tập thứ 48 (thuộc Chư Tông Bộ thứ 5). Tập 51 (Sử Truyện Bộ 3) đến hết tập 52 (Sử Truyện Bộ 4). Tập 53 (Sự Vựng Bộ Thượng) đến tập 54 (Sự Vựng Bộ Hạ) và ngoại giáo Bộ Toàn. Trên thực tế thì Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh mới chỉ dịch đến Kinh Văn số 2131 (tức phiên dịch danh nghĩa tập gồm 7 quyển) của tập thứ 54 nầy. Đúng ra phải đến Kinh Văn số 2159 của tập thứ 55 mới bắt đầu qua Phật Giáo Nhật Bản (Truyền Giáo Đại Sư Tương Thừa Đài Châu Lục) và phần có liên quan đến Phật Giáo Nhật Bản cho đến tập thứ 84, Kinh Văn số 2731 mới hết. Tập 85 là tập cuối (từ Kinh Văn số 2732 đến Kinh Văn 2920 trở lại các Kinh Truyện thời nhà Đường và các thời khác bên Trung Quốc). Như vậy Kinh Văn chấm dứt của Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh là số 2920.

 

Phần tiếp theo là: Biệt quyển Chiêu Hòa Pháp Bảo Tổng Mục Lục, có tất cả là 77 hạng mục và gồm 1.418 trang của 3 quyển, hầu hết là chuyện của Phật Giáo Nhật BảnTrung Quốc và 12 tập gồm Đồ Tượng cũng như Pháp Bảo. Tổng cộng là: 85 tập+3 tập+12 tập thành 100 tập tất cả. Nhưng trên thực tế thì Cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh không cho dịch 4 tập Mật Giáo từ tập 18 đến tập 21 (ngoại trừ bản dịch của Bác Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám về Kinh Thủ Lăng Nghiêm (Kinh Đại Phật Đảnh Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa Chư Bồ Tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm tập 19, Kinh Văn số 945 gồm 10 quyển); nhưng ở Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh thì đưa lên Bộ Kinh Tập. Bộ Mật Giáo gồm 4 tập, bắt đầu từ Kinh Văn số 848 đến Kinh Văn số 1420: Tập thứ 18 từ Kinh Văn số 848 đến Kinh Văn số 917; tập 19 bắt đầu với Kinh Văn số 918 đến Kinh Văn số 1029; tập 20 bắt đầu với Kinh Văn số 1030 đến Kinh Văn số 1198; tập 21 bắt đầu với Kinh Văn số 1199 đến Kinh Văn số 1420. Nếu dịch thêm phần nầy chắc cũng phải tính thêm 16 hay 17 tập nữa. Lý do tại sao Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh không cho dịch 4 bộ Mật Giáo nầy, thì khi còn sanh tiền Ngài đã nói chuyện với chúng tôi và đã rõ ý, nên thiết nghĩ cũng không cần phải ghi vào đây làm gì. Tuy nhiên 4 bộ Mật Giáo nầy Quý Ngài và Quý vị cũng có thể tìm trên những trang mạng điện tử của các trang nhà như: viengiac.info và nhiều trang khác hiện đang lưu hành, do cố Hòa Thượng Thích Viên Đức và hầu hết đều do Cư Sĩ Huyền Thanh dịch theo lối Unicode 2015 sang Việt ngữ. Chỉ còn một số ít chưa được Việt dịch thì dịch giả để chữ màu đỏ. Quý vị nào muốn nghiên cứu đủ một Đại Tạng tiếng Việt thì xin tham khảo thêm phần trên.

 

 Bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh được hình thành dưới thời Thiên Hoàng (Tenno) Đại Chánh (Taisho) bắt đầu từ năm Đại Chánh Thứ 13, tức vào năm 1924 đến năm 1925, và năm 1926 thì Thiên Hoàng Đại Chánh băng hà sau khi trị vì Nhật Bản được 14 năm (1912-1926) và Đại Tạng Kinh tiếp tục được hình thành cũng như hoàn tất dưới thời Thiên Hoàng Chiêu Hòa (Showa) năm thứ 9 (1934), có nghĩa là tất cả trong vòng 10 năm. Thiên Hoàng Showa sống cho đến năm 1989, Ông làm vua nước Nhật từ năm 1926 đến năm 1989 gần 63 năm. Đây là một trong những vị Thiên Hoàng trị vì Nhật Bản lâu đời nhất.

Bộ Đại Tạng Đại Chánh nầy chủ yếu dùng phần chánh Kinh Luật Luận từ các nhà Phật Học Trung Quốc, tiếp đến có những soạn thuật của các vị Cao Tăng người Hàn Quốc và Nhật BảnHọc giả Nhật Bản, Ông Cao Nam Thuận Thứ Lang. Độ Biên Hải Túc, Tiểu Dã Huyền Diệu….biên tập dựa trên ba tạng Kinh Luật Luận, cùng bộ phận soạn thuật chủ yếu dùng bản Cao Ly được lưu giữ tại Chùa Tăng Thượng (Sosoji) ở Tokyo làm bản gốc, để đối chiếu khảo xét với bản Tống, Nguyên, Minh cũng được tàng trữ tại chùa nầy. (Tham khảo một phần của đoạn nầy dựa theo tài liệu của Tác Giả Đào Nguyên đăng tải ngày 7 tháng 1 năm 2019 trên trang nhà www giacngo.vn với đề tài là: Góp chút công đức cho Đại Tạng Kinh Việt Nam).

 

Riêng phần tôi, kể từ năm 2003 đến nay, khi trở về ngôi Phương Trượng của Tổ Đình Viên Giác tại Hannover, Đức Quốc, đã phát nguyện rằng, những ngày còn lại trong đời sẽ cố gắng đọc Đại Tạng Kinh nầy. Và 17 tập đầu của Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh chúng tôi đã đọc xong gồm: Trường A HàmTrung A HàmTạp A HàmTăng Nhất A Hàm và bộ Bản Sanh. Những tập từ 1 đến 10 tương đối rất hoàn chỉnh, vì những bậc Tôn Túc chứng nghĩa như: Cố Hòa Thượng Thích Thiện Siêu, Cố Hòa Thượng Thích Đổng Minh, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ v.v… đều là những học giả của Phật Giáo, do vậy không có gì để nghi ngờ về những phần sai phạm, nếu có. Thế nhưng từ tập thứ 10 đến tập thứ 17 đâu đó vẫn còn nhiều lỗi chính tả. Do vậy đọc đến đâu, tôi sửa bằng bút màu lên trang đó, nếu có chữ sai.

 

Năm 2003 là năm tôi bắt đầu tịnh tu nhập thất trên núi đồi Đa Bảo vùng Campbelttown, gần Sydney; Úc Đại Lợi; nơi Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, bào huynh của tôi sáng lập. Suốt trong vòng 8 năm, mỗi năm 2 đến 3 tháng như thế, Thầy trò chúng tôi ở chỗ nầy và đến năm thứ 9, thứ 10 (2011-2012) dời lên vùng Blue Mountain, cách Sydney chừng 2 tiếng lái xe. Trong 10 năm ấy chúng tôi dịch Kinh, viết sách, và Kinh Văn đầu tiên mà tôi chọn dịch là Kinh số 2087 thuộc Sử Truyện Bộ “Đại Đường Tây Vực Ký” của tập thứ 51 thuộc Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh. Thầy Trò dịch suốt hai tháng như vậy thì xong, đã có nhiều lần ấn tống và tái bản, nhưng vì là lần đầu tiên đi vào Đại Tạng, nên tôi đã dịch sai ý và lời không ít của Ngài Huyền Trang. Do vậy tôi muốn làm sao phải hiệu đính lại một lần cho hoàn hảo để độc giả khỏi trách rằng tôi dịch sai nhiều quá. Việc nầy đáng hổ thẹn biết bao. Thế mà từ năm 2003 đến nay (2021) gần 18 năm như thế vẫn chưa thực hiện được. Sau những năm tháng khác tôi bắt đầu dịch những Kinh Văn số 299, 271, 380, 756 và đặc biệt là tập thứ 32 thuộc Luận Tập Bộ Toàn, tôi dịch hầu như tất cả từ Kinh Văn số 1628 đến Kinh Văn số 1726; ngoại trừ những bộ Luận như Đại Trí Độ LuậnĐại Thừa Khởi Tín Luận đã có cố Hòa Thượng Thích Trung Quán, Cố Hòa Thượng Thích Thiện Siêu và cố Thượng Tọa Thích Thiện Thông dịch rồi thì tôi không dịch thêm nữa. Những Kinh Văn nầy chưa được giảo chánh lại kỹ; nhưng cũng đã được đưa lên các trang nhà như: quangduc.com ở Úc; hoavouu.com, trang nhà rongmotamhon.net (Mỹ), viengiac.info (Đức) để so sánh đối chiếu với các dịch giả khác, nhằm tạo thêm cách nhìn, cách dịch và cách hiểu của nhiều người đọc và nay mai nếu tôi còn thời gian cũng như sức khỏe sẽ cố gắng hoàn thiện những phần giảo chánh những Kinh Văn nầy.

 

Từ tháng 3 năm 2020 thế giới bị dịch Corona 19. Tất cả đều bị phong tỏa. Do vậy mà suốt một năm qua tôi đã chẳng thể đi đâu, chỉ ở lại Tổ Đình Viên Giác để đọc Đại Tạng Kinh và trong thời gian nầy, từ tháng 3 năm 2020 Phật Tử Minh Đăng Trần Tế Thế, người lo sắp xếp sửa lại những lỗi chính tả của những tập Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh chưa xuất bản (từ tập 188 đến tập 203, gồm 16 tập). Minh Đăng khi tra cứu đến tập 195 (ĐCTTĐTK thuộc tập thứ 53) bộ Sự Vựng từ Kinh Văn thứ 2121, gặp nhiều từ khó hiểu nên mới nhờ tôi đọc và hiệu đính lại dùm. Thế là tôi vào việc ngay, mỗi ngày đọc từ 100 đến 200 trang như thế, kể cả sửa lỗi chính tả và chỗ nào không rõ ý thì phải lần mò theo Kinh Văn để trở về Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh bằng chữ Hán để tìm kiếm. Sau một thời gian chừng 9 tháng thì tôi đã đọc xong lại hết các tập 195 đến tập 202 và Kinh Văn cuối cùng số 2131 (Phiên dịch Danh Nghĩa Tập gồm 7 quyển và nằm giữa chừng tập thứ 54 ở trang 1185 thuộc Đại Chánh Tạng).

 

 Bây giờ tôi còn nhiều thời gian nên muốn giảo chánh lại quyển Đại Đường Tây Vực Ký, như tôi đã đề cập bên trên. Nhờ Phật Tử Minh Đăng tra cứu dùm thì quyển nầy thuộc tập thứ 190 của LSPBĐTK, tương ưng với quyển thứ 51 thuộc Sử Truyện Bộ, Kinh Văn số 2087. Thế là tôi cũng phải tốn thời gian ít nhất là 2 tháng để xem lại bản dịch cũ của mình vào  năm 2003 và cũng mong rằng năm 2021 nầy sẽ tái bản lại hoàn chỉnh hơn. Sau khi đọc xong Kinh Văn số 2087 thì Phật Tử Minh Đăng nhờ tôi đọc cho hết tập 190 nầy, rồi tập 191, 192, 193 và 194. Khi xem lại toàn bộ LSPBĐTK đã được xuất bản tại Đài Loan thì mới chỉ hình thành được đến tập thứ 187. Còn những tập 188 đến cuối cùng thì chưa ra mắt độc giả. Do vậy tôi phát tâm đọc tiếp tập 188 đến tập 189. Như vậy đã an tâm là tạm hoàn thành trách nhiệm đọc và giảo chánh lại 15 tập tất cả (188-202). Riêng tập 203 là tập cuối cùng thuộc mục lục của Đại Tạng tôi không đọc, vì nghĩ rằng không bị phạm lỗi gì nhiều như 15 tập cuối cùng của LSPBĐTK.

 

Lẽ ra Lời Giới Thiệu của Ban Tổ Chức dịch thuật in ấn, phát hành…Đại Tạng Kinh phải nên cho vào tập 1 hay tập 202 mới đúng, nhưng do sắp xếp của Ban Biên Tập như thế nào đó mà phần Lời Giới Thiệu nầy sắp vào quyển Mục Lục có 256 trang ở tập 203, kể từ trang 51 đến trang 56 độc giả mới có thể đọc được về thành phần Ban chứng nghĩa, Ban phiên dịch Đại Tạng Linh Sơn. Nhiều vị cũng phàn nàn là tại sao Cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh không cho ghi tên từng dịch giả một trong mỗi Kinh Văn đã được dịch ra Việt ngữ để người đời sau dễ nhận diện hơn, nhưng nếu chúng ta chịu khó đọc trong Lời Giới Thiệu nầy thì sẽ hiểu rõ hơn. Dẫu sao đi nữa thì việc khởi đi chỉ từ một cá nhân của Hòa Thượng Tịnh Hạnh  từ năm 1994 đến năm 2014, trong vòng 20 năm ấy cố Hòa Thượng giống như con thoi lui tới Việt NamĐài Loan, Âu, Mỹ, Úc để mong hoàn thành đại nguyện nầy; nhưng tiếc thay cho đến khi Ngài viên tịch (2015), thì Ngài vẫn chưa được thấy mặt toàn bộ Đại Tạng do Ngài chủ trương, và nay chúng tôi những kẻ hậu học, tử đệ của Ngài quyết tâm hoàn thành tâm nguyện ấy và sau khi hoàn chỉnh mọi khâu, chúng tôi sẽ bắt đầu cho in ấn tại Đài Loan 500 bộ; mỗi bộ 16 tập (từ tập 188 đến tập 203) và khi in những tập nầy chúng tôi cũng mong mỏi chư Tôn Đức Tăng Ni, cũng như quý Đạo hữu Phật tử tiếp tục hỗ trợ bằng cách ấn tống 16 tập hay nhiều lần 16 tập, để sớm hoàn chỉnh bộ Đại Tạng Linh Sơn nầy. Trước đây một số chùa và một số chư Tôn Đức đã phát tâm ấn tống hay đặt trước tịnh tài, thì nay sau khi Hòa Thượng viên tịch quỹ ấy hầu như không còn nữa và Tử Đệ của Linh Sơn phải gây lại quỹ ấn tống khác để hoàn thành bộ Đại Tạng quan trọng nầy. Kính mong chư Tôn Đức Tăng Ni và Quý vị Phật tử hoan hỷ trợ duyên cho.

 

Tại Trung Quốc từ trước thời Ngài Huyền Trang (602-664) những Kinh Văn được các vị Sư Ấn Độ dịch thẳng từ tiếng Phạn sang tiếng Trung Hoa hay các nhà Phật Học Trung Hoa như Ngài  An Thế Cao, Ngài Đạo An, Ngài Tuệ Viễn v.v… san định ra tiếng Trung Hoa, thuộc về những nhà cựu dịch. Sau khi Ngài Huyền Trang từ Ấn Độ về lại Trung Hoa năm 645 mới bắt đầu cho dịch thẳng những Kinh Văn từ Phạn ngữ sang Hoa ngữ một cách trong sáng hơn. Thời kỳ nầy gọi là tân dịch và mãi về sau cho đến các thời đại trải dài hằng mười mấy thế kỷ của Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh, ít nhất là đến năm 1911 khi cuộc cách mạng Tam Dân của Tôn Dật Tiên hình thành, thì Đại Tạng Kinh nầy lại chuyển hướng qua Triều Tiên và Nhật Bản. Nếu nói cho rõ ràng thì một Đại Tạng Kinh Bắc Truyền như vậy phải cần dịch giải, chú thích trên dưới gần 2.000 năm mới hình thành được. Trong khi đó một Đại Tạng Kinh Việt Nam chỉ hình thành trong 20 năm và dĩ nhiên trước đó cũng đã có những bộ Kinh lớn như Đại Bát Nhã do cố Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch, Bộ Hoa Nghiêm, Bộ Đại Bảo Tích, Bộ Đại Bát Niết Bàn v.v… do cố Hòa Thượng Thích Trí Tịnh dịch, cùng với nhiều bộ Kinh, Luật, Luận khác nữa của Quý Ngài Đổng Minh, Phước Sơn v.v… đã âm thầm được phiên dịch tại Việt Nam ít nhất là từ 100 đến 200 năm lịch sử trở lại sau nầy. Do vậy Cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh là người có duyên may đứng ra khởi xướng và tập hợp tất cả những Kinh, Luật, Luận ấy thành Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh. Cho nên việc sai sót khi dịch của những Tăng Ni mới làm quen với việc dịch thuật hay khi đánh máy, khi in ấn v.v… vẫn còn nhiều chỗ sai, thiếu nghĩa v.v… cũng là chuyện đương nhiên. Công việc nầy xin dành lại cho những nhà học Phật đời sau tiếp tục công việc nghiên cứu, bổ túc, sửa đổi ấy. Công đức thật là không nhỏ.

 

Xét ra Cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh cũng có lý, khi chỉ cho phiên dịch ra phần Việt ngữ đến Kinh Văn số 2131 của tập 54 thuộc Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh. Điều nầy có nghĩa là dịch được phân nửa Đại Chánh Tạng. Bởi lẽ từ tập 55 đến tập 85 của Đại Tạng Đại Chánh đều biên khảo về Phật Giáo Nhật Bản và một phần nhỏ của Trung Hoa. Có lẽ Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh muốn dành phần sau nầy để đưa vào những văn kiện Văn Học Sử Phật Giáo Việt Nam chăng? Điều nầy cũng hữu lý lắm. Cho nên khi còn sinh tiền Ngài đã đi gom thâu những Kinh sách bằng Việt ngữ hay được dịch ra Việt Ngữ để chờ một ngày nào đó thuận duyên thì cho xuất bản giống như Đại Chánh Tạng đã làm. Nhưng ngày ấy không còn đến với Ngài nữa. Vì Ngài đã ra đi vào ngày 10.4.2015 tại Đài Loan. Thế thọ 81 xuân thu (1934-2015). Bây giờ chính tôi là người tiên phương xin đề nghị nên đưa luận án Tiến Sĩ của cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh vào tập 204. Đây cũng là một phần báo ân Ngài đã dày công đối với Phật Giáo Việt Nam ở trong cũng như ngoài nước. Năm 1969 Ngài đã đến Đài Loan du học và tháng 7 năm 1981 (Trung Hoa Dân Quốc năm thứ 70) thì Ngài đã trình xong luận án Tiến Sĩ với nhan đề là: Nghiên cứu về Hàn Văn Công (Hàn Dũbài bác Đạo Phật. Với Nghiên cứu sinh Lê Quang Liên (Thích Tịnh Hạnh) do sở nghiên cứu Quốc Văn Đại Học Quốc Lập Sư Phạm Đài Loan chủ trương và Giáo Sư Hướng Dẫn là hai vị Giáo Thọ Lâm Doãn cùng Âu Dương Chí đảm nhiệm. Đến tháng 7 năm 2016 thì được dịch giả Nguyễn Thành Sang dịch toàn bộ luận án nầy sang Việt Ngữ. Có cho đăng tải trên trang nhà thuvienhoasen.com qua định dạng Ebook PDF vào ngày 26 tháng 9 năm 2017. Đây là một luận án Tiến Sĩ có tầm cỡ và tôi cũng mong rằng từ nay trở đi tất cả những luận văn, luận án Cao Học hay Tiến Sĩ của Quý Thầy, Cô Việt Nam chúng ta nghiên cứu về Phật Giáo hay những đề tài nào có liên hệ với Phật Giáo, thì cũng nên cho vào phần Tục Tạng của Phật Giáo Việt Nam chúng ta, quả là điều nên làm vậy. Trong đó có những sách vở nghiên cứu của Giáo Sư Tiến Sĩ Trí Siêu Lê Mạnh Thát, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, Sư Bà Thích Nữ Diệu KhôngSư Bà Thích Nữ Như Thanh, Ni Trưởng Thích Nữ Trí Hải….. kể từ tập 204 trở đi và tất cả những ai muốn đóng góp cho việc hình thành một Đại Tạng Việt Nam hoàn chỉnh, thì xin tiến cử hay đích thân thể hiện tinh thần chung nầy, thì chúng ta sẽ sớm có được một Đại Tạng Kinh Bắc Truyền của Việt Nam không thua kém gì các Đại Tạng của Trung Hoa, Đại HànNhật BảnTây TạngMông Cổ, Bhutan v.v…và hy vọng ngày ấy sẽ không xa.

 

Phần còn lại sau cùng là vận động in ấn, phát hành. Phần nầy do Sư Cô Thanh Nghiêm là đệ tử xuất gia của Cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh đảm trách chung với các Huynh Đệ, Tỷ, Muội trong Đại Gia Đình Phật Giáo Linh Sơn cả Tăng lẫn tục và với sự hỗ trợ nhiệt tình của chư Tôn Đức Tăng Ni cùng Phật Tử Việt Nam khắp nơi trên thế giới, ở trong cũng như ngoài nước. Như vậy chúng ta sẽ hãnh diện được với các nước Phật Giáo láng giềng, là Phật Giáo Việt Nam của chúng ta cũng đã hoàn thành được một bộ Đại Tạng Bắc Truyền hoàn toàn bằng Việt ngữ.

 

Kính nguyện

 

Viết xong lời bạt của việc xuất bản lần nầy tại thư phòng Tổ Đình Viên Giác Hannover, Đức Quốc vào ngày 30 tháng 1 năm 2021 nhằm ngày 18 tháng 12 năm Canh Tý.


 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]