Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hội Thứ VII

17/02/202107:18(Xem: 7681)
Hội Thứ VII

 TỔNG LUẬN
 KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT

 Biên soạn: Cư Sĩ Thiện Bửu

Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022

***


 buddha-549

 

 

 

 

HỘI THỨ VII
 
Biên soạn: Lão Cư sĩ Thiện Bửu
Diễn đọc: Cư sĩ Quảng Tịnh, Cư sĩ Quảng Thiện Duyên
Lồng nhạc: Cư sĩ Quảng Phước, Cư sĩ Quảng Thiện Hùng Jordan Le

 

(Bố cục)

 

7. Hội thứ VII: Phần “Mạn Thù Thất Lợi”, 2 quyển, tương đương với 700 kệ tụng Bát Nhã (Phạm: Saptazatikà-prajĩàpànamità) tiếng Phạm, không lập tên phẩm riêng. Nội dung tường thuật việc Ngài Mạn Thù Thất Lợi và đức Phật thuyết pháp về nhất tướng của Như lai và của hữu tình giới là bất khả đắc, tướng của phúc điền là bất khả tư nghị, nhất tướng trang nghiêm Tam ma địa v.v... Hội này là cùng bản với Kinh Văn Thù Sư Lợi Sở Thuyết Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật 2 quyển, do Ngài Mạn Đà La Tiên dịch vào đời Lương (thu vào Hội thứ 46 trong Kinh Đại Bảo Tích) và Kinh Văn Thù Sư Lợi Sở Thuyết Bát Nhã Ba La Mật 1 quyển, do Ngài Tăng Ca Bà La dịch (cũng vào đời Lương). Pháp Uyển Châu lâm và Khai Nguyên Thích Giáo Lục nói bản tiếng Phạm của hội này có 800 kệ tụng.

 

---o0o---

 

 

PHẦN “MẠN THÙ THẤT LỢI”.

 

Dẫn nhập:

 

Hội này vỏn vẹn chỉ có 2 quyển, nhưng giá trị không kém thậm thâm so với tất cả các Hội khác. Kinh trước hết trình bày về cái nhất tướng của Như Lai, hữu tình là bất khả đắc, tướng điều phục, tướng phúc điền cũng bất khả tư nghị và Tam ma địa nhất tướng trang nghiêm. Đó là các điểm chánh yếu mà các nhà chú giải xưa nay thường giảng luận về Hội này như đã nói trên. Tuy nhiên, lối diễn tả của nó quá sâu sắc đối với trí năng thường tục của chúng ta! Kinh thật sự mở được con mắt đạo với những chứng giải “mới” mà chúng ta hằng mơ ước.

Nghe được các giáo pháp này chẳng khác tắm gội được nước Cam lồ thắm tận xương tủy. Thật quá may mắn, không bỏ một đời tu học Bát nhã Ba la mật!

Kinh đi từ “phản biện” này sang phản biện khác: Hết phá rồi lập, hết lập rồi thành với luận chứng siêu việt của một Bồ Tát tên là Mạn Thù Thất Lợi (hay Văn Thù Sư Lợi) giúp Thế Tôn trong việc giáo hóa chúng sanh ở cõi Sa Bà này. Nói Mạn Thù Thất Lợi với những phản biện hay luận chứng siêu việt là nói theo ý của chúng ta, nói theo Tục đế. Đối với bản thân Mạn Thù Thất Lợi Bồ Tát thì chỉ là biện tài tự nhiên phát ra từ chứng ngộ Bát Nhã chẳng khác nào nước rỉ từ lòng đất, hoa nở từ cây.

Chúng ta biết rằng có ba lối thuyết giảng Bát nhã Ba la mật:

1. Thiên Đế Thích Thích Đề Hoàn Nhân, Phạm Chí là lối thuyết giảng thấp nhất cho hàng sơ phát tâm hay hạ căn;

2. Xá lợi Phất, Tu Bồ Đề là lối thuyết cho hàng trung căn; và

3. Mạn Thù Thất Lợi hay Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát và Phật là lối thuyết pháp cao nhất dành cho bậc thượng căn, thượng phẩm thuộc hàng Đại sĩ.

Người nào có duyên đọc Tổng luận Đại Bát Nhã, sẽ tiếp thu được giáo lý này, chúng tôi không thể giảng nói cho bấc cứ ai. Đây là giáo pháp nói về Đệ nhất nghĩa đế không, vượt qua cả Tục đế và Chân đế(1).

 

Tóm lược:

 

Quyển thứ 574

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật trụ vườn Cấp Cô Độc, rừng Thệ đa ở thành Thất la phiệt, cùng năm ngàn chúng Tỳ kheo đều là A la hán, chỉ có A Nan Đà còn ở bậc hữu học. Xá lợi Tử v.v... làm thượng thủ. Lại cùng một vạn đại Bồ Tát đều là bậc Bất thối chuyển, trang nghiêm bằng mũ giáp công đức gồm Bồ Tát Từ Thị, Bồ Tát Diệu Kiết Tường, Bồ Tát Vô Ngại Biện, Bồ Tát Bất Xả Thiện Ách làm thượng thủ.

Khi mặt trời xuất hiện, Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi(2) rời khỏi trú xứ của mình, đi đến chỗ Như Lai nhưng đứng ở ngoài. Cùng lúc ấy, cụ thọ Xá lợi Tử, Đại Ca đa diễn na, Đại Ca diếp ba, Đại Thái Thúc Thị, Mãn Từ Tử, Chấp Đại Tạng, tất cả đại Thanh văn Tăng đều từ trú xứ của mình đi đến chỗ Như Lai nhưng đứng ở ngoài.

 

(Cái nhất tướng của Như Lai)

 

Bấy giờ, biết đại chúng đều đến tập hợp, đức Thế Tôn rời khỏi trú xứ, trải tòa như thường ngày, ngồi kiết già, bảo Xá Lợi Tử:

- Hôm nay, vì cớ gì mà mới mờ sáng ông đã đứng ngoài cửa?

Xá lợi Tử thưa:

- Bạch Thế Tôn! Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi đã đến đây trước, chúng con đến sau.

Thế Tôn biết mà vẫn hỏi Mạn Thù Thất Lợi:

- Thiện nam tử! Ngươi thật là người đã đến đây trước, vì muốn gặp Phật để đảnh lễ và gần gũi Phật chăng?

Trước Phật, Mạn Thù Thất Lợi thưa:

- Bạch Thế Tôn! Đúng vậy! Bạch Thiện Thệ! Vì sao? Vì đối với Như Lai con chiêm ngưỡng lễ lạy và thân cận mà không nhàm chán. Và muốn làm lợi lạc hữu tình nên thật sự con đã đến đây trước.

Bạch Thế Tôn! Nay con đến đây để thân cận lễ kính và chiêm ngưỡng Như Lai, chỉ vì lợi lạc tất cả hữu tình, chẳng phải vì sự chứng đắc quả Bồ đề của Phật, chẳng phải vì ưa xem thân Như Lai, chẳng phải vì làm rối động chơn pháp giới, chẳng phải vì phân biệt pháp tánh, cũng chẳng phải vì những việc khác. Con thấy Như Lai tức tướng Như không động, không tạo tác, không phân biệt-không phân biệt khác, chẳng phải phương xứ-chẳng phải lìa phương xứ, chẳng phải có-chẳng phải không, chẳng phải thường-chẳng phải đoạn, chẳng phải chính ba đời-chẳng phải lìa ba đời, không sanh-không diệt, không đến-không đi, không nhiễm-không tịnh, không hai-chẳng hai, tuyệt đường ngôn ngữ. Nếu đem tướng bình đẳng Như như này mà quán Như Lai thì gọi là thấy Phật một cách chân thật, cũng gọi là kính lễ và gần gũi Như Lai, thật sự làm lợi lạc cho hữu tình(3).

Phật bảo đồng tử(4) Mạn Thù Thất Lợi:

- Ông quán chiếu như vậy là để thấy cái gì?

Mạn Thù Thất Lợi thưa:

- Bạch Thế Tôn! Con quán như vậy nhưng hoàn toàn không thấy gì; đối với tướng các pháp cũng không chỗ lấy.

Phật nói:

- Hay thay! Hay thay! Đồng tử! Đối với Như Lai ông đã quán được như vậy. Đối với tất cả pháp, tâm chẳng chấp lấy-cũng chẳng phải không chấp lấy, chẳng nhóm-chẳng tan.

Khi ấy, Xá lợi Tử bảo Mạn Thù Thất Lợi:

- Ngài thường gần gũi kính lễ và quán Như Lai được như vậy thật là hiếm có! Tuy thường thương xót hữu tình nhưng đối với hữu tình hoàn toàn vô sở đắc. Dù thường giáo hóa chúng sanh hướng đến Niết bàn mà không sở chấp. Chỉ vì lợi lạc các hữu tình nên mang giáp mũ lớn, nhưng ở trong ấy chẳng khởi phương tiện chứa nhóm hay tan hoại.

Mạn Thù Thất Lợi thưa Xá lợi Tử:

- Đúng vậy! Đúng như Tôn giả nói. Vì lợi lạc hữu tình nên tôi mang giáp mũ lớn khiến họ hướng tới Niết bàn. Đối với hữu tình đã giáo hóa và cảnh giới Niết bàn sở hóa sở chứng không đắc không chấp.

Này Xá lợi Tử! Chẳng phải tôi thật muốn lợi lạc hữu tình mà mang giáp mũ lớn. Vì sao? Vì cảnh giới của các hữu tình không tăng không giảm. Giả sử ở trong một cõi Phật đây có hằng hà sa số chư Phật, mỗi đức Phật đều trụ hằng hà sa số đại kiếp, ngày đêm thường thuyết hằng hà sa số pháp môn. Mỗi pháp môn độ được hằng hà sa số loài hữu tình của cõi Phật ấy, làm cho tất cả đều vào Vô dư Niết bàn. Cõi Phật đây cũng như vậy, cho đến hằng hà sa số thế giới khắp mười phương cũng lại như thế: Tuy có vô số chư Phật Thế Tôn, qua vô số thời, thuyết vô số pháp, độ thoát vô số hữu tình đều chứng vào Vô dư Niết bàn nhưng cõi hữu tình cũng không tăng, không giảm. Vì sao? Vì tự tánh của các hữu tình là ly là không ngằn mé nên không tăng không giảm.

Xá lợi Tử nói:

- Mạn Thù Thất Lợi! Nếu tự tánh của các hữu tình là ly, không ngằn mé, không tăng giảm, thì do yếu tố nào Bồ Tát cầu đại Bồ đề muốn vì hữu tình thường thuyết diệu pháp?

Mạn Thù Thất Lợi nói:

- Xá lợi Tử! Tôi nói hữu tình đều không thể đắc, thì cũng không có Bồ Tát cầu đại Bồ đề mà muốn vì hữu tình thường thuyết diệu pháp. Vì sao? Vì các pháp rốt ráo bất khả đắc.

Phật bảo đồng tử Mạn Thù Thất Lợi:

- Nếu các hữu tình đều bất khả đắc thì làm sao thiết lập cảnh giới của các hữu tình?

Mạn Thù Thất Lợi thưa:

- Bạch Thế Tôn! Cảnh giới hữu tình ấy chỉ là giả thi thiết.

Phật bảo:

- Mạn Thù Thất Lợi! Nếu có người hỏi ngươi: “Cõi hữu tình ấy có bao nhiêu?” Nếu hỏi như vậy, ngươi sẽ trả lời thế nào?

- Bạch Thế Tôn! Con sẽ đáp: “Lượng cõi hữu tình như cảnh giới chư Phật”.

- Mạn Thù Thất Lợi! Nếu lại hỏi ngươi: “Cõi hữu tình kia thuộc chỗ nào?” Hỏi như vậy, ngươi đáp ra sao?

- Bạch Thế Tôn! Con sẽ đáp: “Chỗ thuộc về cõi kia giống như Phật, rất khó nghĩ”.

- Mạn Thù Thất Lợi! Nếu có người hỏi: “Cõi hữu tình kia trụ ở chỗ nào?” Hỏi như vậy, ngươi trả lời thế nào?

- Bạch Thế Tôn! Con sẽ đáp: “Nếu xa lìa bờ ô nhiễm là chỗ pháp nên trụ, tức là chỗ cõi hữu tình nên trụ”.

 

(Đây là “phản biện” đầu tiên: Tự tánh hữu tình là không, là ly, không ngằn mé, không tăng-không giảm. Hữu tình đều không thể đắc, các pháp cũng bất khả đắc. Vậy Bồ Tát vì ai mà cầu Bồ đề? Vì sao? Vì hữu tình cũng là duyên hợp giả có đều do tứ đại năm ấm tạo ra, giả có cũng là không. Chỉ do thi thiết mà có, nên nói là không tăng không giảm, bất khả đắc như hư không. Tướng như cũng là không, Như Lai như, Bồ Tát như, Độc giác như, thanh văn như, hữu tình như, tất cả pháp đều như không hai không khác. Vì trong “tướng không”, “tướng như” không động, không tạo tác, không phân biệt-không phân biệt khác, không sanh-không diệt, không đến-không đi, không nhiễm-không tịnh, không hai-chẳng hai… Khi nhập vào tướng không, tướng như rồi là sống trong đệ nhất nghĩa nên thấy tất cả pháp đều bình đẳng như như. Bình đẳng như hư không cũng là không, bất khả đắc. Nên nói là bất khả tư nghì. Nếu hiểu tất cả những gì giải thích trên đây đều nằm trong thập nhị Chân như, hay Chân đế thì có thể hiểu Đệ nhất nghĩa đế).

 

(Chơn tu học Bát nhã Ba la mật)

 

- Mạn Thù Thất Lợi! Ngươi tu Bát nhã Ba la mật thì trụ chỗ nào?

- Bạch Thế Tôn! Con tu Bát Nhã thâm sâu hoàn toàn không có chỗ trụ.

- Mạn Thù Thất Lợi! Không có chỗ trụ thì làm sao có thể tu Bát Nhã thâm sâu?

- Bạch Thế Tôn! Do không có chỗ trụ nên con có thể tu Bát nhã Ba la mật.

- Mạn Thù Thất Lợi! Đối với thiện và ác, ngươi tu Bát nhã Ba la mật thì tăng pháp nào, giảm pháp nào?

- Bạch Thế Tôn! Con tu Bát nhã Ba la mật đối với thiện và ác không tăng, không giảm.

Bạch Thế Tôn! Đối với tất cả pháp, con tu Bát Nhã cũng không tăng không giảm.

Bạch Thế Tôn! Bát Nhã xuất hiện ở thế gian chẳng vì sự tăng giảm của tất cả pháp.

Bạch Thế Tôn! Tu học Bát Nhã thâm sâu không vì vứt bỏ pháp của phàm phu v.v..., không vì nhận lấy tất cả Phật pháp. Vì sao? Vì Bát Nhã thâm sâu không vì bỏ pháp này được pháp kia mà phát khởi.

Bạch Thế Tôn! Tu học Bát Nhã thâm sâu chẳng vì chán lìa tội lỗi sanh tử, chẳng vì ham muốn công đức Niết bàn. Vì sao? Vì người tu pháp này còn không thấy sanh tử, không thấy Niết bàn, huống gì có chán lìa, có ham thích.

Bạch Thế Tôn! Tu học Bát Nhã thâm sâu không thấy các pháp có hơn có kém, có được có mất, nên lấy nên bỏ. Tu học Bát Nhã thâm sâu chẳng đắc các pháp nên tăng ích hay tổn giảm. Vì sao? Vì chơn pháp giới chẳng phải có tăng ích hay tổn giảm.

Bạch Thế Tôn! Người nào tu được như vậy gọi là chơn tu học Bát Nhã.

 

(Pháp của phàm phu là tương đãi nên thấy được-mất, có-không, tội-phước, sanh-tử, đoạn-thường, khứ-lai… Vì vậy, mới có thủ giữ, nắm bắt. Đó là các pháp phân hai. Tất cả đều là hư vọng đổi dời thuộc Tục đế. Vậy, không ai có thể trụ trong hư vọng mà được Bồ đề. Trong chơn pháp giới chẳng có tăng ích-chẳng có tổn-giảm. Đó gọi là chơn tu Bát Nhã).

 

Lại nữa, bạch Thế Tôn! Nếu tu Bát Nhã đối với tất cả pháp không suy nghĩ hoặc nhiều hoặc ít đều không mong muốn, năng sở mong muốn và kẻ mong muốn đều chẳng lấy đắm, gọi chơn tu học Bát Nhã.

Lại nữa, bạch Thế Tôn! Các thiện nam thiện nữ nếu tu Bát nhã Ba la mật, đối với các pháp chẳng đắc hơn kém, nghĩa là đều chẳng thấy đây hơn đây kém là chơn Bát nhã Ba la mật. Vì sao? Vì chơn như, pháp giới, pháp tánh, thật tế không hơn không kém, nếu tu như thế gọi chơn tu học Bát Nhã.

Phật bảo đồng tử Mạn Thù Thất Lợi:

- Diệu pháp của chư Phật không hơn sao?

Mạn Thù Thất Lợi thưa:

- Bạch Thế Tôn! Diệu pháp của chư Phật không thể nắm bắt được, nên cũng không thể nói là hơn hay kém. Chẳng lẽ Như Lai không chứng được các pháp Không?

Thế Tôn đáp:

- Đúng vậy! Đồng tử!

Mạn Thù Thất Lợi lại bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Trong các pháp Không đâu có sự hơn kém.

Thế Tôn khen:                                                                  

- Hay thay! Hay thay! Đúng như lời ngươi nói! Mạn Thù Thất Lợi! Pháp của Phật chẳng lẽ không phải là vô thượng?

- Bạch Thế Tôn! Đúng như vậy! Tất cả pháp của Phật tuy thật vô thượng, nhưng ở trong ấy không có pháp nào có thể đắc, nên không thể nói pháp của Phật là vô thượng.

 

(Đây là phản biện thứ hai, các pháp không thể đắc dù là pháp Phật, vậy nên không thể nói pháp Phật là vô thượng. Trong pháp Không đâu có sự hơn kém. Tu Bát Nhã không vì bỏ pháp này được pháp kia mà phát khởi. Tất cả pháp là không, pháp giới cũng là không. Trong không làm gì có tăng-ích hay tổn-giảm kể cả tất cả pháp của pháp Phật cũng chẳng phải là vô thượng. Đó là chính là Đệ nhất nghĩa không).

 

Lại nữa, bạch Thế Tôn! Các thiện nam thiện nữ nếu tu Bát nhã Ba la mật chẳng muốn trụ trì tất cả Phật pháp, chẳng muốn điều phục pháp dị sanh thảy. Bát Nhã sâu thẳm đối pháp chư Phật, pháp dị sanh thảy chẳng muốn tăng trưởng và điều phục, đối tất cả pháp không phân biệt vậy. Nếu tu như thế gọi chơn tu học Bát Nhã .

Lại nữa, bạch Thế Tôn! Nếu tu Bát nhã Ba la mật thì các thiện nam thiện nữ chẳng thấy các pháp khá có suy gẫm khá phân biệt được.

- Mạn Thù Thất Lợi! Đối với pháp của Phật, ngươi chẳng suy gẫm ư?

- Bạch Thế Tôn! Chẳng suy gẫm vậy. Nếu con thấy Phật pháp chơn thật, phải nên suy gẫm, nhưng con chẳng thấy. Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật chẳng do phân biệt các pháp mà sanh khởi, nghĩa là chẳng phân biệt đây là pháp phàm phu, đây là pháp của Thanh văn, đây là pháp của Độc giác, đây là pháp của Bồ Tát, đây là pháp của Như Lai. Các thiện nam thiện nữ siêng năng tu học Bát Nhã thâm sâu, ở trong các pháp hoàn toàn không có sở đắc, cũng không có gì để nói; nghĩa là chẳng nói có pháp tánh của phàm phu, cũng chẳng nói có pháp tánh của Thanh văn, cho đến pháp tánh của Như Lai. Vì sao? Vì các pháp tánh này đều rốt ráo Không, không thể thấy. Nếu tu học như vậy gọi là chơn tu học Bát Nhã.

Lại nữa, bạch Thế Tôn! Các thiện nam thiện nữ siêng tu Bát nhã Ba la mật chẳng nghĩ: Đây là cõi Dục, đây là cõi Sắc, đây là cõi Vô sắc, đây là cõi Tịch Diệt(6). Vì sao? Vì Bát Nhã không thấy có pháp nào có tướng tịch diệt. Nếu tu như vậy gọi là chơn tu học Bát Nhã.

Lại nữa, bạch Thế Tôn! Nếu tu Bát nhã Ba la mật đối với tất cả pháp thì không sanh ân oán. Vì sao? Vì Bát Nhã không giữ tất cả pháp Phật, không vì xả bỏ pháp phàm phu. Vì sao? Vì các thiện nam thiện nữ siêng tu Bát nhã Ba la mật, ở trong pháp của Phật chẳng muốn chứng đắc, chẳng muốn hoại diệt pháp của phàm phu v.v... Vì hiểu rõ tánh của tất cả pháp là bình đẳng. Nếu tu như vậy gọi là chơn tu Bát Nhã.

Bấy giờ, Thế Tôn liền khen ngợi Mạn Thù Thất Lợi:

- Hay thay! Hay thay! Nay ngươi có thể thuyết pháp thâm sâu và làm chơn pháp ấn cho chúng Đại Bồ Tát, cũng làm đại pháp ấn cho Thanh văn, bậc Độc giác và những kẻ tăng thượng mạn v.v…, khiến họ biết như thật: Những pháp trước đây họ đã thông suốt chẳng phải chơn cứu cánh.

 

(Phản biện thứ ba: Mạn Thù nói Bát Nhã sâu thẳm đối pháp chư Phật, pháp dị sanh thảy chẳng muốn tăng trưởng và điều phục”. Nếu con thấy Phật pháp chơn thật, phải nên suy gẫm, nhưng con chẳng thấy. Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật chẳng do phân biệt các pháp mà sanh khởi, nghĩa là chẳng phân biệt đây là pháp phàm phu, đây là pháp của Thanh văn, đây là pháp của Độc giác, đây là pháp của Bồ Tát, đây là pháp của Như Lai. Trong Thắng nghĩa đế hay trong Đệ Nhất nghĩa đế không không có phân biệt.

  Để cổ võ cho những tư tưởng này, Phật bảo đó chính là chơn pháp ấn đối với Nhị thừa khiến họ thật biết những pháp trước đây họ đã thông suốt chẳng phải chơn cứu cánh. Vì nhị thừa biết chúng sanh không nhưng chưa biết pháp không).

 

Mạn Thù Thất Lợi! Nếu các thiện nam, thiện nữ nghe pháp thâm sâu này, tâm không chìm mất, cũng chẳng kinh sợ, nên biết người này chẳng phải gieo trồng căn lành với một đức Phật, cho đến ngàn đức Phật, mà nhất định họ đã gieo trồng căn lành với vô lượng, vô biên đức Phật, mới có thể được nghe Bát Nhã thâm sâu này, tâm không chìm mất, cũng chẳng kinh sợ.

Đồng tử Mạn Thù Thất Lợi chắp tay cung kính thưa Phật:

- Bạch Thế Tôn! Con muốn nói lại Bát Nhã thâm sâu, cúi xin Thế Tôn cho phép.

Phật bảo đồng tử Mạn Thù Thất Lợi:

- Ngươi muốn nói nữa thì cứ tùy ý.

Mạn Thù Thất Lợi liền thưa Phật:

- Bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn! Nếu kẻ tu Bát Nhã sâu thẳm đối pháp chẳng được là khá trụ, cũng lại chẳng được là chẳng khá trụ, phải biết như vậy Bát Nhã sâu thẳm chẳng trụ pháp duyên. Vì cớ sao? Vì tất cả pháp không sở duyên vậy.

Lại nữa, bạch Thế Tôn! Phải quán Bát Nhã thâm sâu như vậy, nhưng chẳng hiện quán tánh tướng các pháp, nghĩa là đối với pháp của Phật còn không hiện quán, huống pháp của Bồ Tát; đối với pháp của Bồ Tát còn không hiện quán, huống gì pháp của Độc giác; đối với pháp của Độc giác còn chẳng hiện quán, huống gì pháp của Thanh văn; đối với pháp của Thanh văn còn chẳng hiện quán, huống gì pháp của phàm phu. Vì sao? Vì tánh tướng của tất cả pháp là xa lìa vậy.

 

(Phản biện thứ tư: Tất cả pháp đều không sở duyên. Vì sao? Vì đã nhập vào pháp không, pháp như thì tâm như như bất động. Tâm như như bất động, nên không thấy pháp, không thấy sở duyên mà sanh thức. Cho nên đối với tất cả pháp còn không niệm tưởng, đối với pháp Phật còn không hiện quán huống chi pháp của Bồ Tát. Đạt đến chỗ đó thì tánh tướng tất cả pháp đều xa lìa. Không có sở duyên là không còn phân biệt, chấp đắm, không còn nắm bắt cất giữ nữa thì có thể xa lìa sở duyên.

Phát biểu như thế rồi Mạn Thù Thất Lợi Bồ Tát kết luận: “Tu theo Bát Nhã thâm sâu như thế, đối với tất cả pháp hoàn toàn không thấy có: Đây là Phật pháp, đây chẳng phải Phật pháp, đây nên nghĩ bàn, đây chẳng nên nghĩ bàn. Vì tất cả pháp không có tánh sai khác. Nếu các hữu tình tu được Bát Nhã thâm sâu như vậy, thì thấy tất cả pháp đều là Phật pháp. Vì thuận với Bồ đề, quán tất cả pháp đều chẳng thể nghĩ bàn(7), vì rốt ráo Không... ” Nên quán và tu hành đối với các pháp như vậy chẳng thấy tạp nhiễm, chẳng thấy thanh tịnh. Tuy không thấy gì nhưng nếu siêng năng tu Bát Nhã thâm sâu thì tâm không bao giờ nhàm chán mệt mỏi).

 

Lại nữa, bạch Thế Tôn! Nương tu Bát Nhã sâu thẳm như thế đối trong các pháp không sở phân biệt. Nghĩa là chẳng phân biệt pháp tánh đây khá nghĩ bàn, chẳng khá nghĩ bàn sai khác, phải biết chúng đại Bồ Tát tu hành Bát nhã Ba la mật đối trong các pháp trọn không phân biệt.

Lại nữa, bạch Thế Tôn! Tu theo Bát Nhã thâm sâu như thế, đối với tất cả pháp hoàn toàn không thấy có: Đây là Phật pháp, đây chẳng phải Phật pháp, đây nên nghĩ bàn, đây chẳng nên nghĩ bàn. Vì tất cả pháp không có tánh sai khác. Nếu các hữu tình tu được Bát Nhã thâm sâu như vậy, thì thấy tất cả pháp đều là Phật pháp. Vì thuận với Bồ đề, quán tất cả pháp đều chẳng thể nghĩ bàn, vì rốt ráo Không. Các hữu tình này đã từng gần gũi, cúng dường, cung kính hơn trăm ngàn đức Phật, đã gieo trồng căn lành nên mới tu hành Bát nhã Ba la mật được như vậy.

Lại nữa, bạch Thế Tôn! Nếu các thiện nam, thiện nữ nghe thuyết Bát Nhã thâm sâu như vậy, tâm không chìm mất, cũng chẳng sợ hãi, thì phải biết trong quá khứ, vị ấy đã từng gần gũi, cung kính, cúng dường hơn trăm ngàn đức Phật, đã gieo trồng căn lành nên mới được như vậy.

Lại nữa, bạch Thế Tôn! Nên quán Bát Nhã thâm sâu như vậy, nếu ai siêng năng tu hành thì đối với các pháp chẳng thấy tạp nhiễm, chẳng thấy thanh tịnh. Tuy không thấy gì nhưng nếu siêng năng tu Bát Nhã thâm sâu thì tâm không bao giờ thấy nhàm chán mệt mỏi.

Lại nữa, bạch Thế Tôn! Nếu tu Bát Nhã thâm sâu như thế thì đối với các pháp của phàm phu, pháp của Thanh văn, Độc giác, Bồ Tát, Phật không có tưởng sai khác, vì đã rõ các pháp này rốt ráo Không. Nếu thấu đạt được như vậy thì gọi là chơn tu học Bát Nhã thâm sâu.

Phật hỏi đồng tử Mạn Thù Thất Lợi:

- Ngươi đã gần gũi cúng dường bao nhiêu đức Phật?

Mạn Thù Thất Lợi thưa:

- Bạch Thế Tôn! Số lượng đức Phật mà con đã gần gũi cúng dường bằng tâm và tâm sở của người huyễn. Vì tất cả pháp đều như huyễn.

- Mạn Thù Thất Lợi! Ngươi đối với Phật pháp lẽ nào không mong cầu?

- Bạch Thế Tôn! Nay con chẳng thấy có pháp nào chẳng phải Phật pháp thì cầu chỗ nào?

- Mạn Thù Thất Lợi! Ngươi đối với Phật pháp đã thành tựu rồi chăng?

- Bạch Thế Tôn! Con nay đều chẳng thấy pháp khá gọi Phật pháp, thì thành tựu cái gì?

- Mạn Thù Thất Lợi! Ngươi chứng được tánh vô trước rồi ư?

- Bạch Thế Tôn! Con tức là tánh vô trước, lẽ nào tánh vô trước lại chứng đắc vô trước?

 

(Phản biện thứ năm. Khi Phật hỏi: “Mạn Thù Thất Lợi! Ngươi đối với Phật pháp đã thành tựu rồi chăng? Mạn Thù bèn trả lời: Con nay đều chẳng thấy pháp khá gọi Phật pháp, thì thành tựu cái gì? Phật lại hỏi tiếp: Ngươi chứng được tánh vô trước rồi ư? Mạn Thù: Bạch Thế Tôn! Con tức là tánh vô trước, lẽ nào tánh vô trước lại chứng đắc vô trước?”

Nói là phản biện nhưng chẳng có gì là phản biện hay đảo nghịch ở đây. Tu đến lúc nào đó thì thấy đâu đâu cũng là pháp Phật, đâu đâu cũng là đạo và chính Phật thú nhận là pháp Phật không do Phật làm ra cũng không do Bồ Tát hay bất cứ ai làm ra. Pháp định pháp trụ pháp nhĩ là như thế. Nếu hiểu đạo thì đạo đầy dẫy khắp trời đất: Đạo trong thân, Đạo ngoài thân, tất cả thanh sắc đều là mắc tuệ của Phật).

 

- Mạn Thù Thất Lợi! Ngươi sẽ không ngồi tòa Bồ đề?

- Bạch Thế Tôn! Đối với tòa Bồ đề, chư Phật còn không ngồi huống chi con mà ngồi được. Vì sao? Vì tất cả pháp đều lấy thật tế làm định lượng. Ở trong thật tế, chỗ ngồi và người ngồi đều bất khả đắc.

- Mạn Thù Thất Lợi! Sao gọi là thật tế?

- Bạch Thế Tôn! Thật tế phải biết đó là ngụy thân (thân hư giả).

- Mạn Thù Thất Lợi! Vì sao ngụy thân được gọi là thật tế?

- Bạch Thế Tôn! Thật tế không đến không đi, chẳng chơn chẳng ngụy, tướng thân chẳng thân đều chẳng thể được. Ngụy thân cũng vậy, vậy nên ngụy thân tức là thật tế.

 

(Tòa Bồ đề không thật, chỉ là giả thi thiết thì ai là người ngồi tòa Bồ đề? Cái gọi là ngụy thân cũng chẳng phải chân, cũng không phải ngụy, chẳng đến chẳng đi, không thể nắm bắt thì cái gọi là chơn như thật tế cũng chẳng có gì khác, chẳng chơn chẳng ngụy, không đến không đi, cũng giả thi thiết, bất khả đắc. Nên nói ngụy thân tức là thật tế. Đây là phản biện cực kỳ táo bạo.

Thật tế mà xưa nay Kinh thường bảo là cái biên tế cùng cực của mọi sự thật thế gian và cũng nói Nhị thừa chứng thật tế thì vào Niết bàn. Vậy mà ở đây Mạn Thù Thất Lợi Bồ Tát bảo ngụy thân tức là thật tế. Mạn Thù Thất Lợi Bồ Tát lật úp tất cả nghĩ tưởng thế gian. Vì sao? Bởi vì, dưới ống kính như huyễn như hóa của Mạn Thù Thất Lợi Bồ Tát chả có gì là thật, tất cả đều là không, tất cả chỉ là giả thi thiết: Tòa Bồ đề là thi thiết, Phật cũng là thi thiết, giả danh. Nếu không có thi thiết thì không có Phật, không có Tòa Bồ đề. Vậy, ngụy thân, thật tế là thật chăng? Cũng không nốt. Khi không còn phân biệt thì trực ngộ chơn như, pháp giới, pháp tánh, bình đẳng tánh, thật tế... tức giác ngộ.

Nhưng chẳng có gì là sở đắc, sở hữu ở đây. Đó là một vài thí dụ về lối nói nghịch “mà chúng tôi gọi là phản biện” của Mạn Thù Thất Lợi Bồ Tát. Cái thấy này là sở ngộ của bậc Thánh, nên khác với chúng sanh. Vì vậy, nói đó là “lối nói nghịch”. Nói theo Tục đế, nói theo người sơ cơ chưa nhập pháp không, pháp như. Nhưng chẳng có gì nghịch lý đối với Thánh giả. Phẩm “Hiện Hóa”, quyển 572, Hội thứ VI nói rằng: “…Tất cả phàm phu thuận theo thế gian, còn người theo đạo lý thì ngược lại thế gian…” Toàn thể phẩm này đều có lối nói “vặn chéo” như vậy đối với phàm phu, nhiều đời nhiều kiếp thuận dòng thế gian. Nhưng chẳng có gì là nghịch lý đối với Thánh giả).

 

Khi ấy, Xá lợi Tử liền thưa Phật:

- Bạch Thế Tôn! Nếu các Bồ Tát nghe thuyết Bát Nhã thâm sâu như thế mà tâm không chìm mất, cũng chẳng kinh sợ, thì các đại Bồ Tát này nhất định sẽ tới Bồ đề, không còn thối lui nữa.

Khi ấy, Bồ Tát Từ Thị bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Các Bồ Tát nào nghe thuyết Bát Nhã thâm sâu như vậy mà tâm không chìm mất, cũng chẳng kinh sợ, nên biết các Bồ Tát này đã gần quả vị Vô Thượng Bồ đề. Vì sao? Vì các Bồ Tát này đã hiểu rõ pháp tánh, lìa tất cả sự phân biệt như đại Bồ đề vậy.

Mạn Thù Thất Lợi lại bạch Phật:   

- Bạch Thế Tôn! Nếu các Bồ Tát nghe thuyết Bát Nhã thâm sâu này, tâm không chìm mất, cũng chẳng kinh sợ, thì các Bồ Tát này như Phật Thế Tôn, có thể nhận sự cúng dường cung kính của thế gian. Vì sao? Vì đã giác ngộ thật tánh của tất cả pháp.

 

(Hội thứ VI, ĐBN chúng ta vừa tụng xong về chơn như, pháp giới, pháp tánh, bình đẳng tánh… Đến đây, Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi thay mặt Phật lặp lại giáo nghĩa của các pháp tối cao này. Một lần nữa chứng minh rằng nếu không hiểu, không thâm nhập được thập nhị chân như “1. Chân như, 2. Pháp giới, 3. Pháp tính, 4. Bất hư vọng tính, 5. Bất biến dị tính, 6. Bình đẳng tính, 7. Li sanh tính, 8. Pháp định, 9. Pháp trụ, 10. Thật tế, 11. Hư không giới, 12. Bất tư nghị giới”, thì không thể giác ngộ được.

Ở đây có thể gây lẫn lộn giữa Chân đế (hay Đệ nhất nghĩa đế) với Đệ nhất nghĩa đế không. Thâm nhập được chân như bình đẳng thì chứng Thánh. Nên tu đến mức độ này thì được xem như sống trong Đệ nhất nghĩa đế tức thoát khỏi vùng tục lụy.

Vì có Tục đế nên mới nói đến Chân đế. Nói như vậy là vẫn còn lẩn uẩn trong vòng nhị nguyên đối đãi. Nhưng Bát Nhã muốn giải thoát chúng sanh thoát ra khỏi sự kiềm tỏa của nhị nguyên. Muốn thế thì phải vượt qua và vượt trên phàm Thánh tức vượt qua Tục đế và Chân đế để đạt đến cái tận không của Đệ nhất nghĩa đế không. Vậy, muốn chứng Bát nhã trí thì phải hiểu phần “Mạn Thù Thất Lợi” này phải giải luận theo Đệ nhất nghĩa đế không trong 18 pháp không theo tinh thần của Tánh Không Bát Nhã.

Tóm lại, Đệ nhất nghĩa đế và Đệ nhất nghĩa không, không hai không khác: Vì có Tục đế mà nói đến Chân đế hay Đệ nhất nghĩa đế. Tiến lên một tầng nữa, muốn vượt nhị nguyên đối đãi, nên phải nói đến Đệ nhất nghĩa đế không. Đó là điễm trọng yếu của Hội thứ VII này cũng là điễm trọng yếu của Bát Nhã Tánh Không. Vì đối với Bát Nhã nhất thiết pháp đều không).

                 

Khi đó, có người nữ tên Vô Duyên Lự chấp tay cung kính thưa:

- Bạch Thế Tôn! Nếu các hữu tình nghe thuyết Bát Nhã này, tâm không chìm mất, cũng chẳng kinh sợ, thì các hữu tình này đối với pháp phàm phu, hay pháp Thanh văn, hay pháp Độc giác, hay pháp Bồ Tát hay pháp của Như Lai đều chẳng duyên lự(8). Vì sao? Vì đã thấu rõ tất cả pháp hoàn toàn vô sở hữu, duyên lự và bị duyên lự đều bất khả đắc.    

Bấy giờ, Phật bảo Xá lợi Tử:

- Đúng vậy! Đúng như các ngươi nói, nếu thiện nam, thiện nữ nghe thuyết Bát Nhã thâm sâu này, tâm không chìm mất, cũng chẳng kinh sợ, thì phải biết các thiện nam, thiện nữ này đã trụ bậc Bất thối chuyển, chắc chắn sẽ đến Bồ đề không thối lui.

Xá lợi Tử! Các hữu tình nào nghe thuyết Bát Nhã thâm sâu này, tâm không chìm mất, cũng chẳng kinh sợ, lại hoan hỷ tin ưa, lắng nghe thọ trì, vì người khác thuyết giảng, tâm không nhàm chán.

Các hữu tình này có thể làm những vị thí chủ chơn thật, rộng rãi hơn hết, có thể bố thí tất cả của cải quí báu, đầy đủ bố thí Ba la mật.

Các hữu tình này viên mãn tịnh giới, đủ chơn tịnh giới, đủ thắng tịnh giới, công đức tịnh giới đều đã viên mãn, đầy đủ tịnh giới Ba la mật.

Các hữu tình này viên mãn an nhẫn, đủ chơn an nhẫn, đủ thắng an nhẫn, công đức an nhẫn đều đã viên mãn, đầy đủ an nhẫn Ba la mật.

Các hữu tình này viên mãn tinh tấn, đủ chơn tinh tấn, đủ thắng tinh tấn, tinh tấn công đức đều đã viên mãn, đầy đủ tinh tấn Ba la mật.

Các hữu tình này viên mãn tịnh lự, đủ chơn tịnh lự, đủ thắng tịnh lự, công đức tịnh lự đều đã viên mãn, đầy đủ tịnh lự Ba la mật.

Các hữu tình này đều đã viên mãn trí tuệ, đủ chơn trí tuệ, đủ thắng trí tuệ, công đức trí tuệ đều đã viên mãn, đầy đủ trí tuệ Ba la mật.

Các hữu tình này thành tựu chơn thắng từ, bi, hỷ, xả, cũng có thể vì người khác tuyên thuyết, khai thị Bát Nhã thâm sâu.

Phật bảo đồng tử Mạn Thù Thất Lợi:         

- Muốn chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, ngươi phải quán nghĩa nào?

Mạn Thù Thất Lợi thưa:

- Bạch Thế Tôn! Đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, con còn không có trụ tâm, huống hồ muốn chứng. Đối với Bồ đề con không mong cầu chứng đắc. Vì sao? Vì Bồ đề tức là con, con tức là Bồ đề thì cầu làm gì?

 

(Đoạn kinh này chỉ để giải thích rộng thêm. Phật hỏi Mạn Thù Thất Lợi Bồ Tát: Muốn chứng Vô Thượng Bồ đề, ngươi phải quán nghĩa nào? Mạn Thù trả lời không do dự: “Đối với quả Vô Thượng Bồ đề con không còn chú tâm, huống chi muốn chứng. Bởi vì con không mong cầu. Vì sao? Vì con tức là Bồ đề thì cầu Bồ đề làm gì?”

Một khi hiểu thế nào là chứng hay không chứng, đắc hay không đắc và cũng hiểu quả vị đó từ đâu ra. Biết nguồn gốc, rõ nguyên nhân tức biết kết quả như thấy từ trong xương tủy máu mủ của chính mình. Vì thấu hiểu như thế mới nhập được Bồ đề. Vậy Mạn Thù Thất Lợi là một Bồ đề sống, một Bồ đề có đi đứng nằm ngồi thì cầu Bồ đề làm gì nữa? Một chuỗi dài phản biện từ phản biện này đưa đến phản biện khác rồi chung qui cho là tất cả sự thật đều qui trách ở phân biệt, ở sở hữu, sở đắc, ở duyên lự. Nếu dứt trừ được các tưởng đó thì đâu đâu cũng là hoa vàng, đâu đâu cũng là Bát Nhã thật tướng).

 

Phật dạy:

- Đồng tử! Hay thay! Ngươi đã nói được nghĩa lý sâu xa một cách hoàn hảo. Đời trước ông gieo trồng nhiều căn lành với các đức Phật, phát đại nguyện lâu dài, thường nương vào vô đắc, tu hành các phạm hạnh thanh tịnh.

Mạn Thù Thất Lợi liền bạch Phật:

- Nếu kẻ đối các pháp có sở đắc nên nương vô sở đắc tu phạm hạnh thanh tịnh. Con đều chẳng thấy có pháp khả đắc hay bất khả đắc, làm sao nói được năng nương vô đắc tu phạm hạnh thanh tịnh?

Phật bảo đồng tử Mạn Thù Thất Lợi:

- Nay ngươi có thấy Ta là Thanh văn chăng?

- Bạch Thế Tôn! Con thấy.

Phật dạy:

- Đồng tử! Làm sao ngươi thấy?

- Bạch Thế Tôn! Nay con thấy các Thanh văn chẳng phải phàm phu, chẳng phải Thánh giả, chẳng phải hữu học, chẳng phải vô học, chẳng phải có thể thấy, chẳng phải không thể thấy, chẳng phải người thấy, chẳng phải chẳng có người thấy, chẳng phải nhiều, chẳng phải ít, chẳng phải nhỏ, chẳng phải to, chẳng phải đã điều phục, chẳng phải chưa điều phục. Con thấy như vậy nhưng không có tưởng thấy.

Khi ấy, Xá lợi Tử liền hỏi Mạn Thù Thất Lợi:

- Đối với Thanh văn thừa mà thấy như vậy thì làm sao Ngài thấy Chánh đẳng giác thừa?

- Đại đức! Nay tôi chẳng thấy Bồ Tát, cũng chẳng thấy pháp của các Bồ Tát, chẳng thấy Bồ đề, cũng chẳng thấy pháp hướng tới Bồ đề, cũng chẳng thấy có hạnh hướng đến Bồ đề, cũng chẳng thấy có pháp chứng đắc Bồ đề, chẳng thấy có người chứng được Bồ đề. Tôi thấy Chánh đẳng giác thừa như vậy, nghĩa là ở trong đó hoàn toàn không thấy chi cả.

Xá lợi Tử lại hỏi:

- Đối với Như Lai, Ngài thấy thế nào?

- Đại đức! Thôi thôi! Chớ khởi lên ngôn luận đối với Như Lai là bậc Long tượng vương.

- Mạn Thù Thất Lợi! Theo như Ngài thì thế nào là Phật? Làm thế nào quán Phật?

- Nay hỏi lại Đại đức! Theo Đại đức nói thì thế nào là ngã?

Xá lợi Tử đáp:

- Ngã chỉ là giả lập danh tự, tướng của danh tự là Không.

Mạn Thù Thất Lợi nói:

- Đúng vậy, đúng vậy! Giống như Ngã chỉ là danh tự, Phật cũng chỉ là danh tự; tướng của danh tự là Không, tức là Bồ đề. Không dùng danh tự để tìm Bồ đề, tướng của Bồ đề vô ngôn vô thuyết. Vì sao? Vì ngôn thuyết, Bồ đề, cả hai đều Không. Lại nữa, Xá Lợi Phất. Ông hỏi thế nào gọi là Phật? Thế nào là quán Phật? Nói Phật ấy là không đến, không đi, không sanh, không diệt, không có sự chứng đắc, không có sự thành tựu, không danh, không tướng, không thể phân biệt, không ngôn ngữ, không nói năng, không thể biểu thị, chỉ có trí tuệ nhiệm mầu tự chứng biết bên trong. Nghĩa là các Như Lai đã biết được tất cả pháp rốt ráo là Không, là vắng lặng nên chứng đại Bồ đề, tùy thuận thế gian giả lập (thi thiết) danh tự, nên xưng là Phật, chẳng phải thật có, vì có hay không đều bất khả đắc.

Lại nữa, Đại đức! Như Lai đã chứng trí tuệ nhiệm mầu gọi là Bồ đề, thành tựu Bồ đề nên gọi là Phật. Vì Bồ đề Không, nên Phật cũng Không.

 

(Mạn Thù thấy Thanh văn, thấy Bồ Tát, thấy Bồ đề như trên. Vậy, câu hỏi được đặt ra là Mạn Thù thấy Phật như thế nào? Phật chỉ là danh tự, giả thi thiết, Bồ đề cũng vậy. Tất cả là không. Như Lai đã biết được tất cả pháp rốt ráo là Không, là vắng lặng nên chứng đại Bồ đề, tùy thuận thế gian giả lập danh tự, nên gọi là Phật, chẳng phải thật có, vì có hay không đều bất khả đắc. Như Lai đã chứng trí tuệ nhiệm mầu gọi là Bồ đề, thành tựu Bồ đề nên gọi là Phật. Vì Bồ đề Không, nên Phật cũng Không. Đó là những phản biện đưa ra để làm thí dụ về tư tưởng Đệ nhất nghĩa đế không của một Bồ Tát có trí tuệ như Mạn Thù Thất Lợi Bồ Tát. Nói là phản biện hay nghịch lý ở đây là theo quan niệm của phàm phu, đối với Thánh giả chả có gì là phản biện hay nghịch lý ở đây. Tất cả là không, là giả lập, nhưng chính nhờ giả lập mà chúng ta hiểu Bồ đề, hiểu Phật, hiểu Bát Nhã, hiểu tất cả pháp thế gian và xuất thế gian.

Vì ái pháp, tôn kính Phật, nên không ai dám nói Phật là không. Nếu không thấy Phật là không, nếu không dám nói Phật là không, thì cũng không thể học Bát Nhã nói chi đến việc chứng Bát nhã trí).

 

Xá lợi Tử liền bạch Phật:                                

- Pháp thâm sâu mà Mạn Thù Thất Lợi đã nói, không phải là cái mà các Bồ Tát sơ học có thể liễu tri được.

Đồng tử Mạn Thù Thất Lợi liền thưa Cụ thọ Xá lợi Tử:

- Những điều tôi nói chẳng phải là cái mà các Bồ Tát sơ học có thể liễu tri, mà cả đến những vị A la hán đã thành xong đạo nghiệp cũng không thể hiểu nổi. Chẳng phải lời tôi nói ra có người hiểu được. Vì sao? Vì tướng Bồ đề chẳng phải nhận biết hay được nhận biết, không thấy, không nghe, không chứng đắc, không nhớ nghĩ, không sanh, không diệt, không thể nói rõ, không thể nghe nhận, tánh tướng của Bồ đề này là Không, là vắng lặng. Các đại Bồ Tát còn chưa hiểu được, huống gì sự hiểu biết của nhị thừa mà hiểu nổi. Tánh tướng của Bồ đề còn không thể nắm bắt, huống chi có người thật chứng Bồ đề.

 “Xá Lợi Phất hỏi:

- Mạn Thù Thất Lợi! Đối với pháp giới, lẽ nào Phật không chứng?

- Đại đức! Không phải vậy. Vì sao? Vì Phật tức pháp giới, pháp giới tức Phật. Pháp giới chẳng lẽ lại chứng pháp giới. Pháp giới tức hết thảy các pháp đều không; và tánh Không này là Bồ đề, không hai, không phân biệt. Bởi vì không hai nên không có trí giải; không có trí giải nên không có ngôn thuyết; không có ngôn thuyết nên không có tướng tác và vô tác, hữu và phi hữu, không có tướng quyết định. Đó là tự tánh của vạn hữu. Sự biểu lộ đây kia chỉ là tạo tác do tâm”.

 

(Đó là giáo pháp vi diệu ở tầng cao làm sao bậc sơ tâm có thể hiểu được. Đọc tới đây chúng tôi không muốn nói là phản biện hay nghịch lý nữa. Chúng ta phải cố gắng thoát khỏi cái võ triền phược của phàm phu mới có thể thực hiện một bức nhảy. Nếu không chúng ta nhiều lắm cũng ở trong tình trạng của những A la hán đã thành xong đạo nghiệp, chẳng thể liễu tri những gì mà Mạn Thù Thất Lợi Bồ Tát đã phát biểu.

Phật là Bồ đề, Phật là pháp giới. Không lẽ Bồ đề chứng Bồ đề, không lẽ pháp giới lại chứng pháp giới. “Pháp giới tức hết thảy các pháp đều không; và Tánh Không này là Bồ đề, không hai, không phân biệt”. Đây không những là tư tưởng sâu sắc của Hội thứ VII này mà còn là toàn thể tư tưởng của Đại Bát Nhã nữa. Trong Tánh Không, Bồ đề không, Phật cũng không và pháp nào cao hơn Niết bàn cũng là không nốt. Bởi vì Niết bàn mà Tu Bồ Đề bảo chẳng khác nào như huyễn như hóa, mà huyễn như hóa cũng là không. Nên nói Niết bàn là không nốt).

 

Lại, Xá Lợi Tử! Tất cả pháp không, nói là pháp giới. Tức pháp giới đây nói là Bồ đề. Pháp giới Bồ đề đều lìa tánh tướng, do đây nên tất cả pháp không. Tất cả pháp không, Bồ đề, pháp giới, đều là cảnh giới Phật, không hai không riêng. Vì không hai không riêng nên chẳng thể hiểu rõ. Vì chẳng thể hiểu rõ nên không có ngôn thuyết. Vì không ngôn thuyết nên chẳng thể thi thiết hữu vi hay vô vi, có hay chẳng có thảy.

(Hãy nhớ câu này pháp giới là không, Bồ đề cũng không).

 

Lại nữa, Xá lợi Tử! Tánh của tất cả pháp cũng không hai, không phân biệt. Vì không hai, không phân biệt nên không thể hiểu rõ. Vì không thể hiểu rõ nên không ngôn thuyết. Vì không ngôn thuyết nên không thể thi thiết. Vì sao? Vì bản tánh các pháp hoàn toàn vô sở hữu, không thể thi thiết đây, kia, vật này, vật nọ.

Lại nữa, Xá lợi Tử! Nếu tạo vô gián, nên biết tức là tạo ra bất khả tư nghì, cũng là tạo ra thật tế. Vì sao? Xá lợi Tử! Vì bất khả tư nghì và ngũ vô gián đều là thật tế, tánh không sai khác. Đã không có người tạo thật tế, nên vô gián, bất khả tư nghì đều không thể tạo. Do nghĩa này nên kẻ tạo nghiệp vô gián chẳng đọa vào địa ngục. Kẻ tạo nghiệp bất tư nghì chẳng được sanh lên cõi trời. Kẻ tạo vô gián chẳng phải chìm trong sanh tử; kẻ tạo bất tư nghì cũng chẳng phải rốt ráo chứng được Niết bàn. Vì sao? Xá lợi Tử! Vì bất khả tư nghì và năm vô gián đều trụ thật tế, tánh không sai khác, không sanh, không diệt, không đến, không đi, chẳng phải nhân, chẳng phải quả, chẳng phải thiện, chẳng phải ác, chẳng phải chiêu cảm cảnh giới ác, chẳng phải cảm nhận cõi trời người, chẳng phải chứng Niết bàn, chẳng phải chìm trong sanh tử. Vì sao? Vì chơn pháp giới chẳng phải thiện, chẳng phải ác, chẳng phải cao, chẳng phải thấp, không có trước, không có sau.

Lại, Xá Lợi Tử! Bí sô phạm trọng chẳng đọa địa ngục, kẻ trì tịnh giới chẳng được sanh cõi trời. Bí sô phạm trọng chẳng chìm sanh tử, kẻ trì tịnh giới chẳng chứng Niết bàn. Bí sô phạm trọng chẳng nên mắng chửi, kẻ trì tịnh giới chẳng nên khen ngợi. Bí sô phạm trọng chẳng nên khinh miệt, kẻ trì tịnh giới chẳng nên cung kính. Bí sô phạm trọng chẳng nên chống trái, kẻ trì tịnh giới chẳng nên hòa hợp. Bí sô phạm trọng tội chẳng nên xa lìa, người giữ tịnh giới chẳng nên thân cận. Bí sô phạm trọng tội chẳng nên giảm khinh, người giữ tịnh giới chẳng nên gia trọng. Bí sô phạm trọng tội chẳng phải không đáng cúng dường, người giữ tịnh giới chẳng phải đáng cúng dường. Bí sô phạm trọng tội chẳng phải tăng trưởng lậu hoặc, người giữ tịnh giới chẳng phải tổn giảm lậu hoặc. Bí sô phạm trọng tội chẳng phải không thanh tịnh, người giữ tịnh giới chẳng phải chắc chắn thanh tịnh. Bí sô phạm trọng tội chẳng phải không có tịnh tín, người giữ giới thanh tịnh chẳng phải có tịnh tín. Bí sô phạm trọng tội chẳng phải cấm nhận của tín thí, người giữ giới thanh tịnh chẳng phải nhất định được nhận của tín thí. Vì sao? Xá lợi Tử! Vì trong chơn pháp giới, tánh của giữ giới và phạm giới đều bình đẳng không sai khác vậy. (Q.574, “Mạn Thù Thất Lợi Phần”) 

Lại nữa, Xá lợi Tử! Các loại dị sanh (phàm phu) gọi kẻ hòa hợp, Bí sô hết lậu gọi chẳng hòa hợp.

- Mạn Thù Thất Lợi! Ngài nương nghĩa nào mà nói như vậy?

- Đại đức! Dị sanh cùng với sanh nhân hợp gọi kẻ hòa hợp. Các A la hán không có nghĩa như thế gọi chẳng hòa hợp. Tôi nương nghĩa này mà nói như vậy.

Lại nữa, Xá lợi Tử! Các loại dị sanh gọi kẻ vượt sợ hãi, Bí sô hết lậu gọi chẳng vượt sợ hãi

- Mạn Thù Thất Lợi! Ngài nương nghĩa nào mà nói như thế?

- Đại đức! Dị sanh đối pháp nên sợ chẳng sanh sợ hãi, gọi kẻ vượt sợ. Các A la hán biết pháp nên sợ thật vô sở hữu, không sợ nên vượt. Tôi nương nghĩa này nên nói như thế.

Lại nữa, Xá lợi Tử! Các hàng phàm phu đạt được Vô diệt nhẫn, còn các chúng Bồ Tát đạt được Vô sanh nhẫn. Các loại dị sanh được vô diệt nhẫn, còn chúng Bồ Tát được vô sanh nhẫn.

- Mạn Thù Thất Lợi! Ngài nương nghĩa nào mà nói như thế?

- Đại đức! Dị sanh chẳng muốn tịch diệt, được gọi là Vô diệt nhẫn, các chúng Bồ Tát chẳng thấy pháp sanh, được gọi là Vô sanh nhẫn. Tôi dựa vào nghĩa này mà nói như thế.

Lại nữa, Xá lợi Tử! Các loại dị sanh gọi kẻ điều phục, Bí sô hết lậu gọi chẳng điều phục.

- Mạn Thù Thất Lợi! Ngài nương nghĩa nào mà nói như thế?

- Đại đức! Vì hàng dị sanh chưa điều phục cần điều phục nên gọi là kẻ điều phục. Còn các A la hán đã hết lậu hoặc, kiết sử, không cần điều phục nên gọi là chẳng điều phục. Tôi dựa vào nghĩa này mà nói như thế.

Lại nữa, Xá lợi Tử! Hàng dị sanh tăng thượng mạn nên cho là chẳng cần tu. Còn bí sô cho mình còn kém cỏi, nên cần tu hành.

- Mạn Thù Thất Lợi! Ngài nương nghĩa nào mà nói như thế?

- Đại đức! Tâm dị sanh cống cao, hành động trái pháp giới, gọi là kẻ có tâm tăng thượng, nên cho là chẳng cần tu hành. Các A la hán tâm khiêm hạ, hành nghiệp thuận với pháp giới, cho tâm mình còn kém cỏi nên cần phải tu hành. Tôi nương nghĩa này mà nói như thế.

Xá lợi Tử khen Mạn Thù Thất Lợi:

- Hay thay! Hay thay! Ngài đã giải thích cho tôi một cách hoàn hảo ý nghĩa sâu kín này.

Mạn Thù Thất Lợi trả lời:

- Đúng vậy! Đúng vậy! Đại đức! Chẳng những tôi giải thích nghĩa của mật ngữ này, mà tôi cũng chính là chơn A la hán đã hết tất cả lậu. Vì sao? Vì tôi cùng các Thanh văn Độc Giác đối với các ưa muốn đều chẳng khởi nữa nên gọi hết lậu chơn A la hán.

 

(Tất cả sự khác biệt giữa ngu phu dị sanh và Thánh giả là vậy. Thánh giả lúc nào cũng nghịch dòng thế gian. Nếu rõ biết như thế tu hành theo Thánh pháp thì tránh được lỗi lầm, có thể mở trói mà được giải thoát).

 

Phật bảo đồng tử Mạn Thù Thất Lợi:

- Có lý do nào mà nói Bồ Tát ngồi tòa Bồ đề, chẳng chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề?

Mạn Thù Thất Lợi thưa:

- Bạch Thế Tôn! Cũng có lý do Bồ Tát ngồi tòa Bồ đề nhưng chẳng chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Nghĩa là trong Bồ đề không có chút pháp nào gọi là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Nhưng tánh của chơn Bồ đề vẫn không sai khác, chẳng phải hễ ngồi là có thể chứng còn chẳng ngồi được liền bỏ. Do yếu tố này nên có thể nói Bồ Tát ngồi tòa Bồ đề, nhưng chẳng chứng Bồ đề, vì Bồ đề không tướng nên không thể chứng.

Mạn Thù Thất Lợi lại thưa Phật:

- Bạch Thế Tôn! Quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề tức là ngũ nghịch; ngũ nghịch kia tức là Bồ đề này. Vì sao? Vì Bồ đề và ngũ nghịch đều giả thi thiết, tánh Bồ đề chẳng phải thật có, chẳng chứng được, chẳng thể tu tập, chẳng thể hiện thấy. Ngũ nghịch kia cũng lại như vậy. Vả lại, bản tánh của tất cả pháp rốt ráo không thể hiện thấy, ở trong ấy không có sự giác ngộ, không có người giác ngộ; không thấy, không có người thấy; không biết, không có người biết; không có sự phân biệt, không có người phân biệt; bình đẳng, lìa tướng nên gọi là Bồ đề. Tánh ngũ nghịch cũng lại như vậy, do đây Bồ đề chẳng thể chứng được. Kẻ nào nói có thể chứng được, tu tập và hiện thấy rõ đại Bồ đề là kẻ tăng thượng mạn.

 

(Chúng ta sẽ tìm thấy những lời này bất cứ nơi nào nếu có pháp nhãn như Mạn Thù Thất Lợi Bồ Tát. Nói ngũ nghịch cũng do Mạn Thù nói, Niết bàn cũng do Mạn Thù thuyết. Niết bàn là cao xa tịch tĩnh, ngũ nghịch là tối tăm mờ mịt. Bây giờ, Mạn thù Thất Lợi nói ngũ nghịch tức Niết bàn, Niết bàn tức ngũ nghịch không khác. Cao xa thanh tịnh với tối tăm mờ mịt chẳng một chẳng khác. Thật quá trái lẽ, nhưng chẳng có gì đáng ngạc nhiên, trong thắng nghĩa đế không. Một khi chúng ta hiểu Đệ nhất nghĩa đế không tức các pháp xuất thế gian và các hàm ngụ của nó như thế nào, thì chúng ta có thể thâm nhập nổi tư tưởng của Mạn Thù Thất Lợi Bồ Tát).

 

Phật bảo đồng tử Mạn Thù Thất Lợi:

- Nay ngươi gọi Ta là Như Lai ư?                                

- Bạch Thế Tôn! Chẳng phải. Bạch Thiện Thệ! Chẳng phải. Con chẳng gọi Phật là Như Lai thật. Vì sao? Bởi Như Lai dùng trí vi diệu chứng được Như như (cái như tính của vạn hữu hay chơn như thật tướng của các pháp). Diệu trí và Như như cả hai đều lìa tướng. Như như lìa tướng chẳng gọi là Như như. Diệu trí cũng vậy, chẳng gọi là diệu trí. Đã không có diệu trí và không có Như như cho nên Như Lai cũng chẳng phải Như như. Vì sao? Vì Như như và diệu trí chỉ giả thi thiết. Như Lai cũng vậy, chẳng phải là hai, chẳng phải không hai. Thế nên diệu trí, Như như hay Như Lai chỉ có giả danh không thật, nên chẳng gọi Phật là thật Như Lai.

 

(Không có giả danh, không có thi thiết thì không có Như Lai, không có Phật. Vì vậy, trong phần giới thiệu về Hội này, chúng tôi phát biểu: Tất cả những gì chúng ta thọ dụng từ trước đều bị “lật úp” bởi những tư tưởng đảo nghịch ở đây. Chính cái đảo nghịch đáng yêu này làm cho chúng ta “tỉnh” đúng như câu nói của Phật “Những pháp trước đây họ -Thanh văn và Độc giác- đã thông suốt chẳng phải chơn cứu cánh” Đó là Phật nói cho hàng La hán hay Độc giác Bồ đề chớ không phải nói cho kẻ sơ cơ như chúng ta. Bây giờ, chúng ta mới hiểu ra rằng trong 18 pháp không, chẳng có gì chẳng không. Rốt ráo tất cả đều không hết!)

 

Phật bảo Đồng tử Mạn Thù Thất Lợi:

- Ngươi không nghi ngờ về Như Lai ư?

- Bạch Thế Tôn! Không. Bạch Thiện Thệ! Không phải vậy. Vì sao? Con quán Như Lai thật bất khả đắc, không sanh, không diệt nên không có sự nghi ngờ.

Phật bảo đồng tử Mạn Thù Thất Lợi:

- Chẳng lẽ Như Lai không xuất hiện ở thế gian?

- Bạch Thế Tôn! Không. Bạch Thiện Thệ! Không phải vậy. Nếu chơn pháp giới xuất hiện ở thế gian, thì có thể nói Như Lai xuất hiện ở thế gian. Vì chẳng phải chơn pháp giới xuất hiện ở thế gian, cho nên Như Lai cũng chẳng xuất hiện.

- Mạn Thù Thất Lợi! Ngươi cho rằng hằng hà sa số chư Phật đã nhập Niết bàn rồi chăng?

- Bạch Thế Tôn! Lẽ nào chẳng thấy chư Phật Như Lai đồng một tướng cảnh giới chẳng nghĩ bàn?

- Mạn Thù Thất Lợi! Đúng vậy! Đúng như ông nói, chư Phật Như Lai đồng một tướng cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn.

Mạn Thù Thất Lợi bạch Phật:

- Nay đức Phật Thế Tôn đang trụ ở đời chăng?

Phật dạy:

- Như vậy.

Mạn Thù Thất Lợi bèn thưa Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn! Nếu Phật Thế Tôn hiện trụ đời, chư Phật Thế Tôn như số cát Căng già lẽ cũng trụ đời. Vì sao? Vì tất cả Như Lai đồng một tướng cảnh giới chẳng nghĩ bàn vậy. Tướng chẳng nghĩ bàn không sanh không diệt, làm sao chư Phật có vào Niết bàn? Vậy nên, Bạch Thế Tôn! Nếu vị lai sẽ có Phật ra đời, tất cả Như Lai đều sẽ ra đời. Nếu quá khứ Phật đã vào Niết bàn, tất cả Như Lai đều đã diệt độ. Nếu hiện tại Phật hiện chứng Bồ đề, tất cả Như Lai đều ưng hiện chứng. Vì sao? Vì trong chẳng nghĩ bàn có bao chư Phật khứ lai hiện tại không sai khác vậy. Nhưng thế gian mê lầm chấp đắm các thứ hý luận bảo rằng Phật Thế Tôn có sanh, có diệt, có chứng Bồ đề.

Phật bảo đồng tử Mạn Thù Thất Lợi:

- Pháp mà ngươi nói chỉ có Như Lai hoặc Bồ Tát Bất thối chuyển hay đại A la hán mới hiểu rõ được, ngoài ra chẳng ai hiểu nổi. Vì sao? Vì chỉ các Như Lai nghe pháp sâu xa này, như thật hiểu rõ, chẳng khen, chẳng chê, biết tâm hay phi tâm đều bất khả đắc. Vì sao? Vì tánh của tất cả pháp đều bình đẳng, tâm và phi tâm đều bất khả đắc. Do đây nên không khen, không chê pháp này.

Mạn Thù Thất Lợi liền bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Đối pháp thậm thâm này ai sẽ khen chê?

Phật dạy:

- Đồng Tử! Hữu tình kia như vậy tâm chẳng thật, tâm đồng tâm Phật, tánh chẳng thể nghĩ bàn.

Man Thù Thất lợi bạch Phật:

-  Bạch Thế tôn! Hữu tình tâm đồng tâm Phật, tánh chẳng nghĩ bàn ư?

Phật bảo Mạn Thù Thất Lợi:

- Đồng Tử! Như vậy, như ngươi đã nói. Vì sao? Vì Phật, hữu tình, tâm và tất cả pháp thảy đều bình đẳng chẳng nghĩ bàn vậy.

 

(Không ai ở thế gian này thấy Phật, hữu tình, tâm và tất cả pháp thảy đều bình đẳng chẳng thế nghĩ bàn. Chỉ có ai hiểu được thắng nghĩa đế hoặc Đệ nhất nghĩa đế không. Thắng nghĩa đế là pháp chân thật, bất biến, không đổi dời còn gọi là Chân đế, khác với Tục đế là biến dịch đổi dời, do ý thức cảm thọ mà ra. Trong Chân pháp giới tất cả pháp đều bình đẳng. Chúng ta cũng biết rằng Chân như cũng là không, bình đẳng cũng không. Vượt qua Tục đế và Chân đế thì được gọi là Đệ nhất nghĩa đế không. Trong Đệ nhất nghĩa đế không không có tội hay phước, tất cả đều không. Nên Bồ Tát Long Thọ trong Đại Trí Độ Luân nói: “...Đệ Nhất Nghĩa Không là Thật Tướng của hết thảy các pháp, chẳng thể phá, chẳng thể hoại. Vì sao? Vì hết thảy các pháp ở nơi Thật Tướng, đều là KHÔNG, chẳng có thể thọ, chẳng có thể chấp vậy. Nếu có thọ, có chấp là hư dối, là chẳng phải thật. Lại nữa, Đệ nhất nghĩa không là nghĩa Niết bàn Giải Thoát”. Bất cứ chúng sanh nào đạt được cái thấy biết như vậy thì nên lễ lạy cúng dường như lễ lạy cúng dường Thế Tôn).

 

(Hữu tình giới cũng bất khả tư nghì)

 

Mạn Thù Thất Lợi lại bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Phật, hữu tình, tâm và tất cả pháp thảy đều bình đẳng, chẳng thể nghĩ bàn, khiến cho các bậc Thánh hiền cầu Niết bàn, siêng tu tinh tấn, há chẳng uổng công. Vì sao? Vì tánh chẳng thể nghĩ bàn và tánh Niết bàn không sai khác thì cầu làm gì! Nếu có kẻ nói: Pháp phàm phu này và pháp của Thánh giả đây có tướng khác nhau, thì nên biết kẻ ấy chưa từng gần gũi bạn lành chơn tịnh, nói như vậy làm cho hữu tình chấp vào hai pháp khác nhau, đắm chìm trong sanh tử, chẳng chứng Niết bàn.

Phật bảo đồng tử Mạn Thù Thất Lợi:   

- Ngươi muốn Như Lai là bậc tối thắng đối với loài hữu tình chăng?

- Bạch Thế Tôn! Nếu thật có hữu tình thì con nguyện Như Lai sẽ là bậc tối thắng. Nhưng vì loài hữu tình thật bất khả đắc.

Phật bảo đồng tử Mạn Thù Thất Lợi:

- Ngươi muốn Phật thành tựu pháp chẳng thể nghĩ bàn không?

- Bạch Thế Tôn! Nếu thật có pháp chẳng thể nghĩ bàn để thành tựu thì con nguyện Như Lai thành tựu pháp ấy, nhưng không có việc ấy.

 

(Trong pháp không, tất cả pháp đều bình đẳng: Phật, hữu tình, tâm và tất cả pháp thảy đều bình đẳng. Pháp bình đẳng không phải Phật làm ra, không ai làm ra, không thể tu, không thể đắc, cầu chỉ uổng công. Nên nói là bất khả tư nghì. Những ai nghe nói pháp như vậy mà không kinh không sợ là những người có căn tánh Đại thừa, có thể tu học Bát nhã Ba la mật).

 

(Tướng điều phục và tướng phước điền cũng bất khả tư nghì)

 

Phật bảo đồng tử Mạn Thù Thất Lợi:

- Ngươi muốn Như Lai thuyết pháp điều phục các đệ tử không?

- Bạch Thế Tôn! Nếu có sự thuyết pháp mà điều phục được chơn như pháp giới, thì con nguyện Như Lai thuyết pháp điều phục các chúng đệ tử. Nhưng Phật Thế Tôn hiện ra ở đời đối loại hữu tình trọn không ơn đức. Vì sao? Vì các loại hữu tình trụ chơn như pháp giới không có tạp nhiễm. Đối trong giới đây, phàm phu Thánh giả năng thuyết năng thọ đều bất khả đắc.

Phật bảo đồng tử Mạn Thù Thất Lợi:

- Ngươi muốn Như Lai là chơn ruộng phước vô thượng của thế gian không?

Mạn Thù Thất Lợi thưa:

- Bạch Thế Tôn! Nếu các ruộng phước là thật thì con cũng muốn Phật là bậc Vô thượng của họ. Nhưng các ruộng phước thật bất khả đắc. Thế nên chư Phật đều chẳng phải ruộng phước, chẳng phải phi ruộng phước. Vì tánh của phước, chẳng phải phước và tất cả pháp đều bình đẳng. Nhưng người làm ruộng phước cho thế gian có khả năng vô tận nên thế gian nói chung gọi vị ấy là ruộng phước vô thượng. Chư Phật Thế Tôn chứng được phước vô tận, thế nên có thể nói Ngài là ruộng phước vô thượng. Vả lại, người làm ruộng phước cho thế gian không có sự chuyển biến, nên đời gọi chung người ấy là ruộng phước vô thượng. Chư Phật Thế Tôn chứng phước vô tận, vậy nên phải gọi vô thượng phước điền.

Lại nữa, người làm ruộng phước cho thế gian khó nghĩ, nên đời gọi chung vị ấy là Vô thượng điền. Chư Phật Thế Tôn chứng được phước khó nghĩ này, cho nên gọi là Vô thượng phước điền. Chư Phật tuy thật là ruộng phước Vô thượng nhưng người gieo trồng phước thì không bớt, không thêm.

Phật bảo đồng tử Mạn Thù Thất Lợi:

- Ngươi dựa vào nghĩa nào mà nói như vậy?

Mạn Thù Thất Lợi thưa:

- Bạch Thế Tôn! Tướng ruộng phước của Phật không thể nghĩ bàn, nếu có người gieo trồng vào trong đó năng hiểu rõ được pháp tánh bình đẳng, thông đạt tất cả pháp không tăng, không giảm, nên Phật thật là ruộng phước vô thượng.

 

(Còn sống trong vòng luân hồi sanh tử trong 3 cõi sáu đường là còn thấy có tội có phước. Khi nhập được pháp không, pháp như, biết tất cả pháp đều bình đẳng, là sống trong đệ nhất nghĩa đế mà Đệ nhất nghĩa đế cũng không, tức chứng Thánh, thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử, không thấy tội khôn thấy phước thì ai làm ruộng phước cho ai? Nên nói tội-phước cũng không. Đó cũng chính là Đệ nhất nghĩa đế không. Đến đây ngôn ngữ đoạn, bặt hý luận, tâm hành dứt, vạn duyên buông hết, mảy trần còn không, tâm như như bất động. Biết tất cả pháp đều không rồi thì được tâm thanh tịnh, tuệ thanh tịnh. Đến chỗ này thì không thể nói: “Những phát biểu của Thánh giả là nghịch hay không nghịch nữa”. Vì còn phân biệt pháp xuất thế gian với pháp thế gian mới nói thuận hay nghịch, trong Đệ nhất nghĩa đế hay Đệ nhất nghĩa đế không không có phân biệt, tất cả đều như như bất động).

 

Bấy giờ, nhờ thần lực và pháp lực của Phật làm cho đại địa biến động sáu cách. Khi đó, trong chúng hội có mười sáu ức chúng đại Bí sô dứt sạch các lậu, tâm được giải thoát. Bảy trăm Bí sô ni, ba ngàn cư sĩ nam, bốn vạn cư sĩ nữ, sáu mươi muôn ức chúng trời cõi Dục xa lìa trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh.

Khi ấy, A nan Đà liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, kéo y che vai trái, gối phải quì sát đất, chắp tay cung kính thưa:

- Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà hôm nay đại địa biến động sáu cách như vậy?

Phật bảo A nan Đà:

- Do Diệu Cát Tường (tên khác của Mạn Thù Thất Lợi hay Văn Thù Sư Lợi) nói về tướng ruộng phước. Nay Ta ấn chứng nên hiện điềm này. Chư Phật quá khứ cũng nói tướng ruộng phước tại nơi này, khiến cho đại địa biến động, nên lúc này hiện lên sự việc như vậy.


Quyển thứ 575

 

Bấy giờ, Xá lợi Tử thưa Phật:

- Bạch Thế Tôn! Mạn Thù Thất Lợi thật không thể nghĩ bàn. Vì sao? Vì pháp tướng mà Mạn Thù Thất Lợi đã thuyết không thể nghĩ bàn.

Phật bảo đồng tử Mạn Thù Thất Lợi:

- Pháp mà ngươi thuyết thật khó nghĩ bàn, như cụ thọ Xá lợi Tử đã nói.

Mạn Thù Thất Lợi liền bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Pháp mà con thuyết không thể nói là có thể nghĩ bàn, cũng không thể nói không thể nghĩ bàn. Vì sao? Vì tánh của không thể nghĩ bàn và có thể nghĩ bàn đều vô sỡ hữu, chỉ là lời nói diễn đạt. Tất cả tướng trạng của tiếng nói không phải là nghĩ bàn được cũng không phải là không thể nghĩ bàn được. Vì đối với tất cả pháp tự tánh đều xa lìa. Người nào nói như vậy mới gọi là nói không thể nghĩ bàn.

Phật bảo Mạn Thù Thất Lợi:

- Đồng tử! Nay ngươi đang nhập vào Tam ma địa Bất khả tư nghì ư?

Mạn Thù Thất Lợi thưa:

- Bạch Thế Tôn! Con không nhập vào Tam ma địa này. Vì sao? Vì con hoàn toàn chẳng thấy tánh Tam ma địa này khác với con, vì chẳng thấy có tâm suy gẫm của con và định đây vậy. Tam ma địa Bất khả tư nghì ấy, tánh của tâm và phi tâm đều không nhập được, thì làm sao có thể nói con nhập vào định này?

Lại nữa, bạch Thế Tôn! Xưa kia khi mới học, con có tác ý nhập vào Tam ma địa này. Nhưng bây giờ con không còn tác ý nhập vào định này nữa. Giống như người bắn giỏi, lúc mới học bắn phải tập ngắm kỹ vào những đích thô rồi kéo cung. Nhưng tập lâu ngày thành thạo, có thể bắn trúng đích nhỏ như đầu sợi lông, chẳng cần ngắm đích thô kia nữa, hễ muốn bắn chỗ nào, buông mũi tên bay ra là trúng ngay. Cũng vậy, trước đây khi con mới học định này cần phải buộc niệm vào chỗ bất tư nghì, sau đó mới có thể nhập vào định này. Tu tập lâu ngày thành thục, ở trong định này chẳng còn buộc tâm, mặc cho nó thường trụ. Vì sao? Vì con đã thiện xảo đối với định này, tuần tự vào ra không còn tác ý.                         

Khi ấy, Xá lợi Tử liền bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Con nhận thấy Đồng tử Mạn Thù Thất Lợi này chưa thể thủ hộ niềm tin. Vì sao? Dường như Ngài không thường trụ ở trong định này, tuy nhiên không có định nào khác nhiệm mầu vắng lặng so với định này.

Mạn Thù Thất Lợi liền thưa với Cụ Thọ Xá lợi Tử:

- Đại đức! Làm sao biết không có định nào khác vắng lặng như định này?

Xá lợi Tử nói:

- Lẽ nào lại có định khác vắng lặng như định này?

Mạn Thù Thất Lợi đáp:

- Đại đức! Nếu định này khá được, nên nói định khác vắng lặng đồng với định này, nhưng định này cũng bất khả đắc.

Xá lợi Tử nói:

- Mạn Thù Thất Lợi! Lẽ nào định này cũng bất khả đắc?

- Đại đức! Định này thật chẳng khá được. Vì sao? Vì tất cả định khá nghĩ bàn có tướng khá được, còn định không thể nghĩ bàn không tướng khá được. Định này đã được gọi là không thể nghĩ bàn cho nên chắc chắn phải chẳng khá được. Đối với định không thể nghĩ bàn này, tất cả hữu tình không ai mà không chứng được. Tại sao? Vì tướng tất cả tâm tức không phải là không thể nghĩ bàn được. Thế nên tướng tất cả chúng sanh và tướng tam muội không thể nghĩ bàn bình đẳng nhau không có sai biệt.

Phật khen đồng tử Mạn Thù Thất Lợi:

- Hay thay! Hay thay! Mạn Thù Thất Lợi, trong quá khứ ngươi đã ở chỗ vô lượng đức Phật gieo trồng căn lành, phát nguyện lớn lâu dài, đã tu phạm hạnh, đều dựa vào sự vô đắc nên nói ra lời gì đều mang ý nghĩa sâu xa. Mạn Thù Thất Lợi! Lẽ nào nếu chẳng phải là người đã từng trụ Bát Nhã thâm sâu đều có thể nói được ý nghĩa sâu xa như vậy?

Mạn Thù Thất Lợi liền bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Nếu do trụ Bát Nhã thâm sâu mà con nói được như vậy, thì tức trụ vào ngã tưởng và trụ vào hữu tưởng. Nếu trụ ngã tưởng và trụ hữu tuởng mà nói được như vậy, thì Bát Nhã thâm sâu cũng có chỗ trụ. Nếu Bát Nhã thâm sâu có chỗ trụ thì Bát Nhã thâm sâu cũng lấy ngã tưởng và lấy hữu tưởng làm chỗ trụ. Nhưng Bát Nhã thâm sâu xa lìa hai tưởng trụ vô sở trụ. Như chư Phật trụ chỗ vắng lặng, nhiệm mầu, không khởi, không tác, không động, không chuyển, lấy đó làm chỗ trụ. Bát Nhã thâm sâu chẳng trụ pháp có, chẳng trụ pháp không, nên chỗ trụ này không thể nghĩ bàn. Bát nhã Ba la mật thâm sâu chẳng trụ hữu pháp, chẳng trụ vô pháp, nên sở trụ đây chẳng thể nghĩ bàn.

Bát nhã Ba la mật thâm sâu đối tất cả pháp đều chẳng hiện hành. Phải biết Bát Nhã thâm sâu tức là cảnh giới không thể nghĩ bàn. Cảnh giới không nghĩ bàn tức là pháp giới. Pháp giới tức là cảnh giới chẳng hiện hành. Phải biết cảnh giới chẳng hiện hành tức là cảnh giới không nghĩ bàn. Phải biết cảnh giới không nghĩ bàn tức là Bát Nhã thâm sâu.

Bát Nhã thâm sâu, ngã giới, pháp giới, không hai, không khác; không hai, không khác tức là pháp giới. Pháp giới tức là cảnh giới chẳng hiện hành. Cảnh giới chẳng hiện hành nên biết đó chính là Bát Nhã thâm sâu.

Bát Nhã thâm sâu phải biết tức là cảnh giới không nghĩ bàn. Cảnh giới không nghĩ bàn phải biết tức là cảnh giới chẳng hiện hành. Cảnh giới chẳng hiện hành phải biết là cảnh giới vô sở hữu. Cảnh giới vô sở hữu phải biết tức là cảnh giới vô sanh diệt. Cảnh giới vô sanh diệt phải biết tức là cảnh giới chẳng nghĩ bàn. Cảnh giới chẳng nghĩ bàn và cảnh giới của Như Lai, cảnh giới ngã, cảnh giới các pháp đều không hai, không khác.

Vậy nên, bạch Thế Tôn! Nếu tu hành Bát nhã Ba la mật được như thế, đối đại Bồ đề lại chẳng cầu chứng. Vì cớ sao? Vì Bát nhã Ba la mật sâu thẳm tức Bồ đề vậy.

Bạch Thế Tôn! Nếu thật biết cảnh giới ngã tức biết vô trước. Nếu biết vô trước tức biết vô pháp. Nếu biết vô pháp tức là Phật trí. Trí tức là trí chẳng nghĩ bàn. Phải biết trí Phật không có pháp nào đáng để biết, gọi là chẳng biết pháp. Vì sao? Vì trí này tự tánh hoàn toàn vô sở hữu.

Pháp vô sở hữu làm sao có thể chuyển được chơn pháp giới? Tự tánh của trí này đã không sở hữu tức là không có chấp trước. Nếu không có chấp trước tức bản thể chẳng phải trí. Nếu bản thể chẳng phải trí tức là không có cảnh giới. Nếu không có cảnh giới tức không có chỗ dựa. Nếu không có chỗ dựa tức vô sở trụ. Nếu vô sở trụ tức vô sanh diệt. Nếu vô sanh diệt tức bất khả đắc. Nếu bất khả đắc tức không có chỗ để hướng tới. Đã không có chỗ hướng tới, thì trí này không thể tạo các công đức, cũng không thể tạo phi công đức. Vì sao? Vì trí này không suy nghĩ việc tạo công đức hay tạo phi công đức.

Trí không suy nghĩ là trí không thể nghĩ bàn. Trí không thể nghĩ bàn tức là trí Phật. Vì vậy, trí này không có sự chấp thủ, cũng chẳng chấp thủ tất cả pháp, cũng chẳng phải ngằn trước, chẳng phải ngằn giữa hay ngằn sau, chẳng phải trước đã sanh, chẳng phải trước chưa sanh, không xuất hiện không chìm mất, chẳng phải thường, chẳng phải đoạn, lại không có trí nào khác sánh với trí này.

Do đây, trí này không thể nghĩ bàn, đồng với hư không, chẳng thể so sánh, không đây, không kia, chẳng phải đẹp, chẳng phải xấu. Đã không có trí nào khác sánh với trí này được, cho nên trí này không có sự ngang bằng và chẳng có trí nào ngang bằng. Do đây nên gọi trí này là Vô đẳng đẳng. Lại không có trí nào khác có thể nắm bắt đối với trí này. Vậy trí này vô đối, bất đối. Do đây nên gọi là trí Vô đối đối.

Phật bảo đồng tử Mạn Thù Thất Lợi:

- Diệu trí như vậy không thể động ư?

Mạn Thù Thất Lợi thưa:

- Bạch Thế Tôn! Diệu trí như thế tánh chẳng thể động. Như thợ rèn vàng, đốt luyện khối vàng đã được tinh thục, cân lượng không động. Trí đây cũng thế, tu lâu thành thục, không tác không chứng, không sanh không tận, không khởi không chìm, yên vững không động.

Phật bảo đồng tử Mạn Thù Thất Lợi:

- Ai có thể tin hiểu được diệu trí này?

Mạn Thù Thất Lợi thưa:

- Bạch Thế Tôn! Nếu thường chẳng hành pháp vào Niết bàn, đối pháp sanh tử cũng chẳng hành, đối hạnh tà kiến hành vắng lặng, đối hạnh vào Niết bàn hành không động. Chẳng dứt tham dục giận dữ ngu si, cũng chẳng phải chẳng dứt.

 

(Đạt được trạng thái vô niệm vô tâm như vậy là chứng Thánh. Thánh giả thì không dùng thức mà có sẵn diệu trí, sẵn sàng phát khởi diệu dụng vô tỷ vô đối. Nên gọi là trí vô đối đối, không thể nghĩ bàn. Phàm phu làm sao thấy được biết được mà luận bàn).

 

Phật khen đồng tử Mạn Thù Thất Lợi:

- Hay thay! Hay thay! Ngươi nói việc này một cách đúng đắn.

Bấy giờ, cụ thọ Đại Ca Diếp Ba(9) ở trước Phật bạch:

- Bạch Thế Tôn! Trong tương lai, ai có thể tin hiểu, tu học nghĩa lý thâm sâu của pháp và Tỳ nại da này?

 

(Phải học Bát nhã Ba la mật)

 

Phật bảo cụ thọ Đại Ca Diếp Ba:

- Đời vị lai, chúng Bí sô v.v… trong hội này đều sẽ tin hiểu, lãnh thọ, tu học nghĩa lý thâm sâu của pháp và Tỳ nại da đã thuyết này, cũng có thể vì người khác giảng nói và truyền bá. Như đại trưởng giả bị mất ngọc vô giá. Tâm luôn khổ não, buồn rầu, chẳng vui. Sau đó gặp lại, vui mừng hớn hở. Hôm nay, chúng Bí sô v.v… trong hội này cũng như vậy, nghe Bát Nhã thâm sâu tin hiểu, tu học, sau không được nghe thuyết pháp môn này nữa, tâm luôn khổ não, buồn rầu chẳng vui, đều nghĩ: Chẳng biết chừng nào chúng ta sẽ được nghe lại pháp thâm sâu này. Sau đó, nếu được nghe pháp môn này sẽ vui mừng hớn hở, lại nghĩ: Hôm nay ta được nghe Kinh điển này tức là được gặp Phật, gần gũi cúng dường. Như cây Viên Sinh mới đâm chồi, chư Thiên trời thứ Ba mươi ba vui mừng hớn hở nghĩ: Chẳng bao lâu cây này sẽ nở hoa, hương thơm ngào ngạt, chúng ta tha hồ dạo xem. Chúng Bí sô cũng lại như vậy, nghe Mạn Thù Thất Lợi rồi tin thọ tu hành nên sanh hoan hỉ, chẳng bao lâu, tất cả pháp của Phật sẽ được hiển bày.

Ẩm Quang (Ca diếp) nên biết! Đời vị lai, chúng Bí sô v.v… nếu nghe Bát Nhã thâm sâu này tin hiểu, tu hành, tâm chẳng quên mất, tất ở trong hội đây đã được lắng nghe, vui vẻ thọ trì, giảng nói truyền bá. Nên biết các vị ấy do nghe pháp này, vui mừng hớn hở, tín thọ tu hành, chẳng bao lâu, tất cả pháp của Phật sẽ được hiển bày. Sau khi Như Lai diệt độ, nếu vị nào thọ trì, giảng nói, truyền bá Kinh điển này, phải biết người ấy nhờ sức oai thần của Phật gia hộ, khiến cho mọi việc của họ đều được thành tựu.

Ẩm Quang nên biết! Vị nào nghe Bát Nhã thâm sâu vui mừng thọ trì, vị ấy đời quá khứ đã ở chỗ vô lượng đức Phật gieo trồng nhiều căn lành, đã được lắng nghe, chứ chẳng phải mới gặp hôm nay. Như kẻ đào ngọc bỗng nhiên gặp được ngọc Mạt ni vô giá sanh vui mừng lớn. Phải biết kẻ ấy từng thấy ngọc này nên sanh vui mừng, chẳng phải nay mới thấy. Như vậy đời vị lai các Bí sô v.v… thâm tâm ưa thích, lắng nghe chánh pháp, bỗng gặp được Bát nhã Ba la mật vui mừng lắng nghe, tin thọ, tu học. Phải biết ngày trước những vị ấy đã từng ở chỗ vô lượng đức Phật nghe Kinh này, chẳng phải ở thời này mới nghe được.

Ẩm Quang nên biết! Nếu các thiện nam, thiện nữ nghe Diệu Cát Tường (Mạn Thù Thất Lợi) thuyết Bát nhã Ba la mật vui mừng hớn hở, thích nghe không chán, lại thường ân cần cầu thỉnh thuyết giảng lại, thì các thiện nam, thiện nữ này trong quá khứ đã theo Mạn Thù Thất Lợi nghe thuyết Bát nhã Ba la mật, vui vẻ thọ trì, tin hiểu tu học, cũng đã từng gần gũi Mạn Thù Thất Lợi cúng dường, cung kính, nên được như vậy. Thí như có người gặp dịp vào thành ấp. Người ấy đã dạo xem qua tất cả vườn rừng, ao hồ, nhà cửa, người, vật trong đó. Thời gian sau, đi ở chỗ khác, người ấy nghe người ta khen trong thành ấp này đã có nhiều thắng cảnh đẹp, liền vui mừng, xin người kia kể lại. Nếu được nghe nữa, vui mừng càng gấp bội. Bởi vì trước đây người ấy đã được thấy. Cũng vậy, đời sau các thiện nam, thiện nữ nghe Diệu Cát Tường thuyết Bát nhã Ba la mật vui vẻ, thích nghe, không nhàm chán, lại ân cần thỉnh nói lại nghĩa lý thâm sâu. Nghe rồi khen ngợi, càng vui mừng hơn. Phải biết những người này đều do đời trước đã từng gần gũi Mạn Thù Thất lợi, cúng dường, cung kính, lắng nghe và lãnh thọ pháp này, nên đời này thành tựu được như vậy.

Bấy giờ, cụ thọ Đại Ca Diếp ba liền bạch Phật:

- Như Lai đã nói một cách đầy đủ về tướng trạng các hành của các thiện nam thiện nữ trong hiện tại và vị lai lắng nghe Bát nhã Ba la mật tin hiểu tu hành.

Phật dạy:

- Đúng vậy! Đúng như ngươi nói, Ta đã nói một cách đầy đủ về tướng trạng các hành của họ.

Mạn Thù Thất Lợi liền bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Tướng trạng các hành của các thiện nam thiện nữ trong hiện tại và đương lai nghe pháp thâm sâu này, phải biết chẳng phải tướng trạng các hành. Vì pháp đã nghe nhiệm mầu vắng lặng, tướng trạng các hành đều bất khả đắc, thì vì sao Như Lai thuyết như vầy: “Ta đã nói một cách đầy đủ về tướng trạng các hành của họ?”

Phật bảo đồng tử Mạn Thù Thất Lợi:

- Đúng vậy! Đúng như ông nói! Tướng trạng các hành của các thiện nam thiện nữ trong hiện tại và đương lai nghe pháp sâu xa này đều chẳng phải tướng trạng các hành. Vì pháp đã nghe nhiệm mầu vắng lặng, tướng trạng các hành đều bất khả đắc. Nhưng khi nghe thuyết pháp sâu xa, họ vui mừng, thọ trì, tin hiểu, tu học, tức ở quá khứ họ đã từng nghe, vui mừng thọ trì và tu hành nên mới được như vậy. Tướng trạng các hành này đều dựa vào thế tục mà nói, chẳng phải trong thắng nghĩa có việc như vậy.

Mạn Thù Thất Lợi phải biết! Hiển bày rõ Bát nhã Ba la mật thâm sâu tức là hiển rõ tất cả pháp của Phật, thông suốt việc chơn thật chẳng nghĩ bàn.

Mạn Thù Thất Lợi! Khi xưa, Ta tu học Bồ Tát hạnh, những căn lành chứa được đều do tu học Bát Nhã mà được thành tựu viên mãn. Muốn trụ địa vị Bất thối chuyển của Bồ Tát, muốn chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề cũng do tu học Bát Nhã mà được thành tựu.

Mạn Thù Thất Lợi! Nếu thiện nam, thiện nữ nào muốn tích nhóm căn lành như các Bồ Tát đã tích nhóm, thì phải học Bát Nhã này.

Mạn Thù Thất Lợi! Nếu thiện nam, thiện nữ nào muốn trụ bậc Bất thối chuyển của Bồ Tát, thì phải học Bát Nhã thâm sâu này.

Mạn Thù Thất Lợi! Nếu thiện nam, thiện nữ nào muốn chứng quả vị Vô Thượng Bồ đề, thì phải học Bát Nhã thâm sâu này.

Mạn Thù Thất Lợi! Nếu thiện nam, thiện nữ nào muốn thông suốt hoàn toàn tướng bình đẳng của tất cả pháp giới, thì phải học Bát Nhã thâm sâu này.

Mạn Thù Thất Lợi! Nếu thiện nam, thiện nữ nào muốn hiểu rõ hoàn toàn tâm hành bình đẳng của tất cả hữu tình, thì phải học Bát Nhã thâm sâu này.

Mạn Thù Thất Lợi! Nếu thiện nam, thiện nữ nào muốn mau chứng được tất cả giáo pháp của Phật, thì phải học Bát Nhã này.

Mạn Thù Thất Lợi! Nếu thiện nam, thiện nữ nào muốn biết Phật nói Như Lai chẳng thể hiện giác nghĩa thú các pháp huyền bí, thì phải học Bát nhã Ba la mật sâu thẳm này. Vì sao? Vì các pháp được giác ngộ và người giác ngộ đều bất khả đắc.

Mạn Thù Thất Lợi! Nếu thiện nam, thiện nữ nào muốn biết ý nghĩa huyền bí của lời Phật nói về sự đầy đủ oai nghi tướng hảo và quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề mà Như Lai không thể chứng được, thì phải học Bát Nhã này. Vì sao? Vì sự chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề với oai nghi tướng hảo và người chứng đều bất khả đắc.

Mạn Thù Thất Lợi! Nếu thiện nam, thiện nữ nào muốn biết nghĩa thú huyền bí mà Phật nói về sự không thành tựu tất cả công đức, không thể giáo hóa tất cả hữu tình của Như Lai, thì phải học Bát Nhã thâm sâu này. Vì sao? Vì tất cả công đức sở hóa hữu tình và các Như Lai bất khả đắc vậy.

Mạn Thù Thất Lợi! Nếu thiện nam, thiện nữ nào muốn chứng được vô ngại giải đối với các pháp, thì phải học Bát Nhã thâm sâu này. Vì sao? Vì Bát Nhã thâm sâu chẳng thấy các pháp có chút chơn thật, hoặc tịnh hoặc nhiễm hoặc sanh hoặc diệt v.v...

Mạn Thù Thất Lợi! Nếu thiện nam, thiện nữ nào muốn biết các pháp chẳng phải quá khứ, hiện tại, vị lai và tướng vô vi, thì phải học Bát Nhã thâm sâu này. Vì sao? Vì chơn pháp giới chẳng phải thuộc quá khứ, hiện tại, vị lai hay vô vi. Vì các pháp đều nhập vào chơn pháp giới.

Mạn Thù Thất Lợi! Nếu thiện nam, thiện nữ nào muốn đạt được sự không nghi ngờ đối với các pháp, thì phải học Bát Nhã thâm sâu này.

Mạn Thù Thất Lợi! Nếu thiện nam, thiện nữ nào muốn chuyển được xe pháp Vô thượng ba lần với mười hai hành tướng và ở trong đó hoàn toàn không có sự chấp trước, thì phải học Bát Nhã thâm sâu này.

Mạn Thù Thất Lợi! Nếu thiện nam, thiện nữ nào muốn đạt được sự ban bố từ tâm trùm khắp tất cả mà trong ấy không tưởng về hữu tình nào, thì phải học Bát Nhã thâm sâu này.

Mạn Thù Thất Lợi! Nếu thiện nam, thiện nữ nào muốn cùng thế gian nhập vào pháp tánh không có các sự tranh luận mà đối với thế gian và các sự tranh luận đều vô sở đắc, thì phải học Bát Nhã thâm sâu này.

Mạn Thù Thất Lợi! Nếu thiện nam, thiện nữ nào muốn biết rõ khắp các cảnh xứ phi xứ hoàn toàn không bị ngăn ngại, thì phải học Bát Nhã thâm sâu này.

Mạn Thù Thất Lợi! Nếu thiện nam, thiện nữ v.v... nào muốn đạt được vô biên pháp Phật như lực vô úy của Như Lai v.v…, thì phải học Bát Nhã thâm sâu này.

Bấy giờ, đồng tử Mạn Thù Thất Lợi liền bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Con quán Bát Nhã thâm sâu này không có tướng vô vi, không có các công đức, không sanh, không diệt, không sức lực, không khả năng, không đến, không đi, không vào, không ra, không tổn, không ích, không biết, không thấy, không thể, không dụng, chẳng phải người tạo tác, cũng không thể làm cho các pháp sanh diệt, không làm cho các pháp là một hay là khác, không thành, không hoại, chẳng phải tuệ, chẳng phải cảnh, chẳng phải pháp phàm phu, chẳng phải pháp Thanh văn, chẳng phải pháp Độc giác, chẳng phải pháp Bồ Tát, chẳng phải pháp Như Lai, chẳng phải chứng hay không chứng, chẳng đắc hay không đắc, chẳng phải tận hay bất tận, chẳng vào sanh tử, chẳng ra khỏi sanh tử, chẳng nhập Niết bàn, chẳng ra khỏi Niết bàn, đối với các pháp của Phật chẳng thành chẳng hoại, đối với tất cả pháp chẳng phải tạo tác hay không tạo tác, chẳng phải có thể nghĩ bàn hay không thể nghĩ bàn, lìa phân biệt, dứt hý luận. Bát nhã Ba la mật này hoàn toàn không có công đức, làm sao Như Lai khuyên các hữu tình siêng năng tu học?

Phật bảo đồng tử Mạn Thù Thất Lợi:

- Những điều đã nói tức là công đức chơn thật của Bát nhã Ba la mật. Các thiện nam thiện nữ nếu biết như vậy thì gọi là chơn thật tu học Bát Nhã thâm sâu.

Lại nữa, đồng tử Mạn Thù Thất Lợi! Đại Bồ Tát nào muốn học Tam ma địa thù thắng của Bồ Tát, muốn thành tựu Tam ma địa thù thắng của Bồ Tát, muốn an trụ trong Tam ma địa này, thấy tất cả Phật, biết được danh hiệu của Phật và thấy được thế giới của chư Phật này, chứng được, thuyết được thật tướng các pháp không chướng ngại, thì phải học Bát Nhã thâm sâu này, ngày đêm siêng năng chớ sanh lười mỏi.

Mạn Thù Thất Lợi liền bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Vì sao gọi là Bát Nhã thâm sâu?

Phật bảo đồng tử Mạn Thù Thất Lợi:

- Bát Nhã thâm sâu không tên, không tướng, không bờ, không bến, không chỗ về nương, chẳng phải cảnh nghĩ lường, chẳng phải tội, chẳng phải phước, chẳng phải tối, chẳng phải sáng, như hư không thanh tịnh và chơn pháp giới, số lượng và giới hạn đều bất khả đắc. Do các yếu tố này cho nên gọi là Bát Nhã thâm sâu.

Lại nữa, đồng tử Mạn Thù Thất Lợi! Bát Nhã thâm sâu là hành xứ sâu xa của các Bồ Tát. Nếu các Bồ Tát hành được chỗ ấy thì đối với các cảnh giới đều được thông suốt. Hành xứ như vậy chẳng phải hành xứ của tất cả thừa. Vì sao? Vì hành xứ này không danh, không tướng, không có sự phân biệt. Thế nên gọi là chẳng phải chỗ hành xứ.

Mạn Thù Thất Lợi lại bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Các đại Bồ Tát tu hành pháp nào mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề?

 

(Tam ma địa nhất tướng trang nghiêm)

 

Phật bảo đồng tử Mạn Thù Thất Lợi:

- Đại Bồ Tát hành sâu Bát nhã Ba la mật, tâm không lười mỏi sẽ mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Lại nữa, đồng tử Mạn Thù Thất Lợi! Đại Bồ Tát nào thường tu hành đúng đắn Tam ma địa Nhất tướng trang nghiêm sẽ mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Mạn Thù Thất Lợi lại bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Vì sao gọi là Tam ma địa Nhất tướng trang nghiêm? Các chúng Bồ Tát tu hành thế nào?

Phật bảo đồng tử Mạn Thù Thất Lợi:

- Tam ma địa này lấy tướng pháp giới để làm trang nghiêm, nên gọi là Tam ma địa Nhất tướng trang nghiêm. Đại Bồ Tát nào muốn nhập vào Tam ma địa thù thắng này, trước hết phải lắng nghe, thỉnh hỏi, tu học Bát Nhã thâm sâu. Rồi sau đó mới có thể nhập vào Tam ma địa này.

Mạn Thù Thất Lợi! Nếu đại Bồ Tát nào chẳng động pháp giới, biết chơn pháp giới chẳng lay động, không thể nghĩ bàn, không thể hý luận, như vậy mới nhập vào được Tam ma địa Nhất tướng trang nghiêm.

Mạn Thù Thất Lợi! Thiện nam, thiện nữ nào muốn nhập vào Tam ma địa này phải ở chỗ trống vắng, lìa xa chỗ ồn náo, ngồi kiết già chẳng nghĩ đến các tướng. Vì muốn lợi lạc tất cả hữu tình, phải chú tâm chánh niệm, thủ giữ danh tự một vị Như Lai, khéo tưởng về dung nghi của Ngài. Ngài ở phương nào thì ngồi thẳng quay về hướng ấy, niệm niệm tiếp nối nhau, niệm một Như Lai tức là đã quán khắp chư Phật ba đời. Vì sao? Mạn Thù Thất Lợi! Vì vô lượng, vô biên công đức biện tài của một đức Phật ngang bằng với tất cả Phật. Chư Phật ba đời nương một chơn như chứng Đại Bồ đề không sai khác vậy.

Mạn Thù Thất Lợi! Thiện nam, thiện nữ nào siêng năng tu học, được nhập vào Tam ma địa Nhất tướng trang nghiêm, sẽ thấu rõ được vô lượng, vô biên hằng hà sa số pháp giới chư Phật không có tướng sai khác, cũng có thể tổng nhiếp chấp trì vô lượng, vô số hằng hà sa pháp luân(10) vô thượng mà chư Phật Bồ Tát đã chuyển, chưa chuyển. Như Ngài A Nan Đà đa văn trí tuệ, đối với lời Phật dạy đều nhớ, giữ gìn hết. Tuy là bậc tối thắng trong chúng Thanh văn nhưng sự nhiếp trì giáo pháp còn có phần hạn chế. Nếu vị nào chứng được Tam ma địa Nhất tướng trang nghiêm, thì trí tuệ đa văn và sức nhớ tổng nhiếp ấy sẽ không thể nghĩ bàn, có thể thọ trì được pháp luân vô thượng của vô lượng, vô biên hằng hà sa số chư Phật Bồ Tát. Mỗi mỗi pháp môn đều được thông suốt nghĩa lý sâu xa, tuyên thuyết khai thị biện tài vô tận hơn A Nan Đà gấp trăm ngàn lần.

Mạn Thù Thất Lợi liền bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Các thiện nam thiện nữ trụ Bồ Tát thừa kia khi chứng được Tam ma địa này làm sao đạt được vô lượng, vô biên công đức lợi ích?

Phật dạy:

- Đồng tử! Thiện nam thiện nữ trụ Bồ Tát thừa ấy siêng năng tu học Tam ma địa Nhất tướng trang nghiêm, thường nghĩ: Ta phải làm thế nào để thông suốt khắp pháp giới chư Phật, thọ trì tất cả pháp luân vô thượng, cùng các hữu tình làm lợi ích lớn? Do đây khi chứng được Tam ma địa này liền được vô biên công đức lợi ích.

Mạn Thù Thất Lợi! Thiện nam thiện nữ trụ Bồ Tát thừa kia, trước đây đã nghe công đức của Tam ma địa Nhất tướng trang nghiêm, phát khởi sự siêng năng, tinh tấn, chánh niệm tư duy, suy nghĩ về công đức của định này như vậy, như vậy. Tướng công đức hiện, đã thấy tướng này cũng như trước đã được nghe, liền sanh vui mừng, càng siêng tu tập, dần dần được nhập vào Tam ma địa này, công đức lợi ích thù thắng không thể nghĩ bàn. Những hữu tình nào hủy báng chánh pháp, chẳng tin thiện ác là kẻ nghiệp chướng nặng nề. Loại hữu tình ấy không thể chứng được định này.

Mạn Thù Thất Lợi! Ví như có người gặp được ngọc báu, đưa cho thợ mài ngọc và bảo: “Viên ngọc quí này của tôi giá trị vô lượng nhưng hình sắc của nó chưa được sáng đẹp lắm. Anh hãy mài dũa ngọc đúng khuôn mẫu giùm tôi, nhưng chỉ làm sáng đẹp chứ đừng làm hư hình sắc”. Người nhận ngọc theo lời người kia bảo, dựa theo khuôn mẫu chú tâm như vậy dũa mài viên ngọc. Cứ như vậy, như vậy, màu sắc ánh sáng phát dần thêm cho đến cực kỳ sáng và trong suốt. Khi tu sửa xong, giá trị viên ngọc thật vô lượng.

Mạn Thù Thất Lợi! Các thiện nam thiện nữ v.v… trụ Bồ Tát thừa kia cũng như vậy, tu học Tam ma địa này dần dần cho đến khi chứng được Tam ma địa này thì được vô biên công đức lợi ích thù thắng.

Mạn Thù Thất Lợi! Ví như mặt trời chiếu sáng khắp mọi nơi, làm lợi ích lớn lao. Cũng vậy, khi chứng được Tam ma địa Nhất tướng trang nghiêm sẽ chiếu khắp pháp giới, cũng thông suốt được tất cả pháp môn, vì các hữu tình làm lợi ích to lớn, công đức lợi ích thù thắng không thể nghĩ bàn.

Mạn Thù Thất Lợi! Như Ta đã nói, tất cả các loại pháp môn đều đồng một vị là vị xa lìa, vị giải thoát, vị vắng lặng, không có điều chống trái. Khi chứng được Tam ma địa này, các thiện nam thiện nữ trụ Bồ Tát thừa xiển dương pháp môn nào cũng cùng một vị là vị xa lìa, vị giải thoát, vị vắng lặng, không có sự chống trái. Khi chứng được Tam ma địa này, các thiện nam thiện nữ trụ Bồ Tát thừa kia dù diễn giảng pháp môn nào thì tài biện thuyết cũng vô tận, mau được thành tựu viên mãn Bồ đề phần pháp.

Thế nên, đồng tử Mạn Thù Thất Lợi! Đại Bồ Tát nào thường tu hành đúng Tam ma địa Nhất tướng trang nghiêm thì sẽ mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Lại nữa, đồng tử Mạn Thù Thất Lợi! Đại Bồ Tát nào chẳng thấy các thứ sai khác, chỉ thấy nhất tướng của pháp giới thì mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Nếu các thiện nam thiện nữ trụ Bồ Tát thừa nhận pháp của Bồ Tát không nên tu hành, nhận đại Bồ đề không nên cầu đạt đến, vì hiểu rõ bản tánh của tất cả pháp là Không. Do họ thừa nhận những điều này nên mau chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Thiện nam thiện nữ nào trụ Bồ Tát thừa tin tất cả pháp đều là Phật pháp, nghe tất cả là Không, tâm chẳng kinh sợ, nghi ngờ. Do nhân duyên này nên người đó mau chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Nếu thiện nam thiện nữ v.v… trụ Bồ Tát thừa nghe thuyết các pháp đều hoàn toàn Không, tâm chẳng mê mờ, cũng chẳng nghi ngờ, thường không lìa bỏ giáo pháp của Phật, thì mau chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Bấy giờ, đồng tử Mạn Thù Thất Lợi liền bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề của chư Phật quyết định do nhân duyên này mà chứng được chăng?

Phật dạy:

- Chẳng được.

Mạn Thù Thất Lợi lại bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề của chư Phật chẳng do nhân duyên này mà chứng được chăng?

Phật dạy:

- Chẳng phải vậy. Vì sao? Vì cảnh giới bất tư nghì chẳng do nhân duyên cũng chẳng phải không nhân duyên mà chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề của chư Phật, nên biết đó là cảnh giới bất tư nghì.

Mạn Thù Thất Lợi! Nếu thiện nam, thiện nữ nghe thuyết như vậy nhưng tâm chẳng kinh sợ, Ta nói những người kia đã ở chỗ vô lượng đức Phật, phát nguyện lớn, gieo trồng căn lành. Vì vậy nên Bí sô và Bí sô ni nghe thuyết Bát Nhã như vậy, tâm chẳng kinh sợ nghi ngờ, cũng chẳng mê lầm thì họ là người chơn thật theo Phật xuất gia. Nếu các cận sự nam hay cận sự nữ v.v… nghe thuyết Bát Nhã thâm sâu này, tâm chẳng kinh sợ, chẳng nghi ngờ cũng chẳng mê lầm thì họ thật sự là người qui y Phật, Pháp, Tăng. Nếu các thiện nam thiện nữ trụ Bồ Tát thừa chẳng học Bát Nhã như vậy thì chẳng gọi là kẻ chơn thật tu học Bồ Tát thừa.

Mạn Thù Thất Lợi! Ví như ở thế gian, cỏ cây, rừng rậm, thuốc thang, hạt giống v.v... tất cả đều nương vào đất mà sanh trưởng. Cũng vậy, tất cả căn lành và những việc thù thắng khác ở thế gian và xuất thế gian của Bồ Tát đều hoàn toàn dựa vào Bát Nhã thâm sâu này mà được tăng trưởng. Nên biết Bát Nhã thâm sâu này bao trùm các pháp, đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề đều tùy thuận sự chứng đắc mà không có sự chống trái.

Đồng tử Mạn Thù Thất Lợi nghe Phật nói thế, bèn thưa:

- Bạch Thế Tôn! Đời vị lai, ở châu Thiệm bộ này, các thành ấp, xóm làng, chỗ nào diễn thuyết khai thị Bát Nhã thâm sâu có nhiều người tin nhận không?

Phật bảo đồng tử Mạn Thù Thất Lợi:

- Nay các thiện nam thiện nữ trong hội này nghe thuyết Bát nhã Ba la mật tin nhận, tu hành, vui mừng, phát nguyện: Tôi nguyện đời sau, dù sanh chốn nào thường được nghe Bát nhã Ba la mật. Đời sau dù họ sanh đến chốn nào, nhờ nguyện lực đời trước nên chỗ họ ở liền có Bát Nhã thâm sâu này diễn giảng, khai thị và được nhiều người tin nhận.

Mạn Thù Thất Lợi! Các thiện nam thiện nữ nghe thuyết Bát nhã Ba la mật vui mừng hớn hở, hết lòng tin nhận. Ta nói họ đã gieo trồng căn lành lâu đời, nhờ sức nguyện đời trước mới được như vậy.

Mạn Thù Thất Lợi! Người nào muốn nghe theo Bát Nhã, ngươi nên bảo: “Các thiện nam tử! Tùy ý nghe thọ, chớ sanh lòng kinh sợ, nghi ngờ, không tin, lại tăng thêm sự hủy báng chống lại. Nay trong Kinh Bát nhã Ba la mật này rất là thậm thâm, chẳng hiển bày pháp, có nghĩa là chẳng chỉ bày có sự thành hoại của pháp phàm phu, hoặc pháp Thanh văn, hoặc pháp Độc giác, hoặc pháp Bồ Tát, hoặc pháp Như Lai”.

Mạn Thù Thất Lợi liền bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Nếu có Bí sô, Bí sô ni đến chỗ của con hỏi: “Vì sao Như Lai tuyên thuyết Bát Nhã thâm sâu cho đại chúng?” Con sẽ đáp: “Phật nói các pháp không có tướng chống trái, tranh cãi. Vì sao? Vì hoàn toàn không có pháp để cùng pháp tranh cãi, cũng không có hữu tình. Phải sanh lòng tin hiểu lời Phật dạy. Vì sao? Vì các loài hữu tình tâm thức đều bất khả đắc”.

Lại nữa thưa Thế Tôn! Con sẽ bảo họ “Như Lai thường nói về thật tế cứu cánh. Vì sao? Vì tất cả pháp tướng đều thể nhập thật tế. Hàng A La Hán không có pháp đặc thù riêng biệt, vì pháp A La Hán và pháp phàm phu không có tướng sai khác”.

Lại nữa, bạch Thế Tôn! Con sẽ bảo họ: “Pháp Phật nói ra chẳng làm cho hữu tình đã, đang, sẽ được nhập Niết bàn. Vì sao? Vì các hữu tình rốt ráo Không”.

Lại nữa, bạch Thế Tôn! Các thiện nam thiện nữ đi đến gặp con và thỉnh: “Bát nhã Ba la mật mà Ngài và Như Lai đã từng bàn luận, xin Ngài vì chúng con mà nói, hôm nay chúng con rất muốn nghe”. Con sẽ bảo họ: “Các ông muốn nghe chớ khởi tâm lắng nghe cũng đừng buộc niệm, nên khởi tâm như huyễn, như hóa. Có như vậy mới hiểu được lời ta nói. Các ông nếu muốn nghe pháp của ta phải khởi tâm thế này: Pháp hôm nay được nghe như dấu chim trên không, như thạch nữ (tượng đá không thể sanh con). Như vậy, mới nghe được lời ta nói. Nếu muốn nghe pháp của ta, các người chớ khởi lên hai tưởng. Vì sao? Vì pháp ta nói xa lìa hai tưởng. Nay các người không nên hoại ngã tưởng, chẳng khởi các kiến chấp, đối với giáo pháp của Phật không có sự mong cầu, ở trong pháp của phàm phu chẳng ưa dời động. Vì sao? Vì tướng của hai pháp là Không, không có sự lấy bỏ”.

Bạch Thế Tôn! Có những hữu tình thỉnh con thuyết Bát Nhã thâm sâu. Trước hết con dạy Kinh, dạy luật, rồi đem ấn vô tướng ấn định các pháp, làm cho người mong cầu nghe pháp lìa xa tâm chấp trước. Sau đó vì họ thuyết pháp tương ưng Bát Nhã thâm sâu.

Đức Phật khen ngợi đồng tử Mạn Thù Thất Lợi:

- Hay thay! Hay thay! Ngươi đã thuyết giáo pháp mà Ta đã nói một cách hoàn hảo và đã nói được phương tiện.

Mạn Thù Thất Lợi! Thiện nam, thiện nữ nào muốn thấy Như Lai, muốn gần gũi Phật để cúng dường, cung kính, phải học Bát Nhã thâm sâu này. Những hữu tình nào muốn thỉnh chư Phật làm đại sư, phải học Bát Nhã thâm sâu này. Những hữu tình nào muốn chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề hoặc chẳng muốn chứng, phải học Bát Nhã thâm sâu này. Những hữu tình nào muốn được thiện xảo tất cả các định, phải học Bát Nhã thâm sâu này. Những hữu tình nào muốn được tự tại phát khởi tất cả định, phải học Bát Nhã thâm sâu này. Vì sao? Vì đối với các Tam ma địa, cần phải biết các pháp không sanh, không diệt, không tạo tác, không hành động, mới có thể tự tại phát khởi. Vì sao? Vì đã thấu rõ các pháp là Không, không có ngăn ngại. Những hữu tình nào muốn thấu rõ các pháp đều có sự xuất ly, không có một pháp nào không có sự xuất ly, phải học Bát Nhã thâm sâu này. Những hữu tình nào muốn thấu rõ các pháp chỉ là giả lập, không chút chơn thật, phải học Bát Nhã thâm sâu này.

Nếu muốn biết rõ các loài hữu tình tuy hướng tới quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, nhưng không thấy có hữu tình hướng tới Bồ đề, cũng không có sự thối lui, thì phải học Bát Nhã thâm sâu này. Vì sao? Vì đã thấu rõ tất cả pháp tức là Bồ đề.

Nếu muốn hiểu rõ tất cả hữu tình hành Bồ đề hạnh, không có kẻ nào chẳng hành cũng không có sự thối lui, thì phải học Bát Nhã thâm sâu này. Vì sao? Vì Bồ đề tức là thật tánh của các pháp. Tất cả hữu tình đều hành các pháp, không có người bỏ pháp; các hành đều là Không nên không thối lui.

Nếu muốn hiểu rõ tánh tất cả pháp tức là Bồ đề, tất cả Bồ đề tức là pháp giới, đây tức là thật tế, thật tế tức là Không, tâm không thối lui, thì phải học Bát Nhã thâm sâu này.

Mạn Thù Thất Lợi! Bát Nhã thâm sâu chỉ rõ tác dụng khó nghĩ bàn và sự làm lợi ích hữu tình của chư Phật, cũng là chỗ mà Như Lai đã dạo qua. Vì sao? Vì Bát Nhã thâm sâu không thể thị hiện, không thể tuyên thuyết, là pháp không đọa, chỉ có Như Lai như thật giác ngộ và dùng phương tiện thiện xảo thuyết giảng cho hữu tình.

Mạn Thù Thất Lợi! Nếu có Bí sô, Bí sô ni v.v… đối với Bát Nhã thâm sâu, tối thiểu trọ trì dù một bài kệ bốn câu, giảng nói cho người khác, thì nhất định hướng tới Bồ đề, an trú cảnh giới của Phật huống gì thường tu hành theo lời dạy. Nên biết người này chẳng đọa vào cảnh giới ác, mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Mạn Thù Thất Lợi! Những hữu tình nào nghe thuyết Bát Nhã thâm sâu này tâm chẳng quên mất, cũng chẳng kinh sợ, lại hoan hỷ tin thọ, phải biết những người này nhất định sẽ chứng được tất cả pháp Phật, chắc chắn được tất cả Như Lai ấn chứng hứa khả, thâu nhận làm chúng đệ tử.

Mạn Thù Thất Lợi! Những thiện nam, thiện nữ nào tin nhận pháp ấn Vô thượng của Như Lai, là Bát Nhã thâm sâu, sẽ được phước vô lượng. Pháp ấn này được tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác cùng nhau hộ niệm; các vị A la hán, Bồ Tát, bậc trí và các thiên thần đều cùng nhau bảo vệ giữ gìn. Những thiện nam thiện nữ trụ Bồ Tát thừa được ấn này ấn chứng, tức đã vượt qua các cảnh giới ác, Thanh văn, Độc giác, nhất định sẽ chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Khi ấy, trời Đế Thích liền cùng với vô lượng Thiên tử cõi trời Ba mươi ba cầm các thứ hương hoa xinh đẹp của cõi trời: hoa sen xanh, hoa sen đỏ, hoa sen trắng, hoa sen vàng, hoa Vi diệu âm, hoa Diệu linh thoại và bột hương chiên đàn cúng dường Bát nhã Ba la mật, và tung rải dâng lên Như Lai, Mạn Thù Thất Lợi, tất cả Bồ Tát và Thanh văn v.v... lại trổi các thứ âm nhạc cõi trời, ca ngợi diệu pháp để cúng dường. Lại phát nguyện: Nguyện cho tất cả chúng tôi thường nghe pháp ấn Vô thượng của Bát Nhã thâm sâu này.

Trời Đế Thích lại phát nguyện: Nguyện các loài hữu tình ở châu Thiệm bộ thường nghe Bát nhã Ba la mật, vui mừng thọ trì thành tựu giáo pháp của Phật. Thiên chúng chúng tôi thường hộ vệ, khiến cho người thọ trì không gặp trở ngại. Các loài hữu tình ít dùng công sức mà được lắng nghe, thọ trì, đọc tụng phải biết đều là oai lực của chư Thiên.

Phật khen trời Đế Thích:

- Thiên chủ! Nay ông đã phát được nguyện, nếu có người nào nghe được nguyện này, vui mừng thọ trì nhất định sẽ thành tựu các pháp của Phật, mau hướng tới quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Mạn Thù Thất Lợi liền bạch Phật:

- Cúi xin Như Lai dùng sức thần thông hộ trì Bát nhã Ba la mật trụ lâu ở thế gian để làm lợi ích cho tất cả.

Phật liền hiện sức thần thông lớn làm cho các núi, đại địa ở thế giới Tam thiên đại thiên rung động sáu cách. Đức Phật lại mỉm cười, phóng ánh sáng lớn chiếu khắp Tam thiên đại thiên thế giới.

Mạn Thù Thất Lợi liền bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Đây là tướng Như Lai hiện sức thần thông, hộ trì Bát nhã Ba la mật trụ lâu ở thế gian để làm lợi ích.

Phật dạy:

- Đúng vậy! Đúng như ngươi nói. Ta dùng thần lực hộ trì pháp ấn Vô thượng Bát Nhã, làm cho trụ lâu ở đời để làm lợi ích cho hữu tình. Chư Phật Thế Tôn thuyết pháp thù thắng rồi, theo đúng pháp này đều khởi lên sức đại thần thông, hộ trì pháp này được trụ lâu ở thế gian, khiến cho các Thiên ma không thể làm gì được. Những bọn người ác không thể hủy báng. Tất cả ngoại đạo hết lòng sợ hãi. Nếu người nào siêng năng tu học pháp này thì tất cả chướng nạn đều bị tiêu diệt.

Khi đức Bạt già phạm thuyết Kinh này rồi, tất cả chúng đại Bồ Tát mà Mạn Thù Thất Lợi là vị đứng đầu, cùng với các Bí sô, bốn bộ đại chúng, trời, rồng, Dược xoa, A tu la v.v... tất cả chúng hội nghe Phật thuyết pháp đều vui mừng, tin nhận, phụng hành.

 

Thích nghĩa:

(1). Tục đế, Chân đế và Đệ nhất nghĩa đế không:

Đây là các từ hết sức quan trọng trong sự hiểu biết vị trí của hữu tình trong pháp giới. Có xác định được chỗ đứng đúng thì sẽ có cái nhìn đúng mới có thể cải thiện vấn đề tâm linh. Vì vậy, thích nghĩa này giữ vai trò quan trong trong việc tu học nhất là đối vối việc nghiên cứu các giáo pháp của phần “Mạn Thù Thất Lợi” này.

1- Tục đế: (世俗諦) Phạm: Saôvftti-satyatva, Saôvfttisatya. Còn gọi là Thế đế: Chân lí tương đối, chân lí của thế gian, là thật tại được nhìn từ phía chúng sinh chưa giác ngộ, thấy các pháp phân hai, các pháp hư dối, sinh diệt đổi dời, không thật mà cho là thật.

2- Chân đế: (真諦) Phạm: Paramàrtha-satya. Còn gọi là Thánh đế, Đệ nhất nghĩa, Niết bàn, Chân như, Thực tướng, Trung đạo, Pháp giới, đối lập với Tục đế: Chân lí chân thực mầu nhiệm. Các tông phái Phật giáo định nghĩa Đệ nhất nghĩa đế không giống nhau. Như Thuyết nhất thiết hữu bộ của Tiểu thừa coi sự nhận thức về đối tượng đơn nhất không còn phân giải được nữa là cái tồn tại chân thực, gọi là Thắng nghĩa đế. Học phái Trung quán thì cho rằng các bậc Thánh hiền hiểu rõ lí duyên khởi tính không và thấu suốt sự nhận thức điên đảo của thế tục, cái thấu suốt ấy là đạo lí chân thực, gọi là Chân đế. Kinh bộ Tiểu thừa và Du già hành phái lấy trí tuệ làm đối tượng để lí giải, gọi là Thắng nghĩa đế. Đại thừa thì chủ yếu dựa vào Chân đế và Tục đế để điều hòa sự đối lập thế gian và xuất thế gian, rồi dung hợp 2 đế mà quán xét hiện tượng, gọi là Trung quán, Trung đạo, là một trong những nguyên tắc cơ bản nhất của Đại thừa. Ngoài ra, Thiền lâm thường dùng Đệ nhất nghĩa đế để diễn tả cảnh giới tuyệt đối không thể nghĩ bàn. Đệ nhất nghĩa còn được gọi là Hướng thượng môn, Chính vị đẳng. Phỏng theo Từ điển Phật Quang.

Nói một cách dễ hiểu thì Đệ nhất nghĩa đế là cái chân thực cùng cực, bất biến đối lại với Tục đế, là biến dịch vô thường được-mất, có-không.  Vì có Tục đế nên mới có Chân đế. Đó là hai pháp đối đãi. Vượt trên đối đãi nhị nguyên chính là Đệ nhất nghĩa đế không. Đó chính là chỗ siêu xuất của Bát Nhã Tánh Không. TB.

3- Đệ nhất nghĩa đế không: Tư tưởng của Mạn Thù Thất Lợi hay Văn thù Sư Lợi Bồ Tát trong kinh này vượt qua cả Tục đế và Chân đế nên gọi là Đệ nhất nghĩa đế không. Theo Bồ tát Long Thọ Đệ Nhất Nghĩa Không: “Đây là lý KHÔNG vào bậc nhất, tột cùng của Phật và chư Đại Bồ Tát, khác với lý KHÔNG còn hạn hẹp của hàng Thanh Văn. Vào Đệ nhất nghĩa không chẳng thấy Không, cũng chẳng thấy chẳng Không”.

“...Đệ nhất nghĩa không là Thật Tướng của hết thảy các pháp, chẳng thể phá, chẳng thể hoại. Vì sao? Vì hết thảy các pháp ở nơi Thật Tướng, đều là KHÔNG, chẳng có thể thọ, chẳng có thể chấp vậy. Nếu có thọ, có chấp là hư dối, là chẳng phải thật.

Lại nữa, Đệ Nhất Nghĩa Không là nghĩa Niết bàn Giải Thoát.

Trong A Tỳ Đàm nói: “Trí duyên tận tức là Niết bàn. Ở trong Niết bàn cũng chẳng có tướng Niết bàn. Niết bàn KHÔNG tức là Đệ Nhất Nghĩa Không”.

Thật ra khó mà phân biệt Đệ nhất nghĩa và Đệ nhất nghĩa đế không. Như trên nói: Vì có Tục đế nên nói Chân đế (hay Đệ nhất nghĩa đế). Nhưng Tục đế và Chân đế là pháp nhị nguyên đối đãi. Pháp Phật là pháp bất nhị. Vì vậy, muốn vượt qua nhị nguyên, nên kinh nói đến Đệ nhất nghĩa đế không. Đại Trí Độ Luận nói rằng: Hết thảy các pháp chẳng lìa Đệ Nhất Nghĩa. Đệ Nhất Nghĩa cũng chẳng lìa các pháp. Thật Tướng các pháp là KHÔNG, là vô tướng, cũng chính là Đệ Nhất Nghĩa Không vậy”.

Nói tóm lại về ba từ này: Vì nói Tục đế nên nói đến Chân đế(hay Đệ nhất nghĩa đế). Nhưng nói Tục đế hay Chân đế cũng là pháp tương đãi. Muốn vượt trên đối đãi nên phải nói đến Đệ nhất nghĩa đế không. Vả lại, toàn thể Đại Bát Nhã này nói về Tánh Không, nên mới thuyết đến Đệ nhất nghĩa đế không, là thật tướng của hết thảy các pháp. Nhưng Đệ nhất nghĩa đế và Đệ nhất nghĩa đế không không hai không khác.

Với giải thích sơ khởi này hy vọng chúng ta hiểu được quan điểm của Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi hay Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát đối với bậc Thánh đã chứng đạo và thoát khỏi vòng tục lụy như thế nào trong phần “Mạn Thù Thất Lợi” này. TB

 (2). Mạn Thù Thất Lợi Bồ Tát (曼殊室利) hay Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát (s: Mañjuśrī, 文殊師利): Tàu dịch là Diệu Đức (妙德) hoặc Diệu Cát Tường (妙吉祥). Ngài sanh ra từ vai phải của mẹ, trong một gia đình Bà La Môn ở tụ lạc Đa La (多羅) tại Xá Vệ Quốc (s: Śrāvastī, p: Sāvatthī, 舍衛國). Thân thể Ngài có màu vàng tía, về sau Ngài xuất gia với đức Phật. Trong Đạo Giáo, Ngài được gọi là Văn Thù Quảng Đại Thiên Tôn (文殊廣法天尊). Văn Thù và Phổ Hiền là hai vị Bồ Tát thường theo hầu bên đức Phật Thích Ca, được gọi là Thích Ca Tam Tôn (釋迦三尊), khác với Di Đà Tam Tôn hay Tây Phương Tam Thánh (Phật A Di Đà đứng chính giữa, Đức Quang Thế Âm đứng bên trái, Bồ Tát Đại Thế chí đứng bên phải). Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội Kinh (首楞嚴三昧經) cho biết rằng: “Vào thời quá khứ vô lượng A Tăng Kỳ Kiếp, có thế giới ở phương Nam tên Bình Đẳng (平等), đức Phật của thế giới ấy tên là Long Chủng Thượng Như Lai (龍種上如來), tức là đức Văn Thù Bồ Tát hiện tại”. Hay như Ương Quật Ma La Kinh (央掘魔羅經) có giải thích về xuất xứ của Ngài rằng: “Đức Hoan Hỷ Tạng Ma Bảo Tích Phật (歡喜藏摩尼寶積佛) ở thế giới Thường Hỷ (常喜) ở phương Bắc hiện tại chính là đức Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát”. Tuy nhiên, trong Bi Hoa Kinh (悲華經) lại cho rằng: “Khi đức Phật A Di Đà đang còn làm Chuyển Luân Thánh Vương, có vị Vương Tử thứ ba tên Vương Chúng (王眾), đã phát tâm Bồ Đề, nguyện trong đời tương lai, đời đời kiếp kiếp, thực hành đạo Bồ Tát, không có dừng nghỉ, không giới hạn nơi chỗ, để trang nghiêm thanh tịnh quốc độ Phật; khiến cho tam thiên đại thiên thế giới, hằng hà sa số mười phương quốc độ rộng lớn, hợp lại thành một thế giới của vị này giáo hóa. Trong thế giới ấy có vô lượng đầy đủ các của báu, không có xúc chạm những điều nhơ nhớp, đau khổ, không có người nữ, thậm chí không có danh từ người nữ; lại không có chúng sanh chưa phát tâm Bồ Đề. Vị Vương Tử thứ ba phát nguyện xong, Bảo Tạng Phật bèn đặt cho Vương Tử tên là Văn Thù Sư Lợi, thọ ký vào thời mạt pháp tương lai sẽ thành tựu viên mãn Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác tại quốc độ tên Thanh Tịnh Vô Cấu Bảo Chấn (清淨無垢寶) với danh hiệu là Phổ Hiện Như Lai (普現如來)”. Trong Quán Phật Tam Muội Hải Kinh (觀佛三昧海經) lại cho biết thêm rằng đương thời khi đức Thế Tôn sau khi vì đại chúng thuyết Quán Phật Tam Muội Hải Kinh xong, Văn Thù Bồ Tát thưa với đại chúng rằng: “Vào thời quá khứ đức Bảo Uy Đức Như Lai (寶威德如來), có một người con của Trưởng Giả kia tên Giới Hộ (戒護), khi đang còn trong bào thai mẹ đã thọ Tam Quy Y. Năm lên 8 tuổi, song thân cậu bé cung thỉnh đức Thế Tôn đến tư gia thiết lễ cúng dường. Khi cậu bé diện kiến đức Phật, uy nghi an tường, từng bước đi bình ổn, khoan thai, nơi từng bước chân của Ngài đều nở ra một đóa sen, và thân tướng Ngài phóng ra ánh sáng rực rỡ. Thấy vậy cậu bé vô cùng hoan hỷ, hướng Phật cung kính lễ bái, xong từ từ nhìn chăm chăm đức Thế Tôn mà không hề chớp mắt. Chỉ một lần thấy được Phật, tức trừ đi được trăm vạn ức kiếp các tội nặng sanh tử. Đồng tử này do nhờ duyên đã thọ Tam Quy và lễ bái đức Phật, rồi quán sát tướng hảo của đức Như Lai rất kỹ lưỡng, tâm không mệt mỏi, lười biếng, nhờ vậy mà có thể gặp được vô số các đức Phật. Đồng tử lúc bầy giờ chính là Văn Thù Sư Lợi tôi đây”. Sau khi Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói xong, đức Phật bảo A Nan rằng: “Con hãy nên ghi nhận, nhớ kỹ câu chuyện của Văn Thù Sư Lợi, đem phổ biến đến khắp các chúng sanh, chúng sanh trong đời tương lai, nếu như có người có thể nhất tâm lễ bái, có thể tâm thành niệm Phật, có thể tâm thành quán Phật, nên biết rằng người ấy có công đức ngang bằng với Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát”. Lại trong Văn Thù Phát Nguyện Kinh (文殊發願經) có nêu lên bài kệ phát nguyện phần lớn giống với bài kệ của Phổ Hiền Bồ Tát (普賢菩薩): “Nguyện con lúc mạng chung, diệt trừ các chướng ngại, mắt thấy A Di Đà, vãng sanh An Lạc Sát, sanh nơi nước Phật kia, trọn thành các nguyện lớn, A Di Đà Như Lai, trước mắt thọ ký con, trang nghiêm Phổ Hiền hạnh, đầy đủ Văn Thù nguyện, tận cùng kiếp tương lai, cứu cánh Bồ Tát hạnh”. Văn Thù, Phổ Hiền là hai vị Đại Thánh bổ tá cho đức Phật Tỳ Lô Giá Na (毘盧遮那) trên hội Hoa Nghiêm (華嚴). Hạnh nguyện độ sanh của hai vị Bồ Tát này đều lấy cơ sở của pháp môn Niệm Phật, lấy Tịnh Độ là nơi quy hướng cuối cùng. Đặc biệt trong Phóng Bát Kinh (放缽經), đức Phật có đề cao vai trò của Văn Thù Sư Lợi rằng: “Nay ta thành Phật, có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, oai thần tôn quý, độ thoát mười phương hết thảy chúng sanh, thảy đều nhờ ơn của Văn Thù Sư Lợi; Văn Thù Sư Lợi chính là thầy của ta. Vô lượng vô số chư Phật trong quá khứ đều là đệ tử của Văn Thù Sư Lợi, tương lai thành Phật cũng nhờ oai thần thế lực của vị ấy; ví như trên đời con nhỏ có cha mẹ, Văn Thù là cha mẹ trong Phật đạo”. Văn Thù Sư Lợi là hóa thân của trí tuệ, nên thường được gọi là Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát (大智文殊師利菩薩). Bồ Tát Văn Thù thường được gọi là Tam Thế Giác Mẫu (三世覺母, mẹ giác ngộ của ba đời). Danh hiệu Long Chủng Thượng Tôn Vương Như Lai (龍種上尊王如來), hay Long Chủng Thượng Tôn Vương Phật trong Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội Kinh (首楞嚴三昧經) là Bồ Tát Văn Thù. Hay như danh hiệu Phổ Minh Phật (普明佛) trong Bát Thập Bát Phật Hồng Danh Bảo Sám cũng là Bồ Tát Văn Thù. Trong các Kinh điển thường gọi Bồ Tát Văn Thù là Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử (s: Mañjuśriyā Kumārabhūtena, 文殊師利法王子), có nghĩa rằng tất cả Bồ Tát đều gọi là con của đức Như Lai Pháp Vương. Kinh điển thường nêu Bồ Tát Văn Thù là Pháp Vương Tử là vì Ngài là vị đệ tử thượng thủ trong hàng Bồ Tát, được xem như cánh tay phải bên cạnh Đức Phật. Trưởng Lão Xá Lợi Phất là Trí Tuệ Đệ Nhất trong hàng đệ tử Thanh Văn, còn Văn Thù Sư Lợi là Trí Tuệ Đệ Nhất trong hàng Bồ Tát Đại Thừa. Nhân trong quyển 80 của Hoa Nghiêm Kinh có câu: “Tại phương Đông Bắc có ngọn núi tên Thanh Lương Sơn (清涼山); từ xưa đến nay, các chúng Bồ Tát đều dừng chân trú tại núi đó, hiện có Bồ Tát tên Văn Thù Sư Lợi, cùng với quyến thuộc, các vị Bồ Tát một vạn người, thường trong núi ấy, tuyên diễn thuyết pháp”. Cho nên, Ngũ Đài Sơn (五台山, còn gọi là Thanh Lương Sơn) ở Tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc được công nhận là đạo tràng của Văn Thù Bồ Tát, trở thành một trong 4 ngọn núi danh tiếng. Nga Mi Sơn là Thánh địa của Phổ Hiền Bồ Tát. Phổ Đà Sơn là Thánh địa của Quan Thế Âm Bồ Tát. Cửu Hoa Sơn là Thánh địa của Địa Tạng Vương Bồ Tát (Phỏng theo Phật học Tinh tuyển).

Trong phần này ba tên Mạn Thù Thất Lợi, Văn Thù Sư Lợi hay Diệu Cát Tường chỉ là một nhân vật. TB

(3). Kinh “Văn Thù Sư Lợi Sở Thuyết Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa”, Hán dịch là Mạn Đà La Tiên, Việt dịch là Minh Tấn của nhóm Tuệ Quang Wisdom Light Foundation diễn tả đoạn Kinh này như sau: “Đúng như thế, bạch Thế Tôn! Con thật đến đây mong yết kiến Như Lai. Tại sao con làm như thế? Thưa vì con hâm mộ chánh pháp, mong muốn đem lại sự lợi ích cho chúng sanh. Con quán sát Như Lai tướng như, tướng bất dị, tướng bất đồng, tướng bất tác, tướng vô sanh, tướng vô diệt, tướng bất hữu, tướng bất vô, bất trụ phương, bất ly phương, phi tam thế phi bất tam thế, phi nhị tướng phi bất nhị tướng, phi cấu tướng phi tịnh tướng... con vận dụng chánh quán Như Lai như thế để đem lại sự lợi ích chơn thật cho chúng sanh”. Lối dịch này rất hay nhưng có tánh bát học, vì dùng chữ Hán quá nhiều.

(4). Kinh “Văn Thù Sư Lợi Sở Thuyết Bát Nhã Ba La Mật Đa” do Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh dịch, không gọi là “đồng tử” mà gọi là “đồng nhân”. Đồng tử có rất nhiều nghĩa: 1. Trẻ con; 2. Chỉ cho Bồ Tát. Bồ Tát là vương tử của Như lai; 3. Những vị theo hầu đức Phật, Bồ Tát và chư thiên cũng gọi là Đồng tử. Đồng tử ở đây có vẻ kính trọng.

(5). Vì mỗi quyển của phần “Mạn Thù Thất Lợi” quá dài ý nghĩa lại sâu kín, để độc giả có thể nắm ý chính của mỗi đoạn kinh nên chúng tôi thích nghĩa hay chiết giải xen kẽ. Việc làm này có thể gây khó chịu cho Quý vị. Nếu chúng tôi không làm như vậy thì Quý vị khó nắm toàn bộ giáo lý của Hội này. Xin thành thật thứ lỗi!

(6). Tịch diệt: Mất hết tất cả, không còn gì. Tiếng nhà Phật, chỉ sự dứt bỏ được mọi ràng buộc mà tới được Niết bàn (Từ điển Nguyễn quốc Hùng).

(7). Không thể nghĩ bàn hay bất khả tư nghị (不可思議), Phạm: a-cintya. Cũng gọi Bất tư nghị, Nan tư nghị (khó nghĩ bàn). Chỉ cho cảnh giới không thể nghĩ lường nói năng được. Chủ yếu được dùng để hình dung cảnh giới giác ngộ của chư Phật Bồ Tát, cùng với sự mầu nhiệm sâu xa của trí tuệ và sức thần thông. Phỏng theo Phật Quang Từ điển.

(8). Duyên lự: Là duyên theo cảnh giới, nhớ tưởng sự vật.

(9). Ca Diếp Ba: (s: Mahākāśyapa, p: Mahākassapa, 摩訶迦葉): còn gọi là Đại Ca Diếp (大迦葉), Ma ha Ca diếp, Ca Diếp Ba (迦葉波), Ca Nhiếp Ba (迦攝波); ý dịch là Ẩm Quang (飲光), là một trong 10 vị đại đệ tử của đức Phật, vị tổ được truyền trao pháp tạng đầu tiên từ đức Phật, thường được gọi là Tây Thiên Thủ Truyền Ma Ha Ca Diếp Tôn Giả (西天首傳摩訶迦葉尊者). Ông sanh ra trong một gia đình Bà La Môn, gần ngoại ô Thành Vương Xá (s: Rājagṛha; p: Rājagaha, 王舍城). Sau khi đức Phật thành đạo được 3 năm, ông theo làm đệ tử Ngài, rồi 8 ngày sau thì chứng nhập cảnh địa A La Hán, là người không chấp trước số một trong hàng đệ tử Ngài. Ông có nhân cách thanh liêm, được Phật rất tin tưởng, từng được Ngài chia nửa tòa cho mà ngồi. Sau khi Phật diệt độ, ông trở thành người lãnh đạo giáo đoàn, tiến hành triệu tập Đại Hội Kết Tập Kinh Điển lần đầu tiên tại Thành Vương Xá. Về sau, ông truyền pháp lại cho Tôn giả A Nan (s, p: Ānanda, 阿難). Tương truyền ông vào trong Kê Túc Sơn (s: Kukkuṭapādagiri, Kurkuṭapādagiri, p: Kukkuṭapadagiri, Kurkuṭapadagiri, 雞足山) nhập định để chờ đức Phật Di Lặc (s: Maitreya, p: Metteyya, 彌勒) xuất hiện. Thiền Tông xem ông là người đầu tiên hành trì pháp môn không chấp trước, đặc biệt xem ông là Đầu Đà Đệ Nhất (Khổ Hạnh Số Một). Câu chuyện Niêm Hoa Vi Tiếu (拈華微笑) liên quan đến Tôn Giả Ca Diếp được truyền tụng mãi cho đến ngày nay. Ngoài ra, vị Phật thứ 6 trong 7 vị Phật thời quá khứ cũng có trùng tên là Ca Diếp. Trong số các đệ tử của đức Phật còn có Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp (s: Uruvilvā-kāśyapa, p: Uruvela-kassapa, 優樓頻螺迦葉), Già Da Ca Diếp (s: Gayā-kāśyapa, 伽耶迦葉), v.v., đều có tên trùng Ca Diếp. Vị tổ của Ẩm Quang Bộ (s: Kāśyapīya, 飲光部) thuộc Thượng Tọa Bộ (s: Sthaviravāda, p: Theravāda, 上座部) cũng có tên giống vậy. Trong Đại Phạm Thiên Vương Vấn Phật Quyết Nghi Kinh (大梵天王問佛決疑經) có thuật lại truyền thuyết rằng xưa kia khi đức Phật Thích Ca đang ở trên Hội Linh Sơn, lúc ấy Ngài cầm cành hoa Kim Ba La Hoa (金波羅華) do chư thiên đem dâng cúng, đưa ra trước hội chúng hơn 80.000 người. Đại chúng hết thảy đều ngẩn ngơ im lặng mà không thể nào hiểu được thâm ý của đức Như Lai thế nào. Khi ấy, chỉ có một mình Ma Ha Ca Diếp mỉm cười mà thôi. Thấy vậy đức Phật bèn dạy rằng: “Hữu ngã chánh pháp nhãn tạng Niết Bàn diệu tâm, tức phó chúc vu nhữ, nhữ năng hộ trì, tương tục bất đoạn (有我正法眼藏涅槃妙心付囑于汝, 汝能護持相續不斷), ta có chánh pháp nhãn tạng, Niết Bàn diệu tâm, nay phó chúc cho ngươi; ngươi có thể giữ gìn, làm cho liên tục không dứt đoạn)”, và truyền trao chánh pháp cho vị này. Đây được xem như là khởi nguyên của Thiền Tông. (Phật Học Tinh Tuyển)

(10). Pháp luân: Bánh xe pháp, ví dụ giáo pháp của đức Phật, có 3 nghĩa: 1. Tồi phá: Vì Phật pháp có công năng phá trừ tội ác của chúng sinh, giống như bánh xe báu của Chuyển luân Thánh vương có thể nghiền nát núi non nham thạch, cho nên ví dụ là Pháp luân. 2. Triển chuyển: Vì đức Phật nói pháp không dừng ở 1 người nào, cũng không vướng mắc ở 1 chỗ nào, giống như bánh xe quay mãi không dừng, cho nên gọi là Pháp luân. 3. Viên mãn: Vì giáo pháp do đức Phật nói đầy đủ không thiếu, giống như bánh xe tròn trịa, nên gọi là Pháp luân. Luận Đại trí độ quyển 25 (Đại 25, 245 thượng) nói: Đức Phật quay bánh xe pháp, tất cả trời và người trong thế gian không bị trở ngại, không bị ngăn che (...) gặp được Pháp luân của Phật thì tất cả phiền não, tà kiến, nghi hối, độc hại thảy đều tiêu diệt. Pháp luân cũng gọi là Phạm luân, trong các Kinh luận có nêu ra nhiều ý nghĩa khác nhau về từ ngữ này: 1. Phạm nghĩa là thanh tịnh, mà pháp của đức Phật nói cũng thanh tịnh, nên gọi Phạm luân. 2. Phật là đấng Đại phạm, Phật dùng Phạm âm để nói pháp, nên gọi Phạm luân. 3. Lúc đức Phật vừa mới thành đạo, Phạm thiên đến khuyến thỉnh Ngài chuyển pháp luân, vì thế gọi là Phạm luân. 4. Đức Phật dùng 4 tâm Phạm hạnh (4 tâm vô lượng): Từ, bi, hỷ, xả để tuyên thuyết đại pháp, cho nên gọi là Phạm luân. 5. Người Ấn độ thời xưa rất tôn quí Phạm thiên, vì tùy thuận thế gian, nên gọi là Phạm luân. Nhưng cũng có thuyết cho rằng giữa 2 từ Pháp luân và Phạm luân có ý nghĩa khác nhau: - Phạm luân chỉ dạy pháp Tứ vô lượng tâm và pháp Tứ thiền định của Thánh đạo thiền định. - Pháp luân chỉ dạy pháp Tứ Thánh đế và 37 phẩm trợ đạo của Thánh đạo trí tuệ. (Phật Quang từ điển).

 

Sơ lược:

 

 Khi chiết giải Hội thứ VII gọi là “Mạn Thù Thất Lợi” phần (không gọi là phẩm), quyển 574 và 575 ĐBN, do Ngài Huyền Trang dịch cũng như Kinh “Văn Thù Sư Lợi Sở Thuyết Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa” do Mạn Đà La Tiên hay Kinh “Văn Thù Sư Lợi Sở Thuyết Bát Nhã Ba La Mật” do Ngài Tăng Ca Bà La dịch, các nhà chú giải thường chú ý đến 4 điểm mà cả ba Kinh trên thường nêu ra là: 1- Nhất tướng của Như Lai, 2- Hữu tình giới bất khả đắc, 3- Tướng điều phục và tướng phúc điền cũng bất khả tư nghì và 4- Nhất tướng trang nghiêm Tam ma địa.

Tuy nhiên, lối diễn đạt ở đây không phải là lối diễn đạt thông thường như các Hội trước. Đây là giáo lý đỉnh cao trí tuệ của Bát nhã Ba la mật. Phải nói trước rằng giáo lý của Hội này, tuy võn vẹn chỉ có 2 quyển (trong số 600 quyển ĐBN), nhưng cực kỳ bí nhiệm, ảo diệu so với tất cả các Hội khác. Vì vậy, nhân vật chính trong Hội này là Mạn Thù Thất Lợi hay Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói cho Xá Lợi Tử, một đệ tử được coi là trí tuệ bậc nhất trong hàng A la hán dưới thời Phật lúc bấy giờ, về những giáo lý ở đây như sau: “Những điều tôi nói chẳng phải là cái mà các Bồ Tát sơ học có thể liễu tri, mà cả đến những vị A la hán đã thành xong đạo nghiệp cũng không thể hiểu nổi”.

Chúng tôi chỉ là phàm phu tục tử, không phải là những A la hán đã sạch hết các lậu tận, phải hiểu các giáo lý ở đây như thế nào? Luận giải sau đây có thể soi sáng những điều mà Mạn Thù Thất Lợi hay Văn Thù Sư Lợi, một Bồ Tát được xem là trí tuệ nhất trong hàng Bồ Tát, giúp Thế Tôn giáo hóa chúng sanh trong thế giới Kham Nhẫn này. Tùy theo mỗi đoạn kinh trong chánh văn, chúng tôi có giải thích chi tiết kèm theo như trên. Bây giờ, trong phần lược giải này chỉ thuyết tổng quát:

 

1. Giáo pháp bất khả tư nghì:

 

1- Cái nhất tướng của Như Lai.

Mạn Thù Thất Lợi quán Như Lai: “Con thấy Như Lai tức tướng như không động, không tạo tác, không phân biệt-không phân biệt khác, chẳng phải phương xứ-chẳng phải lìa phương xứ, chẳng phải có-chẳng phải không, chẳng phải thường-chẳng phải đoạn, chẳng phải chính ba đời-chẳng phải lìa ba đời, không sanh-không diệt, không đến-không đi, không nhiễm-không tịnh, không hai-chẳng hai, tuyệt đường ngôn ngữ. Nếu đem tướng bình đẳng Như như này mà quán Như Lai thì gọi là thấy Phật một cách chân thật, cũng gọi là kính lễ và gần gũi Như Lai, thật sự làm lợi lạc cho hữu tình”.

Quán tưởng một người sống bằng xương bằng thịt mà không động, không tạo tác, không phân biệt-không phân biệt khác, không nhiễm-không tịnh, không đoạn-thường, sanh-diệt, khứ-lai…

Một nhân vật có những đặc tánh như vậy là một nhân vật chỉ có trong trí tưởng. Không bao giờ và mãi mãi tìm thấy một mẫu người nào như vậy trong cõi đời này. Vì biểu tượng chỉ có trên ngôn từ, nhưng hiện thực thì không. Biểu tượng bất cứ dưới hình thức nào cũng đều là thêu dệt bằng ngôn từ nghĩa là đều thần-thánh-hóa hết.

Nhưng, Kinh không muốn tạo một biểu tượng mà Kinh bảo: “...Nếu đem tướng bình đẳng như như mà quán Như Lai thì gọi là thấy Phật một cách chân thật”. Điều đó có nghĩa là quán như vậy không phải để thấy một biểu tượng hay để thần-thánh-hóa một nhân vật mà phải quán như chánh quán. Quán Như Lai trong tướng bình đẳng như như, như vậy là như vậy, chẳng lúc nào chẳng như, chẳng hư vọng, chẳng đổi khác. Như đó là nhất như không hai không khác. Nên Kinh nói quán Như Lai trong nghĩa nhất tướng.

Quán Như Lai trong nhất tướng tức Như Lai là không sanh diệt, không tạo tác đổi dời, không phân biệt, không phân biệt khác, không nhiễm tịnh, v.v... Học được thân giáo của Như Lai như vậy thì biến thành Như Lai không khác. Nên nói là mang lại lợi ích an lạc cho toàn thể hữu tình. Quán được như vậy thì thân tâm được thanh tịnh.

Đạo Phật có nhiều pháp tu tùy theo các tông phái. Tịnh độ tông có các pháp tu như Trì danh niệm Phật, Tham cứu niệm Phật, Quán tượng niệm Phật, Quán tưởng niệm Phật và Thật tướng niệm Phật. Trong 5 pháp tu đó đi từ dễ tới khó, bốn pháp tu đầu thuộc về sự, pháp tu sau cùng thuộc về lý, chỉ dành cho bậc thượng đẳng thượng căn là nhìn vào bản thể chân tâm mà niệm.

Chân tâm đó không tạo tác, không phân biệt, không nhiễm tịnh, không đoạn thường, sanh diệt, khứ lai. Cứ niệm như thế lâu ngày thành thục thì được nhất tâm. Tâm này chính là bình đẳng như như mà Mạn Thù Thất Lợi gọi là Như Lai nhất tướng. Cứ theo cứu cánh này tu hành tức sanh thật tướng, thì tạo lợi ích cho toàn thể hữu tình.

Mạn Thù Thất Lợi dùng chánh quán để thấy Như Lai nhất tướng cũng giống như phương pháp dùng thật tướng niệm Phật trong Tịnh độ tông để thấy thật tướng. Thành Phật hay vãng sanh thì có thể làm phước điền cho tất cả hữu tình. Ở đây, chúng ta chỉ cốt so chiếu hai pháp tu là quánniệm, tuy có khác về phương pháp tu tập nhưng tiến trình như nhau.

 

2- Hữu tình giới là bất khả tư nghì: 

- Kinh Văn Thù Sở Thuyết Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa, do Mạn Đà La Tiên dịch (đồng với Hội này) Phật dạy Văn thù:

- “Như Lai chẳng nghĩ bàn, phàm phu cũng chẳng nghĩ bàn.

Văn thù bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Phàm phu cũng chẳng nghĩ bàn ư?

Phật dạy:

- Phàm phu cũng chẳng nghĩ bàn. Vì sao? Vì tất cả tâm tướng đều chẳng nghĩ bàn.

Văn thù nói:

- Nếu nói như vậy thì Như Lai chẳng nghĩ bàn, phàm phu cũng chẳng nghĩ bàn. Vô số chư Phật cầu Niết bàn chỉ mệt mỏi uổng công. Vì sao? Vì pháp chẳng nghĩ bàn tức là Niết bàn, bình đẳng, không khác”.

 Tất cả pháp đều bình đẳng. Nếu Như Lai chẳng thể nghĩ bàn, thì chúng sanh cũng chẳng thể nghĩ bàn. Vì trong pháp bình đẳng không phân biệt.

 

- Phần “Mạn Thù Thất Lợi”, Quyển 574, Hội thứ VII, ĐBN. Mạn Thù bạch Phật:

- “Bạch Thế tôn! Hữu tình tâm đồng tâm Phật, tánh chẳng nghĩ bàn ư?

Phật bảo Mạn Thù Thất Lợi:

- Đồng Tử! Như vậy, như ngươi đã nói. Vì sao? Vì Phật, hữu tình, tâm và tất cả pháp thảy đều bình đẳng chẳng nghĩ bàn vậy”.

Khi nhập vào pháp không, pháp như rồi, sống trong đệ nhất nghĩa đế thì không còn phân biệt, nên biết tất cả pháp đều bình đẳng như như. Pháp không là không, pháp như cũng là không, bình đẳng cũng là không, Đệ nhất nghĩa đế cũng không nốt, nên nói là Đệ nhất nghĩa đế không. Trong không, Phật cũng không, hữu tình cũng không, tâm và tất cả pháp cũng đều không. Tất cả đều bất khả đắc, nên nói là chẳng thể nghĩ bàn.

 

Nên Kinh “Văn Thù Sở Thuyết Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa”, nói tiếp:

“Tất cả chư Phật đó cứu độ vô lượng hằng hà sa chúng sinh, nhập Niết bàn, nhưng cảnh giới của chúng sinh cũng không tăng, không giảm. Cho đến mười phương thế giới chư Phật, cũng lại như vậy. Mỗi mỗi chư Phật thuyết pháp giáo hóa, đều độ vô lượng hằng hà sa chúng sinh, nhập Niết bàn nhưng cảnh giới của chúng sinh thì không tăng, cũng không giảm. Vì sao? Vì định tướng của chúng sinh là không thể nắm bắt, cho nên cảnh giới của chúng sinh là không tăng không giảm.

Xá Lợi Phất lại hỏi với Văn thù sư lợi:

- Nếu cảnh giới của chúng sinh không tăng không giảm thì làm sao Bồ Tát vì chúng sinh mà cầu Chánh đẳng Chánh giác, thường thực hành việc thuyết pháp?

Văn Thù Sư Lợi nói:

- Nếu tất cả chúng sinh đều là tướng không thì không có Bồ Tát cầu Chánh đẳng chánh giác. Cũng không có chúng sinh để thuyết pháp. Vì sao? Vì trong pháp tôi nói, không có một pháp nào có thể nắm bắt.

Đức Phật hỏi Văn Thù Sư Lợi:

- Nếu không có chúng sinh, vì sao nói có chúng sinh và cảnh giới của chúng sinh?

Văn Thù Sư Lợi đáp:

- Cảnh giới của chúng sinh tương tự cảnh giới của chư Phật”.

Vì vậy, nếu nói cảnh giới của chư Phật không thể nghĩ bàn thì cảnh giới của chúng sanh cũng không thể nghĩ bàn. Vì cảnh giới của chúng sanh tương tự cảnh giới Phật. Kết luận này chỉ có thể chấp nhận khi thâm nhập được tánh không Bát Nhã. “Bát Nhã phải biết tức là cảnh giới không nghĩ bàn. Cảnh giới không nghĩ bàn phải biết tức là cảnh giới chẳng hiện hành. Cảnh giới chẳng hiện hành phải biết là cảnh giới vô sở hữu. Cảnh giới vô sở hữu phải biết tức là cảnh giới vô sanh diệt. Cảnh giới vô sanh diệt phải biết tức là cảnh giới chẳng nghĩ bàn. Cảnh giới chẳng nghĩ bàn và cảnh giới của Như Lai, cảnh giới ngã, cảnh giới các pháp đều không hai, không khác”.

 

3- Tướng điều phục và tướng phước điền bất khả tư nghì. 

Quyển 574, phần “Mạn Thù Thất Lợi”, ĐBN. Phật bảo Mạn Thù Thất Lợi:

- “Ngươi muốn Như Lai thuyết pháp điều phục các đệ tử không?

- Bạch Thế Tôn! Nếu thuyết pháp mà điều phục được chơn như pháp giới, thì con nguyện Như Lai thuyết pháp điều phục các chúng đệ tử. Nhưng Phật Thế Tôn hiện ở đời đối với hữu tình trọn không ơn đức. Vì sao? Vì hữu tình trụ chơn như pháp giới không có tạp nhiễm. Đối trong giới đây, phàm phu Thánh giả năng thuyết năng thọ đều bất khả đắc.

Phật bảo đồng tử Mạn Thù Thất Lợi:

- Ngươi muốn Như Lai là chơn ruộng phước vô thượng của thế gian không?

Mạn Thù Thất Lợi thưa:

- Bạch Thế Tôn! Nếu các ruộng phước là thật thì con cũng muốn Phật là bậc Vô thượng của họ. Nhưng ruộng phước thật bất khả đắc. Thế nên chư Phật đều chẳng phải ruộng phước, chẳng phải phi ruộng phước. Vì tánh của phước, chẳng phải phước và tất cả pháp đều bình đẳng. Nhưng người làm ruộng phước cho thế gian có khả năng vô tận nên thế gian nói chung gọi vị ấy làm ruộng phước vô thượng. Chư Phật Thế Tôn chứng được phước vô tận, thế nên có thể nói Ngài là ruộng phước vô thượng. Vả lại, người làm ruộng phước cho thế gian không có sự chuyển biến, nên đời gọi chung người ấy là ruộng phước vô thượng. Chư Phật Thế Tôn chứng phước vô tận, vậy nên phải gọi vô thượng phước điền.

Lại nữa, người làm ruộng phước cho thế gian khó nghĩ, nên đời gọi chung vị ấy là Vô thượng điền. Chư Phật Thế Tôn chứng được phước khó nghĩ này, cho nên gọi là Vô thượng phước điền. Chư Phật tuy thật là ruộng phước Vô thượng nhưng người gieo trồng phước thì không bớt, không thêm.

Phật bảo đồng tử Mạn Thù Thất Lợi:

- Ngươi dựa vào nghĩa nào mà nói như vậy?

Mạn Thù Thất Lợi thưa:

- Bạch Thế Tôn! Tướng ruộng phước của Phật không thể nghĩ bàn, nếu có người gieo trồng vào trong đó năng hiểu rõ được pháp tánh bình đẳng, thông đạt tất cả pháp không tăng, không giảm, nên Phật thật là ruộng phước vô thượng”.

Trong chơn như, pháp giới, pháp tánh… tất cả pháp đều không, đều bình đẳng. Nên nói phước điền cũng không. Đó là nói theo Đệ nhất nghĩa đế hay Đệ nhất nghĩa đế không. Trong Đệ nhất nghĩa đế tất cả pháp đều không, tất cả đều bình đẳng không hai không khác. Nên nói là Đệ nhất nghĩa đế không theo tinh thần Tánh Không Bát Nhã.

Nói tóm lại, Đệ nhất nghĩa đế hay Chân đế là nói các pháp chân thật, không biến động đổi dời. Nói Tục đế là nói các pháp không chân thật, luôn biến động đổi dời sinh diệt. Vượt trên Chân đế và Tục đế là Đệ nhất nghĩa đế không. Bồ Tát Long Thọ trong Đại Trí Độ Luận nói: Vào Đệ nhất nghĩa không chẳng thấy Không, cũng chẳng thấy chẳng Không”.

 

1/. Tướng điều phục:

Nếu hữu tình trụ chơn như, pháp giới thì làm gì có nhiễm có tịnh. Đó là Niết bàn. Trong Niết bàn thì năng thuyết sở thuyết, năng thọ sở thọ đều không, bất khả đắc thì không cần điều phục, tự nhậm điều phục thì có gì để nghị luận, nghĩ bàn nữa!

 

2/. Tướng phước điền:

Nếu ruộng phước của Phật mà thấy có thật thì Phật là ruộng phước của tất cả chúng sanh. Nhưng ruộng phước của chư Phật không thể thấy, không thể nắm bắt, bất khả đắc. Nên chư Phật không phải là ruộng phước hay chẳng phải phi ruộng phước. Vì ruộng phước vô vi, không thể thấy, không thể đo lường... xảy ra vô tận, nên nói là không thể nghĩ bàn.

Nếu vô số chúng sanh khéo gieo trồng ruộng phước vào trong ấy, không thấy năng đắc sở đắc, không thấy phước điền hữu vi hay vô vi, tất cả đều bình đẳng thì có thể hiểu Phật thật là ruộng phước vô thượng của toàn thể chúng sanh.

Bởi vì, ruộng phước của chư Phật không thể thấy, không thể nắm bắt, bất khả đắc. Phước điền của chúng sanh cũng như vậy. Nhưng nếu thấy tất cả đều là bình đẳng thì có thể hiểu Phật thật là ruộng phước vô thượng của toàn thể chúng sanh.

Trong đệ nhất nghĩa chẳng ai nương tựa ai, tất cả đều bình đẳng thì ai sẽ làm ruộng phước cho ai? Nhưng người hiểu biết như thế mà dạy cho chúng sanh hiểu để hành, thì đó chính là phước điền thế gian.

 

4- Nhất tướng trang nghiêm Tam ma địa: 

Muốn mau chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề thì phải chứng Nhất tướng trang nghiêm Tam ma địa. Nhưng muốn chứng Tam ma địa này thì phải học Bát nhã Ba la mật. Rốt lại, tất cả sông ngòi, suối lạch, cống rảnh... đều đổ vào biển cả. Phần “Mạn Thù Thất Lợi”, quyển 575, ĐBN. Phật bảo Mạn Thù Thất Lợi:

- “Tam ma địa này lấy tướng pháp giới để làm trang nghiêm, nên gọi là Tam ma địa Nhất tướng trang nghiêm. Đại Bồ Tát nào muốn nhập vào Tam ma địa thù thắng này, trước hết phải lắng nghe, thỉnh hỏi, tu học Bát Nhã thâm sâu. Rồi sau đó mới có thể nhập vào Tam ma địa này”.

“... Thiện nam, thiện nữ nào muốn nhập vào Tam ma địa này phải ở chỗ trống vắng, lìa xa ồn náo, ngồi kiết già chẳng nghĩ đến các tướng. Vì muốn lợi lạc tất cả hữu tình, phải chú tâm chánh niệm, thủ giữ danh tự một vị Như Lai, khéo tưởng về dung nghi của Ngài. Ngài ở phương nào thì ngồi thẳng quay về hướng ấy, niệm niệm tiếp nối nhau, niệm một Như Lai tức là đã quán khắp chư Phật ba đời. Vì sao? Vì vô lượng, vô biên công đức biện tài của một đức Phật ngang bằng với tất cả Phật. Chư Phật ba đời nương một chơn như chứng Đại Bồ đề không sai khác vậy.   

Thiện nam, thiện nữ nào siêng năng tu học, được nhập vào Tam ma địa Nhất tướng trang nghiêm, sẽ thấu rõ được vô lượng, vô biên hằng hà sa số pháp giới chư Phật không có tướng sai khác, cũng có thể tổng nhiếp chấp trì vô lượng, vô số hằng hà sa pháp luân vô thượng mà chư Phật Bồ Tát đã chuyển, chưa chuyển. Như Ngài A Nan Đà đa văn trí tuệ, đối với lời Phật dạy đều nhớ, giữ gìn hết. Tuy là bậc tối thắng trong chúng Thanh văn nhưng sự nhiếp trì giáo pháp còn có phần hạn chế. Nếu vị nào chứng được Tam ma địa Nhất tướng trang nghiêm, thì trí tuệ đa văn và sức nhớ tổng nhiếp ấy sẽ không thể nghĩ bàn, có thể thọ trì được pháp luân vô thượng của vô lượng, vô biên hằng hà sa số chư Phật Bồ Tát. Mỗi mỗi pháp môn đều được thông suốt nghĩa lý sâu xa, tuyên thuyết khai thị biện tài vô tận hơn A Nan Đà gấp trăm ngàn lần”.

Như nhiều lần thú thật cùng Quí vị về các thần thông, các Tam ma địa và các Đà la ni tuy có đọc trong Kinh điển Phật học, nhưng không rõ phương pháp tu luyện như thế nào, mặc dù chúng tôi có nghiên cứu tìm tòi nhưng chẳng hiểu biết bao nhiêu, nên không dám huênh hoang trình bày hay giảng nói.

Ở đây, Phật giải thích cách tu Nhất tướng trang nghiêm Tam ma địa như sau: Tìm chỗ vắng vẻ, ngồi kiết già chẳng nghĩ đến các tướng, chú tâm chánh niệm, thủ giữ tên của một vị Phật, khéo tưởng về dung nghi của Ngài. Như ở cõi Tịnh Độ phương Đông có Phật Bất Động, thì hướng mặt về phương Đông. Ở cõi Tịnh Độ phương Tây có Phật A di đà, thì hướng mặt về phương Tây, niệm niệm tiếp nối nhau không dứt. Niệm một Phật tức quán tất cả Phật ba đời. Vì công đức của một đức Phật ngang đồng với vô lượng chư Phật. Chư Phật ba đời đều nương chơn như chứng Đại Bồ đề không khác.

Pháp niệm nhất tướng trang nghiêm Tam ma địa này cũng giống một phần như pháp Trì danh niệm Phật, phần khác lại giống pháp Quán tưởng niệm Phật. Thủ giữ tên của một vị Phật, niệm niệm không dứt là Trì danh niệm Phật. Khéo giữ dung nhan của một vị Phật là Quán tưởng niệm Phật. Dù là trì danh hay quán tưởng hay phối hợp hai pháp quán niệm với nhau, mục đích là hoặc nghe âm thanh hoặc tưởng tướng hảo quang minh của Phật cốt cột tâm vào một điểm. Niệm niệm chẳng dứt, niệm đến thành phiến, niệm đến năng sở không còn, chủ khách tan hoang, không thấy mình là người niệm, không thấy Phật là người bị niệm. Quán tưởng tướng hảo quang minh cũng lại như thế.

Ở đây Phật dạy nếu niệm quán được như vậy thì được nhập Nhất tướng trang nghiêm Tam ma địa, sẽ  “thấu rõ được vô lượng, vô biên hằng hà sa số pháp giới chư Phật không có tướng sai khác, cũng có thể tổng nhiếp chấp trì vô lượng, vô số hằng hà sa pháp luân vô thượng mà chư Phật Bồ Tát đã chuyển, chưa chuyển”.

Đó là tất những gì Phật dạy Mạn Thù Thất Lợi Bồ Tát về pháp tu Nhất tướng trang nghiêm Tam ma địa mà chúng tôi cố gắng nêu ra và so sánh với hai pháp tu “Trì danh niệm Phật” và “Quán tưởng niệm Phật” của Tịnh độ. Kết quả thực hành của các pháp tu này là người tu trì danh hay quán tưởng, được xem như đại thừa thiền, khi hiện tiền thì phát sanh trí tuệ, khi mạng chung thì được vãng sanh. Còn Tam ma địa cũng gọi là Tam muội hay Chánh định cũng sanh trí tuệ là thấu rõ được vô lượng vô biên pháp môn vô thượng của chư Phật trong hiện tiền. Đây chỉ là lối giải thích trên mặt nổi của lý thuyết hơn là thực hành, nên không dám đi sâu hơn.

 

Đó là bốn thứ bất khả tư nghì mà các nhà chú giải phần “Mạn Thù Thất Lợi”, giới thiệu trong bố cục của Hội thứ VII này. Bây giờ, chúng ta bước qua phần giáo pháp “nghịch đảo” mà chúng tôi gọi là “đỉnh cao trí tuệ”?

 

2. Nghịch đảo hay không nghịch đảo của Bát Nhã?

 

Các Hội khác dùng lối phủ định thông thường có tánh cách trình bày hay giải thích để diễn đạt giáo lý hơn là lối nói nghịch đảo táo bạo. Thí dụ như 2 đoạn Kinh của 2 phẩm sau đây:

 

- Phẩm: “Ba la mật”, Hội thứ I, ĐBN, nói: “Bát nhã Ba la mật là Ba la mật vô biên vì không có ngằn mé; là Ba la mật không có dấu vết vì không có danh thể; là viễn ly vì rốt ráo không; là vô hành vì tất cả pháp không đến không đi; là Ba la mật vô tri vì các sự hiểu biết chẳng thể nắm bắt được; là Ba la mật chẳng sanh diệt vì tất cả pháp không sanh diệt; là không tạo tác vì các sự tạo tác chẳng thể nắm bắt được; là không dời đổi vì sự sanh tử bất khả đắc, không hư mất vì tất cả pháp không biến hoại; là Ba la mật vô nhị biên vì xa lìa nhị biên; là không sở đắc, không hý luận, không nhiễm, không tịnh; là Ba la mật không kiêu mạn, không tham dục, không sân nhuế, không ngu si, không phiền não; là Ba la mật không đoạn, không hoại, không chấp trước, không phân biệt, không so lường, không khởi đẳng cấp; là Ba la mật bình đẳng, xa lìa nhiễm trước, vô cùng tĩnh lặng, như hư không…

Bát nhã Ba la mật như vậy là Ba la mật như mộng vì tất cả pháp như chiêm bao, chẳng thể nắm bắt được; là Ba la mật như tiếng vang vì năng, sở, văn, thuyết đều chẳng thể nắm bắt được; là Ba la mật như ảnh tượng vì các pháp đều như ảnh hiện trong gương, chẳng thể nắm bắt được; là Ba la mật như bóng nắng; như ảo ảnh vì tất cả pháp như tướng trạng của dòng nước, chẳng thể nắm bắt được; là Ba la mật như biến hóa vì các pháp đều như ảo thuật; là Ba la mật như ảo thành vì các pháp đều như thành bằng hương khói.

Bát nhã Ba la mật như vậy là Ba la mật khổ, Ba la mật không, Ba la mật vô thường, Ba la mật vô ngã, Ba la mật vô tướng, vì có khả năng vĩnh viễn đoạn trvọng niệm chấp trước”.

Tất cả đều ở thể phủ định thông thường với những từ không, vô, chẳng, chẳng phải, cho đến Bát Nhã như vậy là như mộng, như chiêm bao v.v...

 

- Phẩm “Pháp Tánh”, quyển 569, Hội thứ VI, ĐBN. Phật bảo:

“Thiên vương nên biết! Các đại Bồ Tát hành sâu Bát nhã Ba la mật có thể quán sát pháp tánh chơn tịnh như thế, tất cả Thánh giả như thật ngộ nhập. Không có người tu và pháp để tu, không có người thực hành và pháp để hành, không tâm, không có pháp thuộc tâm, không nghiệp, không quả báo, không khổ, không vui. Quán sát như thế gọi là bình đẳng, không phân chia, xa lìa tùy thuận quảng đại, không ngã, ngã sở, không cao, không thấp, chơn thật vô tận, thường trụ trong sáng. Vì sao? Vì tất cả Thánh pháp do đây mà thành thục, nhờ tánh này nên các bậc Thánh hiển hiện vô biên công đức và pháp bất cộng của chư Phật Như Lai đều từ tánh này xuất sanh. Giới, định, tuệ của tất cả Thánh giả đều từ tánh này sanh ra. Bát nhã Ba la mật của Bồ Tát, Phật đều từ tánh này sanh ra. Tánh này vắng lặng vượt các danh tướng. Tánh này chơn thật, xa lìa điên đảo. Tánh này chẳng biến đổi nên gọi là như Thánh trí, gọi là Đệ nhất nghĩa; chẳng có, chẳng không, chẳng thường, chẳng đoạn, chẳng phải sanh tử, chẳng phải Niết bàn, chẳng nhiễm, chẳng tịnh, lìa nhất dị, không danh, không tướng”.

Cả hai thí dụ của hai đoạn Kinh trên đều ở thể phủ định của luận lý học thường nghiệm. Đó là lối diễn đạt ôn hòa trong cách trình bày hơn là những răn đe, dọa nạt hay lối nói đảo nghịch!

Trái lại, phần “Mạn Thù Thất Lợi”, Hội thứ VII tuy có hai quyển nhưng từ đầu tới cuối, thuyết giảng đặc biệt, không theo pháp thức thông thường như chúng ta nghĩ tưởng.

Chủ đề thuyết giảng ở đây cũng giống như ở các Hội khác tức là thuyết giảng về Hữu tình, Thanh văn, Bồ Tát, Phật và Bồ đề trong mối quan hệ của Tâm và Vật hay Nhân sinh và Vũ trụ, tức đối tượng triết lý chánh yếu của Phật đạo. Tuy nhiên, tư tưởng hoàn toàn khác hẳn lối thuyết giảng của hai đoạn Kinh vừa trích dẫn ở trên. Ở đây, Mạn Thù không muốn phân chia thế giới làm hai mà thực chất của Tục đế và Chân đế là như vậy.

Thuận dòng thế gian là Tục đế, còn bậc chứng ngộ lúc nào cũng đi ngược với thế gian. Nên những gì Mạn Thù Thất Lợi Bồ Tát thuyết dưới con mắt thường tình của chúng sanh đều có tánh nghịch lý, đảo nghịch mà chúng ta gọi là phản biện. Tục đế thì nói là có tội có phước, còn Thắng nghĩa đế hay Đệ nhất nghĩa đế không thì không tội không phước.

Dưới đây là cái thấy của bậc chứng đạo:

 

 1- Đối với hữu tình: 

 

1/. Hữu tình tâm đồng tâm Phật:

Hội này quan niệm “hữu tình tâm đồng tâm Phật”. Phần “Mạn Thù Thất Lợi”, quyển 574. Mạn Thù bạch:

- “Bạch Thế tôn! Hữu tình tâm đồng tâm Phật, tánh chẳng nghĩ bàn ư?

Phật bảo Mạn Thù Thất Lợi:

- Đồng Tử! Như vậy, như ngươi đã nói. Vì sao? Vì Phật, hữu tình, tâm và tất cả pháp thảy đều bình đẳng chẳng nghĩ bàn”.

Đó là cái phản biện đầu tiên so với tri thức thường tục của chúng sanh, vì chúng sanh lúc nào cũng nghĩ Phật là bậc giác ngộ, tâm Phật là tâm ngộ. Tâm chúng sanh là tâm triền phược, nên gọi là tâm mê. Tâm Phật lột được cái vỏ triền phược nên gọi là tâm giác. Phật cùng một tâm với chúng sanh, nhưng mê gọi là chúng sanh, giác thì gọi là Phật. Đó là cái phân biệt, so đo của cuộc đời thường. Vì có phân biệt so đo nên mới thấy sai khác. Nhưng nếu thấy tâm và tất cả pháp thảy đều không, đều như, đều bình đẳng thì Phật chúng sanh không khác. Trong Kinh, Phật dạy: “Lìa phàm chẳng có Thánh, lìa Thánh chẳng có phàm”.

Phật Thích Ca trong Hội thứ VII này thấy tâm chúng sanh cùng đồng với tâm Phật, nghĩa là thấy pháp thân, Phật tánh như nhau. Còn chúng sanh lúc nào cũng thấy Phật là bậc thượng tôn (ở trên cao), còn chúng sanh là hạ đẳng (ở dưới thấp), nên cái thấy dĩ nhiên phải khác.

 Nói tâm Phật, tâm chúng sanh chỉ là một thì gọi là bản hữu, nghĩa là bản tánh như nhau hay cùng có Phật tánh từ ngàn xưa. Trong khi chúng sanh thấy giữa chúng sanh và Phật có sai biệt. Phật là bậc giác ngộ và chúng sanh là người ở cõi mê. Muốn được như Phật thì phải tu để thành Phật, nên gọi tu sanh, nghĩa là nhờ tu hành mới hiển đắc. Tất cả thuyết pháp của Mạn Thù Thất Lợi đều là Đệ nhất nghĩa đế, trong đệ nhất nghĩa đế tất cả đều bình đẳng, không phân biệt.

 

2/. Ngụy thân là thật tế?

 Phật lại hỏi:

- “Mạn Thù Thất Lợi! Sao gọi là thật tế?

- Bạch Thế Tôn! Thật tế phải biết đó là ngụy thân (thân hư giả).

- Mạn Thù Thất Lợi! Vì sao ngụy thân gọi là thật tế?

- Bạch Thế Tôn! Thật tế không đến không đi, chẳng chơn chẳng ngụy, tướng thân chẳng thân đều chẳng thể được. Ngụy thân cũng vậy, nên ngụy thân tức là thật tế”.

 Thật tế cũng như chơn như, pháp giới, pháp tánh, bình đẳng tánh… là cảnh giới tuyệt đối, biên tế chung cùng của tất cả thực tại, không đến không đi, chẳng chơn chẳng ngụy. Mạn Thù Thất Lợi Bồ Tát lại trả lời Phật: Ngụy thân cũng thế, vậy nên ngụy thân tức là thật tế”.

Thân chúng sanh là “ngụy thân”, thân Phật là công đức trí tuệ. Đó là cái thấy thường tình của chúng sanh, nên khi nghe nói ngụy thân là chơn như thật tế thì không ai đồng ý cả. Vì có cái thấy phân biệt, nên mới nói là nghịch đảo. Nhưng người đã nhập pháp không pháp như rồi thì thấy tất cả pháp đều không, tất cả pháp đều như, tất cả pháp đều bình đẳng. Chúng ta biết rằng như cũng là không, bình đẳng cũng không. Không những thế thập nhị chơn như cũng là không. Nên nói “không là tên khác của thập nhị chơn như”.

 

2- Đối với Thanh văn:

Thông thường theo Kinh luận nói:

- Thanh văn là những vị “nghe”(2) pháp Tứ đế, các pháp trợ đạo... tu tập theo để dứt trừ các Kiến hoặc và Tư hoặc, lần lượt vượt 4 quả sa môn, chứng quả A la hán rồi nhập Niết bàn. Mục đích cao nhất của Thanh văn là đạt Vô dư y Niết bàn.

Nhưng ở đây Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát lại bạch Phật:

- “Bạch Thế Tôn! Nay con thấy các Thanh văn chẳng phải phàm phu, chẳng phải Thánh giả, chẳng phải hữu học, chẳng phải vô học, chẳng phải có thể thấy, chẳng phải không thể thấy, chẳng phải người thấy, chẳng phải chẳng có người thấy, chẳng phải nhiều, chẳng phải ít, chẳng phải nhỏ, chẳng phải to, chẳng phải đã điều phục, chẳng phải chưa điều phục. Con thấy như vậy nhưng không có tưởng thấy”.

Thanh văn tự điều phục, vì đoạn trừ được tất cả lậu hoặc, nên không cần học nữa. Vì vậy, mới được gọi là bậc vô học mà được quả A la hán. Nhưng Mạn Thù Thất Lợi Bồ Tát lại cho rằng Thanh văn không phải là phàm phu, không phải là Thánh giả, chẳng hữu học chẳng vô học, chẳng phải đã điều phục, chẳng phải chẳng điều phục. Đó là cái thấy của Mạn Thù Thất Lợi. Tại sao Mạn Thụ Thất Lợi lại thấy khác? Bởi vì, Mạn Thù Thất Lợi thấy Thanh văn dưới lăng kính của người chứng chơn như thật tế, thấy trong như như tướng hay bình đẳng tướng của các pháp, thấy tất cả pháp đều không, như huyễn như mộng. Huyễn mộng cũng là không, nên không có tưởng thấy. Đấy là cái thấy của đệ nhất nghĩa đế không. Mục đích của tu hành là đạt đến cảnh giới này.

 

3- Đối với Bồ Tát: 

- Bồ Tát là tu lục độ vạn hạnh, trên cầu Vô Thượng Bồ đề dưới hóa độ chúng sanh, ngày nào còn một chúng sanh chưa được hóa độ, ngày ấy Bồ Tát nguyện không vào Niết bàn. Vậy, mục đích cao cả nhất của Bồ Tát là phát Bồ đề tâm, tu Bồ Tát đạo.

“Khi ấy, Xá lợi Tử liền hỏi Mạn Thù Thất Lợi:

- Đối với Thanh văn thừa mà thấy như vậy thì làm sao Ngài thấy Chánh đẳng giác thừa?

- Đại đức! Nay tôi chẳng thấy Bồ Tát, cũng chẳng thấy pháp của các Bồ Tát, chẳng thấy Bồ đề, cũng chẳng thấy pháp hướng tới Bồ đề, cũng chẳng thấy có hạnh hướng đến Bồ đề, cũng chẳng thấy có pháp chứng đắc Bồ đề, chẳng thấy người chứng được Bồ đề. Tôi thấy Chánh đẳng giác thừa như vậy, nghĩa là ở trong đó hoàn toàn không thấy chi cả”.

Mạn Thù nói chẳng thấy Bồ Tát, chẳng thấy pháp Bồ Tát, cũng chẳng thấy có hạnh hướng đến Bồ đề, cũng chẳng thấy có pháp chứng Bồ đề, chẳng thấy có người chứng được Bồ đề, nghĩa là ở trong đó hoàn toàn chẳng thấy chi cả. Vì tất cả là giả bày, không thật có, chỉ giả danh, thi thiết. Vì vậy, nên Mạn Thù Thất Lợi không thấy Thanh văn mà cũng không thấy Bồ Tát.

 

4- Đối với Phật: 

“... Xá Lợi Phất, Ông hỏi thế nào gọi là Phật? Thế nào là quán Phật? Nói Phật ấy là không đến, không đi, không sanh, không diệt, không có sự chứng đắc, không có sự thành tựu, không danh, không tướng, không thể phân biệt, không ngôn ngữ, không nói năng, không thể biểu thị, chỉ có trí tuệ nhiệm mầu tự chứng biết bên trong. Nghĩa là các Như Lai đã biết được tất cả pháp rốt ráo là Không, là vắng lặng nên chứng đại Bồ đề, tùy thuận thế gian giả lập danh tự, nên xưng là Phật, chẳng phải thật có, vì có hay không đều bất khả đắc”.

Tứ đại, ngũ uẩn kết hợp mà có muôn vật, có chúng sanh, có Bồ Tát, có Phật. Tất cả đều do duyện hợp mà có, nên nói là giả có, chứ không phải thật có. Tùy thuận theo thế gian, giả lập danh tự, thi thiết lời nói nên xưng là Phật, chứ chẳng phải thật. Tất cả đều giả lập. Nhưng không thi thiết, không có giả lập thì không có Bồ Tát, không có Phật, không có Bồ đề.

 

5- Đối với Bồ đề: 

 

1/. Bồ đề là ngũ nghịch:

Phần “Mạn Thù Thất Lợi”, quyển 574, Hội thứ VII, ĐBN. Xá Lợi Phất bạch:

- “Bạch đức Thế tôn, như Mạn Thù Thất Lợi giảng, Trí Bát Nhã vượt ngoài tri kiến của chư Bồ Tát mới phát tâm.

“Mạn Thù nói với Xá Lợi Phất:

- “Điều tôi giảng nói không những chỉ vượt ngoài tri kiến của họ, mà còn vượt ngoài tri kiến của các vị A la hán đã thành tựu đạo nghiệp. Không ai có thể hiểu như thật lời giảng của tôi. Tại sao? Bởi vì phàm tâm không vươn tới Bồ Đề nổi, trí năng cũng không thể; Bồ Đề ở trên thấy, nghe, nhớ, nghĩ; nó không sinh, không diệt, vô tướng. Bồ Đề vì là như tính, nên không nói là hữu hay vô. Không phải là sở tri, sở đắc.

“Xá Lợi Phất hỏi:

- Mạn Thù Thất Lợi! Đối với pháp giới, lẽ nào Phật không chứng ư?

- Đại đức! Không phải vậy. Vì sao? Vì Phật tức pháp giới, pháp giới tức Phật. Pháp giới chẳng lẽ lại chứng pháp giới. Pháp giới tức hết thảy các pháp đều không; và tánh Không này là Bồ đề, không hai, không phân biệt. Bởi vì không hai nên không có trí giải; không có trí giải nên không có ngôn thuyết; không có ngôn thuyết nên không có tướng tác và vô tác, hữu và phi hữu, không có tướng quyết định. Đó là tự tánh của vạn hữu. Sự biểu lộ đây kia chỉ là tạo tác do tâm”.

- “Thưa Ngài Xá Lợi Phất, phạm tội tức thành tựu bất khả tư nghì tức xuất sinh Thật tướng. Thật tướng tức không hai. Chúng sinh vốn bất khả tư nghì nên không có thác sinh lên trời không đọa vào các đường dữ, không chứng nhập Niết bàn. Những kẻ phạm tội không đọa vào địa ngục. Phạm tội và bất khả tư nghì thảy là Thật tướng, và Thật tướng vốn không hai, không sinh, không diệt, không đến không đi, không nhân không quả, không thiện không ác, không dẫn vào ác đạo hay thiên đường, không đưa tới Niết bàn hay sinh tử. Tại sao? Bởi vì trong Pháp giới chân thật không có thiện hay ác, cao hay thấp, trước hay sau.

- “Thưa Ngài Xá Lợi Phất, Tì khưu phạm trọng tội không bị đọa vào địa ngục, tịnh tu giới hạnh không sinh lên thiên đường. Kẻ phạm tội không rơi vào nẻo sinh tử, không bị khinh bỉ, không bị xa lánh, không bị cấm nhận cúng thí v.v…và kẻ tịnh tu không có chứng Niết bàn, không có tán dương, không có thân cận, không có cúng thí v.v... Tại sao? Bởi vì trong Pháp giới chân thật chỉ có tướng nhất như; phạm hay không phạm không phân biệt.

“Bấy giờ Mạn Thù bạch Thế Tôn:

- Bồ Đề là tội ngũ nghịch, ngũ nghịch tức Bồ Đề. Tại sao? Bởi vì Bồ Đề và ngũ nghịch thảy đều phi hữu, không có tự tánh. Không có tri và tri giả, kiến và kiến giả, giác và giác giả, phân biệt và phân biệt giả. Nên nói Bồ Đề tức ngũ nghịch. Nếu ai coi Bồ Đề là khả đắc hay khả hành, kẻ ấy đam mê chấp ngã”.

Đó là mấu chốt của Hội thứ VII trong chủ đề Mạn Thù Vấn Bồ Đề: “Bồ Đề là tội ngũ nghịch, ngũ nghịch tức Bồ Đề” “phạm tội và bất khả tư nghì thảy là Thật tướng”.

Một người chưa từng học và từng hành Bát Nhã khi nghe những điều mà Mạn Thù thuyết, chắc không tránh khỏi “lắc đầu”. Vì tất cả những thứ chống trái trong thế giới nhị nguyên: Nhân và quả, thiện và ác, phước và tội, sanh và tử, địa ngục và Niết bàn… đều bị lật úp. Cái mà con người tôn kính nhất là Bồ đề, là Giác ngộ thì bị lên án là tội ngũ nghịch; còn ngũ nghịch như giết cha, giết mẹ, giết A la hán, làm chảy máu thân Phật, phá hoại tăng đoàn thì được coi là Bồ đề. Đó là phản biện không tưởng tượng nổi?

Thế tục là thế giới của nhị nguyên đối đãi, lúc nào cũng phân hai, chống đối mâu thuẫn nhau bất tận. Thánh đế của hàng Đại sĩ là thế giới tuyệt đối, đệ nhất nghĩa, không phân biệt: Không sanh, không diệt, không đến không đi, không nhân quả, thiện ác, không đọa vào ác đạo, không dẫn đến Niết bàn. “Tì khưu phạm trọng tội không bị đọa vào địa ngục, tịnh tu giới hạnh không chứng Niết bàn. Kẻ phạm tội không rơi vào sanh tử, không bị khinh bỉ, không bị xa lánh, không bị cấm nhận của tín thí v.v…và kẻ tịnh tu không có chứng Niết bàn, không có tán dương, không có thân cận, không có cúng thí v.v…” Vậy nên nói Bồ đề (Thánh trí tự giác) là ngũ nghịch (vô minh), và ngũ nghịch với Bồ đề không hai không khác, nghĩa là Thánh trí tự giác và vô minh không hai, không phân biệt. Làm sao “tẩy não” để dọn đường cho sự chứng nhập nầy?

Thật vô lý quá thể phải không? Nhưng Mạn Thù Thất Lợi giải thích: “Bởi vì Bồ đề và ngũ nghịch đều phi hữu, không có tự tánh” và không có tự tánh nên gọi là KHÔNG. Tánh không vượt lên tất cả mọi đối tác, nên trong cái không đó làm gì có tội hay phước, nhân hay quả, thiện hay ác… Chứng được giới xứ đó (Đệ nhất nghĩa đế không) tất sẽ hiểu được thế nào là bất khả đắc, vô trụ, vô thủ, vô xả, vô hộ, vô cần, vô tư, vô trước hay gọi là vô thức, vô niệm, vô tâm. Đó chính là nhận thức về bài pháp của phần này.

Giáo pháp tuyệt đỉnh của Bát nhã Ba la mật mà chư Phật Bồ Tát thuyết giảng cho hàng Đại sĩ. Phàm tâm không dễ gì vươn tới nổi, trí năng cũng không. Nếu phóng túng, theo đó mà hành, chắc chắn sẽ rơi vào địa ngục mịt mù không đáy. Nên Mạn Thù đồng tử nói: “Không ai có thể hiểu biết như thật lời giảng của tôi. Tại sao? Bởi vì phàm tâm không vươn tới Bồ Đề nổi, trí năng cũng không thể; Bồ Đề ở trên thấy, nghe, nhớ, nghĩ”.

Làm sao dùng tri thức thường tục để đánh giá Thánh nhân? “Nhưng với người Đại Thừa, mọi phương tiện “lành và khéo” đều được quyền sử dụng, nếu tâm đã sáng, trí đã sạch làu. Họ sống trong một thế giới “phi thiện phi ác”, và một khi an trụ trong đó thì dù họ làm gì vẫn không thể có khuôn thước đạo đức nào đánh giá hoặc phê phán họ được; đó là những hành động chẳng “hữu đạo” mà cũng không “vô đạo”. Những cặp danh từ đối đãi ấy mất hết chỗ đứng trong cái tâm tự do tự tại, tùy thích dọc ngang trên thế giới ngang dọc của sai biệt và mâu thuẫn”. (3)

Một người có tu luyện sống theo luân lý và đạo đức thế tục tức có trách nhiệm trong tư tưởng cũng như hành động. Đó có thể nói là sống “có ý thức và trách nhiệm” theo đạo thế gian.

Một người tu nhất là tu Bát nhã Ba la mật tất có đầy đủ ý chí và nghị lực. Dĩ nhiên, tất cả thân khẩu ý tự nhiếp phục, tự thủ hộ thân căn nên những tư duy tạo tác của các vị ấy phát xuất ra những diệu dụng không thể nghĩ bàn. Bởi vì các vị ấy làm việc gì cũng không ngoài nguyện ước phục vụ đem an lạc cho mọi chúng sanh. Nên không ai có thể dùng tâm của thế nhân để đánh giá tư tưởng cũng như hành động của các bậc siêu nhân được.

Giới luật sẽ mất hết hiệu năng đối với hoạt dụng của tâm và trí khi hai thứ này được rèn luyện đến độ tuyệt kỹ, chúng tự phát khởi tùy cơ, ứng dụng tùy thời qua lại tự do tùy tiện mà không có một thứ luật lệ nào có thể kết án được đối với bậc đại trí như Mạn Thù Thất Lợi Bồ Tát khi nắm được Bát Nhã trong vòng tay và thâm nhập được thập nhị chơn như và 18 pháp Không.

 

Với sự hiểu biết như vậy, chúng tôi không cho những đoạn Kinh do Mạn Thù Thất Lợi thuyết giảng như trên là những nghịch đảo táo bạo, cốt gây kích động đối với mục đích dựng dậy cái tâm ngái ngủ ngàn đời của chúng sanh nữa. Ở đây Mạn Thù Thất Lợi Bồ Tát cũng không phải lật úp, vặn chéo những nghĩ tưởng thế gian mà ở đây Mạn Thù Thất Lợi đại diện bậc chứng ngộ nói lên tư tưởng của bậc đã chứng nhập Đệ nhất nghĩa đế không, thế giới vô sai biệt, thế giới không hữu không vô, không thiện không ác, không tội không phước, nhân quả v.v... Bậc Thánh đã chứng ngộ có thể phát biểu chân lý tuyệt đối như thế qua tri kiến Bát Nhã.

Còn những ai, chưa hiểu các pháp này mà huênh hoang cho rằng không tội phước, nghiệp báo, nhân quả… có lẽ bị đày làm con giun con sán sống trong đống phân trăm ngàn muôn kiếp. Đó là lý do tại sao chúng tôi trong phần dẫn nhập nói không dám thuyết giảng các giáo pháp này cho bất cứ ai, nhất là bậc sơ học Đại thừa. Nếu họ không hiểu nổi chánh pháp rồi quay ra phỉ bán khen chê mà phải bị đọa đày trong nhiều kiếp! 

 

2/. Bồ đề Không, nên Phật cũng Không.

“... Như Lai đã chứng trí tuệ nhiệm mầu gọi là Bồ đề, thành tựu Bồ đề nên gọi là Phật. Vì Bồ đề Không, nên Phật cũng Không”.

Bồ đề không, Phật cũng không, đến đây là hết ý kiến rồi phải không? Chân lý tuyệt đối xử dụng đến chỗ tận cùng của nó. Không thuận nghịch, không đây kia, tất cả đều không, và cái không cuối cùng cũng không nốt!

Đó là đỉnh cao trí tuệ dẫn xuất từ Bát Nhã Tánh Không mà trí năng con người khó có thể vươn tới, nó vượt ngôn ngữ thế tục. Tới đây mới biết: Nói nín, động tịnh đều về nguồn! Tri thức thế tục không vói tới nổi, nên gọi là bất khả đắc, bất khả tư nghì. Vậy, không nên hý luận nữa.

 

3. Không thể nghĩ bàn tức là Bát Nhã.

 

Kinh “Văn Thù  Sư Lợi Sở Thuyết Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật”, ghi rằng:

Nếu con an trụ trong Bát nhã Ba la mật, nếu tự nhận như vậy tức là hữu tưởng liền theo đó kẹt vào ngã tưởng, Bát nhã Ba la mật sẽ có nơi chốn. Nếu Bát nhã Ba la mật nằm vào không cũng là ngã tưởng, nên cũng gọi là có nơi chốn. Vượt lên trên hai tướng trạng hữu vô an trụ vào vô sở trụ như chư Phật trụ, ở vào chốn tịch diệt không phải là cảnh giới có thể nghĩ bàn, không thể nghĩ bàn, được như thế mới gọi là chỗ an trụ của Bát nhã Ba la mật. Chỗ Bát nhã Ba la mật là tất cả pháp vô tướng, tất cả pháp vô tác. Bát nhã Ba la mật tức là không thể nghĩ bàn, không thể nghĩ bàn tức là pháp giới. Bát nhã Ba la mật cùng pháp giới không phải hai cũng không khác. Không hai không khác tức là pháp giới, pháp giới tức là vô tướng, vô tướng tức là Bát nhã Ba la mật giới, Bát nhã Ba la mật giới tức là bất tư nghị giới, bất tư nghị giới tức là Vô sanh vô diệt giới, Vô sanh vô diệt giới tức là bất tư nghị giới.

Như Lai giới và ngã giới không phải là hai tướng, tu Bát nhã Ba la mật như thế thời không cầu quả Bồ đề. Tại sao? Vì rời tướng Bồ đề tức là Bát nhã Ba la mật (4).

Thưa Thế Tôn! Nếu biết ngã tướng nhưng không say đắm, không biết, không dính đó là chỗ biết của Phật không thể nghĩ bàn, không biết không dính vào tức là chỗ biết của Phật. Tại sao? Vì biết bổn thể vốn không có tướng làm sao lại hoán chuyển pháp giới. Nếu biết bổn tánh là không thể tức là không vật. Nếu không vật là không nơi chốn, không nơi nương tựa, không nơi an trụ. Không nương tựa, không an trụ tức là không sanh không diệt. Không sanh không diệt tức là công đức hữu vi vô vi. Nếu đã biết được như thế sẽ không còn tâm tưởng, đã không tâm tưởng tại sao lại biết công đức hữu vi vô vi? Không biết tức là không thể suy lường, không thể suy lường là sự biết của Phật, không nắm giữ cũng không phải không nắm giữ, không thấy tướng trạng di động ba thời, không nắm giữ sanh diệt và các tạo tác, cũng không phải hư vô cũng không thường hằng. Biết như thế gọi là chánh trí, bất tư nghị trí như hư không, không đây không kia, không có gì có thể so sánh được, không xấu tốt không đẳng đẳng không tướng mạo”.

Nếu bổn thể vốn không tức không phải vật. Nên không nắm giữ cũng không phải không nắm giữ, không sanh diệt tạo tác, cũng không phải là hư vô, cũng không thường hằng xấu tốt, không thiện ác đây kia… không tả được, không thể chỉ rõ giảng nói. Đó là bất khả tư nghị. Cái thấy biết như thế, Kinh nói là chánh trí. Vì sao? Vì: “Bát Nhã không tên, không tướng, không bờ, không bến, không chỗ về nương, chẳng phải cảnh nghĩ lường, chẳng phải tội chẳng phải phước, chẳng phải tối chẳng phải sáng, như hư không thanh tịnh và chơn pháp giới, số lượng và giới hạn đều bất khả đắc. Do các yếu tố này cho nên gọi là Bát Nhã thâm sâu”.

Do ý nghĩa này, nên chúng ta có thể kết luận: Bát nhã Ba la mật là Đệ nhất nghĩa đế không. Bởi vì, chỉ có “...Đệ nhất nghĩa không là Thật Tướng của hết thảy các pháp, chẳng thể phá, chẳng thể hoại. Vì sao? Vì hết thảy các pháp ở nơi Thật Tướng, đều là KHÔNG, chẳng có thể thọ, chẳng có thể chấp vậy. Nếu có thọ, có chấp là hư dối, là chẳng phải thật.

Lại nữa, Đệ Nhất Nghĩa Không là nghĩa Niết bàn Giải Thoát.

Trong A Tỳ Đàm nói: “Trí duyên tận tức là Niết bàn. Ở trong Niết bàn cũng chẳng có tướng Niết bàn. Niết bàn KHÔNG tức là Đệ Nhất Nghĩa Không”. (Đại Trí Độ Luận nói về Đệ nhất nghĩa đế không).

 

4. Tu học Bát Nhã:

 

Trước khi nói đến tu học Bát Nhã thì phải hiểu biết Bát Nhã như thế nào? Có hiểu biết mới có ham thích đọc tụng thọ trì. Nói như vậy là nói ngược. Vì sao? Vì hiểu thì không cần tu, không hiểu mới tu. Phải nghe, đọc tụng hay tư duy mới sanh hiểu biết, có hiểu biết mới có ham thích, có ham thích mới chịu khó tu hành. Đó là tam hữu lậu học gọi là Văn – Tư -Tu, bước đầu của tất cả sự học. Ở đây không phải luận về phương pháp tu học, ở đây nói về cơ duyên được học Bát nhã Ba la mật.

Như nhiều lần Bát nhã Ba la mật lưu ý độc giả: Phải là người đã từng gieo trồng thiện căn công đức trong nhiều đời kiếp, đã từng phụng sự trăm ngàn đức Phật, đã từng gần gũi cúng dường các Thiện tri thức v.v... mới có được cơ duyên này. Hãy xem đây như là cơ duyên hiếm có, đừng nghĩ tưởng xa xôi. Sống được làm người với đầy đủ thiện căn đã là khó, được nghe Bát nhã Ba la mật còn khó hơn nữa huống chi được đọc tụng thọ trì Bát nhã Ba la mật để dứt trừ các phiền não lậu hoặc.

 

1- Sao gọi là Bát nhã Ba la mật?

Đây là một câu hỏi được Đại Bát Nhã đặt ra nhiều nhất và Kinh tùy trường hợp đưa ra giải đáp khác nhau. Nhưng những câu trả lời tùy nơi tùy chỗ nêu lên được tánh cách đặc biệt của nó. Thí dụ: Kinh “Văn Thù Sở Thuyết Bát Nhã Ba La Mật” do Tăng Ca Bà La dịch, đồng với Hội thứ VII này, Văn thù bạch Phật:

- “Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Bát nhã Ba la mật?

Phật đáp:     

- Bát Nhã là không bờ, không bến, không tên, không tướng, chẳng suy lường, không có chỗ quy hướng, không là hòn đảo, không tội, không phước, không tối, không sáng; như pháp giới, không có phân biệt, cũng không có hạn số; đó gọi là Bát nhã Ba la mật; cũng gọi là hành xứ của Đại Bồ Tát, nhưng cũng chẳng phải là hành xứ, chẳng phải chẳng là hành xứ, tất cả đều nhập vào nhất thừa, gọi là phi hành xứ. Vì sao? Vì vô niệm, vô tác.

Bát Nhã là mẹ của tất cả chư Phật, sinh ra tất cả chư Phật. Vì sao? Vì không sinh.

Cho nên, này Văn Thù! Nếu thiện nam, thiện nữ nào, muốn hành Bồ Tát hạnh để được đầy đủ các pháp Ba la mật thì nên tu Bát Nhã này.

Nếu muốn được ngồi đạo tràng, đắc Vô thượng Bồ đề, nên tu Bát Nhã này.

Nếu muốn dùng đại Từ, đại Bi che chở khắp tất cả chúng sinh, nên tu Bát Nhã này.

Nếu muốn có tất cả định phương tiện, nên tu Bát Nhã này.

Nếu muốn được tất cả Tam ma bạt đề(đẳng chí hay chánh định), nên tu Bát Nhã này. Vì sao? Vì các Chánh định này không có chỗ làm. Tất cả các pháp không xuất ly, không chỗ xuất ly.

Nếu người nào muốn theo lời nói này, nên tu Bát nhã Ba la mật. Tất cả các pháp như thật, không thể đắc; nếu muốn ưa thích biết như vậy, nên tu Bát nhã Ba la mật. Vì Bồ đề mà tất cả chúng sinh tu đạo Bồ đề mà thật ra là không có chúng sinh, cũng không có Bồ đề. Người nào muốn tin ưa pháp này nên tu Bát nhã Ba la mật. Vì sao? Vì tất cả pháp như thật, với Bồ đề là bình đẳng như nhau. Phi chúng sinh hạnh là không xả bỏ tự tánh. Chúng sinh hạnh ấy là phi hạnh. Phi hạnh ấy là Bồ đề. Bồ đề ấy là pháp giới. Nếu muốn không chấp trước vào pháp này, thì nên học Bát nhã Ba la mật”.

 Các Hội khác Kinh thường nói Bát Nhã là nhà cửa, là cồn đảo, là đèn, là đuốc, là ánh sáng, là chỗ quay về... cho tất cả hữu tình. Ở đây, Bát Nhã nói ngược lại: Bát nhã Ba la mật là không bờ, không bến, không tên, không tướng, chẳng suy lường, không chỗ quy hướng, không là hòn đảo, không tội, không phước, không tối, không sáng v.v... Hơn thế nữa, Bát Nhã lại không phải là hành xứ.

Lại nữa, Kinh bảo tất cả pháp không thể đắc, Bồ đề là bình đẳng như như. Chúng sanh hạnh cũng bình đẳng với Bồ Tát hạnh. Vì vậy, Kinh bảo “chúng sanh hạnh là phi hạnh. Phi hạnh ấy là Bồ đề. Bồ đề ấy là pháp giới. Người nào không chấp trước và tin vào pháp này thì nên học Bát nhã Ba la mật”.

Tục đế nói có tội-phước, có tối-sáng… Chân đế nói không tội không phước, không sáng tối… đây kia. Ở đây, Kinh không cố ý chia thế gian làm hai phần theo chiều dọc mà Kinh đưa ra hai lập trường đối nghịch để chúng sanh tìm thấy chỗ đứng đúng, có cái nhìn đúng lìa phiền não lậu hoặc, tùy thuận chơn như mà vươn lên trong ánh sáng giác ngộ. Kinh bảo muốn được như thế thì phải thọ trì Bát Nhã.

Đó là những gì để biết “sao gọi là Bát nhã Ba la mật” và một khi biết “sao gọi là Bát nhã Ba la mật” thì có thể biết “phải làm sao tu” để có thể đắc Bát nhã Ba la mật?

 

2- Phải làm sao tu để đắc Bát nhã Ba la mật? 

Kinh “Văn Thù Sở Thuyết Bát Nhã Ba La Mật” do Tăng Ca Bà La dịch từ Phạn sang Hán và nhóm Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạnh Kinh dịch từ Hán sang Việt:

“Bạch Thế Tôn! Không vì pháp tăng, không vì pháp giảm, đó là tu Bát Nhã. Không đoạn pháp phàm phu, không ôm giữ pháp Như Lai, đó là tu Bát nhã Ba la mật. Vì sao? Bạch Thế Tôn! Vì Bát nhã Ba la mật không vì đắc pháp nên tu; không vì không đắc pháp nên tu; không vì tu pháp nên tu; không vì không tu pháp nên tu.

Bạch Thế Tôn! Không đắc, không xả, đó là tu Bát Nhã. Vì sao? Không vì hoạn nạn của sinh tử, không vì công đức Niết bàn. Nếu tu Bát Nhã như vậy; thì không thủ, không thọ, không xả, không buông, không tăng, không giảm, không khởi, không diệt.

Bạch Thế Tôn! Nếu có thiện nam, thiện nữ nào, nghĩ như vầy: “Pháp này thượng, pháp này trung, pháp này hạ”; thì không phải tu Bát nhã Ba la mật. Vì sao? Vì pháp không có thượng, trung, hạ. Bạch Thế Tôn! Con tu Bát nhã Ba la mật như vậy”.

Bởi những lý do đó nên nói Bát Nhã là vô tri. Nếu hiểu như vậy, thì có thể tu Bát nhã Ba la mật. Nhưng, đừng quên rằng “Bát Nhã vô tri, nhưng vô sở bất tri”.

 

Trong một đoạn kinh khác Văn Thù Sư Lợi bạch Phật:

- “Bạch Thế Tôn! Nếu không thấy pháp cấu, pháp tịnh; không thấy quả sinh tử; không thấy quả Niết bàn, không thấy Phật, không thấy Bồ Tát, không thấy Duyên giác, không thấy Thanh văn, không thấy phàm phu là tu Bát nhã Ba la mật. Vì sao? Vì tất cả các pháp không cấu, không tịnh, cho đến không có phàm phu”.

Bát Nhã lúc nào cũng bảo là đừng thấy, đừng biết. Thấy biết mà sanh đối trị, tạo động niệm gọi thấy biết mê, chẳng thà đóng cửa giác quan, quay lại quán chiếu tự tâm tức phản quang tự kỷ, là tốt.

 

Phẩm “Mạn Thù Sư Lợi”, quyển 575, Hội thứ VII, ĐBN. Mạn Thù Thất Lợi bạch Phật:

- “Bạch Thế Tôn! Con quán Bát Nhã thâm sâu này không có tướng vô vi, không có các công đức, không sanh, không diệt, không sức lực, không khả năng, không đến, không đi, không vào, không ra, không tổn, không ích, không biết, không thấy, không thể, không dụng, chẳng phải người tạo tác, cũng không thể làm cho các pháp sanh diệt, không làm cho các pháp là một hay là khác, không thành, không hoại, chẳng phải tuệ, chẳng phải cảnh, chẳng phải pháp phàm phu, chẳng phải pháp Thanh văn, chẳng phải pháp Độc giác, chẳng phải pháp Bồ Tát, chẳng phải pháp Như Lai, chẳng phải chứng hay không chứng, chẳng đắc hay không đắc, chẳng phải tận hay bất tận, chẳng vào sanh tử, chẳng ra khỏi sanh tử, chẳng nhập Niết bàn, chẳng ra khỏi Niết bàn, đối với các pháp của Phật chẳng thành chẳng hoại, đối với tất cả pháp chẳng phải tạo tác hay không tạo tác, chẳng phải có thể nghĩ bàn hay không thể nghĩ bàn, lìa phân biệt, dứt hý luận. Bát Nhã này hoàn toàn không có công đức, làm sao Như Lai khuyên các hữu tình siêng năng tu học?

Phật bảo đồng tử Mạn Thù Thất Lợi:

- Những điều ngươi đã nói tức là công đức chơn thật của Bát nhã Ba la mật. Các thiện nam thiện nữ nào nếu biết như vậy thì gọi là chơn tu Bát Nhã thâm sâu”.

Đoạn kinh này trả lời câu hỏi trên: Sao là Bát Nhã? Phật dạy: “Các thiện nam thiện nữ nào nếu biết như vậy thì gọi là chơn tu Bát Nhã thâm sâu”. Biết như vậy là biết các pháp không tăng không giảm, không đoạn pháp phàm phu, không ôm giữ pháp Như Lai, không lo sanh tử, không muốn Niết bàn. Nghĩa là không đoạn không thủ, không nắm không buông, không khởi không diệt, không cấu không tịnh, không thấy Phật, không thấy Bồ Tát, không thấy Duyên giác, không thấy Thanh văn, không thấy sanh tử, không thấy Niết bàn... Không thấy người tu, không thấy Bát Nhã, cũng không thấy cảnh giới của Bát Nhã, chẳng phải chứng, chẳng phải không chứng, không hý luận, không phân biệt... Đó là chơn tu Bát Nhã. Vì sao? Vì thấy có đối đãi tức rơi vào mê mờ, chấp đắm.

Sống cuộc đời thường là như vậy, có lấy-có bỏ, có tung-có hứng, có được-có mất... nên không thoát khỏi ngõ cụt hai đầu (lưỡng nguyên). Còn Thánh giả không phân biệt, nên không chấp. Không chấp nên không dính, không bị trói, vì vậy mới được giải thoát. Giải thoát những gì? Chẳng qua là tháo gỡ những hệ lụy của cuộc sống hay nói khác là tránh được phiền não chướng và sở tri chướng mà được an nhiên tự tại.

Cũng nên nói thêm rằng giáo pháp này là đỉnh cao trí tuệ của Bát nhã Ba la mật, Mạn Thù Thất Lợi Bồ Tát bảo Xá Lợi Phất: “Điều tôi giảng nói không những chỉ vượt ngoài tri kiến của Bồ Tát mới phát tâm, mà còn vượt ngoài tri kiến của các vị A la hán đã thành tựu đạo nghiệp”. Chỉ có bậc thượng tôn mới có thể thông đạt huống chi trí tuệ cạn cợt của hàng ngu phu dị sanh. Nếu huênh hoang, tăng thượng thì không tránh khỏi bị đọa. Văn Thù là đại trí trong hàng Bồ Tát giúp Thế Tôn trong việc giáo hóa chúng sanh trong thế giới Kham nhẫn này. Nên mới có những tư tưởng siêu việt như thế.

Đây là một phần, không gọi là phẩm, rất khó tiêu hóa cho những ai, nếu hiểu liền hiểu, không thể phê phán gượng ép được!

 

Kết luận:

 

Nói tóm lại, tư tưởng của Mạn Thù Thất Lợi hay Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát dẫn xuất từ Bát nhã Ba la mật. Thâm nhập được Bát nhã Ba la mật là có trí tuệ nầy. Quyển thứ 02, phẩm “Vãng Sanh”, Kinh MHBNBLMĐ, Phật bảo: “Nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát lúc thực hành Bát Nhã an trụ trong sáu Ba la mật như vậy để thanh tịnh Tát Bà Nhã(Nhất thiết chủng trí), vì rốt ráo rỗng không, vì chẳng đến chẳng đi, vì chẳng thí chẳng thọ, vì chẳng phải giới cấm chẳng phải phạm tội, vì chẳng phải nhẩn chẳng phải sân, vì chẳng phải siêng năng chẳng phải lười, vì chẳng định chẳng loạn, vì chẳng trí chẳng ngu vậy. Bấy giờ đại Bồ Tát chẳng phân biệt bố thí cùng chẳng bố thí, chẳng phân biệt trì giới cùng phạm giới, chẳng phân biệt nhẫn nhục cùng sân khuể, chẳng phân biệt tinh tấn cùng giải đãi, chẳng phân biệt định tâm cùng loạn tâm, chẳng phân biệt trí tuệ cùng ngu si, chẳng phân biệt hủy hại khinh mạn cùng cung kính tôn trọng.

Tại sao vậy? Vì trong pháp vô sanh chẳng có ai lãnh thọ sự hủy hoại, không có ai lãnh thọ sự khinh mạn hay cung kính.

Nầy Xá Lợi Phất! Thực hành Bát nhã Ba la mật, đại Bồ Tát được những công đức như vậy, hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật không có được những công đức nầy. Do đây đại Bồ Tát đầy đủ thành tựu chúng sanh, thanh tịnh Phật độ, được Nhất thiết chủng trí”.

Tất cả những gì được trình bày trên đều phát xuất từ Bát Nhã. Học Bát nhã Ba la mật thì sẽ có những diệu dụng chẳng thể nghĩ bàn này.

Thích nghĩa cho phần lược giải này:

(1). Niết bàn:(涅槃) Phạm: Nirvàịa. Pàli: Nibbàna. Cũng gọi: Nê hoàn, Nê viết, Niết bàn na, Niết lệ bàn na, Nê phạ nam, Nặc phạ nam. Hán dịch: Diệt, Tịnh diệt, Diệt độ, Tịch, Vô sinh. Đồng nghĩa: Trạch diệt, Ly hệ, Giải thoát. Hoặc gọi là Bát niết bàn (Bát, dịch âm của tiếng Phạm Pari, nghĩa là hoàn toàn, dịch ý là Viên tịch), Đại bát niết bàn (Đại nghĩa là thù thắng, cũng gọi Đại viên tịch). Niết bàn nguyên nghĩa chỉ cho sự thổi tắt, hoặc biểu thị trạng thái thổi tắt, về sau được chuyển dụng để chỉ lửa phiền não thiêu đốt đã bị dập tắt, là cảnh giới hoàn toàn giác ngộ. Cảnh giới này vượt ngoài sinh tử (mê giới), cũng là mục đích thực tiễn cuối cùng của Phật giáo, cho nên được xếp vào 1 trong những pháp ấn, gọi là Niết bàn tịch tĩnh. Về Niết bàn, Đại thừa và Tiểu thừa giải thích có khác nhau: 1. Theo Tiểu thừa (Phật giáo bộ phái): Niết bàn là trạng thái diệt hết phiền não. Trong đó lại chia ra Hữu dư y Niết bàn (gọi tắt: Hữu dư Niết bàn) và Vô dư y Niết bàn (gọi tắt: Vô dư Niết bàn). Hữu dư y Niết bàn nghĩa là phiền não tuy đã bị diệt hết, nhưng nhục thể (tức y thân)tàn dư còn lại; Vô dư y Niết bàn nghĩa là phiền não đã hết mà y thân cũng không còn, tức là trạng thái khôi thân diệt trí. Hữu bộ chủ trương Niết bàn là 1 thực thể tồn tại, nhưng Kinh lượng bộ thì cho rằng Niết bàn chỉ là giả danh của cái trạng thái đã diệt hết phiền não, chứ tự nó không có thực thể. 2. Theo Đại thừa: - Trung luận chủ trương Thực tướng là Niết bàn, Thực tướng cũng tức là tính không, là pháp do nhân duyên sinh ra, bởi thế Niết bàn và sinh tử thế gian không có sai khác. - Kinh Niết bàn quyển 3 (bản Nam) cho rằng Niết bàn có 8 vị: Thường, hằng, an, thanh tịnh, bất lão, bất tử, vô cấu và khoái lạc. Nếu đem 8 vị này phối với 4 đức: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh của Niết bàn thì thường và hằng là Thường, an và khoái lạc là Lạc, bất lão và bất tử là Ngã, thanh tịnh và vô cấu là Tịnh. - Tông Duy thức chủ trương Niết bàn có 4 loại: Bản lai Tự tính thanh tịnh Niết bàn, Hữu dư y Niết bàn, Vô dư y Niết bàn và Vô trụ xứ Niết bàn. Trong đó, Bản lai tự tính thanh tịnh Niết bàn (gọi tắt: Bản lai thanh tịnh Niết bàn, Tính tịnh Niết bàn) là chỉ cho Chân như, nghĩa là tướng của hết thảy sự vật xưa nay vốn là lý thể của Chân như vắng lặng. Vô trụ xứ Niết bàn là nương vào trí tuệ mà xa lìa phiền não chướng và sở tri chướng, không bị vướng mắc trong cõi mê sinh tử. Lại vì lòng đại bi nên hoạt động trong cõi mê để cứu giúp chúng sinh mà không bị kẹt nơi cảnh giới Niết bàn. Đây là 1 đặc sắc về Niết bàn của Phật giáo Đại thừa. - Tông Địa luận và tông Nhiếp luận chia Niết bàn làm 2 loại là: Tịnh tính Niết bàn và Phương tiện tịnh Niết bàn. - Tông Thiên thai thì chia Niết bàn làm 3 loại là: Tịnh tính Niết bàn, Viên tịnh Niết bàn và Phương tiện tịnh Niết bàn (cũng gọi Ứng hóa Niết bàn – đức Phật vì cứu độ chúng sinh nên thị hiện thân giả huyễn, khi nhân duyên độ sinh đã hết thì vào Niết bàn). - Tông Tịnh độ gọi thế giới Cực lạc của đức Phật A di đà là thành Niết bàn, cũng gọi là Vô vi Niết bàn giới. - Hàng Thanh văn, Duyên giác vào Vô dư Niết bàn, sau đó lại hồi tâm chuyển hướng Đại thừa giáo, gọi là Vô dư hoàn sinh. Đồng thời, Niết bàn là xa lìa tướng trạng sai biệt của hết thảy các pháp, nên cũng gọi là Ly tướng. Phỏng theo Từ điển Phật Quang.

 (2). Thanh văn: Thanh là âm thanh. Thanh văn là người nghe pháp âm, nghe tiếng, nghe kinh tu tập mà thành A La hán.

(3). Lời của D.T. Suzuki trong Thiền Luận quyển thượng.

(4). Bồ đề không thấy tướng, nên Bồ đề không chấp tướng. Nếu Bồ đề chấp tướng thì không phải Bồ đề. Bát Nhã không thấy tướng, Bát Nhã cũng không chấp tướng. Nếu Bát Nhã chấp tướng thì Bát Nhã không còn là Bát Nhã nữa. Kinh nói “rời tướng tức Bồ đề, Bồ đề tức Phật, Phật tức Bát Nhã. Bát Nhã, Phật, Bồ đề không hai không khác”. TB

 

---o0o---

 

 

Đến đây chấm dứt phần bảy,

(Hội thứ VII).

 

Tất cả những gì chúng ta học ở các pháp hội trước so với Hội thứ VII này tưởng chừng như mây khói. Bát Nhã như ngọn sóng thần bỗng nhiên nổi dậy xóa nhòa tất cả ký ức chúng ta. Nhưng Bát Nhã không cố tạo mâu thuẫn, cũng không phải là “hỏa mù”. Bát Nhã ở đây như một tia chớp, một tiếng sấm nổ đập mạnh vào cân não của chúng ta. Bấy lâu Phật đạo xây dựng trong tâm khảm của chúng ta thế nào là tội phước, nhân quả, thiện ác một cách ôn hòa... Bây giờ, Bát Nhã lật úp, tất cả. Nhưng cái nghịch đảo này, không phải là một thứ phản biện bình thường. Nó như tiếng hét vang dội trong đêm cô tịch giúp ta thoát khỏi cơn mộng du mà chính ta không thể tự kiểm soát cả hồn lẫn xác.

Trong cuộc sống bình thường luân lý đạo đức dạy rằng “làm lành lánh dữ”. Đó là lối nói thuận dòng thế gian. Biết dữ, biết ác là xấu phải tránh, đó là điều khó. Xả kỷ làm thiện lại còn khó hơn. Lên một tầng nữa, bỏ luôn cả ác lẫn thiện để thấy bình đẳng, lại khó khăn hơn bao giờ hết. Bây giờ, lại bảo chúng ta phải thay đổi cả quan niệm sống: Kẻ phạm tội không bị đọa địa ngục, kẻ tu tịnh giới không lên thiên đàng. Lão chồn núi chỉ nói nhầm câu “bất lạc nhân quả” với “bất muội nhân quả” mà bị đọa làm chồn núi 500 kiếp. Còn như chúng ta nói theo Mạn Thù Sư Lợi “Bồ đề là ngũ nghịch, ngũ nghịch tức Bồ đề” có lẽ bị đọa làm con giun con sán sống trong đống phân trăm ngàn muôn kiếp.

Nhưng lạ lùng thay câu nói sau đây của Mạn Thù Thất Lợi Bồ Tát lại thay đổi được tâm niệm của chúng ta: “… Bí sô phạm trọng tội chẳng đọa địa ngục, kẻ trì tịnh giới chẳng được sanh cõi trời. Bí sô phạm trọng tội chẳng chìm trong sanh tử, kẻ trì tịnh giới chẳng chứng Niết bàn v.v... Vì sao? Xá lợi Tử! Vì trong chơn pháp giới, tánh của giữ giới và phạm giới đều bình đẳng không sai khác vậy”.

Vậy, học, hiểu và chứng được chơn pháp giới tức giác biết tất cả pháp đều bình đẳng thì không còn quái ngại trong việc xử vật tiếp người. Những điều mà chúng ta tư duy trước đây về cuộc sống như tốt xấu, tội phước, thiện ác... chỉ là những tương quan giữa luân lý đạo đức của con người với con người hay con người đối với cộng đồng xã hội trong cuộc sống, hay nói khác là thuận theo Chân lý phổ thông.

Muốn nâng nhận thức lên một tầng cao hơn, chúng ta phải gạt bỏ những thị phi nhân ngã trong cuộc sống lưỡng nguyên này. Nghĩa là chúng ta không nên dùng cảm quan và ý thức nữa. Có lẽ trực giác thực chứng là kinh nghiệm tốt nhất của đời sống đạo. Nhưng muốn có trực giác thực chứng thì phải tu Bát nhã Ba la mật. Vì sao? Vì chỉ có những người có Bát nhã trí, vô phân biệt trí, vô trước trí... thuộc tầm vóc như Mạn Thù Thất Lợi Bồ Tát mới thấu hiểu “Bồ đề là Ta, Ta la Bồ đề, thì cầu Bồ đề làm gì?” Đó là khí phần của Bát nhã Ba la mật, nhờ nghe Mạn Thù Thất Lợi thuyết theo Đệ nhất nghĩa đế không này, mà mọi người “tỉnh ra”, chẳng khác nào được tắm gội nước Cam lộ từ cõi Phật.

Rốt lại, dù thuyết pháp có tánh cách khuyến dụ nhẹ nhàng hay dù thuyết pháp có tách cách nghịch đảo táo bạo, dù thuyết theo Tục đế hay dù thuyết theo Chân đế, mục đích Bát Nhã nói chung chỉ cốt giúp hành giả Bát Nhã mở tâm đạo bằng cách này hay cách khác. Phân biệt, so đo, hý luận… là thái độ tối kỵ đối với Bát Nhã.

Học Bát Nhã đến đây, có lẽ chúng ta không muốn tán tụng là pháp tối cao hay đỉnh cao trí tuệ loài người nữa. Đó chỉ là tưởng tượng bốc cao. Mục đích của các giáo lý dù kích động hay không là tùy thuộc người đọc không tùy thuộc người nói. Giáo lý của Phật không có thượng, trung, hạ. Ngày nào còn thấy giáo pháp của Phật có hơn kém, hay dở, thấp cao v.v... ngày ấy vẫn còn đứng ngoài cổng chưa vào được chánh điện để đảnh lễ Phật.

Kinh “Văn Thù Sư Lợi Sở Thuyết Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật”, Mạn Đà La Tiên dịch. Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Không thấy đẹp xấu, không có so đo cao thấp, không nắm bắt hay xả bỏ. Vì sao? Pháp không có đẹp xấu, vì pháp xa lìa các tướng; pháp không cao thấp, vì tánh của pháp bình đẳng; pháp không nắm bắt hay xả bỏ, vì pháp trụ vào thật tế. Đó là tu Bát nhã Ba la mật”. Khi đạt đến trình độ đó thì không còn đứng ngoài cổng nữa mà có thể vào chùa không những được đãnh lễ Phật mà còn có cơ hội trải tọa cụ trên tòa cao thuyết pháp.

 

Hội thứ VIII phần “Na Già Thất Lợi” kế tiếp sẽ giúp chúng ta tháo gỡ cái nhìn ngây ngô trên muôn sự muôn vật và cho là thật, nên bị chìm đắm trong luân hồi sanh tử. Phật dạy quán toàn bộ pháp hữu vi là không như sao mù, đèn huyễn, như sương, bọt, điện chớp, mây… để  “đối với tất cả pháp không còn nắm bắt, cất giữ nữa. Phải thông đạt tất cả pháp đều không có tướng trạng, không tàng chứa, thủ giữ, đồng với hư không, bản tánh Không, vắng lặng v.v… Nếu chúng ta hành được như thế, thì xa lìa hý luận, cũng có thể làm ruộng phước chơn tịnh cho trời, người…, xứng đáng nhận sự cúng dường cung kính của thế gian”.

Muốn được như vậy thì nên trì tụng Hội thứ VIII kế tiếp.

 Như trong phần gợi ý của Hội thứ VII, ĐBN này chúng tôi có nói thuyết pháp như “Mạn Thù Thất Lợi hay Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát là lối thuyết pháp cao nhất dành cho bậc thượng căn, thượng đẳng thuộc hàng Đại sĩ”. Hội thứ VIII, ĐBN kế tiếp, diễn viên chính cũng là Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi sẽ một lần nữa ôn lại tất cả các giáo lý ở tầng cao cũng như vậy, có thể thức tĩnh giác quan nội tại của chư vị.

 

 

Đến đây chấm dứt Hội thứ VII.

 

---o0o--

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]