Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

24. Phẩm “Kiến Bất Động Phật”

08/01/202108:05(Xem: 8604)
24. Phẩm “Kiến Bất Động Phật”

 TỔNG LUẬN
 KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT

 Biên soạn: Cư Sĩ Thiện Bửu

Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022

***

buddha-530

 

XXIV. PHẨM “KIẾN BẤT ĐỘNG PHẬT”

Phần cuối quyển 565, Hội thứ V, ĐBN.

 

Biên soạn: Lão Cư sĩ Thiện Bửu
Diễn đọc: Cư sĩ Quảng Tịnh, Cư sĩ Quảng Thiện Duyên
Lồng nhạc: Cư sĩ Quảng Phước, Cư sĩ Quảng Thiện Hùng Jordan Le

 

Tóm lược: 

 

Bấy giờ bốn chúng vây quanh, Như Lai khen ngợi Bát nhã Ba la mật giao phó, dạy bảo A Nan Đà thọ trì xong, lại đối với tất cả Bí sô, Bí sô ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, trời, rồng, Dược xoa, Kiền đạt phược v.v... giữa hội đại chúng, bằng năng lực thần thông làm cho chúng đều thấy Như Lai Bất Động Ứng Chánh Đẳng Giác, với đại chúng Thanh văn, Bồ Tát vây quanh tuyên thuyết chánh pháp cho đại hội như biển lớn chẳng động, và thấy tướng nghiêm tịnh của cõi kia. Thanh văn Tăng cõi đó đều là A la hán, các lậu đã sạch, không còn phiền não, được chơn thật tự tại, tâm giải thoát hoàn toàn, tuệ giải thoát hoàn toàn, như ngựa khôn điêu luyện, cũng như rồng lớn, việc đáng làm đã làm xong, đã vứt bỏ gánh nặng, đạt được lợi ích cho chính mình, dứt các kiết sử, chánh trí giải thoát, đạt đến tâm tự tại rốt ráo đệ nhất. Bồ Tát Tăng ở cõi đó, tất cả đều là những vị mà mọi người đều biết. Các Ngài đã đắc Đà la ni và vô ngại biện, thành tựu vô lượng công đức vi diệu chẳng thể nghĩ bàn, chẳng thể đo lường.

Phật thu hồi thần lực, làm cho bốn chúng, trời, rồng, Dược xoa, Kiền đạt phược v.v... này chẳng còn thấy Như Lai Bất Động Ứng Chánh Đẳng Giác, Thanh văn, Bồ Tát và đại chúng khác cùng tướng trang nghiêm thanh tịnh của cõi Phật kia. Chúng hội và cõi trang nghiêm thanh tịnh của Phật kia đều chẳng phải là đối tượng của nhãn căn ở cõi này thấy được. Vì sao? Vì Phật thu hồi thần lực nên không thể thấy được cảnh ở xa kia.

Bấy giờ, Phật bảo A Nan đà:

- Ngươi có còn thấy cõi nước và chúng hội của Như Lai Bất Động Ứng Chánh Đẳng Giác nữa không?

A nan đà thưa:

- Bạch Thế Tôn! Con chẳng còn thấy những việc đó, vì chẳng phải cảnh giới của mắt này đạt tới.

Phật bảo A Nan Đà:

- Như chúng hội và cõi nước của Như Lai kia, chẳng phải là cảnh giới của nhãn căn này, nên biết các pháp cũng như thế, chẳng phải cảnh giới mà nhãn căn này đạt tới được.

Khánh Hỷ nên biết! Vì pháp chẳng tu pháp, pháp chẳng thấy pháp, pháp chẳng biết pháp, pháp chẳng chứng pháp.

Khánh Hỷ nên biết! Tất cả pháp tánh không thể tu, không thể thấy, không thể biết, không thể chứng, không hành động, không tạo tác. Vì sao? Vì tất cả pháp đều không tác dụng. Năng thủ, sở thủ đều như hư không, vì tánh viễn ly vậy, vì tất cả pháp chẳng thể nghĩ bàn, năng, sở nghĩ bàn đều như huyễn nhân, vì tánh xa lìa vậy; vì tất cả pháp không tạo tác, không lãnh thọ, như bóng sáng v.v... chẳng chắc thật vậy.

Khánh Hỷ nên biết! Nếu các Bồ Tát thường tu như thế thì gọi là tu Bát nhã Ba la mật, không chấp trước tướng các pháp. Nếu các Bồ Tát thường học như thế thì gọi là học Bát nhã Ba la mật. Đối với tất cả pháp không thủ, không xả.

Khánh Hỷ nên biết! Nếu các Bồ Tát muốn được mau chóng viên mãn tất cả Ba la mật, đạt rốt ráo tất cả pháp đến bờ kia thì nên học Bát nhã Ba la mật. Vì sao? Vì người học như thế đối với các pháp học là tối, là thắng, là tôn, là cao, là diệu, là vi diệu, là thượng, là vô thượng, lợi ích an lạc cho tất cả thế gian.

Khánh Hỷ nên biết! Nếu các Bồ Tát có thể học như thế, là làm nơi nương tựa giúp đỡ cho người không có nơi nương tựa giúp đỡ; chư Phật Thế Tôn chấp nhận, khen ngợi.

Khánh Hỷ nên biết! Chư Phật, Bồ Tát học pháp học này xong, an trụ trong đó, có thể dùng ngón tay phải hoặc ngón chân phải nhấc thế giới Tam thiên đại thiên ném qua phương khác, hoặc trả lại chỗ cũ, mà hữu tình trong đó chẳng hay chẳng biết, không tổn hại, không sợ hãi. Vì sao? Vì công đức oai lực của Bát Nhã sâu xa chẳng thể nghĩ bàn. Chư Phật và các Bồ Tát quá khứ, vị lai, hiện tại học Bát nhã Ba la mật này đối với quá khứ, vị lai, hiện tại và pháp vô vi đều đạt được tri kiến vô ngại.

Thế nên, này Khánh Hỷ! Ta bảo: Thường học Bát Nhã sâu xa, đối với trong các pháp học là tối, là thắng, là tôn, là cao, là diệu, là vi diệu, là thượng, là vô thượng.

Khánh Hỷ nên biết! Có người muốn nắm lấy lượng và biên giới của Bát Nhã sâu xa thì cũng giống như kẻ ngu si muốn nắm lấy lượng và biên giới của hư không. Vì sao? Vì công đức của Bát Nhã sâu xa không lượng, không biên giới vậy.

Khánh Hỷ nên biết! Ta hoàn toàn chẳng nói Bát Nhã sâu xa như danh, thân v.v... có biên giới, có hạn lượng. Vì sao? Vì danh, cú, văn, thân là pháp có hạn lượng; còn công đức lợi ích thù thắng của Bát Nhã sâu xa là pháp chẳng có hạn lượng, chẳng phải danh, thân v.v... có thể lường được.

Cụ thọ Khánh Hỷ bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên nào, nói Bát Nhã sâu xa là vô lượng?

Phật bảo Khánh Hỷ:

- Bát Nhã vì tánh vô tận, vì tánh viễn ly nên nói là vô lượng.

Khánh Hỷ nên biết! Chư Phật ba đời đều học Bát nhã Ba la mật, chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề hoàn toàn viên mãn, tuyên thuyết chỉ dạy cho các hữu tình, mà Bát nhã Ba la mật này vẫn thường còn, không dứt hết. Vì sao? Vì Bát Nhã sâu xa như hư không, rộng lớn chẳng thể cùng tận vậy. Nếu có người muốn Bát Nhã sâu xa cùng tận tức là muốn biên giới của hư không cùng tận.

Thế nên, này Khánh Hỷ! Bát Nhã sâu xa nói là vô tận. Do vô tận nên nói là vô lượng.

Bấy giờ Thiện Hiện nghĩ điều này sâu xa, ta nên hỏi Phật. Nghĩ vậy liền bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Bát Nhã vì lẽ gì Như Lai dạy là không cùng tận?

Phật bảo Thiện Hiện:

- Bát Nhã sâu xa giống như hư không, chẳng thể cùng tận.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Bồ Tát làm thế nào để phát khởi Bát Nhã?

Phật bảo Thiện Hiện:

- Các chúng Bồ Tát nên quán các pháp sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều vô tận để phát khởi Bát nhã Ba la mật. Nên quán vô minh cho đến lão tử đều vô tận để phát khởi Bát nhã Ba la mật. Như vậy, này Thiện Hiện! Các chúng Bồ Tát nên làm như thế để phát khởi Bát Nhã.

Thiện Hiện nên biết: Các chúng Bồ Tát quán sát mười hai duyên khởi, xa lìa hai bên như thế; quán sát mười hai duyên khởi không chính giữa, không chung quanh như thế, đó là diệu quán bất cộng của các Bồ Tát. Nghĩa là cần phải an tọa tòa Bồ đề vi diệu mới có thể quán sát đúng đắn lý thú sâu xa như hư không rộng lớn, chẳng thể cùng tận của mười hai nhân duyên như thế, nên có thể chứng đắc Nhất thiết trí trí.

Thiện Hiện nên biết: Nếu đại Bồ Tát đem hành tướng như hư không vô tận hành Bát Nhã sâu xa, quán sát đúng đắn mười hai duyên khởi thì chẳng rơi vào địa vị Thanh văn và Độc giác, mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Thiện Hiện nên biết: Các chúng Bồ Tát nào thối chuyển quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, là do chẳng nương vào tác ý phương tiện thiện xảo như thế. Các chúng Bồ Tát hành sâu Bát nhã Ba la mật mà chẳng hiểu biết đúng, thì nên dùng hành tướng vô tận nào để phát khởi Bát nhã Ba la mật, để quán sát đúng đắn mười hai duyên khởi.

Thiện Hiện nên biết: Các chúng Bồ Tát nếu thối chuyển quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, là do xa lìa phát khởi phương tiện thiện xảo của Bát nhã Ba la mật.

Thiện Hiện nên biết: Các chúng Bồ Tát nếu chẳng thối chuyển quả vị Vô thượng Bồ đề, thì tất cả đều do nương vào phương tiện thiện xảo của Bát nhã Ba la mật mà phát khởi. Các Bồ Tát ấy nhờ nương vào phương tiện thiện xảo như thế để hành Bát Nhã, dùng hành tướng như hư không vô tận để quán sát đúng đắn mười hai duyên khởi; khi quán sát pháp duyên khởi như thế, chẳng thấy có chút pháp nào do nhân mà sanh, chẳng thấy có chút pháp nào tánh tướng thường trụ, chẳng thấy có chút pháp nào có người tạo tác và lãnh thọ. Các Bồ Tát này hành Bát Nhã, dùng hành tướng như hư không vô tận, quán sát đúng 12 duyên khởi để phát khởi Bát nhã Ba la mật, có thể mau chứng đắc Nhất thiết trí trí.

Thiện Hiện nên biết: Nếu khi Bồ Tát quán sát đúng như thật mười hai duyên khởi, phát sanh Bát nhã Ba la mật, thì bấy giờ Bồ Tát hoàn toàn chẳng thấy sắc, thọ, tưởng, hành, thức; chẳng thấy thế giới của Phật này, chẳng thấy thế giới của Phật kia, chẳng thấy có pháp có thể thấy thế giới của chư Phật này, chư Phật kia.

Nếu các Bồ Tát có thể hành Bát Nhã như thế, thì khi ấy ác ma rất buồn khổ như trúng phải tên độc, cũng như người có cha mẹ mới chết, thân tâm buồn khổ, ác ma cũng như thế.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Chỉ có một ác ma thấy các Bồ Tát hành sâu Bát Nhã rất buồn khổ như trúng tên độc hay là tất cả ác ma khắp thế giới Tam thiên đại thiên cũng đều như thế?

Phật bảo Thiện Hiện:

- Tất cả ác ma đầy khắp thế giới Tam thiên đại thiên đều thấy các Bồ Tát hành sâu Bát nhã Ba la mật rất lo buồn như trúng tên độc, mỗi ác ma chẳng thấy yên ổn ngay chỗ ngồi của mình. Vì sao? Vì nếu các Bồ Tát trụ Bát Nhã sâu xa, trời, người, A tu la v.v... ở thế gian xét tìm lỗi của vị đó đều chẳng thể được, cũng chẳng thể làm rối loạn, thối lui. Thế nên, này Thiện Hiện! Nếu các Bồ Tát muốn chứng quả vị Vô Thượng Bồ đề, thì nên siêng năng an trụ Bát Nhã. Nếu các Bồ Tát có thể siêng năng an trụ Bát Nhã, thì có thể tu viên mãn Bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát nhã Ba la mật. Nếu các Bồ Tát có thể chính mình tu hành Bát Nhã sâu xa, thì có thể tu hành viên mãn tất cả phương tiện thiện xảo Bát nhã Ba la mật. Các việc ma phát sanh đều có thể như thật biết để xa lìa.

Thế nên, này Thiện Hiện! Nếu các Bồ Tát muốn chính mình thủ hộ phương tiện thiện xảo, thì nên chính mình hành sâu Bát Nhã.

Nếu khi Bồ Tát tu hành phát sanh Bát Nhã, thì khi ấy có chư Phật Thế Tôn ở vô lượng vô biên các thế giới đều cùng hộ niệm. Các Bồ Tát này nên nghĩ: Các đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác kia cũng từ Bát Nhã sanh Nhất thiết trí. Nghĩ như thế xong, lại nên suy nghĩ: Như các đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đã chứng đắc pháp này, ta cũng sẽ chứng.

Như vậy, này Thiện Hiện! Nếu các Bồ Tát tu hành phát khởi Bát Nhã sâu xa, tư duy như thế trải qua khoảng khảy móng tay, thì lượng phước phát sanh hơn công đức đạt được về sự tu hành bố thí trải qua số đại kiếp nhiều như cát sông Hằng của các chúng Bồ Tát có sở đắc, huống là có thể trong một ngày hoặc nửa ngày. Các Bồ Tát ấy chẳng bao lâu sẽ an trụ địa vị Bất thối chuyển, thường được Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác cùng hộ niệm. Các chúng Bồ Tát này nếu được chư Phật hộ niệm, thì nhất định chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, chẳng rơi vào địa vị Thanh văn, Độc giác v.v... chắc chắn không còn sanh vào các nẻo ác, thường sanh trong cõi trời, người, chẳng xa lìa chư Phật. Nếu các Bồ Tát tu hành phát sanh Bát Nhã sâu xa, nhớ nghĩ tư duy công đức của chư Phật trải qua khoảng khảy móng tay, thì công đức lợi ích thù thắng còn đạt được vô biên, huống là trải qua một ngày hay hơn một ngày, tinh tấn dõng mãnh tu hành phát sanh Bát Nhã sâu xa, nhớ nghĩ tư duy công đức của chư Phật như các chúng Bồ Tát Hương Tượng v.v... ở chỗ Phật Bất Động thường tu phạm hạnh, chẳng lìa Bát nhã Ba la mật.

Khi đức Bạt Già Phạm thuyết kinh này xong, vô lượng đại Bồ Tát, Bồ Tát Từ Thị làm thượng thủ, cụ thọ Thiện Hiện, Xá lợi Tử v.v... các đại Thanh văn và các trời, rồng, Dược xoa, v.v... tất cả đại chúng nghe Phật giảng đều rất vui mừng, tin thọ phụng hành.

 

Sơ giải:

 

Sau khi Phật phó chúc cho Ngài A Nan xong, Phật dùng thần lực để cho toàn thế pháp hội thấy Như Lai Bất Động Ứng Chánh Đẳng Giác, với đại chúng Thanh văn, Bồ Tát vây quanh tuyên thuyết chánh pháp cho đại hội như biển lớn chẳng động, và thấy tướng nghiêm tịnh của cõi kia, rồi Phật bảo:

“Khánh Hỷ nên biết! Vì pháp chẳng tu pháp, pháp chẳng thấy pháp, pháp chẳng biết pháp, pháp chẳng chứng pháp.

Khánh Hỷ nên biết! Tất cả pháp tánh không thể tu, không thể thấy, không thể biết, không thể chứng, không hành động, không tạo tác. Vì sao? Vì tất cả pháp đều không tác dụng. Năng thủ, sở thủ đều như hư không, vì tánh viễn ly vậy, vì tất cả pháp chẳng thể nghĩ bàn, năng, sở nghĩ bàn đều như huyễn nhân, vì tánh xa lìa vậy; vì tất cả pháp không tạo tác, không lãnh thọ, như bóng sáng v.v... chẳng chắc thật vậy.

Khánh Hỷ nên biết! Nếu các Bồ Tát thường tu như thế thì gọi là tu Bát nhã Ba la mật, không chấp trước tướng các pháp. Nếu các Bồ Tát thường học như thế thì gọi là học Bát nhã Ba la mật. Đối với tất cả pháp không thủ, không xả”.

Tại sao các pháp hoàn toàn không có tác dụng? Kinh ĐBN thường nói các pháp là giả danh, không thật có, là không, là như huyễn như mộng, là như như, là vô tri trì độn, là viễn ly, là xa lìa… Nên nói pháp tánh (thể tánh chân thật của các pháp) vô động. Có động có chuyển là do con người không phải do pháp. Nên Phật bảo Khánh Hỷ Bồ Tát luôn tu như vậy, luôn thấy như vậy, luôn biết như vậy, luôn chứng như vậy thì chính là hành Bát nhã Ba la mật.

Phật thu hồi thần lực làm cho tất cả chúng hội không còn thấy cảnh giới của Như Lai Bất Động và Rồi Phật hỏi A Nan Đà:

- “Ngươi có còn thấy cõi nước và chúng hội của Như Lai Bất Động Ứng Chánh Đẳng Giác nữa không?

A nan đà thưa:

- Bạch Thế Tôn! Con chẳng còn thấy những việc đó, vì chẳng phải cảnh giới của mắt này đạt tới”.

Nhân dịp thấy cõi Phật kia mà nói pháp tất cả pháp chẳng phải là cảnh giới nhãn căn của phàm phu có thể đạt được.

 

1- Đó là câu nói ẩn mật sâu kín. Không phải Bát Nhã cốt nói tất cả pháp vô tướng nên không thấy tướng. Do phá tướng mà nói vô tướng. Còn tất cả pháp không phải cảnh giới của nhãn căn của phàm phu kể cả ngài A Nan(1), có một ý nghĩa hết sức quan trọng trong sự thấu hiểu tánh cách mầu nhiệm của tất cả pháp trong quan điểm của người chứng ngộ pháp không, pháp như và sống trong đệ nhất nghĩa đế. Luận Đại Trí Độ nói:

 “Sắc tức là Bát nhã Ba la mật... dẫn đến Nhất thiết chủng trí tức là Bát nhã Ba la mật. Vì sắc “như tướng”... dẫn đến nhất thiết chủng trí như tướng, cùng với Bát nhã Ba la mật như tướng là nhất như, chẳng phải hai, chẳng phải khác”.

Sắc nói đây là đại diện cho tất cả pháp. Khi nói sắc tức là Bát nhã Ba la mật, mà Kinh và Luận đều nói Bát nhã Ba la mật là Vô Thượng Bồ đề, cũng là Nhất thiết chủng trí (gọi chung là Tát bà nhã). Điều đó có nghĩa Sắc là Vô Thượng Bồ đề, là Nhất thiết chủng trí. Vậy phàm phu làm sao thấy nỗi chỗ này!

Mệnh đề thứ hai của đoạn luận trên thuyết tiếp: “Vì sắc như tướng... dẫn đến Nhất thiết chủng trí như tướng, cùng với Bát Nhã như tướng là nhất như, chẳng phải hai, chẳng phải khác”. Sắc như, Nhất thiết chủng trí cùng với Bát nhã Ba la mật như tướng là nhất như, chẳng phải hai chẳng phải khác. Phàm phu làm sao thấy “các pháp nhất như” như chơn như, như pháp giới, như thật tế… Chỉ có bậc có huệ nhãn, pháp nhãn mới có thế thấy như vậy. Nên Kinh mới bảo tất cả pháp chẳng phải là cảnh giới nhãn căn của phàm phu.

 

2- Hơn thế nữa chúng ta không dùng “pháp như” để giải thích “tất cả pháp chẳng phải là cảnh giới nhãn căn của phàm phu có thể đạt được”, chúng ta dùng “pháp không” để giải thích: Kinh Luận nói tất cả pháp đều không, Vô Thượng Bồ đề cũng không, pháp nào cao hơn Niết bàn cũng bảo là không(2). Pháp không là Bát nhã Ba la mật, là Vô Thượng Bồ đề, là Nhất thiết chủng trí. Đó là chỗ thâm áo, phàm phu bằng nhục nhãn chỉ thấy tướng, phân biệt tướng làm sao thấy được cảnh giới của chư Phật.

 

Trong Đại Trí Độ Luận, phẩm thứ 84, “Tứ Đế”, tập 5, quyển 93, có một đoạn luận, thuyết rất kín đáo như sau:

“Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Thế nào là quán các pháp “như thật tướng”?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Đó là quán các pháp không.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là quán các pháp không?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Đó là quán các pháp tự tướng không.

Bồ Tát dùng trí huệ, quán hết thảy các pháp đều là không. Bồ Tát an trú trong tánh không mà được Vô Thượng Bồ Đề.

Vì sao? Vì tướng của “tánh không” là tướng của Vô Thượng Bồ Đề. Tướng “tánh không” đó chẳng phải do chư Phật làm ra, chẳng phải do chư Thanh Văn, chư Bích Chi Phật, chư Bồ Tát làm ra.

chúng sanh chẳng biết, chẳng thấy các pháp như thật tướng, nên Bồ Tát hành Bát nhã Ba la mật phải dùng các lực phương tiện, để vì chúng sanh thuyết ra các pháp ấy”.

Chư Bồ Tát chư Phật quán tất cả pháp đều không, các pháp “như thật tướng” mà nhập được pháp giới, giác ngộ chứng Vô Thượng Bồ đề mới có ngũ nhãn lục thần thông, thấy được cảnh giới của cả thế gian, cảnh giới của chư Phật mà chỉ cho chúng sanh.

 

Các phần sau của phẩm này chỉ thuyết về công đức Bát nhã Ba la mật mà thôi. Ai đọc cũng có thể hiểu nên không cần bàn thêm nữa. Phật bảo ngài A Nan:

“Khánh Hỷ nên biết! Ta hoàn toàn chẳng nói Bát Nhã sâu xa như danh, thân v.v... có biên giới, có hạn lượng. Vì sao? Vì danh, cú, văn, thân là pháp có hạn lượng; còn công đức lợi ích thù thắng của Bát Nhã sâu xa là pháp chẳng có hạn lượng, chẳng phải danh, thân v.v... có thể lường được”.

Câu nói này nói lên công đức vô lượng, vô biên không thể nghĩ bàn. Nên không cần bàn thêm nữa!

Thích nghĩa cho phần lược giải này:

(1). Theo Phật sử thì ngài A Nan chưa chứng lậu tận A la hán khi Phật còn tại thế. Đến khi kết tập kinh điển lần thứ I, khi Ngài A Nan vào kết tập kinh điển thì Ngài Ca Diếp bảo A Nan “Ông chưa được quả La Hán nên không thể vào kết tập được, chỉ trừ khi ông đạt được quả vị này”.

A Nan bèn vào rừng bên cạnh quán tưởng, chứng được A la hán. Rồi quay lại để gặp Ca Diếp, báo cho Ca Diếp là đã đắc A la hán rồi, xin mở cửa cho vào. Ngài Ca Diếp bảo A Nan “Nếu đã đắc A la hán thì có thể tự động vào, không cần ai mở cửa”. Nghĩa đắc A la hán thì có thần thông thì có thể tự vào được, ngài Ca Diếp muốn thử A Nan có thật đắc A la hán hay không?

Sở dĩ, chúng tôi phải kể lại câu chuyện này là vì có liên hệ với câu hỏi của Phật: A Nan chưa đắc quả A la hán, không có huệ nhãn, pháp nhãn, nên không thể thấy cảnh giới chư Phật.

(2). Niết bàn cũng là không: Phẩm thứ 60, “Học Không Bất Chúng”, tập 4, quyển 76, Đại Trí Độ Luận. Nói:

“Ví như người cắt cỏ tranh, nếu nắm quá chặt thì cạnh lá tranh có thể cắt đứt tay; tóm lại, nếu khéo léo nắm nhẹ nhàng, nhanh nhẹn thì chẳng bị đứt tay. Cũng như vậy, người học pháp không mà chưa vào được pháp tánh, thì còn chấp pháp không, và còn thấy các tác chứng; trái lại, Bồ Tát đã thâm nhập vào pháp tánh, nên biết rõ “pháp không” cũng là “không”, Niết bàn cũng là “không”, là chẳng có chỗ chứng”.

 

---o0o---

 

 

Đến đây chấm dứt phần năm,

(Hội thứ V).

 

Hội thứ V, bắt đầu từ quyển 556 cho đến hết quyển 565, vỏn vẹn chỉ có 24 phẩm, 10 quyển. Văn từ của Hội này giản dị, ngắn gọn, dễ hiểu so với các Hội trước. Tuy nhiên, giáo pháp Bát nhã Ba la mật thuyết trong bất cứ Hội nào cũng được xiển dương đầy đủ như trong Hội thứ V này. Có thể xem Hội thứ V là bản tóm lược, rút gọn bốn Hội trước mặc dù cả 5 Hội đều quản diễn cùng một đề tài như nhau. Phải nói rằng chính nhờ tụng đọc các pháp hội trước mà chúng ta trưởng thành theo từng pháp hội. Nên khi tụng tới Hội thứ V này mới thấy dễ dàng như vậy. Đó là kết quả của sự trì tụng và đó cũng chính là kinh nghiệm thực chứng của những người thọ trì Bát Nhã. Chúng tôi lược giải đại cương thôi!

Đến đây là chấm dứt năm phần chính của Đại Bát Nhã mà các nhà khảo cứu Phật đạo, các học giả, các triết gia, tu sĩ... chú trọng nhiều nhất khi nghiên cứu cũng như thọ trì kinh này.

Nếu cần khuyến cáo trong việc ôn tập và thực hành năm Hội này thì chúng tôi đề nghị: Sau khi tụng hết cả 5 Hội đầu, nên ôn lại Hội thứ V trước, vì Hội này ngắn gọn dễ hiểu dễ nhớ nhất để nắm vững tổng quát các giáo lý căn bản của ĐBN. Kế đến là đọc tụng Hội thứ II, Hội này trình bày đầy đủ các giáo lý của ĐBN, ít trùng tuyên lại chia ra thành các phẩm ngắn gọn, phẩm tựa có nội dung phù hợp với chánh văn, nên dễ đọc, dễ học, dễ nhớ lại có kèm theo lời chiết giải của Bồ Tát Long Thọ, bậc thật tu thật chứng về các pháp mầu Phật học. Kế đến, là tụng kinh “Phật Mẫu Bát Nhã” do Thí Hộ dịch tương đồng với Hội thứ IV, vì Hội này nêu lên được cốt tủy của Bát Nhã, đồng thời văn từ lại thanh thoát, xúc tích nhưng không kém phần thậm thâm. Chúng tôi không dám thay đổi bố cục của Đại Bát Nhã mà chỉ đề nghị chương trình ôn tập như vậy!

 

Bây giờ, chúng ta tiếp tục tụng Hội thứ VI. Hội này bắt đầu từ quyển 566 cho đến hết quyển 573, vỏn vẹn chỉ có 8 quyển, gói ghém trong 17 phẩm, do Phật thuyết. Hội này không phải do nhóm của Ngài Huyền Trang dịch mà do các vị đi trước dịch và nhóm của Ngài Huyền Trang sao lại và ghi thành Hội thứ VI trong Đại Bát Nhã Ba La Mật.

Nội dung Hội này đức Phật thuyết Bát Nhã và cách tu tập Bát Nhã riêng cho Thắng Thiên Vương nghe. Đây có thể xem là một Hội tuy ngắn nhưng mắc mỏ nhất, vì tất cả giáo lý khó khăn được thuyết rải rác trong năm Hội đầu, được rút gọn lại và triển khai ở Hội này, nhất là các giáo lý như chơn như, pháp giới, pháp tánh, bình đẳng tánh... Ngoài ra Phật chỉ dạy chi tiết về tu tịnh hạnh, các pháp tu hết sức khó khăn của Bồ Tát đạo hay Bồ Tát hạnh, mà các Kinh thường rút gọn trong bốn chữ là tu “lục độ vạn hạnh”.  Ai thọ trì và thâm nhập được Hội này thì thật sự đã có một bước tiến khá vững chắc trong việc học tập và thực hành Bát nhã Ba la mật.

Về phương diện giáo lý cũng như cách tu trì quán tưởng thì Hội thứ VI chẳng khác với 5 Hội đầu. Nên một số tác giả xếp Hội thứ VI với 5 Hội đầu như nhau. Chúng tôi nghĩ Hội thứ VI phải xếp riêng, vì Hội này có bố cục hơi khác so với 5 Hội đầu. Vã lại, Kinh này chỉ thuyết riêng cho Thắng Thiên Vương Bát Nhã mà thôi.

Tuy nói Hội này Phật thuyết Bát Nhã và cách tu tập cho riêng Thắng Thiên Vương nghe, nhưng thật sự Phật thuyết và dạy Bát nhã Ba la mật cho từng cá nhân chúng ta, ai cũng có phần. Nên cố gắng đọc tụng, thọ trì thôi.

Chỉ có người tìm Kinh chứ Kinh không tìm người và Phật thường bảo: “Nếu chẳng phải vô lượng trăm ngàn đại kiếp nhóm hợp công hạnh, trồng nhiều căn lành, thời chẳng được nghe công đức danh tự Bát Nhã thậm thâm”.

Chúng tôi cũng xin nói trước Phật thuyết pháp hội này siêu diệt chưa tùng thấy, nhất là các giáo pháp như pháp giới, pháp tánh, bình đẳng tánh. Hiểu các pháp này là hiểu “Thập nhị Chơn như”. Thâm nhập được thập nhị chơn như tức nhập pháp giới mà được giác ngộ. Nên pháp hội này không kém phần quan trọng so với 5 pháp hội trước.

Vậy cố gắng đọc tụng Hội này trước khi chúng ta bước sang lãnh vực mới, một lãnh vực hoàn toàn khác lạ với những điều nghĩ tưởng thế gian. Tất cả các pháp hội từ thứ VI trở đi sẽ cho chúng ta một lối lãnh hội mới, nhất là Hội thứ VII trở đi, Kinh “lật úp” tất cả những gì mà chúng ta đã đọc tụng thọ trì từ trước.

 

 

Đến đây chấm dứt Hội thứ V, ĐBN.

 

---o0o---

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]