Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tổ Đình Thiền Tôn, Huế - Nơi xuất phát Pháp Pháp Liễu Quán của Phật Giáo Việt Nam

14/10/202011:45(Xem: 5094)
Tổ Đình Thiền Tôn, Huế - Nơi xuất phát Pháp Pháp Liễu Quán của Phật Giáo Việt Nam
chua thien ton (6)

TỔ ĐÌNH THIỀN TÔN, HUẾ -
 NƠI PHÁT XUẤT PHÁP PHÁI LIỄU QUÁN
CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM.

 
Bài viết của Nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường
Do Phật tử Quảng Hương diễn đọc
từ Trang Nhà Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu


 




Chùa Thiền Tôn tọa lạc ở thôn Ngũ Tây, phường An Tây, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

 

Chùa do Thiền sư Thiệt Diệu - Liễu Quán (1667-1742) khai sơn vào cuối thế kỷ 17. Văn bia “Bia ghi sự lục Tổ đình Thiền Tôna cho biết chùa được kiến lập vào năm Quý Dậu (1693).

 

Thiền sư Liễu Quán là một cao tăng Việt Nam, thuộc Thiền phái Lâm Tế, đời pháp thứ 35. Thiền sư là người khai lập ra Pháp phái Liễu Quán mang đậm phong cách văn hóa  Việt Nam. Ngài là người có công phục hưng Phật giáo Đàng Trong.

 

Thiền sư Liễu Quán họ Lê, sinh ngày 18 tháng 11 năm Đinh Mùi (1667) tại làng Bạch Mã, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Ngài mồ côi mẹ lúc 6 tuổi. Năm 7 tuổi (1673), ngài được cha đưa đến chùa Hội Tôn, Phú Yên lễ Phật. Ngài xin ở lại chùa học đạo với Thiền sư Tế Viên. Bảy năm sau ngài Tế Viên viên tịch, ngài xin phụ thân ra Thuận Hóa học đạo với Thiền sư Giác Phong ở chùa Báo Quốc. Năm 1691, ngài trở về Phú Yên phụng dưỡng cha già. Năm 1695, ngài trở ra Thuận Hóa thọ giới Sa-di với Thiền sư Thạch Liêm ở chùa Thiền Lâm. Năm 1697, ngài thọ giới Cụ túc với Thiền sư Từ Lâm ở chùa Từ Lâm. Năm 1702, ngài đến chùa Ấn Tôn (chùa Từ Đàm ngày nay) cầu pháp với Thiền sư Minh Hoằng - Tử Dung. Ngài được Thiền sư Minh Hoằng - Tử Dung trao tâm ấn năm 1712. Ngài đã vân du thuyết pháp độ sinh trong 34 năm (1708-1742), xây dựng tự viện từ Phú Yên đến Phú Xuân, độ đệ tử xuất gia và tại gia hàng ngàn người.

 

Năm 1722, ngài trở về trụ ở chùa Thiền Tôn, Huế. Bấy giờ, chùa đã trở thành một đạo tràng lớn với hàng ngàn lượt đệ tử đến nghe pháp, học đạo, trong đó có hạng tể quan ở phủ chúa Nguyễn. Tại chùa Thiền Tôn trong ba năm 1733, 1734 và 1735, ngài đã mở ba Đại giới đàn truyền giới cho hàng ngàn người. Năm 1740, ngài mở Long Hoa giới đàn rồi trở về Tổ đình. Bấy giờ, chúa Nguyễn kính trọng đạo đức Sư nên thỉnh ngài vào cung nhưng ngài từ tạ, không đến. Mùa Xuân năm Nhâm Tuất (1742), ngài mở Đại giới đàn tại chùa Viên Thông (nơi ngài khai sơn), truyền giới xuất gia và tại gia cho hàng ngàn người.

 

Thiền sư Liễu Quán viên tịch ngày 22 tháng 11 năm Nhâm Tuất (1742), trụ thế 75 năm. Chúa Nguyễn Phúc Khoát sắc lập bia và ban Thụy hiệu là “Chính Giác Viên Ngộ Hòa Thượng”. Lễ thỉnh kim quan của ngài nhập tháp được tổ chức vào ngày 19 tháng 02 năm Quý Hợi (1743). Bảo tháp ngài được lập ở triền núi Thiên Thai, cách chùa 1km về phía nam vào năm 1743; trùng tu năm 1748, năm 1815 và năm 2001 nhân dịp đại trùng tu ngôi tổ đình Thiền Tôn. Cổng tháp là một công trình mỹ thuật, mặt trước có phù điêu đắp nổi “lưỡng long tranh châu” và câu: 曇 花 落 去 有 餘 香 “Đàm hoa lạc khứ hữu dư hương”; hai bên cổng có câu đối:

 

                   寶 鐸 長 鳴 不 斷 門 前 流 淥 水 ;

                   法 身 獨 露 依 然 坐 裏 看 青 山 。

 

Bảo đạc trường minh bất đoạn môn tiền lưu lục thủy;

Pháp thân độc lộ y nhiên tọa lý khán thanh sơn.

Tạm dịch:

 

                        Tiếng mõ vang lừng, trước ngõ không ngừng dòng suối biếc,

                        Pháp thân vòi vọi, quanh tòa cao ngút dãy non xanh.

(HT. Thích Hải Ấn phiên âm và dịch nghĩa)

 

Thiền sư Liễu Quán đã để lại bài kệ truyền pháp 48 chữ sau đây:

 

實 際 大 道

性 海 清 澄

心 源 廣 潤

德 本 慈 風

戒 定 福 慧

體 用 圓 通

永 超 智 果

密 契 成 功

傳 持 妙 裏

演 暢 正 宗

行 解 相 應

達 悟 真 空

Thiệt Tế Đại Đạo

Tánh Hải Thanh Trừng

Tâm Nguyên Quảng Nhuận

Đức Bổn Từ Phong

Giới Định Phước Huệ

Thể Dụng Viên Thông

Vĩnh Siêu Trí Quả

Mật Khế Thành Công

Truyền Trì Diệu Lý

Diễn Xướng Chánh Tông

Hạnh Giải Tương Ưng

Đạt Ngộ Chơn Không.

 

Tổ sư Tế Hiệp - Hải Điện kế vị trú trì đời thứ 2. Quan chưởng Thái giám Đoán Tài Hầu Mai Văn Hoan pháp danh Tế Ý làm Hội chủ. Năm Đinh Mão (1747), chùa được trùng tu, mở rộng, làm biển hiệu chùa. Trong dịp này, Đoán Tài Hầu cùng Phật tử đã hợp lực chú tạo đại hồng chung nặng 855 cân cúng chùa, lạc khoản ở chuông đề năm Cảnh Hưng bát niên (1747). Năm Tân Mùi (1751), chùa được cấp tự điền. Năm Nhâm Thìn (1772), được duyệt cấp bằng khoán tự điền.

 

Tổ Tế Hiệp - Hải Điện viên tịch năm Ất Mùi (1775), truyền lại cho Tổ sư Tế Mẫn - Tổ Huấn kế vị trú trì đời thứ 3. Năm Đinh Dậu (1777), chùa được trùng tu, lợp mái.

 

Hà Xuân Liêm trong sách “Những ngôi chùa Huếb cho biết:

 

Cũng từ Tổ đình Thuyền Tôn, các ngài có chữ ‘Tế” đã tỏa ra đi vân du hóa đạo khắp Nam Hà. Trừ các ngài Tế Hiệp - Hải Điện, Tế Mẫn - Tổ Huấn, Tế Hiển - Trạm Quang ở lại Tổ đình; còn ngài Tế Phổ - Viên Trì ra trùng hưng chùa Viên Thông, ngài Tế Nhơn - Hữu Bùi và ngài Tế Ân - Lưu Quang ra trùng hưng và trú trì chùa Báo Quốc, ngài Tế Ngữ - Chính Dõng ra trùng hưng chùa Từ Lâm, ngài Tế Vĩ ra khai sơn chùa Đông Thuyền … Hầu hết chùa ở Huế hiện nay; chùa Cổ Lâm, chùa Bảo Tịnh ở Phú Yên; chùa Long Thọ ở Thủ Dầu Một; chùa Đức Lâm ở Gia Định; chùa Linh Sơn ở núi Bà Đen Tây Ninh; chùa Phi Lai ở Châu Đốc đều có thế hệ truyền thừa theo bài kệ Thiệt Tế Đại Đạo Tánh Hải Thanh Trừng của Tổ Liễu Quán, làm cho sơn môn pháp phái thiền ở núi Thiên Thai long thịnh, rực rỡ mãi cho đến tận ngày nay.

 

Tổ Tế Mẫn - Tổ Huấn viên tịch năm Mậu Tuất (1778), truyền lại cho Hòa thượng Đại Tuệ - Chiếu Nhiên (có chỗ gọi Đại Văn - Chiếu Nhiên) kế vị trú trì đời thứ 4. Ngài đã trùng hưng ngôi Tổ đình.

 

Văn bia “Bia ghi sự lục Tổ đình Thiền Tôn” cho biết:

 

Gặp thời Tây Sơn, tự điền bị chiếm dụng, chùa chiền của cải hư hao, Tăng chúng tán thất, Hòa thượng trú trì âm thầm tự tu và dấu kỹ pháp khí, may giữ lại được giấy tờ. Năm 1789, lệnh cấm được bãi bỏ, Hòa thượng trở về nhóm họp Tăng chúng, giáo phái tạm thời hưng khởi. Năm 1793, có thí chủ bà Đốc Hữu phát nguyện dựng nhà tranh, thiện tín vân tập ngày càng hưng thịnh. Năm 1799, Hoàng đệ Thái Tổ (thuộc triều Tây Sơn), tuổi vừa hai mươi sáu, phát nguyện rộng lớn, hết lòng sùng kính Tam Bảo, phát tâm chẩn thí, ủy cho Đại Tư Mã sùng tu tự viện trang nghiêm quang rạng. Năm 1801, vua Gia Long thống nhất đất nước, tôn sùng tượng giáo, Tăng già được trọng nễ.

 

Hòa thượng Đại Tuệ - Chiếu Nhiên viên tịch năm Nhâm Tuất (1802), truyền lại cho Thủ tòa huý Đạo Tâm tức Hòa thượng Trung Hậu kế vị trú trì đời thứ 5. Năm Quý Hợi (1803), ngài Đạo Tâm - Trung Hậu tổ chức trùng kiến ngôi chùa, làm sườn gỗ lợp ngói, có sự đóng góp tịnh tài của tín nữ Lê Thị Tạ pháp danh Tiên Quý. Sinh hoạt ở Tổ đình được phục hưng.

 

 Văn bia “Bia ghi sự lục Tổ đình Thiền Tôn” cho biết:

 

Năm sau (1803), Hòa thượng xin lại đại hồng chung nhận về bổn tự (thời Tây Sơn, chuông này bị đem làm tự khí ở Văn Thánh cũ [1]). Bấy giờ khai Đàn U minh 21 ngày để cầu nguyện quốc thái dân an. Năm 1807, có hai vị công chúa, tấu xin ruộng đất Tam Bảo (tọa lạc ở hai huyện Phú Vang, Hương Trà, hơn 10 mẫu) nhận lại để phụng tự (lúc đầu quân Tây Sơn lấy đem cấp làm bổng lộc cho các Nha), nhờ có Thượng thư Bộ Hộ Tích Thiện Hầu tấu đạt, nên được chuẩn y. Ba gò huyền võ của núi Thiên Thai, cũng được vua sắc cấm; giếng xưa bên chùa sửa lại bờ thành, cây hoa trong vườn hồi xuân, Đàn-na dựng nhà ngói, xây nhà tranh, tứ chúng ngày mỗi đông, huy hoàng trở lại như xưa. Sông núi mấy độ tang thương không ngờ chỉ trong bốn, năm năm, tự vũ lại trang nghiêm, rực rỡ.

 

Đặc biệt, vào năm Đinh Mão (1807), có hai vị công chúa và nhiều vị trong hoàng gia triều vua Gia Long phát tâm dựng nhà phương trượng; đến năm Kỷ Tỵ (1809), lại tổ chức trùng tu ngôi chánh điện, tiền đường. Ngôi phạm vũ trở nên nguy nga, tráng lệ.

 

Vào thời gian này, các ngài có chữ “Đạo” đã có mặt ở hầu hết các tỉnh từ Huế vào Nam làm Pháp phái Thiền Liễu Quán phát triển rất mạnh và Tổ đình Thiền Tôn trở thành ngôi Tổ đình lớn.

 

Hòa thượng Đạo Tâm - Trung Hậu viên tịch năm Giáp Ngọ (1834). Kế tục trú trì đời thứ 6 là Đại sư Tánh Thiện - An Cư.

 

Đại sư Tánh Thiện - An Cư viên tịch năm Nhâm Tuất (1862). Đại sư Hải Nhuận - Phước Thiêm kế tục trú trì đời thứ 7. Năm Bính Tuất (1886), ngài tổ chức trùng tu chùa.

 

Năm Ất Mùi (1895), ngài được triều đình bổ nhiệm làm Tăng cang chùa Diệu Đế. Năm Mậu Tuất (1898), ngài bị bệnh xin nghỉ, mọi việc giao cho các đệ tử trông coi, từ đó, Tổ đình sa sút dần.

 

Năm Kỷ Hợi (1899), chư Sơn môn đồng cử Đại sư Tâm Thiền là pháp tự thứ 7 của ngài Diệu Giác làm trú trì đời thứ 8. Ngài làm đơn xin đo đạc ruộng Tam Bảo ở làng Thần Phù. Ngài đã tổ chức trùng tu Tổ đình, xây thêm hậu điện.

 

Hòa thượng Tâm Khoan, sư đệ của Đại sư Tâm Thiền kế tục trú trì đời thứ 9. Ngài đã cho dựng các mốc giới đất đai của chùa và tháp tổ, đến nay vẫn còn.

 

Năm Đinh Sửu (1937), Hòa thượng Tâm Khoan viên tịch, sau đó Sơn môn đồng suy cử Hòa thượng Trừng Thủy - Giác Nhiên làm trú trì đời thứ 10. Ngài đã trùng tu Tổ đình năm Kỷ Mão (1940).

 

Hòa thượng Trừng Thủy - Giác Nhiên kế thừa đời thứ 42 dòng Thiền Lâm Tế, đời thứ 8 Pháp phái Thiền Liễu Quán. Ngài thế danh là Võ Chí Thâm, sinh năm Mậu Dần (1878) tại làng Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Năm 18 tuổi (1896), ngài vào chùa Từ Hiếu xin xuất gia, bổn sư là Hòa thượng Tâm Tịnh. Ngày mồng 8 tháng 4 năm Canh Tý (1900), ngài thọ giới Sa di. Năm Canh Tuất (1910), ngài thọ giới Cụ túc với Hòa thượng Vĩnh Gia chùa Phước Lâm, Quảng Nam, tham học với Hòa thượng Tuệ Pháp chùa Thiên Hưng và Hòa thượng Phước Huệ chùa Thập Tháp Di Đà, Bình Định. Năm Kỷ Mùi (1919), ngài được Bộ Lễ cử làm trú trì quốc tự Thánh Duyên; đến năm Bính Tý (1936), vua Khải Định cử ngài làm Tăng cang ngôi chùa này. Năm Đinh Sửu (1938), ngài làm trú trì Tổ đình Thiền Tôn. Các năm 1958-1962, ngài đảm nhận chức Chánh Hội Trưởng Tổng Trị sự Hội Phật giáo Trung phần suốt 4 niên khóa. Năm Quý Sửu (1973), đức Tăng Thống Tịnh Khiết viên tịch, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất suy tôn ngài kế vị Tăng Thống cho đến ngày viên tịch mồng 6 tháng giêng năm Kỷ Mùi (1979) tại Tổ đình Thiền Tôn, thọ 102 tuổi đời và 69 tuổi đạo.

 

Sau khi Hòa thượng Trừng Thủy - Giác Nhiên viên tịch, Sơn môn đã cung cử Hòa thượng Tâm Phật - Thiện Siêu kế vị trú trì đời thứ 11. Ngày 19 tháng giêng năm Canh Thìn (23.02.2000), Hòa thượng Thiện Siêu đã tổ chức đại trùng tu Tổ đình thành ngôi phạm vũ khang trang, rộng lớn, mỹ lệ. Chùa được khánh thành trọng thể vào ngày rằm tháng 02 năm Tân Tỵ (09.3.2001).

 

Hòa thượng Tâm Phật - Thiện Siêu thế danh Võ Trọng Tường sinh năm Tân Dậu (1921) ở làng Thần Phù, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm 14 tuổi (1935) ngài xin xuất gia. Ban đầu, ngài theo học Phật pháp tại chùa Trúc Lâm, Huế. Năm 28 tuổi (1949), ngài được Bổn sư là Hòa thượng Giác Nhiên cho phép thọ Cụ túc giới tại giới đàn chùa Báo Quốc do Hòa thượng Tịnh Khiết làm Đàn đầu. Trong giới đàn này, ngài đỗ Thủ Sa-di. Các năm 1973-1974, ngài giữ chức vụ Viện trưởng Viện Cao đẳng Phật học Hải Đức, Nha Trang. Năm 1981, ngài được cử làm Trưởng Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương GHPGVN. Năm 1984, ngài được cung cử vào chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN. Năm 1991, ngài được cung cử làm Phó Chủ tịch Hội đồng phiên dịch Đại tạng kinh Việt Nam, đặc trách Hán tạng. Năm 1997, ngài được cung cử làm Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế cho đến ngày viên tịch 17 tháng 8 năm Tân Tỵ (2001) tại Tổ đình Từ Đàm, thọ 81 tuổi đời, 52 tuổi đạo.

 

Sau khi Hòa thượng Thiện Siêu viên tịch, Môn phái Tổ đình đã họp ngày 20.11.2001 đồng thuận cung thỉnh Hòa thượng Thiện Bình kế vị trú trì đời thứ 12.

 

Hòa thượng Tâm Địa - Thiện Bình thế danh Nguyễn Văn Tuấn, sinh năm Quý Dậu (1933) tại xã Mỹ Bình, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. Năm 14 tuổi, ngài được học đạo với Hòa thượng Chánh Hòa, trú trì chùa Long Sơn, Nha Trang. Sau đó, ngài được Hòa thượng Thiện Minh hướng dẫn ra Huế xuất gia với Hòa thượng Giác Nhiên, trú trì Tổ đình Thiền Tôn. Ngài được Bổn sư cho theo học tại Phật học đường Báo Quốc. Năm 18 tuổi (1950), ngài được thọ giới Sa di tại giới đàn chùa Linh Quang, Huế. Năm 20 tuổi (1952), ngài được Bổn sư cho thọ giới Cụ túc tại giới đàn chùa Báo Quốc do Hòa thượng Tịnh Khiết làm Đàn đầu. Năm 1968, ngài được Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất cử làm Chánh Đại diện Phật giáo tỉnh Khánh Hòa. Các năm 1990-2016, ngài được tín nhiệm giữ chức vụ Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa. Năm 2012, ngài được cung thỉnh vào ngôi vị Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN. Ngài đã viên tịch ngày 18 tháng 10 năm Bính Thân (2016) tại Tổ đình Long Sơn, Nha Trang, thọ 84 tuổi đời, 64 tuổi đạo.

 

Năm Đinh Dậu (2017), trong dịp lễ Tiểu tường cố Hòa thượng Thiện Bình, Môn phái đã thỉnh Hòa thượng Thanh Đàm kế vị trú trì đời thứ 13.

 

Sau lần đại trùng tu vào năm 2001, Tổ đình Thiền Tôn trở thành ngôi thiền tự uy nghiêm, lộng lẫy, thoáng đãng. Qua nhiều bậc cấp lên chùa là cổng gồm bốn trụ lớn kiến trúc mỹ thuật, mỗi trụ đều có câu đối hai mặt (mặt trước khắc chữ Hán, mặt sau khắc chữ quốc ngữ). Sân trước chùa rộng, có cây bồ đề cao lớn, đài Quán Thế Âm, tháp chuông và nhà bia. Tấm bia “Bia ghi sự lục Tổ đình Thiền Tôn” do Ngài Như Như đạo nhân (tác giả bộ Hàm Long Sơn Chí) soạn thảo năm Thành Thái thứ 13 (1901) và Hòa thượng Thích Thiện Siêu tục biên phần cuối vào năm Tân Tỵ (2001)[2]; bia có hai mặt (một mặt khắc chữ Hán, một mặt khắc chữ quốc ngữ).

 

Ngôi chánh điện xây dựng theo kiểu trùng lương trùng thiềm, trên nóc chùa có rồng hai bên quay đầu vào chầu hổ phù ở giữa, trên có bánh xe pháp luân. Các đầu đao trang trí hình long lân quy phụng.

 

Điện Phật được bài trí tôn nghiêm, thờ tượng Tam Thế Phật và tượng đức Phật Thích Ca. Án hai bên thờ tượng Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ tát Địa Tạng; tượng Thập Điện Minh Vương, Hộ Pháp và Quan Công. Chùa có đại hồng chung chú tạo năm Đinh Mão (1747). Ở Phật điện có cặp câu đối như sau:

 

                   般若本無言離四句絕百非應化隨緣說無量無邊妙法 ;

                   菩提先有願證三明具五眼俱圓福果成大雄大力慈尊 .

Phiên âm:

 

Bát nhã bổn vô ngôn, ly tứ cú tuyệt bách phi, ứng hóa tùy duyên, thuyết vô lượng vô biên diệu pháp;

Bồ Đề quang hữu nguyện, chứng tam minh cụ ngũ nhãn, câu viên phước trí, thành đại hùng đại lực Thế Tôn.

 

Tạm dịch:

 

Bát nhã vốn không lời, rời bốn vế, trừ trăm không, ứng hóa tùy duyên, giảng diệu pháp vô lượng, vô biên;

Bồ đề cần có nguyện, chứng tam minh, đủ năm mắt, tựu thành quả phúc, thành Từ Tôn đại hùng, đại lực.

 

                                                               (HT. Thích Hải Ấn phiên âm và dịch nghĩa)

 

Phía nam chùa có bảo tháp Tổ Thiệt Diệu - Liễu Quán được xây dựng vào năm 1743 và đại trùng tu năm 2001. Trên ngọn đồi thấp ở phía đông có khu bảo tháp chư vị Hòa thượng trú trì Tổ đình: Hòa thượng Tăng Thống Trừng Thủy - Giác Nhiên, Hòa thượng Tâm Phật - Thiện Siêu …

 

Tổ đình Thiền Tôn là ngôi thiền tự lớn ở Huế xưa nay. Chùa đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục Việt Nam vào ngày 05.5.2008 là “Ngôi chùa phát xuất dòng thiền Liễu Quán ở Việt Nam.”

 

 

Võ Văn Tường

 

 

 

                                                            CHÚ THÍCH

 

a. Thích Thiện Siêu (2001), Bia ghi sự lục Tổ đình Thiên Tôn, Tổ đình Thiền Tôn, Thừa Thiên Huế.

b. Hà Xuân Liêm (2000), Những ngôi chùa Huế, nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế, trang 170-171.

 

   TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

Hà Xuân Liêm (2000), Những ngôi chùa Huế, nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế, trang 164-176.

Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm (2001), Lịch sử Phật giáo xứ Huế, nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh, trang 613-617.

Võ Văn Tường (1996), Việt Nam Danh lam Cổ tự, ngôn ngữ: Việt-Anh-Pháp-Hoa, tái bản lần 4, nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, trang 146-147.

Võ Văn Tường (2007), 108 Danh lam Cổ tự Việt Nam, ngôn ngữ: Việt-Anh-Pháp-Hoa, nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế, trang 149-152.

Võ Văn Tường, Lê Trần Trường An (2019), Chùa Việt Nam - Những kỷ lục về Di sản Văn hóa, ngôn ngữ: Việt - Anh, nhà xuất bản Thông Tấn, Hà Nội, trang 212-215.

 

                                                         PHỤ LỤC 1

 

                                  Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán (1667 - 1742)
                                                  Chùa Thiền Tôn, Huế


賜 臨 濟 正 宗 第 三 什 五 世

了 觀 正 覺 圓 悟 和 尚 碑 銘

 

夫 吾 教 中 為 一 大 事 何 也 生 不 出 死 關 來 死 不 入 死 關 去 是 以 古 人 岩 居 巢 處 廢 寢 忘 凔 不 惜 身 命 皆 為 生 死 事 大 耳。當 今 之 世 教 衰 法 末 能 為 大 事 者 固 有 如 了 觀 和 尚 者 實 希 矣。        

師 原 籍 在 富 安 府 同 春 縣 泊 馬 社 黎 氏 子 法 名 實 耀 字 了 觀 童 真 入 道 天 姿 高 邁 氣 宇 超 羣。 六 歲 母 丧 即 欲 出 塵。父 即 送 詣 會 宗 寺 禮 際 圓 和 尚 為 師。 經 七 載 和 尚 西 歸 特 趋 順 都 礼 覺 峰 老 祖。 至 辛 未 年 薙 染 甫 歲 歸 鄉 鬻 薪 供 父 荏 苒 四 載 父 即 謝 㔺。乙 亥 再 詣 順 都 禮 長 壽 石 老 和 尚 授 沙 彌 戒。丁 丑 年 禮 慈 林 老 和 尚 圓 具 足 戒。己 卯 遍 參 叢 社 甘 受 淡 薄 心 常 思 惟 何 法 最 為 第 一 我 決 捨 身 命 依 法 修 行。聞 諸 方 禪 和 云 子 融 和 尚 善 教 人 念 佛 參 禪 第 一。壬 午 往 龍 山 參 子 融 和 尚 向 求 參 禪。和 尚 令 參 萬 法 歸 一 一 歸 何 處。日 夜 參 究 至 八 九 年 一 無 所 淂 心 甚 慚 惶。一 日 因 看 傳 燈 至 指 物 傳 心 人 不 會 處。忽 然 悟 入 因 海 隔 山 遙 呈 悟 弗 能。至 戊 子 春 方 往 龍 山 求 和 尚 證 明 将 所 做 工 夫 逐 一 呈 證。至 指 物 傳 心 人 不 會 處。和 尚 云。懸 崖 撒 手 自 肯 承 當 絕 後 再 甦 欺 君 不 得 作 麼 生 道 看。師 撫 掌 呵 呵 大 笑。尚 云。未 在。師 云。秤 錘 原 是 鐵。尚 云。未 在。次 日 尚 云。昨 者 公 案 未 完。再 道 看。師 云。早 知 燈 是 火 飯 熟 已 多 時。尚 大 稱 贊。壬 辰 夏。和 尚 來 廣 進 全 院。師 呈 浴 佛 偈。尚 舉 云。祖 祖 相 傳 佛 佛 授 受。未 審 傳 受 個 甚 麼。師 云。石 笋 抽 倏 長 一 丈。龜 毛 拂 子 重 三 斤。尚 復 舉 云。高 高 山 上 行 船。深 深 海 底 走 馬。又 作 麼 生。師 云。折 角 泥 牛 徹 夜 吼。沒 弦 琴 子 盡 日 彈。一 一 拈 出 入 室 求 證。和 尚 看 完 大 悅。深 許 印 可。師 臨 機 智 辨 函 盖 相 合 水 乳 相 投。機 緣 甚 多 不 錄。壬 寅 年。師 來 順 都 住 祖 庭。癸 丑 甲 寅 乙 卯 應 諸 護 法 宰 官 居 士 及 緇 素 等 請 歷 開 四 大 壇 戒。庚 申 進 龍 華 放 戒。復 回 祖 庭。當 今 聖 君 重 德 為 法 心 殷。嚮 師 道 味 詔 勅 入 宮 緣 師 高 尚 志 在 林 泉。謝 詔 免 赴。壬 戌 春 重 開 戒 壇 於 圓 通 寺。秋 末 示 染 微 疾 状 似 無 病。至 十 月 間 謂 門 人 曰。吾 将 歸 矣。世 緣 已 盡 侍 徒 諸 人 悉 皆 涕 泣。師 曰。汝 等 悲 泣 阿 誰。諸 佛 出 㔺 猶 示 涅 槃。吾 今 來 去 分 明。歸 必 有 所 汝 等 不 合 悲 泣。至 十 一 月。於 示 寂 數 日 之 前。端 坐 索 筆 書 偈 辭 世。偈 曰:

七 十 餘 年 世 界 中                 

空 空 色 色 亦 融 通        

                   今 朝 願 滿 還 家 裏        

                   何 必 奔 忙 問 祖 宗

雖 然 如 是。老 僧 最 後 句 作 麼 生 道。巍 巍 堂 堂 煒 煒 煌 煌。昔 日 這 個 來 今 朝 這 個 去 要 問 來 去 事 若 何。湛 湛 碧 天 秋 月 皎。大 千 沙 界 露 全 身。吾 去 後。汝 等 當 思 無 常 迅 速。勤 學 般 若 毌 忽 吾 言 各 宜 勉 之。及 二 十 二 日 黎 明 茶 話 行 禮 畢 問 曰。今 何 時 乎。門 人 對 曰。未 時 也。奄 然 而 逝。奏 聞。勅 賜 碑 記 獎 師 道 行 謚 正 覺 圓 悟 和 尚。師 生 丁 未 年 十 一 月 十 八 日 辰 時。春 秋 七 十 有 六。四 十 三 傳 衣 說 法 利 生。三 十 四 載 嗣 法 四 十 九 人 緇 素 得 道 利 者 不 計 千 萬。癸 亥 年 二 月 十 九 日 入 塔。墖 建 在 香 茶 縣 安 舊 山 天 台 之 南 也。継 值 南 詢 聞 師 道 風 高 峻。行 化 是 邦 度 人 無 數 契 佛 祖 心 断 衲 子 命 行 解 真 實。遐 邇 共 欽 惜 乎 不 及 見 耳。玆 諸 門 人 及 薙 徒 等 念 墖 既 造 記 應 隨 立。知 継 是 個 中 人 必 諳 個 中 事。所 以 特 來 徵 銘 立 石。継 愧 筆 墨 荒 疎 安 敢 承 任。但 沗 在 法 門 中。誼 固 難 辭。兼 欽 風 有 素 若 不 為 其 闡 揚 法 化。則 後 世 無 述 焉。

噫。以 㔺 諦 目 之。則 有 生 滅 去 來 之 相 若 以 道 眼 視 之。則 不 然。師 雖 寂 滅 已 證 於 涅 槃 之 城。處 不 生 不 滅 之 所 焉。用 贊 為 因。師 生 前 有 許 多 洪 功 偉 績。自 不 可 埋 沒 其 㔺 間 相 與 入 道 因 緣 恐 未 得 其 詳。即 所 撰 次。譬 如 盲 人 摸 象。只 知 一 端 而 已。銘 曰﹕

滹 沱 衍 派                            源 遠 流 長

慧 燈 續 燄                            祖 道 重 光

兒 孫 無 數                            如 象 如 龍

寶 山 突 出                            異 目 超 宗

無 碍 智 辨                            痛 快 機 鋒

化 權 既 歛                            孰 紹 高 風

天 台 之 麓                            窣 堵 無 縫

法 身 獨 露                            萬 象 之 中

景 興 九 年 四 月 日

中 華 福 省 溫 陵 桑 蓮 寺 法 姪 善 継 和 南 撰

 

                                     VĂN BIA THÁP MỘ TỔ LIỄU QUÁN

 

Dịch nghĩa:


Bia Minh Tháp của Hòa thượng Liễu Quán thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tôn đời thứ 35 được sắc phong là Chánh Giác Viên Ngộ.

 

Ôi, trong giáo pháp Phật đà của ta, việc trọng đại nhất là gì ? Con người sinh ra không từ cửa tử mà đến, chết không vào cửa tử mà đi. Thế nên người nằm non ở tổ, bỏ ngủ quên ăn, chẳng tiếc thân mạng, đều vì việc lớn sinh tử.


Ở thời giáo suy pháp mạt này mà có người vì việc lớn sinh tử như Hòa thượng Liễu Quán, thật là hy hữu.


Sư sinh giờ Thìn, ngày 18 tháng 11, năm Đinh Mùi (1667) tại làng Bạc Mã, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên (nay là làng An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên).

 

Sư họ Lê, húy Thật Diệu, hiệu Liễu Quán; đi tu từ nhỏ. Sư có thiên tư cao lớn, khí vũ siêu quần. Sáu tuổi mồ côi mẹ, chí muốn xuất trần, được thân sinh đưa đến chùa Hội Tôn xin tu học với Hòa thượng Tế Viên; được 7 năm thì Hòa thượng viên tịch. Sư tìm ra Huế đô lễ Giác Phong Lão tổ ở chùa Hàm Long - Báo Quốc.

 

Năm Tân Mùi (1691) vừa xuống tóc xuất gia tròn một năm sư lại trở về quê Phú Yên hằng ngày bán củi nuôi cha. Thắm thoắt bốn năm thì cha qua đời.

 

Năm Ất Hợi (1695), Sư trở lại Thuận đô thọ giới Sa-di với Hòa thượng Thạch Liêm. Hai năm sau, nhằm năm Đinh Sửu (1697), thọ giới Cụ túc với Từ Lâm Lão Hòa thượng. Năm Kỷ Mão (1699), Sư tham lễ khắp chốn tòng lâm, cam sống đời đạm bạc, tâm thường suy nghĩ: "Có pháp gì cao siêu nhất ta quyết bỏ thân mạng để theo pháp đó tu hành". Nghe nhiều bậc thiền hòa các nơi nói: "Hòa thượng Tử Dung là vị khéo dạy người niệm Phật, tham thiền nhất".


Năm Nhâm Ngọ (1701), Sư tìm đến Long Sơn, tham yết Hòa thượng Tử Dung, cầu pháp tham thiền. Hòa thượng dạy tham cứu câu "Vạn pháp quy nhất, nhất quy hà xứ" - "Muôn pháp về một, một về chỗ nào". Ngày đêm tham cứu, trải qua tám chín năm mà không ngộ được gì, tâm rất hỗ thẹn. Ngày nọ nhân đọc Truyền Đăng Lục đến câu "Chỉ vật truyền tâm, nhân bất hội xứ" - "Chỉ vật truyền tâm, chỗ người không hiểu" bỗng nhiên ngộ nhập. Song vì biển núi xa cách, không thể trình bày chỗ ngộ với Thầy.

 

Mãi đến xuân Mậu Tý (1708) mới trở lại Long Sơn cầu Hòa thượng Tử Dung chứng minh, đem công phu tham cứu trình xin ấn chứng, đến câu "Chỉ vật truyền tâm, nhân bất hội xứ", Hòa thượng dạy: "Huyền nhai tán thủ, tự khẳn thừa đương; tuyệt hậu tái tô, khi quân bất đắc" "Vực thẳm buông tay, tự mình đương lấy; chết đi sống lại, dối ông sao được". Thế nào, thế nào, nói xem. Sư vỗ tay cười lớn: Ha ha ! Hòa thượng dạy: "Chưa nhằm". Sư thưa: "Bình chùy nguyên thị thiết" - "Cái cân nguyên là sắt". Hòa thượng dạy: "Chưa nhằm".


Hôm sau, Hòa thượng dạy: "Công án ngày qua chưa rồi, nói lại xem". Sư thưa: "Tảo tri đăng thị hỏa, phạn thục dĩ đa thời - Sớm biết đèn là lửa, cơm chín đã lâu rồi". Hòa thượng rất khen.


Mùa hạ năm Nhâm Thìn (1712), Hòa thượng đến sách tấn rộng rãi toàn viện, Sư trình bài kệ "Dục Phật" (Tắm Phật), Hòa thượng hỏi: "Tổ Tổ tương truyền, Phật Phật thọ thọ, vị thẩm truyền thọ cá thậm ma? - Tổ Tổ truyền cho nhau, Phật Phật trao nhận với nhau, chưa rõ trao nhận cái gì?". Sư đáp: "Thạch duẩn trừu điều trường nhất trượng; quy mao phất tử trọng tam cân - Măng đá nảy cành dài một trượng; phủ phất lông rùa nặng ba cân". Hòa thượng lại dạy: "Cao cao sơn thượng hành thuyền, thâm thâm hải để tẩu mã - thuyền đi trên đỉnh núi cao; ngựa chạy dưới đáy biển sâu là thế nào?” Sư thưa: "Chiết giác nê ngưu triệt dạ hống, một huyền cầm tử tận nhật đàn - Đàn cầm đứt dây rung suốt buổi; trâu đất gãy sừng rống thâu đêm".

 

Mỗi mỗi nêu ra và vào thất cầu chứng, Hòa thượng xem xong, rất vui, rất bằng lòng ấn khả. Sư gặp cơ hội, lấy trí biện đáp rất thích hợp, như nắp đậy hộp, sữa hòa nước. Cơ duyên rất nhiều, không thể chép hết.

 

Năm Nhâm Dần (1722), Sư trở lại Huế đô, trú ở Tổ đình luôn trong ba năm Quý Sửu, Giáp Dần và Ất Mão thể theo lời thỉnh cầu của Cư sĩ Tể Quan hộ pháp và các hàng xuất gia tại gia, mở bốn giới đàn lớn. Năm Canh Thân (1740) lại tấn đàn Long Hoa truyền giới rồi trở về Tổ đình.


Bấy giờ chúa Nguyễn quý trọng đạo đức Sư, có tâm ân cần vì pháp đối với đạo vị của Sư nên xuống chiếu sắc mời Sư vào cung, nhưng Sư vốn cao thượng, chí nguyện ở suối rừng mà tạ từ chiếu chỉ, không đến.


Mùa xuân năm Nhâm Tuất (1742) lại mở giới đàn ở chùa Viên Thông; đến mùa thu năm ấy nhuốm bệnh nhẹ, giống như không bệnh; đến giữa tháng 10, Sư gọi môn đồ đến dạy rằng: "Duyên ở đời đã hết, ta sắp đi đây". Môn đồ khóc lóc, Sư bảo: "Các ngươi khóc cái gì? Chư Phật ra đời còn nhập Niết-bàn, ta nay đến đi rõ ràng, về tất có chỗ, các ông không nên buồn khóc".


Đến tháng 11 năm ấy, trước khi thị tịch mấy ngày, Sư ngồi ngay thẳng, lấy viết chép kệ từ biệt đời. Kệ rằng:


"Hơn bảy mươi năm trong thế giới,
Không không sắc sắc thảy dung thông,
Ngày nay nguyện mãn về nhà cũ,
Nào phải bôn ba hỏi Tổ tông".


Tuy nhiên như vậy, câu cuối cùng của Lão tăng hiểu thế nào, hãy nói: "Nguy nguy đường đường, vĩ vĩ hoàng hoàng. Tích nhật giá cá lai, kim triêu giá cá khứ, yếu vấn lai khứ sự nhược hà. Trạm trạm bích thiên thu nguyệt hạo, đại thiên sa giới lộ toàn thân - Nguy nguy đường đường, sáng láng rực rỡ. Ngày xưa cái ấy đến, ngày nay cái ấy đi, cần hỏi việc đến đi thế nào. Trời xanh lặng lặng trăng thu sáng, thế giới đại thiên lộ toàn thân". Sau khi ta đi, các ông hãy nên nghĩ đến vô thường mau chóng, siêng học Bát-nhã, chớ bỏ qua lời ta. Mỗi người hãy nên cố gắng.

 

Vào ngày 22, sáng sớm uống trà, nói chuyện và hành lễ xong, Sư hỏi: "Bây giờ là giờ gì?" Môn đồ đáp: "Giờ Mùi". Sư an nhiên thị tịch.


Chúa sắc làm bia ký ca ngợi đạo hạnh của Sư, ban thụy hiệu là: Chánh Giác Viên Ngộ Hòa Thượng.


Sư sinh giờ Thìn ngày mười tám tháng 11 năm Đinh Mùi (1667), thọ 76 tuổi; 45 năm được truyền y, 34 năm thuyết pháp lợi sinh. Đệ tử nối pháp có 49 người. Hàng tại gia, xuất gia được lợi ích nhờ sự hóa đạo của sư có cả ngàn vạn.


Ngày 19 tháng 2 năm Quý Hợi (1743), nhập tháp tại phía nam núi Thiên Thai thuộc xã An Cựu, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên.


Kế tôi gặp lúc đi đến phương nam hỏi han, nghe nói Sư đạo phong cao lớn, hành hóa ở xứ này, độ người vô số, khế hợp tâm Phật tổ, nối đời xuất gia, công hạnh và kiến giải chơn thật, xa gần đều khâm phục. Rất tiếc tôi không kịp được gặp. Nay các môn nhân và đồ chúng nghĩ rằng: Tháp đã làm xong, cần phải dựng bia ký, biết Kế tôi là người trong cuộc, chắc biết việc trong cuộc nên đặc biệt yêu cầu tôi viết bài minh để dựng bia. Kế tôi thẹn mình bút mực sơ sài, đâu dám nhận lãnh. Song kẻ hèn này đã ở trong cửa pháp, tình pháp hữu hẳn khó chối từ; vả lại, khâm phục đạo phong cao khiết, nếu không nêu cao sự nghiệp hoằng pháp độ sinh của Sư thời đời sau không có ai chép lại.

 

Ôi, nếu lấy mắt thường xem thời thấy có tướng sinh diệt đi lại; nếu lấy mắt đạo xem thời không phải vậy. Sư tuy tịch diệt mà thật đã chứng cảnh Niết-bàn không sinh không diệt, đâu cần tán dương. Nhưng vì Sư trong lúc ở đời có nhiều công đức, sự nghiệp lớn lao, không thể để cho mai một. Song sự tướng ở đời và nhân duyên vào

đạo của Sư sợ chưa được rõ hết, nên tôi soạn lời bia ký này; thí như người mù sờ voi, chỉ ghi lại được đôi phần mà thôi.


                           Bài minh ghi rằng:


          Lờ đờ nước chảy,                      Nguồn xa dòng dài
          Đèn tuệ nối lửa                         Đạo tổ sáng hoài

          Cháu con vô số               Như voi như rồng

          Núi báu bỗng hiện                     Tôn phong siêu lạ

          Trí biện dung thông                   Cơ thiền nhạy bén

          Hóa duyên đã mãn          Ai nấy tôn phong
          Bên núi Thiên Thai                    Dựng tháp Vô Phùng
          Pháp thân hiển lộ                      Ở giữa muôn trùng.


Năm Cảnh Hưng thứ 9 (1748), tháng Tư, ngày Tốt, Trung Hoa, Phúc Kiến, Huyện Ôn Lăng, chùa Tang Liên, cháu trong đạo là Hòa thượng Thiện Kế soạn.

 

                                                                           (HT. Thích Thiện Siêu dịch)

 

 

     PHỤ LỤC 2

 

   BI CHÍ

ĐỨC TĂNG THỐNG

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT

 

Chơn Như vẵng lặng, vốn không đến cũng không đi,

Huyễn tướng duyên sanh, đã có sanh tức có diệt,

Mê chơn như chấp huyễn tướng là chúng sanh,

Ngộ huyễn tướng tức chơn như là Bồ tát.

                                                                               

Đức Đại lão Hòa thượng húy Trừng Thủy, hiệu Giác Nhiên kế thừa đời thứ 42 dòng Thiền Lâm Tế, đời thứ 8 Pháp phái Liễu Quán, tên thật là Võ Chí Thâm, sinh năm Mậu Dần 1878 tại làng Ái Tử, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Năm 18 tuổi xuất gia đến cầu pháp với Hòa thượng Tâm Tịnh chùa Từ Hiếu, hai năm sau thọ giới Sa di. Năm 33 tuổi, thọ giới Cụ túc với Hòa thượng Vĩnh Gia chùa Phước Lâm, Quảng Nam, tham học với Hòa thượng Tuệ Pháp chùa Thiên Hưng và Hòa thượng Phước Huệ chùa Thập Tháp, Bình Định. Với chí nguyện truyền trì chánh pháp hành đạo độ sanh, Ngài đã lần lượt giữ nhiều chức vụ trọng yếu trong Giáo hội. Năm 1936 Tăng cang Quốc tự Thánh Duyên. Năm 1937, trú trì và sùng hưng chùa Thiền Tôn … Năm 1973, đức Tăng Thống Tịnh Khiết viên tịch, Giáo hội suy tôn Ngài kế vị Tăng Thống cho đến ngày viên tịch lúc 06g30 sáng mồng 6 tháng giêng năm Kỷ Mùi 1979 tại Tổ đình Thiền Tôn, thọ 102 tuổi đời và 69 tuổi hạ.

 

Đời Ngài dài hơn thế kỷ, rạng ngời giới đức tinh nghiêm, đạo hạnh cao khiết, khoan từ giản dị, thiền phong trác việt, chí nguyện kiên trinh, tuệ tâm siêu thoát. Dẫu tuổi đã rất cao mà thân tâm vẫn khinh an sáng suốt lạ thường. Ngài đã viên tịch giữa muôn vạn tấm lòng ngưỡng mộ tôn sùng như một vị Bồ tát hóa thân.

 

 

PHẬT LỊCH 2522 CUỐI THÁNG 2 KỶ MÙI 1979

  GIÁO HỘI VÀ MÔN ĐỒ ĐỆ TỬ

 ĐỒNG PHỤNG LẬP

 

 

    PHỤ LỤC 3

 

TƯỞNG NIỆM

TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH THIỆN SIÊU

                       (1921 - 2001)

 

Hòa thượng họ Võ, thế danh Trọng Tường, pháp danh Tâm Phật, tự Trí Đức, hiệu Thiện Siêu, Tổ đời thứ 43 dòng Lâm Tế.

 

Sinh tại làng Thần Phù, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Huế trong một gia đình nho phong tin Phật, xuất gia tuổi từ rất sớm, kiên trì giới luật, dốc chí tu học Phật pháp. Hòa thượng là một trong những học tăng ưu tú về mặt trí tuệ cũng như đức hạnh, được Giáo thọ sư Đốc giáo lúc bấy giờ ban cho tự hiệu là Trí Đức. Bích Không Hòa thượng có tặng bài kệ khen rằng:

 

非 自 非 他

不 離 不 即

証 此 誰 何

人 者 智 德

Phi tự phi tha,

Bất ly bất túc,

Chứng thử thùy hà?

Nhân giả Trí Đức.

                                               

Tạm dịch như sau:

 

                                                Chẳng tự chẳng tha,

                                                Không ly không túc,

                                                Chứng được là ai?

                                                Ấy là Trí Đức.

 

Kể từ phong trào Chấn hưng Phật giáo đến nay, từ Bắc vào Nam, Hòa thượng luôn diễn xướng pháp âm trên giảng tòa các Đạo tràng, Pháp hội; là ngôi sao không bao giờ tắt trong các Phật học đường, Phật học viện, Viện nghiên cứu; là chỗ trụ tâm yên ổn cho bao thế hệ Tăng Ni sinh khắp các miền đất nước.

 

Trước tác, phiên dịch, diễn giảng, đào tạo và giáo đục tăng tín đồ, lợi lạc chúng sanh là cứu cánh cuộc hành trình hóa đạo của Hòa thượng.

Báo thân viên mãn, Hòa thượng thị tịch năm 53 hạ lạp.

 

                                    Vô sắc bấy giờ trời nhỏ lệ,

                                    Đêm nao rừng Hạc tịnh vô thanh,

                                    Quảy dép lên đường về xứ Phật,

                                    Ân sư thùy phạm nguyện viên thành.

 

Chúng con môn đồ pháp quyến, lớp lớp Tăng Ni học chúng đã được ơn pháp nhũ, nhất tâm đồng niệm đảnh lễ.

 

Nam mô tự Lâm Tế Chánh Tông tứ thập tam thế húy thượng Tâm hạ Phật, tự Trí Đức, hiệu Thiện Siêu, Trú trì Từ Đàm, Thiền Tôn Tổ đình nhị tự.

 

Ngưỡng mong Giác linh Hòa thượng thùy từ gia hộ  cho đạo nghiệp chúng con.

 

                           Cố đô Thuận Hóa, năm Quý Mùi, tiết Trọng Thu tháng 8 ngày tốt

                                  Môn đồ pháp quyến, học chúng, Phật tử đồng tưởng niệm.

 

 

 

 
chua thien ton (2)chua thien ton (3)
 
Ảnh 01-02. Toàn cảnh Tổ đình Thiền Tôn

chua thien ton (3)
Ảnh 03. Cổng vào Tổ đình

chua thien ton (4)chua thien ton (5)chua thien ton (6)
Ảnh 04-06. Ngôi chánh điện

chua thien ton (7)
Ảnh 07. Tượng đài Bồ tát Quán Thế Âm

chua thien ton (8)
Ảnh 08. Tháp chuông

chua thien ton (9)chua thien ton (10)chua thien ton (11)
Ảnh 09-11. Nhà bia và bia ghi sự lục Tổ đình

chua thien ton (12)chua thien ton (13)
Ảnh 12-13. Sân cây cảnh sau chánh điện và nhà thiền.

chua thien ton (14)
Ảnh 14. Hành lang sau ngôi chánh điện

chua thien ton (15)
Ảnh 15. Ngôi chánh điện (ảnh năm 1989)

chua thien ton (16)
Ảnh 16. Điện Phật (ảnh năm 1989)

chua thien ton (17)
Ảnh 17. Biển tên chùa “Thiên Thai Thiền Tôn Tự

chua thien ton (18)chua thien ton (19)
Ảnh 18-19. Điện Phật

chua thien ton (20)
Ảnh 20. Bàn thờ Bồ tát Quán Thế Âm

chua thien ton (21)
Ảnh 21. Bàn thờ Bồ tát Địa Tạng

chua thien ton (22)
Ảnh 22. Bàn thờ Hộ Pháp

chua thien ton (23)chua thien ton (24)
Ảnh 23-24. Bàn thờ Thập điện Minh Vương

chua thien ton (25)
Ảnh 25. Bàn thờ Quan Công

chua thien ton (26)
Ảnh 26. Bàn thờ chư Tổ

chua thien ton (27)
Ảnh 28. Chân dung cố Hòa thượng Giác Nhiên

chua thien ton (28)Ảnh 29. Bàn thờ chư vị cố Hòa thượng


chua thien ton (29)
Ảnh 29. Bàn thờ chư vị cố Hòa thượng


Ảnh 30. Đại hồng chung cổ (năm 1747)
chua thien ton (30)

Ảnh 31. Định vị tọa độ chùa

chua thien ton (31)chua thien ton (32)chua thien ton (33)chua thien ton (34)
Ảnh 32-35. Tháp Tổ Liễu Quán

chua thien ton (36)
Ảnh 36. Bia ký, tháp Tổ Liễu Quán.

chua thien ton (37)
Ảnh 37. Bia Thổ thần, tháp Tổ Liễu Quán

chua thien ton (38)chua thien ton (39)chua thien ton (40)chua thien ton (41)
Ảnh 38-41. Tháp cố Hòa thượng Giác Nhiên

chua thien ton (43)
Ảnh 42-44. Tháp cố Hòa thượng Thiện Siêu


[1] Văn thánh: Thi các chúa Nguyn được xây dng làng Triều Sơn. Đến triều Đnh vương Nguyn Phúc Khoát, văn miếu được di về xã Long H.

[2] Và cũng vì cn đ nguyên bn nên phn ch Hán không thay đi, HT. Thin Siêu ch thêm phn ch Vit đ cp nht trong phn ch Vit thôi - Tc mt ch Hán là nguyên tác ca Như Như Đo nhân, mt ch Vit có thêm phn cui đ cp nht.




 

***

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567