Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

74. Phẩm "Vô Tánh Tự Tánh (Biên soạn: Lão Cư Sĩ Thiện Bửu; Diễn đọc: Phật tử Quảng Tịnh; Lồng nhạc: Phật tử Quảng Phước)

03/08/202012:10(Xem: 9984)
74. Phẩm "Vô Tánh Tự Tánh (Biên soạn: Lão Cư Sĩ Thiện Bửu; Diễn đọc: Phật tử Quảng Tịnh; Lồng nhạc: Phật tử Quảng Phước)

 

TỔNG LUẬN 

KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT

 Biên soạn: Cư Sĩ Thin Bu

Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022

***

1.74. Phẩm Vô Tánh Tự Tánh

 

PHẨM "VÔ TÁNH TỰ TÁNH"

Phần sau quyển 395 cho đến phần đầu quyển 396, Hội thứ I, ĐBN.

(Tương đương với phẩm “Tứ đế” và phẩm “Thất Dụ” quyển thứ 29, MHBNBLM)



Biên soạn: Lão Cư sĩ Thiện Bửu
Diễn đọc: Cư sĩ Quảng Tịnh
Lồng nhạc: Cư sĩ Quảng Phước






 

 


 

 

Tóm lược:

 

(Tất cả pháp đều lấy vô tánh làm tự tánh)

 

Phật bảo cụ thọ Thiện Hiện:

- Thiện Hiện! Tất cả pháp tu Đại thừa là Bồ Tát pháp, các pháp này cũng chính là pháp Phật. Đại Bồ Tát đối với tất cả pháp biết tất cả tướng, do đó chứng đắc Nhất thiết tướng trí, vĩnh viễn đoạn trừ tất cả tập khí tương tục. Chư Như Lai Chánh Đẳng Chánh Giác cũng tu các pháp này nhưng do một sát na tương ưng với diệu huệ, hiện đẳng giác(1) rồi, chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao. Trên danh nghĩa hai bậc Thánh ấy tuy cùng là Thánh nhưng có hành, hướng, trụ, quả sai biệt.

- Thiện Hiện! Vì trong vô gián đạo, tu hành tất cả pháp nhưng chưa lìa ám chướng(2), chưa đến bờ giác, chưa được tự tại, chưa đắc quả, thì gọi là đại Bồ Tát. Nếu trong giải thoát đạo, tu hành tất cả pháp, đã lìa ám chướng, đã đến bờ giác, đã được tự tại, đã đắc quả, thì gọi là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác.

Này Thiện Hiện! Đó là Bồ Tát và Phật có sự sai khác. Tuy thứ bậc có khác nhưng pháp tu không sai khác.

Khi ấy, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Nếu tất cả pháp tự tướng đều không, thì trong tự tướng không tại sao có các thứ sai khác, đây là địa ngục, đây là bàng sanh, đây là quỷ giới, là trời, là người, là chủng tánh, đây là bậc Đệ bát, đây là quả Dự lưu, đây là quả Nhất lai, đây là quả Bất hoàn, đây là quả Alahán, đây là Độc giác, đây là Đại Bồtát, đây là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác?

Bạch Thế Tôn! Như điều con đã nêu, chúng sanh đã chẳng thể nắm bắt được thì nghiệp mà chúng tạo cũng chẳng thể nắm bắt được; nếu như nghiệp đã tạo chẳng thể nắm bắt được thì quả dị thục kia cũng chẳng thể nắm bắt được.

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Tất cả pháp tự tướng không; trong tự tướng không, không có chúng sanh, không có nghiệp đã tạo, không có quả dị thục sai khác có thể nắm bắt. Nhưng các hữu tình đối với lý “không tự tướng của tất cả pháp” chẳng thể biết thấu đáo; do nhân duyên này, tạo tác các nghiệp, đó là tạo nghiệp hoặc tội hoặc phước, hoặc bất động, hoặc tạo nghiệp vô lậu. Vì tạo nghiệp nên hoặc đọa địa ngục, hoặc đọa bàng sanh, đọa quỷ giới; do tạo nghiệp tốt xấu, nên kết quả phước báo khác nhau hoặc sanh cõi người hoặc sanh cõi trời Dục. Do tạo nghiệp bất động nên hoặc sanh cõi Sắc, hoặc Vô sắc. Do tạo nghiệp vô lậu nên hoặc đắc quả Thanh văn hoặc đắc quả Độc giác. Nếu biết các pháp tự tướng đều không thì hoặc nhập bậc Bồ Tát hoặc chứng quả vị Giác ngộ tối cao. Do nhân duyên này, các đại Bồ Tát tu hành bố thí Ba la mật, tu hành tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát nhã Ba la mật, phương tiện thiện xảo, diệu nguyện, lực, trí Ba la mật; an trụ 18 pháp không, an trụ Tứ đế; tu hành bốn tịnh lự, tu hành bốn vô lượng, bốn định vô sắc; tu hành tám giải thoát, tu hành tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ; tu hành Phật mười lực, tu hành bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng; tu hành pháp không quên mất, tu hành tánh luôn luôn xả; tu hành Nhất thiết trí, tu hành Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí.

- Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát ấy, đối với những pháp phần Bồ đề như thế, không gián đoạn, không khiếm thuyết, tu cho viên mãn; đã viên mãn rồi mới có thể dẫn phát định Kim cương dụ, chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao, gọi là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, lợi ích an lạc vô lượng hữu tình, các việc đã làm thường không hoại mất, vì không hoại mất nên chẳng đọa vào sanh tử luân hồi trong các cõi.

- Này Thiện Hiện! Nếu các hữu tình tự biết các pháp tự tướng không thì chẳng cần thuyết đại Bồ Tát cầu chứng quả vị Giác ngộ tối cao làm gì. Vì các hữu tình chẳng biết các pháp tự tướng không, nên lưu chuyển các cõi, chịu vô lượng khổ. Vì vậy, các đại Bồ Tát từ chỗ chư Phật, nghe tất cả pháp tự tướng không rồi, cầu chứng quả vị Giác ngộ, phương tiện thiện xảo, an lập dạy bảo, cứu vớt các hữu tình ra khỏi sanh tử ác đạo.

- Này Thiện Hiện! Các đại Bồ Tát thường nghĩ thế này: Chẳng phải tất cả pháp thật có tự tướng như các phàm phu ngu si đã chấp. Nhưng vì phân biệt điên đảo nên trong cái chẳng phải thật có, khởi tưởng thật có, nghĩa là trong cái vô ngã khởi tưởng có ngã; ở trong cái không hữu tình, dòng sanh mạng, khả năng sanh khởi v.v… cho đến cái biết, cái thấy, khởi tưởng có hữu tình cho đến cái biết cái thấy; ở trong cái không có sắc mà khởi tưởng sắc, ở trong cái không có thọ, tưởng, hành, thức mà khởi tưởng thọ, tưởng, hành, thức; ở trong cái không có 12 xứ, 18 giới mà khởi tưởng có 12 xứ, 18 giới v.v… cho đến ở trong cái không có pháp thế gian mà khởi tưởng có pháp thế gian, ở trong cái không có pháp xuất thế gian mà khởi tưởng có pháp xuất thế gian; ở trong cái không có pháp hữu lậu vô lậu mà khởi tưởng có pháp hữu lậu vô lậu; ở trong cái không có pháp hữu vi vô vi mà khởi tưởng có pháp hữu vi vô vi; vì sức phân biệt điên đảo như thế nên trong cái chẳng phải thật có khởi tưởng thật có, hư vọng chấp trước, đảo loạn tâm ý, tạo các nghiệp thiện ác thuộc thân, ngữ, ý, chẳng thể giải thoát sanh tử trong các ác đạo. Ta sẽ cứu vớt họ, khiến được giải thoát.

 

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- “Bạch Thế Tôn! Có phải do khổ đế mà đắc Niết bàn, có phải do khổ trí mà đắc Niết bàn, có phải do tập đế mà đắc Niết bàn, có phải do tập trí mà đắc Niết bàn, có phải do diệt đế mà đắc Niết bàn, có phải do diệt trí mà đắc Niết bàn, có phải do đạo đế đắc Niết bàn, có phải do đạo trí đắc Niết bàn chăng?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Chẳng phải do khổ đế mà đắc Niết bàn, chẳng phải do khổ trí mà đắc Niết bàn, chẳng phải do tập đế mà đắc Niết bàn, chẳng phải do tập trí mà đắc Niết bàn v.v… Ta nói tánh bình đẳng của Tứ đế tức là Niết bàn. Niết bàn như thế chẳng do Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo mà đắc, cũng chẳng do trí khổ, tập, diệt, đạo mà đắc, chỉ do Bát nhã Ba la mật chứng tánh bình đẳng, nên gọi là đắc Niết bàn.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Những gì gọi là tánh bình đẳng của Tứ đế?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Nếu ở đâu mà không có khổ không có khổ trí, không có tập không có tập trí, không có diệt không có diệt trí, không có đạo không có đạo trí, đó tức là tánh bình đẳng của bốn Thánh đế. Tánh bình đẳng này tức là chân như, pháp giới, pháp tánh, pháp định, pháp trụ, thật tế v.v… của Thánh đế khổ. Như Lai xuất thế hoặc không xuất thế, tánh tướng thường trụ, không hoại mất, không biến đổi; như thế gọi là tánh bình đẳng của bốn Thánh đế. Các đại Bồ Tát khi tu hành Bát nhã Ba la mật, vì muốn tùy giác(3) tánh bình đẳng của bốn Thánh đế này nên tu hành Bát nhã Ba la mật. Nếu giác ngộ tánh bình đẳng của bốn Thánh đế này thì gọi là chân giác ngộ nhất thiết Thánh đế”.

 

(Kinh nói “không có khổ không có khổ trí, không có tập, diệt, đạo không có tập, diệt, đạo trí đó tức là tánh bình đẳng của Tứ đế. Làm sao sống mà không khổ. Đã là con người có cảm thọ có ý thức tức có vui, có buồn, có khổ. Nhưng kinh lại nói không có khổ, không có ý thức về khổ, nếu tri nhận như vậy tức là giác ngộ tánh bình đẳng của bốn Thánh đế. Muốn được như vậy thì phải học Bát nhã Ba la mật, vì Bát Nhã là không, không có tự tánh nên gọi là không. Trong đó: Không cộng với không là không, không trừ với không cũng bằng không, không nhân với không cũng là không, và không chia với không cũng không nốt. Tất cả đều bằng không, nên Kinh gọi là chân như, pháp giới, pháp tánh v.v… Vì tất cả bằng không, không phân biệt nên gọi là pháp nhĩ, nên nói dù Phật ra đời hay không, các pháp vốn tự nhiên như vậy, bởi vì nó như vậy.

Chẳng do đoạn khổ được Niết bàn, chẳng do giác ngộ về khổ được Niết bàn. Phật nói: “Ta nói bốn Thánh đế tánh bình đẳng tức là Niết bàn. Niết bàn như thế chẳng do khổ tập diệt đạo đế được, cũng chẳng do khổ trí, tập diệt đạo trí mà được. Chỉ do Bát nhã Ba la mật chứng tánh bình đẳng nên gọi Niết bàn”. Học Bát Nhã là học Không, học Như, học Bình đẳng. Tri nhận tất cả pháp như thế là đạt tới biên tế cuối cùng của sự vật, tức là chứng giác “nhất thiết Thánh đế”. Đó mới là thật khó!)

 

Khi ấy, cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Tại sao đại Bồ Tát vì muốn tùy giác tánh bình đẳng của bốn Thánh đế này nên tu hành Bát nhã Ba la mật? Nếu có thể tùy giác tánh bình đẳng của bốn Thánh đế này, tức là có thể tùy giác tất cả Thánh đế; đã có thể tùy giác tất cả Thánh đế, tức là có thể như thật tu hạnh Bồ Tát; đã có thể như thật tu hạnh Bồ Tát thì chẳng rơi vào bậc Thanh văn và Độc giác, hướng nhập Chánh tánh ly sanh của Bồ Tát?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Các đại Bồ Tát khi tu hành Bát nhã Ba la mật, không có chút pháp nào chẳng như thật thấy. Đối với tất cả pháp như thật thấy rồi thì đối với tất cả pháp hoàn toàn không có sở đắc; đối với tất cả pháp không có sở đắc rồi thì như thật thấy tất cả pháp không, nghĩa là như thật thấy bốn đế sở nhiếp hay sở bất nhiếp, các pháp đều không. Khi thấy như thế thì có thể nhập Bồ Tát Chánh tánh ly sanh; vì có thể nhập Bồ Tát Chánh tánh ly sanh, tức an trụ trong bậc chủng tánh Bồ Tát(4) nghĩa là chẳng nhập đỉnh đọa(5); nếu nhập đỉnh đọa thì không tránh rơi vào bậc Thanh văn hoặc Độc giác.

- Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát ấy, an trụ bậc Bồ Tát chủng tánh, có thể khởi bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc. Đại Bồ Tát ấy, an trụ Xa ma tha(6)như thế, có thể quyết trạch tất cả pháp và tùy giác bốn Thánh đế. Đại Bồ Tát ấy tuy biết khắp các khổ, nhưng có thể chẳng khởi tâm duyên chấp khổ; tuy vĩnh viễn đoạn tập nhưng có thể chẳng khởi tâm duyên chấp tập; tuy chứng diệt nhưng có thể chẳng khởi tâm duyên chấp diệt; tuy tu đạo nhưng có thể chẳng khởi tâm duyên chấp đạo; chỉ khởi tâm tùy thuận, hướng đến chứng nhập quả vị Giác ngộ tối cao, đối với tất cả pháp quán sát thật tướng.

 

(Quán thật tướng các pháp như thế nào?)

 

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát ấy, đối với tất cả pháp quán sát thật tướng như thế nào?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Quán thật tướng các pháp là không.

 

(Thế nào là quán không?)

 

- Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát đối với tất cả pháp quán như thế nào gọi là quán không?

- Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát ấy, đối với tất cả pháp quán tự tướng không.

- Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát ấy, dùng Tỳ bà xá na quán tất cả pháp tự tướng không, rồi thì, hoàn toàn không thấy có tự tánh có thể an trụ trong ấy mà chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao. Vì sao? Vì quả vị Giác ngộ và tất cả pháp đều lấy vô tánh làm tự tánh; vô tánh như thế chẳng phải chư Phật tạo ra, chẳng phải Độc giác tạo ra, chẳng phải Bồ Tát tạo ra, chẳng phải chư Thanh văn hướng quả tạo ra, chỉ vì hữu tình đối với tất cả pháp chẳng biết chẳng thấy như thật đều không. Do nhân duyên này, các đại Bồ Tát tu hành Bát Nhã, phương tiện thiện xảo, vì các hữu tình như thật tuyên thuyết, khiến lìa chấp trước, thoát khổ sanh tử.

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Nếu tất cả pháp đều lấy vô tánh làm tự tánh mà vô tánh như thế chẳng phải chư Phật tạo ra, cũng chẳng phải do ai tạo ra, thì tại sao đặt bày có các pháp sai khác, như đây là địa ngục, đây là bàng sanh, đây là quỷ giới, đây là người, đây là chúng trời, đây là Thanh văn, đây là Độc giác, là Bồ Tát, là Phật? Vì do nghiệp này nên bày ra địa ngục, do nghiệp này nên bày ra bàng sanh, do nghiệp này nên bày ra quỷ giới, trời, người, Thanh văn, Độc giác, Bồ Tát, hay Phật?

- Bạch Thế Tôn! Vả lại, pháp vô tánh làm sao có tác dụng, thì tại sao có thể nói do pháp như thế mà sanh địa ngục, do pháp như thế sanh bàng sanh, quỷ giới, do pháp như thế sanh cõi người, cõi trời; do pháp như thế đắc quả Thanh văn, Độc giác, nhập được bậc Bồ Tát, hay đắc Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, khiến các hữu tình giải thoát sanh tử?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Thật ra, trong pháp vô tánh chẳng có thể bày ra các pháp sai khác, cũng không nghiệp, không quả, không có tác dụng. Vì phàm phu ngu si chẳng biết Thánh pháp Tỳ nại da nên chẳng rõ các pháp đều lấy vô tánh làm tự tánh, ngu si điên đảo, phát khởi các thứ nghiệp thân, ngữ, ý, lại tùy nghiệp sai khác mà thọ các thứ thân. Rồi nương vào phẩm loại sai khác của các thứ thân ấy mà giả bày địa ngục, bàng sanh, quỷ giới, người, trời v.v…

- Này Thiện Hiện! Vì muốn cứu vớt phàm phu ngu si điên đảo chịu khổ sanh tử nên đặt bày phần vị sai biệt của Thánh pháp. Nương phần vị này mà đặt bày các quả Thanh văn, Độc giác, Bồ Tát và chư Phật. Nhưng tất cả pháp đều lấy vô tánh làm tự tánh; trong pháp vô tánh thật không có pháp nào khác, không nghiệp, không quả, cũng không tác dụng, vì pháp vô tánh thường không có tánh.

- Lại nữa, Thiện Hiện! Như ông đã nói, pháp vô tánh chắc chắn không có tác dụng, thì tại sao có thể nói do pháp như thế mà đắc quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A la hán, quả vị Độc giác; nhập bậc Bồ Tát, hành đạo Bồ Tát, đắc quả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, khiến các hữu tình giải thoát sanh tử, thì này Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Các đạo đã tu là vô tánh chăng? Quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A la hán là vô tánh chăng? Quả vị Độc giác là vô tánh chăng? Tất cả đạo Bồ Tát là vô tánh chăng? Quả vị Giác ngộ tối cao của chư Phật là vô tánh chăng?

Thiện Hiện đáp:

- Bạch Thế Tôn! Các pháp đã tu đều là vô tánh, quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A la hán cũng vô tánh, quả vị Độc giác cũng vô tánh, tất cả đạo Bồ Tát cũng vô tánh, quả vị Giác ngộ tối cao của chư Phật cũng vô tánh.

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Pháp vô tánh có thể đắc pháp vô tánh chăng?

Thiện Hiện đáp:

- Bạch Thế Tôn! Không! Bạch Thiện Thệ! Không!

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Vô tánh và Đạo, tất cả pháp này đều chẳng tương ưng, chẳng phải chẳng tương ưng, vô sắc, vô kiến, vô đối, nhất tướng chỗ gọi vô tướng. Phàm phu ngu si điên đảo, đối với pháp vô tướng, hư vọng phân biệt, khởi tưởng có pháp, chấp trước năm uẩn; ở trong vô thường khởi tưởng thường, ở trong các khổ khởi tưởng vui, ở trong vô ngã khởi tưởng có ngã, ở trong bất tịnh khởi tưởng tịnh, ở trong vô tánh khởi chấp có tánh. Do nhân duyên này các đại Bồ Tát tu hành Bát Nhã thành tựu phương tiện thiện xảo thù thắng, cứu vớt các loại hữu tình như thế, khiến lìa điên đảo hư vọng chấp trước, phương tiện an trụ trong pháp vô tướng, khiến siêng tu học, giải thoát sanh tử, chứng đắc Niết bàn cứu cánh thường lạc.

 

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Có phải do sự chân thật chẳng phải hư vọng mà phàm phu ngu si, trong đó chấp trước, tạo tác các nghiệp. Do nhân duyên này mà luân hồi trong các cõi chẳng có thể giải thoát khổ sanh tử chăng?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Không có việc gì nhỏ dù chỉ bằng đầu sợi lông là chân thật mà các phàm phu ngu si chấp trước, tạo tác các nghiệp. Do nhân duyên này, luân hồi trong các nẻo, chẳng thể giải thoát các khổ sanh tử. Đó chỉ là hư vọng điên đảo chấp trước.

- Này Thiện Hiện! Ta nay vì ông mà rộng nói thí dụ làm rõ nghĩa này để cho dễ hiểu. Các người có trí do thí dụ mà đối với nghĩa đã nói sanh hiểu biết đúng đắn.

 

(Các dụ)

 

- Này Thiện Hiện!  Ý ông nghĩ sao: Người trong mộng thấy mình hưởng ngũ dục, y có thật hưởng dục lạc chăng?

Thiện Hiện đáp:

- Bạch Thế Tôn! Không! Bạch Thiện Thệ! Không! Người trong mộng còn chẳng thật, huống là có dục lạc thật sự để người đó hưởng.

- Này Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao: Ở trong mộng thật có các pháp thế gian xuất thế gian, pháp hữu lậu vô lậu, pháp hữu vi vô chăng?

- Bạch Thế Tôn! Không! Bạch Thiện Thệ! Không! Mộng không phải thật, nên ở trong mộng chẳng có pháp nào là thật.

- Này Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao: Ở cõi mộng có các việc sanh tử qua lại chăng?

- Bạch Thế Tôn! Không! Bạch Thiện Thệ! Không! Đã là mộng, không phải thật thì làm gì có sanh tử qua lại!

- Này Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao: Ở trong mộng có sự tu đạo chân thật, và nương vào đó mà xa lìa tạp nhiễm, được thanh tịnh chăng?

- Bạch Thế Tôn! Không! Bạch Thiện Thệ! Không! Vì sao? Vì pháp đã thấy ở trong mộng hoàn toàn không có thật, chẳng năng thi thiết, chẳng sở thi thiết, việc tu đạo còn không, huống là nương vào việc tu đạo mà xa lìa tạp nhiễm được thanh tịnh. (Q. 395, ĐBN)

- Này Thiện Hiện! Cũng vậy, các hình tượng trong gương, dĩ nhiên không phải là người thật, nên không thể tạo nghiệp mà bị đọa các đường ác hay sanh ở cõi người, cõi trời v.v… Nhất định không có pháp nào hoặc thế gian hoặc xuất thế gian, hoặc hữu lậu hoặc vô lậu, hoặc hữu vi hoặc vô vi mà chẳng như các hình tượng hiện trong gương. Các hình tượng trong gương hoàn toàn không có thật, chẳng năng thi thiết, chẳng sở thi thiết, việc tu đạo còn không có, huống là nương vào sự tu đạo mà lìa tạp nhiễm được thanh tịnh.

- Này Thiện Hiện! Cũng vậy, các tiếng vang phát ra từ hang động hoàn toàn không có thật, chỉ do tai mê hoặc nương vào để tạo tác các nghiệp, rồi do nghiệp đã tạo, hoặc đọa đường ác, hoặc sanh cõi trời, người. Nhất định không có pháp nào hoặc thế gian hoặc xuất thế gian, hoặc hữu lậu hoặc vô lậu, hoặc hữu vi hoặc vô vi mà chẳng như tiếng vang phát ra từ hang sâu. Các tiếng vang trong hang sâu hoàn toàn không có thật, chẳng năng thi thiết, chẳng sở thi thiết; việc tu đạo còn không có, huống là nương vào sự tu đạo mà lìa tạp nhiễm được thanh tịnh.

- Này Thiện Hiện! Cũng vậy, như nước hiện ra trong nắng nóng(7) hoàn toàn không có thật, chỉ vì mắt mờ mê hoặc chứ làm sao có thể nương vào mà tạo tác các nghiệp, rồi do nghiệp đã tạo, hoặc đọa vào đường ác, hoặc sanh cõi trời, người. Nhất định không có pháp nào, hoặc thế gian hoặc xuất thế gian, hoặc hữu lậu hoặc vô lậu, hoặc hữu vi hoặc vô vi mà chẳng như sóng nước hiện trong nắng nóng. Sóng nước hiện ra trong nắng nóng hoàn toàn không phải thật, chẳng năng thi thiết, chẳng sở thi thiết, việc tu đạo còn không có, huống là nương vào việc tu đạo mà lìa tạp nhiễm được thanh tịnh.

- Này Thiện Hiện! Cũng vậy, các bóng sắc hiện ra do ánh sáng tạo nên(như đèn hay nắng mặt trời). Các bóng này hoàn toàn không phải thật, chỉ vì mắt lòamê hoặc chứ làm sao “bóng”có thể tạo tác các nghiệp và do nghiệp đã tạo, hoặc đọa vào đường ác, hoặc sanh cõi người, trời. Nhất định không có pháp nào, hoặc thế gian hoặc xuất thế gian, hoặc hữu lậu hoặc vô lậu, hoặc hữu vi hoặc vô vi mà chẳng như các sắc tướng hiện ra do ánh sáng. Các sắc tướng do ánh sáng tạo ra hoàn toàn không phải thật, chẳng năng thi thiết, chẳng sở thi thiết; việc tu đạo còn không có, huống là nương vào việc tu đạo mà lìa tạp nhiễm được thanh tịnh.

- Này Thiện Hiện! Cũng vậy, như nhà ảo thuật tạo ra bốn loại quân là voi, ngựa, xe v.v... các thứ huyễn đó hoàn toàn không phải thật, chỉ mê hoặc trẻ con khờ khạo nghĩ tưởng các thứ huyễn đó có thể tạo nghiệp, rồi do nghiệp đã tạo, hoặc đọa vào đường ác, hoặc sanh cõi trời, người. Nhất định không có pháp nào, hoặc thế gian hoặc xuất thế gian, hoặc hữu lậu hoặc vô lậu, hoặc hữu vi hoặc vô vi mà chẳng như các thứ huyễn. Đã là huyễn thì không phải thật, thì chẳng thể năng thi thiết, chẳng sở thi thiết; việc tu đạo còn không có huống là nương vào sự tu đạo mà lìa tạp nhiễm được thanh tịnh.

- Này Thiện Hiện! Cũng vậy, Phật đã hóa ra hóa thân, các hóa thân hoàn toàn không có thật, thì làm sao có thể nương vào mà tạo tác các nghiệp và do nghiệp đã tạo, hoặc đọa vào đường ác, hoặc sanh cõi trời, người. Nhất định không có pháp nào, hoặc thế gian hoặc xuất thế gian, hoặc hữu lậu hoặc vô lậu, hoặc hữu vi hoặc vô vi mà chẳng như hóa thân đã biến hóa ra. Các thân biến hóa hoàn toàn không phải thật, chẳng năng thi thiết, chẳng sở thi thiết; việc tu đạo còn không có, huống là nương vào việc tu đạo mà lìa tạp nhiễm được thanh tịnh.

- Này Thiện Hiện! Cũng vậy, những vật loại hiện như ảo thành hoàn toàn không có thật, thì làm sao có thể nương vào đó mà tạo tác các nghiệp và do nghiệp đã tạo ấy, hoặc đọa vào đường ác, hoặc sanh cõi trời, người. Nhất định không có pháp nào, hoặc thế gian hoặc xuất thế gian, hoặc hữu lậu hoặc vô lậu, hoặc hữu vi hoặc vô vi mà chẳng như những vật loại hiện trong ảo thành. Những vật loại hiện trong ảo thành hoàn toàn không phải thật, chẳng năng thi thiết, chẳng sở thi thiết; việc tu đạo còn không có, huống là nương vào việc tu đạo mà lìa tạp nhiễm được thanh tịnh.

Bấy giờ, Phật hỏi Thiện Hiện:

- “Này Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Có phải thật có tạp nhiễm và thanh tịnh chăng?

Thiện Hiện đáp:

- Bạch Thế Tôn! Không! Bạch Thiện Thệ! Không! Trong đó hoàn toàn không thật có tạp nhiễm và thanh tịnh.

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Tạp nhiễm hay thanh tịnh thật vô sở hữu. Do nhân duyên này nên nói tạp nhiễm và thanh tịnh cũng chẳng phải thật có. Vì sao? Này Thiện Hiện! Vì các loại hữu tình bám trụ vào ngã, ngã sở, hư vọng phân biệt có tạp nhiễm hay thanh tịnh, chứ chẳng phải thật thấy có tạp nhiễm hay thanh tịnh. Người thấy như thật, biết không có tạp nhiễm, thanh tịnh. Nên có thể nói không có tạp nhiễm hay thanh tịnh”.

 

Thích nghĩa:

(1). Đẳng giác: (等覺): Tên gọi khác của đức Phật, còn gọi là Đẳng Chánh Giác (等正覺), một trong 10 đức hiệu của Phật. Đẳng () nghĩa là bình đẳng; giác () tức là giác ngộ; sự giác ngộ của chư Phật là bình đẳng, nhất như, nên được gọi là Đẳng Giác. Muốn thành Phật phải tu mất ba A tăng kỳ kiếp, trải qua 52 giai vị khác nhau. Sau khi hoàn tất 50 giai vị (thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, thập địa), Bồ Tát bước vào giai vị thứ 51 gọi là Đẳng giác, sau đó vào quả vị thứ 52 tức Diệu giác thì thành Phật. Đã giải thích rồi, chỉ lập lại để nhớ!

(2). Ám chướng: Tối tăm mờ mịch làm ngăn ngại đạo Bồ đề.

(3). Tùy giác có nghĩa là giác ngộ, tri nhận được tánh bình đẳng của tất cả pháp tức là giác ngộ.

(4). Chủng tánh Bồ Tát: Phật căn cứ vào nhân(chủng tử) vô lậu hay không của chúng sanh mà chia làm năm loại chủng tánh: 1- Vô chủng tánh: Vì những chúng sanh nầy chỉ phát tâm làm các việc phước thiện thế gian để mong cầu phước báo cõi trời hay người, nghĩa là tạo nghiệp hữu lậu, không có chủng tử vô lậu, nên gọi là “vô chủng tánh”. 2- Thanh văn chủng tánh: Những chúng sanh này tu tập tứ Thánh đế mà ngộ đạo, nên gọi là “Thanh văn tánh”. 3- Độc giác chủng tánh: Những chúng sanh này ngộ lý thập nhị nhân duyên mà đắc đạo, nên gọi là “độc giác tánh. Thanh văn và Độc giác chủng tánh, tuy có hạt giống vô lậu, nhưng cả hai loại này chỉ đoạn trừ ngã chấp, nhưng chưa đoạn trừ pháp chấp, nên gọi chung là “nhị thừa chủng tánh”. 4- Bồ Tát chủng tánh hay đại thừa chủng tánh: Những chúng sanh này rộng tu lục độ vạn hạnh, đoạn trừ cả ngã chấp và pháp chấp, quyết định thành Phật, nên gọi là “Phật chủng tánh”. 5- Bất định chủng tánh: Những chúng sanh này sẵn có những chủng tử hữu lậu và vô lậu, tùy duyên nếu gặp đại thừa thì thành Bồ Tát, Phật, nếu gặp nhị thừa thì thành Thanh văn hay Độc giác. Vì tánh bất định nên gọi là “bất định chủng tánh”. Tất cả chủng tánh là do huân tập huân tu nhiều đời nhiều kiếp mà thành! (Phỏng theo Duy thức học của HT. Thích Thiện Hoa).

Các chủng tánh trên chúng tôi đã thích nghĩa nhiều lần rồi. Đây lược tóm chung năm loại chủng tánh để quý vị thấu hiểu thêm.

(5). Đỉnh đọa: Từ giai vị Đính rơi xuống. Cũng gọi Đính thoái. Chỉ cho hàng Thanh văn từ giai vị Đính thiện căn tụt xuống mà sinh vào đường ác. Bởi vì, giai vị Noãn và Đính trong bốn thiện căn là thuộc về thiện căn động, cho nên, nếu hành giả trụ nơi tâm tán loạn, lại gần bạn xấu, không nghe chính pháp, hoặc tự mình hiểu sai lạc, thì ắt sẽ tụt khỏi giai vị đã chứng được mà rơi vào đường ác. Còn giai vị Nhẫn và Thế đệ nhất thì thuộc về thiện căn bất động, cho nên vĩnh viễn không bị rơi vào đường ác nữa. Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật nói đây thì cho rằng Bồ Tát tụt xuống hàng Nhị thừa là Đính đọa. (Phỏng theo Phật Quang từ điển).

(6). Đây thích nghĩa chung cho Xa ma tha và Tỳ bà xá na (phiên âm từ Phạn ngữ śamatha và vipaśyan): Theo truyền thống luôn được dịch là chỉ và quán. Chỉ (Xa ma tha) nghĩa là “dừng lại”, có ý nghĩa tu tập sự định tâm, dứt mọi vọng niệm. Quán (Tỳ bà xá na) nghĩa là “quán xét”, có ý nghĩa tu tập nhận thức đúng thật, sáng suốt về thực tại. Vì thế, xét về kết quả tu tập thì hai pháp tu chỉ và quán cũng được gọi là định và tuệ, vì chỉ giúp đạt được định và quán giúp đạt được tuệ. - Phỏng theo Phật Quang từ điển. Đã thích nghĩa rồi, chỉ lập lại để nhớ!

(7). Như nước hiện ra trong nắng nóng: Nhiệt độ tăng lên làm cho chiết suất của không khí thay đổi, tạo thành ảo ảnh, trông xa giống như có sóng nước. Đó là một trong thất dụ (như ảo, như mộng, như hưởng, như ảnh, như diệm, như huyễn, như hóa) của phẩm này, hay là một dụ trong thập dụ của các Kinh điển Đại thừa. Các Kinh điển Đại thừa thường dùng mười thí dụ hiển bày lý Không để giúp người học thành tựu Không quán. Đó là: 1- Như huyễn, 2- Như dương diệm, 3- Như bóng trăng trong nước, 4- Như hư không, 5- Như tiếng vang, 6- Như cung điện Càn thát bà (hay thành tầm hương hoặc ảo thành), 7- Như chiêm bao, 8- Như bóng (ánh sáng mặt trời hay đèn tạo thành bóng), 9- Như hình trong gương, 10- Như (biến) hóa (hay trò ảo thuật).

 

Lược giải:

 

Phật thường bảo: Không có việc gì nhỏ dù chỉ bằng đầu mảy lông là chân thật, nó chỉ là hư vọng do chúng sanh điên đảo nghĩ tưởng, chấp trước. Thí như người nằm mộng thấy mình hưởng dục lạc, mộng thì không phải thật, thì việc hưởng dục làm sao thật được. Cũng vậy, ảnh trong gương, dĩ nhiên không phải là người thật, chỉ do người hiện ra trước gương thì có ảnh, người đi rồi thì ảnh cũng biến luôn, nên không thể nói ảnh trong gương có thể tạo nghiệp. Cũng vậy, các tiếng vang phát ra từ hang động hoàn toàn không có thật, tiếng vang cũng chỉ là tiếng vang. Như nước hiện ra trong nắng nóng là do nhiệt độ hâm nóng không khí làm chiết suất của không khí thay đổi tạo thành sóng nắng, không phải nước thật, chỉ là ảo ảnh. Như nhà ảo thuật tạo ra bốn loại quân là voi, ngựa, xe v.v..., nhưng các quân chủng này không phải thật, nên không thể thay thế con người để chiến đấu. Cũng vậy, Kinh nói: “Những vật loại hiện trong ảo thành hoàn toàn không có thật, thì làm sao có thể nương vào đó mà tạo tác các nghiệp và do nghiệp đã tạo ấy, hoặc đọa vào đường ác, hoặc sanh cõi trời, người. Nhất định không có pháp nào, hoặc thế gian hoặc xuất thế gian, hoặc hữu lậu hoặc vô lậu, hoặc hữu vi hoặc vô vi mà chẳng như những vật loại hiện trong ảo thành. Những vật loại hiện trong ảo thành hoàn toàn không phải thật, chẳng năng thi thiết, chẳng sở thi thiết; việc tu đạo còn không có, huống là nương vào việc tu đạo mà lìa tạp nhiễm được thanh tịnh”.

Đó là những thí dụ thường thấy trong các Kinh nhất là Kinh điển Đại thừa. Vì vậy, Phật bảo:

Vô tánh và Đạo tất cả pháp này đều chẳng tương ưng, chẳng phải chẳng tương ưng, vô sắc, vô kiến, vô đối, nhất tướng chỗ gọi vô tướng. Phàm phu ngu si điên đảo, đối với pháp vô tướng, hư vọng phân biệt, khởi tưởng có pháp, chấp trước năm uẩn; ở trong vô thường khởi tưởng thường, ở trong các khổ khởi tưởng vui, ở trong vô ngã khởi tưởng ngã, ở trong bất tịnh khởi tưởng tịnh, ở trong vô tánh khởi chấp có tánh. Do nhân duyên này các đại Bồ Tát tu hành Bát Nhã thành tựu phương tiện thiện xảo thù thắng, cứu vớt các loại hữu tình như thế, khiến lìa điên đảo hư vọng chấp trước, phương tiện an trụ trong pháp vô tướng, khiến siêng tu học, giải thoát sanh tử, chứng đắc Niết bàn cứu cánh thường lạc”.

 

Vô tánh là tự tánh Bát Nhã.

 

Phẩm “Bát Nhã Hành Tướng”, quyển thứ 38, Hội thứ I, ĐBN: “Xá Lợi Tử hỏi Thiện Hiện rằng: Pháp gì là tự tánh Bát nhã Ba la mật? Pháp gì là tự tánh tĩnh lự, tinh tiến, an nhẫn, tịnh giới, bố thí Ba la mật? Cho đến pháp gì là tự tánh pháp ở trong ở ngoài ở giữa hai? Thiện Hiện đáp: Vô tánh là tự tánh Bát nhã Ba la mật. Vô tánh là tự tánh tĩnh lự, tinh tiến, an nhẫn, tịnh giới, bố thí Ba la mật. Cho đến vô tánh là pháp tự tánh ở trong, ở ngoài hay ở giữa hai. Xá Lợi Tử! Do cớ đây nên biết Bát nhã Ba la mật rời tự tánh Bát nhã Ba la mật. Tĩnh lự tinh tiến an nhẫn tịnh giới bố thí Ba la mật rời tự tánh tĩnh lự cho đến bố thí Ba la mật. Cho đến pháp ở trong ở ngoài ở giữa hai rời tự tánh pháp ở trong ở ngoài ở giữa hai. Xá Lợi Tử! Bát nhã Ba la mật, rời tướng Bát nhã Ba la mật, tĩnh lự tinh tiến an nhẫn tịnh giới bố thí Ba la mật cho đến pháp ở trong ở ngoài ở giữa hai, Xá Lợi Tử! Tự tánh cũng rời tự tánh, tướng cũng rời tướng; tự tánh cũng rời tướng, tướng cũng rời tự tánh; tự tánh tướng cũng rời tướng tự tánh, tướng tự tánh cũng rời tự tánh tướng”.

Với những dẫn chứng trên, ta có thể kết kuận: Thấy các pháp là vô tánh, vô tướng chỗ gọi là nhất tướng, nên đắc Bát Nhã hay được Vô thượng Bồ đề. Nên Phật bảo: “Ta lúc bấy giờ, quán tất cả pháp bình đẳng, lấy vô tánh làm tánh(hay lấy vô tánh làm tự tánh), do một sát na tương ưng Bát Nhã chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề”.

 

Kết luận:

 

Bởi các lý do đó nên Kinh nói: “Đại Bồ Tát ấy, đối với tất cả pháp quán tự tướng không. Đại Bồ Tát ấy, dùng Tỳ bà xá na quán tất cả pháp tự tướng không, rồi thì, hoàn toàn không thấy có tự tánh có thể an trụ trong ấy mà chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao. Vì sao? Vì quả vị Giác ngộ và tất cả pháp đều lấy vô tánh làm tự tánh; vô tánh như thế chẳng phải do Phật làm ra, cũng không bất cứ ai làm ra. Chỉ vì hữu tình đối với tất cả pháp chẳng biết chẳng thấy tất cả đều không. Do nhân duyên này, các đại Bồ Tát tu hành Bát Nhã, phương tiện thiện xảo, vì các hữu tình như thật tuyên thuyết, khiến lìa chấp trước, thoát khổ sanh tử”.

Để thấu hiểu luận giải này, chúng ta trở lại ba pháp cuối cùng trong 18 pháp không của Bát Nhã để tìm hiểu tại sao “quán tất cả pháp tự tướng không, rồi thì, hoàn toàn không thấy có tự tánh có thể an trụ trong ấy?” Vì vô tánh, tự tánh, vô tánh tự tánh đều không:

1- Vô Tánh Không: Không của vô thể,

2- Tự Tánh Không: Không của tự tánh, và

3- Vô Tánh Tự Tánh Không: Không của vô thể của tự tánh.

Thiền sư D.T. Suzuki giải thích rằng: Những loại 1-, 2-, và 3- này có thể luận chung như sau: “Ở đây hiện hữu được nhìn từ quan điểm hữu(astiva)và vô(nastiva); cả hai, đứng riêng biệt hay tương đối, đều được nói là không. Vô Tánh là phủ định của hữu, cùng một nghĩa với Không. Tự Tánh có nghĩa “nó là nó”, nhưng không có cái nó nào như thế, cho nên Không. Vậy thì, đối nghịch của hữu và vô là thực? Không! Nó cũng không luôn, vì mỗi phần tử trong đối lập vốn là Không”.

Vậy, chẳng có gì chẳng không đối với Bát Nhã. Học Bát Nhã phải biết quán không như thế: Vô tánh tự tánh cũng không nốt. Quán như thế chứng như thế thì có cơ hội thoát khỏi sanh tử!

 

Chúng ta sẽ quay lại vấn đề này trong LUẬN#3 và LUẬN #6: “Cái thấy từ Bờ kia” và “Những điều kiện để thành tựu giác ngộ hay thành đạt Bát Nhã” trong phần thứ III Tổng luận./.

 

---o0o---

 

 


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]