Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

49. Phẩm "Bất Thối Chuyển" (Biên soạn: Lão Cư sĩ Thiện Bửu, Diễn đọc: Cư sĩ Quảng Thiện Duyên, Lồng nhạc: Cư sĩ Quảng Thiện Hùng Jordan Le)

08/07/202020:21(Xem: 9936)
49. Phẩm "Bất Thối Chuyển" (Biên soạn: Lão Cư sĩ Thiện Bửu, Diễn đọc: Cư sĩ Quảng Thiện Duyên, Lồng nhạc: Cư sĩ Quảng Thiện Hùng Jordan Le)

 

TỔNG LUẬN 

KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT

 Biên soạn: Cư Sĩ Thiện Bửu

Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022

***


Phẩm Bất Thối Chuyển_Photo

PHẨM "BẤT THỐI CHUYỂN"(1)

Phần sau quyển 325 đến hết quyển 327, Hội thứ I, ĐBN.

(Tương đương với quyển thứ 18, phẩm “Bất Thối Chuyển”, MHBNBLM)

Biên soạn: Lão Cư sĩ Thiện Bửu
Diễn đọc: Cư sĩ Quảng Thiện Duyên
Lồng nhạc: Cư sĩ Quảng Thiện Hùng Jordan Le


 



 

Gợi ý:

Thông thường, vì một lý do nào đó làm thối thất đạo Bồ đề thì gọi là thối chuyển. Nhưng nếu nguyên nhân đó dù trắc trở, gian nan cách mấy cũng không thể lung lạc, không làm cho Bồ Tát thay lòng đổi dạ thì Bồ Tát ấy được gọi là bất thối chuyển. Đó là lối suy nghĩ cũng như cách diễn đạt của người hiện đại. Nhưng Kinh MHBNBLMĐ quyển thứ 18, phẩm “Bất Thối Chuyển”, Tu Bồ Đề lại hỏi Phật:

- “Bạch đức Thế Tôn! Vì bất chuyển mà gọi là bất thối chuyển hay là vì chuyển mà gọi là bất thối chuyển?

- Nầy Tu Bồ Đề! Vì bất chuyển, vì chuyển cũng gọi là bất thối chuyển”.

Bồ Tát phát tâm hướng đến giác ngộ: Trong suốt quá trình tu tập trải qua biết bao gian nan thử thách mà không sa ngã, không chùn bước thối lui trước mọi trở lực mọi thử thách thì gọi là Bất thối chuyển. Nhưng Kinh lại nói “vì bất chuyển, vì chuyển” cũng gọi là bất thối chuyển. Như các bậc Thanh văn hay Độc giác thay vì chứng thực tế rồi vào Niết bàn, lại vì Đại thừa phát nguyện rộng lớn tu hành đến Vô thượng Bồ đề để cứu độ chúng sanh thì kinh nói “vì chuyển” mà thành Bồ Tát bất thối chuyển. Chuyển là chuyển cái tâm ích kỷ hạn hẹp để trở thành tâm quảng đại. Đây là chuyển “xấu” thành “tốt”, kinh cũng gọi là bất thối chuyển. Lối diễn tả này của người xưa đi ngược lại với lối suy nghĩ hôm nay, nên rất dễ lẫn lộn. Ngày nay, thông thường mà nói không sa ngã thối lui thì gọi là bất thối chuyển. Vậy, khi đọc nguyên văn phẩm này cẩn thận, đừng để nhầm lẫn. Bản tóm lược sau đây đã giản lược nhiều cốt tránh nhầm lẫn trong ngôn ngữ, chương cú của người xưa, nhưng vẫn giữ được ý kinh.

Nếu biết lìa xấu là tốt, lìa mê tức ngộ, lìa phiền não tức Bồ đề. Trong một tâm có xấu lẫn tốt, lìa xấu tức tốt. Giống trong một lu nước dơ, lấy phèn bỏ vào khuấy(quậy) ên rồi để lắng xuống, tức có nước trong. Vậy, không phải trong lu có hai thứ nước, mà chỉ có một thứ: Nước trong tức nước đục, nước đục tức nước trong. Chả có gì là chuyển hay không chuyển ở đây. Lìa phiền não tức Bồ đề. Nếu hiểu như thế thì được xem là Bồ Tát Bất thối chuyển.

 

Tóm lược:

 

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện thưa với Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn! Bồ Tát Bất thối chuyển có hành nào, có trạng nào, có tướng nào mà chúng con có thể biết đấy là đại Bồ Tát Bất thối chuyển?

Phật bảo:

- Thiện Hiện! Nếu Bồ Tát có khả năng như thật biết các bậc dị sanh, các bậc Thanh văn, các bậc Độc giác, các bậc Bồ Tát, các bậc Như Lai. Các bậc như thế các thuyết có khác, mà đối trong các pháp như không khác, không phân biệt, đều không hai không hai phần. Bồ Tát này tuy thật ngộ vào các pháp như, mà đối (chơn) như không sở phân biệt, vì đem vô sở đắc làm phương tiện vậy. Bồ Tát này đã thật ngộ vào các pháp như, tuy nghe như cùng tất cả pháp không hai không riêng mà không trệ ngại. Vì sao ? Vì pháp như chẳng thể nói một, chẳng thể nói khác, chẳng thể nói đồng hay chẳng đồng vậy. Pháp giới cho đến bất tư nghì giới cũng lại như thế. Bồ Tát này trọn chẳng vội vã mà thốt ra lời, những lời nói ra đều dẫn nghĩa lợi, nếu không nghĩa lợi trọn chẳng phát lời. Bồ Tát này trọn chẳng xem tốt xấu hay dở của kẻ khác, bình đẳng thương xót mà vì thuyết pháp. Bồ Tát này chẳng xem chủng tánh tốt xấu của Pháp sư, chỉ cầu pháp sở thuyết nhiệm mầu mà thôi.

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát Bất thối chuyển đủ các hành trạng tướng như thế v.v…, nên do các hành trạng tướng này mà biết là đại Bồ Tát Bất thối chuyển.

Bấy giờ, Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn! Lại do hành nào, trạng nào, tướng nào mà biết đấy là đại Bồ Tát Bất thối chuyển?

Phật nói :

- Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào có thể quán tất cả pháp vô hành vô trạng vô tướng, phải biết đấy là đại Bồ Tát Bất thối chuyển.

Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:

- Nếu tất cả pháp vô hành vô trạng vô tướng, đại Bồ Tát này đối pháp nào chuyển nên gọi Bất thối chuyển?

Phật nói:

- Thiện Hiện! Đại Bồ Tát này đối sắc chuyển nên gọi Bất thối chuyển, đối thọ tưởng hành thức chuyển nên gọi Bất thối chuyển(2). Đối mười hai xứ cho đến mười tám giới chuyển nên gọi Bất thối chuyển. Đối nhãn xúc chuyển nên gọi Bất thối chuyển, đối nhĩ tỷ thiệt thân ý xúc chuyển nên gọi Bất thối chuyển. Đối nhãn xúc làm duyên sanh ra các thọ chuyển nên gọi Bất thối chuyển. Đối nhĩ tỷ thiệt thân ý xúc làm duyên sanh ra các thọ chuyển nên gọi Bất thối chuyển. Đối bố thí Ba la mật chuyển nên gọi Bất thối chuyển. Đối tịnh giới, an nhẫn, tinh tiến, tĩnh lự, Bát Nhã chuyển nên gọi Bất thối chuyển. Đối nội không chuyển nên gọi Bất thối chuyển, đối ngoại không cho đến vô tánh tự tánh không chuyển nên gọi Bất thối chuyển. Đối chơn như chuyển nên gọi Bất thối chuyển, đối pháp giới cho đến bất tư nghì giới chuyển nên gọi Bất thối chuyển. Nói rộng ra, đối với tất cả pháp Phật từ tứ Thánh đế cho đến Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề chuyển nên gọi là bất thối chuyển. Vì sao?

Thiện Hiện! Tự tánh sắc vô sở hữu, tự tánh thọ tưởng hành thức vô sở hữu. Như vậy, cho đến tự tánh chư Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề vô sở hữu. Đại Bồ Tát này đối trong chẳng trụ, nên gọi là chuyển. Do chẳng chuyển nên gọi danh Bồ Tát Bất thối chuyển. Nếu đại Bồ Tát có khả năng biết như thế, đấy gọi Bồ Tát Bất thối chuyển.

Thiện Hiện! Tất cả đại Bồ Tát Bất thối chuyển quyết không ưa xem hình tướng, nói năng của ngoại đạo, Sa môn, Bà la môn v.v... Vì các Sa môn, Bà la môn kia v.v… đối pháp sở tri như thật biết thật thấy, hoặc có thể thi thiết chánh kiến, quyết định không có lẽ ấy. Nếu Bồ Tát trọn nên các hành động tướng trạng như thế, nên biết đấy là đại Bồ Tát Bất thối chuyển.

Đối với pháp Tỳ nại gia(3) mà Phật đã dạy, phát sanh tin hiểu, không nghi hoặc, không chấp đắm các giới cấm thủ, chẳng rơi vào tà kiến, chẳng chấp đắm các điềm tốt xấu của thế tục, không bao giờ lễ bái, cúng dường các thiên thần, ngoại đạo như người thế gian. Nếu thành tựu các hành, trạng, tướng mạo như thế, thì nên biết đó là đại Bồ Tát bất thối chuyển.

Đại Bồ Tát ở địa vị bất thối chuyển, thì chẳng sanh vào địa ngục, bàng sanh, quỷ giới, cũng chẳng sanh vào dòng hạ tiện, cũng chẳng bao giờ thọ sanh bán nam bán n hay thân nữ, cũng chẳng bao giờ thọ thân bị đui, mù, câm, điếc, ngọng nghịu, tay chân co quắp, hủi lác v.v…

Nếu đại Bồ Tát ở địa vị bất thối chuyển thì thường ưa thọ trì mười thiện nghiệp đạo, tự xa lìa việc giết hại, cũng khuyên người khác xa lìa việc giết hại, tự xa lìa việc không cho mà thích lấy, tự xa lìa dâm dục, tà hạnh, tự xa lìa hư dối, tự xa lìa nói lời chia rẽ; tự xa lìa lời nói hỗn tạp, tự xa lìa tham, xa lìa sân, si. Đại Bồ Tát ở địa vị bất thối chuyển không những tự mình xa lìa mà còn khuyên người khác xa lìa, tuyên dương pháp xa lìa, hoan hỷ khen ngợi người xa lìa các tội lỗi xấu ác nói trên. Nếu thành tựu các hành, trạng, tướng mạo như thế, thì nên biết đó là đại Bồ Tát bất thối chuyển.

Đại Bồ Tát ở địa vị bất thối chuyển vì làm lợi ích cho tất cả hữu tình mà luôn tu bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát nhã Ba la mật. Lúc nào cũng thọ trì, tư duy, đọc tụng, thông lợi mười hai bộ Kinh. Đem những pháp nầy làm pháp thí cho các hữu tình, rồi đồng hồi hướng công đức đến quả vị Vô thượng Bồ đề. Nếu thành tựu các hành, trạng, tướng mạo như vậy, thì nên biết đó là đại Bồ Tát bất thối chuyển.

Đại Bồ Tát ở địa vị bất thối chuyển thường thành tựu nhuần nhuyễn nghiệp thân, ngữ, ý dễ thương, dễ mến, đối với các hữu tình tâm không vướng mắc. Thường xuyên thành tựu từ, bi, hỷ, xả v.v... khởi nghiệp thân, khẩu, ý tương ưng. Nếu thành tựu các hành, trạng, tướng mạo như thế, thì nên biết đó là đại Bồ Tát bất thối chuyển.

Đại Bồ Tát ở địa vị bất thối chuyển quyết định không chung cùng với ngũ cái tham dục, sân nhuế, hôn trầm, thùy miên, trạo cử ác tác, nghi. Vì Bồ Tát nầy đối với tất cả thùy miên đều đã phá hết; tất cả sự trói buộc của tùy phiền não cũng vĩnh viễn chẳng thể khởi được. Nếu thành tựu các hành, trạng, tướng mạo như thế, thì nên biết đó là đại Bồ Tát bất thối chuyển.

Đồ dùng như giường chiếu, y phục của các vị nầy luôn luôn thơm sạch, không có mồ hôi cáu bẩn, không có các loại chí rận v.v… tâm ưa thanh cao, thân không tật bệnh. Nếu thành tựu các hành, trạng, tướng mạo như thế, thì nên biết đó là đại Bồ Tát bất thối chuyển.

Đại Bồ Tát ở địa vị bất thối chuyển thì thân tâm thanh tịnh, chẳng phải như thân của người thường luôn bị tám vạn bốn ngàn hộ trùng gây hại. Vì sao? Vì các Bồ Tát ấy, thiện căn tăng trưởng, vượt khỏi thế gian, thọ thân hình trong ngoài thanh tịnh, nên không có các loại trùng gây hại thân thể. Thiện căn như thế, dần dần tăng trưởng, và cứ như vậy, thân tâm càng thanh tịnh. Do nhân duyên này, các Bồ Tát ấy, thân tâm kiên cố, giống như kim cương, chẳng bị nghịch duyên xâm phạm não hại. Nếu thành tựu các hành, trạng, tướng mạo như thế, thì nên biết đó là đại Bồ Tát bất thối chuyển.

Đại Bồ Tát ở địa vị bất thối chuyển chẳng xem trọng lợi dưỡng, chẳng màng danh dự; đối với các thức ăn, nước uống, y phục, đồ nằm, phòng xá, của cải đều chẳng tham luyến. Tuy thọ mười hai công đức đầu đà(4) nhưng hoàn toàn không ỷ lại. Nếu thành tựu các hành, trạng, tướng mạo như thế, thì nên biết đó là đại Bồ Tát bất thối chuyển.

Đại Bồ Tát ở địa vị bất thối chuyển thường tu bố thí, tâm xan tham rốt ráo chẳng khởi; thường tu tịnh giới, tâm phạm giới rốt ráo chẳng xuất; thường tu an nhẫn, tâm sân giận rốt ráo chẳng hiện; thường tu tinh tấn, tâm giải đãi rốt ráo chẳng phát; thường tu tịnh lự, tâm tán loạn rốt ráo chẳng sanh; thường tu Bát Nhã; tâm ngu si rốt ráo chẳng lộ. Do đó, các tâm ganh ghét, dua nịnh, dối trá, kiêu căn, phóng túng, não hại cũng vĩnh viễn chẳng thể xăm nhập được. Nếu thành tựu các hành, trạng, tướng mạo như thế, thì nên biết đó là đại Bồ Tát bất thối chuyển.

Đại Bồ Tát ở địa vị bất thối chuyển tuệ giác kiên cố, có khả năng ngộ nhập sâu xa chánh pháp, tùy theo pháp thế gian và xuất thế đã nghe, đều có khả năng dùng phương tiện hội nhập nghĩa thú Bát nhã Ba la mật. Nếu thành tựu các hành, trạng, tướng mạo như thế, thì nên biết đó là đại Bồ Tát bất thối chuyển.

 

(Tất cả tư tưởng trên đều nằm trong chánh kiến, chánh tư duy,

chánh nghip, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh

định. Đó cũng là chánh hạnh của Bồ Tát bất thối chuyển)

 

Đại Bồ Tát, nếu ác ma hóa làm tám đại Địa ngục (5), trong đó có ngàn ức vạn Bồ Tát đang bị đốt nấu thống khổ. Ác ma bảo đại Bồ Tát nầy rằng: Những người trong Địa ngục đây toàn là bậc Bất thối chuyển Bồ Tát được đức Phật thọ ký mà đọa vào đây, nếu Ngài được đức Phật thọ ký bậc bất thối chuyển cũng sẽ đọa vào đại Địa ngục nầy. Chi bằng Ngài xả bỏ tâm Bồ Tát thì chẳng bị đọa Địa ngục mà sẽ được sanh lên cõi Trời. Dù thấy nghe như vậy, Bồ Tát nầy vẫn chẳng động tâm, chẳng nghi, chẳng sợ, chẳng thối chí. Dù cho ác ma trấn áp, dn dụ, khuynh đảo bằng cách nầy hay cách khác, Bồ Tát ấy không bị lung lạc, suy thối. Nếu thành tựu các hành, trạng, tướng mạo như thế, thì nên biết đó là đại Bồ Tát bất thối chuyển.

 

(Không sa ngã trước những cám dỗ của dục vọng,

hay lo âu, sợ hãi)

 

Đại Bồ Tát ở địa vị bất thối chuyển thường hành Bát Nhã, luôn luôn nghĩ: Nếu đại Bồ Tát theo lời Phật dạy, tinh cần tu học thường chẳng xa lìa diệu hạnh đã nhiếp thọ là bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát Nhã; thường chẳng xa lìa tác ý tương ưng với Nhất thiết trí trí; thường dùng phương tiện khuyên các hữu tình tinh cần tu học sáu Ba la mật. Đại Bồ Tát ấy quyết định chẳng từ bỏ sáu Ba la mật; chẳng từ bỏ mười tám pháp không; chẳng từ bỏ chơn như, pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì; chẳng từ bỏ 37 pháp trợ đạo; chẳng từ bỏ Tứ đế khổ, tập, diệt, đạo; chẳng từ bỏ 4 tịnh lự, chẳng từ bỏ 4 vô lượng, 4 định vô sắc; chẳng từ bỏ tám giải thoát, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ; chẳng từ bỏ pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện; chẳng từ bỏ Bồ Tát thập địa; chẳng từ bỏ năm loại mắt, sáu phép thần thông; chẳng từ bỏ pháp môn Tam ma địa, pháp môn Đà la ni; chẳng từ bỏ Phật mười lực, chẳng từ bỏ bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng; chẳng từ bỏ pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả; chẳng từ bỏ Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí; chẳng từ bỏ quả vị Giác ngộ tối cao. Nếu thành tựu các hành, trạng, tướng mạo như thế, thì nên biết đó là đại Bồ Tát bất thối chuyển.

 

(Luôn luôn hành chánh đạo)

 

Đại Bồ Tát ở địa vị bất thối chuyển thường hành Bát Nhã, luôn luôn nghĩ: Nếu đại Bồ Tát hiểu biết việc ma, chẳng theo việc ma; hiểu biết bạn ác, chẳng nghe lời bạn ác; hiểu biết cảnh giới, chẳng chuyển theo cảnh giới; đại Bồ Tát ấy quyết định chẳng từ bỏ bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát Nhã; chẳng từ bỏ 18 pháp không; chẳng từ bỏ chơn như, pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác v.v… cho đến chẳng từ bỏ quả vị Giác ngộ tối cao. Nếu thành tựu các hành, trạng, tướng mạo như thế, nên biết đó là đại Bồ Tát bất thối chuyển.

Đại Bồ Tát ở địa vị bất thối chuyển khi nghe pháp yếu mà chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đã nói, thâm tâm hoan hỷ, cung kính tín thọ, khéo hiểu nghĩa thú; tâm họ kiên cố như kim cương chẳng thể lay chuyển, chẳng thể lung lạc, thường siêng tu học lục Ba la mật, cũng khuyên các hữu tình tinh cần tu học lục Ba la mật. Nếu thành tựu các hành, trạng, tướng mạo như thế, nên biết đó là đại Bồ Tát bất thối chuyển.

 

(Luôn luôn thúc liễm thân tâm, tự mình làm ông chủ

cuộc đời mình)

 

Đại Bồ Tát ấy dùng tự tướng không, quán tất cả pháp, đã nhập Bồ Tát Chánh tánh ly sanh cho đến chẳng tưởng, chẳng thấy, chẳng tin một pháp nhỏ nhặt nào có thể nắm bắt được, nếu không nắm bắt nên không tạo tác, vì không tạo tác, nên rốt ráo chẳng sanh, vì rốt ráo chẳng sanh, nên gọi là Vô sanh pháp nhẫn. Do chứng đắc Vô sanh pháp nhẫn như thế, nên gọi là đại Bồ Tát bất thối chuyển. Nếu thành tựu các hành, trạng, tướng, mạo như thế, thì nên biết đó là đại Bồ Tát bất thối chuyển. (Q. 327, ĐBN)

Nói tóm lại là luôn luôn tu hành theo chánh pháp.

 

Thích nghĩa:

(1). Bất thối chuyển: (Phạm: avinivartanìya): Dịch âm: A duy việt trí, A bệ bạt trí, cũng gọi Bất thối chuyển nghĩa là không sa ngã, không lùi bước trước mọi trở lực hay cám dỗ. Bồ Tát bất thối: Kinh Đại Bát Nhã quyển 449 nói, vào ngôi Kiến đạo được vô sinh pháp nhẫn, thì không còn rơi vào bậc Nhị thừa, nên được gọi là bất thoái. Còn đứng về phương diện giai vị, trong 52 giai vị Bồ Tát (Thập tín vị, Thập trụ vị, Thập hạnh vị, Thập hồi hướng vị, Thập địa, Đẳng giác, Diệu giác) thì trong Thập trụ vị gồm có: Thập tâm trụ: 1- Phát tâm trụ, 2- Trị địa (tâm) trụ, 3- Tu hành (tâm) trụ, 4- Sinh quí (tâm) trụ, 5- Phương tiện (tâm) trụ, 6- Chính tâm trụ, 7- Bất thoái (tâm) trụ, 8- Đồng chân (tâm) trụ, 9- Pháp vương tử (tâm) trụ và 10- Quán đính (tâm) trụ. Ở giai vị thứ bảy: Bất thoái (tâm) trụ nầy, Bồ Tát không còn thoái chuyển nữa nên gọi là Bất thoái chuyển Bồ Tát.

(2). Nguyên văn chữ Hán trong website Hoavouu. com dịch là:

Phật ngôn  thiện  hiện thị Bồ Tát Ma Ha Tát ư sắc chuyển cố danh bất 退thối chuyển ư thọ tưởng hành thức chuyển cố danh bất 退thối chuyển.”

Nguyên văn đoạn Kinh bằng chữ Hán này của Website hovouu.com được HT. Thích Trí Nghiêm dịch trong Website tuvienquangduc.com, như sau:

Phật nói:

- Thiện Hiện! Đại Bồ Tát này đối sắc chuyển nên gọi Bất thối chuyển, đối thọ tưởng hành thức chuyển nên gọi Bất thối chuyển..”.

- Bản dịch đã nhuận văn trong Website tuvienhoasen.org và quangduc.com: Cũng dịch như trên.

Cả ba bản dịch trên không có gì sai khác. Chỗ làm thắc mắc là câu trả lời của Phật: “Đại Bồ Tát này đối với sắc chuyển nên gọi Bất thối chuyển; đối với thọ, tưởng, hành, thức chuyển nên gọi Bất thối chuyển”.

Thông thường nói đối với sắc bị lôi cuốn, sa ngã thì gọi là thối chuyển, chứ không phải là bất thối chuyển. Nhưng nếu dịch “đối với sắc chuyển nên gọi là bất thối chuyển” (ư sắc chuyển cố danh bất 退thối chuyển”) trở thành khó hiểu. Đó là điểm làm chúng ta thắc mắc. Từ chuyển ở đây tùy theo điều kiện hay tình trạng tốt hay xấu mà trở thành thối chuyển hay bất thối chuyển! Hội thứ I dịch như vậy và các Hội kế tiếp cũng dịch như vậy, nên chúng tôi cũng ghi lại như vậy.

Cuối đoạn Kinh này, nói: “Nói rộng ra, đối với tất cả pháp Phật từ tứ đế cho đến Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề chuyển nên gọi là bất thối chuyển (chuyển tốt). Vì sao?

Thiện Hiện! Tự tánh sắc vô sở hữu, tự tánh thọ tưởng hành thức vô sở hữu. Như vậy, cho đến tự tánh chư Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề vô sở hữu. Đại Bồ Tát này đối trong chẳng trụ, nên gọi là chuyển. Do chẳng chuyển nên gọi danh Bồ Tát Bất thối chuyển. Nếu đại Bồ Tát có khả năng biết như thế, đấy gọi Bồ Tát Bất thối chuyển”. Đối với tất cả pháp mà chẳng trụ, nên gọi là chuyển. Phật lại bảo: “Vì bất chuyển, vì chuyển cũng gọi là bất thối chuyển”. Chính câu nói này có thể gây thắc mắc.

Tu để bỏ xấu, hết xấu là tốt. Nói chuyển nhưng chả có gì là chuyển. Cũng cùng cái tâm đó mê là chúng sanh, ngộ là Bồ Tát. Hết mê thì ngộ chả gì là chuyển là xoay. Đó là ý nghĩa của câu Do chẳng chuyển nên gọi danh Bồ Tát Bất thối chuyển”. Vậy, phẩm này nên tư duy theo đệ nhất nghĩa đế, đừng theo lý luận thường tục mà bị lẫn lộn.

 (3). Pháp tỳ nại da: Kinh Phật nói chung.

(4). Mười hai công đức đầu đà: Tu hạnh đầu đà nhằm giúp hành giả thanh tịnh thân tâm và giải thoát khỏi tham dục về vật chất cũng như tinh thần. Mười hai công đức đầu đà đã thuyết nhiều lần, nên không cần lặp lại nữa.

(5). Tám địa ngục: Nguyên văn bản chính bằng chữ Hán đăng trong Website hoavouu.com cũng ghi là bát đại địa ngục”. Có rất nhiều loại Địa ngục, không kể xiết. Từ điển Việt Anh- Đồng loại có ghi “Tám Đại Địa Ngục” như sau: 1- Đẳng hoạt, sànjiva; 2- Hắc thằng, kàla sùtra; 3- Chúng hợp, sanghàta; 4- Hào khiếu, raurava; 5- Đại hào khiếu, mahà raurava; 6- Viêm nhiệt, tapana; 7- Đại nhiệt, pratàpana; 8- Vô gián, avici. Muốn tránh cõi đen tối này thì phải tu thôi.

 

Lược giải:

 

1.      Làm thế nào để biết Bồ Tát Bất thối chuyển?

 

Để mở đầu chiết giải phẩm “A Bệ Bạt Trí”(Bất Thối Chuyển), Đại Trí Độ Luận, phẩm 55, tập 4, quyển 73, giải thích Bồ Tát Bất thối chuyển như sau:

“Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bồ Tát chuyển nơi pháp gì mà được gọi là Bồ Tát bất thối chuyển?

Phật dạy: Ở nơi sắc tướng... dẫn đến ở nơi Phật tướng mà chuyển, thì được gọi là “bất thối chuyển”.

Thế nào gọi là “Ở nơi sắc tướng... dẫn đến ở nơi Phật tướng mà chuyển”?

Đó là ở nơi sắc tướng... dẫn đến ở nơi Phật tướng mà hành “pháp tánh không”. Do hành pháp tánh không, nên được “vô sanh pháp nhẫn”. Ở nơi đây chẳng còn có pháp nào là khả đắc; hết thảy các pháp đều là bất khả đắc, dẫn đến vi tế pháp cũng đều là bất khả đắc cả.

Khi đã được “vô sanh pháp nhẫn” rồi, thì chẳng có tác (vô tác) cũng chẳng có khởi (vô khởi) các nghiệp báo nữa. Tu hành được như vậy gọi là được “vô sanh pháp nhẫn”.

Bồ Tát được “vô sanh pháp nhẫn” được gọi là Bồ Tát bất thối chuyển, cũng được gọi là Bồ Tát A Bệ Bạt Trí (Bất thối chuyển)”.

Đây được xem là một định nghĩa về Bồ Tát Bất thối chuyển. Nhưng trên phương diện thực hành Bồ Tát đạo, Kinh bảo là phải qua hình trạng tướng mạo của các Bồ Tát mới có thể xác định đâu là tinh thể của Bồ Tát Bất thối chuyển:

Thường những ai chẳng sanh nơi nhà hạ tiện, nhẫn đến chẳng sanh chỗ bát nạn, chẳng thọ thân bán nam bán n hay thân nữ. Do những hình trạng tướng mạo nầy mà đoán biết đó là bậc đại Bồ Tát Bất thối chuyển.

Do đức từ mà thân, khẩu, ý thành tựu. Nên thân khẩu ý vị này lúc nào cũng thanh tịnh: Ôn nhu hòa nhã. Do đây biết là bậc Bồ Tát Bất thối chuyển.

Vị này chẳng chung cùng với ngũ cái: Dâm dục, sân khuể, thùy miên, điệu hối và nghi. Do hình trạng tướng mạo nầy mà biết là bậc Bồ Tát Bất thối chuyển.

Với tất cả chỗ, tất cả thời vị này đều không ái trước. Lúc nằm ngồi đi đứng, cất bước, hạ chân, thân tâm luôn an ổn, thường tự chánh niệm, nhất tâm nhìn đất mà bước. Do những hình trạng tướng mạo nầy mà biết là bậc đại Bồ Tát bất thối chuyển.

Y phục, đồ nằm của vị này không dơ bẩn hôi hám, thân thể không có hộ trùng, nên ít bệnh tật. Vì công đức của vị này vượt ngoài thế gian nên được thân thanh tịnh, tâm thanh tịnh. Do những hình trạng tướng mạo đây mà đoán biết là bậc Bồ Tát bất thối chuyển.

Lại nữa, vì lợi ích cho chúng sanh vị này thực hành bố thí nhẫn đến Bát nhã Ba la mật. Đây gọi là bậc Bất thối chuyển Bồ Tát. Vị này thọ trì, đọc tụng, giảng thuyết, chánh ức niệm tất cả mười hai bộ kinh, từ khế kinh đến luận nghị, lại đem các pháp ấy làm pháp thí cho tất cả chúng sanh, rồi cùng hồi hướng công đức Vô thượng Bồ đề. Đây gọi là bậc Bồ Tát Bất thối chuyển.

Vị này chẳng quý lợi dưỡng. Dù thực hành 12 hạnh Đầu đà mà chẳng quý hạnh Đầu à. Vị này chẳng sanh tâm xan tham, tật đố, ngu si, thường chẳng sanh tâm phá giới, sân động, giải đãi, tán loạn. Do những hình trạng tướng mạo đây mà biết là bậc đại Bồ Tát Bất thối chuyển.

Vị này tuệ giác kiên cố, có khả năng ngộ nhập sâu xa chánh pháp, tùy theo pháp thế gian và xuất thế đã nghe, đều có khả năng dùng phương tiện hội nhập nghĩa thú Bát nhã Ba la mật. Nếu thành tựu các hành, trạng, tướng mạo như thế, nên biết đó là Bồ Tát Bất thối chuyển.

 

2. Ý chí và hành động của Bồ Tát Bất thối chuyển.

 

Nếu ác ma hóa hiện tám đại Địa ngục, trong đó có ngàn ức vạn Bồ Tát đang bị đốt nấu thống khổ. Ác ma bảo đại Bồ Tát nầy rằng: Những người trong Địa ngục đây toàn là bậc đại Bồ Tát bất thối chuyển đã được đức Phật thọ ký mà đọa vào đây, nếu Ngài được đức Phật thọ ký bậc bất thối chuyển cũng sẽ đọa vào đại Địa ngục nầy. Chi bằng xả bỏ tâm Bồ Tát thì chẳng bị đọa mà sẽ được sanh lên cõi Trời. Dù thấy nghe như vậy, Bồ Tát nầy vẫn chẳng nao núng, chẳng nghi, chẳng sợ, chẳng thối. Dù cho ác ma trấn áp, dẫn dụ, khuynh đảo bằng cách nầy hay cách khác, Bồ Tát ấy cũng không bị lung lạc, suy thối. Nếu thành tựu các hình trạng tướng mạo như thế, thì nên biết đó là bậc bất thối chuyển.

Vị này thường hành Bát nhã Ba la mật, luôn luôn nghĩ: Nếu đại Bồ Tát theo lời Phật dạy, tinh cần tu học thường chẳng xa lìa diệu hạnh đã nhiếp thọ là bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát nhã Ba la mật; thường chẳng xa lìa tác ý tương ưng với Nhất thiết trí trí; thường dùng phương tiện khuyên các hữu tình tinh cần tu học lục Ba la mật. Đại Bồ Tát ấy quyết định chẳng từ bỏ lục Ba la mật; quyết định chẳng từ bỏ 18 pháp không; chẳng từ bỏ chơn như, pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì; chẳng từ bỏ 37 pháp trợ đạo, chẳng từ bỏ tứ Thánh đế; chẳng từ bỏ Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí... cho đến quyết định chẳng từ bỏ quả vị Giác ngộ tối cao. Nếu thành tựu các hình trạng tướng mạo như thế, thì nên biết đó là đại Bồ Tát bất thối chuyển.

Vị này thường hành Bát nhã Ba la mật và luôn nghĩ: Nếu đại Bồ Tát hiểu biết việc ma, chẳng theo việc ma; hiểu biết bạn ác, chẳng nghe lời bạn ác; hiểu biết cảnh giới, chẳng chuyển theo cảnh giới; đại Bồ Tát ấy quyết định chẳng từ bỏ lục Ba la mật; quyết định chẳng từ bỏ 18 pháp không; chẳng từ bỏ chơn như pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác v.v… cho đến chẳng bỏ quả vị Giác ngộ tối cao. Nếu thành tựu các hình, trạng, tướng mạo như thế, thì nên biết đó là đại Bồ Tát bất thối chuyển.

Vị này khi nghe pháp yếu mà chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đã nói, thâm tâm hoan hỷ, cung kính tín thọ, khéo hiểu nghĩa thú; lại có tâm kiên cố như kim cương chẳng thể lay chuyển, chẳng thể lung lạc, thường siêng tu học lục Ba la mật, cũng khuyên các hữu tình tinh cần tu học lục Ba la mật. Nếu thành tựu các hình, trạng, tướng mạo như thế, thì nên biết đó là đại Bồ Tát bất thối chuyển.

 

3. Pháp không là chánh pháp của chư Phật.

 

Kinh nói:

- “Nếu, Đại Bồ Tát Bất thối chuyển này dùng tự tướng không để quán tất cả pháp. Đã vào ngôi Chánh tánh ly sanh của Bồ Tát, cho đến chẳng thấy chút pháp nào có thể đắc. Vì bất khả đắc nên không tạo tác. Vì không tạo tác nên rốt ráo chẳng sanh. Vì rốt ráo không sanh nên gọi là vô sanh pháp nhẫn. Do chứng được vô sanh pháp nhẫn này nên gọi là Đại Bồ Tát Bất thối chuyển”.

- “Vì đại Bồ Tát này hiểu rõ tất cả pháp: Tánh tướng đều không, ngang bằng với hư không và hoàn toàn bất khả đắc. Chẳng thấy có pháp nào để sanh quý trọng. Năng sanh, sở sanh, thời sanh, chỗ sanh hay do đây mà sanh đều chẳng thể nắm bắt được. Vì sao? Thiện Hiện! Vì tất cả pháp ngang đồng hư không, tự tướng vốn không, lấy vô tánh làm tánh”.

- “Vì đại Bồ Tát này biết tất cả pháp tánh tướng đều không, trong tánh tướng không ấy, không thấy có tướng”. Vì trong không, không thấy tướng, nên không tạo tác thi vi nữa, mới không bị tướng chuyển.  Không bị tướng chuyển, nên gọi là Bồ Tát Bất thối chuyển. Vì vậy, ngồi tại đạo tràng mà có thể chuyển pháp luân khắp 10 phương thế giới.

Phật bảo:

- “Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, giác ngộ đã nói tất cả pháp không. Như vậy gọi là chánh pháp của chư Phật”.

Vì nhập được pháp không rồi thì thấy nhân không, pháp cũng không thì không còn thi vi tạo tác nữa. Chư Phật đã tuyên nói pháp không như thế. Đó gọi là chánh pháp của chư Phật. Phật rát hầu rã họng nói pháp không này ròng rã trong 22 năm trời. Hãy tin nhận phụng hành nếu muốn trở thành Bồ Tát Bất thối chuyển được trời người A tu la… cung kính cúng dường, chư Phật thủ hộ, ở giữa đại chúng tuyên dương công đức.

 

Kết luận:

 

Tất cả pháp tự nói lên nghĩa thú của nó. Ai đọc đều có thể hiểu, chỉ cần lược tóm để nhớ! Điều quan trng đối với kẻ tu hành chân chánh là tự mình phải thúc liễm thân tâm để làm mẫu mực, làm thân giáo cho kẻ khác! Thân giáo là một trong các pháp bố thí cao nhất. Bồ Tát Chánh tánh ly sanh, Bồ Tát vô sanh pháp nhẫn hay Bồ Tát Bất thối chuyển cũng chỉ là danh tự do người khác gán cho mình! Tự tu hành để đạt chánh hạnh, tạo công đức trí tuệ cho mình đồng thời giúp chúng sanh thoát khỏi phiền não và chứng Niết bàn. Đó chính là tinh thể của Bồ Tát Bất thối chuyển, cái cao cả cần phải làm chẳng phải để biểu dương. /.

 

---o0o---

 

 



***

Tu Viện Quảng Đức Youtube Channel

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]