Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 6: Lớp A: Sám Hối

14/12/201913:09(Xem: 4840)
Bài 6: Lớp A: Sám Hối

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi- Tân Tây lan
KHÓA TU HỌC PHẬT PHÁP ÚC CHÂU kỳ 19
được tổ chức tại Capital Country Holiday Park, 47 Bidges Road, Sutton  NSW  2620
(Canberra, từ ngày 27 đến ngày 31 tháng 12 năm 2019)

***

Bài 6:  SÁM HỐI

Biên soạn: HT Thích Thiện Hoa
Giáo thọ: TT Thích Viên Trí

 

Mở đề: Là phàm phu, sống trong cuộc đời khó có ai tránh khỏi phạm phải những tội lỗi sai lầm do thiếu chánh niệm hoặc thiếu hiểu biết sinh ra. Đức Phật dạy có hai hạng người mạnh nhất: Một là người chưa bao giờ phạm tội lỗi, hai là người đã phạm mà biết thành tâm ăn năn sám hối. Nếu chúng ta là hạng người thứ hai thì chúng ta nên học theo lời Phật dạy, là thành tâm ăn năn sám hối để khỏi gây thêm những phiền não làm khổ cho mình và làm khổ cho người.

Thân bài: Sám hối được kết hợp bởi hai từ Samma ( tiếng Phạn) và Hối quá (tiếng Hán). Hối quá là phiên âm của chữ Samma, có nghĩa là “ăn năn lỗi trước, chừa bỏ lỗi lầm sau”. Đức Phật dạy: “Không làm các điều ác, làm các việc lành, giữ tâm ý trong sạch” như một công thức của người tu tập. Khi chúng ta đi chùa lạy Phật, tụng kinh, giữ giới, ăn chay, niệm Phật…. thì chỉ mới được phần đầu là không làm các điều ác, làm các việc lành (Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành). Nhưng muốn cho được hoàn hảo thì phải tiến thêm một bước nữa là giữ tâm ý trong sạch ( tự tịnh kỳ ý). Ca dao Việt Nam có câu: “ Nhà sạch thì mát, bát sạch thì ngon”. Cũng vậy, tâm ý của mình trong sạch thì cuộc sống của chúng ta trở nên nhẹ nhàng, thảnh thơi và an lạc hơn. Nhà dơ thì lấy chổi quét, bát dơ thì lấy nước rửa, còn tâm dơ thì lấy pháp sám hối để tịnh trừ. “Tội từ tâm khởi đem tâm sám, tâm được tịnh rồi tội liền tiêu. Tội tiêu tâm tịnh thảy đều không, thế mới thật là chơn sám hối”.

Con người ai cũng sợ tội lỗi. Quốc gia nào cũng có những quy định xử phạt đối với những người phạm tội để họ không tiếp tục gây bất ổn trong cộng đồng. Tôn giáo nào cũng có cách rửa tội khác nhau. Riêng đạo Phật dạy con người nên sám hối. Sám hối không phải xử phạt ai cả, lại càng không phải một đấng thần linh quyền năng nào đó có khả năng rửa hết tội lỗi cho con người. Sám hối chính là làm mới lại con người của mình, thay đổi cách nói năng, hành động và suy nghĩ của mình một cách tích cực hơn. Thay vì chúng ta ngồi chấp nhận số phận của mình như trong truyện Kiều đã nói “Bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao”, thì chúng ta hãy mạnh dạn vượt lên số phận khó khăn, bất hạnh của mình, nếu mình đã thanh cao rồi thì làm cho nó càng thanh cao hơn nữa.

Trong Đạo Phật, có 4 pháp sám hối sau đây:

a) Tác pháp sám hối: Pháp sám hối này thuộc về sự, phải lập giới đàn và thỉnh thanh tịnh Tăng chứng minh, nên gọi là tác pháp. Khi vào giới tràng, mình phải thành thật tỏ bày tội lỗi một cách thành khẩn, chí tâm ăn năn và nguyện về sau không tái phạm nữa. Một lòng thành kính sám hối như vậy, khi giới thể được thanh tịnh, tức là hết tội.

b) Thủ tướng sám hối: Pháp nầy thuộc về sự, và khó hơn pháp trước. Phật chế pháp này, là sám hối thuộc quán tưởng, cho những người tu hành có trình độ cao, hoặc ở chỗ không có Tăng, hay có, nhưng không được thanh tịnh. Muốn tu pháp này, hành giả phải đến trước Tượng Phật hay Bồ tát, thành tâm lễ bái, trình bày những tội lỗi đã phạm, và nguyện ăn năn chừa bỏ. Làm như thế từ 1 ngày, 3 ngày, 7 ngày, 49 ngày, và mãi mãi đến khi nào thấy được hảo tướng: Như thấy hào quang, hoa sen báu, thấy Phật, Bồ tát đến xoa đầu v.v… thì mới thôi.

c) Hồng danh sám hối: Pháp sám hối này cũng thuộc về sự, do Ngài Bất Động Pháp Sư đời nhà Tống bên Trung hoa soạn ra. Ngài rút 53 danh hiệu Phật trong Kinh “Ngũ Thập Tam Phật” tức là từ Đức Phật Phổ Quang cho đến Đức Phật Nhứt Thế Pháp Tràng Mãn Vương, và rút 35 hiệu Phật trong Kinh “Quán Dược Vương, Dược Thượng”, với Pháp thân Đức Phật A-Di-Đà, sau thêm vào kệ Phổ Hiền Đại Nguyện, thành nghi thức sám hối này, tổng cộng là 108 lạy, để ám chỉ trừ 108 phiền não. Nghi thức sám hối này, nếu ai chí thành kính lễ, thì sẽ diệt trừ được những phiền não và tội lỗi đã tạo, trong đời hiện tại cũng như nhiều đời quá khứ.

d) Vô-sanh sám hối: Pháp này thuộc về lý sám hối, rất cao và khó, bực thượng căn mới có thể thực hành được, gồm có:

- QUÁN TÂM VÔ SANH: Nghĩa là quan sát tự tâm mình hiện tiền không sanh. Như trong Kinh Kim-Cang nói: “Tâm quá khứ không thể được, tâm hiện tại chẳng có, tâm vị lai cũng không”. Quán trong ba thời gian đều không có tâm, thì vọng niệm không từ đâu mà có, nếu vọng niệm không có, thì các tội lỗi cũng không. Kinh nói: “Tội từ nơi tâm sanh mà cũng từ nơi tâm diệt. Nếu tâm này không sanh, thì tội cũng chẳng còn, thế mới thật là sám hối”.

- QUÁN PHÁP VÔ SANH: Nghĩa là quan sát thật tướng (chơn tánh) của các pháp không sanh. Chữ “thật tướng”, nghĩa là cái tướng ấy không sanh không diệt, không hư dối; từ xưa đến nay nó vẫn thường như thế, không bị thời gian thay đổi, hay không gian chuyển dời, suốt xưa thấu nay, nên gọi là thật tướng (Tướng chân thật). Nó cũng có tên là Chơn như hay Chơn tâm… Khi nhận được thật tướng rồi, thì các giả tướng đều không còn. Lúc bấy giờ những tội lỗi (giả tướng) kia, không còn gá nương vào đâu mà tồn tại. trong Kinh Quán Phổ Hiền có chép: “Muốn sám hối, phải quán thật tướng của các pháp, thì tội mới hoàn toàn tiêu diệt.

Muốn dứt trừ hoàn toàn tội lỗi thì phải phát triển hạnh lành, để tiêu trừ tội lỗi cũ. Trong lòng mỗi chúng ta không phải toàn chứa đựng những tánh xấu xa. Nếu tánh xấu đã có từ muôn đời, thì tánh tốt cũng đã có từ vô thỉ. Chúng ta mỗi người đều có Phật tánh là cái mầm của muôn hạnh lành, cái mầm ấy đã bị chôn vùi dưới bao lớp dục vọng, si mê. Bây giờ muốn tiêu trừ dục vọng thì chúng ta phải tạo điều kiện, cho cái mầm Phật tánh trổ lá, lên hoa, kết trái Bồ đề. Điều kiện làm cho mầm Bồ đề phát triển là những hạnh lành như: Từ bi, Hỷ xả, Bố thí,Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn v.v… Nếu chúng ta phát triển những tính tốt ấy, tất nhiên những tánh xấu không có đất để mọc lên nữa.

Kết Luận: Trong bốn pháp sám hối của Đạo Phật, có pháp về sự, có pháp về lý, có pháp cao, có pháp thấp. Vậy phải tùy theo căn cơ và hoàn cảnh của mỗi người mà áp dụng. Người thượng căn, thì quán pháp vô sanh sám hối. Người không gặp cảnh thuận tiện, không có giới đàn, không gặp Cao Tăng, thì dùng pháp thủ tướng sám hối. Người được cảnh thuận tiện có giới đàn thanh tịnh, có Cao Tăng Đại đức thì dùng pháp tác pháp sám hối. Còn thấy mình tội chướng nặng nề, và thấy các pháp trên khó thực hành được, thì cứ mỗi đêm, hay trong những bữa ăn chay và ngày sóc vọng, tuỳ tiện đến chùa hay ở nhà chí tâm lạy Hồng Danh sám hối, hoặc tiểu sám hối cũng tốt.

Vậy, ai là người muốn hết tội lỗi; ai là người muốn giải thoát sanh tử luân hồi; ai là người yêu chuộng chân lý, hãy cùng nhau nghiên cứu và thực hành các pháp sám hối của Đạo Phật cho kỹ lưỡng, để trước là cải thiện đời sống cá nhân, sau là đời sống của giống hữu tình được bớt đau khổ, và thêm an vui.

 

 ____


Toát yếu theo bộ "Phật Học Phổ Thông", khóa 1 (NXB Đông Phương 2012). HT Thích Thiện Hoa



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]