Tu viện Santi Forest Monastery là một tu viện Phật giáo do chư Sư người Úc đứng ra thành lập, quý Tôn Đức nơi đây hành trì tu tập theo truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy, còn được gọi Phật giáo Nam Tông ( Theravada Buddhism).theo hệ phái sơn tăng ( Forest Monks )của Thiền Sư Ajahn Chah, một vị Thiền Sư Thái-lan rất nỗi tiếng và đào tạo nhiều đệ tử Tây phương tên tuổi như Ajahn Sumedho ( UK) Ajahn Brahm (Australia) v.v…
Tu viện Santi Forest Monastery tọa lạc tại khu vực núi đồi cao nguyên (southern Highlands) về hướng Tây nam của Sydney, cách Sydney 150 Km, với diện tích đất rừng rộng 150 Acres. Thuộc thị trấn Bundanoon – NSW- Australia. Khởi thủy nơi đây là một trung tâm tu học (Retreat Centre) do Bà Elisabeth Gorsky, là một phụ nữ người Úc đứng ra tạo mãi lô đất và thành lập trung tâm nầy vào năm 1986, nhằm mục đích tạo điều kiện cho người dân Úc có cơ hội tìm hiểu và tu tập theo giáo pháp của đức Phật Thich Ca mâu Ni, Không lâu sau đó Bà Elisabeth đã đi Perth - WA. Và xuất gia với Thiền sư Ajahn Brahm, Bà là một người trong nhóm những phụ nữ Tây Phương đầu tiên thuộc truyền thống Theravada được thọ giới Tỳ kheo Ni tại Australia, từ đó Bà đã được mọi người biết đến với Pháp hiệu là Ven, Ayya Nirodha. Và bà đã hiến cúng lô đất 150 Acres nầy để thành lập một tu viện Phật giáo.
Vào năm 2003, Bhante Sujato, một vị Sư người Úc, đệ tử của Ajahn Brahm, đã được thỉnh mời về Bundanoon để thành lập Tu Viện Santi Forest Monastery và với địạ chỉ chính thức của Tu viện là: số 100 COALMINES RD – BUNDANOON – NSW 2578 – AUSTRALIA.
Tu Viện Santi dần dà đã trở nên quen thuộc với cư dân địa phương khi có sự xuất hiện trên những con đường của thị trấn Bundanoon hình ảnh của chư Sư với những tấm y vàng, chân đất, ôm bình bát khất thực vào mỗi sáng chủ nhật hằng tuần, dầu cho hôm ấy là một ngày nắng đẹp hay mưa rơi… những bước chân khoan thai, những gương mặt bình thản, những nụ cười an vui của quý Sư kèm theo là những lời ân cần giải đáp những câu hỏi của người dân địa phương về chư Sư là ai? Tại sao phải đi khất thực?và Phật giáo là gì? V.v… và sau đó đã có những người Úc cư dân địa phương và các vùng phụ cận đã trở thành những Phật tử, quy Y tam bảo và tham dự những buổi thuyết giảng, những khóa tu thường xuyên được tổ chức tại tu viện Santi. Riêng với Phật tử người Việt tại Sydney đã cùng nhau hùn phước, đóng góp tịnh tài để đào xới một hang núi tại tu viện để trở thành một ngôi thiền đường trong thạch động với sức chứa khoảng 200 người có thể ngồi thiền và thực hiện việc tu tập tại đây, và cũng từ đó, Phật tử Việt nam thường gọi tu viện Santi với cái tên rất thân thương là ”Chùa Hang”.
Hằng năm, sau 3 tháng an cư kiết hạ, một ngày lễ được gọi là “ Lễ dâng Y Kathina” theo truyền thống Phật giáo Nguyên Thủy được tổ chức tại đây với sự tham dự của chư Tăng Ni nhiều sắc tộc và cộng đồng Phật tử Úc, Việt, Thái Lan, Lào, Campuchia, miến điện, Tích lan v.v…đã cùng nhau tụ hội về đây để làm lễ dâng Y Kathina.
Với một nếp sống đạm bạc, ngày chỉ với một thời ngọ trai, lưu ngụ trong các tinh thất hoặc các hang động cá nhân trong rừng để hành thiền tu tập và giữ gìn giới luật rất nghiêm túc.Hương thiền của Tu Viện santi đã lan tỏa khắp muôn nơi, nhiều người từ các quốc gia như Mỹ, Anh, Áo, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Do Thái, Singapore, Đài Loan, Việt nam…đã tìm về nơi đây để xin xuống tóc xuất gia, và đã trở thành những vị Tỳ kheo, Tỳ kheo ni hành trì và xiểng dương Phật pháp.
Tu viện Santi với chủ trương của Ajahn Brahm và Bhante Sujato là thực hiện việc bình đẳng cho nữ giới được thọ giới Tỳ kheo ni như chư Tăng được thọ giới Tỳ Kheo. Trong tinh thần ấy, vào năm 2012, tu viện Santi đã được chuyễn đổi thành Ni viện theo hệ phái Sơn lâm Theravada. Nhiều buổi lễ truyền giới Tỳ Kheo Ni đã được long trọng tổ chức tại đây trong nhiều năm qua.
Khu rừng yên vắng của tu viện santi đã bừng lên một nét rạng ngời với hình ảnh của chư Ni ngày ngày thiền tọa trong các mật thất, trong các hang núi ở sâu trong rừng thiền của tu viện, và đặc biệt thêm nữa là một pho tượng Đức Quan Thế Âm bằng đá cẩm thạch trắng, cao 3 mét, do Phật tử Việt nam tại Sydney hiến cúng và dựng lập, Tôn dung Pho tượng với một gương mặt:
…” Chao ôi là diệu là hiền.
Trên đôi nét nguyệt vẽ nên đôi mày,
Mẹ về ấm áp lắm thay,
Sữa kia với lại bình nầy cho con
Chở Tam Thiên, một bình tròn
Ôi nguồn Tịnh Thủy cho non nước đầy…”
( Trích – Thơ Trụ Vũ )
Pho tượng Quan Âm được thiết trí ngay trước cửa thiền động, bên trong Thiền động, khách viếng tham sẽ tìm được một cảm giác an bình khi chiêm bái pho tượng Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni ngồi tĩnh lặng trong lòng thiền động, tượng được khắc tạc trực tiếp từ vách đá của hang núi, tác giả điêu khắc Pho tương nầy là Ayya Pathacara, một Sư Cô người Thụy Sĩ, người trẻ tuổi nhất của Tu viện.
Vài lời giới thiệu về Tu Viện santi Forest Monastery – Bundanoon. Mong rằng nếu có dịp đến Sydney, quý vị đừng bỏ lở cơ hội viếng thăm tu viện, và nếu được, quý vị nên thu xếp để xin ở lại dăm ba ngày tại tu viện, tin rằng quý vị sẽ tìm được trọn vẹn giá trị của sự tĩnh lặng của nguồn tâm.
Một buổi sớm sương mù giăng khắp tại tu viện Santi tôi đã viết:
“ Sương mù giăng đĩnh núi,
Tĩnh mịch chốn Thiền lâm
Đường đời muôn vạn lối
Quay về một hướng tâm. “
Mời quý vị vào Youtube xem nột số hình ảnh tu tập của chư tại tu viện Santi – Link youtube:https://www.youtube.com/watch?v=ubX9wAk7Z1s
Gia Hiếu