Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bố Thí là một hạnh đức cao thượng và phước điền đệ nhất

14/07/201911:24(Xem: 6303)
Bố Thí là một hạnh đức cao thượng và phước điền đệ nhất

bo thi

BỐ THÍ LÀ MỘT HẠNH
ĐỨC CAO THƯỢNG

LÀ PHƯỚC ĐIỀN ĐỆ NHẤT

 

Bố thí là một hạnh đức tính cao thượng và quan trọng hàng đầu của người Phật tử, mà Đức Thế Tôn đã hướng dẫn cho hàng cư sĩ nên gieo trồng ba ruộng phước điền vào mảnh đất tâm đó là:

Bi Điền:Đem tài vật trao tặng cho người nghèo khổ hoạn nạn.

Ân Điền: Mảnh ruộng ân nghĩa đối với cha, mẹ anh em, bà con, xóm làng.

Kính Điền:Cúng dường phụng sự Tam Bảo một ngày một hưng thịnh.

Ở đời có người sanh ra trong quyền quý, cũng lắm kẻ rơi vào gia đình thiếu cơm ăn áo mặc rách nát tang thương, sáu căn không đủ v.v… Muôn hình vạn trạng không sao nói hết được, làm người ai mà không muốn cho mình giàu sang phú quý, có ai muốn sống một cuộc sống khốn cùng hạ liệt bao giờ, nhưng nghiệp lực bủa vây, muốn thoát cũng không thoát được, Đức Thế Tôn dạy nhân nào quả đó rõ ràng, không ai có thể làm ta tốt hơn, hay xấu đi, ngoại trừ nghiệp lực chúng ta tạo.

Thời Đức Phật còn tại thế, lúc đó Ngài Ana Luật ngồi xâu kim nhưng vì mắt đã mờ nên không xâu được, Ngài hỏi lớn tiếng: “Có ai đó có thể xâu giùm kim cho ta, để được phước đức không?”

Đức Thế Tôn đứng gần đó trả lời: “Như Lai sẽ xâu cho ông”.

- Ana Luật thưa: “Như Lai đâu cần phước đức nữa”

- Đức Thế Tôn trả lời: “Chính Như Lai cũng cần phước đức”

Thật là một bài học sống động một cách tuyệt vời, cho chúng ta thấy rằng chia cơm sẻ áo, bố thí cúng dường, trợ duyên giúp đỡ, hành động hiến tặng là một phong cách hoàn mỹ giúp cho đời vơi bớt khổ đau, là nhân tốt cho mình tu tập buông xả tánh tham lam keo bẩn, hẹp hòi đồng ∏thời tích lũy thiện căn phước đức, thắp sáng ngọn đuốc yêu thương, mang lại an lạc cho mình và lợi lạc cho người.

Trong tư duy nhận thức đứng đắn về sự tương quan, tương duyên của cuộc sống Đức Phật nhấn mạnh ba ruộng phước phải được tưới tẩm mới thể hiện được lòng tri ân tâm từ bi và trí tuệ của người tu tập hạnh bố thí được thể hiện qua:

Tài Thí:Có hai

Nội thí:Bố thí thân mạng, nội tạng để cứu giúp người thoát cảnh nguy nan.

Ngoại thí:Những vật sở hữu ngoài thân như tiền tài, của cải, vật thực đem cúng dường Tam Bảo, cứu tế giúp đỡ chia xẻ cho người khó khăn, biếu tặng những bậc trưởng thượng v.v…

Pháp Thí:Ấn tống kinh sách, khuyến tấn giảng giải cho người biết tin nhân quả nghiệp báo, khuyên bảo quy y Tam Bảo, hành trì giới pháp, tự thân tu hành làm mô phạm cho đời. Tài thí chỉ là phương tiện tạm để giúp chúng sanh bớt khổ nhưng không giải thoát, còn pháp thí thì giúp cho mọi người xa lìa ác pháp, thực hành thiện pháp tịnh hóa ba nghiệp thoát khổ được vui.

Trong phẩm Chư Thiên có đưa ra những câu hỏi đểlàm sao cho cuộc sống có giá trị, suốt mười  hai năm đi cùng khắp mà không ai giải đáp được, sau đó quyết định đi gặp Tứ Đại Thiên Vương, Tứ Đại Thiên Vương nghe xong cũng bó tay, vì mỗi vị đều đưa ra những quan điểm khác nhau không ai giống ai cả, rồi quyết định đi gặp Trời Đế Thích (là vua trong các vị Trời) Vua Đế Thích cũng đầu hàng không giải thích được, cuối cùng dẫnnhau đi gặp Phật, đến Tịnh Xá Kỳ Viên đảnh lễ dưới chân Phật và bạch rằng: Hôm nay chúng con đến xin yết kiến Ngài.

Thế Tôn hỏi: Chư Thiên có chuyện gì mà về đến Tinh Xá đông vậy?

Vua Trời Đế Thích đáp: Bạch Thế Tôn có bốn câu hỏi mà Chư Thiên chúng con tranh cãi đến mười hai năm trời, hỏi Tứ Đại Thiên Vương cũng chịu thua, hỏi con, con không có câu trả lờinào thỏa đáng cả, xin Đức Thế Tôn chỉ giáo cho.

Thế Tôn hỏi: Câu gì vậy?

Đáp:

- Vật gì bố thí là cao quý nhất?

- Vị ngon nào là ngon nhất?

- Hạnh phúc nào là tột đỉnh?

- Việc làm nào là tối hệ trọng nhất?

Phật đáp: Lành thay!Chính vì dứt trừ mối nghi cho chúng sanh mà Như Lai phải tu tập hoàn thành Thập Độ Ba La Mật, hành năm pháp đại xả và chứng quả chánh giác, có trí tuệ để giải đáp tất cả những câu hỏi của Chư Thiên và loài người.

Về câu hỏi của Đại Vương: Vật gì bố thí là cao quý nhất?

Phật dạy: Pháp thí thắng mọi thí, tại sao vậy, dù cúng dường y cho các vị Phật, A La Hán, hiền Thánh tăng, nhiều từ dưới đất lên đến trời Phạm Thiên cũng không bằng một phần mười sáu một người đọc bài kệ hồi hướng giữa đại chúng, hoặc tứ hoằng thệ nguyện bằng tất cả tâm thành, chỉ mong mọi người thành Phật. Tầm quan trọng của đọc tụng, nghe pháp mới biết đâu là phước, đâu là tội, cúng dường pháp thí giúp mọi người lánh xa tà pháp, làm ác, nói ác,gần gũi thiện pháp, biết thế gian là vô thường; vật chất có khi bị lửa cháy, nước trôi, con phá sản, cá độ, cờ bạc. Phật khuyên buông xả bố thí để được phước lạc cho nên:

 Pháp thí thắng mọi thí,

Pháp vị thắng mọi vị

Pháp hỷ thắng mọi pháp là vậy.

Vô Úy Thí:Nghĩa là giúp mọi người bớt lo âu sợ hãi, bớt stress, bớt căng thẳng, an lạc tự tại.

Kinh Tăng chi Bộ III, phẩm Chư thiên, phẩm Bố thí: Đức Thế Tôn dạy rằng dâng thí vật đúng pháp gồm có sáu phần:

Kinh nói: “Một thời, Đức Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavata, khu vườn của ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, mẹ của Nanda, nữ gia chủ người Velukandaki làm một thí vật gồm có sáu phần cho chúng Tỷ-kheo Tăng, dẫn đầu là Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Thế Tôn với thiên nhãn thanh tịnh, liền bảo các Tỷ-kheo:

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có ba phần thuộc người bố thí và có ba phần thuộc người nhận vật bố thí. Thế nào là ba phần thuộc về người bố thí? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người bố thí, trước khi bố thí, ý được vui lòng; trong khi bố thí, tâm được tịnh tín; sau khi bố thí, cảm thấy hoan hỷ. Đây là ba phần của người bố thí.

Thế nào là ba phần của người nhận vật bố thí? Ở đây, này các Tỷ-kheo, những người nhận vật bố thí, đã được ly tham hay đang thực hành hạnh ly tham; đã được ly sân hay đang thực hành hạnh ly sân; đã được ly si hay đang thực hành hạnh ly si. Đây là ba phần của những người nhận vật bố thí. Như vậy là ba phần của người bố thí và ba phần của những người nhận được vật bố thí. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là thí vật gồm có sáu phần”.

Như vậy, này các Tỷ-kheo, thực không dễ gì nắm được số lượng về công đức một thí vật gồm có sáu phần như vậy: “Có chừng ấy nguồn sanh phước, nguồn sanh thiện, món ăn an lạc, thuộc Thiên giới, là quả lạc dị thục, dẫn đến cõi Trời, đưa đến khả lạc, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc”; vì rằng cả khối công đức lớn được xem là vô số, vô lượng. Ví như, này các Tỷ-kheo, trong biển lớn, thật không dễ gì nắm lấy một số lượng nước và nói rằng: “Có chừng ấy thùng nước, hay có chừng ấy trăm thùng nước, hay có chừng ấy ngàn thùng nước, hay có chừng ấy trăm ngàn thùng nước”; vì rằng, cả khối lượng lớn nước được xem là vô số, vô lượng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, thật không dễ gì để nắm được số lượng về công đức của một thí vật gồm sáu phần như vậy: “Có chừng ấy nguồn sanh phước, nguồn sanh thiện, món ăn lạc, thuộc Thiên giới, là quả lạc dị thục, dẫn đến cõi Trời, đưa đến khả lạc, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc an lạc”; vì rằng cả khối công đức lớn được xem là vô số, vô lượng.

Người thực hành hạnh bố thí cúng dường phải đầy đủ ba yếu tố thì bốthí mới đầy đủ:

Trước bố thí ý vui, khi bố thí Tín Tâm, sau bố thí hoan hỷ.

Người nhận thí cũng phải đầy đủ ba yếu tố mới làm ruộng phước cho người: Đãđang ly tham, ly sân, ly si.

Vậy mới viên mãn được sự tự lợi và lợi tha của việc bố thí đúng pháp, mới được phước lạc vô lượng vô biên.

Trong Tăng Chi Bộ tập II phẩm Vudanda có kể: Lúc đó Phật ở Thành Xá-ly, có một người gia chủ đến đảnh lễ và trải tọa cụ cho Đức Phật ngồi, dâng thức ăn rất ngon và vải vóc rất đẹp. Ông nói: Bạch Đức Thế Tôn, hôm nay con dâng cúng cháo cho Ngài từ hoa Sala, vải vóc cao quý, xin Đức Thế Tôn vì lòng từ bi mà nhận cho chúng con, vì chúng con có nghe Phật dạy rằng: Ai có cúng dường với tâm khả ý sẽ được nhận những sự khả ý trong cuộc đời.

Sau khi ông Vudanda nói xong, Đức Phật nói rằng: Đúng rồi ai dâng cúng những vật khả ý, tặng vật khả ý, là đang gieo những hạt giống ruộng tốt, nên những bậc chân nhân hay bố thí những vật khó bố thí, đây là hạnh buông xả giải thoát không sanh tâm tham đắm thí luôn luôn nhận được những sự khả ý trong cuộc đời.

Lúc Phật ở Kỳ Viên Tịnh Xá có con gái vua và 500 người nữ hộ tống công chúa đến nghe pháp, công chúa bạch Phật, bạch Đức Thế Tôn nếu có hai người đệ tử, trong cuộc sống đều giống nhau về sắc đẹp, về tu tập, đều quy y Tam Bảo như nhau, thì khi thân hoại mệnh chung có gì khác không?

Đức Phật bảo: Có, nếu trong hai người, có người biết bố thí và một người không biết bố thí, hai điều đó sẽ làm cho hai người khác nhau.

Đức Phật dạy tiếp: Người có hạnh bố thí, nhan sắc sẽ tươi nhuận đẹp đẽ hơn, tuổi thọ dài hơn, có địa vị trong xã hội được mọi người kính trọng, sẽ khác với người không từng cho ai cái gì, người đó sẽ khổ mãi, cho nên cần phải tu tập hạnh xả thí vì đó là phước điền đệ nhất.

Một hôm đức Phật tản bộ cùng với Ngài A Nan ở thành Vương Xá (Ràjagrha), đến một quãng đường có hai trẻ nhỏ Jaya và Vijaya đang vui đùa lấy đất sét nắn thành những cái nhà nhỏ. Khi thấy đức Phật đến gần, chúng rất vui mừng hớn hở. Jaya lấy đất sét nắn thành một cái bánh, thành kính cúi đầu cúng dâng cho đức Phật, còn Vijaya lúc đó cũng chắp hai tay lại cúi lạy theo bạn. Jaya, trong lúc cúng dường cái bánh đất, phát nguyện rằng sau này sẽ làm vua an trị cả một thế giới, rồi nó tụng lên một bài kệ cúng dường đức Phật. Đức Phật hoan hỷ đưa tay đón nhận cái bánh đất của bé và mỉm cười. Thấy đức Phật mỉm cười, Ngài A Nan lấy làm lạ nên hỏi lý do, và đức Phật trả lời rằng: “Một trăm năm, sau khi ta nhập Niết Bàn, đứa bé này sẽ là một vị Chuyển luân thánh vương (Cakravartin) trông coi một trong bốn châu thiên hạ, và trong thành phố Kusumapura (Pàtaliputra), nó sẽ làm một vị minh vương tên là A Dục (Ásoka). Sau khi chia phát những xá lợi của ta xong, nó sẽ xây cất 84.000 Bảo tháp để làm lợi ích cho muôn loài”.

Chỉ cúng dường với lòng tôn kính mà được phước báocõi nhân thiên, đây chính là phước điền cần được gieo trồng. 

Trong Lục Độ Vạn Hạnh, đứng đầu là hạnh Bố Thí Ba La Mật, một pháp tu rốt ráo quan trọng cho hàng Bồ Tát phát tâm muốn tu tập hạnh Bố Thí Ba La Mật, Đức Phật dạy cần phải quán chiếu tam luân không tịch, nghĩa là không thấy có ta bố thí, không có vật thí và cũng không có người nhận thí, đồng nghĩa với Kinh Kim Cang dạy “Bố thí mà không phải Bố thí mới thật là Bố thí”.

Đúng vậy bố thí mà không chấp nhân ngã, chúng sanh thọ giả mới chính là Bố Thí Ba La Mật, bởi tất cả đều duyên sanh không tự tánh, “vạn pháp tùng nhân duyên sanh, diệt tùng nhân duyên diệt”, đã giả danh không thật tướng thì nhân ngã bỉ thử từ đâu sanh? Quán triệt như vậy mới thấy được tánh không của vạn pháp, mới thực hành hạnh Ba La Mật của Bồ Tát, mới rốt ráo mới giác ngộ giải thoát.

Ngoài những phương pháp hành trì Bố thí trên, Đức Phật còn chỉ dạy thêm bảy phương pháp Bố thí nữa, bất luận ai ai dù căn cơ nào cũng thực hành được không cần tốn của nhọc công gì cả, chúng ta hãy lắng nghe Hòa Thượng nói để chiêm nghiệm và thực hành.

Bữa nọ có một người ăn xin chạy đến trước một vị Hòa Thượng, vừa khóc vừa nói: “Thưa Ngài, con khổ quá, làm việc gì cũng không thành ngay cả ăn xin cũng bữa đói bữa no, khổ tận cam lai, con chẳng biết gì hơn hai chữ khổ khổ”.

Vị Hòa Thượng cười và nói với anh ta rằng: “Đó chính vì con không học được cách Bố Thí đó thôi”.

Người đàn ông vừa khóc vừa nói: “Thưa Ngài, thứ cùng đinh đầu đường xó chợ như con, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc lấy gì để Bố Thí!”

Hòa Thượng nói: “Không phải thế! Này con, Đức Thế Tôn có dạy, con người dù nghèo khổ đến đâu vẫn có thể cho người khác bảy thứ mà không cần phải tốn gì, và ai ai cũng đều có thể thực hiện được. Rồi Hòa Thượng chậm rãi giảng giải lời Đức Thế Tôn dạy rằng”:

1. Nhãn thí:Mỗi ngày gặp bất cứ ai con hãy dùng ánh mắt hiền từ thương yêu nhân ái mà giao tiếp với người, con sẽ được an vui.

2. Ngôn thí:Con có thể cho người khác những lời ái ngữ, vỗ về an ủi động viên, bằng những lời khiêm tốn và những lời ấm áp tình người, đây mới là chân hạnh phúc.

3. Nhan thí:Một nét mặt vui tươi, một nụ cười hiền hòa, con hãy ban tặng cho người mình gặp trên đường, đâu thể không làm được.

4. Thân thí:Một hành động nhân ái, con hãy thật lòng giúp đỡ người khác, làm điều tốt cho người đôi khi còn giá trị hơn cả tiền bạc nữa con ạ.

5. Tâm thí:Con hãy mở rộng tấm lòng nhân ái của mình mà đối nhân xử thế với người, tâm hòa kính bao dung tha thứ, thương yêu, lòng biết ơn trung trực thánh thiện không dối, chẳng tốn một xu nào cả.

6. Tọa thí:Khi đi xe, hay tàu thuyền, con có thể nhường chỗ ngồi của mình cho người cần, không tốn một đồng bạc.

7. Phòng thí:Với lòng bao dung nơi ở, có thể nhường cho người không nhà tạm nghỉ qua đêm, người ta nói chật bụng chớ chật chi nhà, con hiểu không?

Bất luận là giàu sang hay nghèo hèn, bất luận là ai chỉ cần học được bảy loại Bố thí này và thực hành thì cuộc đời của họ sẽ mãi mãi tràn ngập hạnh phúc, có đâu còn đau khổ buồn bực nữa.

Người đàn ông nghe xong chợt bừng tỉnh cơn mê cúi xuống run rẩy nói: “Bạch Hòa Thượng, giờ thì con đã hiểu, trên đời, người cho đi nhiều chính là người được hạnh phúc nhất”.

Hòa Thượng đáp: Đúng vậy con ạ!

Trong cuộc sống chúng ta sở hữu quá nhiều thứ, nhưng dường như không làm mình vui và hạnh phúc.

Max một cậu bé có trái tim nhân hậu, bé rất thích chiếc Scooter và bảo quản rất cẩn trọng, sau khi được tặng một chiếc xe Scooter khác, cậu ta mới nói với bố mẹ, con muốn tặng chiếc xe này cho một gia đình khác không có đủ điều kiện để mua xe cho con họ (vì sở hữu hai chiếc là việc không cần thiết).

Bố mẹ Max bằng lòng, gởi nhờ chiếc xe ở chủ tiệm xe, với dòng chữ “những mong ai đó yêu thích và lấy chiếc xe về”.

Sau đó Max và cha mẹ cậu rất vui mừng khi nhận lại tấm bìa từ chủ cửa hàng với hai dòng chữ nhắn “Cảm ơn rất nhiều Max! Tôi yêu chiếc xe Scooter mới của mình, Ayla thân gởi”.

Cậu bé trao đi để đổi về niềm hạnh phúc từ một người khác.

Thông thường chúng ta hiểu Bố thí là cho đi tài vật của cải tiền bạc, vật chất bên ngoài, đây chỉ là một phần, cái mà Đức Phật muốn nhấn mạnh là ở tấm lòng, tấm lòng có rộng thì bố thí lại càng vĩ đại hơn, càng đại thiện đại nhân, là nhân cách quý báu của người tu đạo, bởi do diệt trừ gốc tham lam thể hiện lòng từ bi đối với vạn loại.

Chúng ta đến chùa cúng dường chút tiền công đức, hay quyên góp tài vật để giúp người chúng ta gọi là công tác từ thiện, nhưng thật ra mỗi việc làm mỗi ý nghĩ hướng đến người khác, giúp đỡ em nhỏ qua đường, người già bị ngã, hoặc nhường ghế xe buýt cho người già, thai phụ hay an ủi bằng lời từ hòa, nở một nụ cười vui tươi với người, bao dung hoan hỷ, biết ơn người trên, kính nhường người dưới, thuận hòa thương yêu chia sẻ lắng nghe, cảm thấu với người đây mới thật sự bố thí, bởi lúc này ta đang thật sự cho đi, cái cho đi không phải là tiền bạc mà chính là tấm lòng, tấm lòng ấy đôi khi là vô giá, hơn bất cứ vật gì bởi biết quên mình vì người khác, không sống vô cảm, nhưai đau khổ mặc kệ là không đúng tinh thần của Đạo Phật.

Nói tóm lại, người con Phật tu đạo giải thoát phải luôn quyên tặng, bố thí, cúng dường, tích đức hành thiện kiệm phước, từ hành động cho đến lời nói, việc làm đều đem đến an vui hạnh phúc cho người, khuyến tấn giúp đỡ người gặp khó khăn, cảm thông tha thứ, đùm bọc chở che trên tinh thần vô ngã vị tha, giúp người chuyển hóa ác nghiệp. Một ngày sống trên đời là một ngày sống hữu ích, lấy bố thí làm hành trang,làm nền tảng, làm tư lương tối thắng cho mình giữa thế gian cát bụi lắm nghiệt ngã và khổ đau này, khả dĩ mới lợi lạc hữu tình, an lạc cho chính mình. Đây mới là chân hạnh phúc, mà bố thí là một hạnh đức cao thượng và phước điền đệ nhất cần được thực thi trong đời sống tâm linh của người tu Phật.

TKN Thích Huệ Nhẫn

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]