Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thiên Ấn Tự- Niệm Ân và Hoài Vọng

13/07/201921:33(Xem: 5606)
Thiên Ấn Tự- Niệm Ân và Hoài Vọng

Thiên Ấn Tự- Niệm Ân và Hoài Vọng

 

Tổ Đình Thiên Ấn Quảng Ngãi, là điểm nương tựa tâm linh và cũng là niềm tự hào của người con Phật xứ Quảng Ngãi. Trải qua cùng bao tuế nguyệt phong sương, những bi thương cùng những đọa đày của chiến tranh tang tóc. Chốn Tổ uy nghiêm ấy vẫn hiên ngang kiên cường mặc cho những cuồng phong bão tố của cuộc đời.

Sau ngày biến cố loạn ly của quê hương Việt Nam, những người con Việt đành rời quê Cha đất Tổ, để lại sau lưng biết bao hoài niệm ân tình hồn thiêng đất nước, lũy tre, cây đa, bến nước… Chư Tôn Đức Tăng Ni ngoài những hoài niệm ân tình về quê hương, quý Ngài còn nặng thêm trong lòng với Thầy Tổ,  với Đạo Pháp, với mái chùa những tháng ngày tu hành thanh đạm,  với những hoài bảo cho Phật pháp và vạn loại chúng sanh.

Thượng Tọa Thích Như Định, vị Thầy khai sơn chùa Thiên Ấn tại Sydney Úc Quốc, cũng là một trong những vị Tôn Túc rời xa quê trong nỗi niềm ấy, Thượng Tọa vốn xuất thân tử xứ Quảng Ngãi, nơi có Thiên Ấn, Sông Trà..với tâm nguyện đền đáp công ơn Tổ Thầy và nối nghiệp Tổ xưa nên ngôi chùa Thiên Ấn đang hiện hữu với đạo tràng An Cư Kiết Hạ.

Trải qua một khoảng thời gian vô cùng khó khăn, suốt gần 30 năm, khoảng thời gian mà như gần hết cả khoảng đời tuổi thanh xuân, Thầy đã và đang vun bồi để hoàn thành tâm nguyện: kiến tạo một Thiên Ấn tại Úc quốc.

Thầy là hành giả thọ trì kinh Pháp Hoa nhưng lại thích đường lối phương châm kiến giải của Tổ Sư Thiền: “Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực- Một ngày không làm một ngày không ăn”. Câu nói thời danh của Thiền Sư Bách Trượng Hoài Hải (720-814). Thiền Sư Bách Trượng Hoài Hải là một trong những vị Tổ nổi tiếng nhất đời Đường Trung Quốc, câu nói của Ngài tùy theo mỗi hành giả tu tập tuy có những nhận định khác nhau: một ngày không làm, một ngày không ăn; hay có vị giảng giải theo ý tưởng: một ngày không tiến tu đạo nghiệp thì không thọ nhận của Tín thí… Dù theo ngữ nghĩa nào thì lời của Tổ vẫn hàm súc, chứa đựng như một đại nguyện tinh tấn để cho hậu thế noi theo.

Trong suốt một thời gian người viết ở với tại chùa Thiên Ấn. Thầy  Trụ Trì thực hành gần như triệt để: theo lời Thầy, suốt mấy mươi năm, theo tâm nguyện dấn thân và tích phước, gần như chưa bao giờ nghỉ ngơi. Từ lúc mới khai mở Đạo Tràng, Thiên Ấn tự lúc đó là ngôi nhà nhỏ, cùng với những người con Phật tại Đạo Tràng chùa Thiên Ấn, Thầy để hết cả tâm tư sức lực cho ngôi phạm vũ này.

Bản thân của người và những huynh đệ có nhân duyên  Thầy bảo lãnh sang, dù với thời gian ở tại chùa Thiên Ấn nhiều ít cũng đã để lại trong lòng không biết bao nhiêu kỷ niệm. Từ nơi Thầy, tất cả những huynh đệ đều tích lũy thêm cho những đức tính siêng năng, cần mẫn..và tập có cái nhìn thoáng đạt hơn trong khi sống và làm việc tại một miền Đất mới với nhiều thử thách cam go. Hôm nay, trong niềm xúc cảm vô biên khi nhìn thấy tại Thiên Ấn tự mở đạo Tràng An cư, nơi chư Tôn Đức Tăng Ni cọng trú, tiến tu Tam Vô Lậu học.  Như khơi nguồn tâm thức,  nhớ về những tháng ngày ở Thiên Ấn.

Bước vào chùa Thiên Ấn, đối với những người nơi khác đến thì ai cũng rất ngạc nhiên, tại nơi một đất nước văn minh như Úc, lại có bếp lò. Đặc biệt trong những buổi chiều Đông, nhìn khói chiều bay lờ lững, xung quanh mấy bụi chuối... tiếng sáo trúc rì rào, Thầy thường nói khôi hài: “Anh Lò này hảo tâm lắm, chí lớn lắm, cái gì cũng chấp nhận” bếp lò là nơi đốt tất cả những phế phẩm bằng gỗ, giấy hay những thứ đốt được, nước sôi lúc nào cùng  nóng, khi nghe Thầy nói tôi không hiểu được hết ý Thầy, nhưng ghi vài dòng:

Ngọn lửa Hồng giữa trời Đông giá lạnh

Đưa hồn tôi gợi nhớ quê hương

Giọt sương khuya nhẹ hạt vấn vương

Đang chuyển mình qua khung cửa nhỏ

Tâm nguyện đó cùng lửa Hồng cháy đỏ

Giữa Đông hàn hay oi bức hè sang

Phật pháp trường lưu mãi nhân gian

Ngọn lửa Hồng cùng ươm mầm tâm nguyện

( Nguyện Bếp Hồng- Thiên Ấn Tự ngày 6/4/2006)

Thầy siêng năng tinh tấn vô cùng, hầu như những chuyện khó nhọc nào cũng không ngại. Có những lúc huynh đệ chúng tôi nhìn Thầy siêng mà “phát sốt”, những buổi trưa hè nóng bức ở rẫy hay những buổi đêm đầy giá lạnh, khi tối về huynh đệ ai cũng kiếm chỗ ngủ nhưng nhiều đêm Thầy phải đi chở đồ đi giao cho chợ một mình trong đêm vắng.  Có đêm giật mình dậy khi siêng thì xin Thầy leo lên xe, nhưng đa phần là chìm sâu trong giấc ngủ:

Có hôm đi với Thầy, thấy thầy cực quá, đi lúc chưa đầy 3 giờ sáng, về đến chùa hơn 5 giờ sáng nhưng Thầy vẫn đi công phu, sau giờ tụng kinh xong,  viết vội để dành:

Trong đêm khuya vắng vẽ

Tiếng xe ngân thanh vang

Giật mình trong thảng thốt

Như khúc hát Kê Vàng

 

Biết đời như huyễn mộng

Nhưng Thầy vẫn hành trang

Cho Thiên Ấn trùng quang

Giữa Trần Gian Sanh diệt

 

Xe đi về bao lượt

Thiên Ấn đượm sắc mầu

Nguyện bắc một nhịp cầu

Đưa người sang bến Giác

 

Trong khói trầm ngào ngạt

Quyện tiếng mõ lời kinh

Thiên Ấn đượm ân tình

Như quê hương nguồn cội.

( Hạnh Nguyện Đêm Đông, Thiên Ấn tự sáng ngày 12/5/2006 )

Thầy làm rất nhiều công việc để lo kinh tế cho chùa và để dành xây dựng Thiên Ân, với tâm nguyện bao la ấy, tôi học được ở Thầy chuyển hóa những suy nghĩ khi đối diện với những cái gì mình cho là không thích hay chướng ngại, vì giữa hai trạng thái tâm lý chấp nhận chuyển hóa để vui hay bực bội để rồi phiền não. Trong môt buổi chiều Thầy trò cùng ngồi lặt hành phía sau nhà, lúc ấy bên bờ trúc rất dễ thương, vì hành hôi quá mỗi khi bị ún ra càng hôi hơn.Lúc đầu Anh em ai cũng ngán.Vì cứ nghĩ rằng những công việc này không phải của mình, mình phải có những công việc, thích hợp hơn. Lúc đó không biết cơ duyên gì Thầy nhắc lại Lục Tổ Huệ Năng mười lăm năm ẫn nhẫn nơi rừng với thợ săn. Bất chợt như tôi được chút cảm nhận:

Lắng lòng trong buổi chiều sương

Gió lay nhẹ bên đường nao nao

Thinh âm đến tự phương nào

Như đang thổn thức tự trào nhỏ to

Bó hành đó còn đang dang dở

Làm chưa xong như tâm nguyện chưa tròn

Lá hành úa như đang từng chiếc héo hon

Chuyển đời nhé trong hồi sinh tươi đẹp

 (  Chuyển Hóa, Thiên Ấn tự  ngày 7/ 8/2006)

Những tháng ngày nơi Thiên Ấn luôn là những bài học sinh động. Có lẽ do huynh đệ mới qua nhiều khó khăn để hội nhập một xã hội mới, hay do nội lực kém tu nên khi những cái bất như ý thường hay trách phận. Tuy kinh kệ học cũng có chút để lòng nhưng trên thực tế vẫn là trang giấy trắng của cuộc sống đa sắc màu, nhằm để tâm nguyện Bồ Đề thêm kiên cố. Tuy mỗi ngày đảnh lễ Bồ tát Phổ Hiền “ vạn hạn môn trung bất xả nhất pháp” nhưng vẫn còn có những tâm lý nhỏ hẹp sanh khởi. Trong buổi chiều đi làm, trong rẫy có nhiều cây cỏ, tôi không biết nó tên gì nhưng người Lebanese rất thích và họ mua không giới hạn số lượng. Thầy trò cùng đi cắt và về bó lại để hôm sau đem đi chợ:

Nhặt cây cỏ dại bên đường

Nghe hương pháp thoảng mười phương quyện về

Cỏ dại nên tọa Bồ đề

Muộn phiền sanh tử quay về Chân Như

Gió reo rung động Thái hư

Nghe Tâm tĩnh lặng bên bờ tử sanh

Dừng chân ngước ngắm trời xanh

Mây đùa trong nắng chim ca thanh nhàn

Ô hay trong cõi nhân gian

An vui khổ cực thanh nhàn tại Ta.

Buồn thay thân phận tử sanh

Bao lần chìm nỗi giữa gành sông mê

Vùi chôn thân xác não nề

Đa mang nghiệp chướng bốn bề lụy thân

Nguyện cho vạn loại chúng sinh

Giã từ huyễn mộng Pháp thân hướng về

(Thân mộng, Thiên Ấn tự ngày 1/10/2006)

 

Mấy ngày qua, Đạo Tràng An Cư như ngọn lửa hồng ấm áp giữa mùa Đông giá lạnh của Úc Châu.  Những gian lao vất vả của Thầy mấy mươi năm qua thật xứng đáng. Ngôi chùa Thiên Ấn góp phần điểm tô cho văn hóa Việt Nam tai xứ này và góp phần cho Phật pháp xương minh. Tâm nguyện cùa Thầy giờ đây như đã thành tựu.Trong cảm xúc, xin gom nhặt chút kỷ niệm và những vần thơ lúc còn ở Thiên Ấn ghi lại nơi đây. Xin đảnh lễ niệm ơn chư Tôn Đức Tăng Ni và niệm ân Thầy đã bắt nhịp cầu cho chúng con đến Úc. Khi ra mở Đạo Tràng càng niệm ân khó nhọc của Thầy nhiều hơn. Kính nguyện Tam Bao gia hộ Thầy được nhiều sức khỏe, tất cả những người con Phật nơi đây luôn được an lành  và  Đạo Tràng Thiên Ấn tự mỗi ngày một tươi sáng, như một nơi hướng về nguồn cội tâm linh, nơi hướng về cùa quê hương của những người con xa xứ.

Thích Hạnh Phẩm

( Viết tại  Đạo Tràng An Cư, Thiên Ấn tự ngày 13 tháng 7 năm 2019)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]