Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

An Cư Kiết Hạ

21/06/201913:31(Xem: 5297)
An Cư Kiết Hạ
Le phat dan 2643-chua thien an (6)


An Cư Kiết Hạ

Thích Như Điển

 

Hằng năm vào tháng 7 dương lịch tại Úc Châu mặc dầu đang là mùa Đông, nhưng vẫn gọi là tổ chức An Cư Kiết Hạ. Vì lẽ mùa Đông bên Úc là mùa Hè bên Á, Âu và Mỹ Châu. Thế giới có nhiều điều lạ như thế. Chỉ có ai hay đi chỗ nầy chỗ nọ mới biết được điều nầy. Ngược lại, ai đó chỉ muốn ở yên một chỗ, không quan tâm với thế giới chung quanh mình thì ít rõ biết về những gì đang xảy ra chung quanh mình. Ví dụ như ta đang ngồi cũng có nghĩa là ta đang di chuyển, nhưng vì lẽ quả đất quá lớn nên khi di chuyển chậm, chúng ta vẫn nghĩ rằng chúng ta ngồi yên, nhưng trên thực tế không hẳn là như vậy. Điều nầy chúng ta cũng có thể suy nghĩ tiếp theo như sau: Chúng ta đang sống cũng có nghĩa là chúng ta dần đi đến chỗ chết, nhưng mấy ai ý niệm được điều nầy? Chính vì vậy nên Đức Phật tự ngàn xưa và chư Tổ Sư truyền thừa ngàn sau và ngàn sau nữa chư Tăng Ni vẫn luôn còn hành trì việc An Cư Kiết Hạ để thúc liễm thân tâm, trau giồi giới đức.

Trên nguyên tắc thì mỗi năm chư Tăng Ni phải An Cư Kiết Hạ trong vòng 90 ngày mới đủ pháp. Thế nhưng có nhiều nơi không thể thực hiện được việc nầy. Do vậy mà các Giáo Hội tại ngoại quốc ngày nay có nơi thực hiện An Cư trong vòng một tuần lễ, mười ngày, nửa tháng, một tháng hay cho đến 3 tháng. Tất cả đều tùy theo nhân duyên của trụ xứ ấy. Miễn sao lời Phật và chư Tổ Sư răn dạy, người xuất gia không xao lãng. Đó mới là công việc chính của: “Tác Như Lai sứ và hành Như Lai sự” là vậy. Người xuất gia nếu không phải làm công việc thượng cầu Phật đạo và hạ hóa chúng sanh thì không có việc gì để làm nữa cả. Trên cầu Phật Đạo có nghĩa là tự mình phải thúc liễm thân tâm, giữ gìn giới luật một cách miên viễn, mãi cho đến khi giác ngộ thành Phật mới thôi. Như vậy việc An Cư Kiết Hạ không thể thiếu được đối với người xuất gia. Việc bên dưới thì cứu độ chúng sanh. Đó là một nhiệm vụ thiêng liêng của người xuất gia không thể không thực hiện. Vì lẽ khi sinh sống, không thể nào thiếu sự hộ trì của Phật tử ở phương diện vật chất. Do vậy, người xuất gia phải cần tinh tấn siêng năng hơn, làm cho tinh thần của mình thăng tiến, vững mạnh. Có như vậy mới có thể giúp lại người tại gia tu tập, nhằm đền đáp lại một trong bốn ơn nặng mà người xuất gia vẫn đang thọ nhận hằng ngày. Nếu không có sự trợ duyên của người Cư Sĩ thuần thành thì người xuất gia cũng khó thành tựu bản hoài của mình được.

Chính vì sự quan trọng như vậy, nên người xuất gia không thể lơ đểnh trong việc hành trì. Trước khi thị tịch Niết Bàn, Đức Bổn Sư của chúng ta cũng đã căn dặn trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, phẩm Di Giáo rằng: “Khi ta còn sống, ta là Thầy hướng dẫn các con. Khi ta viên tịch rồi, chính giới luật là Thầy của các con”. Đây là lời dạy sau cùng của Đức Phật đối với chúng xuất gia cả Nam lẫn Nữ, nên việc An Cư, Bố Tát tụng giới hằng năm và hằng nửa tháng vốn là những điều đã định theo luật tạng lâu nay, nên chúng ta thường thấy sau mùa Phật Đản đến Vu Lan là nơi nơi các chùa viện đều cử hành nghi lễ quan trọng nầy. Năm nay 2019 Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan tổ chức An Cư Kiết Hạ tại chùa Thiên Ấn, Sydney, nơi Thượng Tọa Thích Như Định Trụ Trì. Tuy việc xây dựng ngôi chùa trong nhiều năm vẫn chưa hoàn thành 100%, nhưng với tấm lòng: Tiếp Tăng độ chúng để báo Phật ân đức, nên Thượng Tọa đã cùng tứ chúng bổn tự Thiên Ấn đứng ra lo việc trọng đại nầy. Hy vọng mọi việc do sự sắp đặt của Tam Bảo, thế nào thì việc An Cư nầy sẽ được thành tựu viên mãn.

Nhớ lại cách đây chừng 30 năm về trước. Chắc khoảng năm 1989, lúc ấy tôi có chuyến thăm viếng các trại tỵ nạn tại các nước ở Đông Nam Á Châu, trong đó có Phi Luật Tân. Trước khi đến thăm hai trại tỵ nạn và trại chuyển cư Palawan cũng như Pataan, tôi đã không biết một vị Thầy hay Phật tử nào đang ở trong hai trại nầy, ngoại trừ Soeur Pascal Tríu đang lo cho những người tỵ nạn Việt Nam qua Caritas tại Philippines. Soeur Pascal Lê Thị Tríu ngày nay không còn có mặt trên cuộc đời nầy nữa, nhưng những năm tháng từ sau năm 1975 đến năm 2000 không ai ở Phi Luật Tân mà không biết đến tấm lòng độ lượng của Soeur cả. Khi tôi đến Manila, trước đó đã có liên lạc với Soeur qua thư từ, nên được Soeur đón về trung tâm Caritas để nghỉ lại qua đêm và những ngày sau là những ngày đi thăm các trại tỵ nạn tại đây. Khi tôi đến phi trường Manila, Soeur và một số người làm thiện nguyện tại Caritas ra phi trường để đón và ngày hôm sau chuẩn bị hành trang để bay đến trại tỵ nạn Palawan, nằm về hướng Nam của Manila.

Khi đến đó, tôi được gặp Thầy Như Định và Thầy Nhật Trí. Bây giờ một vị đã định cư ở Úc và một vị ở Hoa Kỳ. Nếu tôi nhớ không lầm thì chùa mà tôi ở tạm với hai Thầy trong trại tỵ nạn nầy là chùa Vạn Đức? Ban đêm nhìn lên mái nhà, thấy cả những vì sao đang lấp lánh trên bầu trời. Do vậy tôi cúng dường một ít tịnh tài để Ban Hộ trì Tam Bảo nơi đây mua tranh hay toll để lợp lại. Có một kỷ niệm đáng nhớ của ngày ấy như sau: Tôi đi dọc đường từ phi trường về trại tỵ nạn thấy người ta bán rau muống quá nhiều và điều mong ước của tôi là sẽ được dùng rau muống chấm với nước tương, vì xa quê từ năm 1972 đến năm 1989 cũng gần 20 năm ở Nhật Bản cũng như ở Đức, tôi ít được dịp thưởng thức những món rau quê hương nầy, nhưng Quý Thầy không tin tôi nên chỉ mua cải bắp thảo, su hào, cà rốt v.v… vốn là những loại đắc tiền tại trại tỵ nạn, nhưng với Âu Châu thì quá rẻ và tôi đã dùng những loại rau quả nầy thường xuyên rồi, nên mong mỏi được dùng rau muống. Đó cũng là lý do chính đáng, nhưng Quý Thầy đã chẳng thực hiện việc nầy, nên sau hai ngày ở đây, chính tôi ra chợ chở về một xe xích lô rau muống, Quý Thầy nhìn tôi cười khúc khích và tôi nói rằng khỏi cần đi chợ cũng không sao, Quý Thầy leo lên cây đu đủ trong vườn chùa bẻ xuống dùm tôi mấy quả để kho là đủ rồi, nhưng Thầy Như Định và Thầy Nhật Trí chỉ cười thôi. Riêng tôi phải nhờ người khác hái dùm mấy quả đu đủ nầy để dùng với tương chao, cũng ngon không kém gì những món chay tịnh khác.

Rồi có nhiều đêm giảng pháp cho đồng bào Phật tử ở nơi công cộng về, tôi được Quý Thầy và Phật tử đãi cho những món chay đặc biệt, nhưng với tôi, chỉ muốn tìm về cội nguồn bằng những món quê hương mà thôi; còn những món đặc biệt mà Phật tử cúng dường đó dành cho Quý Thầy. Tôi ở trong trại tỵ nạn một tuần lễ để thăm viếng và sau đó thì về lại Đức. Sau nầy có dịp sang Úc, tôi lại gặp Thầy Như Định nhiều lần, Thầy là người xuất thân từ Quảng Ngãi nên việc nông tang rất rành rẽ, ngay cả việc xây chùa Thiên Ấn trong hiện tại cũng chính do Thầy phác họa và tự trộn hồ, lót gạch, tô tường v.v… Quả là những điều đáng kính phục, mà điều ấy thì tôi đã không làm được, mặc dầu lúc nào cũng tự xưng rằng mình là nông dân của xứ Quảng.

Năm nay 2019, sau 30 năm ở Úc, Thầy Như Định làm Hóa Chủ của trường Hạ lần nầy, cốt làm nơi nương tựa cho tứ chúng trong những ngày An Cư Tu Học, chắc rằng Thượng Tọa Như Định cũng đã không quên ơn giáo dưỡng của Đại Lão Hòa Thượng Thọ Sơn tại quê hương Quảng Ngãi, với ngàn trùng xa cách, hay chùa Vạn Đức tại Palawan Phi Luật Tân ngày nào, mà chính hôm nay đây những gì Thượng Tọa đã cống hiến cả tâm lực và vật lực cho Giáo Hội nơi ngôi chùa Thiên Ấn tại Sydney Úc Châu lần nầy, cũng là một dấu ấn khó phai mờ trong tâm cảm của những người xuất gia cũng như tại gia, khi về nương tựa dưới bóng Phật Đài trong những ngày An Cư Kiết Hạ tại đây.

 

Cầu Phật gia hộ cho thượng Tọa và Đạo Tràng An Cư Kiết Hạ tại Thiên Ấn Tự năm nay luôn được sở cầu như nguyện.

 

Thích Như Điển, Phương Trượng Tổ Đình Viên Giác Hannover Đức Quốc.

Viết xong ngày 20.6.2019  tại Tu Viện Viên Đức Ravensburg thuộc miền Nam nước Đức.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]