Đức trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhấn mạnh Vesak là "sự kiện thiêng liêng gắn với cuộc đời Đức Phật và sự kiện hy hữu của toàn nhân loại".
"Đức Phật là bậc đạo sư đại giác ngộ. Ngài đem đến cho nhân loại bức thông điệp hòa bình, hạnh phúc thương yêu, mở ra con đường mà tự thân mỗi người phải vượt qua cám dỗ và chi phối của lòng tham, sự sân hận, si mê để tiến đến cảnh giới giác ngộ. Đó chính là con đường tu tập giới - định - tuệ hướng đến sự an lạc, giải thoát là lẽ đích thực và cứu cánh của cuộc sống", thông điệp viết.
Hòa thượng Thích Phổ Tuệ cho rằng, Vesak 2019 "là cơ hội quý báu để chúng ta cùng nhau tăng trưởng niềm tin vào chân lý giải thoát, phát huy giá trị những di sản mà Đức Thế tôn đã để lại cho nhân loại trong hệ thống tư tưởng giáo lý vô giá về trí tuệ, lòng từ bi, triết lý vô ngã, tinh thần bất bạo động, những giá trị hòa bình và phát triển bền vững".
Pháp chủ Giáo hội Phật giáo nhắc lại lịch sử 2000 năm Phật giáo Việt Nam, trải qua các triều Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần đã trở thành nền tảng tư tưởng trong đời sống. Từ đó đến nay, Phật giáo vẫn đang phát huy tinh hoa, đồng hành cùng dân tộc. "Thời kỳ Phật giáo vàng son cũng đồng thời là thời kỳ hưng vượng của quốc gia dân tộc", Pháp chủ Thích Phổ Tuệ viết.
Ông kỳ vọng các đại biểu dự Vesak 2019 cùng thảo luận để "đưa ra những giải pháp căn bản nhất xuất phát từ tâm con người để thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu mà Liên Hợp Quốc hướng tới".
Trưởng lão hoà thượng Thích Phổ Tuệ. Ảnh: Anh Tuấn. |
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nêu, thế giới đang phải đối mặt với nhiều xung đột, khủng bố, chiến tranh, bất bình đẳng, khủng hoảng môi trường. Hơn nữa, sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ làm thay đổi mọi mặt của đời sống xã hội và các cấu trúc truyền thống, thì càng cần phát huy giá trị cốt lõi của đạo Phật. Đó là tinh thần khoan dung, vô ngã, vị tha, hòa hợp, hòa bình.
"Để giải quyết các vấn đề đặt ra cần thiết phải có một sự lãnh đạo toàn cầu. Sự lãnh đạo này phải đảm bảo bình đẳng, dung hòa được lợi ích và hóa giải được xung đột giữa các niềm tin, nền kinh tế, văn hóa, tầng lớp xã hội, quốc gia lãnh thổ, cân bằng môi trường, hệ sinh thái", Hòa thượng Thích Thiện Nhơn bày tỏ.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres nhận định: "Trong thời điểm gia tăng sự bất bình đẳng và thiếu độ lượng hiện nay, thông điệp của đức Phật về bất bạo động và phụng sự tha nhân trở nên thích ứng hơn bao giờ hết". Ông kêu gọi Vesak 2019 làm mới cam kết về việc xây dựng thế giới hòa bình và chân giá trị cho tất cả mọi người trên hành tinh.
Bà Audrey Azoulay, Tổng giám đốc UNESCO bày tỏ, thế giới hiện nay liên kết chặt chẽ, nhưng vẫn bị chia rẽ bởi sự bất bình đẳng "không thể chấp nhận được". Bà dẫn chuyện thế kỷ 13 hoàng đế Trần Nhân Tông lập thiền phái Trúc Lâm dựa trên giáo lý Phật giáo khuyến khích hành động với chánh niệm, hào phóng, đoàn kết và cho rằng ngày nay tư tưởng đó như "liều thuốc giải độc cho hận thù và bất công".
"Từ núi thiêng Yên Tử đến phong cảnh thanh bình của Tràng An, Việt Nam là quê hương của Phật giáo cổ xưa nổi bật với giá trị phổ quát. Ngày Vesak là dịp tốt lành để phản ánh về các giá trị đó và là nền tảng để xây dựng hòa bình, xã hội bền vững", bà Audrey Azoulay viết.
Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena ngợi ca những giáo lý của Đức Phật "đã chứng minh tầm nhìn vĩ đại của một đáng hiền nhân tôn giáo tối thượng và là triết gia nhân loại, có giá trị bất diệt với văn minh nhân loại". Vì vậy, trách nhiệm của mỗi phật tử hiện nay là bảo vệ, bảo tồn và duy trì những giáo lý đó cho thế hệ tương lai.
Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesighe nói, Vesak "là cơ hội tuyệt vời cho phật tử khắp thế giới nhận ra uy thế cao thượng về giáo lý của Đức Phật và thực hành những chân lý cao thượng đó cho chính bản thân".
"Cái ác có thể chuyển hóa bởi đức hạnh. Sự bất công bị đẩy lùi bởi công lý. Sự oán hận bị xua tan đi bởi lòng yêu thương, độ lượng. Sự dối trá thay thế bởi sự chân thành. Chinh phục xã hội và hòa giải sẽ được phát triển thông qua sự trưởng thành về mặt tinh thần tâm linh", ông gửi gắm và kỳ vọng Vesak 2019 là cơ hội tốt để hướng mọi người đến cuộc sống đúng nghĩa trong ánh sáng của nền triết học Phật giáo.
Ông M. Vekaiah Naidu, Phó tổng thống Ấn Độ bày tỏ rất hạnh phúc khi đến Việt Nam dự Vesak và làm diễn giả chính của sự kiện. "Ba ngày lễ hội này sẽ tập họp những vị lãnh đạo, những vị xuất gia, những người tham dự từ khắp nơi trên thế giới và chắc chắn thúc đẩy sự hiểu biết lớn hơn về thông điệp của Phật Tổ về tinh thần khoan dung, sự cảm thông, và lòng nhân ái cho thế giới đương đại và khai sáng cho chúng ta con đường phía trước", ông M. Vekaiah Naidu gửi thông điệp đến Vesak 2019.
Thủ tướng Nepal K P Sharma Oli cầu chúc Vesak 2019 sẽ thành công viên mãn và kêu gọi đại biểu "hãy cam kết cống hiến hết mình để thực hành những lời dạy trường tồn của Đức Phật và theo đường mà ngài đã chỉ ra nhằm đạt được các giá trị phổ quát về hòa bình, ổn định, thịnh vượng, hạnh phúc".
Hoàng thái hậu Bhutan Dorji Wangmo mong mỏi, triết lý Phật giáo được truyền bá rộng rãi ở sự kiện sẽ "là kim chỉ nam và giải pháp cho mọi cuộc khủng hoảng toàn cầu".
Hòa thượng Phra Brahmapundit, Chủ tịch Ủy ban tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc nhắn gửi: "Từ đáy lòng, tôi hy vọng rằng trí tuệ của Đức Phật và giáo lý của ngài sẽ góp phần nuôi dưỡng trí tuệ và thiết lập nền hòa bình trong kỷ nguyên kỹ thuật số".
Đại lễ Vesak 2019 do Giáo hội Phật giáo chủ trì, được Chính phủ bảo trợ, diễn ra từ 12 đến 14/5 tại chùa Tam Chúc, Hà Nam. 1.650 đại biểu quốc tế từ 112 nước và 20.000 đại biểu trong nước cùng tham dự.
Đại Lễ Vesak (lễ Tam hợp kỷ niệm Đức Phật Đản sinh, thành đạo, niết bàn) được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc công nhận năm 1999. Năm 2000, lần đầu tiên ngày Đại lễ Vesak được tổ chức tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ với 34 quốc gia tham dự. Từ đó, sự kiện được luân phiên tổ chức thường niên ở nhiều nước.
Việt Nam đã hai lần đăng cai Vesak năm 2008 và 2014.