Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Những chuyến Hoằng Pháp tại Hoa Kỳ

14/03/201908:27(Xem: 7429)
Những chuyến Hoằng Pháp tại Hoa Kỳ

ht-thich-nhu-dien

Những chuyến 
Hoằng Pháp tại Hoa Kỳ

HT Thích Như Điển



 

Từ năm 1979 tôi đã bắt đầu đi Hoa Kỳ và lần vừa rồi năm 2016 là lần thứ 49 trong 37 năm liên tục như vậy. Điều ấy có nghĩa là mỗi năm một lần và nếu có năm không đi Hoa Kỳ thì phải có năm đi hơn 2 lần đến 3 lần như thế. Do vậy mà kể từ khi tôi có Fremden Pass màu xám trong tay (1978), sau đó màu xanh nước biển có 2 gạch chéo bên tay trái (Passport tỵ nạn năm 1979) và rồi gần 10 năm sau tôi vào quốc tịch Đức. Với Passport tỵ nạn tôi cũng đã đi khắp nơi trênthế giới và những con dấu đóng vào đó cũng đã tốn hơn 2 cái Passport như vậy, và từ năm 1987 trở đi tôi đã vào quốc tịch Đức. Kể từ đó đến nay gần 30 năm, tuy có nhiều nước không cần xin Visa nhập cảnh, thế mà chỉ đóng dấu vào đó không thôi, tôi cũng đã xử dụng đến 4 cái Passport màu nâu như vậy. Tôi không biết mình sinh ra với nhiệm vụ gì trong đời nầy, nhưng tất cả những điều đến với tôi trong suốt gần 70 năm qua (1949-2016) tôi chưa bao giờ sắp đặt trước, hay có ý mong cầu. Vì làm sao sắp đặt trước cho được, khi mình gốc chính hiệu là một nông dân của xứ Quảng Nam nghèo nàn. Tuy không bị đói khổ, nhưng ai tin rằng sau khi đi xuất gia lại có con đường được rộng mở như vậy. Khi vào chùa học đến đoạn văn Cảnh Sách của Ngài Quy Sơn Linh Hựu Thiền Sư, mới ngẫm nghĩ lại thân phận của mình là đúng:

“Phù xuất gia giả

Phát túc siêu phương

Thân hình dị tục

Thiệu Long Thánh Chủng

Chấn nhiếp ma quân

Thượng báo tứ ân

Hạ tế tam khổ

Nhược bất như thử

Lạm xí tăng luân”.

 

Nghĩa là:

Phàm kẻ xuất gia

Phương trời cao rộng

Thân hình khác tục

Hưng long giống Thánh

Trừ khử ma quân

Trên đền bốn ân

Dưới cứu ba cõi

Nếu không là vậy

Phạm phải luật Tăng”.

Quả là hay tuyệt vời, mà ai có sống trong Thiền Môn rồi mới biết. Cuộc đời của người xuất gia muốn ở đâu thì ở, muốn đi đâu thì đi. Nhờ không có bầu đàn thê tử, nên nhẹ gánh tang bồng. Không ai cản ngăn được ý chí của những người sống đời thoát tục cả. Thế mà có những người thật lấy làm tiếc, đã đậu được bao nhiêu cái bằng Thạc Sĩ, Tiến Sĩ, mà đã chẳng cố gắng chịu đựng thêm chút nữa để vượt qua những thử thách của đường tu, đành trả lại y áo cho Thầy Tổ, trở về sống cuộc đời bình thường như bao nhiêu kẻ khác, vốn chẳng có gì đặc biệt cả. Thật là đáng lấy làm tiếc lắm. Hy vọng những người như thế, họ sẽ có cơ hội tìm lại đời sống xuất gia ở kiếp nầy hay kiếp khác, nhằm nối lại ý nguyện của thuở ban đầu. Ngài Long Thọ (Nagajuna) là Tổ Sư của nhiều tông phái lớn của Phật Giáo Ấn Độnhư: Tịnh Độ, Thiền Tông Trung Quán, Hoa Nghiêm, Duy Thức v.v… Ngài đã dạy rằng: “Mọi cơn dục trong thế giannầy nó giống như những cơn ngứa mà thôi. Nếu càng cố gắng gãi bao nhiêu thì mình sẽ bị ngứa bấy nhiêu”. Điều nầy hãy cố gắng kham nhẫn, cắn răng chịu đựng một chút là cơn ngứa ấy sẽ qua ngay, rồi mình sẽ quên đi tất cả. Hay nóigọn hơn là: Các loại dục vọng trên thế gian nầy nó cũng giống như một cơn đói hay cơn khát nước. Nếu chúng ta cố gắng nhịn, thì đói và khát ấy sẽ không còn lai vãng trong tâm thức của chúng ta nữa. Điều quan trọng ở đây là hãychịu đựng, đừng gãi khi ngứa và đừng quan tâm đến sự đói và sự khát thì mọi việc sẽ trở nên bình thường. Đó là sựkham nhẫn vậy.

Niên khóa 1960-1961 tôi đã học lớp Nhất thuở ấy, còn bây giờ gọi lànăm cuối bậc Tiểu học. Ở trường làng Xuyên Mỹ có 35 học sinh, tôi ra trường xếp hạng thứ 34 và chỉ có một lần duy nhất được xếp hạng 5 trong niên khóa 1959-1960 thuộc lớp Nhì của Thầy Tải dạy. Những người bạn ngày ấy bây giờ vẫn còn đây, nên họ rõ biết điều nầy. Trong đó có Nguyễn Thông và Phan Đức Lợi. Thông sau khi tốt nghiệp Đại Học Vạn Hạnh đã làm cho tờ Thời Báo Kinh Tế Sàigòn và đã qua đời cách đây mấy năm. Phan Đức Lợi du học ở Nhật năm 1970 và cũng đã qua đời chừng 5 năm về trước. Họ là những người bạn thân của tôi từ quê nhà Xuyên Mỹ, Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam và ngay cả sau nầy cho đến khi họ quá vãng; thời gian mấy chục năm ấy vẫn còn liên lạc với nhau qua thư từ hay điện thoại. Từ năm 1961 đến đầu 1964 tôi nghỉ học ở nhà làm thợ mộc, thợ hớt tóc, thợ may và làm nông để giúp cho cha mẹ khi tuổi về già. Đến ngày 15 tháng 5 năm 1964 tôi chính thức được phép gia đình cho đi xuất gia với Thầy tôi, Cố Hòa Thượng Thích Long Trí trụ trì chùa Viên Giác tại Hội An, Quảng Nam thì cuộc đời tôi có quá nhiều biến đổi, thông suốtlạ thường. Từ một đứa bé khù khờ hiền lành, học dốt như vậy đã trở thành một chú Tiểu học giỏi ít ai bằng vào năm Đệ Tứ Trung Học ở trường Bồ Đề Hội An, Quảng Nam niên khóa 1967-1968. Cuối năm ấy tôi lãnh 3 phần thưởng một lần. Đó là phần thưởng nhất lớp; phần thưởng hạnh kiểm toàn trường và phần thưởng học lực toàn trường của hơn 500 học sinh, kể từ lớp Đệ Thất cho đến lớp Đệ Nhị (thuở ấy trường Trung Học Bồ Đề Hội An chưa mở lớp Đệ Nhất – tương đương với lớp 12 hiện nay). Thế rồi vận may cứ đến liên tục. Niên khóa 1968-1969 những ai đứng từ 1 đến 5 được tuyển chọn qua học trường Trung Học công lập Trần Quý Cáp cũng tại Thị Xã Hội An và tôi cùng với Thầy Phạm Phú Chín (Hòa Thượng Như Phẩm ngày nay), Dương Hứa Nguyên, Huỳnh Thị Xuân Hương và Phùng Rân là 5 người được cái hân hạnh ấy. Thế mà ngày nay mỗi người mỗi ngã, kẻ sống người chết, kẻ thành công người thất bại và con đường ở đoạn cuối của cuộc đời chưa chấm hết, chỉ chấm phết mà thôi. Riêng tôi, tôi đã mãn nguyện lắm rồi, kể từ khi đặt bút viết những dòng chữ nầy. Bên trên có chư Phật, chư vị Bồ Tát chứng giám; bên dưới có mọi người đều rõ, nghĩa là những gì tôi đã làm được cho đến ngày hôm nay, cả cho Đời và cho Đạo tôi đều xin cống hiến cả, không đòi hỏi phải bù đắp lại một điều gì, mà tất cả tôi đều xin hướng lên Tam Bảo để tạ ân Tam Bảo đã cho tôi có cơ hội, thể hiện khả năng nhỏ bé của mình để giúp đời, giúp đạo.

Những năm 1977 đến năm 1980 khi tôi đã có mặt ở Đức và chùa Khánh Anh tại Bagneux Pháp Quốc đã hình thành;lúc ấy chỉ có một mình Hòa Thượng Minh Tâm, nên mỗi khi Thầy ấy đi đâu một hay hai tháng thì Thầy nhờ tôi qua Paris để coi chùa dùm Thầy. Vào những ngày cuối tuần tôi đã chỉ chuông mõ cho các Cư sĩ học, trong số họ ngày nay có Thượng Tọa Thích Quảng Đạo, đương kim Trụ trì chùa mới Khánh Anh tại Evry và Ni Sư Diệu Trạm đương kimTrụ trì Tổ Đình Khánh Anh tại Bagneux. Rồi những khóa lễ tụng kinh cầu siêu, cầu an, sau đó là giảng một đề tài gì đó cho Phật Tử nghe và cứ thế người nghe thấy thích hợp thì đề nghị giảng tiếp. Hiểu đâu nói đó, biết gì nói nấy. Thế rồi thành giảng sư lúc nào chẳng hay, vì việc diễn giảng tôi chưa bao giờ học cả. Đến tháng 8 năm 2013 nhân khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu kỳ thứ 25 tổ chức tại Phần Lan, Hòa Thượng Thích Minh Tâm đã đột nhiên ra đi ở tuổi 75.Hòa Thượng Tánh Thiệt và tôi tiếp tục cán đáng công việc của Giáo Hội Âu Châu cũng như trợ duyên cho việc xây chùa mới Khánh Anh tại Evry thành tựu viên mãn, để ngày 16.8.2015 làm lễ khánh thành chính thức sau 20 năm xây dựng (18.6.1995 - 16.8.2015). Thế nhưng một năm sau, sau mùa Phật Đản Phật lịch 2560 (2016) mới được giấy phépchính thức đi vào hoạt động công cộng. Thế rồi tôi cũng phải trở lại Paris mỗi năm nhiều lần như cái thuở lúc ban đầu, để giúp cho Phật sự của hai chùa mới và chùa cũ.

Một hôm sau lễ Thọ Bát Quan Trai tại chùa Khánh Anh cũ  ở Bagneux vào ngày 13.8.2016 (thứ bảy), anh Nguyễn Quang Thạnh vào phòng cũ của Hòa Thượng Minh Tâm gặp tôi và hỏi rằng:

Bạch Thầy! Sau khi đậu Tú Tài II năm 1971 thì đầu năm 1972 Thầy đã sang Nhật Bản du học rồi. Vậy thì Thầy học giáo lý ở đâu mà Thầy thông kinh sử như vậy?

Câu hỏi thật là khó trả lời. Vì lẽ quý Thầy Cô xuất thân từ Phật Học Viện thì học Kinh, Luật, Luận suốt trong nhiều năm học là chuyện đương nhiên, còn tôi chỉ học chương trình thế học, còn Phật Học chỉ học tại các trường hạ trong nhữngmùa an cư thôi và điều chắc chắn là tôi đã học từ sách vở. Trong đầu của tôi giờ nầy chắc cũng đã đọc chừng mấy chục ngàn cuốn sách, mấy chục ngàn tạp chí cả Đạo lẫn Đời và bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau và nhờ cái là tôi học đâu nhớ đó, nên không cần phải tốn thời giờ để gạo bài nhiều, mặc dầu khi còn ở Việt Nam, tôi đã tốt nghiệp Tú Tài 2 ban A, nghĩa là ban gạo bài đó! Điều quan trọng là tôi đã đọc Đại Tạng Kinh được khoảng 16.000 trang rồi. NàoTrường A Hàm, Trung A Hàm, Tạp A Hàm và Tăng Nhất A Hàm tôi đã dạo qua rồi. Hy vọng trong những ngày còn lại của cuộc đời, nếu sức khỏe còn cho phép, tôi sẽ cố gắng đọc cho hết bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh nầy, đã được Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh chủ trương cho dịch sang tiếng Việt và đã cho xuất bản tại Đài Loan, in thành 203 tập gồm 250.000 trang kinh với tên là: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh. Như vậy cũng sẽ mãn nguyện lắm rồi.

Cũng ngày hôm ấy 13.8.2016 trong khóa Tu Bát Quan Trai, có nhiều người mới nghe tôi giảng lần đầu họ tấm tắc khen là trí nhớ của Thầy sao mà tuyệt diệu quá, nhất là sau khi họ nghe tôi đọc bài thơ dài hơn 50 câu về cuộc đờicủa Đức Phật, từ khi sơ sanh cho đến nhập Niết Bàn và nhất là bài “Trần Bình Trọng”. Đa phần ai cũng nhớ 2 câu sau cùng của bài thơ nầy là: “Thà làm quỉ nước Nam, còn hơn làm vương đất Bắc”. Thế nhưng bài thơ ấy bắt đầu như sau:

Trần Bình Trọng anh hùng ngàn thu trước

Đem tấm thân bảy thước chống sơn hà

Mải lo đền nợ nước bỏ tình nhà

Trong tâm khảm nặng tình yêu Tổ Quốc

Nhưng than ôi! Tài trai dầu thao lược

Hùm thiêng kia không địch được bầy hồ

Vì sa cơ nên bị bắt cầm tù

Tan mộng đẹp anh hùng đành thất thế

Lũ giặc thấy người tài nên rất nể

Đem quan sang, tước trọng dụ Ngài hàng

Quân bây lầm dầu dâng cả ngai vàng

Khó lay chuyển vì lòng ta thờ cố quốc

Hễ bắt được ta, thôi chớ nói gì lâu

Cứ đem chém ta không hề than tiếc

Thà làm quỉ nước Nam, còn hơn làm vương đất Bắc.

Khuyết danh

 

Bài nầy tôi thuộc lòng từ khi còn học Tiểu Học ở trường làng, nghĩa là cách đây hơn 55 năm là ít, nhưng khi mở miệng ra là tôi có thể đọc liên tục như vậy. Tôi biết có nhiều người thuộc thơ của cụ Nguyễn Khuyến, nhưng chỉ có 2 câu thôi. Đó là:

“Rượu ngon không có bạn hiền

Không mua không phải không tiền không mua”.

Thật ra 2 câu thơ nầy cụ Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến đã viết trong bài “Khóc Dương Khuê”, có đến 38 câu chứ không phải chỉ có 2 câu đó mà thôi. Hoặc giả 2 câu của Thi Sĩ Huyền Không, tức cố Hòa Thượng Thích Mãn Giác mà ai là người Phật Tử Việt Nam đều biết ngâm nga cả:

“Mái chùa che chở hồn Dân Tộc

Nếp sống muôn đời của Tổ Tông”

Nhưng chẳng ai ngờ là bài thơ nầy có tựa đề là “Nhớ Chùa” cả bài dài đến 32 câu, mà đa phần chỉ nhớ có 2 câu quan trọng nầy mà thôi. Bài thơ nầy đã được Hòa Thượng Thích Mãn Giác làm năm 1949, nghĩa là cùng tuổi với tôi, mà sau nầy có duyên tôi đã học thuộc và mỗi khi bị hay được đề nghị ngâm thơ thì tôi chọn bài nầy. Sau đó có Phật tử Nguyễn Văn Sỹ vốn là Phật tử của chùa Khánh Anh chạy lên hỏi tôi: Thầy có bao giờ đo chỉ số IQ chưa? Tôi hỏi để làm gì? Thì Sỹ bảo: Chắc chỉ số của Thầy phải trên 100. Đây là chỉ số thông minh mà ngày nay khi muốn chứng minhlà đứa trẻ hay người lớn nào có trí óc đặc biệt, họ đem ra đo thử, thì đều như vậy cả. Tôi bảo Sỹ rằng: Chưa bao giờđo, mà đo để làm gì? Sỹ chỉ cười và cúi đầu chào tạm biệt.

Cái học và cái tu của tôi nó tự nhiên giống như uống nước, ăn cơm vậy thôi! Không cầu kỳ, không ép uổng và cũng không bắt buộc trí óc phải nhớ lại. Đó chỉ là điều tự nhiên, chứ không có gì lạ hết. Thế mà đã có nhiều người quên và tôi khi giảng hay pha trò rằng: “Đó là nhờ tôi nhớ những gì đáng nhớ và hay quên những gì đáng quên, còn quý vị thì ngược lại. Đó là hay quên những gì đáng nhớ và hay nhớ những gì đáng quên”. Mọi người thấy có lý và vỗ tay, nhưng với tôi thì thực ra chẳng có gì đặc biệt ngoài việc dùng chay tịnh và nhất là sống điều độ, giờ nào việc ấy, không xử dụng thái quá về thời gian cho mọi việc, mà tất cả đều chừng mực là đủ để được sống trên trung bình của cuộc sống rồi.

Nếu ai đó có hỏi tôi rằng: Thầy bắt đầu đi giảng từ lúc nào? Câu trả lời chắc cũng không chính xác mấy. Bởi vì không có cái bắt đầu thì làm sao mà trả lời là lúc nào được. Có thể là từ khi thuyết trình trong lớp ở Trung Học với những quyển tiểu thuyết của nhóm Tự Lực Văn Đoàn như: Hồn Bướm Mơ Tiên, Anh Phải Sống, Loan, Gánh Hàng Hoa, Đời Mưa Gió, Tiêu Sơn Tráng Sĩ v.v… nhờ vậy mà từ Trung Học tôi đã biết đứng nói chuyện trước nhiều người và khi học Đại Học ở Nhật Bản tôi đã giảng tiếng Anh cho các học sinh Trung Học đệ nhị cấp tại trường Teikyo ở Hachioji bằng ngôn ngữ Nhật Bản như là tiếng mẹ đẻ của mình. Để từ đó rong chơi trong muôn vạn dặm của chữ nghĩa. Từ dịch bài thử,trở thành dịch thiệt. Rồi viết văn, chỉ không biết làm thơ mà thôi, mặc dầu tôi thuộc rất nhiều thơ của nhiều tác giả, thơ Đời cũng như thơ Đạo. Do vậy mà có nhiều người cho tôi là nhà văn, vì cũng đã có mấy tập tiểu thuyết và có tiểu thuyết đã được Soạn giả Dương Kinh Thành ở Việt Nam chuyển thể  thành tuồn cải lương như “Liên Hoa Hòa Thượng”. Nhưng tôi thì cứ luôn bảo rằng: Tôi nghĩ sao viết vậy, biết đâu nói vậy, không là một văn sĩ mà chỉ là một Tăng Sĩ bình thường biết chuyên chở những điều mình muốn nói, đã nghe và đã đọc cố gắng viết lên thành lời, nhằm chuyên chở cho Đời cho Đạo được lợi lạc mà thôi. Đơn thuần chỉ là vậy và tất cả những tác phẩm của tôi đều không giữ bản quyền. Nếu ai đó thấy có sự lợi lạc cho mọi người thì cứ xử dụng đến, không có gì trở ngại cả.

Mỗi lần đến Hoa Kỳ tôi đều có giảng pháp hay ít nhất là có quy y Tam Bảo cho một số quý Phật Tử tại gia ở rải rác nhiều nơi tại Hoa Kỳ, sau nầy Bồ Tát Giới tại gia thì đông hơn và hầu như địa phương nào cũng có. Ban đầu thì đi một mình, sau đó là 2 hay 3 Thầy đi cùng. Tôi nhớ có lần đã có Thầy Seelawansa người Tích Lan, làm Giáo sư phân khoaTôn Giáo học tại Đại Học Wien, Áo Quốc, đã cùng với Thầy Hạnh Giới và Hạnh Hảo sang giảng tại chùa Đức Viên ở San Jose, bằng tiếng Việt và tiếng Anh cũng như tiếng Đức, và hai Thầy Hạnh Giới, Hạnh Hảo đã dịch ra Việt ngữ chođồng hương người Việt nghe. Mỗi lần đi như vậy thường kéo dài 1 đến 2 tháng, và vì đi nhiều nơi, đến nhiều chỗ nên sau nầy chúng tôi kết hợp thêm quý Thầy bên Úc như: Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng, Đại Đức Thích Phổ Huân cùng với quý Thầy tại Âu Châu cũng như quý Thầy, Cô tại Mỹ Châu nên tạm gọi là: Phái Đoàn Hoằng Pháp Âu, Mỹ, Úc. Nghe rất là lạ tai đối với một số quý Thầy ở Hoa Kỳ, nhưng đó là sự thật. Khi Phái Đoàn đi qua, nhiều Phật Tử mong rằng sẽ trở lại, nhưng một số các chùa và quý Thầy dường như không quan tâm mấy và cũng ít hài lòng khi cácPhật Tử địa phương mượn chùa của quý Thầy, quý Cô để Phái Đoàn của chúng tôi đến giảng. Do vậy mà sau nầy để tránh những sự phiền hà ấy, các Phật Tử tại các địa phương đã thuê chỗ bên ngoài công cộng hay giảng tại các Đạo Tràng mà các Phật Tử đã tự động lập nên để không làm phiền đến quý Thầy, quý Cô. Tuy nhiên có một số chùa cũng rất hoan nghinh Phái  Đoàn của chúng tôi đến giảng nhiều lần trong năm nữa, nhưng làm sao có thể thực hiện được điều đó, khi phải tổ chức cho 10 vị giảng sư đi, đến, ăn, ở cùng một lúc ở một nơi và từ đó tỏa đi nhiều nơi khác nữa đểđáp ứng nhu cầu của Phật Tử tại các địa phương tại Hoa Kỳ. Do những tiếng vào lời ra nầy đã đến tai mà Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, bào huynh của tôi đang là Phương Trượng chùa Pháp Bảo tại Úc đã khuyên rằng:“Mình đâu có thiếu thốn gì mà phải đi như vậy, khiến quý Thầy, Cô không vui.”

Khi nghe như vậy tôi trả lời rằng: Đâu phải mình thiếu tiền bạc mà phải cần đi để có thêm nhiều tiền, mà ở đây ngược lại người Phật Tử tại Hoa Kỳ ham tu và đi hoằng pháp chỉ là nhu cầu của Phật Tử, chứ đâu phải do mình. Tuy nghĩ và nói vậy, nhưng để vui lòng Thầy và quý Thầy, Cô ở một số địa phương tại Hoa Kỳ, tôi và đoàn đã nghỉ trong vài năm, thay vào đó Phái Đoàn sang Âu Châu để hoằng pháp. Ở đây cũng không khác gì tại Hoa Kỳ mấy, nên tôi hay có kết luậnrằng:

“Người nói thì chẳng làm được gì cả và người làm thường thì ít nói. Nó cũng giống như người hay cúng dường thì ít có lời ra tiếng vào; trong khi đó những người chưa bao giờ cúng chùa, mà đã bàn tán nhiều chuyện huyên thiên”.

Bây giờ chúng ta phải học lời Phật dạy như trong kinh Nikaya định nghĩa về Như Lai như sau:

“Như Lai nói những gì mà Như Lai đã làm và Như Lai đã làm những gì mà Như Lai đã nói”.

Thật là tuyệt vời, còn chúng sanh như chúng ta trong thời kỳ mạt pháp nầy nó chẳng phải đơn giản chút nào cả. Thôi thì hãy chấp nhận tất cả như vậy để mọi việc được bình yên trôi qua một cách nhanh chóng là được rồi.

Vào tháng 3 đến tháng 5 năm 2016 vừa qua Phái Đoàn của chúng tôi gồm 11 Thầy Cô như sau:

- Đến từ Âu Châu có 4 vị. Đó là tôi (Thích Như Điển), Thầy Hạnh Bảo, Thầy Pháp Trú và Thầy Viên Giác.

- Ở Hoa Kỳ có 6 vị. Đó là: Thượng Tọa Hạnh Đức, Thượng Tọa Thông Triết, Đại Đức Thiện Đạo, Đại Đức Thánh Trí,Đại Đức Hạnh Tuệ và Ni Sư Minh Huệ.

- Từ Việt Nam có Ni Sư Thích Nữ Tịnh Vân.

Trong Phái Đoàn chúng tôi mỗi vị giảng một đề tài chuyên môn khác nhau về cả Nam Truyền lẫn Bắc Truyền, về Thiền, Tịnh, Mật đều có thể cưu mang được cả. Những địa phương mà Phái Đoàn đã đi gồm Nam California để từ đó đi Las Vegas và những vùng phụ cận của Santa Ana. Sau đó đi San Jose và từ San Jose đi giảng tại Fremont cũng như Sacramento. Tiếp theo là Houston. Từ Houston đi Austin và những vùng phụ cận. Tiếp đến đi Oklahoma rồi Philadelphia. Từ Philadelphia đi đến Washington D.C cũng như giảng các vùng phụ cận. Tiếp đến đi Atlanta và Jacksonville. Từ Jacksonville đi Orlando hay Gainsville. Điểm cuối cùng là Mineapolis. Nếu không có sức khỏe thì sẽ không thể chịu đựng được trong 8 tuần lễ liên tục như vậy được. Điều quan trọng là Phái Đoàn chúng tôi không đặt ra giá cả của những thời giảng pháp. Chỗ nào có khả năng bao nhiêu thì cúng bấy nhiêu, không ấn định bất cứ một cái gì cả, ngoại trừ việc mong cho mọi người hiểu và hành trì được Pháp của Phật là đủ. Ăn uống khiêm nhường hay cao sang, không là vấn đề chính, ở đâu cũng được, miễn là có chỗ nghỉ lưng qua đêm là được rồi. Do vậy mà Phái Đoàncủa chúng tôi vẫn được Phật Tử yêu cầu đến Hoa Kỳ thêm nhiều lần nữa là vậy, chứ thật ra trong thâm tâm, chúng tôi muốn ngơi nghỉ từ lâu rồi, nhất là phần tôi ở tuổi gần 70, các bệnh duyên đã bắt đầu xuất hiện và báo hiệu cho tôi biết rằng những chuyến đăng trình dài ngày như vậy phải cần suy nghĩ lại. Mới đây, sau khi chuẩn bị rời Hoa Kỳ, Phái Đoàn định năm 2017 sẽ viếng thăm hành hương và giảng pháp tại các nước Á Châu như: Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Đại Hàn và Nhật Bản từ giữa tháng 3 cho đến cuối tháng 4. Thế nhưng Phật Tử tại Hoa Kỳ cũng đề nghị là Phái Đoàn nên đến năm 2017 một lần  nữa, nhưng chúng tôi đã hẹn với họ là năm 2018 sẽ đến Hoa Kỳ và năm 2019 Phái ĐoànHoằng Pháp Âu Mỹ sẽ dừng chân tại Âu Châu, vì năm đó tôi đã tròn 70 tuổi và sẽ tổ chức những sự kiện lớn tại đây, nếu tôi còn sống trên thế gian nầy.

Đến Âu Châu cũng như Mỹ Châu đều như vậy và rồi đây năm 2017 Phái Đoàn sẽ sang Á Châu có lẽ cũng thế thôi. Vì ở đâu cũng là những con người bình thường trong cõi dục giới nầy. Họ có đầy đủ những đức tính của một con ngườibình thường, vốn dĩ là chuyện đương nhiên rồi. Tôi không vui khi được khen nhiều, mà cũng chẳng buồn khi bị chê, vì tôi quan niệm rằng: Nếu mình xấu mà họ có đánh bóng mình để thành tốt, thì mình cũng không thể tốt hơn được. Ngược lại nếu mình thật sự tốt, chẳng có tì vết gì, nhưng họ có nói xấu, nói đâm thọc hay bôi bẩn mình, thì mình cũng không thể xấu hơn được. Điều nầy nó cũng giống  như vàng thật, nếu bị chôn chặt dưới bùn sâu cả hằng trăm thước, sau 10 hay 100 năm vớt lên, thì vàng ấy vẫn là vàng. Tại sao phải sợ? Ở đây việc Hoằng Pháp lại làm lợi lạc cho người khác, mà cũng lại có kẻ thích người không, nên tôi phải chấp nhận thôi. Bây giờ quan niệm sống của tôi là: Không giận, không hờn, không thương riêng ai, không ghét riêng ai và sống tự tại với chính  mình, để những ngày còn lại với đời sẽ có nhiều ý nghĩa hơn và mình nên nhìn cuộc đời nầy với những điều tốt đẹp, không nên chỉ nhìn đến cái dở xấu của nó. Có như vậy thì tâm ta sẽ thanh thản, nhẹ nhàng hơn. Nếu mình làm được một việc mà không mong cầu gì hết, những việc gì đến, nó sẽ đến tự nhiên và ta sẵn sàng chấp nhận, thì không có gì để phải khổ tâm cả. Ngay cả bệnh tật cũng thế thôi! Nếu mình chấp nhận nó thì cảm giác của mình sẽ an ổn hơn, còn nếu ta tìm cách chạy trốnnó thì nó sẽ đến cận kề hơn.

Với tôi trong hiện tại là như vậy. Mọi việc còn mất, hơn thua đã qua rồi một thời của tuổi trẻ như thế. Bây giờ ở tuổi gần 70 rồi, còn gì phải luyến tiếc nữa đâu. Cho nên năm 2019 sẽ là năm tôi kỷ niệm 70 tuổi Tây (71 tuổi ta), tôi sẽ cố gắng làm cho xong một số việc như lạy Kinh Đại Bát Niết Bàn quyển 2 phải cho xong, để hoàn thành tâm nguyện của mình trong 35 năm (1984-2019) vào mỗi mùa An Cư Kiết Hạ trong 3 tháng ấy, cứ mỗi tối đều cố gắng lạy từ 300 đến 350 lạy và trong năm 2016 nầy vì bệnh duyên nên mỗi tối tôi và Đại Chúng chỉ còn lạy có 250 lạy cho đến 270 lạy. Hy vọng sang năm 2017 An Cư Kiết Hạ đến 4 tháng (vì là năm nhuần) khi sức khỏe cho phép, tôi sẽ cố gắng lạy nhiều hơn, để cho Phái Đoàn Hoằng Pháp Âu Mỹ năm 2019 khi qua đây tham dự những khóa thuyết giảng tại Âu Châu cũng như ngày sinh nhật của tôi, mọi việc sẽ đâu vào đó rồi. Hy vọng là như vậy, còn được hay không lại là chuyện khác nữa.

Khi tôi đến một địa phương nào tại Hoa Kỳ hay Âu Châu, chúng tôi phải liên lạc trước cả năm và chọn thời điểm thích hợp để ghi vào lịch sinh hoạt của mình. Nếu chỗ nào không thích hợp thì tìm chỗ khác để thay thế vào. Vì lẽ Đoàn đi cũng đông người, vé máy bay phải đặt trước mới rẻ được, cho nên chuyện lên kế hoạch từ lâu là lý do cần thiết vậy. Trong Phái Đoàn đi Hoằng Pháp của chúng tôi đa phần là chưa Trụ Trì chùa nào nhất định, hoặc giả nếu đã Trụ Trì rồi thì cũng đã có người tạm thế làm lễ hay giảng pháp vào những cuối tuần mà vị ấy vắng mặt ở chùa mình. Do vậy thời gian bỏ chùa đi 2 tháng là thời gian thử thách cho một vị Trụ Trì có trách nhiệm với chùa mình. Ở Mỹ thỉnh thoảng mới thấy có một vài Phái Đoàn Hoằng Pháp đi chừng 4 tuần lễ là nhiều và ít người hơn chúng tôi. Trong quá khứ ĐoànHoằng Pháp đông nhất là của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, mỗi lần Ngài đi có cả 50 hay 70 vị đi theo, nhưng điều khác với Đoàn của chúng tôi là chỉ có một mình Ngài giảng là chính. Do đó rất mệt, còn Đoàn của chúng tôi, hầu như ai cũng giảng được cả. Cả Tăng lẫn Ni và không những chỉ biết giảng pháp mà còn bạt độ chư hương linh, cúng vong, đám tang v.v… tất cả mọi người trong Phái Đoàn của chúng tôi đều cũng có thể chủ lễ được. Đây là cái lợi thế của người Trưởng Đoàn. Tôi chỉ cần sắp xếp thời gian cho hợp lý theo thời khóa biểu của chùa đó trong một cái cuối tuần hay trong tuần và phần tôi cũng chỉ giảng một đến hai thời trong suốt cả tuần đó mà thôi. Thời gian còn lại tôi lo tham cứu bài vở, đọc kinh, sách hoặc giả đi thăm viếng những vùng lân cận khi cần thăm.

Ngày trước chúng tôi hay mua vé máy bay chung cho cả Đoàn, nên giá thành rất rẻ. Lý do là mua trước cả 6 tháng. Nhiều khi đi máy bay cả 9 hay 10 Tiểu Bang tại Hoa Kỳ mà vé vẫn rẻ hơn nhiều chuyến đi xa. Đó là biết cách tính trước, nếu không chúng ta chỉ làm lợi cho hãng máy bay mà thôi. Sau nầy thì một số quý Thầy, Cô trong nội địa HoaKỳ có những việc đột xuất như đám tang của Đệ Tử xảy ra trong khoảng thời gian đi hoằng pháp ấy thì bắt buộc vị ấy phải trở về lại trụ xứ của mình để lo tang lễ cho Đệ Tử xong, sau đó mới tiếp tục đi cùng Phái Đoàn, nên vé máy bay phải mua đi riêng từng chặng. Thật là đắt đỏ vô cùng, nhưng chẳng biết làm sao hơn khi mà những sự bất thường hay xảy ra như vậy. Kinh nghiệm cho thấy nếu một chuyến đi từ San Jose mà đi thẳng Houston thì giá thành rất đắt; nếu đổi máy bay ở Phoenix hay Salt Lake (tùy theo hãng hàng không) thì giá rẻ gần gấp đôi. Đó là tính theo vấn đềkinh tế thị trường. Nếu không có thời gian thì đành phải bay thẳng và chịu trả tiền vé đắt hơn; nhưng chúng tôi không chọn giải pháp nầy. Vì lẽ chúng tôi chọn thời gian của mỗi cuối tuần là lúc giảng pháp bận rộn hơn những ngày trong tuần. Ngày thứ hai để cho Đoàn thư giãn, ai muốn đi thăm viếng nơi đâu hay mua sắm cái gì thì ngày ấy là ngày tự dođể thực hiện những việc nầy. Chúng tôi chọn ngày thứ ba vào buổi chiều cho những chuyến đi và đến như vậy, nên có cả một ngày để chọn lựa những chuyến bay đi hai đoạn đường cho rẻ và làm sao đến vào chiều tối, để quý Phật Tử tại các địa phương đi đón dễ dàng hơn, nhất là lúc tan sở ra về, tiện thể ghé đón quý Thầy, Cô về chùa sắp giảng tại đó, là giải pháp hay nhất. Quý Đạo Hữu và quý Phật Tử rất vui để đón Phái Đoàn và lo cho tất cả mọi việc của “tứ sự cúng dường”. Đó là các bữa ăn sáng, trưa và tối cũng như ốm đau thì có thuốc men, chỗ ngủ và y, áo v.v… Sau những buổi thuyết pháp như thế vào cuối khóa thường có phần giải đáp những thắc mắc cho quý Phật Tử và xen vàođó là những bài ca tự phát hay ngâm thơ, vọng cổ để cổ võ cho không khí bế mạc của một khóa tu sống động hơn.

Có nơi tổ chức những Giới Đàn Bồ Tát Giới tại gia như ở Đạo Tràng Phổ Hiền tại San Jose (nhiều lần), hay Thiền ViệnChánh Pháp ở Oklahoma của Thượng Tọa Thích Thông Triết và nhiều nhất có lẽ là chùa Hải Đức tại Jacksonville thuộc miền Bắc của Tiểu Bang Florida. Mỗi nơi đều có cho các giới tử đắp y màu nâu và có cả Bồ Tát giới danh nữa. Ví dụ như chùa đó tên là chùa Quang Minh thì tôi hay lấy chữ Quang hay chữ Minh đứng đầu cho giới danh của vị xin thọ Bồ Tát tại gia ấy và tên phía sau sẽ thuận hợp với Pháp Danh ngũ giới của người đã xin thọ giới. Theo Đạo HữuChâu Ngọc, hiền thê của cố Đạo Hữu Bác sĩ Minh Quang Nguyễn Lê Đức chùa Hải Đức tại Jacksonville cho biết rằng: Chính nhờ những vị thọ Bồ Tát giới tại gia nầy biết hành trì tụng giới mỗi tháng 2 lần; nên việc hộ trì ngôi chùa Hải Đức, vốn chưa có Thầy trụ trì, vẫn đứng vững trong nhiều năm tháng. Năm 2016 vừa qua Phái Đoàn Hoằng Pháp đãchính thức công cử Thầy Thích Thánh Trí về vùng nầy chăm lo Phật sự theo sự yêu cầu của Đạo Hữu Châu Ngọc(bây giờ là Hội Trưởng) cũng như đồng bào Phật Tử nơi đây, nên hy vọng rằng khi chùa Hải Đức có vị Sư Trụ trì chính thức, thì chùa sẽ khởi sắc hơn.

Mặt trời bao giờ cũng mọc ở phương Đông và lặn ở phương Tây, dầu cho chúng ta có ở xa cách mấy múi giờ trong 24 tiếng đồng hồ ấy đi nữa. Thật sự ra quả đất tròn, xoay chung quanh mặt trời, nên ta thấy mặt trời có lặn và có mọc, nhưng trên thực tế thì chính ta bị động nên mới thấy vậy, còn bản tính của mặt trời thì vẫn khứ lai tự tại, không vì cái nầy có mà bỏ cái kia. Nó chỉ là hình tướng của trong cái kia, vì nó tồn tại trong cái nầy và do sự đối đãi phân biệt; nênchúng ta mới cảm nhận như vậy. Riêng tôi phải nói là quá phước báu vì đã bao lần đi và bao lần đến xứ Hoa Kỳ, nơi nào cũng được mọi người hoan nghinh tiếp đón niềm nở. Chỉ một lần duy nhất tại Sana Ana và Fremont tôi là người trong Phái Đoàn Hoằng Pháp bị biểu tình. Lý do là sau Giáo Chỉ số 9 (2005) mọi người lãnh đạo của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Hải Ngoại bị chụp mũ là Cộng Sản theo chiêu bài của những người ném đá giấu tay và bây giờ sau 8 năm họ đã lộ nguyên hình. Bây giờ ở năm thứ 10 (2016) thì họ không còn gì để nói nữa cả. Do vậy tôithường hay nói rằng: “Một Tăng sĩ chân chính không bao giờ là Cộng Sản được, vì họ đã tôn thờ Tam Bảo làm Thầy rồi. Chỉ có những người Cộng Sản đội lốt Tôn Giáo để phá hoại Tôn Giáo thì có; chứ người Tăng sĩ chân chính không bao giờ đi ném đá giấu tay cả. Đây cũng là một trong những lý do tôi không tin người Cộng Sản là vậy. Còn những kẻ cơ hội, thừa gió bẻ măng thì thế gian nầy bao giờ mà không có những hạng người như vậy. Nếu lấy thúng mà úp voi và dầu cho có “cả vú lấp miệng em” đi chăng nữa thì cũng không thể nào làm được. Vì sự thật vẫn là sự thật. Tiếng Pháp cũng có câu tục ngữ là: Cái gì của César thì nên trả về lại cho César” là vậy. Mình không thể nhân danh người có quyền lực để đi hại người khác được, mà điều giả danh thì bao giờ cũng dễ bị phơi bày, cho nên trong Kinh Pháp Cú có nói rằng: “Kẻ ác hại người hiền như tung bụi ngược gió, bụi không bay đến được người hiền, mà ngược lại sẽ bay trở lại người đã tung bụi kia”; hoặc giả có câu khác cũng đã minh thị cho điều nầy là: “Kẻ ác hại người hiền như ngửa mặt phun nước miếng lên trời. Nước miếng không bay đến được người hiền muốn hại, mà rơi ngược trở lại trên chính mặt của mình vậy.

Ai rồi cũng có một ngày phải ra đi, không ai sống vĩnh viễn được hằng trăm năm nơi cõi đời nầy. Những thị phi tốt xấu,thành công, thất bại v.v… rồi nó cũng sẽ quên lãng theo thời gian, nhưng những gì người đời muốn nhắc lại ở những chuyến đăng trình ấy không phải là những việc gì to lớn lắm, mà là những bài pháp họ nghe được đâu đó để ứng dụng vào cho cuộc đời của họ, hay những đoản văn thật ngắn nằm rải rác trong những sách mà tôi đã viết, họ trích rahọc thuộc lòng, rồi những đoạn văn hay họ đọc đi đọc lại nhiều lần trước mặt tôi, như để minh chứng rằng: Đó là lời của Thầy dạy, của Phái Đoàn Hoằng Pháp đã đi qua nơi địa phương của chúng con giảng dạy, mà chúng con đã học hỏi được. Đó là những thời kinh khuya tụng Lăng Nghiêm cùng chư Tôn Đức, chúng con không thể nào quên. Đó là những món chay tịnh thanh khiết, đượm đầy tình nghĩa quê hương ở nơi xứ lạ quê người. Rồi những cái nhoẻn miệng cười hay cười thật lớn khi nghe pháp, vì đã vỡ oà được những điều chưa hiểu lâu nay, mà nay đã lãnh hội được.

Ân nghĩa thật là nghìn trùng, do vậy dầu cho có còn ở tại cõi nầy trong bao nhiêu lâu nữa, hay một mai nầy thân thểnầy của tôi, của quý vị sẽ trả lại cho cát bụi, thì những nghĩa cử cao đẹp của quý Phật Tử Việt Nam tại Hoa Kỳ, củachư Tôn Đức Tăng Ni cũng như của những người Hoa, người Nhật, người Mỹ v.v… đã làm cho tôi thật an lòng khi thấy những người con Phật lúc nào cũng luôn hướng về nội tâm và muốn làm cho tâm mình luôn thăng hoa trong cuộc sống đầy cám dỗ vật chất như xứ Hoa Kỳ nầy. Cũng chính điều đó là một yếu tố nối kết lại chúng ta với nhau, vìPhái Đoàn không cầu lợi dưỡng gì cho riêng mình, mà cho tất cả, cho tha nhân và cho những ai quan tâm với nhautrong cuộc sống tâm linh tại xứ người nầy.

Một số hình ảnh
trong các chuyến Hoằng Pháp tại Hoa Kỳ



 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]