Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phụ Nữ Xưa và Nay

14/07/201709:49(Xem: 11808)
Phụ Nữ Xưa và Nay

lotus-hoa-sen
Phụ Nữ Xưa và Nay

 

Vấn đề con người là một chủ đề xưa nay, biết bao nhiêu nhà triết học khoa học bác học quan tâm và luận bàn, phân tích một cách trực tiếp hay gián tiếp, tùy theo mỗi thời kỳ lịch sử, mà có tầm nhìn và khai sáng về con người ở nhiều góc độ và khía cạnh khác nhau, như vấn đề thân phận con người, với góc nhìn không đi vào sự tư duy, chỉ nghiên về vật lý, thì hoàn toàn bế tắc và trở nên khủng hoảng bất lực. Như nhà triết học Socrates đã nói: “Nếu con người không trở về với nội tâm của mình, thì con người chỉ là con rối giữa cuộc đời, không tự biết mình là ai, trống rỗng vì đã nô lệ cho dục vọng. Tự mình không định đoạt được số phận của mình”.

          Đạo Phật là một học thuyết, một triết lý sống. Hệ thống giáo lý truyền bá vào nước ta khoảng thế kỷ thứ II sau Tây lịch, đã nhanh chóng trở thành một tôn giáo, có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tâm linh của con người Việt Nam, bên cạnh Đạo Lão, Nho, Thiên Chúa, trong nhiều giai đoạn lịch sử Đạo Phật đóng vai trò chỉ đạo, tác động mạnh đến nếp sống, thói quen, suy nghĩ của con người.

          Lịch sử Phật Giáo nhắc lại cuộc đời của Đức Phật, từ khi sanh ra, rồi xuất gia tầm đạo, tu tập chứng đạo v.v… rồi nói đến các Thánh đệ tử của Phật và điều để cho chúng ta thấy rằng trong sự tu tập không phân biệt nam, nữ nếu ai biết nỗ lực, thì sẽ đạt đến quả vị Phật như nhau giác ngộ giải thoát bình đẳng không khác, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Cái nhìn “bình đẳng” của Đức Thế Tôn trong lịch sử đã chứng minh, Ngài giải phóng cho người nữ và đưa người nữ trở về với giai cấp bình đẳng trong khi các tôn giáo khác không làm được.

          Thử nhìn về quá khứ, thân phận của phụ nữ thời xa xưa trong quá trình lịch sử của hai nền văn minh cổ đại Phương Tây và Hy Lạp.Trong truyền thống Do Thái và đạo Cơ Đốc, song hành thời với Đức Phật, ở Trung Hoa thì có Khổng Tử và 500 năm sau Đức Phật Đản sanh là Thiên Chúa giáo ra đời. Việt Nam thì có đạo Lão, Nho.Ấn Độ thì có đạo Hindu, kể cả đạo Hồi giáo. Nói chung những quy chế của xã hội các cơ cấu tổ chức Tôn giáo, từ nguyên thủy, lúc nào cũng định kiến, tạo nên những mẫu mực và cho người nữ là phái thụ động, phục tùng và nô lệ.

          Như trong kinh Cựu Ước của Do Thái thời xa xưa, chỉ tôn trọng người nam, xem thường người nữ, thấy ai tôn thờ Nữ Thần xem đó là yêu thuật, người phụ nữ bị ném đá đến chết, hoặc bị ép uống nước hòa với chất dơ của đất khi bị người chồng ghen. Người phụ nữ bị cưỡng bức, chỉ được bồi thường 50 đồng và sau đó trở thành vợ của người cưỡng hiếp, thật là kinh khủng.

          Giống như thời xa xưa bên Ấn Độ với đạo Hindu, qua bộ luật Manu rất nổi tiếng, được ghi chép lại trong các triều đại vương quốc của người Arya khoảng thế kỷ thứ II-I trước Tây lịch, do các đạo sĩ Bà La Môn đặt ra những luật lệ, những tập quán của những giai cấp thống trị xem người nữ như những con vật nô lệ. Trong kinh Vệ Đà coi người phụ nữ là người không tử tế, không bao giờ được phép đến nhà thờ, được đứng gần đấng tối cao. Hôn nhân mang tính cách mua bán, tập tục Xari (của hồi môn) hằng năm hàng ngàn phụ nữ bị giết hay đốt, vì không đủ số của hồi môn cung ứng cho nhà chồng, công khai thừa nhận bất bình đẳng trong đời sống vợ chồng, chính vì lòng tham muốn tiền bạc của nhà chồng, khiến cho số lượng kẻ sát nhân vì của hồi môn ngày càng gia tăng, ăn sâu bám rễ vào mọi tầng lớp trong xã hội xưa cũng như nay, từ giàu đến nghèo, từ người trí thức đến dân thường, từ thành thị đến thôn quê, cuộc đời phụ nữ Ấn, hằng ngày chỉ toàn là những vụ bạo hành trong gia đình. Mặc dầu chính phủ Ấn Độ cấm lệ đòi của hồi môn từ năm 1961, trên thực tế tục lệ này vẫn còn hiện hành.

          Luật Hồi giáo Cheria, không nhẹ nhàng vời người phụ nữ, suốt đời chỉ một việc phục tùng chồng, cha, anh em trai, không có quyền phân chia tài sản. Trong kinh Coran của Hồi giáo chỉ trích người nữ một cách mạnh mẽ, vị trí bé nhỏ, thấp kém về thể chất, tinh thần đạo đức và trí tuệ.

          Trong các thánh đường Cơ Đốc giáo, Tin Lành, Thiên Chúa giáo, các Tu sĩ nữ không được giảng kinh hành đạo như các Linh mục Mục sư, v.v…

          Như vậy thì chúng ta thấy nói về xã hội, kể cả tôn giáo như Hindu, Cơ Đốc giáo, Tin Lành, Hồi giáo v.v… đều có những điều áp chế đối với phụ nữ. Riêng Đức Phật nếu không có lòng từ bi và trí tuệ hùng lực, làm sao đưa thân phận của người phụ nữ trở về với công lý bình đẳng trong đời sống Tăng đoàn. Ngài đã đưa người phụ nữ từ vị trí thấp kém trong xã hội thời bấy giờ (không được đến nhà thờ, chỉ làm vợ với thân phận tôi đòi, bị tục lệ hồi môn chèn ép) trở thành một biểu tượng đáng tôn quý trong xã hội.

          Đọc lịch sử Phật giáo, lúc nào cũng có nói đến cuộc đời và phẩm hạnh giác ngộ giải thoát của Ngài. Trong kinh thường hay nhắc lời Ngài nói: Tất cả chúng sanh ai cũng có tánh Phật và thành Phật, trở về với tánh Phật đều bình đẳng không khác, cho nên Đức Phật đã làm được việc mà các tôn giáo khác chưa làm được.

          Sau khi thành đạo, Đức Phật du hành thuyết pháp và thành lập Tăng đoàn, thì Thập đại đệ tử Tăng cũng nhưThập đại đệ tử Ni, không ai nhiều, không ai ít, không cao, không thấp, sang hèn nghèo giàu, aitu tập cũng được giác ngộ như nhau. Đức Phật sinh ra ở Ấn Độ thời đó, 4 giai cấp Bà La Môn, Sát Đế Lợi, Phệ Xá và Thủ Đà La đều được xuất gia, đều được nằm trong Tăng đoàn, và đều được mang dòng họ Thích.

          Đức Phật dạy chúng ta sự tu tập, học hỏi để liễu đạo và ngộ đạo, kinh qua quá trình của Đức Phật giảng dạy, Ngài nói: “Các con hãy tự thắp đuốc lên mà đi, đến với ta, không phải để tin mà phải biết lắng nghe, suy nghiệm học hỏi. Coi sự thực hành lợi mình, lợi người có phù hợp với cái nhìn của bậc thánh trí thì hãy làm. Ta không dạy các con tin ta một cách mù quáng”.Thật tuyệt vời, Đạo Phật không độc tôn, không thần quyền, không độc đạo. Chính Đức Phật cũng là một con người như bao con người khác, chỉ khác là Đức Phật tu tập rồi giác ngộ giải thoát, cho nên lời dạy của Ngài như một trận mưa, cây cối tùy theo lớn hay nhỏ mà hấp thụ, tùy theo căn cơ mà chứng ngộ khác nhau và đạt đến quả vị Phật. Cũng như trăm sông chảy ra biển chỉ có một vị mặn. Cũng thế, chánh pháp của Như Lai chỉ có một vị giải thoát mà thôi. Cho nên chúng sanh nếu an trú trong chánh pháp, tắm gội trong dòng nước thanh lương thanh tịnh, sống đời phạm hạnh, thì chúng ta mới biết hương vị của sự giải thoát tri kiến là gì. Chúng ta có tìm về sự giác ngộ, sống thanh tịnh không ô nhiễm, sống buông xả không chấp trước, biết quên mình và sống cho tha nhân, thì chúng ta mới nếm được vị ngọt cam lồ của chánh pháp.

          Ngày xưa sau khi được xuất gia tu đạo, Ngài Kiều Đàm Di mẫu, cũng như Ngài Da Du Đà La và 500 vị Thánh Ni đều đắc quả A La Hán. Đức Phật bảo A Nan hãy làm các tòa bằng trầm hương quý giá để cúng dường cho Thánh Ni. Tâm lượng bình đẳng của Đức Phật vượt ra ngoài không gian và thời gian, vượt ra ngoài phạm trù của tâm thức vọng động nhân ngã. Vấn đề then chốt vẫn ở chỗ là nhìn thẳng vào nội tâm để chuyển hóa vô minh, phiền não, để tu tập. Đức Phật chưa bao giờ tự ca ngợi mình, ngay trong những lần Bố tát, Đức Phật nói với các Đại Tăng, xem Đức Thế Tôn có lỗi lầm gì không? Ngài Xá Lợi Phất thưa: Bạch Đức Thế Tôn, Ngài là viên ngọc Toàn Bích không tỳ vết. Bắt đầu từ lúc phát lồ, Đức Phật chưa bao giờ nói ta không có lỗi.

          Thời đó bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề cùng 500 người nữ cạo tóc đắp y Phấn Tảo, nhiều lần xin Đức Phật xuất gia, Ngài vẫn không đồng ý, sau nhờ Ngài A Nan xin Phật mới chấp nhận. Nhờ Ngài A Nan mới có người nữ xuất gia, nhờ Thánh Ni mới có Ni Đoàn thành lập. Nhờ Ngài gian khổ, hy sinh đưa vị trí của người nữ từ chỗ bất bình đẳng đến chỗ bình đẳng nam nữ.

          Trong vấn đề kỳ thị giới tính, những phân biệt khen chê nam nữ, không quan trọng trong sự tu tập, mà phải thấu triệt ở chỗ chúng ta phải sống đúng đức hạnh, biết ứng dụng và liễu tri, chúng ta sẽ đắc quả Phật. Trong sự giải thoát không có tướng nam nữ, bình đẳng trong quả vị giác ngộ không giành riêng cho nữ hay nam.

          Trong lịch sử Việt Nam hình ảnh phụ nữ qua ca dao truyền tụng trong nhân gian “Thân cò lặn lội bờ sông, Gánh gạo nuôi chồng, nước mắt nỉ non”.

          “Chim Đa Đa đậu nhánh đa đa

          Chồng gần không lấy lấy chồng xa

          Giờ đây nhớ mẹ thương cha

          Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu”.

          Hay “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”; “Trai lấy năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng”. Phần nào đã chứng minh phụ nữ thời xưa bị gạt ra ngoài lề của cuộc sống, bỡi gia phong cổ hủ, sống bị dồn nén vào khuôn khổ của lễ giáo, là nạn nhân của chế độ đa thê, vấn đề trọng nam khinh nữ đã áp đặt sự bất công lên thân phận của người phụ nữ thời đó. Cho nên người phụ nữ không có cơ hội phát triển về mọi lãnh vực đối nội và đối ngoại. Mặc dầu lịch sử Việt Nam luôn ghi nhận phụ nữ là nguồn hạnh phúc, trong các phương diện đời sống gia đình.

          Ngày nay Việt Nam đã ký công ước với Liên Hiệp Quốc về việc xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, tuy chưa phải đã hết những định kiến nghi ngại, nhưng xét toàn diện trong vai trò đối nội đối ngoại, không còn dành riêng cho nam giới nữa, đây là một nét khởi sắc về vị thế của phụ nữ trong xã hội ngày nay.

          Thử nhìn qua lịch sử Ngày Phụ Nữ Quốc Tế 8 tháng 3 chúng ta thấy, thành quả lâu dài và lặng lẽ của hằng ngàn phụ nữ trên toàn thế giới trong cuộc đấu tranh bằng nước mắt và máu đổ xuống những thập niên qua, ngày nay cũng được Liên Hiệp Quốc kỷ niệm và được xem như Ngày Lễ Quốc gia của nhiều nước.

          Vào thời Hy Lạp cổ đại, Lysistrata khởi đầu cuộc biểu tình của giới nữ yêu cầu chấm dứt chiến tranh.

          Cách Mạng Pháp người phụ nữ Paris diễn hành ở Versailles kêu gọi tự do bình đẳng bác ái.

          Tại Mỹ, thế kỷ 19, phong trào đấu tranh quyền sống của nữ công nhân diễn ra ở đường phố New York 8/3/1908 với khẩu hiệu “Hoa hồng và bánh mì” (bánh mì tượng trưng bảo vệ nền kinh tế gia đình và hoa hồng tượng trưng cho đời sống tốt đẹp).

          Tháng 2/1909 lần đầu tiên trên đất Mỹ tổ chức Ngày Phụ Nữ Meeting để đòi hỏi quyền bình đẳng cho phụ nữ, phản đối chính phủ không công nhận quyền bầu cử của phụ nữ.

          Ở Đức và Ba Lan vận động thành lập Ban Thư Ký Quốc Tế Phụ Nữ.

          Ở Đan Mạch ngày 27/28/8/1910 đại hội thứ 2 diễn ra quyết định lấy ngày 8/3 làm ngày Quốc Tế Phụ Nữ.

  1. Phong trào đòi quyền tự do cho phụ nữ Mỹ và Châu Âu (Liberal Feminism) gây tiếng vang và ảnh hưởng trào lưu nữ quyền ở các nước Phương Tây và Phương Đông suốt thế kỷ 20.
  2. Phong trào giải phóng phụ nữ (Radical Feminism) cho những người chịu thiệt thòi như công nhân lao động, da màu, chống chiến tranh Việt Nam ủng hộ sinh viên và người đồng tính vào cuối thập niên 60, đầu thập niên 70 của thế kỷ 20.
  3. Phong trào liên minh vào giữa thập niên 90 của thế kỷ 20 liên quan đến tác động của toàn cầu hóa và sự phân bổ quyền lực của phụ nữ trong thời đại mới.

Tại Việt Nam, cách đây gần 2000 năm, lần đầu tiên trong lịch sử, chưa có một dân tộc nào có được niềm vinh quang đó, người phất cờ khởi nghĩa, xưng vương dựng nước là phụ nữ, không ai hơn là cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng Bà Triệu với số lượng đông đảo phụ nữ tham gia khởi nghĩa, thể hiện ý chí độc lập, và vô số sĩ phu nam giới đều tùng phục dưới trướng dưới quyền. Tinh thần dân tộc và ý chí của người phụ nữ Việt Nam rạng ngời sử sách qua câu tục ngữ: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”.

Võ Tắc Thiên lên ngôi đã đánh động một thời cai trị đất nước phồn thịnh, an bình.

Nhìn về Châu Âu cũng có rất nhiều những vị Nữ Hoàng siêu việt.

Nữ Hoàng Tây Ban Nha Isabella đệ I (1451-1504) trở thành Nữ Hoàng năm 23 tuổi là một người giỏi cai trị đất nước, vương quốc Ferdinand suốt một thế kỷ.

Nữ Hoàng Nga Catherine II đại đế 1729-1796 là một phụ nữ kiệt xuất nhất trong lịch sử thế giới.Một nhà sử học đã nói: “Muốn tìm hiểu hệ thống tổ chức chính trị nước Nga, hãy tìm hiểu Catherine II”. Lịch sử còn gọi đây “thời vàng son của Catherine II” nhằm tưởng nhớ đến công lao của bà.

Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra nói được 9 thứ tiếng, bà lên ngôi năm 17 tuổi và trở thành vị Pharaoh cuối cùng của Ai Cập, là một phụ nữ quyền lực nhất thế giới cổ đại, bà xây dựng một thể chế hùng mạnh và được dân chúng tôn thờ như một Nữ Thần.

Nữ Hoàng Elizabeth II Vương Quốc Anhđương kim Nữ hoàng của 16 quốc gia thuộc Khối Thịnh Vượng Chung, lãnh đạo tối cao Giáo hội Anh Giáo, bà cũng là người đã từng trị vì 32 quốc gia riêng biệt, nay một nữa trong số đó đã trở thành các nước cộng hòa.

Nữ Thủ Tướng nước Úc Julia Gillard trong giai đoạn 2010-2013 là Thủ Tướng đầu tiên trong lịch sử đất Úc Australia. Là một luật sư và chủ tịch của liên đoàn sinh viên 1983, nội lực và sự bình thãn đã đưa bà đến với quyền lực tối cao với chức Thủ Tướng.

Cựu Nữ Thủ Tướng Newzealand Helen Clark là Tổng Giám Đốc chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc.

Yingluck Shinawatra trở thành Nữ Thủ Tướngtrẻ nhất thứ 28 của Thái Lan.

          Một phụ nữ gốc Việt,Elizabeth Phùcố vấn cho Tổng Thống Obama Hoa Kỳ.

Cựu Ngoại Trưởng Mỹ bà Hillary Clinton.

Nữ Trung tá Kimberly Mitchell phó giám đốc hải quân Mỹ.

          Bà Aung San Suu Kyi 21 năm đấu tranh cho nền dân chủ Miến Điện, trong đó có 15 năm tù. Là một nhân vật biểu tượng cho phong trào đấu tranh bất bạo động, được tặng giải Nobel Hòa Bình 1991.

          Nhìn lại những thập niên trở lại đây rất nhiều phụ nữ nắm giữ những chức vụ quan trọng trong quốc hội, đối nội cũng như đối ngoại rất đáng được xưng vinh và tôn trọng.

          Trước sự lớn mạnh về số lượng và chất lượng của phong trào phụ nữ trên thế giới về việc xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, khẳng định phân biệt là vi phạm các nguyên tắc về quyền bình đẳng và xúc phạm đến nhân phẩm của con người, là trở ngại lớn lao cho người phụ nữ trong việc tham gia vào mọi lãnh vực phát triển xã hội quốc gia.

          Liên Hiệp Quốc lần đầu tiên kỷ niệm Ngày Quốc Tế Phụ Nữ 8/3/1975.  

          Tháng 12/1977 Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết tuyên bố các nước thành viên kỷ niệm ngày 8/3 như là ngày vì quyền bình đẳng tiến bộ của phụ nữ và hòa bình thế giới.

          Tháng 3/2010 được UN Women và UN Global Compact giới thiệu đầu tiên với sự tham gia của nhiều lãnh vực khác nhau như thương mãi, kinh doanh, tổ chức xã hội, nhân sự, các tổ chức quốc tế chính phủ chính trị v.v … triển khai những nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ…

          Ngày Quốc Tế Phụ Nữ là biểu tượng ý chí của phụ nữ khắp nơi trên thế giới, không phân biệt màu da, chủng tộc, ngôn ngữ, văn hóa, kinh tế, chính trị, quốc gia…cùng nhau bảo vệ sự công bằng, hòa bình và phát triển, đây chính là cơ hội để ghi nhận sự đóng góp của người phụ nữ trong nhiều lãnh vực và bảo đảm quyền lợi hợp pháp và cơ hội bình đẳng cho phụ nữ.

          Ngày 8/3 là ngày đã được quốc tế xã hội quan tâm và bù đắp những thiệt thòi, vất vả, đau thương, nước mắt của nữ giới suốt từ thuở sơ khai khi con người xuất hiện trên hành tinh này, kinh qua các thời kỳ đồ đá đồ đồng, ăn lông ở lỗ, phong kiến, trọng nam khinh nữ, bị ràng buột bởi lễ giáo, định kiến khắc nghiệt, mà người phụ nữ luôn âm thầm hy sinh chịu đựng. Nếu không có phụ nữ cũng không có thế gian này. Nhân loại đã đi vào thế kỷ 21, vượt tầm văn minh tiến bộ khoa học công nghệ vệ tinh. Hãy thể hiện cái nhìn, cung cách và ứng xử sao cho hài hòagiữa nam nữ để cùng nhau xây dựng con người, xã hội an lành tốt đẹp bình đẳng bình quyền, giới tính không còn là khoảng cách và hố sâu, nam có vị trí người nam, nữ có vai trò người nữ trong bất cứ môi trường lãnh vực nào. Đó mới đích thực thể hiện nếp sống cao đẹp văn minh tiến bộ qua cửa ngỏ trí tuệ bi tâm và hùng lực. 

          Nhìn qua lăng kính của Đạo Phật chúng ta, thì an lạc hay khổ đau, niết bàn hay sinh tử, bình đẳng hay bất bình đẳng v.v… trong cuộc sống, suy cho tột cùng cũng chỉ là sự vọng động của tâm thức, chỉ là huyễn ảo của hai mặt mê giác mà thôi. Muốn bình đẳng hóa cuộc sống, chỉ khi nào những dục vọng vô minh của cá thể không còn tồn tại, chỉ khi nào ý niệm về ta và của ta không còn năng lực hoạt động trong tâm, thì lúc đó khổ đau sẽ được hóa giải, chúng ta sẽ thấy được cái “một” vượt qua ngoài đối đãi của thường tình nhị nguyên tương đối, khi đó chúng ta đến với tha nhân trong cảm thông chia xẻ thương yêu thật sự.

          Đức Phật xuất hiện giữa cõi đời đầy biến động trong bối cảnh xã hội Ấn Độ thời xa xưa, cũng không ngoài mục đích đem hạnh phúc đến cho nhân loại, thông điệp mà Ngài để lại cho đời là lòng từ ái vô biên, một tình thương bình đẳng vô vụ lợi, không phân biệt màu da chủng tộc, tâm đồng thể Đại bi, vị tha lân mẫn đến vạn loại hữu tình. Một tình thương xây dựng sự an bình cho con người và thế giới, bởi vì Đức Phật đã thấu thị bản chất thật của sự khổ đau trong kiếp nhân sinh.

          Trong Tương Ưng bộ IV chương 3 Tương Ưng Nữ Nhân, có nói một thời Đức Thế Tôn ở tại Trúc Lâm Rajagaha, Ngài gọi các Thầy Tỳ kheo đến và nói rằng: Này các Tỳ kheo! Có 5 đau khổ riêng biệt mà người phụ nữ phải gánh chịu, khác biệt với người đàn ông: lúc trẻ về nhà chồng không có bà con, những bực bội hằng tháng, gánh chịu lúc mang thai, sanh con và hầu hạ đàn ông. Ngài đề cập đến những nỗi đau thầm kín riêng tư của phụ nữ, để hiểu, cảm thông và yêu thương bằng một cử chỉ tôn vinh và trân trọng. Tâm lượng nhân ái của Phật thật bao la. Ngài trải rộng tình thương đến với mọi người và vạn loài. Lòng bao dung của Ngài dung chứa hết mọi tâm hồn lớn, nhỏ, đục, trong, để tha thứ san sẻ cảm thông và hiểu biết.

          Một nụ cười khích lệ, một ánh mắt thương yêu, một lời khuyên chân thành, một lời an ủi cảm thông để xoa dịu bớt những nỗi đau bất hạnh trong đời. Mong sao trong cõi trần gian và người nhân thế hãy sớm thức tỉnh, nhận chân, biết tương dung tương hợp tương kính tương đồng, thì tình người sẽ đẹp hơn, lòng người sẽ rộng hơn, sự sống thanh cao hơn, nhân loại hòa ái hơn. Ngưỡng nguyện Đức Phật từ bi hằng tế độ và ngưỡng vọng Bồ Tát Quán Âm chan chứa "Từ nhãn thị chúng sanh" - Mắt thương nhìn cuộc đời.

 

 

Thích Nữ Tâm Lạc

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]