Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đời người như mộng

11/07/201711:38(Xem: 8470)
Đời người như mộng



lotus_3

Đời người như mộng

Thích Chúc Xuân


“Sinh có hạn, tử bất kỳ”. Trong cõi hồng trần uế trược này, không ai biết được chính xác cuộc đời mình còn lại bao lâu? Dù là người xuất gia tu hành hay người thế tục (trừ bực Đại giác chứng ngộ.) Đời người ngắn ngủi thoáng qua như bóng chớp, một hơi thở ra mà không hít vào đã thành người thiên cổ.

Đức Phật dạy: “Tuổi thọ của sinh mệnh chỉ dài như một hơi thở. Không còn thở nữa thì đã là sang đời sau rồi. Chỉ có nhận thức như vậy mới thực sự trải nghiệm được sự tinh tuý của sinh mệnh. Các đệ tử! Các con chớ nên thảnh thơi lười biếng, cho rằng đời người rất dài giống như kiếp phù du, như cỏ hoa, hay dài đến mấy chục năm. Nhưng tuổi thọ của con người chỉ như một hơi thở mà thôi, vậy nên phải trân trọng mỗi phút giây của sinh mệnh!” Dù văn minh đến đâu, con người vẫn không thắng nổi cái chết. Giàu nghèo sang hèn, trí thức hay bình dân, văn minh hay lạc hậu… ai ai rồi cũng phải chết

Ai đó đã từng nói, đời người thực chất chỉ có 3 ngày: Ngày hôm qua, ngày hôm nay và ngày mai. Người mê muội sống vì ngày hôm qua, người ảo vọng sống vì ngày mai, còn người sáng suốt lại biết sống cho hiện tại. Quá khứ là thứ đã qua, tương lai là thứ chưa thể chạm tới, chỉ có hiện tại mới là quãng thời gian chân thực để cho ta thể nghiệm, gìn giữ và trân quý.

Có người nói vui: Đời là bể khổ, qua được bể khổ là qua đời. Ấy thế nhưng có ai muốn thoát khỏi bể khổ đó đâu, dù là vì lý do gì đi nữa. Cuộc sống dù thế nào vẫn đáng quý, quý đến nỗi người ta phải giành giật từng ngày, dẫu phải chịu bao đớn đau khổ ải. Dẫu có lúc đã ở nơi tận cùng tuyệt vọng muốn buông xuôi, chỉ cần một tia hi vọng lóe lên, chỉ cần một bàn tay chìa ra cho ta nắm, thì ta lại sẵn sàng để sống, để đối mặt với thực tại.

Đời người, suy cho cùng là dài hay ngắn? Ngày vui thì thấy ngắn, ngày buồn thì thấy dài lê thê. Người ta bảo “chết là hết” nhưng có hết với người ra đi, còn những mất mát đớn đau, những khoảng trống thật khó để lấp đầy trong trái tim của những người ở lại.

Có những cuộc gặp gỡ, phải đến khi vĩnh viễn chia xa mới biết đó là cuộc gặp gỡ cuối cùng. Có những yêu thương chưa kịp tỏ bày, có những lỗi lầm chưa kịp tha thứ. Chỉ trong một khoảnh khắc bất trắc bất ngờ của số phận, cơ hội gặp lại một người đã là điều không thể nào chạm tới.

Thế giới này đầy rẫy những hỗn tạp, tranh chấp, cướp đoạt, đố kị, oán hận và mưu mô tựu chung cũng chỉ vì một chữ tranh. “Tranh nhau ngoài sáng, âm thầm đấu đá trong tối” tranh để có được cái lợi lớn nhất, từ lớn đến nhỏ, hôm nay tranh, ngày mai tranh, anh tranh, tôi tranh, tranh đến tranh đi gà bay chó sủa. Người ngã ngựa đổ, cho đến cuối cùng lại trở về với cát bụi, thoát khỏi hồng trần, chỉ còn lại lòng ích kỷ và đố kị thôi.

Cuộc đời vô thường sống nay chết mai, hôm nay giàu có, ngày mai trắng tay, hôm nay mạnh khỏe ngày mai bệnh tật, hôm nay xinh đẹp ngày mai xấu xí… cái gì cũng có thể xảy ra với thân mạng nhỏ bé này, sao phải đợi đến lúc xảy ra biến cố mới ngộ được những điều đơn giản như vậy. Nếu như nghĩ thoáng một chút, không tranh với đời, xem nhẹ cái được mất, hơn thua, hạ thấp mục tiêu xuống, và xem nhẹ danh lợi; biết suy nghĩ cho người khác… thì cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Trong cuộc sống có rất nhiều lý do để không tranh, nhưng chỉ vì cái dục vọng cá nhân như rắn núp trong bụi cỏ, không ngừng gặm nhấm trái tim con người.

Chúng ta thử làm một phép tính đơn giản, tuổi thọ trung bình của chúng ta chỉ là khoảng 60 tuổi thì 10 năm đầu là trẻ thơ, 10 năm cuối sống với tuổi già và bệnh tật, còn lại 40 năm, chúng ta chia đôi cho ngày và đêm, vậy là còn lại 20 năm, rồi trong một ngày vì lo chuyện cơm áo gạo tiền chúng ta phải lao nhọc từ 8 đến 12 tiếng, rồi thời gian bệnh, mệt mõi, chán nãn… vậy thì cả cuộc đời này thời gian chúng ta thật sự vui vẻ và hạnh phúc được bao nhiêu lâu?

Nói nôm na như thế để chúng ta thấy rằng cuộc đời này quá ngắn ngủi, cuộc sống này thật sự rất ít thời gian để chúng ta tận hưởng được những điều vui vẻ, hạnh phúc. Vì vậy hãy trân trọng những gì tốt đẹp chúng ta đang có, tình cảm gia đình người thân, tinh bạn bè tri kỷ, tình làng nghĩa xóm, tình cảm giữa người và người…Hãy sống chân thật, yêu thương, chia sẻ, hòa nhã, tha thứ đối với tất cả mọi người, chúng ta đừng để đến khi thốt lên câu “giá như…” thì đã quá muộn.

Thân phận đời người chỉ là hữu hạn trong cái vô hạn của đất trời. Rồi còn lại gì ngoài cái bao la hư vô, như một vì sao xa chợt tắt, tất cả chỉ là khoảng không vĩnh cửu.

Đời người sống được nhiêu năm
Thật tâm mà sống, chẳng phiền đến ai.
Đời người như chuỗi phim dài
Đâu cần phải diễn, đâu cần nhập vai.

Đời người lắm chuyện bi hài
Người vui kẻ khóc, chuyện hài thế gian.
Vui buồn rồi cũng chóng tàn
Buồn nhiều vui ít, vô vàng khổ đau.

Thật lòng ta sống cùng nhau
Kẻ cho người nhận, trao nhau tấm lòng.
Dù đời dòng chảy ngược dòng
Khổ đau vẫn sống, mĩm cười vô tư.
(Ngạo Thiên)

Chúng ta đã có quá ít thời gian, cớ sao lại phải luôn sống giả dối, sân hận, thù ghét, ganh tị, đố kị, hơn thua, tranh giành… làm tổn hại lẫn nhau, gây đau khổ cho nhau… Nên tùy duyên mà sống, khéo lường nhân quả, phước họa do mình.

Chúng ta nên giành nhiều thời gian để làm những việc lợi ích cho mình và mọi người, dù gian khó cũng phải cố gắng sống tích cực, lạc quan, yêu đời, luôn hướng thiện để tạo phước báu về sau, luôn muốn ít biết đủ để được hạnh phúc từng ngày. đừng lãng phí thời gian vào những việc vô nghĩa, tiêu cực, sa đọa...

Hãy nhớ rằng:
Thêm một chút vui sẽ giảm một chút buồn.
Thêm một chút chân thật sẽ giảm một chút dối trá.
Thêm một chút thong thả sẽ giảm một chút bận rộn.
Đối xử tốt với bản thân, nội tâm sẽ thong dong tự tại, bình thản trước vạn vật.

Đứng trước cái chết, mọi người đều bình đẳng. Sống là chuẩn bị cho con người đi về với cái chết. Suy tư về cái chết là suy tư về sự sống. Chết là một phần của sự sống bởi lẽ trong sự sống đã có sự chết. Nó là cánh cửa nối liền hai thế giới như cửa sông đưa dòng nước vào nguồn biển rộng. Cứ theo định luật tự nhiên, con người được sinh ra, lớn lên, già đi và chết. Đó là định luật chung của con người, không ai có thể sống mãi mà không chết. “ Đâu ai sống mãi trăm năm, có ai còn mãi ngàn năm ở đời” Các vua chúa ngày xưa đã cố công đi tìm thuốc trường sinh bất tử nhưng họ cũng chết. Đời người như hạt mưa sa trên mặt nước, bọt văng lên rồi tan biến mất, đời người như ánh chớp, như mộng, như tia điện sẹt, như nháy mắt… nhiều khi lại còn ngắn ngủi hớn thế nữa. Mà trong cuộc đời ngắn ngủi ấy lại biết bao sự gian nan khổ cực, chịu lắm sự sầu ưu, khổ não, thất tình lục dục…

Thân người rất khó được, mất rồi thì vô lượng kiếp không biết đến bao giờ mới có lại. Sống giữa dòng đời nghiệt ngã với vô vàn sự cám dỗ, nào tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon, mặc đẹp và hưởng thụ cảm giác khoái lạc giác quan, con người khó làm chủ được bản thân để vượt qua cạm bẫy cuộc đời. Quả thật, đời người giống như canh bạc, nếu ai biết khôn ngoan và sáng suốt, phát nguyện quy y Tam bảo làm một người Phật tử chân chính, giác ngộ tự tâm thì hoạ may mới không vướng vào vòng luẩn quẩn luân hồi. Sống ở đời chắc ai cũng đã từng vấp ngã dù ít hay nhiều, vì thế chúng ta cần phải có niềm tin trong cuộc sống, tin sâu nhân quả, tin chính mình là chủ nhân ông của bao điều họa phúc. Nhờ vậy, khi vấp ngã hay thất bại trong cuộc đời ta biết đường vượt qua nhờ có lòng tin sâu sắc về nhân quả. Vì vậy chúng ta hãy tranh thủ thời gian luôn cố gắng Tu Sửa tâm tánh để đời hiện tại được an vui, tương lai tái sanh vào cõi tốt, không bị đọa lạc vào ba đường ác đạo.

Chúng ta là người học và tu theo hạnh của Phật cùng nhau cố gắng Tu Sửa, vì Tu Sửa là con đường Minh Tâm Kiến Tánh mà ba đời chư Phật đã thành tựu.

Hạ Ất Dậu – 2017

Thích Chúc Xuân

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567