Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tịch Diệt Vi Lạc

05/06/201706:26(Xem: 15618)
Tịch Diệt Vi Lạc



Tịch Diệt Vi Lạc

(English Version)
Thích Nguyên Tạng

 

Tịch Diệt Vi Lạc”, bốn chữ trên bức trướng của Trang Nhà Quảng Đức Úc Châu phúng viếng Tang lễ Ôn Như Huệ, như là lời chúc mừng Ngài trên lộ trình đi về cõi Phật vào cuối tháng 6-2016.  Ở thế gian chết chóc là đau khổ, nhưng đối với Phật giáo “Chết là một niềm vui” (Tịch diệt vi lạc), có vẻ khó hiểu và chống trái phải không?

Phật giáo xuất hiện trên đời này là để giải quyết sự chống trái này, nghĩa là giải quyết tận gốc rễ luân hồi sinh tử. Còn sinh tử, còn luân hồi là còn khổ đau, giải thoát khỏi luân hồi sinh tử là niềm vui, đơn giản vậy thôi. Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, Đức Phật đã tuyên bố:“Chư hành vô thường, Thị sinh diệt pháp, Sinh diệt diệt dĩ, Tịch diệt vi lạc". Nghĩa là: “Các hành vô thường, Là pháp sinh diệt, Sinh diệt hết rồi, Tịch diệt là vui”.

Giáo lý của Phật Đà luôn nhắc nhở “Sanh tử đại sự, vô thường tấn tốc”, phải cố gắng “Hằng ngày an vui tu tập, pháp Phật nhiệm mầu, để mau ra khỏi luân hồi”. Và khi đã ra khỏi luân hồi rồi, mới có thể phát biểu được như lời của Thiền Sư Từ Minh là “Sanh như đắp chăn Đông, tử như cởi áo Hạ”. Có nghĩa là một người ngộ đạo thì sống giữa cuộc đời này một cách tự tại, vượt ra ngoài vòng trói buộc của sống và chết, xem sự chào đời như mùa Đông có chiếc chăn đắp lên cho ấm, và khi chết đi, xác thân này tan rã để trở về Pháp thân thanh tịnh, cũng giống như mùa Hè cởi chiếc áo ra cho mát mẻ, thì không có gì mà phải sợ hãi và lo âu?

Tich Diet Vi Lac

Đối với người đệ tử Phật luôn nhận thấy rằng sự sống và cái chết là một dòng chảy liên tục không hề gián đoạn, giống như sự di chuyển qua lại của một quả lắc của đồng hồ. Là đệ tử Phật, phải kiểm soát được sự di chuyển của quả lắc này, có nghĩa là làm chủ được sự sống chết của bản thân mình.

Đối với chính Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni của chúng ta, Ngài đã minh chứng cho toàn bộ lời dạy của đời mình là tự tại trong sanh tử, ra đi tùy theo ý nguyện. Đức Thế Tôn đã thông báo 3 tháng trước khi vào Niết Bàn. Năm đó, 544 trước Tây lịch, Đức Phật vừa đến Thành Tỳ Xá Ly (Vaisali) thì có vụ động đất rung chuyển cả thành phố. Đức Phật dạy: “Này Ananda, có tám nguyên nhân làm cho đại địa chấn động: 1/ Vì đất nương trên nước, nước nương trên gió, gió nương vào không gian, nên khi gió thổi làm nước động, nước làm đất động. 2/ Khi một tu sĩ đắc thần thông hay khi một vị Trời có thần lực thực hành phép quán địa đại hay phép quán thủy đại. 3/, 4/ & 5/ Khi một vị Bồ-tát nhập thai, sinh ra, hay thành đạo. 6/ Khi Phật chuyển pháp luân. 7/ Khi Phật quyết định nhập diệt. 8/ Khi Phật nhập Đại-bát Niết-bàn. Này Ananda, Như Lai đã quyết định rồi, trong ba tháng nữa Như Lai sẽ diệt độ”. (theo Kinh Đạt Bát Niết Bàn).

Sau đó Đức Thế Tôn đi đến rừng Sa La Long Thọ tại thành Kusinagar thuộc bộ tộc Malla và vào Niết bàn ở giữa 2 cây Sa La. Đức Phật nằm xuống, đầu hướng về phương Bắc, mình nghiêng về bên phải, bàn tay phải để ngửa lót dưới mặt, tay trái để xuôi trên hông trái, chân trái nằm dài trên chân phải, hơi thở nhẹ nhàng đều đặn. Ngài để lời di chúc cuối cùng:“Này các đệ tử, vạn pháp vô thường, có sinh thì có diệt. Các con hãy tinh tấn lên để đạt tới giải thoát”. Nói rồi  Đức Thế Tôn nhập, xuất tứ thiền, bát định, và diệt độ liền ngay sau đó. Lúc ấy, đại địa rúng động, sấm sét vang rền, hoa Sa La rụng xuống như mưa. Mọi người tự nhiên thấy tâm thần chấn động, ai cũng biết là Đức Thế Tôn đã nhập Niết-bàn. Lúc bấy giờ là nửa đêm trăng tròn tháng Vesak năm 544 trước Tây lịch, nhằm ngày Rằm tháng Hai âm lịch năm Đinh Tỵ.

Từ đó về sau, hàng triệu đệ tử Phật cũng giống như Ngài, tu hành và đạt đến cảnh giới “tự tại trong sanh tử”. Sơ Tổ Đại Ca Diếp, sau mấy mươi năm kế thừa gia tài của Phật, Ngài tuyên bố vắng bóng thế gian, trao Chánh Pháp Nhãn Tạng cho Nhị Tổ A-Nan lãnh đạo, đi vào ẩn cư nhập định trong núi Kê Túc, chờ đợi Bồ Tát Di Lặc giáng sinh để trao lại y bát theo lời dặn của Đức Thế Tôn. Sau Tổ Ca Diếp là Tôn Giả A-Nan, người được xem là kỷ lục về nhớ nhanh và nhớ đúng, Ngài có thể lập lại nguyên văn một bài Pháp của Đức Phật gồm 60.000 chữ một cách dễ dàng. (Có trí nhớ tốt là nhờ 5 công đức: Không tham dục, không ác tâm, không hôn trầm, không phóng dật và không hoài nghi. Theo Kinh Tăng Chi, Anguttara Nikàya, V 193). Nhị Tổ A Nan trụ thế 120 tuổi thì quyết định vào Niết Bàn. Ngài đến thành Tỳ Xá Ly dùng thần thông bay lên hư không, dùng lửa tam muội tự động thiêu lấy thân, xá lợi rơi xuống ngay ngắn trên hai lãnh thổ đang tranh chấp là Ma Kiệt Đà và Tỳ Xá Ly, để họ nhặt về xây Bảo tháp tôn thờ!

Vị Tổ thứ 28 của Phật Giáo Ấn Độ và là Sơ Tổ Trung Hoa, Bồ Đề Đạt Ma (BodhiDharma). Ngài là truyền nhân của Tổ thứ 27, Bát Nhã Đa La (prajñādhāra) và là Sư Phụ của Nhị Tổ Huệ Khả. Cơ duyên giáo hóa ở Ấn Độ đã hết, Ngài đi thuyền qua truyền giáo ở Trung Hoa vào năm 520. Cảm hóa Vua Lương Vũ Đế không thành, nên Ngài rời Kim Lăng (kinh đô nước Lương) đến Lạc Dương, lưu trú tại chùa Thiếu Lâm ở núi Tung Sơn, quay mặt vào vách núi thiền định chín năm chờ thời cơ để ra hoằng Pháp. Ở nơi đây, Ngài đã tiếp nhận vị đệ tử đầu tiên tên là Thần Quang, đạo hiệu là Huệ Khả. Ngài trụ thế 150 tuổi, truyền tâm ấn cho đệ tử Huệ Khả và viên tịch tại Chùa chùa Định Lâm, núi Hùng Nhĩ vào ngày mùng 9 tháng 10 năm Bính Thìn (529 TL). Mấy ngày sau, ông Tống Vân đi sứ từ Ấn Độ về lại gặp Ngài tại núi Thông Lãnh, quảy một chiếc dép và đi nhanh như bay. Sau khi về Triều, Tống Vân tấu trình mọi sự lên vua, vua liền cho khai quật Bảo tháp, thì quả nhiên không thấy nhục thân của Ngài, trong Kim quan chỉ còn một chiếc dép. Nhà vua liền ra lệnh đem chiếc dép về thờ tại chùa Thiếu Lâm. Từ đó về sau, các chùa Phật giáo Bắc tông ở Trung Hoa, Việt Nam, Triều Tiên v.v… tại Tổ Đường đều có thờ tôn tượng Ngài qua hình ảnh trên vai quảy một chiếc dép như lời kệ khai thị:“Diệt nhi bất diệt, như Đạt Ma chích lý Tây quy” (Diệt nào có diệt, Đạt Ma Tôn giả, quảy dép về Tây…”.


Tich Diet Vi Lac_Trang Nha Quang Duc
Viết thư pháp: ĐĐ Thích Đăng Nghĩa 

(Kính mời xem những bức Thư Pháp khác của Đại Đức Thích Đăng Nghĩa (Nguyên Tuệ)




Câu chuyện tái sinh của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn là một thực chứng khác về giáo lý tự tại trong sinh tử. Một ngày nọ, Tứ Tổ Đạo Tín du hóa ở núi Long Phong gặp một vị Sư già có tên là Tài Tòng Đạo Giả, đang trồng cây tùng. Ngài Tài Tòng hỏi vị Tổ thứ tư rằng: “Ngài có thể cho con nghe Đạo Pháp của Như Lai chăng?” Tổ đáp: -“Tuổi của ông đã già, nghe cũng được nhưng không thể hoằng hóa kịp. Nếu có thể tái sanh thì ta sẽ chờ đợi”. Ngài Tài Tòng nghe rồi lạy tạ và xuống núi. Ngài đến huyện Huỳnh Mai, nhìn thấy một cô gái đang giặt áo ở bờ sông, Ngài đến chào và hỏi:“Nhà cô ở đâu? Cô vui lòng cho tôi nghỉ nhờ được chăng?” Cô gái đáp: “Con không thể tự quyết định, xin mời Ngài vào nhà hỏi Cha Mẹ con nhé”. Ngài lại hỏi “Nhưng riêng cô có bằng lòng hay không?” Cô gái đáp: “Dạ con bằng lòng”. Sau khi nghe cô gái hứa chịu, Ngài quay trở về núi, ngồi kiết già dưới gốc cây mà viên tịch. Cô gái kia là con út của nhà họ Châu, sau khi hứa với Ngài Tài Tòng Đạo Giả rồi, không lâu sau đó đã có thai. Sau 9 tháng 10 ngày, cô gái sinh ra một bé trai xinh xắn, nhưng vì sợ hãi, không chồng mà có con, nên cô gái thả đã con trôi theo dòng sông, nếu ai có duyên thì nhặt về nuôi. Sáng hôm sau ra thăm lại chỗ ấy, người mẹ thấy con trai ngồi xếp bằng trên lá sen, khí sắc tươi tỉnh lạ thường và mỉm cười, người mẹ vừa thấy lạ vừa xót thương nên bồng con về nuôi dưỡng. Đến bảy tuổi, đứa bé gặp lại Tứ Tổ Đạo Tín đối đáp một cách phi thường, được Tổ xin về cho xuất gia đặt tên là Hoằng Nhẫn. Hoằng Nhẫn có nghĩa là mẹ nhẫn nhục nuôi con, cũng có nghĩa Tổ Đạo Tín kiên nhẫn chờ đứa bé khôn lớn để truyền pháp. Ngài Hoằng Nhẫn về sau trở thành vị Tổ thứ năm (lược theo bản dịch của HT Thanh Từ).

Lục Tổ Huệ Năng sinh năm 638, nổi tiếng là người đắc đạo lúc chưa xuất gia, là truyền nhân của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn. Ngài vốn sanh ra trong một gia đình nghèo, cha mất sớm, lớn lên giúp mẹ bằng cách bán củi. Một hôm, trong lúc bán củi, nghe người ta tụng Kinh Kim Cang mà bỗng nhiên ngộ đạo, liền tìm đến làm đệ tử của Ngũ Tổ và được ấn chứng sau khi trình bài kệ “ Bồ Đề Bổn Vô Thọ”. Sau 15 năm ẩn tu trong nhóm thợ săn, Ngài mới ra hoằng Pháp độ sanh. Đã có hàng vạn người tìm đến với Ngài để nghe Pháp và tu tập. Vào ngày mùng 3/8/ âm lịch năm 713, Ngài cho tập chúng để nói lời từ biệt, và đến canh ba Tổ nói với chúng đệ tử “Ta đi đây, rồi liền viên tịch trong tư thế ngồi kiết già, hưởng thọ 76 tuổi. Nhục thân xá lợi của Ngài hiện nay vẫn còn và được tôn thờ tại Chùa Nam Hoa, Tào Khê ở tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc.

Đại Sư Ấn Quang, vị Tổ 13 của Tông Tịnh Độ Trung Hoa. Năm Dân Quốc thứ hai mươi chín, ngày 24 tháng 10, Ngài biết trước mình sẽ ra đi, cho triệu tập đại chúng về Chùa Linh Nham. Trong buổi hội đàm, Ngài suy cử Hòa thượng Diệu Chơn kế nhiệm Trụ trì, dặn dò các việc cần thiết, và bảo: “Pháp môn niệm Phật không có chi lạ kỳ, chỉ cần khẩn thiết chí thành, thì ai cũng được Phật tiếp dẫn”. Qua ngày mùng 4 tháng 11, Đại Sư bịnh cảm nhẹ, song vẫn tinh tấn niệm Phật. Niệm xong, bảo đem nước rửa tay, rồi đứng lên nói: "Phật A Di Đà đã đến tiếp dẫn, ta đi đây, các con phải tín nguyện niệm Phật để về Tây Phương", đoạn bước lại ghế ngồi kiết già, chấp tay trì danh hiệu Phật theo tiếng niệm Phật của đại chúng rồi an lành viên tịch. Đại Sư thọ thế 80 tuổi đời và 60 Tăng lạp.

Đại Sư Gedun Drupa là vị Đạt Lai Lạt Ma đầu tiên của Tây Tạng, sinh năm 1391, xuất gia năm 7 tuổi, học trò của Đại Sư Tsongkhapa, Ngài đã trở thành nhà dẫn đường cho dân chúng Tây Tạng tu tập. Ngài là một Tăng sĩ mẫu mực, luôn hướng đến việc thực hiện lý tưởng Bồ-tát đạo, là một tiêu chuẩn cho những Đạt Lai Lạt Ma kế tiếp noi theo. Ngài cũng nổi tiếng về sự nỗ lực để duy trì giới hạnh trong thiền môn. Đó là điểm nổi bật của phái Hoàng Mạo Gelupa. Ngài cũng nhập thất và thọ trì miên mật pháp tu Mật tông Tara và Kalachakra trong nhiều năm. Ngài đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm giá trị, bao gồm bảy tuyển tập lớn, dài cả ngàn trang, đặc biệt có nhiều bài viết về “những phương pháp trực tiếp cho sự luyện Tâm” hay phương pháp “lojong” cho sự rèn luyện tâm linh, đã trở thành một trong những di sản lớn nhất của Ngài. Dù là bậc lãnh đạo cao nhất, nhưng phong cách của Ngài luôn điềm đạm, khiêm nhường, và từ bi vô hạn. Ngài quyết định viên tịch năm 1474 ở tuổi 84. Ngài đã báo trước với các đệ tử là Ngài sắp sửa “ra đi” và nói những lời di chúc cuối cùng, nhắc nhở họ luôn ghi nhớ và tu tập theo giáo lý Phật đà. Tiếp đó, Ngài đã nhập vào mật định với kỹ thuật điều khiển phong đại và các tinh chất trong các kinh mạch, năng lượng của cơ thể, bắt đầu chuyển dạng từ một người già nua trở nên trẻ trung và phát hào quang rực rỡ. Ngài viên tịch ngay sau đó và giữ nguyên trạng thái ngồi kiết già như thế trong vòng 49 ngày. Hai năm sau, Ngài đã tái sanh trở lại qua hiện thân của Gedun Gyatso, vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 2 của xứ sở Tây Tạng.

Thiền sư Bạch Ẩn  (1685–1768) là vị có công phục hưng phái Thiền Lâm Tế tại Nhật Bản và nổi tiếng với công án "Thế nào là tiếng vỗ của một bàn tay?". Ngài là một thiên tài, không những chỉ là một vị Thiền sư mà còn là một họa sĩ, một nhà văn và là một nghệ sĩ tạc tượng xuất chúng, đặc biệt Ngài lừng danh với câu chuyện “Thế à!” trong xã hội Nhật, cho đến nay sau nhiều trăm năm vẫn được kể lại với sự kính phục về sức tu nhẫn nhục của đời Ngài. Năm 84 tổi, Ngài bệnh cảm nhẹ, cho gọi đồ chúng đến khai thị lần cuối cùng, di chúc lại cho đệ tử  là Đại Sư Toại Ông kế thừa sự nghiệp, rồi nằm nghiêng bên phải mà viên tịch trong yên bình.

Tại quê hương Việt Nam cũng có nhiều hành giả đã đạt đến trạng thái tự tại với sống và chết. Có lẽ được nhiều người biết đến và ca tụng là Bồ Tát Quảng Đức, Ngài phát nguyện tự thiêu ngày 27-5-1963 để chấm dứt tình trạng đàn áp khốc liệt của chính quyền Ngô Đình Diệm, và Ngài đã thực hiện vào ngày 11-6-1963 sau 2 tuần lễ chuẩn bị. Sau cuộc tự thiêu, Giáo Hội đã cho hỏa táng nhục thân và Ngài đã lưu lại trái tim xá lợi để làm bằng chứng sống cho lời phát nguyện của Ngài. Thật ra, Bồ Tát Quảng Đức là một hành giả thọ trì Kinh Pháp Hoa, Ngài đã thực chứng Phẩm Dược Vương Bồ Tát từ lâu, rằng Bồ Tát Dược Vương đã dùng các thứ hương hoa ngâm tẩm vào người rồi tự đốt thân mình làm ngọn đèn để cúng dường chánh Pháp. Bồ Tát Quảng Đức chắc chắn đã đạt đến Pháp Hoa Tam Muội khi còn sanh tiền, cho nên Ngài ngồi trong lửa đỏ mà giống như ngồi trong hồ sen nước mát, không có chút nóng bức và đau đớn hiện lên khuôn mặt của Ngài.

Tổ Sư Liễu Quán (1667-1742), một Cao Tăng VN, người Phú Yên, xuất gia lúc 6 tuổi, về sau ra Huế tu ở chùa Ấn Tôn (Từ Đàm, Huế) và đắc pháp với Tổ Minh Hoằng Tử Dung với công án “Vạn pháp quy nhất, nhất quy hà xứ = Vạn pháp về một, một về chỗ nào?”. Ngài là người thông minh, chí khí hơn người, về sau Ngài là Tổ khai sơn Thiền Phái Lâm Tế Liễu Quán tại VN với bài kệ pháp phái: “Thật tế đại đạo, Tánh hải thanh trừng, Tâm nguyên quảng nhuận…”. Cuối năm Nhâm Tuất (1742), Tổ cho gọi đồ chúng mà bảo: “Duyên đối với thế gian đã hết, Tôi sắp về vậy!”. Mọi người đều khóc. Tổ dạy: “Tại sao các con lại khóc? Chư Phật xuất thế còn thị hiện Niết bàn. Ta nay đến đi rõ ràng, về ắt có chỗ. Các con hãy tinh tấn tu tập đừng có buồn khóc!”. Vào tháng 11 năm Nhâm Tuất, trước khi mất vài ngày, Tổ ngồi ngay thẳng viết thi kệ thị tịch như sau:

“Thất thập dư niên thế giới trung
Không không sắc sắc diệc dung thông
Kim triêu nguyện mãn hoàn gia lý
Hà tất bôn mang vấn Tổ tông”.

Nghĩa là:

“Hơn bảy mươi năm giữa cõi đời
Không không sắc sắc thảy dung thông
Sáng nay nguyện mãn về quê cũ
Nào phải bôn ba hỏi Tổ Tông”.

 Ngày 22 tháng 11 năm Nhâm Tuất (tức ngày 18/12/1742), sau khi dùng trà và khai thị cho chúng đệ tử xong, Tổ hỏi mấy giờ? Môn đồ đáp là giờ Mùi, Tổ liền an nhiên viên tịch. Tổ trụ thế 75 tuổi, 34 năm giáo hóa, đệ tử xuất gia có 49 vị, đệ tử tại gia có đến hàng vạn người. Chúa Võ Vương - Nguyễn Phúc Khoát (1738 – 1765) kính ngưỡng đạo hạnh của Ngài mà dâng lên thụy hiệu: “Chánh Giác Viên Ngộ Hòa Thượng” để khắc vào bia tháp tưởng niệm ở chân núi Thiên Thai, làng An Cựu, cố đô Huế.

Một câu chuyện khác về sự kiện biết trước giờ chết. Hòa thượng Hải Đức trụ trì chùa Hải Đức ở Huế và cũng là người thừa kế chùa Hải Đức tại Nha Trang. Về sau Ngài cúng chùa Hải Đức Nha Trang cho Giáo Hội và mở Phật Học Viện Trung Phần, mời Hòa Thượng Trí Thủ vào làm Giám Viện. Năm ấy, Ngài trên 80 tuổi, Ngài không đau bệnh, biết mình sắp về cõi Phật, nên sáng ngày 8 tháng 4 âm lịch, Ngài bảo cô Bảy nấu ăn: “Hôm nay cô đi chợ mua hoa trái về cúng vía Phật Đản. Trưa nay Thầy sẽ về Tây Phương đó”. Cô Bảy nói: “Bạch Ôn, năm nay Giáo hội làm lễ Phật Đản vào ngày Rằm chớ không làm ngày mùng 8 nữa”. Hòa Thượng nói, “Thế à? Thôi, để đến Rằm cũng được”. Thế rồi đến ngày Rằm, cô Bảy đi chợ mua hoa trái để cúng lễ Phật Đản. Hòa thượng bảo Thầy Tri sự cho chúng Tăng quét chùa sạch, làm hương đăng, chưng hoa quả, và khi đúng Ngọ, lên hương đèn cúng vía. Hòa thượng bảo thị giả hái các bông hoa, nấu nước cho Ngài tắm, thay đồ mới và bảo khuấy một chén bột mình tinh để Ngài dùng. Đến gần trưa, Ngài hỏi Thầy Tri sự, “Đúng Ngọ chưa?” Thầy Tri sự nói, “Đã gần đúng giờ Ngọ rồi”, Hòa thượng bảo chúng Tăng “Mặc áo, lên chùa, đốt hương đèn, đánh trống Bát Nhã, Thầy sẽ đi đó”. Thầy Tri sự lên chùa đốt đèn nhang xong, đánh trống Bát Nhã, rồi xuống nhà Tổ, thấy Hòa thượng ngồi tư thế thiền định. Thầy đến đưa tay trước mũi, thì Hòa thượng đã đi rồi, Thầy liền qua chùa Từ Đàm báo cho Giáo hội biết. Giáo hội cũng vừa làm lễ Phật Đản xong, chư Thượng tọa, Đại đức, Tăng Ni liền qua chùa Hải Đức tiếp tục hộ niệm. Một giờ sau, đỡ Hòa thượng nằm xuống và lo Tang lễ. Như vậy, Hòa thượng đã biết trước giờ chết và còn có thể hẹn lại một tuần. Ngài ra đi một cách ung dung, tự tại.

HT Thích Đỗng Minh, một vị Tuyên Luật Sư của PGVN thời hiện đại, và là một tấm gương sáng chói, cả về đạo hạnh lẫn sự nghiệp hoằng dương Phật pháp. Ngài luôn thể hiện nếp sống của bậc chân tu, thiểu dục tri túc, giới đức tinh nghiêm, gắn liền đời sống của mình với sự nghiệp giáo dục đào tạo Tăng tài. Ngài chuyên về dịch thuật Luật Tạng và cho thành lập ban in ấn Pháp Tạng Phật Giáo Việt Nam, in nhiều bộ Luật quan trọng và bộ Kinh Bát Nhã 11 tập của HT Trí Nghiêm. Vào ngày 11 tháng 5 năm Ất Dậu (17. 06. 2005), cảm thấy yếu dần, từ võng Ngài bảo Thị giả đưa qua giường nằm. Đến 18 giờ 35 phút, Ngài an nhiên xả báo thân trong tư thế cát tường nằm nghiêng bên phải, tại chùa Long Sơn, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ngài trụ thế 79 năm, 59 hạ lạp.

Hòa Thượng Thích Tâm Thanh (đệ tử HT Long Trí, Sư huynh HT Như Điển) chuẩn bị cho ngày cuối cùng của mình trước cả năm. Ngài là một Giảng sư nổi tiếng trước và sau 1975. Cảm thấy pháp thể khiếm an, Ngài quyết định nhập thất tu tập. Mỗi ngày dành thời gian tụng lại toàn bộ các kinh điển Đại Thừa và Nikaya. Trong lúc trì tụng, Hòa Thượng đã rút tỉa các ý chính trong kinh điển và ghi chú từng phẩm mục, từng chi tiết và soạn thành tác phẩm “Những Đề Mục Quan Yếu Trong Kinh Điển Đại Thừa.” Tiếp đó Hòa Thượng hạ thủ công phu niệm Phật. Tiếng niệm Phật của Ngài vang vọng trong tịnh thất suốt ngày đêm. Sáng ngày 5 tháng 2 nhuận năm Giáp Thân (2004), Hòa Thượng cho gọi Thầy Nguyên Hiền,  Trụ trì Vĩnh Minh Tự Viện cũng như hàng môn đồ vào tịnh thất dặn dò và khuyến tấn tu hành. Dặn dò xong Hòa Thượng đã chắp tay niệm to danh hiệu A Di Đà Phật như một cách Yết Ma và Ngài đã an nhiên xả báo thân vào lúc 6 giờ 15 phút sáng ngày 13 tháng 2 nhuần năm Giáp Thân (2/4/2004), thọ thế 72 tuổi đời và 40 hạ lạp.

Phật Giáo VN tại Hải Ngoại trong những năm gần đây, đã mất đi nhiều vị Hòa Thượng có công xây dựng nền tảng cho PGVN tại Hải ngoại, trong đó có các vị:

HT Thích Trí Chơn, Chủ tịch Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội Hoa Kỳ, ngã bệnh năm 79 tuổi, Ngài từ chối đi bệnh viện chữa trị, đơn giản Ngài bảo rằng thọ mạng của Ngài sắp tận, không nên tốn phí vô ích, đặc biệt là Ngài muốn ra đi trước tuổi thọ của Đức Thế Tôn một năm; và Ngài yêu cầu đưa về Chùa Bát Nhã để tịnh dưỡng. Trước vài phút xả báo thân, Ngài vẫn còn tỉnh giác, sáng suốt, minh mẫn, và tinh tấn lạ thường, nhớ và biết rõ mọi người, mọi chuyện từ nhỏ đến lớn. Ngài đã an nhiên xả bỏ báo thân vào lúc 06 giờ chiều ngày 14 tháng 3 năm 2011, (nhằm ngày mùng 10 tháng 2 năm Tân Mão) trong tiếng niệm Phật trang nghiêm của Tăng, Ni Chùa Bát Nhã và môn đồ pháp quyến.

HT Nhu Hue 3

Ôn Như Huệ & tác giả

 

HT Thích Minh Tâm là một trong những vị tạo dựng và lãnh đạo PGVN tại Âu Châu. Trong Khóa Học Phật Pháp Âu Châu kỳ thứ 25 tổ chức tại thành phố Turku, Phần Lan, Ngài ngã bệnh, nhưng vẫn cộng trú cùng chư Tăng và lo lắng cho các học viên an tâm tu học cho đến kết thúc khóa học. Sau lễ bế giảng, Ngài đã an nhiên xả bỏ báo thân thị tịch vào lúc 9:29 phút (giờ Pháp) ngày 8 tháng 8 năm 2013, nhằm ngày mùng hai tháng 7 năm Quý Tỵ. Thế thọ 75 tuổi, Tăng Lạp 62 năm và 46 hạ lạp.

 

HT Thích Tâm Châu, tháng 7 năm 2015, tuy thân tứ đại không được khỏe nhưng Ngài vẫn tổ chức khóa nghiên tu theo chương trình đã hoạch định tại Tu viện Viên Quang, Hoa Kỳ. Khi khóa nghiên tu kết thúc, nhận thấy sức khỏe yếu nhiều, Ngài liền trở về Tổ đình Từ Quang, Canada. Về tới nơi, biết hóa duyên sắp mãn, Ngài cho gọi tất cả đệ tử trở về Tổ đình và ân cần dặn dò, dạy bảo. Sau đó, các đệ tử luân phiên niệm Phật trợ niệm bên Ngài. Khi chuông đồng hồ điểm 10 giờ 15 phút ngày 20 tháng 08 năm 2015, tức ngày 07 tháng 07 năm Ất Mùi, Ngài xả bỏ báo thân tại Phương trượng Tổ đình Từ Quang trong tiếng niệm Phật của môn đồ tứ chúng, hưởng thọ 95 tuổi, Tăng lạp 74 năm.

 

Đối với HT Thích Như Huệ, Ngài xuất gia từ thuở thiếu thời, từng được tôn xưng là “Quảng Nam Tứ Trụ” và là bậc lãnh đạo của PGVN tại Úc Châu trong 30 năm qua, Ngài đã chuẩn bị cho chuyến đi cuối cùng của mình 3 tháng trước khi viên tịch. Ôn ngã bệnh ngày 15-3-2016, từ đó Ôn buông xuống hết tất cả mọi thứ để hạ thủ công phu cho đến ngày viên tịch. Ôn ra đi thanh thản giữa tiếng niệm Phật của đại chúng vào lúc 9.25 tối ngày thứ Năm, 23/06/2016 (nhằm ngày 19/5/Bính Thân) tại Tổ Đình Pháp Hoa Nam Úc, thế thọ 83 tuổi, 60 hạ lạp.

 

Theo lời dạy của Đức Đạt Lai Lạt Ma rằng: “Phần lớn trong chúng ta ai cũng muốn có một cái chết an ổn, nhưng chúng ta không thể hy vọng có được một cái chết thanh bình nếu đời sống của chúng ta tràn ngập bạo hành, tâm ta đầy dẫy những cảm xúc mạnh như giận dữ, ái luyến và sợ hãi. Bởi thế, nếu ta muốn chết tốt, ta phải học cách sống tốt. Nếu ta mong có được một cái chết an lành, thì ta phải đào luyện sự bình an trong tâm ta, và ngay trong lối sống hàng ngày của ta”.  Qua lời dạy này ta thấy rõ rằng nếu người nào biết sống tỉnh thức thì sẽ chết tỉnh thức, và một khi đã tỉnh thức thì họ có thể chuyển thần thức, tránh được sự lôi kéo của nghiệp và thoát khỏi sinh tử luân hồi.  HT Thích Như Điển, Phương Trượng Chùa Viên Giác Hannover Đức Quốc cũng nói: “Biết trước giờ chết, chỉ có 4 chữ thôi, nhưng người ta phải chiến đấu với tự thân và phải hành trì miên mật hết cả cuộc đời của mình để có được nó”.

 

Cuối cùng lời nhắc nhở cho mỗi hành giả, hãy dọn đường cho ngày cuối của mình, muốn có được trạng thái an bình, tự tại, thậm chí có thể đùa giỡn với tử thần như các bậc Thầy được kể trong bài viết này, ngay từ bây giờ phải hạ thủ công phu ngang qua 2 phạm trù: Ngăn chận và trau dồi. Ngăn chận phiền não và trau dồi đức hạnh. Ngăn chận là cắt đứt mọi gốc rễ của luân hồi sinh tử; trau dồi đức hạnh là tu tập ba Vô Lậu Học (giới định tuệ), Thiền định và Niệm Phật. Đó là mục đích tối hậu của mọi đệ tử Phật để vượt thoát vòng sinh tử luần hồi, để đạt đến trạng thái “ Tịch Diệt Vi Lạc”.

 

Nam Mô A Di Đà Phật
Melbourne Mùa An Cư PL 2561 - Đinh Dậu  - 2017
Tỳ kheo Thích Nguyên Tạng

biachanhphap68


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]