Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tường thuật về Khóa Tu Bắc Mỹ kỳ 6

28/07/201606:00(Xem: 6749)
Tường thuật về Khóa Tu Bắc Mỹ kỳ 6

 

PHÁP ÂM CÒN MÃI

CỦA KHÓA TU BẮC MỸ LẦN THỨ VI, 2016

(Thích Nữ Giới Hương)


Chiều mùa hè ngày 21, tháng 7, năm 2016, tại Khách Sạn Hilton Orange County (3050 Bristol Street, Costa Mesa, CA 92626) thuộc thành phố Costa Mesa, Nam California, rộn rịp nhiều sắc y huỳnh vàng và áo nâu lam của quý Phật tử đồng hương từ khắp nơi về tham dự khóa tu 3 ngày 21-24/7/2016 dưới sự hướng dẫn Phật pháp và thực hành thiền tịnh của các giảng sư uyên thâm Phật pháp của đất nước Hoa Kỳ và Canada. Được biết đây là khóa tu lần thứ VI do Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ - Canada tổ chức và Ni sư Giới Châu cùng Ni sư Nguyên Thiện được tăng sai đứng ra đãm trách. Đây là lần đầu tiên giới ni đứng ra gánh vác Phật sự lớn lao cùng với tăng già hải ngoại.

Ni Su Gioi Chau (1)

(Ảnh: Võ Văn tường)



Ni sư Giới Châu, Trụ trì Chùa Quang Minh, tại Northglenn, Colorado, đã tốt nghiệp Cử nhân Phật học ở Trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam, Sài gòn; Cử nhân Tâm lý học của Trường Đại Học Denver; Thạc Sĩ Tôn Giáo Học tại trường Đại học Harvard, Boston, Massachussets; Thạc sĩ Tâm lý Xã hội học (Clinical Social Work) của trường Boston College, Massachussets và bằng cấp Y tá (Licensed Practical Nurse) tại Denver, Colorado. Ni sư dáng người nhỏ nhắn, hiền dịu, lời nói từ hòa, thường đi thuyết giảng và là một trong những ni trẻ trí thức tiên phong dấn thân vào các Phật sự để giữ gìn mạng mạch Phật pháp tại Hoa kỳ.

Ni sư Nguyên Thiện, trụ trì Chùa An Lạc (Indiana), Chùa Lam Viên (Pearland, TX), và Chùa Huyền Không (San Jose, CA). Ni Sư tốt nghiệp Cử nhân Báo Chí tại trường Đại Học Khoa Học Xã Hội Nhân Văn, Việt nam, Chương trình Phật học tại ni viện Thiện Hòa (Đại Tùng Lâm) và tham dự lớp phiên dịch Hán Tạng 3 năm của Cố Hòa Thượng Tịnh Hạnh tại Chùa Quảng Hương Già Lam, Sài gòn. Ni sư và chúng ni của ba chùa rất trẻ trung, tài năng và đầy nhiệt huyết phụng sự Tam Bảo.  Cả ba chùa đều có chương trình tu học sinh hoạt nhộn nhịp với mọi lứa tuổi, chẳng những cho cộng đồng Việt-Mỹ mà cả người Mỹ địa phương. Đây cũng là những chùa ni tiêu biểu cho giới ni trong việc hòa nhập với Văn hóa Phật giáo Việt-Mỹ.

Ni Su Gioi Chau (2)
(Ni sư Giới Châu và Ni sư Nguyên Thiện)

(Ảnh: Võ Văn tường)

Chương trình tu học ba ngày tại Khóa tu Bắc Mỹ lần thứ VI rất sôi nổi với nhiều pháp âm hướng dẫn tu tập và khai mở tuệ giác.

Hòa Thượng Nguyên Siêu, trụ trì chùa Phật Đà và Pháp Vương (San Deigo và Escondido, CA) khuyến nhũ rằng chúng ta đang đi trên con đường lịch sử Phật giáo của trên 3000 năm, với sự giác ngộ và hạnh nguyện của Đức Phật Thích Ca, các thánh đệ tử và chư vị lịch đại tổ sư. Khóa tu học ba ngày là khóa tu “truyền diệm tục đăng”, để nối tiếp đèn Phật pháp nở rạng khắp nơi.

Hòa thượng Thông Hải, trụ trì Thiền Viện Chân Không (Hawaii) và Tu Viên An Lạc (Ventura, CA) khuyến tấn rằng chúng ta ở xứ Mỹ, mỗi người mỗi nơi, chùa chiền, thầy tổ, bạn đồng đạo xa xôi. Nay quý vị nhín ít thời gian về đây để nhìn thấy hình bóng thương yêu của quý thầy cô và các thiện hữu tri thức kính quý để chia sẻ tinh thần giáo pháp, để thấy rằng đời mình là hạnh phúc và cố gắng để tâm tu học, gặt hái những gì cho tự tâm, làm hành trang giải thoát.

Hòa thượng Tín Nghĩa, Trụ trì Tổ Đình Từ Đàm Hải Ngoại (Dallax, TX) chia sẻ rằng: Giáo Hội Hoa Kỳ và Canada khổ công suốt 6 năm trời để mỗi năm tổ chức khóa tu. Phật tử từ các nơi cũng đáp lời mời, đến đây tu học, đưa chánh pháp vào đời. Có vị tham dự suốt trọn 6 khóa, có vị mới 2, 3 khóa hay là lần đầu tiên tham dự mà thôi. Chư tôn đức tăng ni rất nhiều Phật sự, nhất là các chùa “nhất tăng nhất tự” (một thầy một chùa), nhưng cũng về đây làm đèn sàng cho quý Phật tử, nên có ngài ở trọn 4 ngày hay chỉ 1, 2 ngày, nhưng tất cả đồng khuyến tấn ca ngợi tinh tần học hỏi và truyền bá chánh pháp. Giáo hội thao thức trao Phật pháp cho Phật tử tại hải ngoại để về bến giác trong một ngày rất gần. 5 khóa vừa rồi là do chư tăng tổ chức. Khóa 6 này là do Ni sư Giới Châu và Ni sư Nguyện Thiện đứng ra. Mong các chư ni còn lại cũng theo bước nhị vị ni sư này.

Hòa thượng Bổn Đạt, trụ trì Chùa Phổ Đà (Canada): Chúng ta có mặt tại khóa tu Bắc Mỹ lần thứ VI này là một hạnh duyên, một thắng duyên, trong khi xung quanh đang chìm trong chiến tranh tàn sát hỗn loạn. Vậy chúng ta có phước báo gì? Chúng ta đã tích tập phước báu chẳng những trong một kiếp này mà nhiều kiếp khác, mới có thắng duyên tụ hội về đây cùng an vui tu tập.

Mỗi chúng ta không phải có một thân mà thật ra có rất nhiều thân. Chúng ta đang mượn đất nước gió lửa làm thân thì có ngày phải trả lại cho đất nước gió lửa. Nhưng chúng ta có một thân thật, đó là pháp thân. Pháp danh mà mỗi Phật tử đang có là nhắc chúng ta nhớ về các hạnh đức của pháp thân, để tu tập trở về với pháp thân đó. Chúng ta bươn chải trong cuộc sống, rồi có một ngày, thân đất nước gió lửa sẽ trả về lại cho vô thường, còn pháp thân thì vẫn còn nghèo thiếu, chưa hiển bày chơn như diệu dụng. Mỗi khóa học, các giảng sư nhắc cho chúng ta nhớ lại pháp thân của mình, đem pháp thân mà phụng sự muôn loài các cõi. Xác thân đất nước gió lửa này là đá nặng, chúng ta đã và sẽ mang đi trong nhiều kiếp sanh tử luân hồi. Pháp thân là ngọc ngà trong chéo áo của chúng ta. Hãy bỏ đá mà lấy ngọc. Hãy suy tư điều này và làm hiển bày diệu dụng ngọc pháp thân này trong khóa tu học hôm nay.

Hòa Thượng Minh Dung,  trụ trì chùa Quang Thiện và Tu Viện Sơn Tùng (Ontario và Pheland, CA) chia sẻ về đề tài 30 năm sống và làm việc ở Hoa Kỳ cũng như một số vấn đề văn hóa giữa Đông và Tây. Văn hóa Việt Nam rất gần gũi với dân quê, rất thân thiết bình dị. Đến Mỹ, dưới ánh mắt của người Mỹ, các bậc xuất gia là các vị lãnh đạo tinh thần của tôn giáo, phải tuân thủ pháp luật, bởi lẽ văn hóa Mỹ: “Nói là phải làm.” Một tiến sĩ Phật giáo dạy đại học, đi nhiều nước Á Châu đề nghị rằng: “Các vị lãnh đạo Phật giáo nên thực hành đúng như lời mình đã giảng.”

So sánh Thiên Chúa Giáo và Phật giáo: Thiên chúa giáo có giáo luật của Giáo Hội, còn Phật giáo dựa vào quần chúng Phật tử. Họ là những người đóng thuế “volunteer”, để nuôi “giáo luật” sống của chúng ta. Thiên Chúa giáo có những cách thức để giữ sự kính trọng và khiến các con chiên vâng lời các cha, mục sư. Phật giáo thì tất cả đều từ sự tự nguyện và tùy tâm.

Trong một ngôi làng, vị thầy trụ trì thường là những người lãnh đạo dân làng, lo cho dân làng về nhiều việc trong đời sống hàng ngày như coi ngày, quan hôn, tang tế, vv. Ở Mỹ, cũng thế, mỗi ngôi chùa phải là một nơi cố vấn tinh thần cho Phật tử, để an ủi, giải quyết và giúp đỡ nhiều vấn đề tâm linh, xã hội và gia đình, nhất là trong bối cảnh phức tạp giao thoa giữa hai nền văn hóa Việt-Mỹ.

Hòa Thượng Thái Siêu, trụ trì Niệm Phật Đường Fremont (CA) chia sẻ có hai niềm hãnh điện về Phật giáo rằng:

1)             Hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 54 đã đồng ý lấy ngày Vesak (Ngày Phật Đản) là ngày lễ toàn quốc.

2)             Đạo Phật lấy 5 giới cấm làm nền tảng. Đây cũng là nền tảng của đạo đức căn bản của các xã hội.

Hòa thượng cũng giảng và so sánh về ăn chay và phóng sanh. Phóng sanh thả chim, cá ra, rồi lại bắt con khác ăn, cũng vô đó (thành ra phóng sanh trở nên vô nghĩa); nên ăn chay vẫn là có phước hơn người ăn mặn (thường hay phóng sanh). Phật tử nào muốn thọ bồ tát giới mà ở nơi không có giới sư truyền giới, thì vị ấy có thể tha thiết đứng trước Tam bảo phát nguyện thọ giới, nhận giới, vì Bồ tát giới là tâm địa giới.

Thượng Tọa Thiện Thái,  Chùa Tịnh Luật (Houston, TX) chia sẻ về Gia tài của bậc thánh, trong đó thầy nhấn mạnh vể “khai thị ngộ nhập Phật tri kiến” mà kinh Pháp Hoa đã đề cập. Tri kiến thật của Như Lai là Phật tánh, không bị lửa cướp mất hay nước dìm chìm. Lúc nào gia tài Phật tánh ấy vẫn ở nơi mình. Như có người bạn giàu giấu viên ngọc trong chéo áo người bạn nghèo mà người bạn nghèo không biết mình có ngọc và cứ mãi bần cùng đi ăn xin. Cũng như vậy, mỗi chúng ta có gia tài thánh nhân trong thân tâm mà không tự biết. Già tài ấy chính là pháp thân, Phật tánh nơi mỗi chúng ta.

Thượng Tọa Đức Trí, trụ trì Chùa Tam Bảo (Oklahoma):  Trong quá trình hình thành và phát triển Phật giáo, Phật tử Việt Nam tiếp nhận ba truyền thống tu tập chính yếu, đó là Thiền, Tịnh và Mật; nếu vận dụng tu tập đúng pháp thì có khả năng giải hóa mọi phiền não và được giải thoát. Ba pháp môn này là tư tưởng chủ đạo làm nên Phật giáo Việt Nam trong quá khứ cho đến hiện tại…  Điều chúng ta lưu ý, các pháp môn tu đều là phương tiện, nhưng phương tiện nào mà chúng ta tu tập thích hợp, có sự an lạc, giải thoát thì nên áp dụng.

Thượng Tọa Tâm Hòa chia sẻ về vấn đề không có sự xung đột giữa Tiểu thừa, Trung thừa, Đại thừa và Kim Cang thừa. Trong giáo lý của Đức Phật, Đức Phật nói pháp không có mâu thuẫn, phân biệt, như trận mưa rơi xuống bình đẳng đều khắp nhưng tùy theo khả năng của cây mà lượng hút nước có khác, như cây nhỏ thì hút ít nước, cây lớn hút nhiều nước hoặc cây không có gốc thì không thấm nước được.  Cũng thế, pháp của Đức Phật chia ra có: Đại, trung, tiểu và Kim cang thừa. Tùy theo khả năng tiếp nhận; như điện có 1000 watt, 100 watt hay 100 volt. Khả năng mình chỉ có 100 volt mà lại sử dụng điện 100 watt thì đứt bóng liền. Tùy theo khả năng, trình độ, căn cơ của chúng mà mà tiếp nhận, chứ pháp của Đức Phật không có xung đột, không có cái gì phản sư, phản thầy, khi chúng ta đi theo pháp môn khác. Phật tử là Phật tử của mười phương, tuyệt đối tự do, nhưng chúng ta khéo léo lạy Thầy để xin cho qua học pháp môn khác vì thích hợp dễ tu với con. Nếu chúng ta có niềm tin thì chúng ta sẽ hấp thụ được các pháp của Đức Phật. Thật ra, thiền, tịnh, mật, Kim cang đều tương ưng với nhau vì cùng đưa đến một mục đích.

Thượng Tọa cũng chia sẻ về lý tin sâu nhân quả. Nếu chúng ta tin nhân quả một cách sâu sắc, có nghĩa là không bị mê muội trong nhân quả: “An trú như vậy, có mặt như vậy và ra đi như vậy.”

Nhân là gieo. Quả là kết quả. Nhân là những điều chúng ta làm. Tư duy là nhân. Chủ động là nhân. Có những chuyện đến ngoài ý muốn của mình, đây là quả. Ví dụ: có ai muốn bị quịt nợ đâu? Có ai muốn bị bịnh ung thư đâu? Đây là quả. Khi chúng ta bị gạt lấy hết gia sản thì đạo Phật không khuyến khích đi tìm luật sư để thưa kiện. Nếu chúng ta chiêm nghiệm thì những người quịt nợ ấy chính là những người thân, người thương của mình (kiếp này và nhiều kiếp khác). Luật sư kiện cáo thì có thể sẽ lấy lại được của. Nhưng học Phật, chúng ta biết nhân quả, tin sâu nhân quả, biết đây chính là quả xấu của mình đã đến, thì không cần tìm luật sư kiện. Cũng như tin sâu nhân quả thì không cần coi ngày tốt xấu.

Thượng Tọa Tâm Thành chia sẻ thiền đơn giản chỉ là một nghệ thuật sống tỉnh giác liên tục. Vạn pháp trong vũ trụ có liên quan với nhau. Cổ nhân nói: “Khôn cũng chết, dại cũng chết, chỉ có biết mới sống”. Nhiệm vụ của chư Phật thị hiện ta bà như trong kinh Pháp Hoa nói: thấy biết tỉnh giác như thật, tức biết tánh Phật này. Tỉnh giác biết uống nước đúng thời.  Uống nước vừa phải thì giúp mình. Uống nhiều thì hại. Uống sai thời gian cũng hại. Sáng cần uống thì không uống, để cả ngày hao năng lượng. Chiều là âm mà uống nước nhiều thì không tốt.

Tỉnh giác biết là mình đang đi kinh hành: từng bước chân đi giữa ban ngày với ánh sáng đầy đủ. Còn vừa đi vừa nói chuyện bận rộn với điện thoại di động thì ánh sáng bên ngoài đầy đủ, nhưng ánh sáng bên trong chưa đầy đủ. Đặt một bước chân là cảm nhận được cái gì đó. Vừa chạm chân là tỉnh liền – tùy theo tuệ giác và khả năng ứng đối. Đừng có dại đột đặt bước chân trong thất niệm thì lúc đó Bồ Tát Quan Thế Âm, Dược Sư, Thích Ca, ai là người bảo vệ cho chúng ta? Cho nên phải chánh niệm. Phật tánh tự bảo vệ nhắc nhỡ mình, như hoa lan để trong phòng thì tự nhiên sẽ vươn ra cửa sổ để tìm ánh nắng và hơi thở. Đây là nhậm vận diệu dụng tự nhiên của tánh biết. Thiền giúp ta khám phá tánh biết như nó hiện đang là, như đúng với bản chất thật của nó.

Đại Đức Quảng Định, Phật Học Viện Quốc Tế (North Hills, CA), đã từng học ở các trường thiền nổi tiếng ở Miến Điện, đã chia sẻ với học viên về thiền Vipassana như sau: Vipassana nghĩa là minh sát tuệ, thấy sự việc đúng như thật. Quý Phật tử thực tập quán sổ tức, tác ý nơi hơi thở vào ra ở lỗ mũi. Hễ chúng ta thất niệm, tán loạn, thì sẽ không thấy có hơi thở. Nếu thấy hơn thở ra vào là có định. Hít vào thở ra đếm từ 1-10. Ngài Budhagosha dạy cách đếm này, chứ Đức Phật chỉ kêu chúng ta xem hơi thở dài hay ngắn, để đỡ mệt.

Bước đầu thì đếm, sau đó được tạm định tâm rồi thì bước qua giai đoạn 2 là quán thấy hơi thở dài hay ngắn. Chánh niệm liên tục, không bỏ xót suốt chặng đường từ khi hơi thở mới vào và hơi thở đi ra. Tập ít nhất là một tiếng đồng hồ. Quán theo dõi thấy hơi thở an lành, không gấp rút, không nặng nề… Tùy theo sự tinh tấn của chúng ta mà có kết quả. Thực tập rất là vi tế (delicate). Chúng ta có ý cho an tịnh, chứ không đè nén bắt nó an tịnh (Please do not use a force. Let it is comfortable).

Khi chúng ta làm việc hay tụng kinh thì không để ý biết mình đang thở, nhưng khi ngồi thiền chánh niệm thì thấy biết có hơi thở ra vào. Tập một thời gian mới biết mình có chánh niệm hay thất niệm (something interferes). Ngồi thiền ít nhất cũng 1 tiếng. Tê chân cũng quyết chí ngồi, mạnh mẽ cứ để cho nó tê. Tu có nhiều trình độ: tu văn nghệ, tu rục, tu giác ngộ và tu an lạc giải thoát. Nếu tu thật thì đau chân vẩn cứ để cho đau, có chết đâu mà sợ, xả thiền thì cái đau biến mất, đâu có làm cho mình chết đâu và không có ảnh hưởng gì. Nên Phật tử phát tâm ngồi thiền lâu thêm một tí. Ngồi tụng kinh 1 tiếng đồng hồ, không thấy đau chân hay đau lưng, vì tụng nên không biết, nhưng ngồi thiền mới một chút là biết đau lưng hay đau chân liền. Vì ngồi thiền là ngồi chiếu soi, nên cái gì hiện ra là biết liền. Khi tê chân, cứ mặc kệ cho nó tê, chứ đừng buông ra, là thất bại.

Ni sư Giới Châu, trụ trì chùa Quang Minh (Northglenn, CO) trong một buổi sáng đã chia sẻ câu chuyện rằng có 1 người cha và hai con trai đều là bác sĩ.  Họ muốn biết có thế giới bên kia không?  Người cha hứa, khi cha chết cha sẽ về báo cho hai con biết.  Sau khi cha mất hai năm, hai người con trông chờ hoài không thấy cha về báo tin.  Một hôm các bạn đồng nghiệp chơi cơ, ông bố ứng về và nói:  Thực sự có thế giới bên kia.  Cha rất vui cha không làm điều xấu khi còn sống trên trần gian.  Một điều làm cha rất hối hận là có những việc tốt cha cần phải làm, mà cha đã không hoặc chưa làm.  Do đó, muốn tránh sự hối hận sau khi mạng chung, chúng ta cần làm nhiều điều tốt đẹp, lợi lạc cho nhiều người mà chúng ta có thể làm hôm nay. 

Do thấm thía lời dạy của các vị bác sĩ này, nên bây giờ những việc tốt gì chúng ta dự định làm thì nên làm liền ngay, như dự định tu học khóa Bắc Mỹ lần thứ 7 thì lấy ngày nghỉ và đăng ký liền (vỗ tay). Và một ý nữa quý Phật tử tu học giáo pháp, nghe nhiều và học nhiều quá, dễ bị rối. Nên chọn một pháp môn và đi cho đến nơi đến chốn.

Ni Sư Giới Huệ, trụ trì chùa Từ Bi (WI) giảng về Tứ Vô Lượng Tâm (Từ, Bi, Hỉ, Xả). Bốn đức tính này là phẩm hạnh của các bồ tát và chư Phật. Từ là tình thương ban vui. Bi là cứu khổ. Hỉ là hoan hỉ tất cả việc thiện lành của mình và người. Xả là buông xả, không chấp trước. Tất cả chúng ta ai cũng có sẵn bốn đức vô lượng này như chư Phật, nhưng vì chúng ta quên mà không hiển bày thôi. Hôm nay tu học để thực hành và trở về với phẩm hạnh đó.

Đức Phật đã dạy rằng ai an trú trong căn nhà từ bi hỉ xả thì thân tâm sẽ được bảo vệ an toàn trước mọi kẻ thù phiền não và sân hận. Nơi đó chúng ta sẽ có sự an lạc và hạnh phúc.  Từ bi phải có trí tuệ. Cái khổ của con lạc đà kéo xe, chưa phải gọi là khổ, mà cái khổ do vô minh, không có Tứ Vô Lượng Tâm, không biết lẽ thật, mới gọi là khổ.

Ni sư Liên Diệp, trụ trì Chùa Kim Cang (Ihio) chia sẻ về Tứ Nhiếp Pháp: Bố thí nhiếp, Ái ngữ nhiếp, Lợi Hành nhiếp và Đồng sự nhiếp. Đây là bốn pháp cảm hóa người khác một cách hữu hiệu, là những hạnh tu của những người có tâm Bồ tát, muốn hiến dâng cuộc đời mình với lý tưởng “Thượng cầu Phật Đạo, hạ hóa chúng sanh” (trên cầu thành Phật, dưới giúp chúng sanh). Bố thí là mới phát khởi Bồ đề, an trụ căn bổn chủng tử Bồ Đề. Ái ngữ là tu tập thực hành Bồ Đề, nuôi lớn mầm, thân, cành, lá Bồ đề. Lợi Hành là không thối thất Bồ đề, là từ từ triển khai ra hoa Bồ đề. Đồng lợi là Nhất Sanh Bổ Xứ, tự có khả năng thành tựu đạo quả Bồ đề. Bốn pháp này sẽ giúp “Như Lai sứ giả” hoàn thành mỹ mãn sứ mạng độ sanh của mình.

Ni sư Thuten Chodron giảng cách thức làm chủ tâm sân hận. Khi phát sanh tâm niệm sân hận, chúng ta nên quán chiếu tùy trường hợp hoàn cảnh và nhân duyên, rồi theo đó mà phản ứng và giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, cũng tùy thuộc vào công phu tu tập và thói quen hàng ngày của chúng ta. Vi dụ, khi gặp việc không như ý muốn, dù không tức giận đùng đùng, nhưng phản xạ tự nhiên chúng ta cũng dễ đỏ bừng mặt và tay chân khó chịu. Nếu như vậy, nên tập trung tâm vào một việc làm khác, không nên phản kháng mạnh mẽ, quyết liệt, khiến cho hoàn cảnh căng thẳng, dễ tăng thêm sân hận, như đổ xăng vào lửa. Tốt nhất là bỏ qua việc không vui này, để tránh nhận lấy quả báo xấu trong tương lai và tránh sự đáng tiếc xảy ra, vì Đức Phật đã dạy: “Quyết định hay phản ứng việc gì trong trạng thái tâm sân giận thì dễ đi đến sai lầm.” Thế nên, quý Phật tử phải nhạy bén trong mỗi trường hợp.

Sư cô Thanh Trang,  Chùa An Lạc (Indiana) là một vị ni trẻ tuổi, nói tiếng Anh rất lưu loát, nên thường phụ trách hướng dẫn và sinh hoạt với các em thiếu nhi. Sư cô tập cho các em hát với giai điệu rất vui tươi và trẻ trung:

"Dear Friends, Dear Friends,

Let me tell you how I feel?

You have given me such treasures. I love you so."

(Này bạn thân thương, để tôi sẽ nói cho bạn nghe cảm xúc của tôi. Bạn đã cho tôi những gia tài tình thương quý quá. Tôi yêu bạn vô cùng).

Sư cô còn tập cho các em đánh chuông, mõ, khánh, hòa theo nhịp bài hát về Quan Thế Âm:  “Namo Valo kites vara haya” trầm bổng du dương lên xuống, cũng như sư cô còn tập cho em cách nhớ tên các người bạn trong hội của mình bằng những trò chơi vui nhộn vang đầy tiếng cười trẻ thơ.

Mục sư David Scott được ban tổ chức mời lên phát biểu cảm tưởng. David Scott, chủ tịch của dòng Thiên Chúa Thomas Amerson, nói rằng ông sống ở thành phố South Ben và là Phật tử chùa An Lạc, Indiana. Khi còn thanh niên, David thường xem video về Đức Đạt Lai Lạt Ma và thường đến chùa An Lạc sinh hoạt. Sư phụ Nguyên Thiện đã giúp ông hiểu về lòng từ bi (Big Heart). Sư phụ nhận David - một người Châu phi da đen to cao và một Mục sư Thiên Chúa giáo để làm đệ tử. Chùa An Lạc có nhiều người trẻ tuổi của các tôn giáo khác đến học đạo từ bi. Sư phụ là người bạn tâm linh của ông và của nhiều người.

Mục sư David là một người có thẩm quyền trong một số nhà thờ Thiên Chúa giáo. Ông hứa sẽ giới thiệu Ni sư Nguyên Thiện đến với cộng đồng Thiên Chúa Giáo của ông để giảng pháp và giao lưu văn hóa. Mục sư cũng nhấn mạnh truyền thống tổ tiên ông bà Việt Nam rất quan trọng mà cộng đồng Việt-Mỹ đã giữ được tại Hoa Kỳ này. Cộng động Việt Nam và Châu Phi là những nhóm dân tộc thiểu số (Minority) ở Mỹ. Giống như Châu Phi, ông rất vui khi thấy người Việt giữ được truyền thông văn hóa Việt Nam tại xứ sở Hoa Kỳ này.



Ni Su Gioi Chau (3)
(Hình Ni sư Giới Châu, Ni sư Nguyên Thiện, Mục sư David Scott
và thông dịch viên tiếng Anh: sư cô Thiện Ngọc)

                                 (Ảnh: Võ Văn tường)



MC Thích Hạnh Tuệ chia sẻ thêm rằng theo tinh thần của đạo Phật Việt Nam truyền thống, người tu sĩ thường khép mình trong chốn tu viện, không cho đọc kinh điển ngoại đạo và ít tiếp xúc bên ngoài. Đây là một hạn chế. Chúng ta đang sống giữa đất nước Hoa Kỳ - United States, một xã hội đa văn hóa, đa chủng tộc cần có sự giao thoa lẫn nhau giữa liên tôn giáo như những gì mục sư David vừa nói. Ni sư Nguyên Thiện đã kết nối được việc này. Giáo lý Phật đà cần thấm vào dòng chảy của nền văn hóa Phương Tây. Cần tinh thần dấn thân ra bên ngoài xã hội, học hỏi bên ngoài và kết nối bên ngoài của người tăng sĩ…

Tóm lại, còn nhiều những pháp âm, lời khai thị và cảm tưởng đầy ý nghĩa khác của chư tôn đức giảng sư đã giúp cho các học viên hiểu biết thêm về liên tôn giáo, về văn hóa Việt-Mỹ, về tu học Phật pháp làm sao để có đời sống hạnh phúc và an lạc. Tất cả đều mong cho khóa tu Bắc Mỹ lần thứ 7 được tổ chức sớm để tất cả được kết nối tình đạo trên con đường giải thoát. Khóa tu học được thành tựu tốt đẹp. Đó là nhờ ân Tam bảo gia hộ, đặc biệt nhờ sự cúng dường thực phẩm, bông, hoa trái, nước đèn, tịnh tài của các chùa như Chùa Phật Tổ, Chùa Bát Nhã, Chùa Liên Hoa, Chùa Trí Phước,  Chùa Huệ Quang, Tổ Đình Minh Quang, Chùa Đại Bi, Hòa Thượng Thông Hải, Thượng Tọa Tâm Thành, sư cô Ngọc Liên …; các Phật tử Chân Hải Ngọc tổ chức tiệc chay ở Colorado; các Phật tử Mỹ Kha, Mỹ Hạnh, Diệu Tín mở tiệc chay ở Houston, TX; Dr. Huỳnh Tấn Lê, ký giả Võ Văn Tường, BS Nguyễn Hữu Tuân và Diệu Thủy, nhóm Thiền Ca Tuệ Đăng… và rất nhiều các ân nhân và phật tử có tâm đạo mà danh sách kể hoài không hết. Công đức tán thán hoài cũng chưa đủ. Xin tất cả hoan hỉ và nhận nơi đây lòng tri ân vô cùng của Ban Tổ chức.   

Tuệ giác cần thắp sáng liên tục. Khóa Tu Học Bắc Mỹ lần thứ VI nằm 2016 kết thúc thì chuẩn bị cho Khóa VII. Một lần nữa, với lòng bi nguyện đại lao, Ni sư Nguyên Thiện cùng tất cả Ni chúng của ba chùa: An Lạc, Huyền Không và Lam Viên xin đăng cai và gánh vác tiếp trọng trách cho năm 2017. Hãy nghe lời bộc bạch chân tình của Ni sư:

Chúng con thành tâm tri ân Hòa thượng Chơn Thành, HT Phước Thuận, HT Thiện Long… đã ban bố cho những lời chỉ dạy trong lúc bế tắc. Trên có chư tôn đức, bên cạnh có các huynh đệ và quý ni sư, sư cô trẻ, các hàng Phật tử đã sát cánh đồng hành trong Phật sự. Chúng con thấy ấm áp và xúc động vô cùng vì nhờ những tấm lòng đó mà Ban tổ chức được thành tựu.

Về với khóa tu là tìm một hướng đi loại bỏ tham sân si, áp dụng chánh pháp trong cuộc đời sanh tử bể dâu này. Về với khóa tu như về với tổ tiên thầy tổ, đàm đạo với các Phật tử. Cám ơn các đài truyền thông báo chí, các Phật tử ở Hoa Kỳ-Canada đã nhất tâm cầu nguyện và ủng hộ.

Chúng con vẫn còn nhiều khiếm khuyết. Chúng con nguyện lấy những khiếm khuyết hôm nay làm bài học cho tương lai. Xin quý ngài và quý Phật tử đồng tâm tha thứ.

Thật sự trong một năm qua, chúng con trông từng ngày từng giờ để đóng sổ khóa tu học. Chúng con không đi nhập hạ năm nay để lo cho khóa tu chu đáo. Con không ngờ lại thay đổi bài tác bạch bởi vì chúng con phải tiếp tục lo âu cho tới sang năm 2017. Bởi vì quý Ôn trăn trở tìm người đăng cai, cuối cùng chúng con và chư ni trong ba chùa: An Lạc, Huyền Không và Lam Viên xin đứng ra để nhận. Chúng con là ni giới, là con gái. Quý thầy là con trai, nay chư ni tiếp tục lãnh trách nhiệm, chúng con xin làm với hai điều kiện:

1)             Thường khi con cái muốn thưa chuyện với cha mẹ, phải thưa thỉnh đàng hoàng, trang phục uy nghiêm. Nhưng con ở xa, chỉ gọi phone vòi quý ôn, để giải quyết nhanh sớm cho xong công việc. Xin cho phép chúng con đơn giản nghi thức trong khi trình việc với quý ôn.

2)             Xin các chùa và các Phật tử nhận tờ Chuyển Pháp Luân (cúng $5/1 tháng x 12 tháng= $60; $60 x 3 năm = $180 thì nhớ gởi lại, để ban tổ chức chúng con mới có tịnh tài tổ chức. Chư tăng ni là giữ gìn Phật pháp. Quý Phật tử là đồng vai sát cánh với chư tăng ni mà giữ gìn mạng mạch Phật pháp, nên xin đồng sát cánh với chư ni chúng con.

Một lần nữa kính đãnh lễ quý Ôn đã thương tưởng mà giao việc nặng cho chư ni chúng con.”

 

Để kết luận, Hòa thượng Thắng Hoan, trụ trì Tịnh Thất Viên Hạnh (Sacramento, CA) đã có lời tán thán rằng: Đảnh lễ tri ân hai Giáo hội Hoa Kỳ - Canada đã gian nan vô cùng để liên tiếp tổ chức 6 khóa tu học, đã cố gắng hoàn thành sứ mạng thiêng liêng để thế giới biết đến khả năng hoạt động của Phật giáo hải ngoại.

Ni sư Giới Châu và Ni sư Nguyên Thiện đã hy sinh để thay thế Giáo hội mà đãm trách gánh vác Phật sự. Có Tam bảo và hộ pháp gia hộ nên khóa tu học lần thứ VI đã thành tựu. Nay chư ni, đại diện là Ni sư Nguyên Thiện và ba chùa An Lạc, Huyền Không và Lam Viên lại tiếp tục đứng lên gánh vác. Các Phật tử ở Việt nam và khắp năm châu bốn biển đều theo dõi và tán thán. Như vậy là thề hiện tình đoàn kết trong “Nam nữ bình quyền”. Nam thành Phật. Nữ cũng thành Phật. Nam gánh vác. Nữ cũng gánh vác. Như vậy cho thấy chẳng những Tăng giới mà Ni giới cũng có trách nhiệm. Giáo hội và Phật tử khắp Năm Châu bốn biển đã đặt trọn niềm tin “Như Lai Sứ giả” trên vai của ni giới.

Bông hoa nào cũng đẹp. Mỗi bông hoa tỏa ra mỗi nét đẹp để trang nghiêm đời và đạo. Mong sẽ có nhiều vị ni nối tiếp nữa… Đêm đã khuya, lời bài hát “Cám Ơn” của chư ni chùa An Lạc vẫn còn vang vọng trong sứ mệnh “phụng sự chúng sanh là cúng dường Chư Phật”:

 

Cám ơn đời, cám ơn người

Cho ta cơ hội nói lời tri ân

Cám ơn vô lượng hoá thân

Trải con tim rộng dệt thành trang kinh.

 

Cám ơn tiếng gọi chân tình

Nối vòng tay lớn, bình minh lên đường

Cám ơn sợi nắng chiều vương

Cho con chim nhỏ sau vườn hát ca…

 

Thủ bút tại Thư Phòng Chùa Hương Sen,

Đêm mùa hạ, ngày 26/7/ 2016

    Kính tường,

 Thích Nữ Giới Hương

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]