Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tôi đi làm từ thiện

07/07/201619:20(Xem: 9870)
Tôi đi làm từ thiện

TÔI ĐI LÀM TỪ THIỆN

 

Diệu Hòa

 

“Làm từ thiện với tôi, nó mang  một ý nghĩa  như  chia sẻ miếng cơm manh áo cho những người  có hoàn cảnh yếu  kém  hơn mình. Ngoài việc chia sẻ như ‘Lá lành đùm lá rách’ thì từ thiện còn cho tôi một niềm vui khi nó đem lại nụ cười,  thắp sáng  hạnh phúc cho người khác, dù niềm vui ấy không đủ lớn để xóa nhòa được những khổ đau trong cuộc sống  cơ cực, nghèo nàn của họ.  Nhưng ít ra, những món quà từ thiện cũng giúp cho những người cùng khổ ấy qua cơn ngặt nghèo, nên tôi thích làm từ thiện và yêu mến những người dấn thân làm từ thiện”.

 

Trên đây là những lời tôi nghe được từ một người mới quen, chị thích làm từ thiện nhưng chưa bao giờ tham gia một chuyến “Đi Làm Từ Thiện”, mà chỉ là đóng góp vào việc từ  thiện với khả năng của mình, trừ ra có một lần chị được tham gia một chuyến đi từ thiện “bỏ túi”.  Gọi là chuyến “từ thiện bỏ túi” vì nó không nằm trong chưong trình chính thức, một năm hai lần là Vu Lan và Tết Nguyên Đán, do nhóm bạn của bạn chị chủ trương. Có chuyến từ thiện bỏ túi nầy, theo lời bạn chị kể … Mùa Vu Lan năm đó sau khi đi và phát hết những phần quà cuối cùng đã chuẩn bị trước cho một xã khá xa nơi thị tứ, bị ảnh hưởng nặng bởi  cơn lũ vừa qua.  Đoàn chuẩn bị quay về thị xã thì có một số đồng bào mình ở trong rẻo xa, nghe có đoàn  từ  thiện đến. Họ đã rủ nhau chèo xuồng ra, nhưng vì ở xa, lại mới nghe tin nên ra trễ, mà thật ra họ cũng không có tên trên danh sách của đoàn. Dù để cho việc phát quà chính xác không bỏ sót một ai, nên ngoài số quà cho những hộ có tên, đoàn còn chuẩn bị thêm một số phần dư để phòng hờ. Vậy mà khi phát quà cũng không đủ nên các anh chị em trong đoàn đã tặng luôn phần thực phẩm khô dành riêng cho đoàn. Bây giờ những người ở tận đâu sâu xa trong rẻo, trong kinh rạch nào đó ra đến thì mình không còn gì để tặng họ. Nhìn những gương mặt gầy ốm, nám đen, khắc khổ và nỗi buồn thất vọng trên gương mặt, trong ánh mắt của họ. Anh chị em trong đoàn cũng thấy nao lòng nên đành phải hứa sẽ có một chuyến riêng để viếng thăm họ. Chuyến từ thiện lần đó tuy tốt đẹp nhưng trên chuyến xe về ai cũng buồn và không kém phần lo lắng… lấy đâu tiền để thực hiện lời hứa… sẽ trở lại.

 

Nhưng may mắn, ân trên không phụ những kẻ có lòng nên chỉ một thời gian ngắn đã gom được một ít tiền từ các vị hảo tâm và từ các anh chị, lại xin thêm được bảo trợ từ các nơi khác. Đoàn đã mua sắm và có một số quà khả dĩ cho một chuyến đi từ thiện. Tôi gặp chị bạn khi mọi người đang tất bật cho chuyến đi. Chị vui vẻ nhắc tôi “Đóng góp cho từ thiện chưa đủ, hãy làm một chuyến dấn thân”, nơi đến không xa lắm chỉ  hơn 100km từ nơi tôi sống nên tôi hăng hái nhận lời, dù  biết bản thân mình đi tàu xe rất dở,  nhưng như chị bạn đã nói “Hãy làm một chuyến dấn thân! ”

 

Vì lần đầu tiên di làm từ thiện nên tôi rất háo hức, cả đêm không ngủ được, mới đó mà đã sáng rồi, vậy mà người ta nói “thức khuya mới biết đêm dài’.  Đối với tôi đêm không dài, vì tôi chỉ mới lăn qua trở lại có vài lần mà trời đã sáng. Cũng may vì điểm đến không xa nên đoàn không cần đi sớm và để mọi người  được thong thả, hôm nay đoàn đến nơi sẽ nghỉ một buổi để sắp xếp rồi ngày mai đi sớm vào tận các kinh rạch xa, nơi có những đồng bào nghèo mà đợt từ thiện vừa rồi mình đã để sót họ. Lần nầy để đền bù, đoàn sẽ đi tận nơi họ sống để trao quà tận tay họ, đồng thời cũng như cách “thăm dân cho biết sự tình”, mọi người vui vẻ nói.

 

Chuyến đi suôn sẻ, nơi đến không xa lắm nhưng đường đi thuở ấy không được như bây giờ (đã gần hai mươi lăm năm), tôi ngồi trên xe mà cứ cầu trời khấn Phật cho mau tới, bụng dạ thì cứ nôn nao cồn cào khó chịu, lúc thì cứ quặn thắt như muốn trào dâng, xe thì khi dằn lúc thì xốc. Quanh tôi,  ai cũng nói cười vui vẻ, có người lại còn pha trò làm cho cả xe cười ầm cả lên, chỉ có tôi là ngồi im thin thít. Chị bạn hỏi nhỏ và đưa tôi chai dầu xanh, trong khi tôi cố chịu đựng thì may quá mọi người đã reo vui vì đã tới, tôi mừng quá, nhảy vội xuông xe, hít một hơi thật dài khí trời mát mẻ trong lành. Mặt mày tôi lúc đó chắc xanh lè nên ai nấy đều ưu tiên cho tôi ngồi nghỉ, còn phần khiêng vác để họ làm. Thật là thấy thương các anh chị hết sức, vì có mấy chị trông vẻ còn ốm yếu hơn tôi mà tinh thần họ thì thật là đáng để học hỏi.

 

Không biết họ phải chạy vô, chạy ra bao nhiêu bận để xuống hết hàng trên xe, một số được chở bằng ghe, xuồng vì đường hẹp xe lớn không vào được mà khiêng thì nặng, xe thồ có một chiếc lại cũng không kiếm được người, vì giờ nầy người ta đã ra rẫy. Cuối cùng còn một số ít thùng mì được chất lên chiếc xuồng  nhỏ, một chị bảo tôi lên xuồng đi cho nhanh, nếu đi bộ mất mười lăm phút mới tới Chùa (từ ngoài lộ lớn vô tới chùa gần 2km), mà phải đi nhanh, tướng tôi đi chắc mất nửa giờ. Nghe nói, tôi lật đật nhảy lẹ xuống xuồng, ngồi xuồng một đổi tôi mới thấy, thà là đi bộ dù mất một giờ cũng tốt cho tôi hơn ngồi xuồng. Ngồi xuồng, theo chị nói có 5 phút nhưng tôi thấy như cả thế kỷ. Chiếc xuồng nhẹ, bồng bềnh theo mái chèo trên con nước còn kinh khủng hơn ngồi xe. Xuồng vừa tấp vào bờ đất, tôi phóng lên bờ, ói dài không cách nào ngưng, mặc dù lúc sáng tôi chỉ dám uống dằn bụng một ly cà phê sửa nóng mà không dám ăn thêm thứ gì. Ói xong tôi thấy có đỡ hơn nên đứng dậy định bước lên chùa, nhưng chưa kịp bước, tôi lảo đảo xuýt té nếu không có người đứng gần chụp tôi lại, tôi thấy trước mắt hơi chòng chành. À, thì ra tôi bị say sóng hay là say đất!? Tôi mới ở trên nước có độ 2km đường kinh hay rạch gì đó mà lên bờ đã thấy lảo đảo, thì những người dân tôi đi vượt biển với sóng gió mịt mù, họ sẽ như thế nào hở trời!?

 

Ai đó đã dẫn tôi đi dọc theo con đường đất để vào chùa, chị bạn nhìn tôi ái ngại, chắc bây giờ chị mới hiểu vì sao tôi ít chịu đi xa. Vị Ni Trù Trì còn rất trẻ, Cô cho tôi vào nghỉ nơi gian phòng nhỏ, bên trong có cái chõng tre trải chiếu, tôi nằm xuống đó nhắm mắt và rồi không biết gì nữa. Khi tôi tỉnh giấc, trời cũng đã chiều, nghe tiếng động, tôi nhìn ra cửa phòng (phòng không có cửa chỉ là một tấm vải thả xuống làm màn che), có một con mắt đen lay láy đang nép mình một bên vách nhìn trộm tôi. Tôi đưa tay ngoắc, đứa bé gái độ chừng tám, chín tuổi rụt rè bước ra - Rất dễ thương. Nó hỏi tôi có muốn ăn cơm không, vì Sư cô có để phần cơm cho tôi nơi bàn. Tôi không thấy đói chỉ cảm thấy khát nên hỏi xin nó một ly trà nóng, con bé vội vàng chạy đi, tôi cũng bước ra khỏi phòng, mọi người đi đâu cả. Chung quanh im lặng không một tiếng động.  Sư cô và mọi người đã lên xã để xin cho chúng tôi tạm trú tối nay và phát quà từ thiện ngày mai. Bây giờ tôi mới có dịp đi một vòng chùa từ nhà trước ra nhà sau, từ nhà trên xuống nhà dưới…Gọi là chùa nhưng cảnh chùa rất nghèo, có thể nói là mái tranh vách đất. Nơi đây chỉ có thể gọi là Am hoặc là Tịnh thất thì đúng hơn  gọi là Chùa, nhưng ở đây người ta gọi như vậy. Phía trước rộng rãi hơn làm nơi thờ Phật, dù chùa nhỏ, nghèo nhưng cũng sạch sẽ, khá tươm tất. Bên cạnh bệ thờ có thùng phước sương nhỏ bằng cái ghế đẩu, tôi đến bên gởi vào thùng một chút tịnh tài để gieo duyên với nhà chùa. Nghe tiếng động nhỏ dưới đáy thùng, tôi khom người nhìn xuống thì thấy số tiền tôi vừa gởi vào thùng đã từ đáy thùng rơi ra ngoài. Đưa tay sờ nhẹ mới hay thùng phước sương của chùa bị thủng đáy. Thùng phước sương của chùa bị thủng đáy, hèn chi mà chùa nghèo, tôi thầm cười với ý nghĩ nầy. Bước ra phía sau chùa là một mảnh đất nhỏ có trồng xà lách, cải bẹ xanh có ớt có cà  và nhiều rau thơm. Tôi ra ngồi nơi bậc thềm nhìn ra phía ngoài đường là chỗ tôi đã xuống ghe lên bờ đất rồi đi một đoạn đường ngắn mà vào chùa. Con bé đi lấy nước ở đâu lâu quá, tôi đã uống hết bình nước lọc của Sư Cô để trên bàn. Sư cô không dùng trà mà tôi đòi trà nên nó phải qua hàng xóm để xin.  xóm cũng không xa chùa lắm. Ngồi nghĩ bâng quơ một chút thì thấy con bé về, đi với nó là một đứa bé trai trạc mười một mười hai tuổi cũng ốm nhom như nó với không phải một ly trà mà nó khệ nệ bưng một bình trà để trong bình tích làm bằng vỏ dừa để giữ ấm … Thì ra, vì tôi nói trà nóng mà quanh đây dân không uống trà nên nó phải chạy ra ông Tư đầu xóm để xin trà nóng, ông Tư lo, trà rót ra ca bưng về hết nóng nên ông dạy nó bưng nguyên bình về, uống xong rồi trả lại ông, Thật là khổ thân cho con bé và cũng cảm động vì lòng tốt của ông Tư. Lúc này tôi không thấy muốn uống trà nóng nữa, tôi rủ mấy đứa nhỏ ngồi chơi để hỏi chuyện  làm quen…

 

Thấy cảnh quang ở đây hơi buồn, tôi hỏi: Ở đây không có điện, buổi tối làm sao thấy đường mà đi?

Thằng bé nhanh nhẩu trả lời:

Thấy chứ cô! Nếu tối không có trăng thì cầm  đèn bão, có trăng thì sáng lắm không cần đèn.

À ra thế ! (mình đúng là nhà quê).

Nó nói tiếp, ban đêm có nhiều đom đóm sáng lắm đó cô!

A! Có đom đóm nữa hả? Đom đóm ở đâu ?

Ở đây cũng có cô, nhưng ở cái đầm bên kia thì nhiều hơn.

Tôi nghe thích thú quá hỏi dồn, Đom đóm đẹp không? Có thể chạm vào nó được không? Bắt nó được không?  

Được chứ cô, con bắt nó bỏ keo chơi hoài. (Trẻ con ở đồng có những trò chơi mà tuổi thơ ở thành phố không bao giờ biết được).

Nó rủ tôi, cô muốn  coi đom đóm không?  Tối nay tụi con dẫn cô đi, bên  nầy người ta ở nhiều nên đom đóm ít bay ra lắm, lâu lâu mới thấy một hai con. Con dẫn cô qua chỗ này, đom đóm bay rợp trời luôn.

Nghe nó nói mà phát ham, nó còn hứa hẹn bắt vài con đom đóm cài vô keo cho tôi coi. Nó nói đom đóm bay vòng vòng trong keo coi đã lắm!

Nghe thằng bé nói, thấy hấp dẫn quá! Tôi chỉ biết đom đóm qua sách vở hay lời kể mà chưa bao giờ nhìn thấy tận mắt con đom đóm ra sao, phen nầy phải đi theo mấy đứa nhỏ để gọi là “mục kích sở thị”.

Mấy cô cháu đang hào hứng bàn chuyện đom đóm thì Sư Cô và các vị trong đoàn về tới. Hai đứa nhỏ vội đứng lên chào mọi người rồi đi trả bình trà. Thằng bé không quên nhắc tôi, tối nay ăn cơm xong tụi nó sẽ qua dẫn tôi đi coi đom đóm.

 

Buổi cơm chiều tuy đạm bạc nhưng chúng tôi ăn rất ngon (ăn cơm chùa thường cảm thấy như  vậy), tôi có nói với Sư cô chuyện thùng phước sương thủng đáy, Cô nói là do lũ lên, nước có khi tràn vô Chánh điện,  do thùng làm bằng ván ép nên bị ướt nhiều lần rồi bị mục. Cô biết mà để vậy vì dân ở đây cũng nghèo,  họ cúng gì thì đưa cho cô, ít có ai cúng vào thùng phước sương nên cô cũng quên luôn chuyện thùng bị thủng.

 

Sau khi ăn cơm thì mọi người  phân chia công việc cho ngày mai, vì toàn bộ công việc ngày mai đều phải đi ghe hay xuồng nên tôi được miễn “công tác dấn thân” mà ở nhà  phụ lặt rau, chuẩn bị cho món bánh xèo, Sư cô  ẽ đãi  mọi người sau khi việc phát quà hoàn tất. Tôi nhận ‘công tác” xong đi ra ngoài sân, tiện tay cầm cây song hồng quơ vài đường cho giãn gân cốt.. Mới quơ vài cái  đã thấy thằng bé lấp ló ngoài hàng rào, tôi vội gọi cho chị bạn và rủ mấy chị cùng đi nhưng mọi người đều từ chối, xem ra không ai ‘huỡn” như tôi. Thằng bé dục tôi lẹ lẹ không thì  trời tối khó đi, tôi vội vàng theo nó mang theo cả cây song hồng.

 

Nó nói ở bên kia xã có cái ao lớn lắm cũng gần thôi nhưng sao đi thấy lâu quá, tôi thắc mắc hỏi thì nó nói băng đồng lẹ hơn nhưng sợ tôi đi không quen bị té nên con bé dặn nó dẫn tôi đi lối nầy. Thật đúng là con gái, lúc nào cũng chu đáo nhưng tối nay con bé không đi được vì phải coi em cho má nó. Khi chúng tôi tới nơi thì trời vừa sụp tối, trời tối rất nhanh, không thấy một ánh trăng sao. Quanh tôi lùm bụi um tùm, tôi chưa kịp nhận chân cảnh vật thì nó đã reo lên hối hả …Kìa cô! Kìa cô! Nó kìa cô! Nó kìa cô! Tôi nhìn  theo hướng nó chưa kịp thấy gì thì nghe có tiếng động sột soạt phía sau, tôi vội nhìn lui và  hốt hoảng …vì  có một con vật gì khá lớn đang luồn nhanh trong bụi  hướng về phía tôi.  Hoảng sợ tôi quơ vội cây song hồng đập tới tấp vào con vật đen kia. Nhưng bỗng dưng nó bật dậy la lớn: Đừng đánh! Đừng đánh! Xin tha cho tui, đừng đánh! Rồi vụt chạy mất, tôi sửng sốt, vì đó không phải con vật mà là con người , tuy hết sợ nhưng tôi vẫn còn  run, không hiểu chuyện gì. Thằng bé giải thích, chắc là nó ăn trộm cá đó cô! Trời tối,  tôi có thấy gì đâu, mà tại sao ăn trộm, ở đây chim trời cá nước, ai lưới được nấy ăn, sao phải ăn trộm!?

 

Sau một trận hoảng hốt mà chung quanh tối quá, tôi không còn hứng thú để xem đom đóm nữa nên muốn về. Thằng bé chắc cũng vậy nên nó gật đầu, nó quên luôn lời hứa bắt đom đóm gài vô keo cho tôi coi mà còn muốn tôi băng đồng cho lẹ. Nói rồi nó vụt chạy nhanh xuống ruộng, trăng bây giờ đã tỏa sáng giúp tôi thấy bên kia là một vùng nước lấp lánh. Thằng  bé chạy băng băng phía trước, tôi cũng vội vàng bước thấp bước cao chạy theo nó trên cánh đồng khô cằn nứt nẻ mà lòng thì mơ hồ một cảm giác bất an.

.

Sáng sớm hôm sau, khi chiếc xuồng cuối cùng khuất dạng, chúng tôi ai làm việc nấy. Chị Hai  lo xay bột đổ bánh xèo, tôi theo Thảo con gái chị ra sau vườn cắt rau thơm. Thảo nói Sư cô dặn mua thêm nấm rơm  đổ bánh cho ngon, má nó có nhờ người ta mua giùm đậu hũ chiên ở ngoài chợ Huyện cách đó chừng 5,6 cây số, nó cũng thường đạp xe đạp ra chợ. Nấm rơm thì qua ấp bên mua, nhà nó cũng có làm nhưng vì bên nầy mấy tuần nay hết meo giống nên không có nấm. Nghe tới hái nấm rơm tôi cũng muốn coi cho biết “cây nấm rơm” thế nào. Thế là nó vất dao hối tôi đi mau vì người ta hái nấm rất sớm, trời chưa sáng họ đã hái để đem ra chợ rồi. Tuy vậy cũng không phải là hết, vẫn còn một số nấm búp chừa cho ngày mai. Nghe vậy, tôi cũng buông vội con  dao chạy vào khoát thêm áo, lầy tiền theo để phòng khi phụ trả hoặc là mua thêm gì đó.

 

 Buổi sáng còn tinh sương, khí hậu thật trong lành, hai cô cháu đi như chạy mà không thấy mệt. Con đường nầy hình như tôi đã đi tối qua nhưng sáng nay tôi thấy nó thơ mộng hơn nhiều, Chúng tôi chỉ đi thêm một đoạn nữa thì rẽ vào một khu đất bị che khuất bởi nhiều cây xanh. Bên trong là nhà dân cất hơi thưa vì những khoảng sân rộng. Thảo dặn tôi đứng chờ để nó đi lấy đậu hũ rồi sẽ đi hái nấm rơm ở bên kia. Tôi  bước vài bước tới trước ngôi nhà lá có một chái che ra để bày bán nước ngọt, bánh ú, lại có treo lủng lẳng  một bao bánh tráng nhỏ người ta thường dùng để quẹt me ngào mà hồi nhỏ tôi cũng hay ăn, lại có bán me cam thảo… Tôi đưa tay vào túi định lấy tiền mua vài gói me làm quà cho Thảo và mấy đứa trẻ trong xóm, chợt tôi cảm giác có ai đó áp sát vào cạnh tôi, tôi chưa kịp có phản ứng thì liền một gương mặt xạm đen, lạnh lùng có đeo một khẩu sung AK xuất hiện trước mặt tôi. Anh ta hỏi tôi ở đâu tới, tới đây làm gì, đưa giấy CMND cho anh xem. Tôi làm gì có giấy tờ gì trong lúc nầy nên nói, tôi  ở chùa ấp bên đi qua đây mua chút gia vị về nấu cơm cho chùa nên không đem theo giấy CMND. Người đứng sau lưng vẫn áp sát nên tôi phải  nhích lên tránh xa một chút. Người mang súng bảo tôi theo anh ta về trụ sở, tôi nhìn quanh tìm Thảo, cũng vừa lúc thấy Thảo đang hớt hãi từ xa chạy lại. Nó hốt hoảng nói với họ rằng: “Chú ơi, cô nầy trên TP về làm từ thiện ở chùa … có xin phép xã…”Lúc nầy ngoài đám con nít bu theo còn có thêm nhiều người lớn cũng tới lắng nghe. Vẻ mặt anh ta càng thêm khó chịu, thúc tôi đi mau. Tôi nói Thảo chạy về chùa báo tin … nhưng nói tới đây tôi sực nhớ Sư cô đã theo đoàn từ thiện đi từ sớm, ở nhà chỉ còn má nó đang xay bột thì biết báo cho ai bây giờ.  Vậy mà con nhỏ cũng chạy như bay về, còn tôi thì đành theo hai Sai nha về trụ sở, chẳng biết trụ sở ở đâu mà mình thì bị tội gì.

 

Gian nhà được gọi là trụ sở cũng chỉ là một căn nhà lá, có vẻ khang trang và mới hơn nhà dân một chút, có một cái bàn dài và một cái bàn nhỏ hơn với vài cái ghế cũ. Sai nha mang súng chỉ tôi ngồi chờ ở một cái ghế gần cái bàn nhỏ. Bên trong có thêm một gian nhà nữa, không biết để làm gì. Đối diện cái bàn nhỏ là khung cửa sổ còn đóng kín, anh Sai nha nhỏ hơn là người đi mở cửa sổ. Từ nãy giờ anh ta chưa mở miệng nói tiếng nào. Anh mang súng đi đâu mất, anh còn lại ngồi canh chừng tôi. Trụ sở chưa có ai làm việc, chắc vì còn sớm. Phía trước trụ sở đã có người lác đác kéo tới nhìn vô. Tôi ngồi đó mà đầu óc trống không, tôi đâu có gì phải sợ. Tôi không trộm cắp, cũng đâu có chọc ghẹo gì ai  mà phải sợ. Nghĩ vậy mà không phải vậy! Vì đối với các viên chức trong xã thì tôi là người có tội. Sau khi ngồi cả giờ chờ những người có chức chưởng, có quyền hạn lớn trong xã tề tựu đủ, tôi mới biết tội của tôi. Đầu tiên họ kết tội tôi là “tòng phạm” với kẻ trộm cắp tài sản XHCN. Tài sản XHCN của họ là mấy con cá mà tối qua thằng nhỏ nào đó ăn trộm bị họ bắt được. Thì ra đó là ao cá của xã chứ không phải chim trời cá nước như tôi nghĩ. Họ dắt thằng nhỏ vô, hai tay nó bị cột, mình mẫy nó còn dính đầy bùn đất, nước mắt nước mũi còn tèm lem (nhưng không thấy cá). Theo sau nó là một người đàn bà ốm yếu, chắc là má của nó vì bà ta cũng khóc. Họ nói tôi là tòng phạm của nó, một thằng con nít độ 12, 13 tuổi, Tôi nói đứa nhỏ nầy là ai tôi không biết, làm sao nói tôi là tòng phạm của nó được, chợt có tiếng la lớn của ai đó nơi cửa sổ: “Cổ không có tòng phạm đâu ông Hai ơi, cổ đánh nó gần chết”. Tôi nhìn ra cửa sổ thì là thằng bé dẫn tôi đi coi đom đóm, người mà nó gọi là ông Hai đập bàn một cái rầm, thằng bé thụt đầu xuống biến mất. Trời ơi, nó muốn cứu tôi khỏi tội “tòng phạm” mà nó khai khống tôi đánh người gần chết! Tôi chỉ quơ cây song hồng đập đại mấy cái thôi, đâu có đánh ai gần chết! Một người ngồi cạnh ông Hai phán cho tôi “tội thả người trái phép”. Tôi cãi lại liền, tôi đâu có bắt bớ ai đâu mà nói tôi  thả người trái phép. Ông ta nói, tôi đã bắt được kẻ gian mà không giải giao về trụ sở, tự động thả người là trái phép. Tôi nói, tôi không biết ai gian, ngay mà bắt. Vả lại tôi chỉ là người dân bình thường, tôi không có quyền bắt giữ người, bắt giữ người như vậy mới là trái phép. Người được gọi là ông Hai nói, thấy tướng tôi cũng có vẻ đàng hoàng, ăn nói cũng rành rọt, sao giao du vói kẻ trộm cắp! (Trời! Tôi mới tới đây chưa đầy 24 giờ mà đã có hai người coi tướng.)

Tôi nói tôi mới đến đây chưa trọn một ngày, tôi không  giao du với ai là người trộm cắp, tôi cũng chưa biết ở đây ai là kẻ xấu người tốt… Mọi người tự nhiên im lặng, tôi nhìn lên bức vách trước mặt, ánh sáng màu vàng chợt hắt lên, tôi nhìn ra... mừng rỡ! Vì đó chính là Thầy, Thầy đã đến sẻ chia khổ nạn cùng con.

 

Từ lúc Thầy bước vào không khí có vẻ dịu đi, sau khi nghe mọi chuyện Thầy nói với họ là Thầy biết tôi là một Phật tử, người đàng hoàng tử tế, Thầy tin tôi không làm đìều sai quấy và Thầy muốn bảo lãnh tôi. Sau khi trao đổi riêng với nhau, họ nói vì nễ Thầy và tôi mới phạm tội (!?) lần đầu nên họ cho Thầy bảo lãnh và cho tôi đóng phạt. Nghe đóng phạt, tôi mừng quá vì đóng phạt cũng là thoát nạn nhưng tôi cũng sửng sốt vì nghe Thầy cũng bị đóng phạt 500 ngàn như tôi là vì Thầy không biết dạy đệ tử. Trời ơi, tôi  gặp Thầy chỉ mới vài lần, nghe Thầy vài bài giảng. Sau mỗi lần giảng thì đến chào Thầy vậy thôi và Thầy cũng không hề nói tôi là đệ tử. Thầy đi giảng ở một chùa ngoài huyện, nghe đồn có người đi làm từ thiện không biết tội gì mà bị bắt về xã.  Động lòng từ bi, lại thấy còn sớm Thầy gọi đệ tử ở chùa đưa Thầy đi thăm, không ngờ là tôi, người đã nhiều lần đến chào Thầy sau mỗi buổi giảng, chỉ vậy thôi mà tự nhiên Thầy bị lãnh cái án “Giáo bất nghiêm, Sư chi đọa”, nhưng Thầy không nói gì chỉ lục cái đãy lấy tiền nộp cho họ.

 

Sau khi hai Thầy trò trả tiền phạt xong (không có biên nhận), Thầy mới xin cho thằng nhỏ trộm cá đang còn ngồi chồm hổm dưới đất với má của nó. Người đàn ông ngồi cạnh ông Hai phán, tội trộm cắp tài sản XHCN phải phạt nặng. Má thằng nhỏ bật khóc, ông ta cho rằng tội của nó ngoài việc phạt tù nó còn bị đánh đòn (không biết phạt tù thì xã sẽ giam nó ở đâu), má nó khóc lớn hơn nghe thảm não làm sao. Thầy nhỏ nhẹ năn nỉ, xin cho chuộc tội của nó bằng tiền vì nó cũng còn nhỏ dại, trộm cắp do nghèo khổ, mẹ nó đau ốm mà ra…Họ suy nghĩ một lát rồi nói, tội của nó nặng phải xử để răn đe những mầm móng xấu khác nhưng Thầy đã xin thì xã cũng khoan hồng, cho chuộc tội và bồi thường tài sản mất cắp là 2 triệu đồng. Thằng nhỏ  nãy giờ ngồi yên lặng dưới đất, nay nghe phán 2 triệu đồng phạt và bồi thường, nó nhảy dựng ré lên khóc không thành tiếng, má nó càng khóc lớn hơn. Tôi thấy cũng mũi lòng, không dám nhìn 2 má con nó. Thầy lại nhỏ nhẹ xin bớt xuống 1 triệu, tôi nhìn Thầy, mừng vì chắc Thầy có 1 triệu để trả tiền phạt làm phước. Mặc dầu bọn họ chưa đồng ý, Thầy vẫn lấy đãy ra và nhìn tôi, tôi lật đật moi hết tiền ở túi trong túi ngoài đặt lên bàn. Còn Thầy lục tìm trong đãy bao thơ lớn nhỏ, chắc của người ta mới cúng dường, Thầy lôi cả bao lì xì không biết từ bao giờ, vậy mà tiền của cả 2 Thầy trò chỉ đếm được có 830  ngàn đồng. Không biết nói sao hơn Thầy đành năn nỉ họ, tôi nghe Thầy nói gì đó như “Giơ cao đánh khẽ” (nghe hơi giống cải lương nhưng biết nói sao hơn), nào là “dầu sao nó cũng là con em của xã’. Vậy mà họ cũng lạnh lùng không thèm nhìn, tôi vẫn biết đồng tiền là quý nhưng tôi chưa bao giờ thấy được sức mạnh của đồng tiền  như lúc này, đồng tiền chỉ là những tờ giấy vô tri, vậy mà nó có thể cứu người ta thoát khỏi nhục hình tù tội. Tôi thấy giận tôi hết sức, phải chi mà tôi chiụ khó đem thêm chút tiền nữa thì tôi đã có thể cứu được thằng nhỏ nầy thoát khỏi đòn roi, tù tội..

 

Biết không thể làm gì hơn Thầy đành đứng dậy ra về, không buồn nhìn đến số tiền còn để trên bàn. Tôi lủi thủi theo Thầy lòng tràn ngập niềm thương cảm xót xa.

 

Sáng sớm hôm sau, chúng tôi từ giã Sư cô và những người trong xóm chùa, mọi người bịn rịn chia tay đưa chúng tôi ra tận con lộ lớn, Cô cầm tay tôi ân cần dặn dò, mời tôi trở lại thăm nơi nầy khi có dịp. Tôi muốn nói với Cô, “Cô ơi, có những nơi người ta đến một lần rồi không bao giờ muốn quay lại nữa” nhưng nhìn gương mặt quá nhân từ, quá thánh thiện của cô, tôi chỉ có thể cười với cô thôi.

 

Tôi vừa bước vào trong xe thì  nghe có gì ồn ào bên ngoài nhưng ngồi trong xe nghe không rõ, Sư Cô chợt tươi cười day qua nói, thằng nhỏ ăn cắp cá tối qua đã được tha về mà không bị đánh roi nào. Cả xe vỗ tay mừng, phải vậy chứ! Thầy đã nói rồi “dầu sao nó cũng là con em của xã”

 

 Tối qua lúc ăn chè, mọi người xúm lại an ủi tôi về chuyện không may xảy ra hồi sáng, bỗng có người nói bâng quơ “ Bắt tôi chỉ là chuyện tình cờ, bắt một ai đó trong đoàn từ thiện cho bỏ ghét mới là cái chính”. Mọi người im lặng nhìn nhau, thì ra thế!

 

Chuyện nầy tôi nghe kể đã lâu và người kể cũng lâu rồi tôi không gặp lại, nhưng giữa tôi với chị có vài điểm tương đồng nên chỉ vài câu chuyện mà trở nên tương đắc. Dù lâu năm không gặp, nhưng tôi vẫn nhớ về chị và câu chuyện chị đã kể vào buổi sáng tình cờ gặp gỡ cũng cho tôi được bài học. Bài học rút ra cho tôi là: Đến nơi xa lạ, đừng có đi lung tung. Cũng tiếc cho chị tốn công mà không đạt được gì, từ việc trao quà từ thiện đến xem tận mắt con đom đóm cũng như đi coi cho biết cây nấm rơm ra sao.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]