Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

 Day 16_thap Eiffel (99)

Tháp Eiffel (tiếng Pháp: Tour Eiffel) là một công trình kiến trúc bằng thép nằm trên công viên Champ-de-Mars, cạnh sông Seine, thành phố Paris. Vốn có tên nguyên thủy là Tháp 300 mét (Tour de 300 mètres), công trình do Gustave Eiffel cùng các đồng nghiệp xây dựng nhân Triển lãm thế giới năm 1889, cũng là dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng Pháp.

Chiều cao nguyên bản của công trình là 300 mét, theo đúng thiết kế, nhưng cột ăng ten trên đỉnh giúp tháp Eiffel đạt tới 325 mét. Từ khi khánh thành vào năm 1889, tháp Eiffel là công trình cao nhất thế giới và giữ vững vị trí này trong suốt hơn 40 năm. Ngay từ ban đầu, bên cạnh chức năng du lịch, tháp Eiffel còn được sử dụng cho các mục đích khoa học. Ngày nay, tháp tiếp tục là một trạm phát sóng truyền thanhtruyền hình cho vùng đô thị Paris.

Trở thành biểu tượng của "kinh đô ánh sáng", tháp Eiffel là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng nhất toàn cầu. Từ khi khánh thành cho tới năm 2007, tháp đã có hơn 236 triệu lượt khách viếng thăm. Riêng năm 2007, tháp Eiffel đã đón tiếp gần 7 triệu du khách, giữ vị trí công trình thu phí thu hút nhất trên thế giới.[9]

Tháp Eiffel vốn được thiết kế để làm "cái đinh của Triển lãm thế giới năm 1889 tại Paris", phô trương những công nghệ xây dựng của Pháp. Vào thời kỳ đầu, công trình đã gây ra những tranh cãi về vẻ thẩm mỹ, công năng... Tuy vậy, tháp Eiffel vẫn giành được thành công nhanh chóng, trở thành địa điểm thu hút du khách bậc nhất và con số dần ổn định từ những năm 1960[10].

Địa chỉ chính thức của tháp Eiffel ở số 5 đại lộ Anatole France, Quận 7, Paris. Nằm bên sông Seine, tháp Eiffel thuộc đường thẳng bắt đầu từ Palais de Chaillot, qua vườn Trocadéro và sông, tới Eiffel rồi chạy dọc Champ-de-Mars, đến École Militaire và gần như thẳng tiếp tới tháp Montparnasse. Đây đều là các công trình nổi tiếng của Paris, được hoàn thành trong những giai đoạn khác nhau. Sân của Palais de Chaillot, bên cạnh quảng trường Trocadéro, là địa điểm lý tưởng nhất để ngắm nhìn tháp.

Ngay sau Triển lãm thế giới năm 1889, tháp Eiffel đã thuộc sở hữu của thành phố Paris. Hiện nay công trình do Công ty khai thác tháp Eiffel (Société d'exploitation de la tour Eiffel - SETE) quản lý. Với ba tầng sàn, không gian của tháp Eiffel được chia cho nhiều dịch vụ khác nhau. Ngoài hai nhà hàng Altitude 95 và Le Jules-Verne nằm ở tầng hai và ba, tháp còn có các hiệu ăn nhanh, phòng trưng bày, cửa hàng lưu niệm, điểm truy cập Internet, cửa hàng bán các con tem kỷ niệm của Pháp... Tổng cộng, tháp Eiffel cần đến khoảng 500 nhân viên, gồm 250 người thuộc SETE và 250 nhân viên cho các dịch vụ còn lại[11]. Đón tiếp khách du lịch đến từ mọi quốc gia, tháp Eiffel mở cửa tất cả các ngày trong năm, từ 9 giờ tới 24 giờ trong khoảng 13 tháng 6 tới 31 tháng 8 và 9 giờ 30 tới 23 giờ trong khoảng thời gian còn lại của năm[12].

 

 

Kích thước

Các thông số kích thước của tháp Eiffel[13]:

 

Tầng mặt đất

Bốn chân của tháp Eiffel tạo thành một hình vuông lớn có cạnh 125 mét, theo đúng với đăng ký tại cuộc thi năm 1886. Chiều cao 325 mét với 116 ăng ten, nền tháp Eiffel nằm ở độ cao 33,5 mét so với mực nước biển.

Móng: Hai cột trụ phía École Militaire nằm trên một lớp bê tông dày 2 mét, bên dưới còn một lớp sỏi. Chiều sâu của móng là 7 mét. Hai cột trụ phía sông Seine cũng tương tự và nằm dưới mức nước của sông. Các công nhân đã phải làm việc trong những ket-xon – giếng chìm hơi ép – bằng kim loại bịt kín. Mười sáu khối móng chống đỡ cho mỗi chân tháp và các bu lông mỏ neo lớn bằng thép dài 7,80 mét cố định cho các trụ.

Chân tháp: Mỗi chân tháp mang hình vuông, nằm ở bốn góc hình vuông lớn. Nền của các trụ này là những bệ bê tông cao 4 mét, cạnh 25 mét. Ngày nay, các quầy bán vé nằm ở các chân phía Bắc và Tây, mỗi năm tiêu thụ 2 tấn giấy vé. Cầu thang máy đặt ở các chân phía Đông và Tây, khoảng tám phút một chuyến. Còn cầu thang bộ nằm ở chân tháp phía Đông, gồm 1.665 bậc lên tới đỉnh nhưng chỉ mở cho công chúng lên tới tầng ba. Ở chân tháp phía Nam còn có một cầu thang máy dành riêng cho nhân viên và khách của nhà hàng Le Jules-Verne trên tầng hai.

Vòng cung: Được đỡ bởi bốn trụ, các vòng cung này ở độ cao 39 mét so với mặt đất và có đường kính 74 mét. Theo bản vẽ ban đầu của Stephen Sauvestre, phần vòm cung còn được trang trí cầu kỳ. Đối với công trình, vòm cung này có chức năng thẩm mỹ và giúp chân tháp vững chắc[14].

Tầng hai

 Tầng hai

Ở độ cao 57 mét so với mặt đất, tầng hai của tháp Eiffel có diện tích 4.200 m², mang hình vuông tương tối và có thể chứa khoảng 3.000 người.

Một hành lang chạy bao quanh tầng hai, cho phép du khách ngắm nhìn toàn cảnh 360°Của Paris. Trên hành lang trang bị các kính viễn vọng cùng chỉ dẫn giúp du khách quan sát các công trình của thành phố. Mặt phía ngoài ghi tên 72 nhà khoa học của thế giới trong hai thế kỷ 1819.

Tầng hai còn có nhà hàng Altitude 95 ngụ trên hai tầng nhỏ. Altitude 95 có các bàn nhìn ra ngoài quang cảnh thành phố, phía ngược lại là các bàn nhìn vào phía bên trong của tháp. Tên của nhà hàng có nghĩa: chiều cao 95 mét, tức độ cao tầng hai của tháp so với mực nước biển.

Ở tầng này cũng có thể thấy nhiều vết tích của lịch sử ngọn tháp. Như những đoạn cầu thang xoáy trôn ốc, vốn là nguyên bản của công trình, dẫn lên tới tận đỉnh. Chiếc cầu thang này đã được tháo vào năm 1986 khi thực hiện các công việc cải tạo quan trọng. Cắt thành 22 phần, 21 đoạn của cầu thang đã được đem bán đấu giá và phần lớn những người mua là các nhà sưu tập Hoa Kỳ.

Cuối cùng, một đài quan sát ở đỉnh cho phép ghi lại các dao động, thay đổi của tháp dưới ảnh hưởng của gió và giãn nở nhiệt. Gustave Eiffel đã thiết kế cho ngọn tháp chịu được biên độ 70 cm, nhưng thực tế chưa bao giờ xảy ra đến mức độ đó. Trong đợt nắng nóng năm 1976, biên độ giãn nở đạt mức 18 cm và trong trận bão tháng 12 năm 1999, sức gió 240 km/giờ, biên độ dao động chỉ tới 13 cm. Pierre Affaticati và Simon Pierra cũng khắc phục vấn đề co giãn này vào năm 1982 với biện pháp gia cố thêm các kim loại khác nhau cho khung tháp[14].

Tầng ba

 Tầng ba

Ở độ cao 115 mét so với mặt đất, tầng ba của tháp Eiffel có diện tích 1.650 mét vuông, mang hình vuông tương đối và có thể chứa khoảng 1.600 người.

Tầng ba được xem là tầng lý tưởng nhất để ngắm nhìn Paris. Độ cao của tầng đạt mức tối ưu đối với các công trình xung quanh. Ở tầng bốn, các công trình này sẽ trở nên khó nhìn ngắm bởi khoảng cách quá xa. Khi thời tiết quang đãng, tầm nhìn của tầng ba ước tính tới 55 km về hướng Nam, 60 km về hướng Bắc, 65 km về hướng Đông và 70 km về hướng Tây.

Dưới sàn, những ô kính cho phép du khách ngắm nhìn xuống phía mặt đất. Các lưới sắt được lắp bao quanh nhằm ngăn ngừa những ý định nhảy ra ngoài không trung của những người muốn tự sát hoặc các nhà thể thao mạo hiểm.

Nhà hàng ẩm thực Le Jules-Verne với 95 bàn ăn, được cuốn sách chỉ dẫn nổi tiếng Michelin xếp hạng 1 sao và Gault-Millau đánh giá 16/20. Mở cửa từ năm 1983, trang trí của nhà hàng vẫn được giữ nguyên, mang màu trầm và kín đáo, với những tác phẩm điêu khắc bằng kim loại. Qua các ô cửa kính của nhà hàng, thực khách có thể ngắm nhìn quang cảnh thành phố Paris. Bếp trưởng nhà hàng là Alain Reix, cùng với 30 phụ bếp và bồi bàn. Ngoài ra còn có 60 nhân viên khác. Nằm ở độ cao 123 mét, nhà hàng có diện tích khoảng 500 m² và được sử dụng một cầu thang riêng đặt ở chân tháp phía Nam chung với các nhân viên bảo dưỡng. Phần nhiều khách hàng của Le Jules-Verne là khách du lịch và các bàn ăn ở đây đều phải đặt trước một thời gian dài: khoảng từ 1 tháng cho bữa trưa và ba tháng cho bữa tối. Cũng như tháp Eiffel, nhà hàng Le Jules-Verne mở cửa cả bảy ngày trong tuần[14].

Tầng bốn

Tầng bốn nằm ở độ cao 275 mét so với mặt đất, diện tích 350 m², có thể đón tiếp khoảng 400 du khách vào cùng một thời điểm.

Cầu thang bộ từ tầng ba cấm không cho công chúng và thang máy từ mặt đất cũng chỉ đưa lên tới tầng ba. Để lên tầng bốn, du khách bắt buộc phải sử dụng một thang máy khác. Không gian của tầng bốn khép kín và được trang bị các bảng chỉ dẫn giúp du khách định hướng. Một cầu thang bộ còn dẫn lên một tầng nhỏ khác, đôi khi được gọi là "tầng năm".

Ở tầng bốn còn có một căn phòng với các bức tượng sáp thể hiện cảnh Gustave Eiffel đón tiếp Thomas Edison, người đã đến thăm tháp vào 10 tháng 9 năm 1889[15]. Vị trí này trước đây được dành cho phòng thí nghiệm khí tượng học rồi sau đó là điện báo không dây. Trên đỉnh tháp, một cột thu phát sóng được lắp vào năm 1957, hoàn thành năm 1959, phủ sóng Analog cho một vùng khoảng 10 triệu gia đình. Ngày 17 tháng 1 năm 2005, thiết bị được nâng cấp thành đài phát truyền hình kỹ thuật số mặt đất đầu tiên của Pháp với 116 ăng ten cho cả truyền hình và truyền thanh. Chiếc ăng ten thứ 116 đã nâng chiều cao của tháp từ 324 mét lên 325 mét[14].

Lịch sử

 

 

Bối cảnh

Sau triều đại Napoléon III, nước Pháp phải đối mặt với cuộc chiến tranh Pháp-Phổ rồi sau đó là Công xã Paris kết thúc bằng Tuần lễ đẫm máu. Năm 1875, nền Đệ tam cộng hòa được khai sinh. Tuy vậy, những bất ổn chính trị vẫn tiếp diễn.

Những lợi ích của khoa học đã sinh ra các cuộc Triển lãm thế giới. Từ cuộc triển lãm đầu tiên, Great Exhibition of the Works of Industry of All Nations – Đại triển lãm Công nghiệp các Quốc gia, được tổ chức tại London năm 1851, những nhà cầm quyền nhanh chóng nhận thấy phía sau việc đánh cuộc công nghệ mang hình bóng những lợi ích chính trị, và sẽ là phí phạm nếu không biết tận dụng. Trưng bày những tiến bộ công nghệ, các quốc gia tổ chức triển lãm cũng biểu lộ sự vượt trội của mình trên những nước châu Âu khác, chính là các nước đang chiếm giữ một phần lớn lãnh thổ của thế giới.

Với cái nhìn này, nước Pháp đã tổ chức nhiều cuộc Triển lãm thế giới, vào các năm 1855, 1867 và 1878. Jules Ferry, chủ tịch Hội đồng Nhà nước từ 1883 tới 1885, đã quyết định đón nhận một Triển lãm thế giới nữa tại Pháp. Ngày 8 tháng 11 năm 1884, Jules Ferry ký sắc lệnh chính thức nhận tổ chức Triển lãm thế giới năm 1889 tại Paris, thời gian từ 5 tháng 5 tới 31 tháng 10 năm 1889. Năm được chọn chính là dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng Pháp, Paris sẽ lại một lần nữa là "trung tâm" của thế giới.

Mặc dù vậy ý tưởng về ngọn tháp 300 mét đã được khai sinh ở Tân Lục Địa, tại Hoa Kỳ với nền kinh tế trẻ và năng động. Cho dịp Triển lãm thế giới năm 1876 tại Philadelphia, các kỹ sư Clark Reeves đã hình dung một cột tháp hình trụ đường kính 9 mét, giữ bởi các dây néo bằng kim loại, néo xuống một đường kính 45 mét chung quanh, chiều cao 1.000 foot, tức khoảng 300 mét. Gặp những vấn đề về tài chính, cột tháp The Centennial Tower Tháp Thế Kỷ – đã không bao giờ được thực hiện, nhưng dự án được đăng tải ở Pháp trên tạp chí Nature. Cũng ý tưởng đó, kỹ sư người Pháp Sébillot đưa ra một ngọn "tháp mặt trời" bằng sắt chiếu sáng thành phố Paris. Để thực hiện, Sébillot cộng tác với Jules Bourdais, kiến trúc sư từng xây dựng Palais du Trocadéro cho cuộc Triển lãm thế giới năm 1878. Cùng nhau, hai người hoài bão một dự án khác, "tháp hải đăng" bằng đá granit, cao 300 mét, với nhiều phiên bản. "Tháp hải đăng" từng cạnh tranh với dự án của Gustave Eiffel, nhưng cuối cùng đã không bao giờ được thực hiện.

Soạn thảo dự án

 
 
Ký họa của Maurice Koechlin ngày 6 tháng 6, 1884

Vào tháng 6 năm 1884, hai kỹ sư của công ty Eiffel, Maurice Koechlin Émile Nouguier, trưởng phòng nghiên cứu và trưởng phòng phương pháp, quan tâm đến dự án một chiếc tháp bằng kim loại cao 300 mét. Họ hy vọng sẽ có thể biến công trình đó thành cái đinh của Triển lãm thế giới năm 1889.

Ngày 6 tháng 6, Maurice Koechlin lần đầu tiên ký họa hình dáng của công trình. Ký họa miêu tả một cột tháp 300 mét, bốn trụ cong gặp nhau ở đỉnh, với năm tầng sàn, chia cột tháp thành sáu đoạn 50 mét. Gustave Eiffel xem xét đề cương này, tuy nói không thích thú, nhưng cuối cùng nhượng bộ trước các ý kiến và cho phép theo đuổi nghiên cứu dự án. Stephen Sauvestre, kiến trúc sư trưởng của công ty Eiffel vẽ lại và thay đổi phần lớn: thêm các chân được xây nặng nề, củng cố tháp bằng một cấu trúc hình vòng cung ở tầng hai, giảm bớt số tầng sàn từ 5 xuống còn 2, thêm chóp cho phần đỉnh tháp...[16]

Bản thiết kế mới được đưa đến cho Gustave Eiffel và lần này Eiffel đã hài lòng. Ngày 18 tháng 9 năm 1884, "Quyền được phép xây dựng các cột trụ và cột tháp kim loại với chiều cao có thể vượt quá 300 mét" được đăng ký với tên Eiffel cùng Koechlin và Nouguier. Rất nhanh sau đó, Gustave Eiffel mua lại của Koechlin và Nouguier để nắm độc quyền ngọn tháp tương lai và do đó, công trình được mang tên Eiffel.

Để bắt đầu, Gustave Eiffel thuyết phục Édouard Lockroy, bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại thời kỳ đó, tổ chức một cuộc thi với mục đích "nghiên cứu khả năng xây dựng trên Champ-de-Mars một ngọn tháp bắng sắt có đáy hình vuông cạnh 125 mét và cao 300 mét". Thể thức cuộc thi - vào tháng 5 năm 1886 - đã cho thấy ưu thế của Gustave Eiffel. Quyền xây dựng công trình biểu tượng cho Triển lãm thế giới ba năm sau đó gần như đã nằm trong tay Eiffel. Duy chỉ còn vấn đề mục đích của ngọn tháp, đó không thể chỉ là một công trình xây dựng đơn thuần mà còn phải mang các chức năng khác. Về điểm này, Gustave Eiffel đã chỉ ra các ích lợi về mặt khoa học của ngọn tháp. Tuy nhiên kết quả cuộc thi không hoàn toàn phản ánh lợi thế của Gustave Eiffel. Sự cạnh tranh gay gắt với 107 dự án được gửi đến. Gustave Eiffel thắng cuộc, nhưng chỉ vừa vặn hơn Jules Bourdais, người cũng đã thay đổi, định sẽ dùng chất liệu sắt thay vì granit.

Hai vấn đề được đặt ra: thang máy và địa điểm công trình. Hệ thống thang máy không làm hài lòng trưởng ban giám khảo cuộc thi, bắt buộc Eiffel phải thay đổi người cung ứng. Vị trí của tháp ban đầu được xem xét ở bờ bên kia sông Seine hoặc áp sát vào Palais du Trocadéro, ngày nay là Palais de Chaillot. Cuối cùng, tháp được quyết định xây dựng ngay tại Champ-de-Mars, vị trí của triển lãm, như một cổng vào.

Vị trí và cả thể thức xây dựng, khai thác công trình được ký vào ngày 8 tháng 1 năm 1887 giữa Édouard Lockroy, nhân danh Chính phủ Pháp, Eugène Poubelle, tỉnh trưởng tỉnh Seine, nhân danh thành phố Paris Gustave Eiffel, với tư cách cá nhân. Văn bản này ghi rõ chi phí dự tính cho xây dựng: 6,5 triệu franc. Trong đó 1,5 triệu franc được trợ cấp, phần còn lại do Công ty khai thác tháp Eiffel của Gustave Eiffel chịu. Giá vé vào của trong thời gian Triển lãm thế giới cũng được ghi rõ và mỗi tầng đều phải có không gian dành cho khoa học hoặc quân sự. Ở điều khoản 11 ghi:

Vai trò của Gustave Eiffel không nằm ở kiến trúc, thẩm mỹ - hoặc kém thẩm mỹ theo một số ý kiến - của công trình. Nhưng nhờ Gustave Eiffel, dự án ngọn tháp 300 mét được Chính phủ quyết định cho xây dựng và sau đó, Eiffel cùng các đồng nghiệp biến dự án thành công trình thực tế. Từ dự án, thi công cho tới khi khai thác, công trình gặp không ít khó khăn và Gustave Eiffel đã là người quyết định hầu như toàn bộ. Eiffel cũng nhanh nhạy trở thành người độc quyền ngay từ khi dự án mới bắt đầu để rồi thực hiện công trình được mang tên mình.

Xây dựng

 
 
Quá trình xây dựng tháp

Ban đầu Gustave Eiffel dự kiến sẽ thi công trong 12 tháng. Thế nhưng thời gian thực tế đã kéo dài gấp đôi. Việc xây dựng được bắt đầu vào ngày 28 tháng 1 năm 1887 và kết thúc tháng 3 năm 1889, vừa vặn trước khi chính thức mở cửa Triển lãm thế giới.

Trên công trường, số công nhân không khi nào vượt quá 250. Lý do là một phần lớn làm việc trên phía thượng lưu, trong nhà máy của công ty Eiffel ở Levallois-Perret. Ví dụ 2.500.000 đinh tán được sản xuất cho chiếc tháp, nhưng chỉ 1.050.846 được đóng tại công trường, chiếm 42% tổng số. Phần lớn các thành phần được lắp ghép trên mặt đất tại xưởng ở Levallois-Perret, thành từng đoạn năm mét với các bu lông tạm thời, sau đó tại công trường thay bằng các đinh tán nhiệt. Việc xây dựng từng phần rồi ghép lại đã cần tới 50 kỹ sư làm việc trong hai năm với 5300 bản vẽ tổng thể hoặc chi tiết.

Thời gian đầu tiên, các công nhân xây dựng những bệ bê tông cho bốn trụ của công trình. Điều này giúp giảm tối thiểu sức nén xuống nền đất, chỉ còn 4,5 kg/cm² ở phần dưới móng. Việc lắp ráp các thành phần kim loại chính xác bắt đầu vào ngày 1 tháng 7 năm 1887, do Jean Compagnon chỉ đạo. Tới độ cao 30 mét, các bộ phận được đưa lên nhờ những cần trục xoay cố định trên đường dành cho thang máy. Từ 30 tới 45 mét, 12 giàn giáo bằng gỗ được xây dựng. Vượt qua 45 mét, các dàn giáo mới được lắp vào các xà của tầng hai. Sau đó tới thời điểm nối các xà ngang với bốn trụ, vị trí của tầng hai. Công việc ráp nối này được thực thiện vào ngày 7 tháng 12 năm 1887. Sàn tầng hai được xây dựng ở độ cao 57 mét, các giàn giáo tạm thời không cần thiết. Tương tự, sau đó, từ tháng 8 năm 1888 đến sàn tầng ba, độ cao 115 mét[18].

Tháng 9 năm 1888, khi tiến độ trên công trường đã được đẩy nhanh và xây dựng đến tầng ba, các công nhân tổ chức đình công. Họ đưa ra vấn đề giờ giấc lao động (9 giờ vào mùa đông và 12 giờ vào mùa hè) và mức lương thấp so với nguy hiểm phải gánh chịu. Gustave Eiffel chỉ ra rằng rủi ro không khác nhau khi họ làm việc ở độ cao 200 mét hay 50 mét, và các công nhân đã được hưởng thù lao cao hơn trung bình so với những người làm việc cùng lĩnh vực thời kỳ đó. Cuối cùng, Gustave Eiffel nhượng bộ, đồng ý tăng lương nhưng từ chối đòi hỏi chỉ số "rủi ro thay đổi theo độ cao".

Tháng 3 năm 1889, công trình hoàn thành và không có một tại nạn chết người nào xảy ra với các lao động. Chỉ một công nhân thiệt mạng, nhưng vào ngày chủ nhật, công nhân đó không làm việc mà dẫn vợ chưa cưới tới tham quan công trình rồi ngã do mất thăng bằng. Chi phí xây dựng của tháp Eiffel vượt 1,5 triệu franc so với dự tính. Thời gian thi công cũng gấp đôi so với thỏa thuận ban đầu.

Công việc cuối cùng là tính toán phương cách đưa công chúng lên tới tầng bốn của tháp. Các thang máy Backmann được dự tính ban đầu và nằm trong dự án trình ban giám khảo cuộc thi vào tháng 5 năm 1886, nhưng bị ban giám khảo loại bỏ. Gustave Eiffel phải gọi đến ba nhà cung cấp mới: Roux-Combaluzier và Lepape (về sau trở thành Schindler), công ty Otis của Hoa Kỳ và cuối cùng là Léon Edoux[18].

Tháp Eiffel từ 1889 đến Thế chiến thứ hai

 
 
Adolf Hitler tới thăm tháp Eiffel ngày 23 tháng 6 năm 1940

Ngày 6 tháng 5 năm 1889, Triển lãm thế giới mở cửa và tới 15 tháng 5 thì công chúng được phép tham quan tháp Eiffel. Trong khi xây dựng, công trình chịu nhiều lời gièm pha, đặc biệt vào tháng 2 năm 1887 công trình đã phải nhận những chỉ trích của một vài nghệ sĩ lớn nhất của thời kỳ đó. Tuy vậy, khi khánh thành, tháp Eiffel giành được thành công ngay lập tức, đón nhận một số lượng lớn khách viếng thăm. Tuần đầu tiên, khi các thang máy còn chưa hoạt động, đã có 28.922 người leo lên tháp bằng cầu thang bộ. Khi kết thúc hội chợ, trong 32 triệu khách của Triển lãm thế giới, có 2 triệu người đã chen chúc lên ngọn tháp này. Ở triển lãm, tháp Eiffel không phải công trình duy nhất thu hút đám đông. Tòa nhà trưng bày máy móc, dài 440 mét và rộng 110 mét, của Ferdinand Dutert và Victor Contamin, hay Vòm trung tâm của Joseph Bouvard cũng đã gây ấn tượng.

Nhưng sau khi kết thúc triển lãm, số lượng khách giảm xuống nhanh chóng. Năm 1899, chỉ có 149.580 lượt khách. Cuối cùng, để đẩy mạnh khai thác thương mại của tháp, Gustave Eiffel cho giảm giá vé vào cửa, nhưng không vi phạm những ký kết trước đó. Phải đợi đến Triển lãm thế giới năm 1900 cũng được tổ chức ở Paris, số lượng khách mới tăng trở lại. Dịp này, hơn một triệu vé đã được bán ra, nhưng chỉ bằng một phần hai con số của mười năm trước đó. Mức độ giảm sút còn mạnh mẽ hơn nếu so sánh tuyệt đối, số lượng khách của Triển lãm thế giới 1900 cao hơn so với năm 1889.

Năm 1901, con số lượt khách lại tụt xuống khiến tương lai của tháp bị đe dọa có thể không qua được ngày 31 tháng 12 năm 1909, thời điểm nhượng lại cho thành phố Paris. Đã có một vài ý kiến cho rằng công trình cần phải phá hủy.

Các thực nghiệm khoa học và phát thanh

Ý thức được nguy cơ và như đã dự tính trước khi xây dựng, Gustave Eiffel đồng ý cho việc tiến hành các thực nghiệm cũng như đặt trạm quan sát ngay từ năm đầu tiên của ngọn tháp.

Năm 1889, Eleuthère Mascart, giám đốc của Phòng trung tâm Khí tượng Pháp, đã đặt một đài quan sát trên tháp Eiffel. Tháng 10 năm 1898, Eugène Ducretet lần đầu tiên nối tín hiệu sóng giữa tháp Eiffel với điện Panthéon, khoảng cách 4 km. Năm 1903, đại úy Gustave Ferrié, tìm cách lặt đặt một mạng lưới điện báo không dây dù không được đầu tư từ quân đội, những người vẫn ủng hộ các phương pháp cũ. Gustave Eiffel đã tài trợ cho dự án này và cho phép lắp một ăng ten trên đỉnh tháp. Từ năm 1921, các chương trình truyền thanh được phát sóng đều đặn từ tháp Eiffel và Truyền thanh tháp Eiffel - Radio Tour Eiffel được chính thức bắt đầu từ ngày 6 tháng 2 năm 1922.

Năm 1925, tháp Eiffel được sử dụng cho truyền hình, lần đầu tiên tại Pháp. Với sự tiến triển của kỹ thuật, các buổi phát sóng thực nghiệm còn được tiến hành trong khoảng thời gian 1935 tới 1939. Truyền hình từ đen trắng tiến tới truyền hình màu. Năm 1959, một cột phát sóng truyền hình mới nâng chiều cao của tháp lên 320,75 mét. Và năm 2005, truyền hình kỹ thuật số mặt đất cũng được lắp đặt trên tháp Eiffel[19].

Tháp Eiffel đương đại

Năm 1944, tháp Eiffel thoát khỏi một vụ hỏa hoạn có chủ ý, do Quận đội Đức cho phép, rồi bị trưng dụng để liên lạc, ban đầu là lực lượng Wehrmacht của Đức, tiếp đó đến quân đội Đồng Minh.

Từ những năm 1960, lượng khách du lịch quốc tế tăng, trực tiếp kéo theo số lượng người thăm tháp. Lượng khách viếng thăm hàng năm tăng gần như đều đặn từ 1970 và lần đầu tiên đạt con số 6 triệu vào năm 1998. Sự gia tăng này đã dẫn đến việc cần đổi mới, tu sửa lại tháp. Công việc tiến hành từ 1980 đến năm 1985, với ba hướng chính:

  • Làm nhẹ bớt cấu trúc của công trình
  • Xây dựng lại toàn bộ các thang máy và cầu thang bộ
  • Sử dụng các biện pháp an toàn mới, phù hợp số lượng khách gia tăng.

Tháp Eiffel đã bớt đi 1340 tấn dư thừa, được sơn lại và xử lý chống ăn mòn. Các thang máy được thay mới và mở thêm nhà hàng ẩm thực Jules-Verne. Biện pháp chiếu sáng cũng được cải tiến.

Tháp Eiffel trở thành biểu tượng của Paris và nước Pháp, một trong những công trình nổi tiếng nhất thế giới. Bắt đầu từ những thập niên cuối của thế kỷ 20, Champ-de-Mars cùng tháp Eiffel là nơi tổ chức các lễ hội, các buổi hòa nhạc của thành phố. Tính tới năm 2007, tổng số lượt người thăm tháp đã đạt tới con số hơn 236 triệu. Năm 2007, tháp Eiffel đón 6.893.000 lượt khách viếng thăm.

 Lượng khách viếng thăm

Sau thành công tức khắc của Triển lãm thế giới năm 1889, lượng khách thăm tháp Eiffel giảm xuống ngay năm tiếp theo. Con số gần như giảm liên tục trong mười năm cho tới Triển lãm thế giới năm 1900, đạt hơn một triệu khách. Lượng khách tụt xuống ngay năm 1901 rồi bắt đầu tăng chậm, khoảng từ 120.000 tới 260.000 cho đến năm 1914. Thời gian Thế chiến thứ nhất, từ 1915 đến 1918, tháp Eiffel đóng cửa.

Sau chiến tranh, từ 1919 tới 1939, tháp thu hút khoảng 480.000 khách mỗi năm và đạt đỉnh 800.000 vào 1931 khi diễn ra Triển lãm thuộc địa1937 với Triển lãm thế giới. Từ 1940 đến 1945, một lần nữa, tháp Eiffel phải đóng cửa bởi thế chiến.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, tháp được mở cửa cho công chúng vào tháng 6 năm 1946 và lượng khách bắt đầu tăng trở lại. Năm 1963 là năm đầu tiên tháp Eiffel đạt hai triệu khách viếng thăm. Bắt đầu từ thời gian này, nhờ sự phát triển của du lịch quốc tế, lượng khách của tháp tăng đều đặn. Năm 1972, lần đầu tiên đạt con số 3 triệu khách, năm 1984 đến con số 4 triệu, 1989 lên tới 5 triệu và năm 1998 tháp đón 6 triệu khách.

Cho tới ngày 31 tháng 12 năm 2007, đã có 236.445.812 lượt khách bước chân lên tháp Eiffel. Con số 300 triệu khách sự đoán sẽ đạt tới vào năm 2017.

Một trong những công trình thu hút nhất thế giới

Năm 2007, tháp Eiffel đạt 6,893 triệu lượt khách, là công trình thu phí được viếng thăm nhiều nhất trên thế giới[39]. Tuy là biểu tượng nổi tiếng của Pháp, quốc gia đón lượng khách quốc tế nhiều nhất[40], nhưng tháp Eiffel không phải địa điểm đón tiếp nhiều du khách nhất. Nhà thờ Đức Bà Paris, địa điểm miễn phí đã thu hút 13,5 triệu lượt khách, đứng đầu nước Pháp[41]. Disneyland, công viên giải trí ở ngoại ô Paris, cũng thu hút 12,5 triệu lượt khách[42]. Mang tính chất du lịch, khác với công viên Disneyland, tháp Eiffel chỉ thu hút các du khách từ nơi khác tới thăm Paris. Lý do thu phí và thời gian xếp hàng mua vé cũng làm giảm bớt một số lượng lớn khách của tháp.

Trích tư liệu từ: https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%A1p_Eiffel


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]