Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tưởng Niệm HT Minh Tâm (Nguyên Kỉnh)

08/03/201409:08(Xem: 15971)
Tưởng Niệm HT Minh Tâm (Nguyên Kỉnh)

TƯỞNG NIỆM
HÒA THƯỢNG THÍCH MINH TÂM

NGUYÊN KỈNH

Chúng Tôi : Nguyên Kỉnh (Đức Hạnh) Nguyên Phương, Nguyên Thuận, Nguyên Pháp(HT Minh Tuyền ở Nhật) và Nguyên Cảnh tức Hòa Thượng Thích Minh Tâm. Tất cả chúng tôi đều có Bốn Cùng với nhau: Một. Cùng quê Phan Rí, nhưng khác huyện, xã. Hai.Cùng tỉnh Bình Thuận. Ba. Cùng cội gốc Bồ Đề Bửu Tích. Bốn. Cùng tu học trong Phật Học Đường Long Sơn, Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang.

Cùng quê Phan Rí. Phan Rí có 4 :1- Phan Rí Duồng, 2-Phan Rí Cửa, 3-Phan Rí Thành (bản doanh quận Hòa Đa, nay Bắc Bình).4-Phan Rí Chợ Lầu. Riêng Nguyên Kỉnh (Đức Hạnh)tôi ở Phan Rí Thành. Ba huynh kia : Nguyên Pháp, Nguyên Phương, Nguyên Thuận ở Phan Rí Chợ Lầu. Hòa thượng Minh Tâm sinh ra, lớn lên tại Phan Rí Duồng, Xã Chí Công, huyện Tuy Phong, làng Thanh Lương. Duồng, là nơi chôn nhau, cắt rốn của HT Minh Tâm. Duồng là danh từ riêng, một địa danh rất lâu đời. Hình thể nó là một khoảng đất cong chữ C, ẩn mình trong một góc biển, nếu không nói đó là cái Vịnh nhỏ thật hữu tình về phong cảnh thiên nhiên và vui mắt khi chiều về có nhiều thuyền lớn, thuyền nhỏ sau một ngày ra khơi, trở về cập bến thật là nhộn nhịp, kẻ gánh, người khiêng trong tiếng nói, cười rộn rã…! Sau lưng là đọng cát trắng trãi dài ra, dọc theo bờ biển, đến tận hướng tây bắc, giáp với Phan Rí cửa. Làng Thanh Lương của HT Minh Tâm ở hướng tây thị xã Duồng, bên phải con đường nhỏ từ ngã ba quốc lộ Một A đi vào, được toàn dân bốn PHAN gọi ngã ba Duồng, là cửa ngỏ vào thị xã Duồng. Giữa làng Thanh Lương này, có ngôi chùa Phổ Hiền do em HT Thích Quảng Thanh (Bảo Quang- quận Cam- Cali- Hoa Kỳ) làm trụ trì. Người dân Duồng đa số làm nghề biển, nhưng cũng có lắm người làm nghề khác, như thợ mộc, xây cất nhà cửa, cầu đường. Ông thân sinh của Hòa thượng Minh Tâm làm cả hai nghề mộc và xây cất. Dân số Duồng trước 1975, độ 450 nhân khẩu, tất cả theo đạo Phật và thờ cúng ông bà. Tại thị xã Duồng có ngôi chùa Từ Quang ở ngay giữa phố. Chùa Từ Quang do Bổn Sư Thầy Quảng Thành, là Hòa Thượng Thích Minh Chơn xây dựng lâu đời và làm trụ trì.

Thị xã Duồng hướng mặt ra biển phía tây nam. Trên đầu chữ C là một ngọn đồi. Tại đây có ngôi chùa cổ từ dưới hai triều đại Quang Trung, Nguyễn Ánh. Đến năm 1964, chùa được có tên chùa Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Thầy trụ trì chùa hội là đệ tử của Hòa Thượng Từ Quang. Dân Duồng qua nhiều thế hệ, lúc nào cũng được chiêm bái lễ Phật và nghe tiếng Đại Hồng Chung của hai chùa vang lên lúc chiều hôm, sớm khuya. Chếch về đông nam của Duồng là gềnh đá màu hồng, dài chập chùng, cao, thấp, cheo leo đầy sóng nước dâng trào, nở hoa biển trắng xóa, được người dân Duồng gọi là GÀNH SON, là một thắng cảnh có tiếng, luôn quyến rũ khách đa tình đến thưởng ngoạn. Duồng là thị trấn xưa, được thấy hằng trăm nóc nhà cổ, lộp ngói âm dương, vách xây gạch ống, cột kèo bằng gỗ quý, có chợ cá, phố nhỏ, bến cảng, cống nhỏ bắt ngang qua con rạch khô buổi sáng có những con Còng ngang dọc, nước ròng lúc chiều lên, bầy cá nhỏ lững lờ.

Cùng một cội gốc Bồ Đề. Chúng tôi gặp nhau tại chùa Bửu Tích ở huyện Hòa Đa (nay là Bắc Bình)tỉnh Bình Thuận ở thuở ban đầu mới xuất gia, quy y Tam Bảo, thọ trì 5 giới, mà Hòa Thượng Thích Viên Trí trụ trì chùa Bửu Tích, là Bổn Sư trao truyền 5 giới pháp cho huynh đệ chúng tôi vào những năm 1950, 1951, 1952. Mặc dù có pháp huynh thọ giới trước như HT MinhTâm pháp danh Nguyên Cảnh giữa mùa An Cư Kiết Hạ năm 1950. Còn chúng tôi thì lần lượt sau đó vào năm 1951, 1952 nhưng, không ngoài cội Bồ Đề Bửu Tích, chẳng hạng Nguyễn Thiện Thông từ Phú yên vào xuống tóc, xuất gia, quy y Tam Bảo, pháp danh Nguyên Thần vào mùa An Cư Kiết Hạ năm 1954 tại chùa Bửu Tích, mà Bổn Sư truyền 5 giới pháp là HT Thích Diệu Quang từ chùa Hương Tích ở Phú yên vào Kiết hạ. HT Diệu Quang là Pháp đệ của Hòa Thượng Thích Viên Trí, đồng sư với Hòa Thượng Hương Tích, Phú yên.

Tôi vẫn còn nhớ HT Minh Tâm xuất gia, thọ giới với cố HT Thích Viên Trí tại chùa Bửu Tích vào mùa An Cư Kiết Hạ năm 1950, là thời điểm chiến tranh Việt Pháp, cũng là năm đầu tiên chùa Bửu Tích được tổ chức An Cư Kiết Hạ sau khi vừa xây cất xong chùa mới ngay tại địa bàn huyện Hòa Đa đầu năm 1950. Chùa Bửu Tích cũ bên làng Lạc Sơn dưới chân đọng cát, bên kia sông cách quốc lộ Một A cỡ 4 cây số theo chiều ngang, luôn bị máy bay Pháp bắn phá thường xuyên vào những năm 1947, 1948 sau khi Pháp trở lại đánh chiếm Việt Nam, cho nên toàn bộ dân làng và chùa Bửu Tích phải ra đi, về ở tại thị xã Phan Rí Thành, huyện Hòa Đa vào cuối năm 1948. HT Viên Trí mua lại một ngôi nhà ngói 3 gian bên quốc lộ Một A và xây thêm nhà Tăng, nhà Trù, nhà ở cho Tăng chúng. Đến mùa xuân 1950 mới xong. Đến mùa hạ, HT Viên Trí tổ chức lễ khánh thành và An Cư kiết hạ đầu tiên tại chùa Bửu Tích mới. Khách Tăng đến dự, có quý Hòa Thượng Thích Minh Đạo trụ trị chùa Long Quang, Hòa Thượng Phước Hải (thị xã Phan Rí cửa), Hòa Thượng Đông AN và HT Thích Minh Chơn trụ trì chùa Từ Quang tại thị xã Duồng. Nhưng được 2 vị Hòa Thượng nhận lời mời ở lại An cư, đó là Hòa Thượng Thích Đông An, và Hòa Thượng Thích Minh Chơn trụ trì chùa Từ Quang. HT Đông An ở làng Hộ Quách trực thuộc Phan Rí Thành, còn HT Từ Quang (Minh Chơn là Bổn Sư của thầy Quảng Thành)ở huyện Tuy Phong, xã Chí công, thị xã Duồng cách xa chùa Bửu Tích mới cỡ 5 cây số. HT Thích Minh Chơn (Từ Quang)cùng quyến thuộc với HT Minh Tâm. Do vậy HT Từ Quang nhã ý với HT Bửu Tích, xin cho HT Minh Tâm được xuất gia, quy y Tam bảo, thọ giới với HT Thích Viên Trí nhân cơ hội có trường hạ (chư Tăng kiết hạ 3 tháng).Theo quy luật Thiền Môn, người xuất gia, sau khi quy y Tam Bảo, lãnh thọ 5 giới pháp, là phải an trú tại chùa Bổn sư mà mình đã quy y, thọ giới, để thực tập một số điều lệ Thiền môn cơ bản, gọi là hành Điệu của ba cấp Sa Di : Khu ô Sa Di, Hình đồng Sa Di, và Ứng Pháp Sa Di. Thầy Minh Tâm được HT Thích Viên Trí trao truyền 5 giới pháp lúc bấy giờ là cấp Hình đồng Sa Di ở tuổi 12 Kỷ Mão. Nhưng được miễn hành Điệu tại chùa Bửu Tích. Bởi vì Thầy Minh Tâm là anh cả trong gia đình ở tuổi 12, lại phải giúp bố mẹ Thầy chăm sóc đàn em trai, gái bé tý; đứa 10, 8, đứa 6, 5…Tuy nhiên, cũng phải hành Điệu tại chùa Từ Quang vào những ngày 30, mồng Một, 14, Rằm mỗi tháng và những ngày lễ : Phật Đản, Vu Lan, Tết Nguyên Đán...với những việc hương đăng, đơm hoa, trái lên các bàn, công phu chiều, lạy Sám hối, Thù ân khuya, cúng Ngọ trưa,v.v…đâu vào đó mới trở về nhà.

Đến mùa hạ 1951, HT Bửu Tích cũng mời hai vị HT Đông An và Từ Quang về kiết hạ. Lúc đó 4 điệu chúng tôi (Nguyên Kỉnh, Nguyên Pháp, Nguyên Phương, Nguyên Thuận), cũng được tập sự An cư, kiết hạ, trong đó có lo việc quá đường, học luật Sa Di, giáo lý do Hòa Thượng Thích Minh Chơn giảng dạy về lịch sử Phật Thích Ca (Thái Tử Tất Đạt Đa,…).và ra toán cộng, trừ cho chúng tôi làm. Trongmột buổi mai hôm ấy, đang ngồi học trong ngôi nhà dành cho các Điệu, có bàn học. Bỗng tôi nhìn ra cửa, thấy chú Tiểu Thích Minh Tâm từ ngoài đi vào, dọc theo luống hoa vạn thọ bên trái trước sân chùa. Đầu đội nón lá toe vành, đi chân trần, phục sức bộ Vạt Hò màu lam, chỗ đậm, chỗ nhạt, một vài sọc đen ngoằn ngoèo như những lá trúc vươn vãi lên vai, trước ngực, do vải trắng được nhuộm bằng mực xạ, nên mới có ra hình thái đó ! Nếu không nói rằng ; đó là sắc thái đặc biệt về quần, áo của chúng Điệu trong chùa Việt Nam ngày xưa.

Trên vai Thầy đang quẩy gánh 4 nải chuối sứ còn xanh ở đầu gánh trước, hai bắp chuối và một số bắp khô hết vỏ, được cột chùm ở đuôi, thòng xuống, ton ten ở đầu gánh sau. Thầy đi trước phòng học, rồi quẹo ra nhà trù. Hết giờ học, HT Từ Quang vào Nhà Tăng, tại đây Thầy Minh Tâm đến kỉnh lễ, bái xá HT Bửu Tích, rồi đến hầu chuyện với HT Từ Quang. Chẳng bao lâu, Thầy Minh Tâm đến chào tạm biệt HT Bửu Tích qua trạng thái chấp tay, bái xá. Rồi ra về với đôi chân trần trên đoạn đường cái quan dài gần 4 cây số, dưới bầu trời của Ba Phan (Phan Rí Thành, Phan Rí Cửa, Phan Rí Duồng)lúc bấy giờ đầy ánh nắng chói chang của mùa hạ. Nhưng xá chi cái nắng nóng hạ ấy đối với Bồ Tát bổ xứ, Thích Minh Tâm !

Năm sau, 1952. Hòa Thượng Bửu Tích tổ chức An cư kiết hạ tại chùa Xuân An, chợ Lầu. Ngôi chùa Xuân an là chùa làng, được dân làng Xuân An cúng cho HT Bửu Tích làm trụ trì. Sau khi ra hạ, Rằm tháng bảy âm lịch, 4 điệu chúng tôi được HT Bửu Tích dẫn ra Phật Học Đường Nha Trang tại chùa Long Sơn. Đến tháng Tám, 1953. HT Bửu Tích dẫn Thầy Minh Tâm ra. Vị đốc giáo Phật Học Đường Nha Trang lúc bấy giờ là Hòa Thượng Thích Như Ý, thay cho Hòa Thương Thích Định Tuệ về Quảng Bình. Nhưng mọi việc sinh hoạt Tăng sinh là do Hòa Thượng Thích Đỗng Minh trong vai trò Thủ chúng trông coi.

Sự việc HT Minh Tâm quy y Tam Bảo, được HT Bửu Tích hành lễ, trao truyền giới Pháp và đặt pháp danh Nuyên Cảnh, nếu không nói là duyên Bồ Đề lớn nhất đã tạo nên một Hòa Thượng Thích Minh Tâm, một Tăng tài được tròn đầy cả hai tài và đức song toàn, thật xứng đáng với Pháp danh Nguyên Cảnh (luôn trở về cảnh giới thanh tịnh trong tâm). Điều này được huynh đệ chúng tôi và toàn thể cựu học Tăng Long Sơn, Hải Đức ngày xưa, đang còn hiện hữu trong và ngoài nước hôm nay, đều thấy tâm thanh tịnh của HT Minh Tâm qua những trạng thái : không nói huyên thuyên, chuyện cần nói mới nói một cách từ tốn, rõ ràng. Với câu chuyện vui, Ngài kể làm cho người nghe ai cũng cười ngất, Ngài cười tủm tỉm sau. Hòa thượng Minh Tâm có cách đi nhẹ nhàng. Khi học bài sinh ngữ Anh và Pháp văn, Thầy không đọc lớn tiếng như các Tăng sinh khác, đọc nhỏ và nhìn bài, viết ra giấy. Các môn khác, Thầy chỉ nhìn qua hai ba lần thôi, có khi vẽ ra như môn vạn vật, địa lý. Nếu mọi người không để ý, sẽ nói rằng ; sao không nghe, thấy Thầy Minh Tâm học bài. Và không tiếp xúc với Ngài, người ta sẽ nói HT Minh Tâm khô khang tâm hồn, không có tình cảm.

Phải nói rằng ; HT Minh Tâm luôn có tình cảm chân thật của con người (nhân đạo)đối với mọi người một cách bình đẳng trong đối đãi. Nhưng, với đồng đạo là chư Tăng, Ni, Phật tử các giới, HT Minh Tâm luôn tôn kính, tiếp đãi nhiệt tình, tuân hành theo các giáo vụ qua tư duy, suy xét kỹ lưỡng hay hỏi lại cho kỹ càng về Phật Sự chùa, công việc giáo dục ở học đường, giảng sư, giáo vụ đạo pháp Giáo Giáo Hội VNTN ở quá khứ và cận đại, v.v… Nhất cử nhất động một cách nhã nhặn, từ tốn, tôn kính suốt cuộc đời hành đạo từ thuở xưa trước 1975, chứ không phải mới ngày nào đây ở hải ngoại, mới có những đức tính tôn kính thượng, hạ và nhân ái, hỷ xả, thân thương, vui vẻ đối với mọi người.

Với huynh đệ đồng môn Bửu Tích, HT Minh Tâm thường có lời thăm hỏi qua điện thoại, trên tờ giấy nhỏ, trực tiếp gặp để hàn huyên tâm sự thật da diết cả buổi sáng, chiều hay đến khuya. Tôi vẫn còn nhớ; sau khi chúng tôi được định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO vào những năm 1991, 92, 93. Huynh, đệ chúng tôi, có người đến Hoa Kỳ trước hay sau gì, cũng được Hòa thượng Minh Tâm gọi điện thoại thăm hỏi ngay sau khi Ngài từ Pháp qua Cali Hoa Kỳ, đang ở tại Phật Học Viện Quốc Tế. Sau đó gặp gỡ từng huynh đệ chúng tôi, có khi nghỉ lại nhà qua đêm, nửa ngày hay tại các nơi khi Ngài hiện hữu; như chùa Bảo Tịnh, chùa Bát Nhã, Tổng Hội Cư Sĩ Phật Giáo Việt Nam, chùa Phật Đà San Diego. Cách thăm hỏi và gặp gỡ huynh đệ chúng tôi như vậy, không phải một lần, mà nhiều lần suốt 20 năm qua. Có lúc chúng tôi cũng gọi điện thoại từ Mỹ qua Khánh Anh, để thăm hỏi Ngài về những Phật sự riêng tư vào lúc 7 giờ sáng Paris, 10 giờ đêm Hoa Kỳ. Khi nào qua Hoa Kỳ, ở Cali dài ngày, Hòa thượng Minh Tâm có nghỉ lại nhà chúng tôi. HT Minh Tâm nghỉ lại nhà Nguyên Phương hơn một lần ở Gardena, nhà tôi (Đức Hạnh)lần đầu một đêm, lần sau hai buổi, nhà Nguyên Thần hai buổi sáng. HT Minh Tâm đến thăm chúng tôi mỗi lần như vậy, đều do chúng tôi đem xe rước Ngài từ các chùa Bát Nhã, Tổng Hội Cư Sĩ, chùa Phật Đà, ga xe lửa San Diego và đưa Ngài trở về lại chốn cũ. Tôi vẫn còn nhớ mùa xuân năm nào, hình như 2004, Hòa thượng Minh Tâm đang ở Thái Lan cho công việc thỉnh tượng Đức Thế Tôn, Ngài gởi tôi một card postal, mang nội dung : “Tôi đang thỉnh tượng Phật ở Thái Lan. Gởi lời thăm, chúc mấy huynh năm mới an lạc, vạn sự, cát tường. Minh Tâm”.Ngoài sự thăm hỏi, Hòa thượng Minh Tâm còn gởi biếu cho huynh đệ chúng tôi mỗi người một cuốn lịch Tử Vi cứ mỗi độ xuân về hằng năm và Bản Tin Khánh Anh mỗi quý. Chúng tôi nhận món quà tinh thần đó từ năm 2000, cho đến năm 2014 mới hết vì Ngài đã về cõi Phật rồi.

Mỗi huynh đệ Bửu Tích chúng tôi, ai cũng được có một hay hai kỷ niệm với Thầy Minh Tâm. Tôi, Đức Hạnh,có một kỷ niệm khó quên với Thầy Minh Tâm, là được Thầy gởi cho bảng “Công Đức Sưởi Ấm Chùa Khánh Anh Mới”.Công đức sưởi ấm số 001501-JGia đình Đức Hạnh- Lê Bảo Kỳ. Cúng dường phát hành kinh sách. Chùa Khánh Anh ấn hành 1500$. HT Minh Tâm ký vào bảng công đức ngày Mùng 1 tháng Giêng năm Mậu Tý- 7/2/2008. Sở dĩ tôi được Bảng Công Đức sưởi ấm như vậy, là do Hòa thượng Minh Tâm hỏi tôi có viết thêm sách gì nữa không ? Tôi nói có thêm hai cuốn : “Vén Bức Màn Bên Kia Cõi Chết” (2005)Nhiều Điều Người Phật Tử Cần Biết” (2007).Thầy Minh Tâm liền nói, nghe hấp dẫn quá hả ! Vậy, Đức Hạnh nên gởi qua Khánh Anh để phát hành, mà hùn công đức sưởi ấm chùa Khánh Anh. Sau đó tôi gởi hai thùng sách, mỗi thứ một thùng qua chùa Khánh Anh trong mùa xuân năm 2007 sau khi vừa in xong.cuốn NĐNPTCB.

Duyên Bồ Đề khai nguồn ở bước đầu tiên đó cho Bồ Tát Thích Minh Tâm, chính là do Hòa Thượng Thích Viên Trí, trụ trì chùa Bửu Tích ở Phan Rí Thành, là vị Bồ Tát ruộng đồng, nương dâu nhưng, được có đôi chân từ bi và trí tuệ trong tâm Ngài là năng lực khiến Ngài ra đi ở bốn phương trời cao rộng vô Nam, ra Trung (có lần ra Huế Kiết hạ ở chùa Linh Quang - Hòa Thượng Mật Nguyện). Nếu không nói rằng; Ngài Bửu Tích có sở nguyện đưa người xuất gia ở tuổi thiếu niên miền quê xứ mình đến chốn thành thị lớn, nơi có Tăng Học Viện, Phật Học Đường, Phật Học Viện, để học Phật, thành Tăng tài cho Phật Giáo VN mai sau. Vì thế cho nên Hòa Thượng Bửu Tích đã đưa 3 Điệu chùa Bửu Tích là Nguyên Bổn (anh Nguyên Phương) Nguyên Phẩm, Nguyên Thiện vào Phật Học Đường Sùng Đức(Mai Sơn) Sài Gòn ở vùng Phú lâm trong tháng 8, năm 1949. Đưa Hòa thượng Đức Niệm (quyến thuộc của Hòa thượng Minh Tâm)ra Tăng Học Đường Trùng Khánh- Phan Rang năm 1951, do hai Hòa Thượng Thiên Hưng, Đỗng Minh thành lập nhưng, bị thiếu duyên, nên không tồn tại. Hòa Thượng Bửu Tích lại dẫn Hòa Thượng Đức Niệm vào Phật Học Đường Sùng Đức(Mai Sơn) (sau đó về Ấn Quang)từ đầu năm 1952 và dẫn chúng tôi (Học Tăng Nguyên Pháp, Nguyên Phương, Nguyên Thuận, Nguyên Kỉnh)ra Phật Học Đường Nha Trang sau Vu Lan năm 1952. Vị đốc giáo Phật Học Đường Nha Trang lúc bấy giờ là HT Thích Định Tuệ. Đến mùa mùa thu tháng 8, năm 1953 HT Bửu Tích dẫn HT Minh Tâm ra Phật Học Đường Nha Trang. Vị đốc giáo lúc bấy giờ là HT Như Ý, thay cho Hòa Thượng Định Tuệ về Quảng Bình. Mùa hè 1955, Hòa Thượng Từ Quang trực tiếp đưa chú Sa Di Quảng Thành và Đại Đức Thích Tuệ Hải (quyến thuộc HT Minh Tâm) ra Phật Học Đường Nha Trang. Vị đốc giáo lúc bấy giờ là Hòa Thượng Thích Huyền Quang, nguyên là Đệ Tứ Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Tại Phật Học Đường Nha Trang từ 1953 trở đi, HT Minh Tâm vào học lớp Đệ Ngũ, Tứ (lớp 8, 9) tại Trung Học Tư thục Bồ Đề, đệ Tam, Nhị và Nhất (lớp 10, 11,12) tại trường trung học công lập Võ Tánh Nha Trang. Có vị hỏi rằng; Thầy Minh Tâm học lớp 6. 7 (thất, lục) ở đâu, mà vào học ngay lớp 8,9 Trung Học Bồ Đề Nha Trang ? Xin trả lời. Khi còn ở quê nhà Phan Rí Duồng, HT Minh Tâm chỉ được học hết bậc tiểu học. Bởi vì địa hạt 4 Phan Rí ngày xưa ấy(1949, 50, 57) chưa có trường trung học. Học sinh nào muốn lên bậc trung học phải vào thị xã Phan Thiết. Đến năm 1958 mới có trường trung học tại Phan Rí Cửa nhưng, trung học Bán Công do tư nhân thành lập. Sau khi ra Phật Học Đường Nha Trang, được Thầy Thủ Chúng Thích Đỗng Minh bảo Thầy Minh Tâm vào học lớp đệ Ngũ, rồi mượn sách Toán, Lý, Hóa hai lớp Thất, Lục của các Thầy đã học qua mà tự học, còn các môn khác không cần.

Sau khi hai tập thể Tăng Sinh Phật Học Đường Báo Quốc, Long Sơn Nha Trang được sáp nhập làm một tại chùa Hải Đức vào đầu năm 1958 ở đồi Trại Thủy theo kế hoạch của Tổng Trị Sự Phật Giáo Việt Nam Trung Phần, là thành lập một Phật Học Viện VN Trung Phần tại Nha Trang mà chùa Hải Đức được Tổng Trị Sự Phật Giáo VN Trung Phần- Huế chọn làm cơ sở đào tạo Tăng Tài, được có tên PHẬT HỌC VIỆN HẢI ĐỨC Nha Trang. HT Minh Tâm tiếp tục học đệ nhị cấp(tam, nhị, nhất) tại trường công lập Võ Tánh Nha Trang. Lúc đó Tăng sinh nào học trường Võ Tánh, được Hòa Thượng Thích Trí Thủ, Giám viện PHV sắm cho mỗi vị một chiếc xe đạp. Hai nơi : Phật Học Đường chùa Long Sơn và Phật Học Viện Hải Đức, HT Minh Tâm vì đau bao tử, cho nên bị ăn cơm nếp (Xôi-sticky rice)cả đời !

Mặc dù lúc bấy giờ bị đau bao tử nhưng, HT Minh Tâm thích hoạt động thể thao, thể dục rất năng nổ. Tất cả cựu học Tăng Long Sơn, Hải Đức đang còn trên đời hiện nay, không ai có thể phủ nhận Thầy Minh Tâm đánh bóng chuyền giỏi, bơi xa, lội sâu, leo núi, trèo non, lên đồi cát hạng nhất, nhì. Tại sân banh chùa Long Sơn, HT Minh Tâm đỡ và đưa banh qua lưới thật chính xác. Tại biển Nha Trang đường Duy Tân, HT Minh Tâm bơi dẫn đầu cách bờ cả trăm mét, sau Thầy là anh Thủ Đỗng Minh, sau nữa là chú Khánh Chánh Huệ. Còn chúng tôi: Hạnh Cơ, Huệ Khai, Nguyên Phương, Nguyên Kỉnh…bơi lõm bõm gần bờ. Tại Hòn Chồng, HT Minh Tâm lội đứng ở chỗ sâu, giữa những khối đá khổng lồ. Mỗi lần như vậy, được anh Thủ Đỗng Minh bảo lên, đừng bơi lâu. HT Minh Tâm bơi lội tại 2 nơi ấy trên một lần, và chơi bóng chuyền giỏi nhiều tuần tại sân nhà dưới thời HT Đỗng Minh làm Thủ chúng (1951-1955). HT Đỗng Minh có tinh thần thể thao, thể dục rất cao, cho nên Ngài thường dẫn Tăng sinh Phật Học Đường Nha Trang đi tắm biển vào ngày chủ nhật và cấm trại ở Hòn Chồng vào những ngày lễ, cũng như tổ chức Tăng sinh chơi bóng chuyền trong ngày nghỉ hè và vào chủ nhật nào không đi tắm biển.

Dưới thời HT Thích Huyền Quang làm đốc giáo Phật Học Đường Nha Trang từ 1955- đến cuối 1957.Tăng sinh được HT Huyền Quang tổ chức cho đi du ngoạn BA HỒ ngoài Lương Sơn (mùa hè 1955) và Suối Tiên (mùa hè 1956) ở trong xa của rừng cao su Suối Dầu. Phương tiện đi bằng xe lửa. Tại hai cảnh đẹp thiên nhiên ấy, được thấy có rừng cây, suối cạn, nước róch rách từ trên cao xa tít, chảy xuống qua những khe đá. Đường lên dốc đá ở Suối Tiên cao hơn. Ba Hồ thấp, nhiều gềnh đá chập chùng .Thế là đa số Tăng sinh đua nhau trèo lên những tảng đá cao vút ở Suối Tiên. Người trèo mau và cao nhất, là Tăng Sinh Thích Viên Dung- Minh Tâm. Trong khi đó có các Chú : Giác Tuệ, Thiện Trí (Phi Thiên), Nguyên Thuận,…ì ạch ở lưng chừng dốc. Còn các Thầy lớn, có vị đi rảo bước đó đây để xem lan rừng. Một vài vị : Thầy Thủ chúng Từ Hạnh, Như Bửu, Thiện Nhơn…ngồi bên cạnh Thượng Tọa Đốc giáo Huyền Quang. Chú Minh Tâm ở chỗ cao cho đến nỗi không thấy đâu cả, bị mất hút giữa cây rừng, đá cao. Tức thì Nguyên Thuận (Lê V Hòa cùng tiến sĩ với GS Lê Mạnh Thát) cong hai bàn tay trước miệng làm cái loa kêu lớn: “ Minh Tâm ơi, ớ Minh Tâm đâu rồi? Minh Tâm bị Ma Đăng Già Thượng bắt cóc rồi, phải không? Không nghe trả lời, Nguyên Thuận bèn đổi lời : “ A lô, a lô , Thượng Tọa Đốc giáo bảo đại chúng tập hợp”. Chẳng mấy chốc Thầy Minh Tâm xuất hiện với một cây lan rừng và cây gậy trong tay, từng bước đi xuống. Đến nơi, Thầy Minh Tâm hỏi : “ Tập hợp chưa ?”. Nguyên Thuận cười, trả lời “Không muốn ông lên xa, nguy hiểm, nên chi dối lời ấy, để ông xuống”.

Tại đọng cát ở Bình Ba Cam Ranh. Trước khi vào niên học mới 1959 (sau Vu Lan), Thượng Tọa Thích Trí Thủ, Giám Viện PHV Hải Đức tổ chức cho Tăng Sinh du ngoạn tại thắng cảnh Bình Ba. Đi tàu lửa vào ga Ba Ngòi, đến chùa hội Phật Giáo Cam Ranh, ở lại qua đêm thứ bảy. Tại chùa hội, được Thầy trụ trị Thích Hạnh Phát lo cho đại chúng về ăn, uống, nghỉ ngơi. Sáng chủ nhật đại chúng xuống ghe máy 2 chiếc. Tháp tùng có Thầy trụ trì, bác hội trưởng hội Phật giáo Cam ranh. Ghe máy cập bến lúc 9 giờ. Thầy trò lê gót trên bãi cát vàng mênh mong, vừa đi đã mỏi trước khi đến dãy động cát cao có cây xanh cho bóng mát, là nơi an trú thưởng ngoạn. Đến những bóng cây rồi, Thượng Tọa GiámViện bảo đại chúng tự do thưởng ngoạn nhưng, đừng đi quá xa, leo quá cao. Thế là đại chúng mạnh ai nấy rảo bước đó đây. Nhóm Sa Di cồ chúng tôi, một vài Chú này leo lên đọng cát thấp nơi có cây, leo lên cây nhảy xuống cát, một vài Chú kia leo lên đọng cát cao, ngồi xuống , duỗi chân ra, tuột xuống nhiều lần như vậy. Các Thầy lớn thì đi tới, lui trên cát dưới bóng cây, trong đó có Thượng Tọa Giám Viện. Chẳng bao lâu, các Thầy tìm chỗ ngồi. Thượng Tọa Giám Viện, Thầy trụ trì Hạnh Phát, Thị giả là Chú Phước Hải và bác hội trưởng đến ngồi chung với nhau dưới một bóng cây. Tại đây có bình trà, chén uống trà, bình thủy nước nóng và có cả bánh mì, xôi đậu xanh, đậu hủ kho, nước uống cho bữa ăn trưa.

Riêng Chú Sa Di Cồ Minh Tâm của ta, Ngài biến dạng đâu mất không thấy. Huệ Khai liền hỏi Nguyên Thuận Minh Tâm đâu rồi ? Nguyên Thuận nói : “ Nhất định anh chàng Minh Tâm này đang ở đỉnh đọng cao nhất, không chạy đâu khỏi” Sau lời khẳng đinh chắc nịch, Huệ Khai và Nguyên Thuận xuống đọng, đứng nhìn lên. Quả thật thấy Thầy Minh Tâm nhỏ tý xíu đang đứng trên đỉnh động cao nhất. Nguyên Thuận đưa tay ngoắt mấy Thầy Sa Di Cồ đang đứng, ngồi ở dưới các bóng cây tại lưng chừng đọng xuống, để chỉ cho thấy Thầy Minh Tâm đang ở trên đỉnh trời Đao Lợi. Nhưng chỉ có Hạnh Cơ, Minh Nghĩa, Đức Trường, Hải Thanh, Nguyên Phương và Đức Hạnh tôi, đáp lời vẫy gọi của Nguyên Thuận xuống đọng, và hiện hữu. Chúng tôi cùng nhìn lên, đưa tay ngoắt. Lúc bấy giờ Thầy Minh Tâm cởi áo vạt hò ra, đưa lên vẫy để đáp lại, như thể thay cho lời nói “ta đã biết rồi, ta sẽ xuống ngay”. Sau cái vẫy áo đáp lễ, Thầy Minh Tâm xuống đọng thật mau.

Thấy chúng tôi xúm xít nhau, nhìn lên đọng, đưa tay ngoắt, vẫy. Đại Đức Thích Hạnh Phát đến, đem lời hỏi ngoắt ai trên đỉnh đọng. Đức Hạnh (tôi) trả lời ngoắt Thầy Minh Tâm xuống, Thầy ấy đang ở trên đỉnh cao. Thầy Hạnh Phát nói : “ Từ đỉnh cao đó, nhìn về hướng đông nam, ta sẽ thấy căn cứ Hải Quân và sân bay. Gọi Minh Tâm xuống, đừng đứng trên đó, người lính ở vọng gác tại phi trường khi nhìn thấy mình trên đỉnh cao, họ sẽ tưởng rằng Việt Cộng, họ nổ súng.

Thầy Hạnh Phát vừa dứt lời, Thầy Minh Tâm cũng vừa đến nơi. Thầy liền mở lời : “Đến đọng cát Bình Ba, mà không lên tận đỉnh cao, coi như chưa đến Bình Ba !” Nghe vậy, chúng tôi đồng vỗ tay.

Khi nào tập thể Tăng sinh Phật Học Viện ra đi ở đâu đó bằng xe lửa, dù cho có môi trường bơi lội, leo núi, thể thao, thể dục, hay không có nhưng, đang trên đường tới. Thì HT Minh Tâm đọc sách truyện bằng Anh văn, Pháp văn hoặc là sách giảng luận Pháp, chứ không nhìn trời, nhìn đất, cảnh vật. Như những chuyến đi thăm viếng Đà Lạt vào tháng 8, năm 1956 sau Vu lan do Thượng Tọa đốc giáo Thích Huyền Quang tổ chức cho Tăng sinh. Đi bằng xe lửa từ ga Nha Trang đến Phan Rang, chuyển qua xe lửa Đà Lạt. Và chuyến đi hành hương Tổ Đình Trà Cú Phan Thiết có leo núi, do Thượng Tọa Giám Viện PHV Hải Đức tổ chức cho Tăng sinh vào tháng 8, năm 1959. Cũng đi xe lửa từ Nha Trang đến ga Mương Mán Phan Thiết. Suốt hành trình đi và về trên xe lửa, HT Minh Tâm đọc sách một cách say mê, không nhìn ra ngoài xe, hay chung quanh mình. HT Minh Tâm đọc sách khi đi xe lửa, được chúng tôi thấy từ những ngày xưa,(1955, 56, 57..) khi chúng tôi và Thầy cùng đi về quê Phan Rí trong dịp Tết Nguyên Đán bằng xe lửa từ ga Nha Trang đến ga Sông Mao-Phan Rí. Trong khi đó chúng tôi(Kỉnh, Phương, Thuận, Pháp) ngồi nhìn ra cửa sổ. Trạng thái đọc sách khi đi xe lửa của HT Minh Tâm vẫn còn như thuở nào ngày xưa. Chứng thực, khi Đức Hạnh (tôi) đón Thầy một, hai lần tại ga xe lửa San Diego California từ PHV Quốc Tế đến. Tôi thấy Thầy mang túi vải nâu trên vai trái, tay phải cầm cuốn sách. Trong lúc lái xe, tôi nhớ Thầy đọc sách khi đi xe lửa với chúng tôi ở ngày xưa trên đường về quê ăn Tết và trở lại trường, tôi liền hỏi: “ Bây giờ Thầy vẫn đọc sách khi đi xe lửa như thuở nào, chứ ?”. Thầy nói: “ Ngồi xe lửa cả giờ đồng hồ, không biết làm gì cho hết giờ ! Niệm Phật và đọc sách được có ích lợi hơn; ru được giấc ngủ chút nào hay chút đó và cho ta được hiểu biết thêm về văn hóa, khoa học, kỹ thuật mới, v.v…ở đọc sách. Ngay cả đi xe lửa ở Âu Châu và máy bay từ Pháp đến các nơi trên thế giới vì Phật sự trong quá khứ và hiện nay, tôi vẫn đọc sách. Đọc sách cảm thấy bị mỏi mắt, xếp sách lần chuỗi (18 hạt) niệm Phật.” HT Minh Tâm đọc sách và niệm Phật trên xe lửa, máy bay, là đặc tính của HT Minh Tâm. Nếu không nói rằng; Thầy Minh Tâm không bao giờ để mất thì giờ, luôn sử dụng thì giờ cho việc đọc sách và niệm Phật khi ngồi trên xe lửa, máy bay, chứ không đọc sách trên xe hơi.

DaoHuu_Duc_Hanh_HT_MinhTam

Đến những năm 1962, 63, 64… trở đi, học Tăng Phật Học Viện Hải Đức, Già Lam (được xây dựng 1961) nói chung, huynh đệ Bửu Tích chúng tôi nói riêng, mỗi người trên vận hành Đạo Pháp khác nhau, mỗi người ra đi một phương trời trên các nẻo đường quê hương theo sở trường hạnh nguyện của mình. Phải nói rằng HT Minh Tâm, là vị Tăng tài của Phật Giáo và dân tộc Việt Nam. Mặc dù tấm thân ngũ uẩn của Ngài thường bị đau ốm nhưng, Ngài được có đôi chân Từ Bi và đôi cánh Trí Tuệ song toàn, cho nên Ngài đã bay qua xứ hoa Anh đào năm 1967 để học hỏi nền văn hóa của Nhật, trong đó có nghiên cứu về Thiền tông (Zen). Sau đó Ngài bay qua xứ Pháp sau 1973, nhận nơi đây làm quê hương thứ hai, Ngài liền xây dựng ngôi chùa Khánh Anh sơ sài ở thuở ban đầu, rồi dần dần tiến lên thật hoành tráng vĩ đại tại xứ người qua những năm dài, tháng rộng, Thầy trò cùng vận động vất vả, mới được có ngôi chùa lớn như vậy. Ngôi chùa Khánh Anh được biểu thị cho một Bồ Đề Đạo Tràng tại Âu Châu, mà HT Minh Tâm là trụ trì. Đích thực, Ngài ra đi từ Khánh Anh trên vận hành hoằng hóa độ sanh cho dân bản xứ và Phật tử Việt Nam khắp các xứ Châu Âu, Đông âu, Hoa Kỳ, Canada, Úc, các nước Nam Á : Ấn Độ, Miến Điện, Thái Lan… không chỗ nào mà Ngài không đến, để tổ chức tu học, thuyết giảng Phật pháp, thăm viếng và khuyến khích xây dựng ngôi Tam Bảo, rồi trở về Khánh Anh Paris.

Bên cạnh đó Ngài không quên người dân Việt còn trên quê hương, đang bị nhà cầm quyền tướt đoạt mọi quyền tự do, không có dân chủ, nhân quyền, Cho nên cứ đến ngày, tháng có cuộc họp về nhân quyền của cơ quan Liên Hiệp Quốc tại Tòa Quốc Hội Âu Châu. HT Minh Tâm không bỏ bữa nào, đã tri hành trên 40 lần. Lần nào, Ngài đều thân hành đến đó và nhiều người Việt Nam các giới đến với Ngài, cùng biểu tình nói lên lời yêu cầu Liên Hiệp Quốc hãy can thiệp với nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hãy để cho dân tộc Việt Nam chúng tôi đươc tự do, dân chủ, nhân quyền qua những tấm biểu ngữ, lời kinh cầu nguyện, ngồi tuyệt thực và thiền hành thầm lặng. Qua đây, cho ta thấy rằng trên đôi vai của HT Minh Tâm đã và đang gánh nặng cùng lúc hai đại nghĩa Đạo Pháp và Dân tộc Việt Nam một cách Viên Dung. Thật đúng với pháp hiệu Viên Dung mà HT Huyền Quang đã đặt cho Ngài, không sai tý nào !

Cho nên, Không những lo chu toàn công cuộc hoằng hóa độ sanh khắp năm châu, phụng sự đạo Pháp liên châu cho các Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu, Hoa Kỳ, Úc Châu và Canada, HT Minh Tâm cũng không quên nhớ về cội nguồn Bửu Tích bên quê nhà Phan Rí, Bình Thuận. Tôi còn nhớ, tôi gặp Thầy Minh Tâm tại Bát Nhã năm 2006, Ngài liền hỏi tôi về tượng Phật Quán Thế Âm lộ thiên trước sân chùa Bửu Tích bên quê nhà, đã đến đâu rồi ? Tôi nói : “Thầy trụ trì Nguyên Lệ đang xây Quan Âm Các, chờ tượng về là đặt vào. Thầy hỏi thêm ngân quỹ. Tôi nói : “ riêng anh em tôi Nguyên Kỉnh (Đức Hạnh), Nguyên Phương, Nguyên Thuận, Nguyên Thần và Quảng Thành, Hạnh Cơ và Hòa Thượng Thái Siêu (lúc ở Bảo Tịnh), Thượng Tọa Thích Minh Chí Phật Học Viện Quốc Tế có đóng góp công đức nhưng, không lấy gì làm đủ ! Sau đó HT Minh Tâm nhờ một bà Phật tử ở quận Cam Cali gởi về cho Đại Đức trụ trì Thích Nguyên Lệ 500 usd”.

Trong vai trò cố vấn cho chư Tăng Phật Học Viện Quốc Tế và lãnh đạo Phật Giáo Liên Châu, do vậy HT Minh Tâm năm nào cũng có mặt tại California khi thì mùa xuân, khi thì mùa hè, mùa thu. Cho nên huynh đệ Bửu Tích chúng tôi, lần nào cũng được găp Ngài. Có lúc gặp Ngài ở Tổng Hội Cư Sĩ Phật Giáo, Bát Nhã hay ở lễ đài Phật Đản, v.v… Tôi vẫn còn nhớ HT Minh Tâm bảo tôi gọi điện thoại và viết thư về Thầy Nguyên Lệ, bảo Đại Đúc Nguyên Lệ lập hồ sơ xin xuất cảnh, trong đó được hội đủ : giấy chứng nhận đang dạy Phật Pháp, Hoa văn (chữ Tàu)tại trường trung cấp Phật Học Phan Thiết, giảng sư tại Đại Tòng lâm Phan Rí Thành, văn bằng Sư Phạm Đại Học Việt Nam năm 2001, chứng chỉ tốt nghiệp cao học Hoa văn và Phật pháp tại Phật Học Viện Côn Minh Trung Quốc, giấy khai sanh, v.v… Rồi gởi qua cho Tiến sĩ Huỳnh Tấn Lê, để anh ấy lo cho mọi việc bảo lãnh từ A đến Z. Được qua Mỹ rồi ở Bát Nhã của HT Nguyên Trí, học Anh ngữ, cho đến khi nào có thẻ xanh, nhập quốc tịch Mỹ, thì qua Pháp ở Khánh Anh, vì Khánh Anh rất cần Tăng tài để thay thế tôi (Hòa thượng Minh Tâm)trong vô vàn giáo vụ của Phật Giáo tại xứ người.

Làm đúng theo lời HT Minh Tâm. Tôi vừa gọi điện thoai, vừa viết thư về cho Thầy Nguyên Lệ, nói và bảo Thầy thực hiện những giấy tờ đó. Lần đầu Thầy Nguyên Lệ bằng lòng, nhận chịu thực hiện hồ sơ xuất cảnh. Lần hai qua điện thoại, tôi nhắc lại và hỏi hồ sơ tới đâu rồi ? Thầy Nguyên Lệ nói một cách tiêu cực rằng : “Thầy ơi, Phật tử tại các xã Phan Rí Thành, Chợ Lầu, Lương Sơn, v.v… nghe con nói sẽ đi Mỹ, họ kéo về đây, khóc than, yêu cầu con đừng đi. Quý Hòa Thượng ở Đại Tòng Lâm và trong trường trung cấp, cũng về đây khuyên con đừng đi Mỹ, vì đi sẽ làm cho Phật sự bị đình chỉ, nhất là thuyết giảng Phật Pháp định kỳ tại Đại Tòng Lâm cho Phật tử, Tăng sinh ở trường trung cấp Phật Học Phan Thiết, không có vị nào thay thế được,. . .”

Tôi kể lại lời của Nguyên Lệ không chịu đi Mỹ, do Phật tử và chư Tăng yêu cầu cho HT Minh Tâm nghe khi gặp Ngài tại Park Westminster trong ngày Lễ Hội Phật Đản, sau khi thọ trai xong ở lều vải. Hòa thượng Minh Tâm nói : “Nguyên Lệ thiển cận quá ! Thôi thì mình cứ cho là không có duyên Đạo Pháp hải ngoại, mà có duyên đạo Pháp ở quê nhà, cũng tốt thôi”.

Thời gian gặp HT Minh Tâm gần đây nhất vào ngày Đại Lễ Phật Đản 2013, do chư Tăng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ tổ chức tại Square Park Santa Ana. Tôi và Nguyên Phương hàn huyên tâm sự với Ngài dưới bóng mát cội thông già sau giờ Trai Tăng. Câu chuyện hàn huyên hôm đó ở hai đề tài Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang . . . không còn như xưa. Chùa Bửu Tích được xây cất lại to lớn hơn. Chuyện Phật Học Viện Hải Đức không nói ra đây làm chi nữa, vì tất cả cựu Tăng sinh PHV Hải Đức trong và ngoài nước, đều dư biết kẻ thủ phạm đã và đang hủy diệt di sản Hải Đức, là ai rồi ! Chỉ đề cập đến chuyện Chùa Bửu Tích là đề tài chính với Hòa thượng Minh Tâm. Tôi vào đề : “Năm ngoái, tháng Chín, 2012, tôi về Việt Nam, trên đường ra Nha Trang, tôi nghỉ lại Bửu Tích hai hôm. Lúc đó có Hòa Thượng Thích Diệu Bổn từ chùa Quán Thế Âm Sài Gòn ra Bửu Tích cả tuần lễ rồi. Trong bữa điểm tâm sáng bằng bún riêu mỗi người một mâm riêng. Tôi ngồi bên cạnh tay trái HT Diệu Bổn, Thầy Nguyên Lệ ngồi đối diện. Ăn xong, trong lúc dùng trà, Thầy Nguyên Lệ đứng lên, chấp tay thưa : “Kính thưa Sư bá (Hòa thượng Diệu Bổn),Đại sư huynh (tôi).Năm đến 2013, con tròn 40 tuổi, là tuổi được thăng quan tiến chức, con sẽ đập bỏ toàn bộ chùa Bửu Tích cũ, xây cất lại lớn lên chiều cao, ngang ra hai mét mỗi bên, dài ra phía sau, để chứa 300 phật tử. Vậy quý Thầy bên hải ngoại vận động cho con được mau hoàn thành”. Sau khi Đại Đức trụ trì Nguyên Lệ dứt lời, HT Diệu Bổn nói nhỏ với tôi : “Nghe nói Minh Tâm bên Pháp cất chùa Khánh Anh lớn lắm, cả triệu đô la, phải không ?” Tôi trả lời : “ Cả triệu đô la, mà chưa đến đâu, còn nhiếu thứ lắm !”

Sau khi trình bày xong lời của Thầy Nguyên Lệ, HT Minh Tâm nói : “Nguyên Lệ gan quá hả ! Một khi phá ra, cất lại to hơn xưa chắc là khó lắm ! Vì xứ ta không có dân giàu, toàn là làm ruộng không thôi, nhưng xứ ta thường bị hạn hán, mất mùa liên miên !” Hòa thượng Minh Tâm nói tiếp : “Trong tất cả việc, việc xây cất nhà cửa, chùa chiền cho đúng cách, đúng kiểu thật khó lắm ! Tôi lo cái chùa Khánh Anh mới này về tài chánh, vật liệu, thật vất vả, chạy xuôi chạy gược bao nhiêu năm, gần muốn đứt hơi. Dự trù khánh thành vào năm đến 2014, không biết được còn sống đến đó, để lo việc khánh thành hay không ! Nhìn thân tướng đi mây về gió này nhưng, trong túi không có xu nào. Để khánh thành xong, trả nợ đâu vào đó, nếu còn, cũng sẽ giúp cho Nguyên Lệ một chút để hoàn thành ngôi Tam Bảo Bửu Tích, là cội gốc Bồ Đề của bước đầu tiên từ đó mình ra đi. Vì sự ra đi nào bằng đôi chân, cũng phải bắt nguồn từ bước đầu”.

Am đường chiều-(Sunset Trail), ngày 4 tháng Hai, Giáp Ngọ. Ngày 4-3-2014

Nguyên Kỉnh Đức Hạnh





Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]