Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ôn Khánh Anh (Thiện Ngộ)

06/09/201307:29(Xem: 14944)
Ôn Khánh Anh (Thiện Ngộ)

Thành Kính Tưởng Niệm

Ôn Khánh Anh

OnMinhTam_TichLan

“Kỷ niệm theo “Ôn” Khánh Anh đi nhận giải thưởng Tích Lan”


Bài viết của Thiện Ngộ Trần Văn Huyền
Pt Quảng An diễn đọc

Khung cảnh phía sau Hotel tại ngôi làng Negombo cạnh ven biển thật lãng mạn, nằm trong một vườn dừa lã ngọn đong đưa che mát. Gió biển thổi lên rười rượi như chiếc quạt khổng lồ đang đẩy gió từ ngoài khơi vào, để làm giảm sức nóng kinh hoàng của cái xứ sở “Sư tử hống” nầy. Nơi đây có một cuộc hội ngộ lịch sử của Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất Âu châu; cùng sự tham dự của chư Tôn đức trong Nước và, chư Tăng sinh du học tại Ấn độ vào đầu tháng bảy năm 2011. Mùa hè nơi đây thì khỏi nói nắng ơi là nắng, sức nóng cứ hâm hấp suốt ngày, nhưng bù lại môi trường địa phương nầy tương đối dễ chịu, nhờ có gió biển mang hơi nước xoa dịu cơn nóng nung người ấy. Vì thế nên đây là nơi chốn có thể nói là khá lý tưởng cho khách du lịch. Tuy không sang trọng nhưng nghe nói là ông chủ khách sạn có du học ở Đức, nên sẵn vốn liếng văn hóa Âu -Tây mà đáp ứng được sở thích của khách du lịch khắp nơi trên thế giới. Nhân viên phục vụ cũng rất dễ thương, vui vẻ, niềm nở, lịch sự biết làm vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi. Mọi yêu cầu của khách đều được đáp ứng bằng nụ cười thật tươi, làm việc cũng nhanh gọn, là những yếu tố khiến cho chúng tôi khi ở thấy thương, khi đi còn thấy nhớ. Nhớ ơi những bửa cơm đạm bạc nhưng họ nấu với tất cả tấm lòng, hình như họ thấu hiểu được sở thích của thực khách. Cùng với sự tham gia nấu nướng của quý Sư cô trong đoàn, đã đem lại cho đại chúng những bửa ăn thật tuyệt vời. Nhớ ơi những đỉa rau muống xào, nhớ ơi những món mít kho, nhớ ơi những đỉa trái cây thơm phưng phức mùi mật. Rau cải và trái cây ở đây thật ngọt được bày bán dọc đường phố, nhiều và rất ngon. Sau những bửa ăn lại đến những buổi trà đàm cũng rất thú vị. Lại nhớ những ly trà sửa và cung cách uống trà theo kiểu của người Anh. Là những hương vị tuy đơn sơ nhưng vẫn ghi lại trong ký ức chúng tôi kỷ niệm khó quên.

Trên đây là tấm hình cuộc hội ngộ nầy, tôi còn giữ lại như một kỷ niệm muôn đời ghi nhớ. Niềm hạnh phúc là vinh hạnh được đứng bên cạnh Ôn Khánh Anh, được nghe những lời giới thiệu của Thầy Phương Trượng Chùa Viên Giác, nguyên nhân chuyến hành hương nầy. Cùng với lời thăm hỏi và chúc lành nhị vị Sư Ông của chư Tôn đức hiện diện. Và buổi hàn huyên tâm sự rất thân mật đầy đạo vị. Được nghe tin tức sinh hoạt Phật giáo tại quê nhà, được nghe những giai thoại về du sinh ở Ấn độ với sự phấn đấu của quý Thầy, Cô đang du học tại Quốc gia nầy. Mọi người đều có cảm tưởng như một đại gia đình đi lưu lạc khắp nơi, bây giờ được hạnh ngộ trong một khung cảnh đẹp như mơ. Cảm giác ấy như một nguồn suối mát vi diệu tưới tẩm cho những tâm hồn ly hương, đang ngỡ ngàng trước cảnh đời xa lạ, đang vui sướng được hiện diện bên nhau và, đang tự hào về sinh hoạt của Phật giáo từ trong nước ra đến hải ngoại, vẫn được viên dung...! Niềm vui ấy như nguồn an ủi cho khách ly hương đang đón nhận nguồn hạnh phúc thăng hoa. Cùng niềm hảnh diện chung với nhị vị Sư Ông được vinh hạnh đón nhận “Giải thưởng cao quý” (giải thưởng Danh Dự cho những vị tích cực hoạt động truyền bá chánh Pháp tại hải ngoại), của một Quốc gia mà có nền Văn hóa Phật giáo lâu đời, cũng như họ lấy Phật giáo làm Quốc Giáo. Đây là một hiện tượng đặc biệt mà dĩ nhiên phải có những nguyên nhân gần xa của nó...

Nguyên nhân xa xôi, theo Thầy Thích Như Điển tác giả cuốn “Giữa Chốn Cung Vàng” viết về chuyến hành hương đầu tiên của Thầy đến Tích Lan: “Khoảng năm 1993 Đại Đức Seelawansa, người Tích Lan đã du học ở Áo hơn 11 năm qua, đã làm xong luận án Tiến sĩ và hiện nay giảng dạy tại Đại Học Wien về Triết học Phật giáo. Cách đây một năm Đại Đức đã cùng với phái đoàn Phật tử Việt nam tại Áo sang viếng chùa Viên giác tại Hannover và Đại Đức có nhã ý mời tôi sang Tích Lan thăm một chuyến...(trích).

Trong thời gian giao tình với thầy Thích Như Điển, thầy Seelawansa có cơ hội tìm hiểu về sinh hoạt Phật giáo của người Việt tại Âu châu để bổ túc cho giáo trình của thầy đang giảng dạy, đồng thời có thêm dữ kiện thành lập Hội Phật học tại Áo mà sau nầy Thầy được bầu làm Hội trưởng. Vã lại tại Áo những sinh hoạt Phật giáo của người Việt có khả năng ảnh hưởng rất nhiều trong vấn đề phát triển tại đây.

Tài liệu nghiên cứu về sinh hoạt của Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất Âu châu, qua những bài viết của thầy Seelawansa được đăng tải trên tờ báo lớn tại Colombo (Thủ đô của Tích lan) tạo sự chú ý cho Hội đồng Tăng già và Chính phủ Tích Lan. Nên sau đó được đề nghị trao giải: “Giải thưởng cao quý về việc Hoằng pháp trên Thế giới”. (Với hành trạng của thầy Thích Như Điển qua việc thành lập “Phái đoàn Hoằng pháp Âu châu”, đã đi hướng dẫn tu học cho Phật tử tại Hoa kỳ, Gia nã đại, Úc và Âu châu trên mười năm nay).

Còn Hòa thượng Thích Minh Tâm, ngoài việc xây dựng các cơ sở Phật giáo tại Pháp, cũng như hướng dẫn cho Phật tử trong những năm đầu tiên “chân ướt chân ráo” đến định cửa các Quốc gia tại Âu châu, như Na uy, Thụy điển, Đan mạch, Áo, Ý... Ngài còn chăm lo tổ chức 5 khóa học tại chùa Khánh Anh và 25 khóa tu học Phật pháp Âu châu (Xin xem phần sau).

(Trong thời điểm nầy thì Hòa Thượng Thích Minh Tâm làm Chủ tịch Điều hành Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất Âu châu, Hòa Thượng Thích Như Điển làm Tổng Thư Ký, cùng với quá trình hoằng pháp nên đến ngày nhận giải thì hai vị đều cùng đi).

Khi nhận được tin nầy: “Hòa thượng Thích Minh Tâm thì chẳng mừng và cũng chẳng quan tâm và Hòa thượng bảo rằng: “Để đến lúc ấy hảy tính”. Có vẻ việc đến bất ngờ chăng ? Nên Hòa thượng Minh Tâm cũng chẳng chuẩn bị gì cả ngoại trừ một lý lịch trích ngang và công lao hoằng pháp của Hòa thượng tại Âu châu mà chính thầy Seelawansa đã nhiều lần tai nghe mắt thấy...”(Trích : “Đã một lần như thế” bài viết của thầy Thích Như Điển đăng trên báo Viên Giác số 185 Chủ đề Hành hương Tích Lan ngày 02-14 Juli 2011).

Đây là bằng chứng hùng hồn nhất cho thấy tinh thần “Vô Ngã” của Hòa thượng Thích Minh Tâm. Cũng như cuộc sống bình dị, từ hòa và tôn trọng tha nhân của Ôn. Kể cả đối với các em Oanh vũ hay đối với người lớn tuổi cũng bình đẳng như nhau. Con còn nhớ có một lần trong dịp khoá học Phật pháp Âu châu, Ôn đi thăm sinh hoạt của Oanh vũ và Ôn nói đùa là đi thăm “Lớp Đại học Oanh vũ” thế là sau nầy có danh từ nầy dùng hoài. Hay gặp bất cứ người nào Ôn cũng ôn tồn thăm hỏi việc đời việc đạo, để rồi sau cùng với những lời khuyến khích tu học. Có lần trong khi “Khai thị” Ôn đã nói rằng: “Đi tu học như thế nầy, cũng như một người đi vào trong rừng trầm, dù khi về mình không mang về một miếng trầm nào cả, nhưng hương thơm của trầm nó sẽ bám vào trong áo của chúng ta”. Rất bình dị nhưng uyên áo vô cùng, một lời bình thường khích lệ cho Phật tử tu học, nhưng mang nhiều ý nghĩa siêu phàm, một ẩn dụ thâm thúy. Đây có thể gọi là những “bài Pháp không lời, những trang Kinh vô tự” để lại cho hậu thế chiêm nghiệm và học hỏi đức hạnh của Ôn.

Trong vấn đề tu học thì Ôn đã hết lòng, với năm khóa tu học tại chùa Khánh Anh Pháp quốc, đã mở màn cho sáng kiến thành lập các khóa tu học Phật pháp Âu châu rất quy mô sau nầy. Mỗi năm được tổ chức tại mỗi Quốc gia khác nhau. Nên tại mỗi khóa học lại có cung cách tổ chức, cũng như hình thức tùy theo hoàn cảnh địa phương mà gia giảm chương trình khác nhau. Nhưng tất cả đều chung về một hướng, đó là tấm lòng hoằng pháp độ sanh của chư Tôn đức, cũng như tinh thần cầu tiến của Phật tử khắp nơi nên đã thiết lập nên những đạo tràng thanh tịnh để tu học như lâu nay. Điểm đặc biệt là sau mỗi khóa tu học, Ôn cũng đều lo phương tiện cho học viên đi du ngoạn một ngày, đã tạo nên phần hào hứng và đã ghi lại những kỷ niệm đẹp của mỗi khóa tu học.

Nhân duyên thành lập các khoá tu học Phật pháp Âu châu, theo thầy Thích Như Điển trong bài viết: “Giới thiệu vài nét sơ lược về Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất Âu châu”, thì GHPGVNTN Âu châu được chính thức thành lập ngày 27 tháng 12 năm 1990 tại Na uy và đã ban hành bản Hiến chương của Giáo hội cũng như bản Nội quy để các Chùa, các Hội, các Chi hội, các Gia đình Phật tử dựa theo đó mà sinh hoạt, nhằm cũng cố niềm tin và hướng dẫn chư Tăng, Ni cũng như nam nữ Phật tử hiện đang sống tại xứ người.

Chùa Khánh Anh là một trong những ngôi chùa đầu tiên được thành lập trên đất Pháp từ năm 1974; cho đến hôm nay (2008) đã tròn 35 năm. Vị trụ trì của chùa nầy là Hòa Thượng Thích Minh Tâm. Đầu tiên Hòa thượng có tổ chức những khóa tu học Phật pháp cho Phật tử tại gia tại chùa Khánh Anh từ năm 1983 và kéo dài được 5 khóa, như vậy cho đến năm 1988 thì một số chư Tăng Ni và Phật tử đề nghị nên chuyển đổi khóa tu học ấy thành khóa tu học Phật pháp Âu châu. Do vậy mà năm 1989 là năm tổ chức khóa tu học Phật pháp Âu châu đầu tiên tại Hòa lan (từ 14 tháng 07 đến 23 tháng 07 năm 1989) và từ ấy đếnnay các khóa đã lần lượt được tổ chức như sau: “khóa 2 năm 1990 tại Berkof Đức. Khóa 3 năm 1991 tại Aarhus Đan mạch. Khóa 4 năm 1992 tại Falli-Holli Thụy sĩ. Khóa 5 1993 tại Amiens Pháp. Khóa 6 năm 1994 tại Sint-Truiden Bỉ. Khóa 7 năm 1995 tại Hornsyld Đan mạch. Khoá 8 năm 1996 tại Helvoirt Hòa lan. Khóa 9 năm 1997 tại Pfaffenhofen Đức quốc. Khóa 10 năm 1998 tại Glaubenberg Thụy sĩ. Khóa 11 năm 1999 tại Oslo Nauy. Khoa 12 năm 2000 tạo Amiens Pháp. Khóa 13 năm 2001 tại Gottenburg Thụy điển. Khóa 14 năm năm 2002 tại Wynmondham Anh quốc. Khóa 15 năm 2003 tại Aarhus Đan mạch. Khóa 16 năm 2004 tại Ý Đại lợi. Khóa 17 năm 2005 tại Amiens Pháp quốc. Khóa 18 năm 2006 tại Schulzentrum Totstedt Đức quốc. Khóa 19 năm 2007 tại Lerum Gynasium Görteborg Thụy điển. Khóa 20 năm 2008 tại Amiens Pháp quốc....và năm nay 2013 là khóa tu học thứ 25 tại Phần lan.

Trong những năm đầu tiên trên xứ người, những nơi nào chưa có Chùa và chưa có Thầy thì Hòa thượng Thích Minh Tâm đã đích thân đến đó để hướng dẫn quý Phật tử ngay từ lúc ban đầu như các nước: Hòa lan, Na uy, Đan mạch, Thụy sĩ v.v.. Những vị Tăng cộng tác đắc lực với Hòa thượng Thích Minh Tâm lúc bấy giờ là Thượng tọa Thích Tánh Thiệt (Pháp) và Thượng tọa Thích Như Điển (Đức)...(trích).

Vấn đề tổ chức các khóa tu học Âu châu cũng rất gian nan và phức tạp chứ không phải đơn giản. Bởi vì như ai cũng biết người Việt chúng ta sinh sống tại hải ngoại đều ở rải rác, mà ban tổ chức địa phương của mỗi quốc gia đều phải thuê mướn địa điểm, thành lập những ban ngành như ban đón tiếp từ phi trường hay các nhà ga xe lửa, ban trai soan lo cho trên dưới một ngàn người, ban trang trí...có khóa học đã trưng dụng thêm các Chi hội Phật tử của các Quốc gia lân cận đến phụ giúp nữa. Thêm nữa, trên thực tế Phật tử đâu phải tất cả đầu thuần thành, như nhà thơ Sông Thu đã diễn tả qua bài thơ “Đi Chùa” trong thi phẩm Trầm Hương như sau:

Có ba thái độ đi chùa

Ngỡ ngàng xa lạ, vui đùa giải khuây

Xem chùa là chuyện của thầy

Vòng ngoài ngắm cảnh ai hay làm gì !”

Có rất nhiều người đắn đo, do dự khi nhận được tin tu học nầy, cũng như phương tiện từ các Quốc gia khác đến nơi tổ chức rất khó khăn và tốn kém. Vì vậy nên việc vận động người đi tu học cũng là một việc làm hết sức gian nan. Nhưng theo phương pháp “chiêu dụ” của Ôn thì rồi gần đến ngày khải giảng khoá học, học viên ghi danh tu học không dưới bảy, tám trăm người. Những khóa tu học đông nhất là Ý Đại Lợi, khóa thứ 16 học viên và chư Tôn đức lên đến ngàn người. Được biết khóa tu học ở Áo quốc là đông nhất từ trước đến nay trên ngàn người tham dự. Ôn còn có chương trình quyên góp gạo và thực phẩm cho khóa tu học cũng đã san sẻ cho ban tổ chức một phần gánh nặng chi phí. Với lời kêu gọi của Ôn cũng giản dị thôi: “Kỳ nầy mình không có cơ hội đi tu học, thì mình giúp thêm phương tiện cho bạn đạo của mình, rồi sau nầy nếu mình có cơ hội đi thì họ sẽ giúp lại thôi, có qua lại với nhau như vậy nó mới vui”. Hay là cũng trong khóa tu học nầỳ, vì số lượng quá đông nên phải vận động thêm các Chi hội Phật tử ở Đức qua giúp, mỗi Chi hội giúp hai ngày. Họ đem theo các phương tiện chế biến thực phẩm như máy xay đậu làm tàu hủ. Cứ mỗi buổi chiều Ôn hay qua thăm các ban làm công quả, Ôn cũng cầm cây quậy tàu hủ chung với Phật tử. Vừa làm Ôn vừa hỏi chuyện, với lời nói ôn tồn chậm rải, cũng như lúc nào Ôn cũng nói đùa để làm vui mọi người, hay khi thấy bóng dáng của Ôn đến thì ai cũng cảm thấy vui mừng. Cảm nhận được nguồn hạnh phúc khi được đứng cạnh Ôn thật ấm áp, niềm vui ấy như mãi dâng lên.

Nói đến khóa tu học tại Ý Đại lợi thì dư vang bây giờ vẫn còn vọng lại, như một sự hảnh diện cho Phật giáo Việt nam tại xứ người. Vốn là năm ấy Giáo hội mướn nguyên một Học viện của Thiên Chúa Giáo để tổ chức tu học. Tu viện tọa lạc trong một rừng thông bạt ngàn, nhà cửa rộng rãi, tiện nghi đầy đủ, khung cảnh thật yên tỉnh. Ai cũng lo ngại rằng sợ việc tổ chức không bảo quản nổi, nếu xẩy ra một việc đáng tiếc nào đó thì chắc là khó duy trì được danh dự của Giáo hội. Thế nhưng trong buổi lễ mãn khóa với sự tham dự của Giám đốc Học viện Filippin và ông Thị trưởng Thành phố Paderno. Sư huynh Gabriele, Giám đốc Học viện đã phát biểu như sau: “Với số lượng người như vậy mà ban vệ sinh của học viện chỉ thu gọn trong những bị rác nhỏ mà chúng tôi đã thiết trí quanh học viện. Không có một sự thiệt hại nào cho học viện. Cộng đồng Phật tử Việt nam rất đáng được khen ngợi về lòng mộ đạo, sự hăng hái làm việc, giản dị và thích ứng với mọi hoàn cảnh. Chúng tôi đã cho xử dụng phòng giặt, nhưng họ thích giặt bằng tay để không làm phiền đến học viện”....

Khởi đầu khóa học, chúng tôi đã chuẩn bị cho Quý vị một cơ sở đầy đủ tiện nghi và yên tỉnh để tu học. Giờ đây khóa học đã kết thúc. Tôi cầu chúc Quý vị giữ mãi trong tâm hồn những kỷ niệm đáng mến về Khóa học 16 tại học viện Filippin thuộc dòng Sư huynh của Thiên Chúa Giáo, mà họ đã có những hoạt động tại quê hương Việt nam của Quý vị.

Tôi không biết là chúng ta đã đạt được sự cảm thông lẫn nhau, sự đánh giá đó tôi xin dành cho Quý vị, nhưng có một điều chắc chắn là: Thật tuyệt vời với những điều mà chúng tôi ghi nhận được ở Quý vị.

1) Chúng tôi thán phục tinh thần thích nghi, khả năng xử lý những phiền toái, những khó khăn trở ngại về giờ giấc của Quý vị. Từ một dân tộc chịu nhiều thử thách bằng sự khổ đau, Quý vị đã vươn lên để gõ cánh cửa chân lý, trang bị lòng tự tin để bước lên phía trước.

2) Chúng tôi thán phục những con tim vui nhộn của Quý vị, những tâm hồn thanh thản, cách chào theo nhà Phật với hai bàn tay chấp lại, thật dễ thương, cúi đầu nhưng mắt nhìn thẳng về phía trước. Quý vị là những người cười bằng ánh mắt và một khuôn mặt với nụ cười là món quà cao cả nhất, nó không tốn kém gì cả nhưng giá trị ở đỉnh cao. Sự hiện diện của Quý vị đã vui nhộn hòa với môi trường, tạo thành hào quang, ánh sáng soi đường cho những vùng chung quanh.

3) – Chúng tôi cũng thán phục khả năng tạo ra sự an lành trong cuộc sống hàng ngày như: Quý vị đi kinh hành, đi dự khóa lễ, công việc nhà bếp như: lúc lặt rau, xếp đặt nhà ăn, yên lặng lúc dùng cơm, lúc làm việc... Những cái đó đã dạy cho chúng tôi một điều dù bé nhỏ nhưng có thể trở thành quan trọng. Sự tôn trọng tài sản và môi trường cơ sở của Học viện mà Quý vị đã cho chúng tôi thấy rõ: Trong những con người nhỏ bé chứa đựng những giá trị cao cả.

Kỷ niệm đẹp nầy sẽ còn mãi ở Học viện Filippin là một thí dụ điển hình về sự gần gủi giữa hai nền văn hóa (Việt nam – Ý Đại lợi) và Tôn Giáo bằng hữu trong một thế giới đầy dẫy những sự chia rẽ nầy. Hy vọng nền văn hóa truyền thống Quý vị sẽ được trường tồn và không bị mai một trong đất nước mà Quý vị đang cư ngụ.

Cám ơn Quý vị đã đến với chúng tôi. Chúng tôi xin tiển đưa Quý vị với tất cả lòng cảm mến.” (trích Bản tin Khánh Anh, tháng 10/2004).

Phật tử Việt nam đã tổ chức một cách chu đáo khóa học, thông tin liên lạc một cách nhanh chóng, tất cả học viên đều ăn chay. Học viên đã đón nhận nhiều sinh viên trên khắp thế giới và nhất là sinh viên từ Mỹ. Tinh thần tự trọng trong công việc giao tế, đã cho chúng tôi thấy rất khó tìm trong nền văn hóa Tây phương. Khóa học sẽ chấm dứt vào ngày thứ 5 với một chương trình văn nghệ cho học viên và cho tất cả những ai muốn tìm hiểu về văn hóa Việt nam. Cuối cùng ngày thứ 6 Ban tổ chức đã chuẩn bị sẵn 15 chiếc xe buýt lớn cho tất cả học viên để đi thăm thành phố du lịch nổi tiếng ở Venise. (Hồng Châu lược dịch theo tờ báo Tribuna di Treviso của địa phương ra ngày 11/8/04).

“Con xin mượn lời của Giám đốc Học viện Filippin cũng như các mẫu tin của báo chí địa phương khen ngợi về việc tổ chức khóa tu học Phật pháp Âu châu tại Ý năm 2004 vừa qua. Vì chúng con luôn nghĩ rằng nhận xét của người chủ nhân cho chúng ta mượn cơ sở; cũng như những nhà báo địa phương đều trung thực nhất, vì không dưng mà họ đi khen ngợi chúng ta, khi thấy chúng ta không đáp ứng được những điều họ mong muốn?. Vã lại họ đối với chúng ta là người mà chủng tộc, tôn giáo cũng như văn hóa đều hoàn toàn khác biệt. Phải có sự “giao cảm” hài hòa, phải có sự cảm thông đích thực mới chấp nhận được sự “thân thiện và thán phục” chúng ta vô điều kiện nầy”.

“Sự hiện diện của Quý vị đã vui nhộn hòa với môi trường, tao thành hào quang, ánh sáng soi đường cho những vùng chung quanh”(lời phát biểu của Giám đốc Học viện Filippin).

Trong sự nghiệp thành công của Giáo hội mà Ôn là ngọn hải đăng đã tạo nên “Năng lượng Hào quang” chẳng những để soi đường cho cộng đồng Phật tử Việt nam, mà còn soi đường cho những vùng miền xa lạ, mà “Ánh sáng Văn minh” đã nghiễm nhiên ngự trị rất nhiều thế kỷ trên các Quốc gia Âu châu...!

Chúng con ngỡ tưởng Ôn sẽ mãi mãi là ngọn hải đăng soi đường dẫn lối cho chúng con ... !

“Nhưng than ôi ! Phương nầy thân Tứ Đại

phải tuân theo định luật của Vô Thường ...!

con kính ngưỡng “Công Đức Ôn” để lại (9)

làm “Giá gương” cho Tứ Chúng soi chung !”

Nguyện cầu “Ôn” được an bình

Thong dong Tự tại Vô sinh Niết bàn

Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát.

Thành Kính xin đảnh lễ bái biệt “Ôn”

Con, Thiện Ngộ Trần Văn Huyền

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com