Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ôn Minh Tâm, Người trồng Sen trên tuyết ( bài viết của Thích Nguyên Tạng, do Phật tử Tường Dinh diễn đọc)

20/08/201305:41(Xem: 22239)
Ôn Minh Tâm, Người trồng Sen trên tuyết ( bài viết của Thích Nguyên Tạng, do Phật tử Tường Dinh diễn đọc)



Ôn Minh Tâm,
người trồng Sen trên tuyết


Bài viết của Thích Nguyên Tạng
Diễn đọc: Tường Dinh đài FM 97.4


Sen là loài hoa đặc biệt, được xem như biểu tượng của Đạo Phật với ý nghĩa vô nhiễm và giác ngộ. Vô nhiễm vì gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn, giác ngộ vì cho dù sinh ra trong bùn dơ nước đục vẫn cố vươn lên với đầy đủ bốn yếu tố: cánh sen, nhụy sen, gương sen và hạt sen, đó là năng lực phi thường của một loài hoa thắng pháp giác ngộ. Bốn yếu tố ấy của hoa sen là biểu trưng cho Phật tánh của chúng sanh, nhân và quả có mặt cùng một lúc, dù còn hụp lặn trong biển khổ sinh tử, ba cõi sáu đường, nhưng vẫn có đầy đủ tánh Phật, một khi tu tập đúng pháp, Phật tánh kia sẽ hiển lộ, giống như hoa Sen kia vượt ra khỏi bùn đen rồi vươn lên trên mặt nước để nở rộ một đóa Sen hồng tươi thắm.


“Hoằng pháp và xây chùa ở hải ngoại này cũng giống như đem Sen trồng trên xứ tuyết”. Đó là lời nói để đời của Ôn Minh Tâm trong Lễ Khánh Thành Tu Viện Quảng Đức vào ngày 12-10-2003.


Con ghi nhớ và suy tư về lời phán quyết độc đáo này của Ôn trong nhiều năm qua. Rõ ràng câu nói này đã toát lên một hình ảnh nên thơ đẹp đẽ nhưng cũng ẩn chứa ý nghĩa hết sức khó khăn với muôn vàn cay đắng, gian lao khổ nhọc cho những ai phát nguyện dấn thân hành đạo ở nơi xứ lạ quê người. "Trồng Sen trên tuyết", chuyện tưởng dường như không thể, nhưng trong thực tế thì lại khác, gần bốn mươi năm qua ở hải ngoại, nhiều "đóa Sen" đã được trồng xuống và nở hoa trên xứ tuyết ở trời Tây.


Chúng ta có thể nhìn thấy cuộc đời hoằng pháp của Ôn Minh Tâm có nhiều điểm son nhưng nổi bật nhất là Ôn đã trồng ba đóa Sen xuống vùng đất lạnh giá của Âu Châu, đó là: (1) Xây Chùa Khánh Anh, (2) Bản Tin Khánh Anh và (3) tổ chức Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu.

1/ Xây Chùa Khánh Anh:


Chùa Khánh Anh được thành lập vào mùa Phật Đản năm 1974 sau khi Ôn từ Nhật sang Pháp định cư. Ôn quyết định lấy tôn hiệu của Tổ Khánh Anh để đặt tên cho ngôi chùa, vì Ôn thích phương châm hành đạo của Tổ là "Hoằng pháp lợi sanh là sự nghiệp của hàng Tăng sĩ. Hộ trì Chánh Pháp là bổn phận của người phật tử tại gia. Chúng ta hãy xem đó như việc nhà. Chúng ta hãy cố gắng tiếp dẫn đoàn hậu lai duy trì Chánh pháp. Chúng ta hãy luôn luôn tâm niệm rằng: xây dựng Phật giáo bằng chính sự thực hành tu học và bằng những hoạt động xã hội phù hợp với Chánh pháp". (Lời dạy của Hòa Thượng Khánh Anh khi Ngài được suy tôn vào ngôi vị Pháp Chủ Giáo Hội Tăng Già Toàn Quốc (1959-1961).


Có thể nói lời dạy của Tổ Khánh Anh, cũng là kim chỉ nam tu tập và hành đạo trong suốt 64 năm nơi cửa đạo của Ôn Minh Tâm, dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào Ôn vẫn thủy chung như nhất với tôn chỉ "Hoằng pháp là nhiệm vụ, lợi sanh là lẽ sống" này.


Như vậy sau bao nhiêu khó khăn, Chùa Khánh Anh được Ôn thành lập tại quận Acceuil, được xem là một trong những ngôi chùa Việt đầu tiên ở Pháp, đến năm 1977 lại dời về quận Bagneux. Rồi đến ngày 18 tháng 6 năm 1995, Ôn quyết định đặt viên đá và khởi công xây dựng chùa Khánh Anh mới tại Evry, cách chùa cũ khoảng hơn một tiếng lái xe.

HT_Minh_Tam_Chua_Moi.pg

"Ôn trong ngày ký giấy mua khu đất xây dựng Chùa mới, ngày 03/05/1995"

 

Có thể nói đây là công trình xây dựng gần suốt cả một đời tu của Ôn, công trình xây dựng kéo 18 năm trời với bao nhiêu gian khổ, mồ hôi, nước mắt, chí nguyện và hoài bảo, tất cả Ôn đều dồn hết vào đại công trình này. Dự tính sẽ khánh thành vào 2015, kỷ niệm chu niên 20 năm xây dựng. Kinh phí (tính cho đến ngày Ôn viên tịch, 8-8-2013) là khoảng 16 triệu Euro (khoảng 20 triệu Mỹ Kim). Phần lớn số tiền này là được Ôn rút ra từ "Ngân hàng Cấp Cô Độc" để xây dựng.


Phải nói rằng "Ngân Hàng Cấp Cô Độc", còn gọi là " Hội Thiện", là một sáng kiến độc đáo của Ôn trong quá trình xây dựng chùa. Bên cạnh những đóng góp cúng dường, còn có phần cho mượn tiền không tính lời và cho mượn không có hạn cuộc về thời gian. Quý Phật tử gởi tiền vào ngân hàng này để dành, khi cần thì xin rút về, thư thả thì gởi vào lại. Chưa cần thì để đó như một ngân khoản "ký quỹ Tam bảo". Trong 18 năm qua, cũng có nhiều Phật tử ban đầu cho mượn, nhưng sau đó phát tâm cúng dường luôn. Cũng có giai đoạn quá khó khăn, công trình bị ngưng trệ, đêm đêm Ôn nguyện cầu " Nam Mô Hội Thiện Bồ Tát", lập tức có người chuyển tiền vào ngân hàng để cứu nguy. Quả thật là Phật Pháp nhiệm mầu. Theo Ôn thì chính nhờ "kho tiền" này mà Ôn an tâm tiếp tục công việc, đó là một điểm nương tựa vững chắc cho công trình xây dựng để tiến dần từng bước, từng bước đến chỗ hoàn tất như hình ảnh chúng ta thấy hiện nay.

 



Chua_Khanh_Anh__18_



Chùa Khánh Anh, công trình xây dựng của đời Ôn



 


Nơi đây một ngôi già lam thanh tịnh, đồ sộ với chánh điện, giảng đường, tăng xá; phía trước có Tháp Quan Âm cứu khổ, phía sau có Tháp Địa Tạng độ sinh, rồi có Tượng đài Tử Sĩ tưởng niệm chiến sĩ trận vong đồng bào tử nạn... Từ xa nhìn thấy quần thể kiến trúc đẹp mắt với mái ngói cong màu vàng rực rỡ, biểu trưng cho trí tuệ ngàn năm cổ kính Phật Giáo của phương Đông nay lại xuất hiện trong vòm trời của Tây Phương hiện đại. Bộ Văn Hóa và Du Lịch địa phương tỉnh Ervy cứ phone hỏi thăm Ôn về lễ khánh thành, vì họ nóng lòng đợi chờ ngày chính thức đưa hình ảnh ngôi chùa này vào sách, báo du lịch và địa điểm tham quan của du khách. Phải nói rằng đây là niềm tự hào của ngôi chùa PGVN trong nền văn hóa của trời Âu.


Cũng như nhiều vị khác ở hải ngoại, 40 năm trời ròng rã ở Pháp, hầu hết thời gian là Ôn dành để xây dựng cơ sở hạ tầng, đặt nền tảng vững chắc cho thế hệ kế tiếp, đây là một sự hy sinh to lớn và nhọc nhằn của người đi trước. Xây chùa Khánh Anh là một Phật sự lớn của đời Ôn. Ôn luôn trăn trở, lo lắng để mong sao cho công trình sớm hoàn thành. Ôn đã gian lao cực khổ vì công việc chùa, việc Giáo Hội, phần khác là vì căn bệnh loét bao tử kinh niên, thức ăn chính của Ôn thường là mì gói và rau xà lách, nên sức khỏe của Ôn đã bị bào mòn theo thời gian. Có lúc đã gục ngã vì bệnh duyên, nhưng với ý chí sắt đá, Ôn đã kiên tâm trì chí làm việc cho đến phút cuối cùng. Đã có không ít người hiểu sai và nặng lời chỉ trích Ôn về việc xây chùa to làm gì. Ôn đã bộc bạch điều này trong lần phỏng vấn với một đài truyền hình bên USA rằng: " Xây chùa là một pháp tu của Bồ tát hạnh, nếu chỉ tu cho bản thân thì không cần xây chùa làm gì cho khổ, nhưng xây chùa ở đây là tôi nghĩ đến thế hệ kế thừa người Việt ở hải ngoại. Chùa Khánh Anh khá lớn, không phải chỉ để thờ cúng mà là một Tu Viện để đào tạo Tăng Ni kế thừa sự nghiệp hoằng pháp về sau này. Sở dĩ công trình xây dựng kéo quá lâu như vậy, tất cả chỉ vì vấn đề ngân khoản lúc có lúc không, phần lớn phải dựa vào sự phát tâm của đồng bào tỵ nạn...".


Quả thật Ôn là một vị Bồ tát hóa thân để xây dựng chùa ở trời Âu, Ôn đã đem Sen đến trồng ở vùng tuyết lạnh giá ở Ervy, và đóa Sen này sẽ nở rộ trong những ngày sắp tới. Cho dù Ôn không còn trên thế gian này để nhìn thấy thành quả của mình nhưng thế hệ kế thừa của Ôn sẽ tiếp tục dấn bước theo hạnh nguyện bất khả tư nghì của Ôn.


Ai ai cũng nóng lòng chờ đợi về Pháp quốc một lần để dự lễ khánh thành và chúc mừng Ôn đã hoàn thành công trình để đời, nhưng tiếc thay Ôn đã quảy dép về Tây, quả thật là "Trời Âu đã lịm tắt một vì sao". Mong rằng thế hệ kế thừa tiếp tục hoàn tất phần cuối cùng của công trình xây dựng để viên mãn ước nguyện hoằng pháp của Ôn.


2/ Bản Tin Khánh Anh:

Hầu hết chùa Việt ở Hải ngoại này đều nhận được bản tin Tam Cá Nguyệt của Ôn. Tính đến tháng 8-2013, bản tin đã phát hành đến số 96, được in 4 màu, 32 trang, mỗi kỳ in 12.000 bản, phân nửa được gởi tặng trong nước Pháp, và phân nửa gởi đi các nước ở Âu châu và các châu khác. Chi phí in mỗi kỳ từ 5 đến 7 ngàn Âu kim, có lúc phải nhờ "Hội Thiện" cứu nguy, nhưng Ôn vẫn cố gắng duy trì giấc mơ " thức dậy đi làm văn hóa" này.


Có thể nói rằng trong suốt cuộc đời hoằng pháp của Ôn, dù không có một tác phẩm nào để lại cho đời, nhưng bản tin Khánh Anh cùng một số báo được phát hành trước kia (tiền thân của Bản Tin Khánh Anh, Ôn đã lần lượt phát hành: 8 số báo Pháp Luân (từ tháng 5/1974 đến tháng 1/1975); 69 số báo Khánh Anh (từ 27/2/75 đến đầu năm 1992) và 96 Bản tin Khánh Anh, từ tháng 1/1989 cho đến ngày nay, tháng 8/2013), là một niềm tự hào, là những đứa con tinh thần và là tim óc của Ôn để lại cho văn khố PGVN ở hải ngoại.


Con có bàn thảo với TT Quảng Đạo và Ni Sư Diệu Trạm, con sẽ cùng với hai vị cố gắng sưu tập lại tất cả những bài viết của Ôn trong Bản tin Khánh Anh, để đăng tải đầy đủ vào trang nhà Quảng Đức và sau đó sẽ in thành một tuyển tập để lưu dấu kỷ niệm trong cuộc đời hoằng pháp của Ôn. Ngưỡng mong Ôn chứng minh và gia hộ cho chúng con làm được công việc này.


Bantinkhanhanh

Bản tin Khánh Anh, tác phẩm của đời Ôn



3/ Khóa Học Phật Pháp Âu Châu:


Hiện tại ở hải ngoại này, khóa tu học Phật Pháp hằng năm nổi tiếng nhất vẫn là " Khóa học Phật Pháp Âu châu" hay tên gọi đầy đủ là "Khóa Tu Học Phật Pháp Âu châu", hàm ý vừa có "học" vừa có "tu", chứ không phải là "học" không, nhưng với lối nói nhanh, gọi tắt thành ra "Khóa học Phật Pháp Âu châu", vì lẽ trong chương trình sinh hoạt 10 ngày mỗi kỳ có đầy đủ các thời khóa tụng niệm, sám hối, tọa thiền, kinh hành, niệm Phật... bên cạnh những giờ học hỏi giáo lý cấp 1, cấp 2, cấp 3, đại học Oanh Vũ... . Người khởi xướng và đứng ra tổ chức là Ôn Minh Tâm, đây là một điểm nổi bật khác trong suốt cuộc đời " biến nhập trần lao tác Phật sự" của Ôn.


Theo chân của Ôn và Giáo Hội Âu Châu, Giáo Hội Úc Châu đã tổ chức Khóa Tu Học Phật Pháp Úc Châu vào mỗi cuối năm trong dịp lễ nghỉ tết Tây (đến nay đã được 12 khóa) và Hoa Kỳ & Canada thì có Khóa Tu Học Phật Pháp Bắc Mỹ, tổ chức vào trung tuần tháng 8 hằng năm (đã được 3 khóa), nhưng so với Âu Châu thì Úc Châu và Mỹ Châu không phong phú và đa dạng bằng, vì nhìn lại hình ảnh từ Khóa 1 đến Khóa 25, tất cả đều nhận ra Khóa học Âu Châu có nhiều biến đổi và đa dạng, từ diễn giảng, tụng Kinh, niệm Phật, lễ bái cho đến sinh hoạt thanh niên, họp bạn Gia Đình Phật Tử, rồi Hội Nghị thường niên, Đại Hội Khoáng Đại... tất cả đều gói gọn trong 10 ngày. Đặc biệt trong Khóa tu Âu Châu có dành riêng một ngày Niệm Phật và sinh hoạt Bồ Tát giới, sinh hoạt lớp trẻ theo từng ngôn ngữ như: lớp giảng tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Việt, tiếng Pháp... Chủ trương của Ôn luôn phóng khoáng, lắng nghe ý kiến để có thể thay đổi và đa dạng hóa về mặt tổ chức, ngõ hầu bắt kịp với hoàn cảnh và đời sống hiện tại. Nhờ vào khóa tu học này mà hàng vạn đệ tử đã tìm thấy niềm vui và lẽ sống của đời mình, đặc biệt là có nhiều người trẻ đã phát tâm xuất gia để tiếp nối ngọn đèn Chánh Pháp ở trời Tây. Hoa trái của khóa tu học Âu Châu mà chúng ta nhìn thấy hôm nay, phần lớn là nhờ vào sáng kiến, tài thao lược lãnh đạo và nhất là do công đức tu tập của Ôn.


Nghiệp của con là làm thư ký và ghi chép phóng sự tường thuật, nên ngay từ mùa Phật Đản 1999, thành lập trang nhà Quảng Đức, con luôn để tâm theo dõi, cập nhật tin tức về Khóa tu học Âu Châu và phong thái điều hành của Ôn. Con ngạc nhiên, vì nhìn thấy Ôn vừa là trưởng ban điều hành, vừa là thư ký ghi chép, vừa là phóng viên viết bài tường thuật... tất cả mọi việc đều tự tay Ôn làm. Khởi đầu khóa tu Ôn ra thông báo, rồi kế tiếp nhắc nhở ghi danh trong 3 bản tin trước khóa tu và đích thân viết một bài tường thuật đúc kết sau khi khóa tu hoàn mãn. Những chi tiết nhỏ nhất từ những đóng góp như một bao gạo, một bó rau, một chai xì dầu... cho khóa tu, đều được Ôn ghi nhận đầy đủ trong bản tin, chủ yếu là để khuyến khích, tán thán công đức của tín thí đàn na. Đây là điều mà chúng ta cần học ở Ôn, đôi khi chúng ta chỉ chú ý đến nét đại cương mà lại lãng quên tiểu tiết. Quả thực sức làm việc của Ôn bằng mười người khác, tục ngữ VN có câu " Trăm hay không bằng tay quen", có nghĩa là cho dù thông minh, hiểu sâu biết rộng cũng không bằng kinh nghiệm và kỹ năng thuần thục trong công việc, có lẽ rơi vào trường hợp này của Ôn.


Có thể nói rằng Ôn là chuyên gia hàng đầu trong việc tổ chức Khóa tu học Phật Pháp ở hải ngoại. Con là "fan" của Ôn, lúc nào cũng háo hức chờ đọc những bài tường thuật, phóng sự tin tức sinh hoạt và nhất là các bản tin thông báo và đúc kết khóa tu học của Ôn. Phong cách viết của Ôn lúc nào cũng chân tình, nhẹ nhàng, hóm hỉnh, hài hước, sử dụng ngôn ngữ đời thường nhưng thâm thúy và sâu lắng, vừa chuyển tải thông tin, vừa làm cho người đọc thích thú. Thảo nào Khóa tu học Âu Châu ngày càng đông, khóa đầu tiên chỉ có 100 học viên, nhưng đến các khóa tu gần đây, con số này đã tăng lên gần cả ngàn học viên. Một phần là do phong cách lãnh đạo và tài hoa viết phóng sự của Ôn, lôi kéo người đọc phải hoan hỷ và phát tâm ghi danh tham dự.

Đặc biệt khóa tu thứ 25 là khóa tu học cuối cùng do Ôn điều hành (Trưởng ban tổ chức địa phương là TT Hạnh Bảo, đệ tử của HT Như Điển), được tổ chức tại Phần Lan, và sau khóa tu bế mạc 4 ngày thì Ôn đã chọn nơi đây để đi vào cõi giới vô tung bất diệt. Ai cũng biết Phần Lan (Finland) là một quốc gia có dân cư thưa thớt nhất ở châu Âu, nên con số Phật tử lại càng ít hơn, có lẽ vì thế mà Ôn đã chọn nơi này để vào Niết Bàn với một ước nguyện Phật Pháp sẽ phát triển trong tương lai sau khi hình bóng của Ôn đã một lần xuất hiện ở nơi mảnh đất này.




khoatu_auchau_7
khoatu_auchau_5khoatu_auchau_6
khoatu_auchau_3
Khóa tu Âu Châu, Phật sự của đời Ôn

HT. Thich Minh Tam



HT_Minh_Tam (1)
HT_Minh_Tam (10)
HT_Minh_Tam (11)
HT_Minh_Tam (12)


Tin buồn HT Như Điển gởi đi từ Phần Lan vào chiều ngày 8-8-2013, đã làm bàng hoàng và xúc động đối với Tăng Ni và Phật tử gần xa. Ôn đã ra đi trong lúc Phật sự còn ngổn ngang, bỏ lại phía sau mình niềm tiếc nhớ kính thương khôn nguôi của tất cả mọi người. Đối với bậc xuất trần thượng sĩ như Ôn thì xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, tự tại dung thông như ngôn ngữ của nhà thiền:


"Tùy thuận đến đi theo bi nguyện
Niết bàn, sinh tử tánh bản nhiên".


Nhưng trong lòng của người ở lại vẫn cảm thấy xót xa, kính thương và chạnh lòng khi thiếu vắng hình bóng của Ôn trên cõi đời này. Không còn sự hiện hữu của Ôn, Giáo Hội Âu Châu, Liên Châu và Tăng Ni xa gần mất đi một bậc Tòng Lâm Thạch Trụ, Pháp phái Liễu Quán hải ngoại đã không còn nữa một bậc Long Tượng Đại Sĩ, ngôi đại tự Khánh Anh và hàng đệ tử sẽ cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, và từ nay mất đi một chỗ tựa nương trên bước đường tu học.


Với niềm tin lạc quan: "Sanh nhi bất sanh, nải Thích Tôn song lâm thị tịch; Diệt nhi bất diệt, Đạt Ma tằng chích lý Tây quy", con thành kính đảnh lễ và nguyện cầu Giác Linh Ôn cao đăng Phật quốc và sớm tái sinh về thế giới Ta Bà này để tiếp tục công cuộc hoằng Pháp lợi sanh.


Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật
Viết từ Tu Viện Quảng Đức 19-8-2013
Đệ tử Thích Nguyên Tạng






Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com