Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Âm Hưởng Vang Vọng từ Khóa An Cư 2017 tại Chùa Quang Minh, Chicago

09/06/201701:10(Xem: 10338)
Âm Hưởng Vang Vọng từ Khóa An Cư 2017 tại Chùa Quang Minh, Chicago


ÂM HƯỞNG VANG VỌNG
TỪ KHÓA AN CƯ KIẾT HẠ CHÙA QUANG MINH PL 2561 – DL 2017
 



Vâng lời Phật dạy ở Sách Kinh

Thúc liễm thân tâm sửa trau mình

Chư Tăng khắp xứ đồng vân tập

An Cư Kiết Hạ Chùa Quang Minh.

 

Theo truyền thống sinh hoạt Tăng Già thời Đức Phật, vào 3 tháng mùa mưa tại Ấn Độ, Chư Tăng không đi khất thực vì tránh việc giẫm đạp thương tổn côn trùng trên đường đi mà an cư tại chỗ, cùng tu học với nhau. Nay vì điều kiện hành Đạo tại các trú xứ, tự viện Hoa Kỳ, hầu hết là nhất Tăng nhất Tự, chư Tăng phải lo nhiều công việc tại trú xứ : chủ Lễ, cúng đám, hướng dẫn tu học cho cộng đồng Phật tử vùng đó, nên không thể vắng chùa lâu ngày. Cho dù chư Tăng Hải Ngoại không thể an cư cấm túc tại một dechỗ nào đó suốt 3 tháng, thế nhưng 52 hành giả đến từ nhiều tiểu bang khác nhau của Hoa Kỳ và nhiều tỉnh thành của Việt Nam, cùng vân tập an cư tu học trong suốt 10 ngày 23/05/2017 cho đến 02/06/2017 tại Chùa Quang Minh, Chicago, Hoa Kỳ có những ý nghĩa và lợi ích lớn lao.

 

1/ Nạp lại năng lượng sau thời gian dài chu du hoằng hóa hoặc đa đoan Phật sự

 

Với sứ mệnh : “Hoằng Pháp vi gia vụ - lợi sanh vi sự nghiệp”, chư Tăng hàng ngày thường dấn thân miệt mài để độ sanh. Chư Tăng thời Đức Phật và các nước Nam Truyền ngày nay du phương hoằng hóa và nuôi dưỡng thân mạng bằng Khất Thực. Chư Tăng các nước thuộc Bắc Truyền thường định cư nơi một cơ sở Tự Viện nhưng lại rất đa đoan Phật sự : tiếp khách, tư vấn, dạy chúng, giảng Pháp, xây dựng, chăm sóc vườn chùa, cúng tế nghi lễ, lễ hội, hội họp, hành chánh,...như vậy tiêu hao rất nhiều năng lượng. Nguyên tắc vật lý hay sinh học cũng vậy, có tiêu hao thì cần có bù đắp và nạp lại. Người tu có 2 trách vụ song song : tự độ, độ tha, tự lợi, lợi tha. Nếu bản thân mình không có đạo lực vững vàng, nếu không được vững chãi thảnh thơi thì làm sao có thể tiếp tục mang đến an lạc cho chúng sanh khác về lâu về dài? An Cư Kiết Hạ chính là thời điểm lý tưởng nhát để chư Tăng nạp thêm năng lượng vào mình, làm mới và thăng hoa chính mình.Lúc đó, chư Tăng không vướng bận nhiều vào ngoại duyên, vào tùy duyên phương tiện nữa mà trở về lo thúc liễm thân tâm, trau giồi Giới Định Tuệ cho chính mình trong sự bảo hộ của Tăng Thân – Tăng Đoàn.


 

2/ Xây dựng một hình ảnh trang nghiêm Tăng Bảo :

 

Theo ý nghĩa ban đầu của Tăng là tập thể Tăng, sống chung 4 người trở lên, hòa hợp, thanh tịnh. Vì điều kiện, hoàn cảnh, nhất là ở Hải Ngoại, chư Tăng ở riêng rẽ nơi các trú xứ của mình để lo Phật sự nhưng đến mùa an cư thì vân tập lại với nhau và trở về với đời sống sinh hoạt như Tăng Già thời Đức Phật, trong những Tăng Đoàn hay những Tăng Thân và mỗi người là một thành viên trong đó. Nơi đây có mối quan hệ hữu cơ giữa thành viên và Tăng Đoàn và mọi người sống với tinh thần Lục Hòa, thống nhất tâm chí, hoạt động, thanh tịnh hòa hợp trang nghiêm Tăng Thân. Tăng Bảo trang nghiêm là một trong 3 ngôi báu, đại diện cho Thập Phương Thường Trụ Tam Bảo tại thế gian là chỗ quy y, nương nhờ vững chắc cho mọi hành giả, Phật tử và chúng sanh. Do đó, mỗi tu sỹ luôn phát huy “đồng thể Tam Bảo” bên trong của mình, xây dựng nên “Thế gian trụ trì Tam Bảo” để hướng tới “xuất thế gian Tam Bảo”. Vì lợi lạc cho chính mình và vì lợi lạc chung, mỗi hành giả tự ý thức trách nhiệm góp phần xây dựng cho Tăng Thân trang nghiêm. Có như vậy thì mới tranh thủ mọi điều kiện sắp xếp được thời gian đến tham dự an cư và tự khép mình trong Tăng Thân, sống chung tu tập, hành trì đúng với mọi nội quy và chương trình an cư.

 

3/ Nương tha lực, môi trường và tu tiến Đạo nghiệp :

 

Khi chưa đắc Thánh quả A La Hán hoặc Bồ Tát bát địa trở lên, ai cũng cần phải tu tiến liên tục và ai có thể dám nói là tự tại thong dong vô nhiễm mọi nơi mọi lúc bất kể môi trường và hoàn cảnh ra sao? Đâu có mấy ai đạt đến trình độ : “thõng tay vào chợ”, “cư trần bất nhiễm trần” hoặc “hoa sen giữa bùn” như cách của Ngài Tế Điên Hòa Thượng, Tuệ Trung Thượng Sỹ hay Duy Ma Cật?

Tiếng hô canh trầm hùng trong đêm vắng, lời kinh ngân nga du dương, nhịp nhàng, hình ảnh chư Tăng bên nhau lặng lẽ trong Khóa Ngồi Thiền, kinh hành, niệm Phật, ....tất cả là một từ trường, tha lực lớn lao để mỗi hành giả nương theo đó mà trừ được bệnh buông lung, giãi đãi, phóng dật của mình, hoặc là bệnh hôn trầm, ổn định được niềm tin và chuyên chú và tu tập hành trì.

Dân gian có câu :”thứ nhất tu chợ, thứ nhì tu nhà, thứ ba tu chùa” nhưng hầu hết trong chúng ta đến chùa là nương Thiền môn thanh tịnh, thuận duyên, dễ tu tập cho bản thân vì những phiền não ngủ ngầm trong chúng ta, nếu chưa đủ thời gian thuần hóa, tịnh hóa thì chúng dễ phản ứng, phát tác khi gặp những nghịch cảnh khó chịu trong cuộc sống sống.

Chúng ta thường nghe : “Hổ ly sơn hổ bại, Tăng ly chúng Tăng tàn” “đức chúng như hải”. Như vậy, nương tựa Thiền Môn, Tăng Bảo trang nghiêm để tu niệm là duyên tối thắng để xa lìa phiền não, nhiễm ô, tu tập và thành tựu nhiều hạnh lành, vun bồi công đức, chuyển hóa thân tâm, tránh xa ràng buộc và hướng đến Thánh quả, giải thoát.

 

4/ Tiêu trừ bản ngã, hòa hợp với đại chúng :

 

Trở ngại lớn nhất của người tu là Ngã Chấp và Pháp Chấp. Ai trong chúng ta dám nói là mình đã trừ được xong 2 loại chấp đó? Khi ở trú xứ của mình, mỗi vị Tăng là lãnh đạo tinh thần, là "Thầy" của bao nhiêu người khác, có nhiều người "vâng dạ" làm thị giả và chăm sóc cho mình. Thế nhưng, khi đến với Đại Tăng, vị ấy cũng chỉ là một thành viên và theo mọi quy chế an cư của Tăng Đoàn, sẵn sàng chịu sự giám sát của Đại chúng và nếu có gì sai trái phải ra trước đại chúng sám hối. Đó là cơ hội để cọ xát, dùi mài bản ngã, "thử hòa điệu sống". Thầy / Sư Anh dạy bao nhiêu người khác sống theo tinh thần "Lục Hòa", phá ngã chấp, từ bi hỷ xả,... phải không? Tốt lắm, Thầy/ Sư Anh hãy thể hiện đi trong thời gian sống chung tu học ở đàn tràng an cư kiết hạ, "năng thuyết - năng hành" ( nói được, dạy được thì hãy làm được). Tăng Đoàn như một biển lớn, mỗi thành viên như một dòng suối, kênh, lạch nhỏ mà khi vào biển lớn rồi thì hòa nhập lại và quên đi cái tên gọi của dòng suối, kênh, lạch ban đầu. Hãy "đi như một dòng sông". Làm "Thầy" và nói người khác nghe theo mình thì quen rồi đó, bây giờ có thể làm "Sư Đệ" làm "trò" làm một thành viên bình thưởng và phải nghe lời đại chúng, thử làm vậy có được hay không? Nếu tư cách của một thành viên nào đó trước đại chúng Tăng có vấn đề thì cho dù người đó có tài giỏi đến bao nhiêu cũng không được thừa nhận và hy vọng gì, thậm chí sự lệch lại và nguy hiểm còn nhiều hơn. Do đó Tăng Đoàn là hệ quy chiếu khách quan, đến lượt mỗi thành viên hãy thân cận, đối diện soi và chỉnh lại mình. Không có vị tu sỹ nào đặt ra ngoài Tăng chúng hay lớn hơn Tăng chúng mà phải tôn trọng ý kiến chung của Đại chúng và theo Giới Pháp Phật dạy.

Hiện tượng “nhất Tăng nhất Tự” (một chùa một Thầy) ở Hải Ngoại nhiều, môi trường nước ngoài tự do, cởi mở, bây giờ mỗi hành giả hãy khép mình trong khuôn khổ, đoàn thể “thử hòa điệu sống” để xem những tánh “nhân ngã bỉ thử”, “thị phi”, mâu thuẫn xung đột, tranh chấp,… còn không? Những thuận lợi, khó khăn, những gì phải vượt qua khi sống chung này rất ích lợi cho hành giả khi chia sẻ, ban Pháp Thoại hướng dẫn người khác hài hòa trong cuộc sống. Mỗi hành giả sẽ thực tập và phát triển các đức tánh : gần gũi, dễ thương, hài hòa, biết quan tâm, chia sẻ, hiểu được tâm lý nhiều đối tượng, căn cơ khác nhau, trân trọng lẫn nhau, những cái xấu, nhược điểm, vụng về còn có trong mình, rút kinh nghiệm cách khắc phục cho tốt hơn, …Nếu như Sư Anh không thể hài hòa, sống tốt với những người đồng Phạm Hạnh thì những gì Sư Anh giảng chỉ là mớ lý thuyết suông, ảo tưởng, nặng tính biểu diễn theo những mục tiêu tư lợi mà thôi.

 

5/ Cơ hội học hỏi và tiếp thu trực tiếp :

 

Chúng ta luôn có tinh thần cầu thị, cầu tiến chớ đừng nên tự ái, tự cao, tự mãn, ngã mạn. Nho gia có câu : "Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư yên" ( Trong 3 người đồng hành, tất có một người là Thầy của Ta), Quy sơn cảnh sách có câu :

"Viễn hành yếu giả lương bằng, sác sác thanh ư nhĩ mục, trú chỉ tất tu trạch bạn, thời thời văn ư vị văn. Cố vân, sanh ngã giả phụ mẫu, thành ngã giả bằng hữu. Thân phụ thiện giả, như vụ lộ trung hành, tuy bất thấp y, thời thời hữu nhuận ; hiệp tập ác giả, trưởng ác tri kiến, hiểu tịch tạo ác, tức mục giao báo, một hậu trầm luân, nhất thất nhân thân, vạn kiếp bất phục."

(Đi xa thì phải nhờ bạn tốt để luôn luôn lọc sạch tai mắt, trú ở thì cần chọn bạn hiền để thường thường nghe điều chưa nghe. Nên ngạn ngữ đã nói, sinh ta là cha mẹ, tác thành ta là bạn bè. Gần gũi người hiền thì như đi trong sương móc, tuy không ướt áo mà lúc nào cũng thấm đượm ; quen thân kẻ ác thì lớn thêm kiến thức độc ác, sớm tối làm ác, ác báo đã bị ngay trước mắt mà chết rồi lại phải chìm đắm, làm cho thân người một khi mất đi, muôn kiếp vẫn khó mà khôi phục.)

Ai là người hoàn hảo. Có biết bao nhiêu điều mà chúng ta cần học hỏi và nâng cấp : nghi lễ, thuyết giảng, tổ chức hành chánh, văn phòng, điều hợp, lãnh đạo,...Mỗi hành giả có những kỷ năng, sở trường khác nhau. Đây là cơ hội tuyệt vời cho mỗi hành giả tiếp xúc và nâng cấp những kỷ năng, hành trang cần thiết cho mình trên con đường dài tu học và hành Đạo. Những trường lớp thế gian hoặc trường Đạo : cử nhân, cao học, tiến sỹ thì có giới hạn thời gian và có ngày tốt nghiệp, còn việc tiếp xúc và học hỏi là việc cả đời. Mùa An Cư Kiết Hạ là mùa để tu nghiệp, học hỏi, nâng cao chính mình.

Đặc biệt, trong Khóa An Cư có phần Thảo Luận Phật Pháp của Tăng Chúng. Nơi đây, "kiến hòa đồng giải", có câu : đọc sách 30 năm không bằng gặp thiện tri thức 1 giờ. Chúng ta lựa sách và đọc sách, chỉ tiếp thu những cái gì hợp với sở thích và suy diễn, bình thường hàng ngày có mấy ai dám chỉ ra chúng ta : Sai. Đại chúng Tăng thì có thể. Mỗi hành giả được vỡ lẽ ra ( ngộ ra) rất nhiều điều và có thể tự chỉnh sửa lại chính mình về những quan điểm, lập trường, tưởng tri, kiến giải đối với Tam Tạng Nội Điển và cách thức tu học, hành Đạo. Đây là dịp "tu nghiệp", bồi dưỡng quý báu cho mỗi hành giả.

 

6/ Có những Pháp chỉ thực hiện được khi sống với Tăng Đoàn :

 

Những pháp như Yết Ma, Tự Tứ, Sám Hối trước Tăng chúng,... chỉ thực hiện được khi sinh hoạt với Tăng Đoàn. Nhờ an cư, chúng ta hiểu rõ hơn về Giới Luật mà Đức Phật chế đặt ra cho tu sỹ, nhiều Pháp mà sống một mình mà hoàn cảnh hải ngoại lại thường ở một mình, bản thân tu sỹ không làm được. An cư để lại nơi hành giả những hương vị thiền môn giải thoát mà nếu không dự an cư nhiều năm hành giả sẽ quên đi như : Thọ trai quá đường, hô canh ngồi thiền, nhạc lễ, tác Pháp Yết Ma, Tọa Đàm, Thiền Trà,…Biết bao nhiêu điều giới Luật, đức Phật chế khi tu sỹ sinh hoạt với Tăng Đoàn qua đó hành giả hiểu rõ hơn. Hơn nữa, những việc lớn, có tầm vóc, cần nên thảo luận, thông qua và được sự đồng thuận của Tăng Đoàn, nhất là những hoạt động Phật sự lớn mang tính cách liên bang, toàn quốc hay quốc tế chẳng hạn với đề tài : Làm sao để duy trì và phát triển Phật Giáo Việt Nam tại Hải Ngoại là một đề tài lớn cần thảo luận chung với nhau, đúc kết các quan điểm kinh nghiệm và cùng nhau thực hiện mới mang đến kết quả tốt đẹp chứ mỗi cá nhân hành giả chỉ đạt được đến một giới hạn nào đó thôi.

 

7/ Cơ hội giao duyên kết nối : Tình Pháp - Duyên Tăng :

 

Chúng ta nới rộng dần mối quan hệ thông qua tiếp xúc theo năm tháng trưởng thành của cuộc sống. Qua mùa an cư chúng ta quen biết và thân tình với hàng chục hoặc hàng trăm hành giả khác. Vậy thì việc phối hợp Phật sự như : Phật Đản, Vu Lan, Lễ Hội Phật Giáo, Khóa Tu Học,...chúng ta có thêm nhiều ứng cử viên thích hợp để thỉnh mời chung lo Phật sự. Chúng ta có thể kết nối tình thân như Y Chỉ Sư, Huynh Đệ và sau này chia sẻ trong sinh hoạt hằng ngày thông qua các phương tiện truyền thông hiện đại ( qua internet, phone). Tự bỏ mất sự kết nối đó là tự cô lập và giới hạn chính mình. Muốn tiến bộ, muốn làm nên những việc lớn phải có sự kết nối rộng rãi : Tình Pháp Duyên Tăng. Tình Pháp Duyên Tăng này là thắng duyên cho việc thành tựu Phật sự cho trú xứ của mình và trên cục diện rộng toàn cầu. Ở Hải Ngoại, nhiều khi vài tháng tu sỹ không gặp những tu sỹ khác chỉ biết sinh hoạt với quỹ đạo Phật tử. Tham dự an cư, hành giả sẽ gieo duyên bạn Đạo với nhiều hành giả khác. Mỗi hành giả có được sự dồng tâm, đồng chí, ân tình, kỷ niệm với nhiều tu sỹ khác, đó là một nguồn động lực tinh thần, nguồn chia sẻ rất lớn trong hành trình tu học và hành Đạo cho mỗi hành giả. Các hành giả có thể kết nối, điện thoại, chia sẻ, xin ý kiến từ những vị khác rất nhiều sau này. Trong thời đại kết nối và toàn cầu hóa, thế giới như đang thu nhỏ lại, muốn hành Đạo thành tựu được nhiều thì không thể nào thì không thể nào tự giới hạn, cô lập chính mình thiếu liên đới, kết nối với cộng đồng tu sỹ và Phật Giáo Đồ thế giới.

 

8/ Thắt chặt quan hệ Tu Sỹ - Cư Sỹ :

 

Tu sỹ và cư sỹ là 2 giới đều rất quan trọng trong tứ chúng của Phật Giáo. Có an cư như vậy, chư Tăng mới làm ruộng phước điền, Thân Giáo Sư, giảng dạy nhiều, tiếp xúc, an ủi, chia sẻ cho Phật tử tại gia và cảm nhận một cách sâu sắc về tấm lòng và sự hộ trì quý giá vô biên của Phật tử. Có nhiều Phật tử xin nghỉ việc làm nơi công sở, không nghỉ trưa, thức thâu đêm để chăm lo, đảm bảo tứ sự cho Chư Tăng : ăn, mặc, ở, thuốc men. Thông qua những dịp như vậy mới gần gũi, cảm thông, trân trọng nhau, ý thức sự hiện diện quý báu của nhau cùng nhau sinh hoạt : tụng kinh, ngồi thiền, niệm phật, kinh hành, tu tập, chấp tác,…Vai trò hoàn cảnh có khác nhau, nhưng tâm Đạo, ý chí, công việc dấn thân phụng sự và chí hướng giải thoát thì giống nhau. Hình ảnh chư Tăng an cư tu học hòa hợp thanh tịnh làm tăng trưởng niềm tin, ruộng Phước vô lượng cho cư sỹ thân cận, tu học và cúng dường. Nếu đặt đúng vị trí thì hàng xuất gia và tại gia sinh hoạt với nhau lợi lạc. Tu sỹ và cư sỹ như 2 cánh của một con chim, quan hệ hỗ tương với nhau, hỗ trợ cho nhau trong sứ mạng : Học Pháp, Hành Pháp, Hộ Pháp và Hoằng Pháp. Thế cho nên có câu :

 

“Phật pháp xương minh do Tăng già hòa hợp

Thiền môn hưng thịnh do Đàn việt phát tâm”

 

An Cư Kiết Hạ rất cần thiết cho người tu. Chính vì thế đối với tu sỹ, sự trưởng thành, tư cách để được làm trụ trì, nhận đệ tử xuất gia,... được xác định thông qua hạ lạp. Đạo tràng an cư kiết hạ đúng nghĩa là tấm gương sáng cho mô hình tập thể, cộng đồng, một nhân gian tịnh độ để mọi người hướng tới. Mỗi hành giả sẽ được, bổ khuyết, tu học, nâng cao và trải nghiệm quý giá thiết thực hạnh xuất ly giải thoát với những người đồng Phạm Hạnh. Tuy thời gian ngắn ngủi 10 ngày vì hoàn cảnh không cho phép an cư đủ 3 tháng, mỗi hành giả ra về, tuy xa nhau mà lòng không xa, từ đây, mỗi người có nhiều hành trang tâm linh quý báu để thêm sức mạnh, vững tiến trong an lạc, thăng hoa, giải thoát trong suốt chặng đường dài tu học, hành đạo và trở về bảo sở.

Chùa Quang Minh - Chicago, mùa an cư PL 2561

Thích Đồng Trí.

 


 







 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]