Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Cơn Giông

29/04/201913:45(Xem: 5333)
Cơn Giông

 
bai cua su co hue tran

CƠN GIÔNG

 

(Những ý tưởng trong một bài viết ngót 30 năm trước bỗng hiện về trong giấc mơ đêm qua, cùng với hình ảnh người bạn từng chung bước trên chặng đường tranh đấu cho nhân quyền, khi thuyền nhân trong các trại tỵ nạn đang bị cưỡng bức trả về Việt Nam. Người bạn đó là cố nhạc sỹ Việt Dzũng. Sao giấc mơ lại tới trong thời điểm cuối tháng tư? Với tôi, không phải là tình cờ, vì chính bài viết này lại là một, trong những bài mà Việt Dzũng đã chia sẻ rằng “Xúc động lắm! Những rung cảm này thật quá! Thầm lặng mà lại rõ nét qúa! Chị cho Dzũng gom những bài viết khác của chị lại, in thành sách nhé!” .

Và đó cũng là cơ duyên cuốn sách đầu tiên, tựa đề Gió Sông Hồng ra đời, do nhà xuất bản Thế Giới ấn hành, Việt Dzũng trình bày bìa, Typography: Vũ Hoàng Anh & Việt Dzũng, phát hành lần thứ nhất tại Hoa Kỳ, tháng 5 năm 1992.

Đó là thời điểm tôi chưa đủ duyên được xuất gia nên tên tác giả là bút hiệu từ thời còn là sinh viên. Nay, ở một thế giới xa thẳm nào, Việt Dzũng vừa nhắc tôi đọc lại, phải chăng để cảm nhận thực chất của mỗi bản chất là những gì không thay đổi. Có chăng chỉ là ở hoàn cảnh khác, môi trường khác ta sẽ có cái nhìn khác, hành xử khác, nhưng cũng chỉ là để chạm được gần hơn, tới bản chất đích thực của mình.

Xin tri ân bao liệt vị đã cất bước theo tiếng gọi của hồn thiêng sông núi, đã đáp đền theo cách riêng ở mỗi vị thế, mỗi cơ duyên.

Phút giây tưởng niệm

Một nén tâm hương

Tỏa khắp muôn phương

Nguyện xin chứng giám)

TN Huệ Trân

          (LL Ngọc – Tuyển tập Gió Sông Hồng)

 

            Buổi sáng, ra khỏi nhà với ly cà phê nóng trên tay, với tôi, đã là một hạnh phúc ngọt ngào; bởi, với nhịp sống hối hả nơi đây, thì giờ nhiều khi qúy hơn tiền bạc, nhất là chút thì giờ hiếm hoi vội vã vào lúc sáng sớm.

            Nhưng tôi vẫn thường cố dành cho mình một vài phút để mơ mộng trong cái khoảnh khắc tinh khôi và tươi mát của một ngày mới bắt đầu.

            Trong khi chờ xe nóng máy, tôi uống ngụm cà phê đầu ngày, nghe chim chóc hẹn hò trên những tàng cây xanh, nhìn người già ở đầu ngõ quét những lát chổi lơ đãng trên bực thềm gạch đỏ, mỉm cười với đám trẻ da mầu, vai đeo cặp, nhảy chân sáo trên lề đường viền tắp cỏ xanh, lác đác những cánh hoa tím rụng vì trận gió đêm qua……

            Lại một ngày bắt đầu.

            Và chiếc xe thường lăn những vòng bánh đầu tiên trong ngày, với điệp khúc rời rạc đó.

            Những cảm giác băn khoăn như tiếc nuối, như khát khao, như đợi chờ những ước vọng không tượng hình rõ rệt nhưng lại thôi thúc triền miên, thường quẩn quanh trong tôi suốt con đường đến sở buổi sáng.

            Có lúc, tôi bắt gặp mình hốt hoảng khi điệp khúc “Lại một ngày bắt đầu” vang lên trong trí, vì nhìn lại, tôi đã không có ngày hôm qua!

            Tôi hoàn toàn không thấy mình ở ngày hôm qua! Cái-tôi làm việc, cái-tôi ăn ngủ như chẳng liên hệ gì tới cái-tôi hiện tại hôm nay. Cái-tôi hôm qua như chỉ là bọt nước, bóng mây, chẳng có gì để nhớ cũng chẳng có gì để quên. Vậy mà, tôi đã để trôi qua bao nhiêu buổi sáng, bao nhiêu buổi chiều, bao nhiêu tháng ngày vô vị rỗng không. Hình như từng ngày tôi chỉ thực sự thấy được tôi thấp thoáng những giây phút từ nhà tới sở và từ sở về nhà.

            Tôi có thói quen chỉ đi và về trên một con đường nhất định, con đường tôi thuộc lòng đến nhắm mắt cũng tới.

            Không phải chú tâm tới phương hướng, tôi sẽ được thảnh thơi chìm đắm trong những mơ mộng đứt quãng, được thả hồn mình về những góc phố thân yêu, những hàng quán quen thuộc với bằng hữu xôn xao mời gọi.

            Những tape nhạc có trong xe thường cho tôi cảm giác ấm áp của những ngày vui xưa, những ngày vui đã xa, tưởng như không còn tới, nhưng cũng gần, tưởng như chẳng thể rời. Một giọng hát chất ngất men say của Phạm Đình Chương thôi, đủ dựng lại trong trí tưởng nghèo nàn của tôi cả một thời tuổi trẻ thơ mộng …

            Tôi cũng đã từng thấy cả trời quê xưa trong lòng xe hẹp qua âm thanh dăm ba câu hát bình thường, thấy Hà Nội mưa bay tình tứ, khói nhang trầm rạo rực quẻ thẻ đầu năm, thấy cây đa đầu làng, khóm tre quê nội, nhạt nhòa một chiều nào trên bờ đê sông Hồng, bóng ông nội đứng lặng trong chiều tím, nhìn đàn con cháu dắt díu nhau đi tìm tự do.

            Ông ở lại với quê, với đất, với ruộng lúa nương dâu, như khóm tre già sừng sững kiên tâm bám rễ, nẩy mầm ….

            Bao giờ cũng thế, khi mở băng nhạc có bài “Làng Tôi” là hình bóng ông nội lại ấm rực trong lòng, và rồi đốm lửa ấm mong manh đó tan dần trong lạnh lẽo nơi những cái gọi là trại-tù-cải-tạo, ở đó, cha tôi còm cõi với đói lạnh, gông cùm!

            Qua lá thư người em gái gửi sang, tôi thấy rõ như đang ngồi trước màn ảnh lớn. Tôi thấy cha trong ngày đầu tiên được gọi nhận quà tiếp tế của gia đình. Trời mưa, gió giật, cầu khỉ trơn như mỡ, giầy dép bám đất sình lại càng trơn, sợi giây kẽm để vịn tay đu đưa liên hồi, kẻ bật ra xa, người co lại gần, mất thăng bằng tạo ra mất thăng bằng liên tục.

            Mới nhích được một phần tư cầu, cha nhìn xuống giòng suối, nước chảy xiết dưới chân mà hoa cả mắt. Rồi cũng phải nhìn lên, trấn tĩnh lại, cố nhích dần cho người khác lết tới. Sợi giây kẽm quái ác hết lôi cha ra, lại đẩy cha vào. Gió giật liên hồi. Đôi giầy toàn đất bùn trên thân cây gỗ chỉ còn là sình trộn nước mưa, như không gì khả dĩ giúp cha bước thêm được nữa!

            Cha bèn đứng yên tại chỗ. Nhìn ra, mới được nửa con suối, liếc sang bên bạn đồng tù, mặt ai cũng trắng bệch thì biết chắc mình cũng tái mét!

            Thật là nghìn cân treo sợi tóc, lui không được, tiến cũng chẳng xong …

            Nhưng chắc hẳn cha đã nghĩ đến mẹ, nghĩ đến chúng tôi. Trong khoảnh khắc, hạnh phúc mấy chục năm hiện về giúp cha can đảm. Cha nhất định không để giòng suối cướp mất gói quà vì nó là biểu hiện của ân tình gia đình, gói ghém bao nhiêu là xót xa thương nhớ.

            Sức mạnh và lòng tự tin hẳn đã đến với cha. Một tay ghì gói qùa trên vai, một tay nắm chặt sợi giây kẽm mỏng manh vẫn không ngừng đu đưa. Dưới mưa ấy, gió ấy, cha xoay ngang chân mà nhích đi, thẳng nhìn lên, không màng đến giòng suối cuồn cuộn dưới chân. Hẳn cha cũng thầm khấn Trời Phật, còn để có hôm nay, không lẽ lại vuột mất tình thương của một người tưởng chừng tuyệt vọng!

            Cứ thế, cha nhích tới. Khúc cầu còn lại không đáng kể.

            Đặt chân lên bên kia bờ suối, ôm chặt gói quà trên ngực, cha đi băng băng dưới trời mưa gió, lòng hân hoan như để mau được gặp người thân mà tinh thần đã gói ghém trong những món quà đạm bạc.

           

Trên con đường của điệp khúc “Lại một ngày bắt đầu”, một buổi sáng, tôi đã không thể đi nốt phần đường còn lại để đến sở làm. Tôi đã không thể thả hồn theo những mơ mộng thường có, không nghe được gì, âm thanh những giòng nhạc thân quen, bởi tôi vừa chợt thấy bên kia đường, một chiếc xe Jeep quân đội, bám đầy bụi đất.

                        Tôi đã hấp tấp quay đầu xe vòng qua, bất chấp lúc đó đèn lưu thông đang xanh hay đỏ, bất chấp những còi xe bất mãn từ bên phải, bên trái. Trong khoảnh khắc của giây phút đó, giây phút mà mắt tôi bất chợt bắt gặp hình ảnh cha già thân yêu thì mọi thần kinh hệ trong tôi như cùng đọng lại, run rẩy chụp lấy cái hình ảnh có thực bên kia đường, hòa nhập với hính ảnh sâu thẳm trong tiềm thức tôi mà rung lên muôn vàn thổn thức.

Như trong hôn mê, tôi nhấn ga, đuổi theo chiếc xe Jeep với ý nghĩ điên rồ là phải nhìn tận mắt người cầm lái xe có phải là cha hay không, dù rằng cùng lúc, tôi vẫn biết đó là ý nghĩ triệu triệu lần điên rồ vì cha đang ở cách xa nửa trái địa cầu, đang trải bao nhọc nhằn tủi nhục qua các trại tù man rợ ngay trên quê hương, ngay trên phần đất mà Người đã dâng hiến hết đời mình để phụng sự.

Hơn một phần tư thế kỷ, tôi đã nhìn thấy cha qua bộ quân phục mầu rêu cùng với chiếc xe Jeep quen thuộc. Hai hình ảnh đó khắng khít, gắn liền với nhau, nằm sâu trong tiềm thức tôi như một phần thân thể mà tôi chỉ nhận thức được mối liên hệ sâu sa, khi bắt gặp.

Buổi sáng hôm đó, tôi đã không đuổi kịp được chiếc xe Jeep, xem người cầm lái có phải là cha hay không!

Một xe tuần lưu cảnh sát đã chặn tôi lại.

Tôi ngừng xe sát lề đường, mắt dõi hút phía trước, nơi tôi đã mất dấu chiếc xe Jeep quân đội bám đầy bụi đất.

Tôi im lặng ký giấy phạt vì chạy qúa tốc độ và cũng im lặng nghe lời khiển trách của bà xếp, vì đi làm trễ.

Nếu bà ta biết vì sao tôi tới sở trễ thì tôi e rằng vốn ngoại ngữ của tôi không đủ để giải thích cho bà hiểu.

Mà giải thích làm chi khi tôi tự biết sẽ chẳng thay đổi gì, khi trên con đường mỗi ngày, tôi vẫn có được cho riêng mình những phút giây, để chỉ một thoáng nhớ, một giọng hát, một lời ru cũng đủ dẫn tôi về với những cơn mưa sớm, tắm gội cho những cơn đau trong tôi bằng bao thương nhớ, bao tri ân và ngậm ngùi …

 

Nắng Tháng Tư đưa tôi ra biển.

Ngồi trên ghềnh đá, tôi đợi một cơn giông.

 

TN Huệ Trân

(LL Ngọc – tuyển tập Gió Sông Hồng)

 

                            

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/05/2013(Xem: 1851)
1. Khi gặp được người mà bạn thật sự yêu thương: Hãy nỗ lực giành lấy cơ hội trở thành một nửa của người ấy bởi vì nếu người ấy ra đi, tất cả sẽ không còn kịp nữa. 2. Khi gặp một người bạn có thể tin tưởng được: Cần giữ quan hệ tốt với người đó vì trong cuộc đời mỗi người, gặp được tri kỷ không phải là điều dễ.
28/05/2013(Xem: 1743)
Để được đôi môi xinh xắn, hãy nói những lời ngọt ngào, dễ nghe. Để được đôi mắt tinh tế, hãy tìm kiếm vẻ đẹp trong tâm hồn của người khác. Để được thân hình duyên dáng, hãy chia sẻ phần thức ăn của mình với những người nghèo khổ. Để được mái tóc óng ả, hãy để trẻ con vuốt tóc mỗi ngày.
28/05/2013(Xem: 1843)
Albert Einstein từng nói: “Một cuộc sống vì một cuộc sống khác mới là một cuộc sống xứng đáng”. Câu nói này hoàn toàn phù hợp để nói về mẹ tôi. Bà thương yêu và luôn giúp đỡ người khác vô điều kiện. Cố gắng duy trì cuộc hôn nhân không hạnh phúc với một người đàn ông nghiện rượu và nuôi nấng bốn đứa con gái, bà vẫn còn thời gian để dành cho người khác.
28/05/2013(Xem: 2529)
(Một câu chuyện cảm động của một tác giả vô danh nhận được qua e-mail của một người bạn ở Malaysia, mong được chia sẻ với mọi người). Suốt thời thơ ấu và cả khi lớn lên, lúc nào tôi cũng ghét mẹ tôi. Lý do chính có lẽ vì bà chỉ có một con mắt. Bà là đầu đề để bạn bè trong lớp chế giễu, châm chọc tôi.
28/05/2013(Xem: 2467)
Giật mình thức giấc. Cảm thấy khát khô ở cổ, tôi lồm cồm ngồi dậy mở tủ lạnh nốc một hơi. Nước lạnh làm tôi tỉnh người. Nhìn đồng hồ đã hơn 4g sáng. Tôi đến bên máy vi tính bật máy lên. Mở chương trình Nhật Ký định nhập vào những việc mình đã làm hoặc những suy nghĩ về một ngày đã qua.
28/05/2013(Xem: 1833)
Một trong những hồi ức thân thương nhất của tôi khi còn thơ đó là đi dọc và ngồi xuống bên bờ sông. Nơi đó tôi được tận hưởng sự yên bình và tĩnh lặng, ngắm nhìn dòng nước lặng lờ trôi và tiếng những con chim hót và những chiếc lá cây rì rào.
28/05/2013(Xem: 1903)
Một vị vua treo giải thưởng cho họa sĩ nào vẽ được một bức tranh đẹp nhất về sự bình yên. Nhiều họa sĩ đã cố công. Nhà vua ngắm tất cả các bức tranh nhưng chỉ thích có hai bức và ông phải chọn lấy một. Một bức tranh vẽ hồ nước yên ả. Mặt hồ là tấm gương tuyệt mỹ vì có những ngọn núi cao chót vót bao quanh.
28/05/2013(Xem: 1786)
Em chỉ mới lên 6 tuổi khi tôi gặp em lần đầu tiên trên bãi biển. Tôi đã lái xe đi một đoạn đường dài 3, 4 dặm đến bờ biển này, mỗi khi thế giới đóng cửa với tôi. Em đang xây một tòa lâu đài cát hay một cái gì đại loại như thế.
28/05/2013(Xem: 3548)
Ai thật sự đã làm đời bạn khác đi? Hãy thử trả lời đôi điều dưới đây: - Hãy kể tên năm người giàu nhất trên thế giới. Hãy kể tên vài người đoạt vương miện hoa hậu hoàn vũ mấy năm gần đây nhất. Hãy kể tên 10 người đã đoạt giải Nobel hoặc giả Pulitzer
28/05/2013(Xem: 1649)
Ông tôi, rất yêu mùa thu. Mỗi năm vào cuối tháng mười, ông hay gom những chiếc lá rụng trên sân thành đống bên đường rồi đốt. Dọc theo các con đường, có thể trông thấy những đống lá đang cháy. Tôi thường tự hỏi có phải nghi lễ tống táng những chiếc lá này đã có kế hoạch từ trước hay không.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]