Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nhẹ Như Mây

20/10/201822:02(Xem: 3509)
Nhẹ Như Mây

monk_painting1

NHẸ NHƯ MÂY

 Vĩnh Hảo

  

Bão mạnh và sóng thần ở châu Á khiến hàng ngàn người thiệt mạng, hàng ngàn người mất tích; tàn phá nhà cửa, tài sản công và tư, thiệt hại vô kể. Bão lớn quét qua miền Đông và Đông nam nước Mỹ cũng lấy đi mạng sống của ba mươi người và hàng ngàn người còn mất tích… Hàng trăm ngàn người vẫn còn phải chịu đựng sự lụt lội, mất điện, lạnh giá, thiếu nước uống. Trong khi đó, gió Santa Ana như mọi năm đã thổi về, mang hơi nóng hầm hập sau cơn mưa rỉ rả một ngày một đêm của miền Tây nam. Lá thu cuốn theo gió, tràn ra đường nhựa, chạy đuổi theo xe cộ ngược xuôi. Những hàng dây điện giăng mắc qua các phố nhỏ lung lay như đưa võng dưới cơn nắng vàng hanh. Có mùi gì khét lẹt như khói xăng hay tro ẩm của nạn cháy rừng tháng trước, còn phảng phất trong không khí của ngày vào thu. Trời vần vũ mây xám. Phố chợ vẫn tấp nập những người là người. Các bích chương quảng cáo bầu cử với tên ứng viên rất lớn và nổi bật, trưng đầy ở các góc đường.

 

Trong cái xôn xao của những cuộc đấu tranh, biểu tình, chống đối, ủng hộ, người nào cũng cố gắng bày tỏ tối đa quan điểm của mình, cho cách nghĩ cách sống của mình mới là đúng. Thường thì sự bày tỏ đơn độc được cổ vũ bởi đám đông, dễ tiến đến cực đoan; mà cũng có thể từ sự cực đoan của một vài cá nhân đã tác động lên hành động và lời nói của quần chúng. Xét cho cùng, chẳng có cái cực đoan nào gọi là hay, là tốt. Đàng sau, bên dưới những nhãn hiệu và danh xưng tốt đẹp, vẫn chỉ là mặt thực của tham vọng cá nhân—lại thường vay mượn, núp bóng cái dù tập thể.

Từ sinh hoạt quốc gia, chính trị đảng phái, cho đến cả tôn giáo (với nhiều tai tiếng chấn động niềm tin của tín đồ), người ta càng nhìn rõ mặt trái của lòng tham, của bản ngã. Có người rời bỏ những nhãn hiệu với thái độ hoặc lời nói công kích. Có người lặng lẽ rút lui, tìm về nơi ở ngoài những thị-phi, thiên kiến. Có người cố gắng nán lại, tìm cách điều chỉnh thực trạng, sao cho giữ được chính danh.

Nhưng danh thế nào mới là chính? Cái danh mà không phản ảnh đúng cái thực thì danh đó chỉ là danh suông, sáo rỗng. Có cần hô hào lớn tiếng để bảo vệ một cái danh rỗng tuếch hay không? Thực chất đã mục ruỗng thì không cái danh nào có thể cứu vãn sự sụp đổ của một tập thể đã từng một thời vang bóng. Một tập thể mà đa phần là những người hủ bại, háo danh, tham quyền cố vị, thì sự có mặt của thiểu số chỉ là để tiếp sức cho sự tồn tại của một con thuyền mục rã, chệch hướng.

 

Nói theo ngôn ngữ nhà thiền thì danh của lão tăng cũng là giả danh. Nhưng nói theo thông tục thì lão tăng đúng là một danh tăng đạo hạnh, đã làm thật nhiều việc: xây dựng tăng trường, phiên dịch, trước tác, giảng dạy, đào tạo nhiều thế hệ tăng ni và phật-tử. Điều kỳ lạ là khi tiếp xúc ông, người ta thấy dường như ông chưa từng làm gì cả. Nơi ông không toát ra hào quang của một người nổi tiếng hay một người đã từng đóng góp rất nhiều cho đạo, cho đời. Phong vận từ bi của ông trùm lấp tất cả những ý niệm phân biệt, đánh giá của người đối diện.

Mùa hè năm nay, lão tăng từ quê nhà qua thăm. Mượn một thiền đường nơi thị tứ làm chỗ tương ngộ một văn nhân. Cả hai đều “văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình.” Lão tăng có bệnh nan y, có lẽ là không chữa được nữa; chỉ mượn dịp đi xa để từ giã những người hữu duyên. Văn nhân thì có tâm bệnh—cái bệnh là hay bất mãn, bất phục, có lẽ cũng khó chữa. Nơi thiền đường, lão tăng nhờ thiền chủ đặt sẵn hai ghế dựa song song, quay mặt về hướng tôn tượng Đức Phật Thích Ca; không có bàn ghế nào khác trước mặt, nên khoảng cách từ chỗ này với bàn thờ Phật là một khoảng không gian rộng, trống. Văn nhân bước vào, xá Phật rồi quay sang bái lão tăng. Từ tăng phòng, lão tăng cũng vừa mới bước vào chánh điện, chắp tay đáp lễ, chờ văn nhân bước đến, mời ngồi nơi ghế còn lại. Từ vị trí này, cả hai cùng nhìn về một hướng. Im lặng khá lâu như thể cuộc hội ngộ chỉ là để dùng tâm mà nghe tâm. Văn nhân ký tặng hơn mười tác phẩm mà lão tăng yêu cầu để đem về cho thư viện ở quê nhà. Câu chuyện ở tù, bị biệt giam trong tác phẩm ấy có thực không, hay chỉ là hư cấu. Dạ, có thực; nhưng chỉ thực một phần thôi, không phải tất cả là thực. Lão tăng gật gù. Một chặp, lão tăng đặt bàn tay ấm lên lưng bàn tay văn nhân, vỗ về. Cố gắng, cố gắng nha. Vào đời hành đạo không dễ đâu.

 

Bẵng đi gần nửa năm. Rồi một sáng sớm, nghe tin lão tăng viên tịch. Nhớ lại cuộc tương ngộ đầu tiên và cũng là cuối cùng của hôm ấy, chợt sa lệ. Trong nhập nhòa nước mắt và tâm tưởng, chỉ nhớ hình bóng một lão tăng đôn hậu, hiền lành, nói năng nhỏ nhẹ, ngôn ngữ bình dân, và đặc biệt là nơi nhân cách ấy, tất cả các danh xưng, nhãn hiệu, chức vị, đều không thể bám vào.

Theo dõi tang lễ qua một đoạn phim quay trực tiếp đăng lên mạng, chỉ thấy một kim quan bằng gỗ đơn giản, màu nâu, được mười mấy đệ tử tục gia mặc áo tràng lam khiêng. Có lẽ kim quan cũng nhẹ như tâm thái của lão tăng khi còn sinh tiền; chỉ là vì phải đặt trên một giàn gỗ kềnh càng, nên nặng. Tăng nhân mấy trăm vị đưa tiễn kim quan đến lò thiêu. Nghi lễ đơn giản. Tiếng niệm Phật vang đều cho đến khi kim quan được đặt gọn vào hầm lò thiêu. Từ phương ngoại, văn nhân tĩnh tọa nơi bàn viết, chắp tay cung kính tiễn biệt. Có một vầng mây trắng, nhẹ nhàng bay cao.

 

California, ngày 19 tháng 10 năm 2018

Vĩnh Hảo

 www.vinhhao.info

 

 

Chánh Pháp, số 84, tháng 12
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/09/2010(Xem: 2785)
“Sang sông phải bắt cầu Kiều Muốn con hay chữ phải yêu lấy Thầy” Đó là câu ca dao mà tôi rất tâm đắc khi được nghe một ai đó hò, ngâm thơ hay nhắc tới. Tôi yêu thích câu ca dao này, nói thật lòng, môt phần vì tôi đang được làm “Thầy”, nhưng điều cốt yếu khiến tôi thấm thía ở ý nghĩa của nó là ngoài việc dạy dỗ cho con cháu phải biết công ơn của Thầy Cô, thì dường như ông bà mình còn lồng vào đó cả một ẩn ý về mặt tâm lý (theo suy nghĩ của cá nhân tôi).
30/08/2010(Xem: 1472)
Một hôm một người đàn ông trông thấy một bà lão với chiếc xe bị 'pan' đậu bên đường. Tuy trời đã sẩm tối, anh vẫn có thể thấy bà đang cần giúp đỡ. Vì thế anh lái xe tấp vào lề, đậu phía trước chiếc xe Mercedes của bà rồi bước xuống xe. Chiếc xe Pontiac cũ kỹ của anh vẫn nổ máy khi anh tiến đến trước mặt bà.
16/03/2010(Xem: 6199)
Tha tội là gì? Triết lý và các tôn giáo phương Tây nghĩ về điều đó như thế nào? Tôi chỉ gợi lên ở đây hai ba câu hỏi thôi, liên quan đến câu chuyện mà tôi sẽ kể. Không biết có phải nhân loại trở nên thánh thiện hay không mà bỗng nhiên xin lỗi, thú tội, hối hận trở thành vấn đề thời sự. Hay có lẽ ai nấy đều theo gương Giáo Hoàng bên La Mã. Bên Mỹ, ông Clinton hối hận đến động lòng, xin lỗi xót xa, vì trót sảy chân chút phận đàn bà. Bên Argentine, nhà thờ lên tiếng xin tha tội vì đã im lặng đồng lõa trong suốt thời gian độc tài quân phiệt. Nhà thờ Brésil cũng vội vàng tuyên bố hối lỗi trước “Người da đỏ và người da đen”. Một vài bạn của ông Chirac giục ông hối hận trước dư luận vì bàn tay của ông có nhúng khá sâu vào những mánh mung kinh tài trong khi làm thị trưởng Paris.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]