Thấm thoát cũng đã bảy năm kể từ khi con trai tôi Ryan qua đời. Ryan bị bệnh hemophilia (bệnh máu khó đông), và thằng bé nhiễm bệnh AIDS (bệnh liệt kháng) từ sản phẩm máu mà người bệnh xử dụng để giúp cho quá trình đông máu hoàn chỉnh. Việc này xảy ra trước khi con người thật sự hiểu biết nhiều về căn bệnh liệt kháng. Khi được chẩn đoán nhiễm bệnh con tôi chỉ mới mười ba tuổi. Các bác sĩ đã bảo với chúng tôi là may mắn lắm thì Ryan mới sống được thêm sáu tháng.
Ryan đã sống được thêm sáu năm và cũng là “đứa trẻ đã phải đương đầu với căn bệnh liệt kháng và hỗ trợ việc giáo dục căn bệnh cho người dân.” Tổng Thống Bill Clinton đã nói về Ryan vào ngày ông ký ban hành Đạo Luật mang tên Ryan White CARE. Đạo Luật cho phép cung cấp các dịch vụ hỗ trợ y tế, thuốc men, chăm sóc các bệnh nhân ngoại trú và tại nhà cho hàng trăm ngàn bệnh nhân nhiễm HIV sống tại Mỹ. Tôi biết Ryan chắc sẽ rất vui khi được biết cuộc đời và sự ra đi của em đã giúp đỡ không biết bao nhiêu sinh mạng.
Ban đầu khi chúng tôi phát hiện em mắc căn bệnh chết người, tôi hoàn toàn suy sụp. Tôi là người mẹ độc thân có hai con, chúng là tất cả của tôi, vậy mà, con trai tôi, đứa con đầu lòng lại sắp rời xa tôi. Tôi không nghĩ là tôi có thể tiếp tục sống tiếp nữa. Đã vậy, còn tệ hơn một cơn ác mộng, gia đình tôi còn phải đương đầu với cái ngu dốt, sự sợ hãi và căm ghét bao quanh căn bệnh liệt kháng vào thời đó. Ryan muốn đi học trở lại nhưng trường học không cho phép em vào học. Các bậc phụ huynh lo sợ con cái của họ sẽ bị lây bệnh nếu học chung lớp với Ryan. Chúng tôi đã tranh đấu để cho em được vào học, thế nhưng sự chống đối và áp lực của cộng đồng chung quanh thật quá lớn cho gia đình, vì vậy chúng tôi quyết định dời nhà sang một thành phố khác.
Ở trường trung học mới của Ryan, thật hoàn toàn khác hẳn. Các học sinh thật sự chào đón em bằng cách này hay cách khác: Họ tổ chức những buổi học giáo dục về bệnh liệt kháng và sắp xếp các buổi cố vấn để chế ngự sự sợ hãi vẫn còn đối với bất cứ em học sinh nào. Giáo dục cho cộng đồng về căn bệnh trở thành lẽ sống và công việc của Ryan. Ryan đã trở thành phát ngôn viên quốc tế về bệnh liệt kháng, em thường xuất hiện trên truyền hình, tạp chí và báo chí khắp nơi trên thế giới. Điều đó có ý nghĩa đối với những gì đã xảy ra cho gia đình và xoa dịu nỗi đau của chúng tôi.
Chúng tôi đã học sống với căn bệnh liệt kháng. Cơn ác mộng của căn bệnh chính là nó đem đến cho người ta hết cơn nhiễm trùng nặng này đến cơn nhiễm trùng nặng khác. Tôi đã từng nghĩ mỗi cơn ho hay mỗi cơn sốt cũng có thể là hơi thở cuối cùng. Với bệnh liệt kháng, bạn sẽ không bao giờ biết đó là một triệu chứng nặng hay nhẹ. Bệnh nhân cứ bệnh rồi lại khỏe, và chẳng bao lâu sau khi khỏe, anh ta lại trở bệnh.
Ryan hầu như lúc nào cũng ở trạng thái tốt. Thậm chí khi thằng bé phải đi bệnh viện, nó cũng cố gắng nở một nụ cười khi thấy tôi bước vào. Tuy nhiên, đôi khi nó cũng không thể làm được một điều nào đó như đi nghe một buổi hòa nhạc đặc biệt, hay hẹn gặp vài người thân quen, hay đi du lịch một nơi hấp dẫn vì thằng bé bệnh nặng hoặc quá mệt mỏi không thể đến trường được – có khi nó hờn giỗi và khó chịu. Những lúc ấy có khi tôi đã la thằng bé. Nó cảm thấy hối hận và xin lỗi liền. Có khi thì viết cho tôi vài chữ hoặc gởi cho tôi tấm thiệp.
Một người bệnh thường thì rất thẳng thắn và không bao giờ chịu nhượng bộ đối với tính cáu gắt. Và nếu bạn là một người chăm sóc bệnh nhân, bạn không thể để bộc lộ sự giận dữ của mình - bởi vì đối với người bệnh sự nóng giận khó chịu thật ra là do cơn bệnh lây lan hay là do thuốc men chứ không phải xuất phát từ tấm lòng yêu thương thật sự của mình.
Một ngày nọ, Ryan nắm lấy tay tôi và bắt đầu đung đưa qua lại.
“Sao, Ryan, mỗi khi con làm điều gì dễ thương như vậy, chắc là con lại muốn điều gì phải không?"
“Dạ con không muốn điều gì hết. Chẳng lẽ con không thể nắm tay Mẹ sao?”
“Hãy nói đi nào, Ryan…”
“Không phải thật vậy đâu Mẹ. Con chỉ muốn cám ơn Mẹ về tất cả những gì Mẹ đã làm cho con. Mẹ sẽ luôn bên cạnh con như Mẹ đã từng làm, Mẹ nhé!”
Không ai có thể làm cho tôi quên những lời ấy. Không ai có thể tước đi cái cảm giác của một người mẹ lúc ấy như thế nào.
Tôi nhớ có lần ai đó đã hỏi tôi: “Jeanne à, làm sao mà bạn có thể sống từ ngày này qua ngày nọ khi biết rằng con mình sắp chết?”
Tôi đã trả lời: “Chúng tôi đã không nghĩ đến cái chết. Chúng tôi không có thời gian nghĩ đến điều đó. Nếu như bạn sống mà cứ nghĩ đến nó, nó sẽ gậm nhấm cuộc đời mình. Bạn phải tiếp tục sống và tận hưởng từng ngày từng giờ mình đang sống.”
Cuối cùng thì thời khắc ấy cũng đã đến khi cơ thể của Ryan không còn tiếp tục hoạt động nữa. Khi Ryan sắp sửa ra đi, cả bệnh viện ắt hẳn đã nghĩ là chúng tôi sẽ bị điên khùng. Hiện giờ đứa trẻ đang bị hôn mê, sống còn nhờ máy móc, bên cạnh người mẹ dỡ khùng dỡ điên cứ kêu tên con mình, nói chuyện với con khi nó đang ngủ. Thằng bé có lẽ không thể nghe được gì, nhưng chúng tôi vẫn mở nhạc cho em nghe. Thằng bé không thể thấy điều gì, nhưng chúng tôi vẫn cẩn thận đứng lên ghế trang hoàng treo hình ảnh, bích chương, treo dây trên tường, trên màn hình, dây điện và thậm chí cả máy theo dõi (dấu hiệu sinh tồn) kêu bíp bíp liên tục. Chúng tôi không muốn bỏ cuộc.
Tuy nhiên khi tôi đứng đó nhìn thân hình gầy nhom của Ryan, tôi biết không có điều gì mà ai có thể làm hơn được nữa. Trước khi Ryan hôn mê, thằng bé đã bảo tôi: “Mẹ ơi, nếu như Mẹ nghĩ có cơ hội nào cứu con, thì Mẹ cứ làm đi nhé.” Vâng, chúng tôi đã làm. Chúng tôi vẫn kiên nhẫn với hết khả năng của mình cho tới giây phút cuối cùng.
Tôi đến gần sát Ryan và thì thầm: “Được rồi, con yêu. Con có thể đi được rồi.”
Và Ryan đã ra đi thật. Các bác sĩ nhân viên bệnh viện đã cố hồi sinh cho em trong vài phút. Giây phút ấy con trai tôi có lẽ lại ra đi một lần nữa: Tôi biết điều đó rất rõ. Tôi biết sẽ không còn hy vọng nào cả. Dẫu vậy, tôi vẫn gọi đó là cuộc chiến thất bại… đó là khoảnh khắc đau buồn tột độ cho tôi và gia đình.
Một người bạn thân đã bảo tôi: “Nếu như bạn không muốn thì bảo họ đừng thử nữa. Điều đó tùy bạn thôi, Jeanne à.”
Tôi đã nói chuyện với Ba Mẹ tôi, và Andrea, em gái của Ryan. Rồi tôi bảo các bác sĩ: “Xin đừng thử nữa.”
Bác sĩ Marty Kleiman, vị bác sĩ đã điều trị cho Ryan từ những ngày đầu, người đã giúp cho Ryan sống được thêm gần sáu năm, trong khi các bác sĩ chuyên khoa khác chẩn đoán là em chỉ có thể sống thêm được sáu tháng, ông đi vào và tuyên bố con trai tôi đã nhẹ nhàng ra đi trong giấc ngủ.
Tia sáng hy vọng đã vụt tắt.
Giờ đây đã bảy năm trôi qua, tia hy vọng đã dần dần trở lại. Tâm hồn tôi hiện tại như bình minh rạng đông. Tôi đang hướng về phía trước. Tôi yêu cuộc sống hôn nhân. Người chồng mới Roy đã khiến cho cuộc đời tôi vui vẻ trở lại. Con gái tôi Andrea đã lớn trưởng thành một cô gái thông minh, xinh đẹp và mạnh mẽ. Tôi hướng tới tất cả những gì mà cuộc sống đã dành cho tôi - mạo hiểm, du lịch, cháu chắt. Ở một góc trời, chân mây nào đó, tôi nghĩ tôi thật sự thấy được cái kết thúc của tai họa căn bệnh liệt kháng. Mỗi ngày, những người mà mạng sống của họ dường như sắp kết thúc lại xuất hiện phương thuốc mới. Cách chữa trị sắp có. Nó đang đến gần kề. Tôi có cảm giác như là tôi sẽ sống để thấy được ngày đó. Có món quà nào quý giá hơn khi mà bạn có được hy vọng hạnh phúc này?
Khu vườn chính là phép chữa bệnh cho tôi. Nơi đây bên những bông hoa và cây trái rực rỡ màu sắc, ngay khi tia nắng đầu tiên và cảnh vật đều mát mẻ, ướt át và những chiếc lá lấm tấm những giọt sương, tôi đang làm việc trong khung cảnh thiên nhiên và nó làm tươi mát cả tâm hồn tôi. Dường như đối với tôi, mỗi ngọn cỏ mà tôi nhặt như là một nỗi buồn nho nhỏ mà tôi đang học để quên hay giọt nước mắt mà tôi đã gạt bỏ để niềm vui có thể đâm chồi nảy nở trở lại.
Tôi nhìn thấy được những khuôn mặt trên những bông hoa tất cả những bạn bè tôi đã mất: Tôi nhìn thấy được khuôn mặt của con trai tôi. Những bông hoa thật xinh đẹp trong buổi sáng ban mai, hé nở như đang mỉm cười và sáng rực niềm hy vọng.
Cám ơn Trời lại cho tôi thêm một ngày.
“Ryan, My Son”, Jeanne White. Chicken Soup for the Woman’s Soul, 1996, Jack Canfield, Mark Victor Hansen, Jennifer Read Hawthorne and Marci Shimoff, Health Communications, Florida, USA.