Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thì cành mai vẫn nở

26/03/201109:54(Xem: 2126)
Thì cành mai vẫn nở

image
Mỗi lần xuân đến, những tạp chí Phật giáo đây đó thường nô nức nhắc đến bài kệ thơ của thiền sư Mãn Giác với những bài tụng ca, bình giảng thật vô cùng trân trọng. Thi thoảng ta cũng bắt gặp đâu đó trong các bài bình luận văn học, cành mai kia cũng đã rất nhiều lần lọt vào cặp mắt xanh của các vị giáo sư, tiến sĩ với thẩm quyền chuyên môn về kiến thức, về học thuật của mình.

Ai cũng nói đấy là bài thơ thiền. Và, giá trị mỹ học tuyệt vời của nó, dẫu đã một ngàn năm qua đi, vẫn còn mới mẻ, tinh khôi như giọt sương mai, như ánh nắng long lanh giữa ngàn cây, nội cỏ...

Bài thơ ngắn quá, rất ngắn, lại còn phá cách, phá thể, ngôn từ dị giản - được làm vào lúc “cáo bệnh, dạy học trò” - mà sao ông đã để lại cho văn học sử một tác phẩm bất hủ, vượt thời gian? Bài thơ dường như còn để lại một khoảng trống, một khoảng lặng, một khoảng “ở ngoài lời”, khơi gợi một thế giới tâm linh - mà ở đó - thấp thoáng ẩn hiện mảnh trăng thiền lung linh giữa từng con chữ! Thế gian trí năng đa biện, lý trí kiêu ngạo nầy chắc phải còn tốn rất nhiều giấy mực về bài thơ của ông. Những cái gọi là nghệ thuật, hình tượng, thi pháp, tu từ... với những kiến thức hàn lâm, kinh viện, phạm trù... lại còn cái kính hiển vi ngữ học thời đại nữa... không biết “thiền ý của cổ đức xưa” được giải mã qua mấy ngàn “trùng quan ý niệm”? Chỉ có điều, đối với thiền thì hay chưa chắc đã đúng và dở chưa phải đã sai! Và rồi, cái “hay-dở-đúng-sai” kia - đều không quan trọng, cái cốt tử của nó là trao truyền thiền ý cho chúng đồ, tiếp sức cho mạng mạch Phật giáo, thêm năng lượng sự sống và niềm tin cho hàng hậu học sa-môn.

Vậy, chúng ta hãy thử mạo muội đi tìm cái thiền ý ấy là gì?

Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai.

(Xuân đi, đóa đóa hoa rơi
Xuân về, đóa đóa hoa tươi thắm màu.)

Hai câu thơ đầu tiên này, mới nghe qua ta tưởng như bình thường, cái bình thường tự nhiên trong sự dịch hóa của vạn hữu. Ngàn xưa vẫn vậy, ngàn sau vẫn vậy, vẫn là định luật tuần hoàn chuyển đổi của đất trời. Nó không xấu hơn, cũng chẳng tốt hơn.

Nhưng, tại sao, từ cảm quan nào, cảm thức nào mà thiền sư thi sĩ lại phá vỡ trật tự thói quen của lập ngôn, lập ngữ? Ai cũng nói đến rồi đi, nở rồi tàn, nhưng ở đây thì ngược lại? Cái động từ khứ với nghĩa động là đi tới, nghĩa tĩnh là qua, đã qua, có mật ngữ, thiền ý gì không? Rồi đáo đi sau; nghĩa động của nó là đến; nhưng nghĩa tĩnh của nó là chu toàn, đầy đủ, viên mãn - có cho ta một chớp lóe tâm linh nào hay chăng?

Giải mã những điều ấy nếu dùng những hiểu biết thông thường thì e không tới. Mà cho dù kiến thức bác lãm, trí năng thông tuệ thì cũng ở bên này mép rìa của thực tại mà thôi!

Đây là bài thơ có tư tưởng thiền. Thiền sư là một hành giả. Nếu muốn nắm bắt ý nghĩa uyên áo giấu kín sau từng con chữ thì người đọc muốn lãnh hội trọn vẹn cũng phải là một hành giả. Nói cách khác, nó là bài thơ “thiền” thì ta cũng phải có tâm thiền để nhìn ngắm. Ở đây là nhìn ngắm, là quán chiếu thực tại. Đừng bắt tôi phải định nghĩa thực tại là gì? Khi ta thấy thực tại là gì thì nó đã chảy trôi rồi. Chỉ có những hành giả tu tập tuệ quán mới ý thức được hơi thở, nhận biết, cảm xúc, từng tế bào sự sống trong ta – chúng luôn tương quan duyên khởi với ngoại giới. Tất cả - chúng, đang chảy trôi, đang đi qua, đi qua. Tất cả đều đang chảy trôi, đang đi qua trong từng sát-na tâm niệm cũng như những sát-na dịch hóa của đất trời. Vậy, trong cái tâm nhãn, thiền nhãn ấy, xuân khứ là đúng với hiện quán, đúng với cái nhìn của thiền gia! Và, biết đâu, từ trong sâu thẳm tâm linh, Mãn Giác thiền sư còn gởi gắm tiếng gọi thống thiết muôn đời của Pháp trong Bát-nhã tâm kinh: “Gate, gate... đi qua, đi qua...?!” Tuy nhiên, đấy chỉ là sản phẩm của lý trí đa sự, ngại rằng nó chất chồng thêm ý niệm mà thôi! Vậy còn đáo? Khi khứ là đi qua - mà đã nội hàm nhiều tư tưởng như thế - thì đáo cũng đâu hẳn là thường ngữ?

Dĩ nhiên rồi. Ngoài định luật tự nhiên - xuân về thì trăm hoa nở - chữ đáo đi sau chữ khứ chỉ là tạo lập trật tự cho mệnh đề hay còn có ý nghĩa gì khác nữa? Xuân đến hay xuân về đều có thể diễn nghĩa cho động từ đáo. Nhưng nếu đáo có nghĩa động là đến, còn có nghĩa tĩnh là chu toàn, đầy đủ, viên mãn thì quả là ta sẽ có một trời ý niệm và liên tưởng thú vị. Không biết thiền sư Mãn Giác có gởi gắm ý tưởng ấy hay nó được làm trong vô thức?

Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai.

(Việc đời trước mắt qua mau
Tuổi già chợt đến trên đầu thế a?)

Hai câu thơ dịch chỉ cần nói được cái ngữ nghĩa, chính xác, không cần thiết phải tín, đạt, nhã như cổ nhân yêu cầu. Sự nôm na là việc đời, chuyện đời. Động từ trục, nghĩa động là đuổi, đuổi theo; nhưng nghĩa tĩnh là trước sau nối tiếp nhau. Vậy, việc đời nó đuổi, nó nối tiếp nhau chạy qua trước mắt.

Câu sau, vế đối cũng được hiểu như vậy. “Già, cái già, tuổi già” nó theo trên đầu nó đến.

Cả hai câu thơ đều vắng bặt bản ngã, và ngay pháp cũng trôi chảy vô ngã tính.

Phải có cái tuệ quán tỉnh táo mới nhìn ngắm mình và ngoại giới một cách chân xác, rỗng rang và giải thoát như vậy. Ngoài ra, chúng ta còn để ý đến động từ quá và lai; rõ ràng nó nhất quán với hai động từ khứ và đáo đi trước nó.

Đến đây, cái kiến giải thiền ý ấy ta đã có cơ sở hợp lý, logic - do từ cái nhìn thiền quán của tác giả.

Và cũng từ cái quán chiếu thực tại ấy, như dồn tụ năng lực, để đẩy hai câu cuối đến một chân trời thâm viễn hơn.

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

(Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai.)

Chữ “xuân” trong hai câu đầu là thường ngữ, ngôn ngữ tục đế, tục thể, ai cũng biết, ai cũng hiểu. Hiểu và biết theo phạm trù trí năng. Nhưng chữ “xuân” trong câu áp cuối, không như vậy. Nó vừa mang sứ mạng thường ngữ, vừa lung linh vầng trăng thiền ngữ - biểu tượng cái đẹp xuất thế. Cái vầng trăng thiền ngữ ấy, cái đẹp ấy không thể dùng trí năng để “hiểu và biết” mà là phải “thấy”, cái thấy của tuệ giác, của trực kiến tâm linh.

Mùa xuân thế gian thì đến rồi đi, nở rồi tàn, còn mùa xuân tâm linh không dễ dàng chảy trôi theo định luật tự nhiên của vạn hữu. Người có được mùa xuân tâm linh này vẫn còn bị chi phối bởi vô thường tính, vô ngã tính của cuộc đời, nhưng sẽ không còn sầu bi ưu não một cách vô duyên, thiểu trí nữa! Họ không còn than thở như cụ Tiên Điền: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”! Bậc đạt ngộ nhìn ngắm sự chảy trôi, tụ tan, sinh diệt của vạn hữu với cái nhìn tỉnh táo, trạm nhiên và an định. Họ đã trở về tao ngộ với quê hương, với miền đất an bình muôn thuở. Ở đấy, tại mùa xuân vĩnh cửu ấy, cái “tâm hoa” của họ không còn bị sự vô thường, vô ngã của pháp làm cho tàn phai và héo úa nữa. Cái thiền ý ấy bây giờ đã hiện ra bằng cách phá bỏ ý niệm thông tục: “Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết”. Rồi kế đó là dẫn dắt chúng ta đến cánh cửa huyền mật, mở ra một không gian khác, thời gian khác - khác với không-thời-gian mà mọi người đang sống:

Đình tiền, tạc dạ nhất chi mai
(Đêm qua, sân trước, một cành mai)

Thiền ý bây giờ đã lộ rõ: Đóa mai này không còn là đóa mai của thế gian, đóa mai của nở-tàn thông tục nữa. Nó không còn bị chi phối của định luật sinh diệt, hữu hạn cũng như sự vận hành âm dương của trời đất.

Vậy thì đóa mai ấy nó ở đâu? Nó ở sân trước và mới nở đêm qua. Đến đây, ta đã thấy rõ không gian (sân trước) và thời gian (đêm qua) rất đỗi lạ lùng mà chỉ có tâm thiền mới thấy được. Không-thời-gian ấy mới nở được đóa mai ấy. Và không có gì rõ ràng hơn thế!

Tuy nhiên, vẫn còn bí hiểm, bí hiểm cho những ai chưa trực kiến giây khắc đốn ngộ, chưa thực sự bước qua hố thẳm của lý trí nhị nguyên. Nói rõ hơn, là chưa kinh nghiệm tuệ giác bên kia bờ. Chỉ khi nào hội diện, cước căn điểm địa miền đất ấy, không thời gian ấy, ta mới hiểu được tiếng cười dài lạnh buốt thái hư của thiền sư Không Lộ.

“Đêm qua” là thời gian, là quá khứ. Nói về sự nhất quán của ý tứ thì quá khứ ở đây sẽ logic, chặt chẽ với những cặp thơ đi trước khứ, đáo, quá, lai. Ngoài ra, nếu ai có kiến thức tuệ giác kinh viện sẽ hiểu rằng, giây khắc ngộ đạo chỉ xảy ra trong 1 sát-na, rồi nó diệt mất, nhường sát-na kế cho quả tâm. Ngộ đạo chỉ là giây khắc chớp lóe của tâm linh, sau đó nó trôi về quá khứ. Một sát-na đã là quá khứ. Tuy nhiên, người đạt ngộ tuy có ý niệm về quá khứ, về thời gian - nhưng họ luôn trực thức, luôn hiện kiến để sống trong từng hơi thở không có thời gian, ở ngoài thời gian. Chính ở cái thời gian “ở ngoài thời gian” ấy - không gian tâm linh mới được thiết lập. Không gian tâm linh thiết lập khá ước lệ: “Trước sân”. Tại sao là trước sân, là đình tiền mà không là bên sân, sau sân (đình biên, đình hậu)?

Rõ ràng “sân” ấy là mảnh đất tâm. Cái tâm ấy là mảnh đất để cho đóa mai nở. Sát-na tâm trực ngộ, hiện kiến là nó luôn chảy trôi, nó luôn mở ra, ngạc nhiên, đón nhận dung thông các pháp đến từ ngoại giới. Cái tâm ấy phải “không” mới đón nhận vạn pháp một cách tinh khôi được. Do vậy, cái tâm ấy không thể là bên tâm, sau tâm - mà phải là cái tâm luôn trực kiến cái hiện tiền; phải là đình tiền, tâm tiền mới chính xác. Rồi đóa mai nở. Đóa mai nở là tuệ giác bừng nở. Tuệ giác bừng nở, nở nơi mảnh đất tâm, không còn bị quy định bởi không-thời-gian tại thế, ước lệ nữa.

Cuối cùng, để thêm tính thuyết phục cho sự giải mã này, ta phải trở lại một ngàn năm trước, để biết rằng Mãn Giác Thiền Sư thuộc dòng thiền Vô Ngôn Thông, đời thứ tám. Và dòng thiền này, thuở bình minh của nó, khi Vô Ngôn Thông truyền pháp cho Cảm Thành để hình thành dòng thiền Kiến Sơ - thì ông đã ngộ được yếu chỉ: “Tâm địa nhược không, tuệ nhật tự chiếu” từ Bách Trượng Hoài Hải. Vậy Mãn Giác Thiền Sư là hậu duệ của truyền thừa, sáng tạo câu thơ “Đêm qua, sân trước, một cành mai” để thi vị hóa, tăng giá trị văn học, mỹ học cho câu thiền ngữ xưa bằng những hình tượng nghệ thuật không là điều kỳ diệu sao? Tuệ nhật tự chiếu - đóa mai nở - đấy là mùa xuân vĩnh cửu, là miền đất hứa cho những người con Phật và cả cho những chúng sanh đang lăng xăng xuôi ngược giữa miền cát lầm bụi đỏ này!

Ôi! Một bức thông điệp về mùa xuân đã một ngàn năm qua đi mà dường như vẫn còn cháy sáng ý tưởng, bập bùng giữa tâm thức trần gian. Có ai nghe, ai thấy? Hay vẫn tịch lặng muôn đời trong hố thẳm vô ngôn?

Thì đóa mai vẫn nở! Bodhisvāha!

M.Đ-T.T.A

Chú thích:

1. Nhất chi mai: Nhiều người dịch là một nhành mai, một nhánh mai, một cành mai. Thật ra, ta phải hiểu, “nhất chi mai” còn có nghĩa là “một đóa mai” mới thấy thâm thúy. Một đóa là đủ rồi, cái tối thiểu - một đóa – là đủ đại biểu cho mùa xuân, như câu thơ của Sư Tề Kỷ đời Đường “Tiền thôn thâm tuyết lý. Tạc dạ sổ chi khai” Đã bị Trịnh Cốc “thầy một chữ” chê chữ sổ (vài), nên sửa lại là “nhất”- Đêm qua nở một bông... (Xem thêm An Chi, sđd, q.3, tr.183).
2. Không, Không tính (Suñnatā).
3. Tâm địa nhược không, tuệ nhật tự chiếu. Dịch sát ý: Đất tâm, mảnh đất tâm nếu (ví, bằng) là không (không tính) thì mặt trời (tuệ giác) sẽ tự chiếu (bừng sáng).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/05/2013(Xem: 1483)
Đứa con đầu lòng của tôi, một cháu gái, ra đời ngày 27-7-2002. Tôi cứ tưởng rằng mình đã chuẩn bị sẵn sàng để sinh cháu. Tôi đọc sách và các bài báo viết về việc sinh con và chăm sóc trẻ. Phòng dành riêng cho cháu đã được chuẩn bị sẵn sàng. Tôi cũng đã chuẩn bị đèn ngủ, tã lót, núm vú cao su, thau chậu và mọi thứ cần thiết khác
28/05/2013(Xem: 1587)
1. Khi gặp được người mà bạn thật sự yêu thương: Hãy nỗ lực giành lấy cơ hội trở thành một nửa của người ấy bởi vì nếu người ấy ra đi, tất cả sẽ không còn kịp nữa. 2. Khi gặp một người bạn có thể tin tưởng được: Cần giữ quan hệ tốt với người đó vì trong cuộc đời mỗi người, gặp được tri kỷ không phải là điều dễ.
28/05/2013(Xem: 1483)
Để được đôi môi xinh xắn, hãy nói những lời ngọt ngào, dễ nghe. Để được đôi mắt tinh tế, hãy tìm kiếm vẻ đẹp trong tâm hồn của người khác. Để được thân hình duyên dáng, hãy chia sẻ phần thức ăn của mình với những người nghèo khổ. Để được mái tóc óng ả, hãy để trẻ con vuốt tóc mỗi ngày.
28/05/2013(Xem: 1564)
Albert Einstein từng nói: “Một cuộc sống vì một cuộc sống khác mới là một cuộc sống xứng đáng”. Câu nói này hoàn toàn phù hợp để nói về mẹ tôi. Bà thương yêu và luôn giúp đỡ người khác vô điều kiện. Cố gắng duy trì cuộc hôn nhân không hạnh phúc với một người đàn ông nghiện rượu và nuôi nấng bốn đứa con gái, bà vẫn còn thời gian để dành cho người khác.
28/05/2013(Xem: 2244)
(Một câu chuyện cảm động của một tác giả vô danh nhận được qua e-mail của một người bạn ở Malaysia, mong được chia sẻ với mọi người). Suốt thời thơ ấu và cả khi lớn lên, lúc nào tôi cũng ghét mẹ tôi. Lý do chính có lẽ vì bà chỉ có một con mắt. Bà là đầu đề để bạn bè trong lớp chế giễu, châm chọc tôi.
28/05/2013(Xem: 2180)
Giật mình thức giấc. Cảm thấy khát khô ở cổ, tôi lồm cồm ngồi dậy mở tủ lạnh nốc một hơi. Nước lạnh làm tôi tỉnh người. Nhìn đồng hồ đã hơn 4g sáng. Tôi đến bên máy vi tính bật máy lên. Mở chương trình Nhật Ký định nhập vào những việc mình đã làm hoặc những suy nghĩ về một ngày đã qua.
28/05/2013(Xem: 1597)
Một trong những hồi ức thân thương nhất của tôi khi còn thơ đó là đi dọc và ngồi xuống bên bờ sông. Nơi đó tôi được tận hưởng sự yên bình và tĩnh lặng, ngắm nhìn dòng nước lặng lờ trôi và tiếng những con chim hót và những chiếc lá cây rì rào.
28/05/2013(Xem: 1651)
Một vị vua treo giải thưởng cho họa sĩ nào vẽ được một bức tranh đẹp nhất về sự bình yên. Nhiều họa sĩ đã cố công. Nhà vua ngắm tất cả các bức tranh nhưng chỉ thích có hai bức và ông phải chọn lấy một. Một bức tranh vẽ hồ nước yên ả. Mặt hồ là tấm gương tuyệt mỹ vì có những ngọn núi cao chót vót bao quanh.
28/05/2013(Xem: 1524)
Em chỉ mới lên 6 tuổi khi tôi gặp em lần đầu tiên trên bãi biển. Tôi đã lái xe đi một đoạn đường dài 3, 4 dặm đến bờ biển này, mỗi khi thế giới đóng cửa với tôi. Em đang xây một tòa lâu đài cát hay một cái gì đại loại như thế.
28/05/2013(Xem: 2902)
Ai thật sự đã làm đời bạn khác đi? Hãy thử trả lời đôi điều dưới đây: - Hãy kể tên năm người giàu nhất trên thế giới. Hãy kể tên vài người đoạt vương miện hoa hậu hoàn vũ mấy năm gần đây nhất. Hãy kể tên 10 người đã đoạt giải Nobel hoặc giả Pulitzer
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567