Một giáo sư, chuyên gia về quản lý thời gian đang sử dụng phương pháp trực quan để dạy cho một nhóm sinh viên thương mại. Khi đứng trước nhóm sinh viên đạt được thành tựu cao, ông nói: “Ðây là lúc kiểm tra”. Thế rồi ông kéo ra một cái hũ khoảng 5 lít và đặt lên bàn trước mặt, rồi đưa ra khoảng chục viên đá to cỡ bằng nắm tay cẩn thận đặt vào bên trong hũ, mỗi lần đặt một viên. Khi chiếc hũ gần đầy, không còn có thể bỏ thêm viên đá nào nữa, ông hỏi: “Chiếc hũ đã đầy rồi phải không?”. Mọi người đều trả lời: “Vâng”. Giáo sư hỏi lại: “Thật thế chứ?”. Ông lấy phía dưới bàn ra một sọt đựng sỏi và bỏ chúng vào hũ giữa những viên đá lớn. Rồi lần nữa ông hỏi cả lớp xem chiếc hũ đầy chưa. Lần này cả lớp trả lời: “Có thể là chưa”. “Tốt”. Nói đoạn ông lấy từ dưới bàn ra một xô cát, và bắt đầu trút vào trong hũ, cát len lõi vào những viên đá lớn và những hòn sỏi nhỏ. Một lần nữa ông hỏi hũ đã đầy chưa. “Chưa đầy”. Cả lớp la lên. Ông lại nói: “Tốt” và lấy một bình nước trút vào trong hũ đến khi ngập miệng bình.
Ông nhìn cả lớp và hỏi: “Cốt lõi của sự minh họa này là gì?”.
Một sinh viên nôn nóng đáp: “Cốt lõi chính là dù thời gian biểu của chúng ta có kín đi chăng nữa cũng không quan trọng, nếu thực sự cố gắng chúng ta luôn có thể thêm vào”.
“Không phải vậy” Giáo sư trả lời: “Ðó không phải là điều chủ yếu. Chân lý của thí dụ này chính là nếu chúng ta không đặt những viên đá lớn trước tiên, thì chúng ta không bao giờ bỏ hết tất cả vào được”.
Những “viên đá lớn” trong cuộc đời các bạn là gì? Thời gian bạn ở bên cạnh người thân yêu, những niềm tin, sự học, những ước mơ, những động cơ chính đáng của bạn, chỉ bảo hoặc tư vấn cho người khác. Hãy nhớ đặt “NHỮNG VIÊN ÐÁ LỚN” đó trước tiên, nếu không bạn sẽ không bao giờ có được tất cả. Vì vậy, tối nay, hoặc sáng mai, khi bạn nhớ đến câu chuyện trên thì hãy hỏi chính mình: NHỮNG VIÊN ÐÁ LỚN trong cuộc đời ta là gì?