Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Trượng Tòng (Kính dâng Ngài Hộ Nhẫn)

31/01/202306:10(Xem: 5264)
Trượng Tòng (Kính dâng Ngài Hộ Nhẫn)
 
ht ho nhan 3


Trượng Tòng
(Kính dâng Ngài Hộ Nhẫn)

 
Một cõi Thiền Lâm, bóng trượng tòng
Quang minh tinh đẩu chiếu hư không
Đầu phơi mưa nắng, gìn thanh hạnh
Chân dẫm xóm làng, giữ chánh tông
Rũ bụi, thung dung vầng nguyệt tỏ
Xả tài, phơi phới mảnh gương trong
Mây lành năm sắc che tàn lọng
Hương ngát ba ngàn tỏa núi sông
Thiện tín trầm hoa, nhân thắng tuệ
Tăng ni kinh pháp, quả viên thông
Bi từ, giới trí ngời uy đức
Đạp sóng, thênh thang cuộc lữ bồng!
 

(Trích Sương Khói Đường Thi)
Minh Đức Triều Tâm Ảnh



ht ho nhan 2


Họa:


Thạch Trụ Thiền Gia

Thạch trụ thiền gia rợp bóng tòng
Từ bi tánh đức sáng thinh không 
Tâm nguyền vững chãi hành chơn hạnh
Chí nguyện kiên cường xiển diệu tông
Phủi sạch trần lao truyền pháp tỏ
Xua tan nghiệp chướng nối dòng trong 
Lên thuyền Bát Nhã rong mây lọng
Quẩy bóng Lăng Già dạo núi sông 
Tự tại an yên soi mắt tuệ 
Ung dung tịch tĩnh hiển thần thông 
Tuỳ duyên chẳng ngại nuôi hương đức 
Vượt thoát tử sinh hướng đạo đồng.


 Tu Viện An Lạc, Xuân Quý Mão-2023
Trúc Nguyên-Thích Chúc Hiền (kính họa)



ht ho nhan

Vô Ngôn Thần Giáo
(Kính dâng Đức Tăng Trưởng)
 

Đức của đất trời, bặt trí tri!
Trang nghiêm một cõi, nhiếp nhân vi
Ngàn nhà cơm bánh, thân nào quản
Tám tiết nắng mưa, hạnh sá gì
Nhỏ nhẻ nói cười, tâm đại độ
Dịu dàng đi đứng, giới oai nghi
Bao năm độ chúng, vô ngôn giáo
Hoằng pháp, lợi sanh bất khả nghì!
 

(Trích Sương Khói Đường Thi )
Minh Đức Triều Tâm Ảnh




ht ho nhan 2


Họa:


Tánh Thể Ngời Soi


Thể tánh ngời soi mở thức tri
An yên tịch tĩnh hợp vô vi
Đến đi tự tại tâm đâu quản 
Hoằng hoá thong dong ý ngại gì
Hạnh nguyện vun trồng vươn ánh độ
Đức nguyền tưới tẩm gạn vòng nghi
Tuỳ duyên vững chãi hành chơn giáo
Thức bổn hoàn nguyên quả diệu kỳ



 Tu Viện An Lạc, Xuân Quý Mão-2023
Trúc Nguyên-Thích Chúc Hiền (kính họa)


***





ht ho nhan 2





ĐÔI NÉT VỀ
HÒA THƯỢNG HỘ NHẪN


Bài MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH



Được biết ông xuất thân từ dòng dõi quý tộc, hoàng gia đã sa sút theo với hoàng hôn của triều đại, thuộc “đệ cửu hệ, tứ phòng.” Thế danh Tôn Thất Thuế, sinh năm 1924 tại thôn Thanh Lương, xã Hương Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Phụ thân là cụ ông Tôn Thất Tích, mẫu thân là cụ bà Phan Thị Cưỡng, đều là những Phật tử thuần thành, hiền lương, chất phác.

 Năm 1934, mười tuổi, ông đỗ Yếu Lược; năm 1937, mười ba tuổi, ông đỗ bằng Primaire; nhưng vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó, ông phải nghỉ học, phụ giúp gia đình để chăm lo cho các em. Năm 1939, lúc mười lăm tuổi, ông được cụ Tôn Thất Cẩn tuyển vào làm thư ký cho Tôn Nhơn Phủ ở Thành Nội, Huế. Do phẩm chất, tư cách, dòng dõi và sở học tương đối vững vàng, vào thời ấy, ông được phụ trách trông coi sổ sách, văn từ cho Thế Miếu. Đây là một công việc đòi hỏi kiến thức, trình độ Pháp ngữ và nhất là sự tin cậy của hoàng tộc.

Ba năm làm việc ở đây, vừa có đồng lương giúp đỡ gia đình vừa có cơ hội tham cứu kinh sách có sẵn ở thư viện của phủ.

Hôm kia, nhân duyên từ ngàn xưa trở lại, ông đọc được một quyển sách tiếng Pháp kể về cuộc đời của đức Phật Sakyā Gotama, ông xúc động quá, tự nghĩ, “Cuộc đời vắn vỏi, sống chết vô thường; ta phải noi gương đức Phật xuất gia mới được. Đây chính là tiếng gọi kêu giục giã tự sâu thẳm trong lòng ta!”

Thế rồi, năm 1942, rời Miếu đường hoàng gia, trở về nhà, ông khẩn khoản vập đầu xin hai thân cho được xuất gia như ý nguyện. Cả thảy ba lần đều không được. Lần thứ tư, ông ra bờ rào chặt mười cây roi tre hóp, thỉnh hai thân ngồi lên, rồi quỳ mọp xuống, bạch với đại ý rằng. “Thân xác con đây là do cha mẹ cưu mang, dưỡng dục. Thịt xương, máu huyết này con đã mang trọng ân vay mượn của song thân. Khi ra đi tầm đạo, con không dám mang tội bất hiếu; vậy xin song thân hãy dùng mười cây roi tre hóp này, đánh cho nát thịt xương con; một chút máu huyết để lại, dẫu không đáng gì, nhưng coi như con đã trả đền trọng ân trong muôn một!”

Thấy ý chí sắt đá của con, hai cụ đành phải gạt nước mắt chấp thuận.

Thế là vào năm ấy, mười tám tuổi, người con trai nom có vẻ khô gầy nhưng cương nghị ấy, tự cạo tóc, tự mặc áo nâu sồng tìm đến chùa Cao Minh trong làng, xuất gia, tu học. Tại đây, ông “phát nguyện tu khổ hạnh bất thối,” mỗi ngày chỉ dùng một nắm rau bất kể xanh hay vàng, không có muối và một bát nước trong, lấy hơi thở làm đề mục thiền định.

Vào năm 1944, thôn Thanh Lương không còn yên ổn do bom rơi, đạn lạc, ông phải tìm cách tản cư. Trên đường về Huế, gặp chùa Vô Vi (sau là chùa Từ Nghiêm) là chỗ thân quen, ông xin ở lại đây tiếp tục khổ hạnh, tu tập cầu giải thoát.

Ba năm ăn rau không muối, uống nước lã, thân xác người con trai chỉ còn da bọc xương, nhưng ông vẫn tính tấn thiền định. Hôm kia, có lẽ do máu huyết khô cạn dần, cơ thể đã quá suy kiệt, sự sống chỉ còn thoi thóp, ông không còn đủ sức tọa thiền nữa. Vận dụng ý chí, duy trì chánh niệm, ông bỏ oai nghi ngồi quay sang oai nghi nằm.

Ông như bị mê lả đi trong một thoáng khắc nào đó rồi một tiếng nói mơ hồ vọng vào tai, “Đức Phật đã từ bỏ lối tu khổ hạnh ép xác rồi mà tại sao ông vẫn còn si mê đi theo con đường ấy? Hãy tỉnh lại đi thôi!”

Ông bàng hoàng, nhìn quanh thấy cửa đóng, then cài, biết là chư thiên nhắc nhở. Nhưng đã lỡ phát nguyện khổ hạnh bất thối, giờ biết làm sao? Ông nghĩ ra được một cách là cắt một lóng tay để phá bỏ lời nguyền.(1) Từ đây, ông ngọ trai mỗi ngày hai chén cơm lửng, muối dưa chay đạm và một bát nước trong.

 Năm 1947, hai mươi ba tuổi, nghe tiếng ở Huế có thầy Châu Lâm tu tập tốt, ông tìm đến xin thọ giáo. Ở đây được hai năm rưỡi, ông được thầy Châu Lâm tận tình hướng dẫn kinh, luật chữ Hán rồi cho thọ Sa-di giới. Nhờ khiêm nhu, đức hạnh, tính tình mềm mỏng, dịu dàng, tu hành tinh tấn nên ông được thầy thương, bạn mến, đạo hữu gần xa kỉnh mộ.

 Vào năm 1952, lúc sư Giới Nghiêm đến Huế ghé chùa Châu Lâm, là lần đầu tiên ông thấy hình ảnh một vị sư tam y, nhất bát. Xúc động quá, ông cứ đi lui đi tới bên ngoài đưa đôi mắt không rời nhìn hình bóng đức Phật từ ngàn xưa hiện về! Ông mới tự nghĩ, “Đây mới đúng là y bát chân truyền của đức Từ Phụ Thích Ca! Đi xuất gia trong hình ảnh Tăng tướng này mới đúng là chí nguyện sâu thẳm trong lòng ta!”

 Lúc sư Giới Nghiêm từ giã, ông lẻn ra trước bờ rào, cố đợi gặp cho bằng được, chấp tay vô cùng lễ độ để thưa hỏi chỗ ở, chỗ đang hành đạo của sư.

 Và cuối cùng, ông cũng đã tìm được đến nơi. Sau gần nửa năm, sư Giới Nghiêm tận tình hướng dẫn kinh, luật Pāḷi. Cho đến đầu năm 1953, sư Giới Nghiêm thỉnh mời đại đức Thiện Luật làm thầy thế độ cho ông ta thọ Sa-di giới(1) có pháp danh là Hộ Nhẫn (Khantipālo), sau đó cho sư ấy về ở chùa Kỳ Viên.

Và có ai biết rằng, hội truyền giáo của các sư, giờ lại có thêm một nhân tố kỳ đặc, một hạt giống Bồ Đề huân tụ sức mạnh tâm linh, sau này đâm chồi, mọc rễ, tỏa tàn xanh bóng mát tại đất Thần Kinh văn vật.

Đồng thời, trong lúc ấy, sư Giới Nghiêm lại tính chuyện hoằng pháp ra Huế, vì ông Nguyễn Thiện Đông và bà Nguyễn Thị Cúc tha thiết thỉnh mời, sau nhiều lần nghe pháp ở đây. Họ muốn tại xứ sở của Phật giáo Đại thừa nên có mặt giáo pháp Theravāda, rất gần với cội nguồn nguyên thủy.

Mọi nhân, mọi duyên dường như chỉ còn đợi thời gian để chín muồi!

(Trích Thắp Lửa Tâm Linh – Minh Đức Triều Tâm Ảnh)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
16/12/2014(Xem: 11287)
Kinh thư biến hóa biểu đồ Con tàu thiền quán qua bờ kiến tri Tâm linh thực nghiệm đêm ngày Thực hư bất khả tư nghì, ô hô!
14/12/2014(Xem: 10670)
Mờ mờ sương giăng núi thẳm. Bàn chân bước qua một lần Tình trong tay áo bâng khuâng Con đường tương tư lận đận.
14/12/2014(Xem: 10898)
Tánh Tuệ luôn mãi huy hoàng Sao Phàm Phu Tánh hiên ngang trị vì Hốt giác, hốt mê liền khi Chấp Ngã, chấp Pháp níu ghì bủa vây
11/12/2014(Xem: 12895)
- Luân hồi sáu nẻo vào ra Tùy theo nghiệp báo dẫn ta thăng trầm Người hiền thì được siêu thăng Kẻ ác thì bị giam cầm khảo tra Về đâu cũng bởi tại Ta...
11/12/2014(Xem: 10749)
Nước mùa thu với mặt hồ phẳng lặng Luôn trong xanh phản chiếu cả bầu trời Cõi bình yên hiện hữu khắp muôn nơi Hãy trân quý để muôn loài cộng hưởng Sống an ổn là một điều sung sướng “Phân biệt” sinh sóng gợn nước trào dâng Bầu trời xanh tĩnh lặng cũng mất dần
11/12/2014(Xem: 11223)
Thân già bịnh tật ốm đau Vào nhà dưỡng lão trước sau một mình, Đầu óc lú lẩn vô minh Lại thêm khó tính cảm tình cũng không. Vệ sinh tắm rửa khó lòng Lau chùi kỳ cọ y công tận tình,
10/12/2014(Xem: 12735)
Vệ giang chiều cuối năm, Tôi về mưa lâm thâm. Dáng Mẹ tre gầy guộc Thương! Con lệ đá câm!
09/12/2014(Xem: 12229)
Hôm nay con lại về đây Cầu siêu lễ Phật theo Thầy tụng kinh Thời kinh thật quá oai linh Người âm siêu thoát, hữu tình vui lây Giọng Thầy dẫn chúng thật hay Chúng con hòa nhịp hăng say rõ ràng Lời Thầy ấm cúng ngân vang Tâm Thầy tha thiết xốn xang lòng người Thời Kinh như Phật hiện đời
03/12/2014(Xem: 11444)
Thoạt sinh ra đã tìm về huyệt mộ Từng sát na biến chuyển xác thân nầy, Vô thường từng phút từng giây Trẻ thơ rồi đến cái ngày diệt vong. Đời người chỉ thoáng qua như giấc mộng Tỉnh giấc rồi vạn sự giai không
30/11/2014(Xem: 13095)
Đồng khô cỏ cháy quê nghèo Rượu khuya tê đắng, trà chiều sệch khan Thương em hạt nước hạt vàng Giọt vào tim kẻ hoang đàng ngủ quên!
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]