Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Vàng Ngọc, Tiếng Đàn Tuyệt Diệu (Thi hóa truyện cổ PG của Tâm Minh Ngô Tằng Giao)

27/11/202116:09(Xem: 6486)
Vàng Ngọc, Tiếng Đàn Tuyệt Diệu (Thi hóa truyện cổ PG của Tâm Minh Ngô Tằng Giao)
vang ngoc

VÀNG NGỌC
 
Phật thời còn tại thế gian
Có ông vua nọ ngọc vàng đầy kho
Chất cao như ngọn núi to
Một ngày vua muốn phát cho mọi người
Đem ra bố thí khắp nơi
Cái tâm phước thiện tuyệt vời biết bao!
Mỗi người lần lượt theo vào
Bốc ra một nắm số châu báu này,
Bao người đã ghé lại đây
Núi châu báu nọ vẫn đầy, vẫn cao.
Nhà vua này đã từ lâu
Phước duyên chất chứa trước sau nhiều rồi,
Phật Đà biết đã tới thời
Thuận chiều hóa độ cho người thiện tâm
Phật thành Phạm Chí hóa thân
Đến thăm vua nọ, dừng chân, thốt lời:
"Tôi từ xa ghé tới nơi
Xin vua ngọc báu để tôi mang về
Đổi thành vật liệu chốn quê
Làm nhà để ở tiện bề ấm êm".
Rất vui lòng vua nói liền:
"Ngọc vàng có sẵn đây xin ông dùng!".
Người xin bốc một nắm xong
Vừa đi bảy bước đã vòng lại ngay
Ngọc vàng trả lại chốn đây
Nhà vua thấy chuyện lạ này hỏi luôn,
Người xin kể lể nguồn cơn:
"Cất nhà tuy đủ nhưng còn phần tôi
Năm sau đã cưới vợ rồi
Cho nên vẫn thiếu nên tôi trả về!".
Nhà vua: "Nếu vậy khó chi
Lấy thêm ba nắm mang đi là vừa!"
Người xin đã chẳng chối từ
Bốc thêm ba nắm rất ư đẹp lòng
Mới đi bảy bước vừa xong
Người xin lại vội vã vòng lại đây
Báu châu trả lại vua ngay
Khiến vua lại hỏi, vẫn đầy ngạc nhiên.
Người xin: "Đủ cưới vợ hiền
Nhưng còn ruộng đất, lại thêm trâu bò
Thêm gia nhân cũng phải lo
Phần này đâu có đủ cho mọi bề
Thật tình tôi chẳng dám chê
Cho nên trả lại! Xin về làm chi!"
Nhà vua: "Nào có khó gì
Lấy thêm bảy nắm nữa đi xin mời!"
Người xin lấy bảy nắm rồi
Mới đi bảy bước ông thời quay lui
Báu châu vẫn trả lại thôi
Khiến vua kinh ngạc thốt lời hỏi thăm.
Người xin cất tiếng than van:
"Tôi còn bao chuyện khó khăn tại nhà
Nào lo phụng dưỡng mẹ già,
Nào lo chăm sóc cho cha tật nguyền,
Nào lo kỵ giỗ liên miên
Lại thêm giao tiếp thường xuyên họ hàng,
Còn bè bạn, còn xóm làng
Số này không đủ! Nên mang trả về!"
Vua hoan hỉ nói: "Vậy thì
Biếu ông tất cả núi kia ngọc vàng
Chắc là thừa thãi mọi đàng?"
Người xin châu báu vội vàng nhận ngay.
*
Bước lên núi báu vui thay
Nhưng rồi trở xuống, giọng đầy ưu tư:
"Muôn vàn cảm tạ nhà vua
Tôi không nhận nữa, xin đưa trả ngài!"
Vua kinh ngạc: "Có gì sai?
Của tôi hiến tặng cho ai cần dùng!"
Người xin nhẹ thốt tiếng lòng:
"Hôm nay tôi đến để mong của này
Mưu cầu sự sống hàng ngày
Nhưng nay xét lại mới hay một điều
Thời gian sống chẳng bao nhiêu
Sáng còn, tối đã mất tiêu đi rồi
Vô thường muôn vật ở đời
Khó mà lưu giữ mãi nơi tay mình,
Núi châu báu cũng tan tành
Bản thân hưởng lợi mong manh sớm chiều
Ham càng lắm, muốn càng nhiều
Bao nhiêu thèm khát, bấy nhiêu đọa đày
Chi bằng dục vọng dứt ngay
Và cầu đạo giải thoát đầy tinh anh
Trau dồi đức tính cho mình
Và cho xã hội, gia đình mãi thôi
Hướng về mục đích tuyệt vời
Từ bi, trí tuệ theo nơi đạo mầu
Cho nên tôi chẳng ham cầu
Chẳng cầu vàng ngọc và châu báu này!"
Vua nghe liền tỉnh ngộ ngay
Lời vàng tỏ rạng sáng đầy trong tâm
Bấy giờ Phật mới hiện thân
Hào quang rực rỡ sáng ngần khắp nơi
Nhà vua cùng các bầy tôi
Vui mừng xin được nghe lời Phật ban
Xin quy y với đạo vàng,
Xin theo ngũ giới, bình an tâm hồn.
 
Tâm Minh Ngô Tằng Giao
(Thi hóa Truyện Cổ Phật Giáo)
_________________________________________



dan vi cam

TIẾNG ĐÀN 
TUYỆT DIỆU


Đêm nay trăng sáng non ngàn

Ở trong tịnh xá Kỳ Hoàn trang nghiêm

Phật Đà yên lặng ngồi thiền

Hào quang ngũ sắc toả miền nhân gian

Trời khuya gió mát mơn man

Thiền đường tĩnh lặng, hương làn ngất ngây

Tỳ kheo quần tụ nơi đây

Trầm tư mặc tưởng, lòng say đạo mầu

Cố công tu luyện chuyên sâu

Cội nguồn nghiệp chướng mong mau tỏ tường

Trừ oan nghiệt, diệt tai ương

Trở nên hữu ích tìm phương giúp đời.

Tỳ kheo gồm cả ngàn người

Chàng kia mới nhập vào nơi cửa thiền

Vì bồng bột tuổi thanh niên

Muốn mình sớm đắc đạo liền như ai

Mang Kinh Di Giáo tụng hoài

Kinh Phật Ca Diếp giúp loài chúng sinh,

Chàng này tụng suốt đêm thanh

Cầu ngài gia hộ cho mình đạt mau,

Dù tu hành chẳng bao lâu,

Cũng thành chánh quả, đạo mầu tinh thông.

Màn đêm u tối mênh mông

Càng khuya càng thấy mịt mùng khắp nơi

Tỳ kheo mỏi mệt rã rời

Mà sao bờ giác xa vời, biệt tăm

Cả ngoài thân lẫn trong tâm

Có hề giác ngộ ra phần nào đâu.

Rất hời hợt chẳng nghĩ sâu

Tỳ kheo buồn chán, u sầu tâm can

Đường tu muốn chấm dứt ngang

Quay về nẻo cũ lầm than tục trần.

Phật Đà chan chứa lòng nhân

Đoán ra ý định! Muôn phần thương thay!

Thương tỳ kheo thoái chí này

Nên sai thị giả gọi ngay người vào,

Từ bi Phật hỏi đôi câu:

"Trước khi đến với đạo mầu Như Lai

Tại gia nơi chốn trần ai

Khi con giải trí thích chơi những gì?"

"Bạch Thế Tôn chẳng nhiều chi

Suốt ngày con chỉ ham mê đàn cầm!"

"Dây chùng, đàn có chịu ngân?"

"Thưa không! Đàn sẽ bị câm tiếng rồi!"

"Dây căng, đàn có vang lời?"

"Thưa dây đàn sẽ tức thời đứt ngay!"

"Dây vừa, chắc tiếng sẽ hay?"

"Bạch Thế Tôn! Tiếng đàn này tuyệt luân

Âm thanh thánh thót vô ngần

Du dương trầm bổng vang ngân tuyệt vời!"

*

Phật nhân đó dạy đôi lời:

"Người tu cũng vậy so thời khác đâu

Tu không tinh tấn dài lâu

Dễ gì thông hiểu đạo mầu được ngay,

Tinh tấn quá cũng chẳng hay

Cũng không kết quả, cách này cũng sai!

Tu vừa phải, tu khoan thai

Đừng nên thái quá sẽ hoài công thôi

Sinh tâm chán nản mấy hồi

Muốn hoàn cõi tục đường đời như con!"

Phât Đà vừa nói dứt xong

Tỳ kheo tỉnh ngộ, trong lòng ăn năn

Quỳ xin sám hối thành tâm

Nguyện theo lời Phật nương thân cửa thiền.

Khi lui về chốn phòng riêng

Nghe lời mãn nguyện tâm liền thảnh thơi

Đường tu tỏ ngộ rạng ngời

Như thuyền lạc hướng biển khơi mịt mờ

Lênh đênh không thấy bến bờ

Bỗng dưng hướng cũ bất ngờ tìm ra.

Đêm dài tăm tối đã qua

Tâm hồn người chợt thăng hoa nhiệm mầu

Vầng dương chói lọi non đầu

Phá tan sương phủ từ lâu trong lòng.


 Tâm Minh Ngô Tằng Giao

(Thi hóa Truyện Cổ Phật Giáo)

____________________________________________________

 

facebook
youtube
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
16/08/2018(Xem: 11449)
Trước khi bàn đến Số Mệnh thì có lẽ chúng ta nên tìm hiểu rõ riêng từng chữ, Số là gì và Mệnh là gì ? Chữ Số, đứng riêng một mình, nó có thể hiểu hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất giản dị là con số, hay chữ số, dấu hiệu được đặt ra để biểu thị cho cái lượng, cái gì có thể tính, đếm, đo, cân. Các con số này có thể cộng trừ nhân chia với nhau. Nghĩa là con số có thể thêm, bớt, tăng, giảm. Con số còn có thể là chẳn lẻ, dư thừa, số dương, số âm, con số nguyên hay phân số, nghịch hay đảo, số thực hay phóng đại, số trung bình hay số vô tỉ…
16/08/2018(Xem: 7083)
Kính cảm ơn các cây bút Phật đã góp phần truyền đạt giáo lý thậm thâm vi diệu của Đấng Điêù Ngự Trượng Phu qua các trang nhà Phật Giáo Hải Ngoại như : Thư Viện Hoa Sen , Quảng Đức , Hoa Vô Ưu và Nguyệt san Chánh Pháp đến với biết bao người con Phật cùng khắp cả năm châu . Bút Phật không thủ chấp Mà vẫn ngát tâm hương Trong muôn ngàn ý tưởng Toả sáng lẽ Chơn Thường . Bút Phật từ tâm niệm Khai dòng đuốc tuệ ra Phá màn đêm tăm tối Qua nét đẹp tình ta . Bút Phật như phương tiện Mở bày tánh Chân Nguyên Truyền đạt lời Phật dạy Trở về sống Như Nhiên .
15/08/2018(Xem: 7199)
Có một người đi bên cạnh cuộc đời Luôn âm thầm chịu đựng cảnh nổi trôi Khi sương khuya hay nắng cháy da người Vẫn lặng lẽ một niềm thương nỗi nhớ.
14/08/2018(Xem: 15082)
Ngài Mục Liên là một tấm gương sáng chói tượng trưng cho lòng chí hiếu và báo ân. Ngài đã thực hành phép sám hối để báo ân mà cứu được mẹ thoát khỏi địa ngục.
14/08/2018(Xem: 11136)
Cảm nhận “Hương Đời của thầy Minh Đạo, Nhiều người biết thầy Minh Đạo là một nhà thư pháp có nét chữ phóng khoáng với những phong cách đặc thù không lẫn với ai được. Nhưng bên cạnh nhà thư pháp thầy còn là một nhà thơ với sở trường là thơ Đường và những thi tập đã xuất bản như Nơi ấy bình yên, Đối cảnh tùy duyên, Quay về, Đường về…
13/08/2018(Xem: 11744)
Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt Toát hơi may lạnh buốt xương khô Não người thay buổi chiều thu Ngàn lau nhuốm bạc lá ngô rụng vàng…
12/08/2018(Xem: 10521)
Ngày trôi, tháng trôi, đời trôi. Rồi đây cỏ cây úa tàn. Thời gian lướt trên màu tóc. Nhạt nhòa phấn son phù du. Hỡi người có nghe Thời gian lướt đi. Vô cùng lặng lẽ. Để ta đừng hay. Nào ngờ một mai sáng kia. Thức giấc ta nghe hai tiếng Thời Gian !
11/08/2018(Xem: 10182)
Vu Lan Tháng Bảy Thềm nhà Hoa khai Nụ hé
11/08/2018(Xem: 8988)
Quê Ngoại tôi thơm hoa đồng cỏ nội, Biển và trăng lấp lánh ngàn sao Ruộng vườn xưa nay vắng bóng người Ai bỏ xứ ra đi tìm lẽ sống
11/08/2018(Xem: 11758)
Bà hiện còn khỏe, minh mẫn, sống ở Nha Trang. Bà thành hôn với nhà văn B.Đ. Ái Mỹ 1940, cuộc tình sau 47 năm (tức năm phu quân mất 1987), bà sinh hạ 14 người con: 7 trai, 7 gái. Tất cả 14 người con của bà đều say mê âm nhạc, thích hát và hát hay, nhất là người con thứ ba - Qui Hồng. Hơn ½ trong số này cầm bút, làm thơ, viết văn, vẽ, điêu khắc và dịch thuật. Người có trang viết nhiều nhất là người con thứ 10: Nhà văn Vĩnh Hảo, với 13 đầu sách đã phổ biến… Bà là nữ sĩ nổi tiếng không những về thơ ca mà còn cả thanh sắc, thêm vào tính tình hiền diu, đằm thắm nên được văn thi hữu thời bấy giờ quí trọng. Bà là nữ sĩ nổi danh từ thập niên 30 vế cả ba mặt Tài, Sắc và Đức.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]