Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Trần Xuân Kiêm, một niềm sầu ca tha thiết

17/05/202108:45(Xem: 11478)
Trần Xuân Kiêm, một niềm sầu ca tha thiết


tran xuan kiem 2
TRẦN XUÂN KIÊM
MỘT NIỀM SẦU CA THA THIẾT

 

 

Trong thế giới thi ca hiện đại Việt Nam, ngoài những nhà thơ nổi tiếng như Bùi Giáng, Hoài Khanh, Nguyễn Đức Sơn, Phạm Thiên Thư…thì Trần Xuân Kiêm, tuy ẩn mật nhưng hồn thơ lai láng, chan hoà cả trời thơ đất mộng mông lung. Một niềm thơ tình tự, tương tư trong nỗi sầu ca vô cùng xúc động cứ đồng vọng hoài trên mặt đất ngân rung.

 

Không biết tự bao giờ, em đã đến giữa tồn sinh này, khiến cho thi nhân ngất say trong chén rượu nồng được rót từ suối tóc long lanh, từ biển mắt xanh biếc huyền diệu mông mênh. Em về đây từ một thế giới ban sơ vừa mộc mạc, giản dị vừa huy hoàng, diễm lệ. Thế giới của thơ và họa giao thoa trong tiếng nhạc của trời giữa thiên thu vời vợi…

 

Nơi đây dư vang của huyền thoại quy hồi và em xuất hiện. Em về ngồi đó, lặng lẽ trong bóng chiều vĩnh cửu, thiên thu, đủ cho chàng thi sỹ ngây ngất, bàng hoàng, choáng váng, vội vã Quy Hàng:

 

Em ngồi trong bóng thiên thu

Nắng vui còn đọng lời ru suối ngàn

Có ta cõi đó điêu tàn

Đá khô đất sụp quy hàng bên em

 

Em về đây, say đắm theo gió nắng reo vui cùng chim ca, suối ngàn tuôn chảy, trên tay có cầm một đóa hoa, một chiếc lá như là món quà, tặng vật cho mặt đất. Em đến, thật Cần Thiết như suối mát giữa lòng sa mạc khô khốc, làm phục sinh cho khách lữ hành cô độc, sống vượt qua cơn trôn xoáy ác liệt của hư vô chới với:

 

Giữa trưa nắng cháy ta ngồi

Dõi theo mây bạc trắng trời mùa xuân

Bỗng dưng ta cảm thấy cần

Có em bên cạnh những lần ngắm mây

 

Những lần ngắm mây nhìn gió hay rong chơi đâu đó, có em bên cạnh là điều cần thiết xiết bao. Ồ! Em về em hiện như nàng tiên trong truyện cổ tích, chỉ một đêm thôi cùng nhập diệu, ôm nhau Nằm Ngủ Dưới Ngàn Sao:

 

Nằm đây xa bóng nhân gian

Ôm em thở nhẹ dưới ngàn sao rơi

Ồ em! Sương khói lên rồi

Nhắm đôi mắt lại quên đời thương đau

Mai sau còn nhớ gì nhau

Trùng trùng sao rụng trong màu mắt em

 

“Ồ em! Sương khói lên rồi. Nhắm đôi mắt lại quên đời thương đau…” Dẫu cuộc đời có đau thương cách mấy đi chăng nữa thì mình vẫn còn đây, đầy đủ những kỷ niệm nghìn năm dưới bóng nguyệt rằm, có trăm bông quỳnh nở, rộn ràng bao tiếng chim kêu giữa Vườn Trăng tịch nhiên, huyền ảo:

 

Áo người in một tà trăng

Bay trong huyễn mộng cuối vườn tịch liêu

Lạnh hồn xưa tiếng chim kêu

Trăm bông quỳnh nở đìu hiu lá cành

Ta ngồi im bóng đêm thanh

Yêu em vô lượng cũng đành câm hơi

 

Vì sao, yêu em vô lượng, vô biên mà cũng đành câm hơi, nín tiếng, không thể thốt nên lời? Phải chăng, đó là những mối tình dị thường mà nụ cười và giọt lệ đã thấm sâu vào tận xương xảu, máu me hòa trong tha thiết với tuyệt cùng vi diệu yêu thương? Thương yêu dịu dàng như màu áo trăng tà phất phơ buồn xa vắng:

 

Trăng tan trên vạt áo người

Bóng hoa bay giữa mộng đời hư linh

Nằm đây trăng chiếu riêng mình

Chút hương cỏ úa vô tình thoảng qua

Yêu người cảm mối tình xa

Mỗi đêm lặng ngắm trăng tà buồn tênh

 

Buồn tênh đếm từng bước chân cô đơn rờn lạnh dưới bóng nguyệt soi mà Hoài Niệm trong lạnh buốt ruột rà:

 

Em về nhẹ bước kiêu sa

Bóng trăng rớt lạnh trên tà áo bay

Hồn ta ngưng đọng dấu hài

Nằm im như tiếng thở dài nghìn năm

 

Nghìn năm nằm trong một tiếng thở dài, phải không em? Vì bây giờ, tuy hai đứa cùng ngồi Ngắm Trăng trên thành phố đây nhưng rồi mai này mốt nọ cũng phải chia lìa, cách biệt, chỉ còn lại ánh trăng lặng lẽ mà thôi:

 

Ngồi im hai đứa ngắm trăng

Giữa đêm thành phố sương giăng đầy trời

Mai đây cách biệt một đời

Linh hồn ta vẫn rợp ngời bóng trăng

 

Bóng trăng vẫn thường hằng lặng chiếu trước những thiên diễn đến rồi đi, gặp gỡ rồi ly biệt của biết bao cuộc tình sầu rưng rưng ngấn lệ Đưa Nhau:

 

Đưa nhau qua mấy dặm dài

Cũng không ngăn nỗi ngày mai nghìn trùng

Ta về sao sáng rưng rưng

Nhớ em chỉ thấy một vừng mây xa

 

Thì ra, chỉ còn một vầng mây, một ánh trăng tà là còn phơ phất trên màu mắt em và thoang thoảng vọng lại Lời Bể Dâu trong da diết, bồi hồi:

 

Tiễn nhau bước chậm qua đồi

Vẳng trong gió lạnh buốt lời biển dâu

Lặng nhìn mây trắng tan mau

Mắt em rồi cũng nhuốm màu thời gian

 

Thời gian thì vô tận, không gian thì vô cùng nên chi em cũng vô cùng, vô tận, bất tuyệt ngân nga, vì lẽ Em Là:

 

Em là tia nắng thoáng qua

Để rơi rớt lại trong ta lửa nồng

Em là ngọn gió tàn đông

Réo muôn suối dậy xanh dòng đón xuân

 

Em là một giọt sương ngân

Đọng trên cỏ lục mộ phần hồn ta

Em là một nụ hồng hoa

Hé đôi mi nhỏ ngó xa biếc trời

 

Em là một chiếc lá rơi

Vẫn ngân vọng mãi nghìn lời gió qua

Em là một hạt mưa sa

Thấm trên môi lạnh của ta đêm nào

 

Em là một thoáng chiêm bao

Của nghìn năm cũ gởi trao cõi người

Em là thăm thẳm trùng khơi

Vẫn câm lặng mãi nụ cười lặng im

 

Em là nhịp đập của tim

Rất bình yên tựa tiếng chim trưa hè

Em là một chiếc lá me

Giữa vu vơ gió nằm nghe buổi chiều

 

Em là…khi nhớ người yêu

Ta ngồi tưởng tượng trăm điều thế thôi

 

Như vậy, em chính là hình ảnh cuộc đời, là muôn loài vạn vật hay nói một cách khác, vạn vật, muôn loài tái sinh, đã hoá thân thành yểu điệu thục nữ em, một nàng thơ tuyệt diễm trong niềm thơ trữ tình, sinh động của thi nhân Trần Xuân Kiêm. Để rồi, một ngày kia, bất chợt Bỗng Dưng:

 

Bỗng dưng người xõa tóc buồn

Rừng khuya rớt trận mưa nguồn rụng hoa

Rụng từ thiên cổ hồn ta

Rụng trên tóc lạnh một tà mây đêm

 

Một tà mây trong đêm vàng trăng rơi trên mái tóc lạnh sương chùng lẫn trong tiếng Mưa Ngoài Rừng Quảng Đức mênh mang:

 

Sáng nay đổ trận mưa ngàn

Ngồi trong khung cửa nhớ tàn mộng xưa

Ô hay! Lòng cũng là mưa

Phủ trăm lưới rộng còn chưa kín sầu

Gió bay hồn tạt về đâu?

Một rừng thu lạnh cúi đầu nghe mưa

 

Nghe mưa là một trạng thái vừa mơ màng, xa vắng vữa lãng đãng, phiêu nhiên như Tú Uyên lắng nghe tiếng đàn của Giáng Kiều văng vẳng bên nhịp cầu Bích Câu từ ngàn năm trước vọng vang về hoặc một chiều bên sông vắng ngồi trong Quán Mưa, lặng lẽ một mình nghe nhạc Beethoven hoà lẫn từng giọt mưa rơi lác đác:

 

Quán im ngồi lắng bóng ngày

Nghe mưa phổ nhạc rơi dài theo sông

Em nghiêng mái tóc mơ mòng

Xui lòng ta cũng bềnh bồng theo mưa

 

Mưa nắng bồng bềnh trên từng bước chân đời lữ thứ, lênh đênh cùng em trên những dặm trường phù vân nhân thế. Rời xa phố thị ồn ào, em bỏ lên Rừng Cao lãng đãng khói sương vời:

 

Người đi mưa bụi trên rừng vắng

Chắc cũng bay đầy theo gót xưa

Cỏ úa một hồn ta tỉnh lặng

Cũng sầu theo sóng gió đong đưa

 

Người theo mây núi bỏ quên đời

Chân bước nghìn năm vẫn lạc loài

Đâu biết tình ta là khói ám

Một đời vây phủ mãi không thôi

 

Rừng cao rừng cao ơi rừng cao

Chiều nay chìm khuất mây phương nào

Có ta trong cõi đìu hiu nọ

Thở khói nghe hồn tàn chiêm bao

 

Nghe tiếng mưa rơi thánh thót xuống đìu hiu cõi nọ, có ai về nghe tàn giấc chiêm bao? Ồ! Sao mà vội nói lời Chia Biệt sầu vương:

 

Vất bông hoa héo giữa đường

Hồn ta gió bão vô thường thổi qua

Em về quên xứ mù sa

Ta về ru một đời ta ngậm ngùi

 

Ngậm ngùi nhất là giây phút không ngờ, phải nói lời Tiễn Em trong một buổi chiều tà ngào nghẹn, đắng cay:

 

Thấy lòng đau phút chia xa

Em về nắng mới rụng tà áo nâu

Tiễn nhau còn có gì đâu

Ta nhìn mây trắng chìm mau cuối trời

 

Ơi chao! Còn đâu những ngày tháng hân hoan, vàng hoa mộng ngát chan hòa từ rừng Đông sang rừng Thu tuyệt mỹ, khi Đưa Người Trên Rừng Đại Ninh đầy gió núi vi vu, vi vút giữa sương lồng:

 

Đưa người qua suốt rừng Đông

Đồi cao còn nở mấy bông sương mù

Đưa người qua cuối rừng Thu

Dấu chân bỗng lạc trong mù sương sa

Đưa người đưa nửa hồn ta

Nhìn nhau rồi cũng như tà dương kia

 

Bóng tà dương lãng đãng, nhạt nhòa, buổi hoàng hôn của nhân loại đang dần dần phủ xuống một màu ảm đạm, thê lương. Vườn xưa chốn cũ hiu quạnh của thi nhân, lâu ngày mới Về Thăm Nhà Cũ Ở Blao dưới cơn mưa mù rũ rượi, tầm tã cây cành, hoa cỏ lạnh căm căm. Xa xăm dáng nàng thơ, khi lặng lẽ quỳ hôn thầm lên một thuở mộng tình em:

 

Đêm qua mưa lũ ta về

Đứng im như tượng bên hè nhà xưa

Một hồn rũ rượi trong mưa

Nhớ ơi ngọc trắng ngày chưa cát lầm

Cỏ cây vườn cũ lạnh căm

Quỳ hôn còn thấy xa xăm dáng người

 

Phố núi Blao, vào thời kỳ thi sỹ lưu trú, chừng như khoảng năm 1969 gì đó, thiên nhiên còn nằm trong bầu khí hậu hoang sơ, sơn dã và không hiểu vì đâu, bản sầu ca não nuột, u buồn bỗng dưng ngân lên rưng rức, nhức buốt cả tâm tư. Kể từ ấy, tiếng thơ của một tâm hồn cô đơn cũng chùng xuống cung trầm theo cuộc lữ lang thang, Khi Trở Lại Đà Lạt:

 

Khi trở lại với mộng đời tan rã

Hai tay sầu không níu nỗi ngày vui

Thân đã dạt trăm bến bờ xa lạ

Bỗng gặp em đứng giữa nắng xuân cười

 

Tà áo mỏng bay giữa đồi cỏ biếc

Thả linh hồn mây trắng xuống lê thê

Con chim lạ đậu trên cành diễm tuyệt

Tạ ơn em đã đến buổi ta về

 

Trời buổi đó gió hiền trong nắng nhẹ

Em dịu dàng thả mộng xuống lòng ta

Ta nín thở sợ linh hồn động khẽ

Em giật mình hạnh phúc sẽ bay xa

 

Chiều sẽ tắt ta sẽ nhìn nuối tiếc

Dáng em về bước chậm gót bâng khuâng

Mới gặp gỡ ta đã sầu ly biệt

Mù sương bay chìm khuất bóng thiên đàng

 

Mắt kiêu hãnh nếu có lần ta khóc

Giọt bình yên của hạnh phúc diệu kỳ

Em hãy hứng giữa lòng tay ngà ngọc

Ta sẽ quỳ xin uống buổi chia ly

 

Ly biệt, chia tay vì cuộc đời là chuỗi ngày như nước chảy mây trôi. Rời cao nguyên xứ lạnh mù sa Đà Lạt, xa rừng cao hiu hắt mang mang, chàng lãng tử theo suối thác, truông ngàn chảy xuống hút mờ cuối bờ bến Sông Hương. Thương cảm làm sao những dáng thơ gầy, những nàng thục nữ yểu điệu đi về giữa Huế Mùa Thu. Ơi mùa thu não nùng xứ Huế, có em về trên bước nhịp nhàng, thơ mộng như một thoáng thiên thu:

 

Gió dẫn ta về thăm phố cũ

Những nàng con gái thuở mây bay

Mùa thu em vấn cao làn tóc

Cho khói sương chìm trong mắt ai

 

Bãi rộng mưa mù con nước lớn

Em về như một thoáng thiên thu

Rồi mưa dội xuống hồn ta lạnh

Ơi Huế mùa thu mưa mùa thu

 

Mùa thu về Huế, ngồi bên bến Sông Hương ngắm mưa chiều rơi dưới chân Núi Ngự thì cũng đủ thấy toàn thể cuộc đời hiện ra trong thơ Hàn Mặc Tử: “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh. Ai biết tình ai có đậm đà?” và trong nhạc Trịnh Công Sơn: “Chiều này còn mưa, sao em không lại? Nhỡ mai trong cơn đau vùi, làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau, bước chân em xin về mau. Mưa vẫn mưa bay, cho đời biển động. Làm sao em biết bia đá không đau? Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng. Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau…”

 

Sỏi đá cũng cần có nhau, huống chi là con người phải không em? Cho nên, bản tình ca đã cùng em hòa tấu khúc một thời xanh ấy vẫn còn rung ngân bất tuyệt, dù bây chừ, những trận mưa đêm xối xả vô tình trút xuống lệ phân ly, giọt nước mắt lặng chìm giữa cơn mưa Tình Hoài ràn rụa:

 

Mưa đêm qua dậy trắng ngàn

Em về phố cũ nước tràn bãi xanh

Cuốn đôi dòng lệ trôi nhanh

Bóng hư vô rụng bên thành trăng soi

Nhớ em một mối tình hoài

Hồn ta chiếc bóng lạc loài ngàn năm

 

Ngàn năm lạc loài trong mối tình hoài niệm hay trong Hồn Thu Xanh:

 

Lệ khô người đứng bên ngàn

Con chim ngày muộn điêu tàn tiếng kêu

Gió về khởi lạnh hàng rêu

Hồn mùa thu cũ bay vèo thinh không

 

Thinh không bay vèo hồn mùa thu cũ, bay vút qua khắp rừng Đông phương huyền mộng, cao rộng ngút mênh mông. Rồi thi nhân cất cánh quay về đậu sà xuống thềm hiên mưa, ngồi cô đơn buốt lạnh, chạnh lòng tâm sự cùng mưa cho nguôi khuây đi bóng hình tình tứ của em, của một nàng thơ miên man sầu vạn cổ. Chao ơi! Chỉ còn biết ngồi đây mà cầm lấy nỗi u buồn Uống Rượu Trong Mưa:

 

Mưa rủ ta vào thăm rừng Đông

Trong tim ta có ngàn chim hồng

Một mai vỗcánh bay trời rộng

Mới biết lòng mình xa mênh mông

 

Này mưa này mưa ly rượu này

Mời mưa cứ uống cho lòng say

Một mai ta ngủ im lòng đất

Mưa sẽ vì ta rót lệ đầy

 

Ta để lòng bay theo cơn mưa

Ta để hồn rung chút âm thừa

Ơi người năm cũ trong lòng cốc

Mưa có nhạt nhoè đôi mắt xưa?

 

Ta rủ mưa vào thăm lòng ta

Khóc tình một thuở hết bao la

Sáng mai ta giết ngàn chim mộng

Cho khỏi sầu người đã cách xa

 

“Ơi người năm cũ trong lòng cốc. Mưa có nhạt nhòa đôi mắt xưa?” Tâm sự Trần Xuân Kiêm cũng tương tự như tâm sự Quang Dũng: “Thoáng hiện em về trong đáy cốc. Nói cười như chuyện một đêm mơ…” Dường như trong cõi mộng, mấy nhà thơ đều có niềm tương ứng. Những quán xưa dọc bên đường tình sử, rượu tình ca cứ rót tràn lai láng cùng em mà chừ đây, anh về lại một chiều, chỉ còn thấy hoen mờ vết rêu phong buồn thiu, hiu quạnh, đành gõ bàn hát câu Tống Tửu:

 

Quán xưa rượu lạnh uống tràn

Nhìn quanh chỉ thấy ghế bàn quạnh hiu

Nhặt thưa đàn vẳng hồn chiều

Người đi ta thấy buồn thiu cõi đời

 

Uống đi rồi sẽ nghìn trùng

Anh nằm đất lạnh mịt mùng sương rơi

Nốc chưa cạn chén rượu đời

Hồn điên ta khóc mây trời tan hoang

 

Vang rung một niềm chi bi thiết, quyện hòa trong tận suốt ruột rà da diết khôn nguôi. Buổi kỳ ngộ, tao phùng cùng nàng thơ ngọt ngào bao nhiêu thì ngày chia tay cũng quá đỗi bi ai, sầu lụy bấy nhiêu, khi em về chốn xa xăm, ngậm ngùi nơi Viễn Phố:

 

Em về tóc ủ sương khuya

Gió bay tà áo mộng chia cùng người

Phố xa chìm bóng mây trời

Tưởng nghe vang vọng điệu cười đêm nao

Trông vời chỉ thấy ngàn sao

Lung linh gởi lạnh buốt vào đời ta

 

Quá cùng lưu luyến, em ơi! Điệu cười liêu trai mãi còn vang vọng trong những đêm dài sầu mộng. Bản sầu ca đã quá độ lâm ly, bi đát, đầm đìa giọt lệ máu xanh. Nghìn trùng xa cách, hỡi ơi! Em yêu dấu đành đoạn dứt áo ra đi, rồi bạn bè quanh đây qua ngày tháng cũng tàn xiêu hiu hắt, tắt thở rụng rơi đột ngột trong đêm dài sinh tử mịt mùng.

 

Sống trong một cõi đời vô thường, dâu bể như thế, hỏi sao người thi sỹ đầy nhạy cảm kia không ghi lại thành những vần thơ bất hủ cho được. Bước thi ca thấm thía tận buồng tim, thớ phổi, xiết bao nỗi sầu vạn đại, tê buốt hồn rung thành Mộ Khúc:

 

Bông hoa mới nở trong vườn

Ta đưa tay ngắt tặng hương hồn người

Từ đây ngàn kiếp rong chơi

Người ôm trăng ngủ trên đồi mây bay

 

Không còn ai không còn đâu

Chỉ còn cây cỏ run màu khói sương

Người nằm quên hết đau thương

Hồn im tiếng hát cuối vườn chiêm bao

 

Qua nỗi sầu đau thương khốc liệt, kiệt tận bình sinh đó, bỗng hiện ra hình ảnh đầy ấn tượng: “Người nằm quên hết đau thương. Hồn im tiếng hát cuối vườn chiêm bao” Ồ! Phải chăng nhà thơ muốn nói, tất cả toàn cảnh khổ lụy, chia ly trên đều chỉ là chiêm bao, ảo mộng mà thôi?

 

Vậy là vô hình chung, thi nhân đã thuyết một bài pháp Khổ đế để rồi âm thầm nhiếp dẫn chúng ta trở về với tính thể uyên nguyên của con người. Từ đó, mở bừng ra một thông lộ thênh thang như Mây Trắng ngay phương trời tâm thức quang minh giữa cuộc hồng trần:

 

Trần gian hỡi! Sao mà ta muốn khóc

Cảm ơn em đã đón ta vào

Biển quá lặng hoa hồng quá ngát

Quá êm đềm mây trắng ở trên cao

 

Mây trắng là hình ảnh thanh thản, tự do cũng như hoa cỏ, sớm nở chiều tàn là hình ảnh của vô thường, sinh diệt trong cõi nhân gian:

 

Có phải mây là hoa phiêu bạt

Tàn phai còn đọng một làn hương?

Có phải hoa là mây của đất

Tan bay còn đọng dấu vô thường?

 

Vô thường hay bất diệt không phải là vấn đề chi hết. Thực ra ở đây, thi ca không muốn nói lên diệu nghĩa, mật nghĩa, ý nghĩa chi cả mà diệu nghĩa, ý nghĩa hay không, là do mỗi người tự hiểu ra đó thôi. Cho nên đọc thơ Trần Xuân Kiêm là chúng ta cảm được một niềm thơ thấu thị bi ca, để nghe ra tuyệt cùng sâu thẳm một nỗi đời bao la tha thiết…


tran xuan kiem 3
ký hoạ Trần Xuân Kiêm của Đinh Cường



 

Tiếng thơ ấy phát ra từ một trái tim vừa im lặng, tịch mịch vừa uyên thâm, trầm hùng. Thái độ trung dung, khiêm tốn, anh mần thơ khá nhiều nhưng chưa từng xuất bản thi phẩm nào, phần lớn thơ anh đều gởi đăng trong tạp chí Tư Tưởng, cơ quan luận thuyết của Viện Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn, trước năm 1975

 

Cùng thời với Phạm Công Thiện, Tuệ Sỹ, Nguyễn Đức Sơn, Huy Tưởng, Nguyễn Tôn Nhan, Viên Linh, Nguyễn Hữu Hiệu, Như Hạnh, Phùng Khánh, Phùng Thăng…Từ năm 1970, anh tham gia ban Phật học của tạp chí Tư Tưởng với các thầy Quảng Độ, Tuệ Sỹ, phụ trách thêm mục Thơ và Sinh hoạt Văn hoá.

 

Thời gian này, anh đăng nhiều bài viết triết luận giá trị với pháp danh Chơn Hạnh như:

 

Đức Phật Và Nietzsche

Trầm Tư Về Cái Chết Trong Tư Tưởng Heidegger Và Phật Giáo

Khổ Đế Phật Giáo Và Những Hoàn Cảnh Giới Hạn Trong Triết Học Karl Jaspers

Nguyễn Du Trên Con Đường Trở Về Với Phật Giáo…

 

Anh còn là dịch giả, đã xuất bản gần 10 dịch phẩm dưới nhiều tên khác nhau:

Jean Paul Sartre Anh Hùng Và Nạm Nhân Của Ý Thức Khốn Khổ của Andre Niel. Tôn Thất Hoàng dịch. Ca Dao 1968

Tình Sầu Của Chàng Werther của Goethe. Chơn Hạnh dịch. Ca Dao 1969

Kierkegaard Người Chứng Của Chân Lý của George Gusdort. Tôn Thất Hoàng dịch. Ca Dao 1969

Sói Đồng Hoang của Hermann Hesse. Chơn Hạnh và Phùng Thăng dịch. Ca Dao 1969

Kẻ Tuẩn Đạo của Miguel De Unamunno. Trần Xuân Kiêm dịch. Quế Sơn Võ Tánh 1970

Dạ Khúc Chim của Taha Hussein. Tôn Thất Hoàng dịch. Ca Dao 1971

Zarathustra Đã Nói Như Thế của Nietzsche. Trần Xuân Kiêm dịch. An Tiêm 1971

Thư Về Nhân Bản Chủ Nghĩa của Heidergger. Trần Xuân Kiêm dịch. Tân An 1974

Triét Lý Hy Lạp Thời Bi Kịch của Nietzsche. Trần Xuân Kiêm dịch. Tân An 2. 1975

 

Nổi tiếng nhất là dịch phẩm Zarathustra Đã Nói Như Thế của Nietzsche.

Đến năm 2000 Văn Học tái bản hai lần, Nhã Nam tái bản hai lần với ấn bản đặc biệt bìa dănm 2020

 

Sau năm 1975 giống như Nietzsche, anh cũng lui về im lặng, hoàn toàn sống ẩn danh, không tham gia văn nghệ, tuyệt nhiên không ai hay biết ở đâu. Thế rồi, tồn sinh bức bách, anh ra làm việc và hoà nhập vào cuộc sống bình thường với một vai trò mới.

 

Đến thập niên 1990 anh đã là một tên tuổi lớn trong giới nghiên cứu kinh tế, xã hội. Xuất bản riêng và chung trên 10 đầu sách kinh tế, kinh doanh, tham gia khoảng 10 chương trình nghiên cứu Kinh tế - Xã hội cấp Quốc gia, cấp Quốc tế. Đảm nhiệm quyền Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ. Làm Trưởng khoa hoặc Phó khoa Quản trị Kinh doanh cho 4 trường Đại học và giảng dạy lai rai các trường từ Huế đến Cà Mau…  

 

Sầu ca tương ứng Nietzsche, anh sinh năm 1943 tại Điện Bàn, Quảng Nam, cùng quê với Bùi Giáng nên cũng lẫm liệt, bi tráng một hồn thơ bát ngát. Còn nhớ ở Phú Nhuận, chiều xuân bữa nọ cuối năm 2018, trong quán rượu trên lầu cao, tôi đã đọc bài thơ Thuở Xa Người của Trần Xuân Kiêm cho chính tác giả nghe. Bữa đó, có Nguyễn Tiên Yên, Đặng Tấn Minh, Nguyễn Anh Vũ nữa. Anh cười vang và cụng ly hoan hỷ. Một bài thơ tuyệt diệu mà hầu hết bạn bè văn nghệ đều thuộc lòng, có bạn còn phổ nhạc, hát nghêu ngao suốt đêm ngày:

 

Một sớm người đi theo mây bay

Ta say nằm lạnh suốt đêm dài

Tỉnh ra thấy cụm hoa đầu ngõ

Ta vẫn còn hay nỗi tàn phai?

 

Nửa khuya tỉnh dậy thấy sao rơi

Ta nghĩ người đang ở cuối trời

Ơi những đám mây còn lãng tử

Xin để hồn chùng trong đêm khơi

 

Ôi má người từ nay thôi hồng

Gió cũng trầm thương tóc thôi hong

Mai sau thoảng nhớ mây vườn cũ

Ta yêu người bằng mối tình không

 

Anh nói, bài thơ đó làm khoảng năm 1969 cũng xa xăm lắm rồi. Trong Thi Ca Tư Tưởng, Bùi Giáng có đưa bài thơ này vào cuối tập. Rồi câu chuyện chuyển qua đề tài sáng tạo và cái chết. Tôi chỉ còn nhớ loáng thoáng những ý chính anh phát biểu thật ấn tượng:

 

“Mỗi người là một thi sỹ của đời mình, tự do sáng tạo sự sống cũng như nỗi chết cho riêng mình, bằng hành động, ngôn ngữ và tư tưởng (thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp). Chúng ta hãy trực nhận rằng, tất cả những biến cố đau đớn, tang thương, khủng khiếp nhất hay những hạnh phúc tuyệt vời nhất trên trần gian này đều chỉ là những giấc mộng”.

 

Từ năm 1970 mới 27 tuổi, anh đã viết Trầm Tư Về Cái Chết Trong Tư Tưởng Heidegger Và Phật Giáo rồi:

 

“Cái chết cũng chỉ là một giấc mộng nằm trong một giấc mộng dài, là cuộc lang thang qua ngàn kiếp lạ. Cái chết săn đuổi ta trong từng sát na và tính cách vô thường của vạn pháp, khiến ta trực nhận ra, ta và thế giới chỉ là một giấc mộng do Tâm tạo ra. Tuy nhiên, khi tập sống với nỗi chết qua cơn mộng ảo, thì cái chết cũng là một trong những lộ trình đưa đến giải thoát.”

 

Khi thi nhân nhận thấy được như vậy, ngay trong sinh tử vẫn tự tại, giải thoát thì bước đi thi ca mở ra một phương trời dung thông bát ngát, chan hoà. Viên dung hết sống chết, có không, mộng thực, gặp gỡ rồi ly biệt, hạnh phúc và khổ đau cùng hoà quyện nhau thành khúc tâm tình ca trong cuộc lữ. Từ đó mà tiếng thơ vẫn ngân rung lên trên cung bậc thiết tha của tình yêu phiêu mộng Một Mình:

 

Đường sương tôi bước một mình

Dẫm trên trăm bước chân tình nhân qua

Thiên không vẳng một tiếng gà

Trên tôi sao sáng bao la đầy trời

 

Với tiếng thơ lạ lùng rung ngân như thế, Trần Xuân Kiêm đi về trên thể điệu ca dao, lục bát một cách phiêu diêu. Một hồn thơ lục bát xuất thần nhập cốt, bay tận cõi nào phiêu hốt, mang mang, nói như Bùi Giáng: “Chúng ta quen thói ngong ngóng chạy theo đuôi mọi thứ trào lưu, chủ nghĩa, chúng ta tuyệt nhiên không còn giữ một chút tinh thể cỏn con nào cả để thể hội rằng, lục bát Việt Nam là cõi thơ hoằng viễn nhất, kỳ ảo nhất của năm châu, bốn biển, ba bảy sông hồ…”*

 

Thật vậy, suối nguồn lục bát Việt Nam kể từ Nguyễn Du đến Hoài Khanh, Nguyễn Đức Sơn, Huy Tưởng, Nguyễn Tôn Nhan, Viên Linh, Phạm Thiên Thư…thì lục bát Trần Xuân Kiêm phiêu nhiên, chảy trôi một dòng riêng biệt nhất, truyền cảm nhất. Tôi nói điều đó với anh và cao hứng đọc bài thơ Cung Bậc Trần Xuân Kiêm tặng anh, nhân dịp tiệc tất niên, trong một quán rượu ở Phú Nhuận, Sài Gòn năm ấy. Hôm đó, với giọng trầm say, tôi đọc chuếnh choáng hồn bay bổng lâng lâng: 

 

Trăng tà xanh biếc huyền vân

Chập chùng lục bát thơ Trần Xuân Kiêm

Tình xưa diệu ảo bao niềm

Em xưa chừ cũng rộn tim máu về

 

Ôi hồng nhan ngát sơn khê

Đôi bờ mộng thực vẫn kề cận nhau

Sầu ca tuyệt diễm nhiệm mầu

Đẹp nguyên sơ đến nghìn sau não nùng

 

Là thơ là nhạc hồn rung

Là chi cũng được em Phùng Thăng ơi!

Chiều nay lặng ngắm mây trời

Bay muôn thuở nọ về nơi chốn này…

 

Tâm Nhiên

 

*Bùi Giáng. Đi Vào Cõi Thơ. Ca Dao xuất bản, Sài Gòn 1969

Thơ Trần Xuân Kiêm, trích trong Tình Không (bản thảo) và tạp chí Tư Tưởng, Viện Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn, trước năm 1975

 

 

 

 

 

 



facebook-1


***
youtube

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/09/2016(Xem: 8675)
Giả dạng làm sư che mắt người Xin tiền bá tánh hưởng thụ đời Nghiệp báo muôn trùng sao trả hết Địa ngục đang chờ khắp mọi nơi
01/09/2016(Xem: 7802)
Niết Bàn chẳng có ở cõi trên Đừng cầu van vái mãi mong lên Mò trăng dưới nước thêm mệt xác Tuỳ duyên mà sống đạo còn hơn
31/08/2016(Xem: 7954)
Đời ta có một quê hương Quê hương nội tại dễ thương vô cùng Nhiều năm mà vẫn lạnh lùng Bây chừ nhớ lại lòng mừng như điên
30/08/2016(Xem: 12128)
Tứ phương hội lại một nhà, Nghe lời giáo huấn bao la Quý Thầy. Bóng hình Sư Trưởng đâu đây, Chúng con giới tử, hôm nay tựu về.
30/08/2016(Xem: 9111)
Cali mát lạnh gió hiu hiu Tôi đến thăm anh một buổi chiều Tình xưa nghĩa đậm chùa mái cũ Kinh kệ tháng ngày lập trí siêu
29/08/2016(Xem: 9023)
Cuộc đời bèo dạt mây trôi Trước đây trưởng giả đêm rồi trắng tay Đồng tiền ta kiếm bằng tay Bằng sức lao động chẳng ai phàn nàn
28/08/2016(Xem: 9238)
Bà Cụ già miệng bóp bép nhai trầu - Leo lên xe buýt lẩm bẩm cau có - Xô mạnh cô sinh viên ngồi gần đó - Cô mỉm cười : « Đi chung có lâu đâu ! »
27/08/2016(Xem: 9561)
Sáu nẻo xuống lên là chi nhỉ Bốn loài sinh tử tựa chiêm bao Xa xưa như mới hôm nào 04 Ngày mai mờ mịt cớ sao đón chờ
27/08/2016(Xem: 10139)
Cộng sinh cộng hưởng phận bèo - Dạt trôi chìm nổi giàu nghèo chen nhau - Héo tàn, nở rộ bể dâu - Nắng mưa cùng chịu trước sau một hồ
27/08/2016(Xem: 10817)
Vạn hữu trùng trùng dưới mắt tôi Vung tay tuệ kiếm gãy làm đôi Tan tành lũ khủ hai hình tướng Sắc sắc không không chạy ngược xuôi
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]