Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Diệu Tâm Ca (Thơ)

13/05/202109:27(Xem: 6669)
Diệu Tâm Ca (Thơ)

Diệu Tâm Ca

Tâm Nhiên
Dieu-Tam-Ca-bia

 Tựa

 Tuệ Sỹ

Tái bản lần thứ nhất

 

 Nhà Xuất Bản Đà Nẵng


TỰA

 

 

Diệu Tâm Ca, tập truyện thơ kể về cuộc đời của Đức Phật, nội dung ngụ ý một bản trường ca về Một Cõi hay Một Nhân Cách thị hiện Chân Tâm Vi Diệu.

 

Dù nói là Một Cõi hay là Một Nhân Cách, Một Thể Tính, vẫn là cách nói vượt ngoài tầm với của thế tục trí, bởi đó là Cõi mà ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt: Đường đi của ngôn ngữ bị cắt đứt, dấu chân của tâm hành bị xóa sạch, như hư không, không thấy dấu chân chim.

 

Vậy thì, kể chuyện Đức Phật bằng một thiên trường ca về một Cõi Chân Tâm, phải chăng là điều bất khả? Có thể. Nhưng tính mệnh của người bị ràng buộc bởi sợi dây mảnh như tơ trời nhưng rắn chắc như thể kim cang, khi chiêm nghiệm về Đức Phật, thì thấp thoáng trước mắt trùng điệp ngôn ngữ của thơ. Cỏ cây, sỏi đá đều âm thầm tồn tại trong thế giới tịch liêu của tính mệnh thơ:

  

Dấn thân vào cõi ban sơ

Lên ghềnh xuống thác sang bờ uyên tư

 

Kể chuyên thơ thì trong hai câu thơ đó là những bước chân khước từ tuyệt đối của đấng Đại Hùng trong cõi u tịch mênh mông vô hạn, nhưng trong tính thể thơ thì đấy chính là bước chân lãng tử bị lôi cuốn bởi sợi dây tham ái của tính mệnh thơ, bị cuốn đi trong mộng ảo của nguyên ngôn, của phán truyền sáng tạo.

 

Khi tính thể của nguyên ngôn bị bao trùm trong bóng tối của tham ái tồn sinh để cho thi ngôn bị vùi dập bởi những cơn sóng lăn tăn trong dòng nước đục, lời thơ sẽ được nghe ra như cách điệu vo ve của con muỗi bên tai người mất ngủ.

 

Hai câu thơ này là những lời cô đọng qua đoạn đường đi tìm đạo giải thoát của Đức Thế Tôn. Với những tâm hồn lãng mạn phù phiếm, đoạn đường ấy đẹp như một bài thơ mang hình ảnh “Rằng xưa có gã từ quan. Lên non tìm động hoa vàng ngủ say” (Phạm Thiên Thư)  Phàm phu dù lịch lãm 

  

mọi chốn sơn cùng thủy tận cũng không thể, hoặc khó có thể, vẽ lên trong tâm trí những ảnh tượng kinh sợ, khiếp đảm được chính Phật thuật lại trong các Kinh. Dù có dõi theo lời Kinh, trầm mình trong từng âm vận, vẫn chỉ có thể mường tượng cho đến mức nào đó.

 

Vậy thì, thi nhân phải chấp nhận giới hạn thi tứ của mình. Kinh nghiệm tồn sinh trong thể tính tồn tại của ta không vượt qua cái bóng của chính ta. Nói theo Trang Tử: Chi nhị trùng hà tri chi, hai con sâu nhỏ ấy mà biết gì? Hai con chim sẻ nhỏ bé nhảy từ cành cây này sang cành cây khác với dăm ba hạt thóc, như thế đủ tích lũy cho ý nghĩa sinh tồn. Làm sao hiểu được con đại bàng trên cao kia, vượt đoạn đường đầy giông bão từ biển cực Bắc sang biển cực Nam?

 

Thôi thì hãy nói ta là viên sỏi lăn lóc bên triền núi, phơi mình trong mưa nắng của thời gian, đợi bóng người sừng sững đi qua che mát một khoảng tịch liêu, u mặc:

  

Một mình đứng giữa trời xanh

Bóng sừng sững lộng như vành trăng cao..

 

Đá triền tựa gối ven đường

Mưa chiều nắng sớm thơm hương núi rừng

 

Dầu sao, người mà khi vừa tỉnh giấc giữa trạm đời ô trược, chợt thấy mình đang bị sợi dây tính mệnh cuốn vào dòng thác vô định, dù trong hay đục, thì ta vẫn phải lội ngược dòng hay xuôi dòng, để chắp cánh bằng thi ngôn mà vượt qua bờ nhân sinh tạp loạn, trầm sâu trong hố thẳm vô căn, uyên tư.

 

Đáy là “hố thẳm tư tưởng” (Phạm Công Thiện) rải đầy những gai góc nghịch lý, đường đi bị cắt ngang bởi những cồn bãi vang đầy tiếng quạ ngông cuồng của tư duy thần học, tư duy siêu hình, tư duy loạn lý. Ta không có thần thông du hý tam muội đi để vượt qua. May thay, như con rùa mù giữa biển khơi vớ phải tấm ván mục, nhưng làm sao định hướng để vào bờ? Rồi một phương trời thấp thoáng trong ánh nắng mờ nhạt:

  

Vàng gieo mấy độ phong quang

Lồng in mây trắng lặng ngàn thu nghe

 

Thời gian theo bóng nắng chìm sâu đáy nước. Không gian theo đám mây trời qua đỉnh phù vân. Thế giới lặng thinh chờ đợi dòng sử tính sẽ xoay chiều. Nhưng không lặng lẽ bình an như con bướm bay nhởn nhơ trong vườn cải hoa vàng. Một trận chiến khốc liệt giữa bóng tối và ánh sáng mà tâm trí phàm phu không thể hình dung.

 

Vậy thì, chỉ nên ngồi lặng mà nghe tiếng kể vo ve của lịch sử, một sự biến “nghe trời đảo lộn nguyên khê” (Bùi Giáng) trong một thiên niên kỷ nào đó của nhân loại, tại một địa điểm nào đó trên mặt đất này. Thi nhân như một Thiền sư trong cơn đại ngộ, từ chuyện kể vo ve của lịch sử mà nghe ra một vùng u tịch mênh mông vô hạn của sử tính.

 

Đó là đâu? Bên kia bờ, một gốc cây, dưới tàn cây, có bóng người ngồi bất động trong “ngàn thu rớt hột” (Bùi Giáng) long lanh trong cách điệu không lời, mà trong trường mộng của thi nhân, một đại dương vô hạn cho đến tận cùng vũ trụ in bóng ba nghìn đại thiên thế giới trăng sao:

 

Người ngồi đó cho nghìn năm vang bóng

Ta bước đi ngôn ngữ rụng hai lần

 

Bóng người bất động là một đại dương vô hạn đang phơi mở tính thể tồn tại trong vần điệu vô ngôn.

 

Nghìn năm vang bóng. Thật vậy, đó chỉ là bóng mờ trong hay của lịch sử. Người ta tom góp những truyền kỳ, những thiên huyền thoại hay thần thoại, luôn cả những chuyện hoang đường và thêm một khoảng được gọi là dấu tích lịch sử, để dựng lên một hình vừa lung linh siêu thực, vừa hiện thực rất hiện thực con người với những khổ lụy nhân sinh: Sinh, lão, bệnh, tử, tất cả được góp lại thành một thiên lịch sử, hoặc thêm nhiều huyền thoại hay giai thoại để mô tả những gì không thể mô tả.

 

Thi nhân cũng từ những thứ pha tạp trong khối thư tịch cổ kim, những thứ gọi là sử liệu ấy, ông bắt gặp vang bóng ấy, và “đã

 

 

mòn con mắt Hoa Nghiêm” (Bùi Giáng) Trong những hội Hoa Nghiêm, Phật ngồi im lặng dưới gốc Bồ đề, nhưng âm thanh từ tính thể tồn tại vô ngôn như tiếng hải triều lan tận vô biên thế giới. Trong tính thể vô ngôn mà phơi bày tính mệnh thi ngôn: Đó là nếp gấp nhị bội của nguyên ngôn, con số vô tận phơi bày trong con số không.

 

Nhưng khi tính thể phơi bày được nhìn thấy, như là đối tượng để được mô tả, được tán dương, bấy giờ ngôn ngữ tự mất đi thể tính uyên nguyên, để cho người phàm có thể nhìn, có thể nghe, một bóng mờ mà mặc sức tô vẽ theo tâm tư của mình. Ngôn ngữ bấy giờ không rơi rụng như một trời sao rơi bóng xuống đại dương. Nó như hoa đốm rơi trong con mắt bệnh, từ đó lời thơ chỉ là những điệp khúc lãi nhãi của người ngủ mớ.

 

Vậy, ta không đi tìm trong Diệu Tâm Ca một ảnh tượng huy hoàng như trong bản trường ca sáng thế mà trong đó, chỉ là những lời tha thiết của một con người bé nhỏ trong đám bọt bèo nhân thế:

 

 

Biển dâu lớp lớp bao nhiêu

Là bấy nhiêu những bọt bèo thế nhân

Nghìn năm chìm nổi bao lần

Trùng trùng điệp điệp phù vân dặm về

Sông dài núi rộng trầm nghe…

 

Để rồi từ nơi ấy, muốn nương tính thể thi ngôn để vươn mình lên, cho một lần nhìn thấy một ánh sao rơi trong biển đời vô hạn:

 

Ngữ ngôn là một nhịp cầu

Đưa thi ca vượt biển dâu sang bờ

 

Nguyễn Du muốn kết thúc Đoạn trường:

 

“Lời quê góp nhặt dông dài

Mua vui cũng được một vài trống canh”

 

Những lời khiêm hư, hay đó là tiếng hạc vang vọng từ cõi hư vô, sa mạc rơi vào những chén rượu, chung trà của một lớp người kiêu hãnh, mượn lời thơ góp nhặt cho thú vui phù phiếm trong đêm dài mất ngủ với những thao thức thế lợi, phù danh. Quả thật: Chi hữu thần liên tử hậu. Văn chương vô mệnh lụy phần dư (Tố Như).

  

Son phần dù bị vùi dập trong đoạn trường vẫn còn có người đời sau tiếc thương để nối tiếp bằng khúc điệu vô thanh, nhưng tính thể của thi ngôn trong thể tính tồn sinh chìm sâu vào hố thẳm tư duy đang bị che mờ bởi ngọn lửa hủy diệt bập bùng theo âm vận ngông cuồng. Thế thì, trong ánh sáng mù lòa ấy, trong âm thanh lạc vận ấy, đâu là tính thể của thi ngôn, để từ đó nghe ra bản trường ca vô tận của Chân Tâm:

 

Dạ lai bát vạn tứ thiên kệ. Tha nhật như hà cử tợ nhân? (Tô Đông Pha)

Tám mươi bốn nghìn bài kệ được nghe trong đêm, làm sao trùng tuyên?

 

Vậy, Diệu Tâm Ca là sự tích của một Vĩ Nhân hay Thánh Nhân trong lịch sử nhân loại, hay huyền sử của Chân Tâm thị hiện? Nhưng thơ là thơ, như thị như như, đó là tính thể tồn sinh tự khai thị trong tồn sinh mộng ảo.

 

Những chuyện kể, những truyền thuyết được góp nhặt từ đống thư tịch tích lũy qua nhiều thế kỷ, hết thảy không gom lại thành dấu ấn như là hải ấn tam muội: Dấu ấn của Chân Tâm trong đại dương sinh tử.

 

Dù vậy, ấy vẫn là vang bóng của đấng Chí Tôn trong ba cõi, không ngoài kia hay đâu đó, mà chính từ khát vọng sâu thẳm của một thức lang thang đi tìm cõi hằng trụ trong vô trụ. Vậy thì, những lời thơ dông dài trong đây đọng lại thành một bài thơ cực ngắn:

 

Bài thơ chỉ một chữ Tâm…

Bài thơ chỉ một chữ Không…

Bài thơ chỉ một chữ Tình…

 

Đó là tâm tình hệ lụy nhân sinh, phải trải qua kinh nghiệm trên ngọn “sinh tử huyền quan” buông tay trên vực thẳm để có thể đạt đến Tâm Không, Tình Không. Nếu không thế, lời thơ vẫn là những câu nói mớ của người đang ngủ mộng.

 

Tuệ Sỹ

(Hải đảo Lại Sơn, mùa Hạ 2018)

 

 pdf-icon


 



***
youtube
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/08/2010(Xem: 9963)
Rằng xưa, có Mục Kiền Liên Tu hành giác ngộ, chứng liền lục thông “Thiên nhãn”, “Thiên nhĩ” vô cùng “Tha tâm”, “Thần túc” thỉ chung rõ ràng “Túc mệnh”, “Lậu tận” vô can Đường xuôi lối ngược dọc ngang đi về Mục Liên bèn nhớ Mẫu hề
04/08/2010(Xem: 10486)
Bảy tình (thơ)
16/07/2010(Xem: 15777)
Vừa qua, được đọc mấy bài thơ chữ Hán của thầy Tuệ Sĩ đăng trên tờ Khánh Anh ở Paris (10.1996) với lời giới thiệu của Huỳnh kim Quang, lòng tôi rất xúc động. Nghĩ đến thầy, nghĩ đến một tài năng của đất nước, một niềm tự hào của trí tuệ Việt Nam, một nhà Phật học uyên bác đang bị đầy đọa một cách phi pháp trong cảnh lao tù kể từ ngày 25.3.1984, lòng tôi trào dậy nỗi bất bình đối với những kẻ đang tay vứt "viên ngọc quý" của nước nhà (xin phép mượn từ này trong lời nhận xét của học giả Đào duy Anh, sau khi ông đã tiếp xúc với thầy tại Nha trang hồi năm 1976: "Thầy là viên ngọc quý của Phật giáo và của Việt Nam ") để chà đạp xuống bùn đen... Đọc đi đọc lại, tôi càng cảm thấy rõ thi tài của một nhà thơ hiếm thấy thời nay và đặc biệt là cảm nhận sâu sắc tâm đại từ, đại bi cao thượng, rộng lớn của một tăng sĩ với phong độ an nhiên tự tại, ung dung bất chấp cảnh lao tù khắc nghiệt... Đạo vị và thiền vị cô đọng trong thơ của thầy kết tinh lại thành những hòn ngọc báu của thơ ca.
28/06/2010(Xem: 32959)
Ba môn vô lậu học Giới Định Tuệ là con đường duy nhất đưa đến Niết bàn an lạc. Muốn đến Niết-bàn an lạc mà không theo con đường này thì chỉ loanh quanh trong vòng luân hồi ba cõi. Nhân Giới sinh Định, nhân Định phát Tuệ– ba môn học liên kết chặt chẽ vào nhau, nhờ vậy mới đủ sức diệt trừ tham ái, đẩy lùi vô minh, mở ra chân trời Giác ngộ. Nhưng Giới học mênh mông, Định học mêng mông, Tuệ học mênh mông; nếu không nắm được “Cương yếu” thì khó bề hiểu biết chu đáo, đúng đắn. Không hiểu biết đúng đắn thì không sinh tâm tịnh tín; không có tâm tịnh tín thì sẽ không có tịnh hạnh, như vậy, con đường giải thoát bị bế tắc. Như một người học hoài mà vẫn không hiểu, tu hoàí mà vẫn không cảm nhận được chút lợi ích an lạc nào.
19/05/2010(Xem: 10023)
Đừng tưởng cứ trọc là sư Cứ vâng là chịu, cứ ừ là ngoan Đừng tưởng có của đã sang Cứ im lặng tưởng là vàng nguyên cây Đừng tưởng cứ uống là say Cứ chân là bước cứ tay là sờ Đừng tưởng cứ đợi là chờ Cứ âm là nhạc cứ thơ là vần Đừng tưởng cứ mới là tân
16/05/2010(Xem: 8316)
Thầy từ phương xa đến đây, Chúng con hạnh ngộ xum vầy. Đêm nay chén trà thơm ngát, Nhấp cho tình Đạo dâng đầy. Mừng Thầy từ Úc tới thăm, Đêm nay trăng sáng ngày rằm. Thầy về từ tâm lan tỏa, Giữa mùa nắng đẹp tháng Năm
10/03/2010(Xem: 12405)
Qua sự nghiệp trước tác và dịch thuật của Hòa Thượng thì phần thơ chiếm một tỷ lệ quá ít đối với các phần dịch thuật và sáng tác khác nhất là về Luật và, còn ít hơnnữa đối với cả một đời Ngài đã bỏ ra phục vụ đạopháp và dân tộc, qua nhiều chức năng nhiệm vụ khác nhaunhất là giáo dục và văn hóa là chính của Ngài.
10/03/2010(Xem: 9497)
Ba La Mật, tiếng Phạn Là Pu-ra-mi-ta, Gồm có sáu pháp chính Của những người xuất gia. Ba La Mật có nghĩa Là vượt qua sông Mê. Một quá trình tu dưỡng Giúp phát tâm Bồ Đề. Đây là Bồ Tát đạo, Trước, giải thoát cho mình,
10/03/2010(Xem: 14130)
Tên Phật, theo tiếng Phạn, Là A-mi-tab-ha, Tức Vô Lượng Ánh Sáng, Tức Phật A Di Đà. Đức A Di Đà Phật Là vị Phật đầu tiên Trong vô số Đức Phật Được tôn làm người hiền. Ngài được thờ nhiều nhất Trong Ma-hay-a-na, Tức Đại Thừa, nhánh Phật Thịnh hành ở nước ta.
01/10/2007(Xem: 10131)
214 Bộ Chữ Hán (soạn theo âm vận dễ thuộc lòng)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]