Đọc Thơ Phật Của Thi Sĩ Tâm Tấn
Viết về tập thơ “Cuối Đời Lọc Những Tinh Sương” của thi sĩ Tâm Tấn
Cư Sĩ Tâm Huy Huỳnh Kim Quang
Mấy câu thơ ở trên đã diễn bày được trọn vẹn cuộc đời của một người nữ cư sĩ tu tại gia “nương cảnh chợ sống hờ,” nhưng kiến giải và tâm nguyện thì hướng tới cảnh giới bất nhị “Niết Bàn-Địa Ngục bất ly.”
Đó là một đoạn của bài thơ Đêm Huyền trong tuyển tập thơ “Cuối Đời Lọc Những Tinh Sương,” đã được xuất bản tại Hoa Kỳ vào năm 2004, của nữ sĩ Tâm Tấn, đã qua đời vào ngày 13 tháng 7 năm 2020 tại thành phố Nha Trang, Việt Nam, thượng thọ 100 tuổi.
Tuyển tập thơ này tôi đã đọc từ sau khi nó được phổ biến tại Hoa Kỳ do người con trai của nữ sĩ Tâm Tấn là nhà văn Vĩnh Hảo thực hiện. Bây giờ nhân cụ ra đi về cõi Phật, nhà văn Vĩnh Hảo tặng cho tôi để đọc lại và cũng để tưởng niệm công đức của nữ Sĩ Tâm Tấn đối với nền văn học nước nhà nói chung và nền văn học Phật Giáo Việt Nam nói riêng.
Thú thật, lần này đọc lại tập thơ tôi rất đỗi ngạc nhiên và thú vị vì chất thơ thấm đẫm hương vị văn chương và chất Phật cao thâm siêu thoát trong thơ của bà.
Nói nào ngay, xét ra tôi cũng rất có duyên với gia đình nữ sĩ Tâm Tấn. Tôi biết bà từ những năm sau 1975, chính xác là năm 1976. Nhưng bà thuộc thế hệ tiền bối nên chỉ biết mà không thân cận. Ngược lại tôi quen thân với nhiều người con của bà, như thi sĩ Phù Du Vĩnh Hiền, nhà văn Vĩnh Hảo, nhà văn Vĩnh Hữu, Vĩnh Hiếu và Vĩnh Bình.
Trong bài thơ Đêm Huyền vừa trích, có mấy câu đáng suy gẫm:
Thi sĩ Tâm Tấn đưa ra một hình ảnh rất đời thường để nói đến lý bất nhị của Niết Bàn và Địa Ngục: trong và ngoài cánh cửa. Đọc câu sau chúng ta sẽ thấy đó là cánh cửa tâm. Đúng vậy, Niết Bàn hay Địa Ngục cũng từ tâm mà ra.
Điều khá lý thú khác ở đây là thi sĩ đưa ra thí dụ về việc mở tâm và khép tâm. Mở tâm thì bước vào cõi Ta Bà khổ đau. Khép tâm thì thể nhập Chơn Không tịnh lạc. Đây là một ẩn dụ rất sâu xa cho thấy thi sĩ Tâm Tấn là người Phật tử có tu tập. Mở tâm tức là hướng tâm ra ngoài, là vọng động chạy theo trần cảnh. Khép tâm tức là xoay tâm vào bên trong nội quán để thể nhập Chơn Không.
Thi sĩ Tâm Tấn kết thúc bài thơ Đêm Huyền với mấy câu thấm đẫm chất Phật:
Triết lý nhị đế dung thông của nhà Phật nằm gọn trong câu “Nửa thương Tục Đế, nửa nguyền Chân Như.” Sống trong cõi tục đế, tức cõi thế gian phàm tục, nhưng lòng thì không bao giờ quên đại nguyện chứng nhập vào cõi xuất thế của Chân Đế, Chân Như.
Hai câu cuối chuyên chở chất liệu văn chương làm say mê người đọc. Ở đây thi sĩ mô tả cảnh đêm trăng huyền diệu mà bà đang thưởng lãm. Chính tâm cảnh ngắm trăng thơ mộng đó đã như chất liệu kỳ diệu cho thơ trào ra. Thi sĩ đã sử dụng một ẩn dụ đầy sáng tạo “Trăng nương gió lật trang Thơ” để miêu tả cảm trạng xúc cảnh sanh tình gây cảm hứng cho hồn thơ tuôn chảy. Câu sau cùng là một câu thơ có họa và nhạc. Họa là ngọn đèn mà cái bấc đã cháy gần cạn nên ánh sáng còn yếu ớt huyền ảo. Nhạc là qua khung cảnh một người ngồi trước ngọn đèn leo lét nhìn bên ngoài ánh trăng như ảo như mộng, có thể nghe được sự tĩnh lặng sâu lắng trong khung cảnh này.
Trong bài thơ “Quán Thế Âm Tịnh Thánh,” thi sĩ Tâm Tấn đã thổ lộ tâm tư của bà với Bồ Tát:
Đó là lời bộc bạch chân thật của một người Phật tử tại gia đối trước Bồ Tát Quán Thế Âm. Trong đoạn thơ trên, chúng ta thấy thi sĩ Tâm Tấn trong cõi sâu xa của tâm thức dường như không thể quên ước nguyện từ vô lượng kiếp muốn đáp chuyến đò từ bờ bên này sinh tử luân hồi sang bên kia bờ giải thoát niết bàn. Có lẽ vì thế, đối với bà, nghiệp trần duyên của kiếp này chỉ là “gánh hờ” chứ không phải là sự nghiệp trường cửu và cứu cánh mà bà nhắm tới. Nhưng nói thế không có nghĩa bà không sống hết mình với vai trò của một người vợ một người mẹ. Nhà văn Vĩnh Hảo đã viết về người Mẹ của ông trong Đôi Lời Vào Tập của tập thơ Cuối Đời Lọc Những Tinh Sương như sau.
“Người mẹ thi sĩ của chúng tôi đẹp, hiền lành, nhân ái, quả cảm, tận tụy một đời chăm sóc chồng con; vất vả trăm chiều sinh và dưỡng bầy trẻ 14 đứa… Cuộc đời Mẹ, từ những con chữ trên trang giấy cho đến những hạt gạo, miếng vải, mồ hôi nước mắt, lời ru giọng hát, tiếng khen thưởng con ngoan, hay tiếng la trách con hư… đều toát lên cái ý vị phong nhiêu diệu vợi của thơ, và của tình.”
Từ bối cảnh tâm thức thấm nhuận Phật Pháp như thế, nên hơn 50 bài thơ trong tuyển tập “Cuối Đời Lọc Những Tinh Sương” không bài nào, không câu nào không bàng bạc giáo lý Phật Đà.
Trong tập thơ nêu bật mấy chủ đề quan trọng mà thi sĩ Tâm Tấn hay nói đến, gồm Lễ Vu Lan với tình mẫu tử và hiếu đạo, tinh thần yêu chuộng hòa bình vì đó là bản chất của đạo từ bi của nhà Phật, các sự kiện liên quan đến lịch sử của đất nước và Phật Giáo Việt Nam từ năm 1963 đến năm 1975.
Trong bài Cảm Niệm Vu Lan 2, thi sĩ Tâm Tấn tưởng niệm ân đức của bậc sinh thành, với lời thơ chí thành tha thiết.
Trong tình mẫu tử thiêng liêng, thi sĩ Tâm Tấn đã bày tỏ nỗi đau của người mẹ mất con trong bài Khóc Con.
Là người Phật tử phụng thừa lời dạy từ bi và trí tuệ của Đức Phật có nghĩa là không chủ trương, không hậu thuẫn cho bất cứ cuộc chém giết tương tàn nào đối với muôn vạn sinh linh. Điều đó cũng có nghĩa là người Phật tử luôn luôn sống với suy nghĩ, lời nói và hành động hàm chứa tinh thần hòa bình và nỗ lực kiến tạo cuộc sống hòa bình cho mình và cho tha nhân. Thi sĩ Tâm Tấn là mẫu người Phật tử như thế. Trong bài thơ “Lời Cầu Nguyện Hòa Bình,” thi sĩ Tâm Tấn bày tỏ ước mơ đất nước hòa bình sau bao nhiêu năm chiến tranh.
Thi sĩ Tâm Tấn là người thân cận với chư tôn túc lãnh đạo Phật Giáo Việt Nam từ thập niên 1950, khi bà được Cố Hòa Thượng Thích Trí Quang mời cộng tác cho báo Liên Hoa tại Huế. Rồi sau đó bà cộng tác với báo Bát Nhã của Cố Hòa Thượng Thích Trí Thủ. Vì vậy cuộc đời của thi sĩ gắn liền với vận mệnh của Phật Giáo Việt Nam từ đó về sau. Trong biến cố nhà Ngô đàn áp Phật Giáo vào năm 1963, thi sĩ Tâm Tấn đã là một trong những nhân chứng sống. Trong bài thơ Ác Mộng viết vào ngày 16 tháng 8 năm 1963, nghĩa là 4 ngày trước khi chính quyền Ngô Đình Diệm tổng tấn công vào chùa chiền trên toàn quốc, bà đã ghi chú ở cuối bài thơ rằng, “Vừa khóc vừa làm trong đêm 16/08/1963.”
Trong bài Áo Vàng Bất Diệt, thi sĩ kể tình hình Phật Giáo vận động cho tự do và bình đẳng tôn giáo năm 1963 như sau.
Khép tập thơ lại. Lòng tôi dâng lên niềm cảm thán và kỳ thú. Cảm thán vì đọc được những bài thơ chứa chan tình đời nghĩa đạo. Kỳ thú vì không ngờ một người “chưa từng cặp sách đến trường” – như nhà văn Vĩnh Hảo đã viết trong lời đầu tập thơ – mà có thể có được kiến văn và chữ nghĩa bác lãm và uyên thâm như thế. Đây quả thật là một sự hiếm có. Tôi tự giải thích cho chính mình với hai nhân duyên. Thứ nhất là nỗ lực phi thường của chính thi sĩ Tâm Tấn trong việc tự học trong đời này. Thứ hai là bà vốn có một thiên tư trí tuệ đặc dị mà không phải ai cũng có, nếu không muốn nói là bà mang chủng tử trí tuệ từ nhiều kiếp trước đến đời này. Điều này làm cho tôi rõ lý do tại sao thi sĩ đã nhiều lần nhắc đến ước nguyện trở về cố hương Chân Như trong trong tập thơ “Cuối Đời Lọc Những Tinh Sương.”
Xin kính cảm ơn thi sĩ Tâm Tấn. Nhân tuần chung thất của bà, xin cầu nguyện bà sớm hoàn thành ước nguyện.
Bìa tập thơ “Cuối Đời Lọc Những Tinh Sương.”