Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

53. Kinh Hữu Học

19/05/202010:24(Xem: 9692)
53. Kinh Hữu Học

TAM TẠNG THÁNH KINH PHẬT GIÁO

TẠNG KINH (NIKÀYA)
Thi Hóa
TRUNG BỘ KINH

( Majhima  Nikàya )


Tập II
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU
Dịch sang tiếng Việt từ Tam Tạng Pàli

Chuyển thể Thơ :

Giới Lạc  MAI LẠC HỒNG  tự TUỆ NGHIÊM

 ( Huynh Trưởng Cấp Tấn  - GĐPTVN tại Hoa Kỳ )

Email : [email protected]



53. Kinh HỮU HỌC

( Sekha sutta )

 

Như vậy, tôi nghe :

 

     Một thời, đức Thế Tôn Giác Giả

          Ka-Pi-Lá-Vát-Thú (1) trú qua

            ( Ca-Tỳ-La-Vệ cũng là )

       Giòng họ Sắc-Dá tức là Thích Ca (1).

          Tinh Xá Ni-Rô-Tha (2) trú đó.

          Lúc ấy có một ngôi giảng-đường

              Mới kiến tạo, chưa khai trương,

       Đó chính là một giảng-đường mới nguyên,

          Các vật dụng sắm liền đủ cả

          Chưa một vị khách lạ đáng tôn

              Như Sa-môn, Bà-la-môn

       Được mời trú ngụ hội môn giảng đường.

 

          Các Sắc-Da tinh tường, uyên bác  

          Liền cùng nhau bàn bạc thuận hòa :

            “ Chúng ta hãy thỉnh Phật Đà

       Dùng giảng đường trước, tịnh hòa nghiêm uy.

          Sau đó thì giảng đường dùng để

          Cho Ca-Tỳ-La-Vệ hoàng gia

              Các vị hoàng-thất Thích Ca

    _______________________________

 

( ) : Thành Kapilavatthu – Ca-Tỳ-La-Vệ  là kinh đô , cũng là tên nước của giòng họ Sakya – Thích-Ca . Lúc bấy giờ dưới sự trị vì của Vua Tịnh Phạn ( Suddhodana ) là vương phụ của Đức Phật .

    Xin xem Kinh Ambattha – A-Ma-Trú  (Kinh thứ 3 của Trường

Bộ Kinh ) để biết rõ nguyên nhân giòng họ này có tên Sakya ( có nghĩa : cứng như là lõi cây ).

(2) :  Tinh Xá Nigrodha – Ni-Câu-Đà  tại Kapilavatthu .  

Trung Bộ (Tập 2) Kinh 53 : HỮU HỌC ( Sekha ) *  MLH  –   216

 

       Lần lượt sử dụng trải qua lâu dài

          Hưởng hạnh phúc đêm ngày an lạc ”.

 

          Bàn xong, các vị Sắc-Da này

              Đến chỗ Thế Tôn, gặp Ngài

       Đảnh lễ, đoạn ngồi xuống ngay bên Ngài,

          Rồi các vị thưa ngay với Phật :

 

    – “ Bạch Thế Tôn ! Sắp đặt để nhằm

              Cung thỉnh Thế Tôn quang lâm

       Giảng đường mới, sử dụng lần đầu tiên.

          Nhờ uy đức vô biên của Phật

          Chúng con tất hưởng phước nhiều đời ”.

 

              Thế Tôn im lặng nhận lời.

       Biết Phật chấp thuận thỉnh mời vừa qua

          Nên các vị Sắc-Da hoan hỷ

          Rời vị trí, đứng dậy khoan thai

              Đảnh lễ, hữu nhiễu quanh Ngài

       Từ giã, cùng đi đến ngay giảng đường

          Họ hân hoan, an tường tràn ngập

          Dùng đệm để trải khắp giảng đường

              Sắp đặt sàng tọa, chiếu giường

       Đặt các ghè nước, tinh tươm dầu đèn.

 

          Xong đâu đấy, họ bèn đến tiếp

Bạch với Phật mọi việc sẵn sàng.

 

          Thế Tôn đứng dậy nghiêm trang

       Đắp y mang bát, cùng đoàn Tỷ Kheo

          Đến hội trường thể theo lời thỉnh

          Đến nơi rồi, an tịnh rửa chân

              Khi vào nhà, Đấng xuất trần

       An tọa chính giữa, dựa lưng vào tường

Trung Bộ (Tập 2) Kinh 53 : HỮU HỌC ( Sekha ) *  MLH  –  217

 

          Mặt hướng về đông phương nhìn thẳng

 Chư Tăng ngồi sau đấng Phật Đà,

              Tất cả các vị Sắc-Da

       Rửa chân, rồi bước vào nhà giảng xong

          Ngồi dựa tường phía đông theo lệ

 Mặt hướng về Thiện Thệ Như Lai.

              Đoạn Thế Tôn thuyết giảng ngay

       Những pháp cần thiết hằng ngày hành theo.

          Nghe thuyết pháp, họ đều phấn khởi,

          Được khích lệ giữ giới, tham thiền.

 

              Thế Tôn thuyết giảng mãn viên,

       Tất cả Sắc-Dá hiện tiền hân hoan,

          Mãi đến khuya hãy còn hoan hỷ

          Cho Cư-sĩ Sắc-Dá đến từ

         Thành Ka-Pi-La-Vát-Thu.  

 

       Phật bảo Tôn-giả thuần từ A-Nan :

    – “ A-Nan-Đa ! Hiện hàng Cư-Sĩ

          Giòng Thích-Ca hoan hỷ, tín tâm

              Không bị thụy miên hôn trầm

       Hãy giảng Hữu Học Đạo phần đặc trưng.

          Ta cảm thấy sau lưng đau tức

          Muốn nằm nghỉ lấy sức một hồi ”.

              Sau khi nghe Phật nói rồi,

       Tôn-giả lên tiếng vâng lời Thế Tôn.

          Rồi Thế Tôn gấp y làm bốn

          Tăng-Già-Lê y (1) vốn kề bên

              Rồi Ngài nằm xuống an nhiên

    _______________________________

 

(1) :  Y Tăng-Già-Lê – Sanghàti  ( Y may từ 2 đến 7 lớp ;  có thể dùng để đắp .Y này chỉ hàng Tỷ Kheo mới có, khi hành Tăng Sự

thì bắt buộc phải đắp lên vai trái, bên ngoài Y Uất-đà-la-tăng ). .

Trung Bộ (Tập 2) Kinh 53 : HỮU HỌC ( Sekha ) *  MLH –  218

 

       Dáng như sư tử, nằm nghiêng gối đầu

          Hai chân để lên nhau, an tịnh

       Với ý định sẽ dậy an hòa.

              Đoạn Tôn-giả A-Nan-Đa

       Nói với Sắc-Dá Ma-Ha-Nam là :

 

    – “ Này Ma-Ha-Na-Ma (1) ! Chuyên chú,

          Thánh đệ tử giới hạnh tựu thành

              Vị ấy hộ trì các căn

       Tiết độ ăn uống, chú tâm thực hành,

          Luôn cảnh giác, tựu thành bảy pháp,

          Hiện tại đạt lạc trú bốn Thiền,

              Thuộc tăng-thượng-tâm, an nhiên

       Chứng đắc không khó, không phiền công lao.  

      *  Này Hiền-giả ! Thế nào là sự

          Thánh đệ tử giới hạnh tựu thành ?

            – Vị ấy có giới hạnh lành

       Sống chế ngự với Giới thanh tịnh gì ?

          Là “ Pa-Tì-Mốc-Kha” (2) giới bổn

 Luật Tạng, vốn đầy đủ oai nghi.

              Chánh hạnh, thấy rõ hiểm nguy

    _________________________________

 

(1) : Em vua Tịnh Phạn (Suddhodana ) là ngự đệ Amitodana (Hộc   

     Phạn Vương) có 4 người con trai : Mahànàma , Anuruddha (A- Nậu-Lâu-Đà), Ananda và Pandu và 1 người con gái : Rohini . Ông còn nhận hai hoàng tử cháu làm con nuôi là : Bhagu  (Bà-Cữu )và Kimbila (Kim-Tỳ-La ). Hai vị này cùng Anuruddha và Ananda là 4 trong 7 vị Vương-tử xuất gia theo Phật và trước sau đều đắc A-La-Hán . Vì con cháu của vua Tịnh Phạn đều xuất gia nên Mahànàma ( hay còn được gọi là Ma-Ha-Nam ) lên nối ngôi trị vì nước Kapilavatthu (Ca-Tỳ-La-Vệ ) và tuy là một Cư Sĩ nhưng ông đã  đắc quả A-Na-Hàm – Anàgàmi - Bất Lai quả .

(2) : Patimokkhasanvarasìla  :  Biệt biệt giải thoát thu thúc giới 

         ( trong Tứ Thanh Tịnh Giới của Luật Tỷ Kheo ).

Trung Bộ (Tập 2) Kinh 53 : HỮU HỌC ( Sekha ) *  MLH  – 219

 

Trong từng lỗi nhỏ dù vi-tế nào.

  Thọ lãnh, tu học bao học pháp.

          Này Hiền-giả ! Thành đạt giới lành

              Là vị giới hạnh tựu thành.

 

  *  Ma-Ha-Na-Má ! Thực hành ra sao

          Được gọi mau là Thánh đệ tử

          Luôn vâng giữ hộ trì các căn ?

          -  Này Hiền-giả ! Hiểu về phần

       Vị ấy bảo hộ các căn thế nào ?

          Mắt thấy sắc nhưng nào giữ tướng

          Tướng chung, riêng chẳng nắm giữ gì

             Mắt không chế ngự tại chi

       Khiến bất thiện pháp ưu bi khởi vào

          Nên tham ái dâng trào đủ thứ

          Vị Tỷ Kheo chế ngự nguyên nhân

             Hộ trì tích cực nhãn căn

       Cũng như hộ trợ nhĩ căn cũng cần

          Tai nghe tiếng hay thân cảm xúc

          Mũi ngửi hương, nhận thức : Ý căn

              Tích cực hộ trì các căn

       Vị Thánh đệ tử đạt phần thanh cao.

 

      *  Còn thế nào tiết độ ăn uống ?

       -  Thánh đệ tử ưa chuộng giới lành

              Chân chánh giác-sát ngọn ngành

       Thọ dụng vật thực tịnh thanh mọi bề,

          Không phải để đam mê, đùa giỡn,

          Không ngã ngớn, tự làm đẹp mình,

  Không phải trang sức cho xinh.

       Mục đích nuôi sống thân hình của ta

          Được duy trì, để mà tu tập,

Trung Bộ (Tập 2) Kinh 53 : HỮU HỌC ( Sekha ) *  MLH  – 220

 

          Để khỏi gặp họa hại, nạn tai,

              Để chấp hành Phạm-hạnh này,

       Nghĩ rằng : “ Ta thực hành ngay như vầy

          Các cảm thọ cũ này diệt lẹ

          Cảm thọ mới không thể khởi lên,

              Lầm lỗi ta không tạo nên

       Sống an ổn, vị nói trên tinh cần

Biết tiết độ trong phần ăn uống.

 

      *  Còn tình huống Thánh đệ tử nào 

              Luôn chú tâm, cảnh giác cao ?

    -  Ma-Ha-Na-Má ! Hiểu sâu như vầy :

          Thánh đệ tử vị này nghiêm túc

          Đi kinh hành vào lúc ban ngày,

              Hay trong khi ngồi thẳng ngay,

       Gột sạch tâm trí vượt rày chướng duyên,

          Các chướng ngại pháp liền rửa gột.

          Ban đêm, trong canh một an lành

              Khi ngồi hay đi kinh hành

       Các chướng-ngại-pháp cũng nhanh diệt trừ.

          Trong canh giữa, an như nằm xuống

          Hướng niệm đến khi muốn ngồi lên,

              Nằm nghiêng phía phải một bên,

       Dáng nằm sư tử, chân trên chân mình

          Luôn giữ gìn chánh niệm tỉnh giác.

          Trong canh cuối, tỉnh giấc an lành

              Lại ngồi hay đi kinh hành

       Gột sạch tâm trí, vượt nhanh qua nhiều

          Chướng ngại pháp. Đó điều đơn cử

  Thánh đệ tử cảnh giác chú tâm.

 

          *  Thế nào vị ấy tinh cần

Trung Bộ (Tập 2) Kinh 53 : HỮU HỌC ( Sekha ) *  MLH  – 221

 

Thành tựu diệu pháp bảy phần  trải qua ?

          Này Ma-Ha-Na-Ma Hiền-giả !

      –  Thánh đệ tử có cả lòng tin    

              Vào sự giác ngộ cao minh

       Bậc Chánh Đẳng Giác mà mình kính tôn

          Minh Hạnh Túc, Thế Tôn, Thiện Thệ,

          Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu,

              Thế Gian Giải, Thiên Nhân Sư,

       Đại A-La-Hán, an như Phật Đà (1).

 

      –  Thứ hai, ba : Vị này tàm, quý, (2)

          Không những chỉ xấu hổ, thẹn thùng

              Còn tự ghê sợ trong lòng

       Với những ác hạnh khẩu cùng ý, thân.

          Thẹn, sợ hãi vì phần thực hiện

 Về ác pháp, bất thiện pháp chi.

 

          –  Thứ tư : Đa văn, nhớ ghi,

       Nhớ kỹ, tích tụ những gì đã nghe

          Những pháp về Sơ & Trung & Hậu-thiện,

          Có nghĩa & văn, phô diễn rõ rành

              Phạm-hạnh đầy đủ, tịnh thanh

       Vị ấy đọc tụng và nhanh thọ trì,

          Ý nghĩ suy, thể nhập chánh kiến.

       -  Năm : Thực hiện tinh tấn, đồng cư 

    _______________________________

 

     (1) : Mười danh hiệu người đời xưng tụng Đức Phật : Araham (Ứng Cúng), Sammàsambuddho (Chánh Biến Tri hay Chánh Đẳng Chánh Giác) , Vijjàcaranasampanno (Minh Hạnh Túc) , Sugato (Thiện Thệ), Lokavidù (Thế Gian Giải), Anuttaro (Vô Thượng Sĩ), Purisadammasàrathi (Điều Ngự Trượng Phu), Satthàdevamanus-sànam (Thiên Nhân Sư), Buddha (Phật-Đà), Bhagavà (Thế Tôn) .

(2) : Tàm ( Hiri - Tâm biết hổ thẹn (tội lỗi).  Quý ( Ottappa - Tâm

 biết ghê sợ (tội lỗi).

Trung Bộ (Tập 2) Kinh 53 : HỮU HỌC ( Sekha ) *  MLH  – 222

 

              Các pháp bất thiện diệt trừ,

       Thành tựu thiện pháp, không từ bỏ chi

          Gánh nặng trì với các thiện pháp

  Luôn tu tập, nỗ lực, kiên trì.

 

          –  Thứ sáu : Có niệm mọi thì

       Niệm tuệ-tối-thắng nhớ ghi tựu thành

          Nhớ rõ rành những gì tự hỏi

     Mình đã làm, đã nói từ lâu.

 

           –  Thứ bảy : Có trí tuệ sâu

       Thành tựu trí tuệ thuộc vào diệt sanh

          Thánh thể nhập được thành tựu cả,

          Chân chánh, đã đọan tận khổ đau,

              Nên Thánh đệ tử này mau

       Thành tựu bảy diệu-pháp bao diệu mầu.

 

      *  Còn thế nào là Thánh đệ tử

          Hiện tại đang lạc trú bốn Thiền

              Thuộc tăng-thượng-tâm, an nhiên

       Chứng đắc không mệt, không phiền nhọc công,

          Chứng đắc không khó khăn, phí sức ?

      –  Vị ấy đã ly dục hoàn toàn,

              Ly bất thiện pháp mọi đàng

       Đã chứng và đã trú an Sơ Thiền,

          Một trạng thái gắn liền hỷ lạc

    Ly dục sanh, có các tứ, tầm.

 

          –  Vị ấy diệt tứ, diệt tầm 

       Và đã chứng đạt uyên thâm Nhị Thiền,

          Một trạng thái an nhiên, hỷ lạc,

          Do định sanh, bỏ các tứ, tầm,

          -  Ly hỷ trú xả, nhất tâm

       Chánh niệm tỉnh giác, thì thân cảm liền

Trung Bộ (Tập 2) Kinh 53 : HỮU HỌC ( Sekha ) *  MLH  – 223

 

          Sự lạc thọ, Thánh hiền gọi đủ

          Là ‘xả niệm lạc trú’, tâm chuyên

     Chứng và trú vào Tam Thiền.

 

   –  Xả lạc, xả khổ, diệt liền hỷ ưu

          Đã cảm thọ ; Tỷ Khưu thực chất

          Chứng và trú vào bậc Tứ Thiền,

              Không khổ không lạc, tâm yên,

       Xả niệm thanh tịnh – mãn viên bốn Thiền.

          Thánh đệ tử hiện tiền lạc trú

          Vào bốn Thiền vui thú vô ngần

              Thuộc về tăng-thượng-tâm phần

       Chứng đắc không có khó khăn, nhọc phiền.

 

          Ma-Ha-Nam ! An nhiên, chân chánh

          Vị thành tựu giới hạnh như vầy,

              Hộ trì các căn như vầy,

       Tiết độ ăn uống như vầy, thanh cao

          Chú tâm vào cảnh giác như vậy,

          Đầy đủ bảy diệu pháp như vầy,

              Hiện lạc trú bốn Thiền đây

       Thuộc tâm-tăng-thượng, chứng ngay dễ dàng 

          Không khó khăn cũng không lao lực,

          Chứng đắc không phí sức như vầy,

              Ma-Ma-Na-Má ! Vị này

       Là Thánh đệ tử gọi ngay tức thì :

          Vị đang đi con đường Hữu Học,

          Như trứng không bị xóc hoại hư

              Có thể phá vỡ tử từ

       Khả năng giác ngộ chân-như rất gần,

          Có khả năng an ổn vô thượng,

          Khỏi ách phược, chứng đạt trải qua.

Trung Bộ (Tập 2) Kinh 53 : HỮU HỌC ( Sekha ) *  MLH  – 224

 

              Hiền-giả Ma-Ha-Na-Ma !

       Ví như có tám hay là mười hai

          Cái trứng gà – Hiện nay gà mái

          Khéo ấp nóng và lại trộn đều,

              Dù cho gà mái vừa nêu

       Không khởi ý muốn : ‘Mong điều xảy ra :

          Các gà con của ta phá vỡ

          Với móng chân hay mỏ, sẵn sàng

              Thoát ra ngoài được an toàn’.

       Nhưng chẳng cần sự lo toan mỏi mòn

          Của gà mái, thì con của nó

          Cũng phá vỡ với mỏ, móng chân.

 

              Này Ma-Ha-Nam Hoàng huynh !

       Vị Thánh đệ tử nghiêm minh hành trì

          Chứng được do thực thi đúng hướng 

          Được ‘vô thượng xả niệm tịnh thanh’

             Tiền kiếp nhiều đời nhớ nhanh,

  Năm chục, mấy trăm đời đành trải qua

          Một ngàn đời hay là hơn nữa

          Một trăm ngàn đời thuở lâu xa

             Hoại kiếp, thành kiếp trải qua

   Vị ấy nhớ lại như là mới đây.

 

          Tại nơi ấy, tên này ta có

          Thuộc giai cấp, giòng họ thế này

             Uống, ăn, thọ khổ, lạc  rày

       Tuổi thọ như thế, chết ngày ra sao

          Ta tái sinh, nhằm vào làng đó

          Có tên tuổi, giòng họ thế nào

             Cứ thế, nhớ lại biết bao

       Tiền kiếp, tái kiếp không sao đếm rày

Trung Bộ (Tập 2) Kinh 53 : HỮU HỌC ( Sekha ) *  MLH  – 225

 

          Chính vị này tinh tường hiểu biết

 Quá khứ cả chi tiết, đại cương.

              Thứ nhất  – phá vỡ thông thường

       Để ra khỏi trứng, kiên cường gà con.

 

          Ma-Ha-Nam ! Lại còn diễn tiến

          Chứng ‘vô thượng xả niệm tịnh thanh’

             Xét về sinh tử chúng sanh

       Thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, thấy liền

          Vị ấy biết mối giềng Nghiệp quả

          Người hạ liệt, kẻ cả giàu sang

             Người đẹp đẽ, kẻ thô hèn

       Đều do hạnh nghiệp trắng đen họ làm.

 

          Gieo ác hạnh về thân, khẩu, ý

          Hoặc phỉ báng các vị Thánh Hiền

             Người này thân hoại, tận duyên     

       Do nghiệp tà kiến, đọa liền súc sinh

          Các cõi dữ, như sinh địa ngục,

          Hoặc đọa xứ , thằng thúc nạn tai.

 

             Còn bậc hiền giả, những ai

       Làm những thiện hạnh  ý và lời, thân

          Không phỉ báng Hiền nhân, Thánh hiển

          Tạo nghiệp lành, chánh kiến vô cùng

             Sau khi thân hoại mạng chung 

       Được sinh thiện thú, nhân trung, cõi trời

          Do thiên nhãn, biết đời sống chết

          Người hạ liệt  hay kẻ giàu sang

             Người đẹp đẽ, kẻ thô hèn

       Người này bất hạnh, kẻ bèn gặp may

          Do hạnh nghiệp kẻ này hành động

Có kết quả chẳng giống nhau này.

Trung Bộ (Tập 2) Kinh 53 : HỮU HỌC ( Sekha ) *  MLH  –226

 

              Như vậy thiện ác trả vay

       Đều do hạnh nghiệp trước đây họ làm.

          Ma-Ha-Nam ! Thứ hai – phá vỡ

      Ra khỏi vỏ của con gà con.

 

              Vị Thánh đệ tử lại còn

       Vô thượng xả niệm vuông tròn, tịnh thanh

          Khi chứng được, sẽ nhanh đoạn tận

          Các lậu-hoặc, cần mẫn tự mình,

              Ngay trong hiện tại sạch tinh

       Thắng trí, chứng ngộ quá trình hành thâm,

          Chứng đạt vô-lậu Tâm-giải-thoát,

          Tuệ-giải-thoát cũng đã chứng qua,

              Như sự phá vỏ trứng gà

       Của gà con. Điểm thứ ba cũng là.

 

          Này Ma-Ha-Na-Ma ! Căn cứ

          Thánh đệ tử nào đã thực hành,

              Thành tựu giới hạnh an lành

       Thuộc về hạnh đức tịnh thanh vị này,

          Hoặc vị này các căn bảo hộ,

          Có tiết độ trong việc uống ăn,

              Chú tâm tỉnh giác tinh cần,

       Đủ bảy diệu pháp quý trân như vầy

          Hiện tại đây bốn Thiền lạc trú

          Tăng-thượng-tâm đầy đủ thuộc về

              Chứng đắc không khó khăn gì

       Không phí sức, cũng không hề nhọc công.

          Tất cả đồng thuộc về hạnh đức

          Của vị ấy, đích thực như vầy.

 

              Này Ma-Ha-Nam ! Vị này  

       Nhớ hết quá khứ trước đây tinh tường

Trung Bộ (Tập 2) Kinh 53 : HỮU HỌC ( Sekha ) *  MLH  – 227

 

          Với các nét đại cương, chi tiết,

   Nên được liệt Trí đức vị này.

              Vị Thánh đệ tử nào đây

       Thiên nhãn thuần tịnh hiển bày siêu nhân,

          Sự sống chết chúng sanh thấy rõ

          Biết rằng có hạ liệt, cao sang,

              Kẻ thô xấu, người mỹ toàn,

       Người thì may mắn, kẻ toàn chẳng may

          Do hạnh nghiệp hằng này của họ

     Thuộc về có trí đức vị này.

 

              Vị Thánh đệ tử ở đây

       Đoạn tận lậu-hoặc do ngay tự mình

          Trong hiện tại tuệ minh thắng trí,

          Chứng ngộ và an trú hiện nay

              Vô lậu tâm-giải-thoát ngay

       Cùng tuệ-giải-thoát, như vầy điều đây

    Của vị này thuộc về trí đức.

          Ma-Ha-Nam ! Đích thực vị này

              Được gọi minh-cụ-túc ngay

       Hay hạnh-cụ-túc, như vầy gọi qua,

          Hoặc gọi là minh-hạnh-cụ-túc.

 

          Đã có lúc Phạm Thiên tên là 

              Ngài Sa-Năng-Ku-Ma-Ra

     (Thường Hình Đồng) – đã nói ra kệ rằng :

 

      “ Chúng sanh giai cấp tin rằng :

         Vương tộc tối thượng, họ hằng chấp ngay

         Vị minh-hạnh-cụ-túc đây

         Là bậc tối thắng ở ngay Trời, Người ”.

 

          Ma-Ha-Nam ! Với lời bài kệ

Trung Bộ (Tập 2) Kinh 53 : HỮU HỌC ( Sekha ) *  MLH  – 228

 

          Được Phạm Thiên chẳng nệ, ngâm ra

              Thật là khéo léo, tinh hoa

       Không phải vụng hát hay là vụng ngâm,

          Lời cao thâm, không hề vụng nói

          Có ý nghĩa về mọi bề này

              Không phải vô nghĩa điều đây

       Được sự ấn khả của Ngài Thế Tôn ”.

------------------

          Lấy bấy giờ, Thế Tôn tỉnh thức 

   Sau khi nằm lấy sức trải qua.

              Ngồi dậy, bảo A-Nan-Đa :

    “ Lành thay ! Này A-Nan-Đa ! Điều này

          Thật lành thay ! Con vừa thuyết giảng

          Hữu-học-đạo viên mãn, sâu xa

              Cho các Sắc-Da (Thích Ca )

       Tại vương thành Ka-Pí-Là-Vát-Thu ”.

 

           Kinh Hữu Học do từ Tôn-giả   

           A-Nan-Đa ngài đã thuyết ra

        Được ấn khả của Phật Đà.

       Ca-Tỳ-La-Vệ Sắc-Da các vì

          Nghe giảng xong, tức thì hoan hỷ

          Về pháp môn cao quý, tinh hoa

              Do Tôn-giả A-Nan-Đa
       Vâng lời Phật dạy, giảng ra tận tường ./-

 

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật  (3L )

 

 

---------------------------

 

 

(  Chấm dứt  Kinh số 53  :  HỮU HỌC  –  SEKHA  Sutta  )

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11/06/2017(Xem: 7940)
Người trong nước ước ao qua Mỹ Kẻ ở Mỹ mong được về quê Quê hương nghèo lắm ai ơi ! Nhưng tình sâu đậm tràn trề biết bao .
10/06/2017(Xem: 15276)
Nữ thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh vừa qua đời lúc 2 giờ 19 phút chiều Thứ Sáu, 9 Tháng Sáu, tại bệnh viện Huntington Valley Healthcare Center, Huntington Beach, hưởng thọ 87 tuổi, nhà văn Nguyễn Quang, phu quân của bà, xác nhận với nhật báo Người Việt.
10/06/2017(Xem: 8350)
Lá xanh mơn mởn chào đời Dòng xuôi tươi mát, tiếng cười trong veo Lá mềm mại những thương yêu Dòng thơ bay bổng rộn reo láy vần Lá non tình ý trong ngần Hồn nhiên gọi nắng giữa rừng cỗi xưa
10/06/2017(Xem: 8424)
Thời xưa và cả thời nay Số người mê tín, buồn thay, quá nhiều! Họ mê muội tin đủ điều Gặp cây cổ thụ họ đều van xin
10/06/2017(Xem: 8630)
Vợ chồng chàng Kế Sa La Kiếm ăn vất vả, cửa nhà khó khăn Nhưng vui sống cảnh thanh bần Hiền lành, chân thật, xa gần mến thương
09/06/2017(Xem: 8950)
Mỗi ngày Những con đường trong thành phố Nặng nề Chuyên chở bao nhiêu trọng tải xe, người Những tiếng ồn và khói bụi không vơi.
09/06/2017(Xem: 7665)
Sông mê bể ái sánh đôi dòng, Nghi hoặc ra vào cửa có không. Tham đắm trần gian nên lận đận, Tìm cầu đạo cả vẫn long đong.
09/06/2017(Xem: 10180)
Đến Hàm Tân vòng lên Sông Phan đó Qua dốc đồi là tới thiền viện đây Trúc Lâm Chánh Thiện nằm cô tịch Cuối rừng hoang rú dại khuất xa này
09/06/2017(Xem: 7399)
Hết cá rồi lại đến tôm Biết bao khốn khổ bao trùm quê hương Dân lành cực nhọc gió sương Một đêm mất trắng hết đường sanh nhai
08/06/2017(Xem: 15959)
Trúc Thiên là một khuôn mặt đặc biệt, nổi bật lên giữa bầu trời văn nghệ Miền Nam, trước năm 1975 tại Sài Gòn. Lấp lánh hào quang thiền học sáng ngời, long lanh ánh chớp thi ca rực rỡ trên những trang thơ văn súc tích, hay những bản dịch thuật, giới thiệu các tác phẩm thâm thúy, kỳ diệu của Bồ Đề Đạt Ma, Huyền Giác, Tuệ Trung Thượng Sỹ, Suzuki, Krishnamurti…
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]