Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Những năm tháng làm báo Viên Giác

03/01/201919:48(Xem: 14134)
Những năm tháng làm báo Viên Giác


Báo Viên Giác, số 225, tháng 06-2018-1(xem báo Viên Giác)

Những năm tháng

làm báo Viên Giác
Thích Như Điển

 

Từ những ngày đầu của năm 1978, khi chúng tôi đã định cư tại Hannover, sau hơn một năm học tiếng Đức tại trường Volkshochschule và Đại Học Kiel ở miền Bắc nước Đức, chúng tôi liền nghĩ đến việc làm sao có thể thông tin, liên lạc được với những cá nhân, đoàn thể hiện đang sinh sống tại xứ Đức; nên mới nảy sinh ra ý định là: “Phải có một tờ báo để làm sợi dây liên lạc với mọi người”. Đây là cái nhân lúc ban đầu và cũng là một sự nối tiếp việc làm báo Khuông Việt từ những tháng ngày còn ở Tokyo, Nhật Bản  của năm 1972 đến năm 1977.

Mới đó mà cũng hơn 40 năm rồi. Quả thật: “Thời gian và thủy triều không đợi chờ ai” là vậy. Ngày xưa người ta nói rằng: “Thời gian như bóng câu qua cửa sổ”. Có nghĩa là: “Thời gian trôi qua nhanh như con ngựa chạy ngang qua cửa sổ”. Ngày ấy các chàng thư sinh ngồi cạnh cửa sổ học bài, thấy ngựa chạy thoắt qua thật nhanh trong tầm mắt, nhìn lại bài vở ôn thi chưa thuộc lòng trọn vẹn mà ngày ứng thí đã gần kề, nên mới nảy ra ý tưởng so sánh ấy chăng! Còn bây giờ thì thời gian còn quý hơn vàng bạc nữa. Ai không quý thời gian, người ấy sẽ bỏ lỡ đi nhiều cơ hội trôi qua một cách vô tình trong cuộc sống của mình; nhất là đời sống hiện nay của đầu thế kỷ thứ 21 nầy, mọi vật đều thoạt ẩn, thoạt hiện, tiến nhanh hơn cả Tsunami, tàn phá mọi giá trị tinh thần cũng như tài sản văn hóa của con người trên quả đất nầy. Vậy chúng ta phải tránh né hay chống chọi lại ra sao với thiên nhiên và những hoàn cảnh như thế?

Tôi không nghĩ là mình phải làm một cái gì đó to tát lắm như việc “đội đá vá trời”, tôi chỉ muốn làm một sợi tơ lòng của tâm linh, nối kết lại mọi người với nhau, nên đã hạ thủ công phu, chú tâm vào việc làm sao để thực hiện giấc mơ nhỏ bé ấy của mình, ở cái thuở ban đầu cách đây hơn 40 năm về trước. Thế là sự bắt đầu đã đến. Cuối năm 1978, sau khi thành lập Hội Sinh Viên và Kiều Bào Phật tử Việt Nam tỵ nạn tại Đức, chúng tôi xúc tiến ngay việc viết báo để đi in bằng lối Photocopy. Thuở ấy chỉ có hai Thầy trò gồm tôi và Phật tử Thị Chơn Ngô Ngọc Diệp, người sinh viên du học Đức trước năm 1975 và cũng là người đệ tử tại gia đầu tiên của tôi vào những năm tháng đầu tiên tại Hannover nầy. Tôi vừa viết bài và tự đánh máy bài vở, nhưng thuở ấy dấu chữ tiếng Việt chưa có, nên sau khi đánh máy xong phải tự tay đánh dấu vào chữ, kế tiếp phải nhờ Thị Chơn trang trí cho tờ báo Viên Giác số 1 bộ cũ, phát hành ngày 1 tháng 1 năm 1979. Năm ấy ra được 3 số và mỗi số dày độ 50 trang khổ A4 gấp đôi, đóng kim ở giữa để trở thành tờ báo A5. Đến cuối năm 1979, chúng tôi nhận được sự tài trợ chính thức từ Bộ Nội Vụ Cộng Hòa Liên Bang Đức qua Ông Dr. Geissler tại Bonn. Và báo từ số 4 đến số 6 bộ cũ của năm 1980, chúng tôi cũng đã tự Photocopy và đóng thành báo khổ A5. Sáu số báo ấy hiện giờ thư viện của chùa Viên Giác chỉ còn một bản duy nhất và được đóng gáy rất trang nhã, dễ nhìn. Mỗi năm 3 số ấy phát hành vào dịp tết Nguyên Đán, Phật Đản và Lễ Vu Lan.

Cuối năm 1980 đầu năm 1981 là những năm tháng mà chúng tôi phải chuẩn bị dời chùa, từ đường Kestnerstrasse sang đường Eichelkampstrasse 35A cũng tại Hannover và thuở ấy có anh Mai Vi Phúc ở Barntrup thường hay về chùa Viên Giác để thăm tôi, đồng thời anh cũng đề nghị là: Nếu được Bộ Nội Vụ Đức giúp đỡ tài chánh thì chúng ta nên đổi hình thức của tờ báo thành khổ A4 thay vì khổ A5 như 6 số báo đã in ấn vừa qua và thay vì mỗi năm ra 3 số, chúng ta nên xuất bản mỗi năm 6 số. Thế là số 1 bộ mới bắt đầu hiện diện tại nước Đức từ tháng 2 năm 1981. Thay vì mỗi lần bộ cũ in 500 số để gửi đến đồng bào Phật tử khắp nơi trên nước Đức, thì bây giờ mỗi lần xuất bản 1.000 số, không những chỉ gửi tại Đức, mà còn gửi sang các nước Âu Châu nữa.

Những năm đầu có Sư Cô Thích Nữ Diệu Ân giúp cho việc đánh máy, sau nầy có Chị Lâm Yến Nga. Thị Chánh Trương Tấn Lộc bỏ dấu, Anh Mai Vi Phúc lo viết thư xin bài của những người thân quen, vốn là những vị viết văn bạn bè của anh trước năm 1975 ở miền Nam Việt Nam như Anh Hồ Trường An và những cây bút hữu danh khác, và việc Layout vẫn do Phật tử Thị Chơn Ngô Ngọc Diệp thực hiện. Thuở ấy chưa có chữ lớn, nhỏ có sẵn trong Computer như bây giờ, nên phải ra phố mua những chữ họ in sẵn đem về nhà ngồi cà từng chữ xuống mặt giấy, sau khi đã bỏ dấu bài vở và xem lại lỗi chính tả lần cuối. Hồi đó riêng báo Viên Giác vẫn được chính quyền Đức giúp cho 2 phần 3 việc tốn kém tiền bạc trong việc in ấn, cũng như gửi tem đi các nơi, nên đây cũng là điều kiện tốt để chúng tôi tự chăm sóc cho tờ báo Viên Giác cho đến năm 2004. Nghĩa là suốt 25 năm như vậy, chính quyền Liên Bang Đức đều hỗ trợ cho chùa Viên Giác ở nhiều phương diện; nhưng sau 25 năm, chúng tôi tự đứng vững và tự vươn lên, nên những sự tài trợ ấy chính phủ đề nghị chúng tôi dành cho những tổ chức khác mới hội nhập vào xã hội Đức và đó cũng là một điều hữu lý, nên chúng tôi đã tự lực cánh sinh ở mọi phương diện cho chùa từ năm 2004 đến nay. Dĩ nhiên ngoài việc giúp đỡ tài chánh của chính quyền Đức thuở ban đầu ấy, Phật tử Việt Nam tại Đức nói riêng và khắp nơi tại Âu, Mỹ, Úc nói chung cũng đã hỗ trợ chúng tôi một cách nhiệt thành, nên mới có được một Viên Giác ở mọi bình diện như ngày hôm nay. Nếu không có những sự đóng góp tích cực ấy, thì Viên Giác đã không là Viên Giác như trong hiện tại. Ân nghĩa nghìn trùng nầy tôi xin hồi hướng đến tất cả pháp giới chúng sanh, lên ba ngôi Tam Bảo để chứng minh gia hộ cho chư Tôn Đức Tăng Ni trong Chi Bộ Đức Quốc cũng như những người Phật tử đóng góp từ thuở ban đầu được mọi điều như nguyện.

Anh Mai Vi Phúc, Thị Chơn rồi họa sĩ Nguyễn Đồng và Nguyễn Thị Hợp cũng đã cùng với các văn thi sĩ khắp nơi bắt đầu góp công, góp sức cho tờ báo từ thuở ấy và cứ thế sợi dây tinh thần nầy cứ tiếp nối mãi cho đến ngày nay. Sau khi Anh Mai Vi Phúc dọn về Bonn thì chúng tôi thiếu một người cộng sự đắc lực, nên Thị Chơn đã thay thế vào vị trí Chủ Bút của tờ báo Viên Giác một thời gian dài chừng 10 năm thì phải. Bây giờ mỗi tháng số lượng độc giả càng tăng cao, nên nhân sự tự nguyện phải cần thêm nhiều hơn nữa, nhất là sau khi chúng tôi có mua được một nhà máy in nho nhỏ gồm nhiều máy móc với sự tài trợ của Bộ Nội Vụ Cộng Hòa Liên Bang Đức. Thế là người làm bản kẽm, người in, người đóng báo, cho báo vào phong bì, dán tem rồi gửi đi v.v… Ở những khâu nầy thì có Cô Diệu Niên (Hạnh Niệm), Thiện Giác Hồ Vinh Giang, Thiện Phúc Châu Huệ Phấn, Bác Thị Tâm Ngô Văn Phát, Thị Đạo Ngô Ngọc Trung, Thiện Tấn Vũ Quang Tú, Thiện Pháp, Anh chị Hồng Quang, Anh Phát. Và kể từ năm 1989 trở đi sau khi bức tường Berlin sụp đổ thì có thêm Thầy Hạnh Bảo, Hữu, Tiến, Nam, Dũng, Liêm v.v…. cũng chừng trên dưới 30 người thực hiện việc tự nguyện giúp cho tờ báo Viên Giác vẫn cứ đều đều được xuất bản từ 500 số lên đến 5.000 số và hiện giờ báo Viên Giác có số độc giả khắp 32 quốc gia trên thế giới. Công việc ấy không phải chỉ có một người, mà trăm tay đã vỗ nên kêu là vậy.

Đầu năm 1991 khi chùa mới ở đường Karlsruherstrasse đã sắp đi vào hoạt động, thì Thị Chơn cũng không còn trực tiếp cộng tác với chùa và báo Viên Giác nữa, ít nhất là trong vòng 10 năm vì công ăn việc làm khác, nên chúng tôi đã nhờ được Anh Nguyên Trí Nguyễn Hòa, bút hiệu là Phù Vân chính thức làm Chủ Bút tờ báo Viên Giác. Anh Nguyên Trí là thành viên của Văn Bút Âu Châu, nên anh đã quen biết nhiều văn, thi sĩ khắp nơi và anh đã gọi mời bạn bè qua sự quen thân nầy để đóng góp cho báo Viên Giác, từ đó đến nay suốt gần 30 năm như vậy.

Bây giờ quý vị đang cầm trên tay tờ báo Viên Giác số 229 của tháng 2 năm 2019. Có nghĩa là từ năm 1981 đến năm 2018, qua 38 năm như vậy, bộ mới của báo Viên Giác đã xuất bản được 229 số. Nếu chia cho 38 năm thì mỗi năm 6 số không sai với thời gian xuất bản vào tháng chẵn; nên chúng ta đã có 38 năm và hai năm 1979, 1980 có 6 số nữa. Vị chi là 40 năm gồm 235 số cả cũ lẫn mới. Đúng là một giấc mộng đã hình thành và trụ lại ở thế gian nầy một thời gian dài trên dưới 40 năm như thế, mà thuở ban đầu tôi đã chẳng bao giờ có thể nghĩ đến được điều nầy cả. Phật Pháp nhiệm mầu là như vậy. Câu nói nầy riêng với tôi, không bao giờ dám quên là nghĩa như thế. Bởi lẽ đây là tờ báo Đạo có tuổi thọ nhất nhì so với những tờ báo Đạo khác lâu nay đã xuất bản ở trong cũng như ngoài nước.

Hôm nay ngày 3 tháng 1 năm 2019 tôi ngồi tại thư phòng của Tu Viện Quảng Đức tại Melbourne, Úc Châu, nơi Thượng Tọa Thích Tâm Phương làm Viện Chủ, Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng làm Trụ Trì để viết và ôn lại những ngày đã qua, suốt trong hơn 40 năm như thế, rõ ràng là tôi không có còn đủ trí để nhớ hết tất cả những người đã đóng góp, cộng tác cho Viên Giác từ thời mới khởi đi những trang giấy đầu tiên cho đến bây giờ, mà nay đã in ấn được chắc cũng không dưới 26.600 trang A4 như vậy gồm: 38 số báo Xuân, mỗi số dày 200 trang, và 5 số báo phát hành mỗi năm trong 38 năm, mỗi số có 100 trang, vị chi là 19.000 trang, cộng với 7.600 trang báo Xuân ta có được con số trang trên. Như vậy tổng cộng số trang của báo Viên Giác đã xuất bản từ năm 1979 đến nay 2019, cũng đã bằng số trang của một Đại Tạng Kinh Nam Truyền rồi. Đại Tạng Kinh Nam Truyền gồm 13 quyển. Đó là: Trường Bộ Kinh, Trung Bộ Kinh, Tương Ưng Bộ Kinh, Tăng Chi Bộ Kinh (gồm 7 tập) và Tiểu Bộ Kinh (gồm 6 tập). Tổng cộng 13 tập cũng trên dưới 25.000 trang Kinh như vậy và Đức Phật đã giảng trong suốt 45 năm khi Ngài còn tại thế. Ở đây chúng tôi chỉ dám so sánh số trang mà thôi và dĩ nhiên là không dám so sánh phần nội dung. Vì lẽ nội dung của báo Viên Giác chuyên chở cả đời lẫn đạo và đôi khi có nhiều chuyện có tính cách thế gian tính, nên chỉ nêu ra như vậy để thấy rằng cái chịu khó của Ban Biên Tập để tờ báo có thể tồn tại cho đến ngày nay vậy.

Kể từ khi Đạo Hữu Nguyên Trí Nguyễn Hoà (Phù Vân) làm chủ bút, chúng tôi trước đây mỗi năm có một lần họp Ban Biên tập để thảo luận, cũng như kiểm điểm những thành quả và xây dựng tờ báo nhằm đáp ứng nhu cầu của độc giả, vì vậy nên đã chia ra làm nhiều mục và mỗi một hay nhiều vị đảm nhận một phần việc của mình, để cho công việc trôi chảy hơn. Ví dụ như phần Quản Lý Tòa Soạn thì Bác Thị Tâm lo; phần bài vở thì Đạo Hữu Phù Vân lo; phần đánh máy về sau nầy thì Chị Lâm Yến Nga và Chú Lương Hiền Sanh lo; phần trang trí thì Anh Như Thân Hà Phước Nhuận lo; phần kiểm lại bài vở trước khi lên khuôn thì tôi phải đọc lại lần cuối kiêm luôn phần Phật Pháp; phần trang Hoa Phượng hay trang Thiếu Nhi thì Anh Thiện Căn Phạm Hồng Sáu và Chị Thiện Tạo Hồng Nhiên lo; phần Văn Học thì Đạo hữu Phù Vân lo; phần tin thế giới thì Đạo hữu Phan Ngọc Minh ở Đức lo, sau nầy thì có Anh Quảng Trực Tran Viết Dung ở Úc vừa lo Tin Thế Giới và Tin Việt Nam; Tin Nước Đức có Anh Lê Ngọc Châu, Tin Phật Sự trước đây có anh Nhựt Trọng Trần Văn Minh ở Đức, sau này  anh Phù Vân lo luôn; và Tin Sinh Hoạt Cộng Đồng có Anh Nguyễn Quý Đại ở Đức lo.

Tại Đức có những vị đã cộng tác cho báo Viên Giác như sau: Sư Huynh Hà Đậu Đồng, Bác Phan Hưng Nhơn, Vũ Ngọc Long, Huy Giang, Bác Quang Kính (những người đã quá vãng). Bác Thị Tâm, nhà thơ Chung Anh, Vũ Nam, Đan Hà, Hoa Lan, Phương Quỳnh, Thi Thi Hồng Ngọc, Nguyên Hạnh Hoàng Thị Doãn, Hương Cau, Lương Nguyên Hiền, Nguyễn Quý Đại, Nguyên Đạo Văn Công Tuấn, Đỗ Trường, Đỗ Văn Thông, Anh Trần Phong Lưu, chị Quỳnh Hoa, Hoàng Quân, Bác Sĩ Trương Ngọc Thanh, Bác Sĩ Tôn Thất Hứa, Bác Sĩ Văn Công Trâm. Tại Đức cũng có Chư Tôn cộng tác với báo Viên Giác như: Ni trưởng Thích Nữ Như Viên, Thầy Hạnh Nguyện, Thầy Hạnh Bảo, Thầy Hạnh Tấn, Thầy Hạnh Giới, Thầy Hạnh Định v.v… Tại Thụy Sĩ thì có Thầy Như Tú, Diệu Như Trần Thị Nhật Hưng, Song Thư LTH, Lưu An Vũ Ngọc Ruẩn, Bà Thanh Bình v.v… Ở Ý có Cô Huỳnh Ngọc Nga. Ở Pháp có Dr. Hoang Phong, Đông Phương Mai Lý Cang, Hồ Trường An, Vân Nương LNC, Tiến sĩ Hương Giang Thái Văn Kiểm, Võ Đức Trung, Tiểu Tử Võ Hoài Nam, Hàn Lâm Nguyễn Phú Thứ. Ở Canada có Bác sĩ Thú Y Nguyễn Thượng Chánh, GS. Trần Gia Phụng, Dược Sĩ Lê Thị Bạch Nga, Họa Sĩ Phạm Thăng, Dr. Thái Công Tụng v.v… Tại Hoa Kỳ có Họa sĩ Vi Vi Võ Hùng Kiệt, Họa sĩ Cát Đơn Sa, Thái Tú Hạp, Ái Cầm, Trần Trung Đạo, Tôn Thất Đào, Trần Trọng Khoái, Thylanthao, Trần Tuệ Nga, Lâm Minh Anh, Tràm Cà Mâu, Nguyễn Hiền Đức, Nguyễn Minh Tiến, Thượng Tọa Thích Hạnh Tuệ, Thầy Thích Chúc Hiền v.v… Ở Vương Quốc Bỉ có Ký giả Nguyễn Ang Ca, Giáo sư Vũ Ký. Ở Hòa Lan có Nguyên Trí Hồ Thành Trước (Đào Hiếu Đễ). Tại Việt Nam có Nguyễn Thiếu Dũng, Châu Yến Loan, Phan Trường Nghị, vợ chồng Trương Văn Dân và Elena Puccilo, Thầy Thích Chúc Hiếu v.v… Ở Úc có Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng, Thượng Tọa Thích Phổ Huân, Sư Cô Giác Anh, Quảng Trực v.v… Đây chỉ là những vị đã cũng như đang cộng tác cho báo Viên Giác trong suốt 40 năm qua, và từ đây về sau sẽ còn nhiều cây bút đặc biệt hơn nữa. Dĩ nhiên là tôi sẽ không nhớ hết được những ân tình mà quý vị đã dành cho Viên Giác bấy lâu nay, nên tôi chỉ có thể nêu lên một số danh tánh của chư Tôn Đức cũng như quý vị tiêu biểu mà thôi. Nếu có gì thiếu sót, kính xin chư Tôn Đức và quý Văn Thi Hữu bổ túc cho.

Nhà in Viên Giác chỉ tồn tại đến đời Đệ nhất Trụ trì, Thượng Tọa Thích Hạnh Tấn (2003-2008), sau đó các anh em công quả như Liêm, Tùng, Hữu, Tiến, Dũng, Tú, Nam, Hiền v.v… đều có công ăn việc làm bên ngoài nên cũng là lúc chúng tôi quyết định đóng cửa nhà in tại chùa, và bắt đầu sau khi Layout xong thì gửi ra nhà in của Đức để in và chính họ tự đóng gói, phân phối trong nước Đức cho chùa và từ đó nhân sự cũng không cần nhiều nữa. Vả lại nhà in của Đức thì họ in đẹp hơn mình tự in, mà giá thành cũng không cao hơn là mấy, nhưng lại đẹp hơn, dễ nhìn. Do đó độc giả rất hoan hỷ đóng góp mỗi năm trong nước Đức chỉ 20 Euro và ở các châu lục khác chỉ cần 30 Euro là đủ tiền in và cước gửi đi. Riêng các chùa và các Hội Đoàn trên thế giới thì chùa gửi tặng để tạo mối dây liên lạc giữa Viên Giác và các chùa với nhau. Suốt 40 năm nay cũng thế, hình như chỉ lên giá có một lần khi tiền Deutsche Mark đổi thành Euro.  Kể từ năm 2019 nầy, Ban Biên Tập quyết định sẽ in chữ lớn hơn cho dễ đọc, vì đa phần những độc giả của báo Viên Giác nay đã lớn tuổi rồi. Tuy nhiên một niềm an ủi cho những người làm báo như chúng tôi là từ Việt Nam ngày nay có những Sinh Viên đang du học tại Đức lại có người muốn tìm báo Viên Giác đọc lại từ số đầu. Cho nên lúc nào cũng rất là cần thiết khi chúng ta muốn hy hiến tư tưởng, sự hiểu biết cũng như trang trải lòng mình qua giấy trắng, mực đen thì chữ nghĩa và tư tưởng vẫn là những chất liệu dưỡng sinh cho cuộc sống tâm linh của mọi người, không phân chia giai cấp, quốc độ cũng như thời gian năm tháng.

Năm nay 2019 chùa Viên Giác kỷ niệm đúng 40 năm xuất bản báo Viên Giác, 40 năm thành lập Chi Bộ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Đức Quốc, cũng nhằm 70 năm tuổi đời và 55 năm xuất gia hành đạo của tôi. Và những sự kiện ý nghĩa ấy sẽ được diễn ra vào cuối tháng 6 năm 2019 nầy. Tôi xin niệm ân tất cả chư Tôn Đức Tăng Ni, người gần cũng như kẻ ở xa, người thân cũng như sơ, Phật tử cũng như không Phật tử, quý vị đã vì sự tồn tại văn hóa của quê hương tại xứ người mà nhiệt tình cộng tác cho báo Viên Giác suốt trong hơn 40 năm qua. Quả là một sự cống hiến không nhỏ cho văn hóa Phật Giáo nói riêng và văn hóa dân tộc tại xứ người nói chung.

Mặc dầu chính thức từ năm 2003 đến nay tôi chỉ đóng vai là sáng lập Chủ Nhiệm của báo, nhưng Lá Thư Tòa Soạn nào, tôi cũng phải viết để trở thành một sơn thủy trường lưu bất tận như những cung đàn của tạo hóa đã sắp đặt từ lâu, hầu cống hiến cho những độc giả xa gần. Cuối cùng xin cảm ơn những độc giả thường xuyên, luôn trung thành với lập trường của báo Viên Giác ngay từ những ngày đầu tiên và mãi cho đến nay vẫn còn hỗ trợ Viên Giác ở nhiều phương diện khác nhau. Nhờ vậy mà Viên Giác mới còn góp mặt văn chương, chữ nghĩa cũng như tư tưởng của mình cho Đời cũng như cho Đạo.

Kính chúc Chư Tôn Đức và quý Văn Thi Hữu cũng như quý độc giả có được những niệm an lành trong cuộc sống thường nhật của mình.

Thích Như Điển

Viết xong vào lúc 8 giờ sáng ngày 3 tháng 1 năm 2019

tại Tu Viện Quảng Đức, Melbourne , Úc Châu.

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
19/05/2010(Xem: 9592)
Đừng tưởng cứ trọc là sư Cứ vâng là chịu, cứ ừ là ngoan Đừng tưởng có của đã sang Cứ im lặng tưởng là vàng nguyên cây Đừng tưởng cứ uống là say Cứ chân là bước cứ tay là sờ Đừng tưởng cứ đợi là chờ Cứ âm là nhạc cứ thơ là vần Đừng tưởng cứ mới là tân
16/05/2010(Xem: 7885)
Thầy từ phương xa đến đây, Chúng con hạnh ngộ xum vầy. Đêm nay chén trà thơm ngát, Nhấp cho tình Đạo dâng đầy. Mừng Thầy từ Úc tới thăm, Đêm nay trăng sáng ngày rằm. Thầy về từ tâm lan tỏa, Giữa mùa nắng đẹp tháng Năm
10/03/2010(Xem: 11896)
Qua sự nghiệp trước tác và dịch thuật của Hòa Thượng thì phần thơ chiếm một tỷ lệ quá ít đối với các phần dịch thuật và sáng tác khác nhất là về Luật và, còn ít hơnnữa đối với cả một đời Ngài đã bỏ ra phục vụ đạopháp và dân tộc, qua nhiều chức năng nhiệm vụ khác nhaunhất là giáo dục và văn hóa là chính của Ngài.
10/03/2010(Xem: 9076)
Ba La Mật, tiếng Phạn Là Pu-ra-mi-ta, Gồm có sáu pháp chính Của những người xuất gia. Ba La Mật có nghĩa Là vượt qua sông Mê. Một quá trình tu dưỡng Giúp phát tâm Bồ Đề. Đây là Bồ Tát đạo, Trước, giải thoát cho mình,
10/03/2010(Xem: 13691)
Tên Phật, theo tiếng Phạn, Là A-mi-tab-ha, Tức Vô Lượng Ánh Sáng, Tức Phật A Di Đà. Đức A Di Đà Phật Là vị Phật đầu tiên Trong vô số Đức Phật Được tôn làm người hiền. Ngài được thờ nhiều nhất Trong Ma-hay-a-na, Tức Đại Thừa, nhánh Phật Thịnh hành ở nước ta.
01/10/2007(Xem: 9636)
214 Bộ Chữ Hán (soạn theo âm vận dễ thuộc lòng)
20/10/2003(Xem: 34075)
Tình cờ tôi được cầm quyển Việt Nam Thi Sử Hùng Ca của Mặc Giang do một người bạn trao tay, tôi cảm thấy hạnh phúc - hạnh phúc của sự đồng cảm tự tình dân tộc, vì ở thời buổi này vẫn còn có những người thiết tha với sự hưng vong của đất nước. Chính vì vậy tôi không ngại ngùng gì khi giới thiệu nhà thơ Mặc Giang với tác phẩm Việt Nam Thi Sử Hùng Ca. Mặc Giang là một nhà thơ tư duy sâu sắc, một nhà thơ của thời đại với những thao thức về thân phận con người, những trăn trở về vận mệnh dân tộc, . . . Tất cả đã được Mặc Giang thể hiện trong Việt Nam Thi Sử Hùng Ca trong sáng và xúc tích, tràn đầy lòng tự hào dân tộc khi được mang cái gène “Con Rồng Cháu Tiên” luân lưu trong huyết quản.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]