Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ngựa Nòi Thông Minh (thơ)

29/03/201709:51(Xem: 10370)
Ngựa Nòi Thông Minh (thơ)


con_ngua_10

NGỰA NÒI

THÔNG MINH

 

Thành Ba-La-Nại thuở xưa

Ở miền bắc Ấn có vua trị vì

Quốc vương nhiều ngựa kể chi

Nhưng riêng một ngựa kia thì tuyệt luân

Ngựa nòi, giống tốt vô ngần

Lớn to, mạnh mẽ thêm phần thông minh

Ngựa từ nhỏ đã khôn lanh

Chưa cần nghe lệnh sai mình tới lui

Đoán ra ý đó ngay rồi

Quốc vương khen ngợi: "Ngựa nòi thông minh!"

Ngựa nòi nổi tiếng trong kinh

Quốc vương đặc biệt tận tình lo toan

Chuồng thời lộng lẫy trang hoàng

Thơm tho, sạch sẽ, khang trang vô cùng.

Trung thành với chủ hết lòng

Ngựa còn can đảm oai phong hàng đầu

Quốc vương quý ngựa từ lâu

Bao nhiêu tin tưởng đặt vào ngựa thôi.

Một ngày u ám đầy trời

Thành Ba-La-Nại rối bời tóc tang

Bảy vua các nước lân bang

Kết liên gây chiến dàn hàng tại đây

Họ mang lính tráng bủa vây

Quân hùng, tướng mạnh chuyến này phô trương

Nào voi, nào ngựa rộn ràng

Nào xe, nào lính vũ trang đầy mình

Vua Ba-La-Nại hoảng kinh

Vội vàng triệu tập triều đình lại ngay

Họp bàn tìm kế hoạch hay

Hầu mong chống đỡ với bầy xâm lăng,

Họ khuyên vua: "Chớ đầu hàng

Cùng nhau chống trả ngoại bang đến cùng

Ta cần bảo vệ hoàng cung

Giữ gìn ngôi vị quốc vương nước nhà,

Thoạt tiên mình hãy cử ra

Một viên võ tướng tài ba hơn người

Đã từng vô địch lâu đời

Thay vua chiến đấu tại nơi chiến trường

Nếu không thắng được đối phương

Thời ta mới để hoàng cung dự phần

Bấy giờ bệ hạ đích thân

Trổ tài ra trận cầm quân diệt thù."

Lời nghe hợp với ý vua

Nên ông quan võ từ xưa đứng đầu

Giữ ngôi vô địch đã lâu

Quốc vương triệu tới cùng nhau luận bàn

Quốc vương lên tiếng hỏi quan:

"Liệu rằng có thể phá tan giặc này?"

Ông quan võ trả lời ngay

Muốn rằng có được ngựa hay để dùng:

"Nếu mà bệ hạ đồng lòng

Hạ thần xin được cưỡi con ngựa nòi

Khôn ngoan can đảm lâu rồi

Chắc là sẽ thắng tại nơi trận tiền!"

Quốc vương đồng ý nói liền:

"Hỡi quan vô địch tôi hiền trung trinh

Ta luôn trông cậy vào khanh

Cùng là ngựa báu thông minh tốt nòi

Cứu nguy vương quốc này thôi

Tùy khanh định liệu chuyện nơi chiến trường!"

*

ngua noi thong minh




Ông quan nhận lệnh quốc vương

Vội vàng đi tới nơi chuồng hoàng cung

Ngựa nòi ăn uống vừa xong

Được mang đầy đủ yên cương trên người

Khoác thêm áo giáp bên ngoài

Cùng đồ trang sức rạng ngời châu thân

Ông quan kỵ mã tới gần

Cúi chào ngựa quý muôn phần nghiêm trang

Rồi leo lên cưỡi hiên ngang

Một người, một ngựa phóng sang phía thù

Ngựa nòi thông thái từ xưa

Hiểu ra tình thế rất ư hiểm nghèo

Nhủ lòng: "Quân địch quá nhiều

Lân bang bảy nước hò reo vây thành

Ngựa, voi, vũ khí, tinh binh

Nước mình cùng quốc vương mình nguy nan,

Quốc vương nhân ái vô ngần

Lại thêm tin tưởng trăm phần nơi ta

Ta đâu có thể lơ là

Để quân địch thắng trận mà đành tâm.

Nếu ta giúp đỡ ông quan

Để rồi tàn sát địch quân chuyến này

Bảy vua bị giết tại đây

Tức là ta đã tiếp tay hại người

Sát sinh phạm tội mất rồi

Xấu xa như vậy ta thời tránh xa,

Dịp này ta muốn đưa ra

Một lời giáo huấn cao xa tuyệt vời:

Không nên giết hại ở đời

Bảy vua bị bắt sống thời mới hay

Mới là chuyện vĩ đại thay

Mới là chiến thắng tràn đầy vinh quang!"

Những suy tư đẹp vô vàn

Ngựa bèn thổ lộ với quan cưỡi mình.

Rồi xông ra trận nhiệt tình

Sau khi quan sát chung quanh chiến trường

Chồm lên dậm cẳng hí vang

Lao vào đột kích đối phương tưng bừng

Tự tin, mạnh mẽ, kiêu hùng

Địch quân hốt hoảng tìm đường tháo lui.

Đoàn quân thứ nhất thua rồi

Vua thời bị bắt, quân thời bị tan

Bất ngờ, nhanh chóng, dễ dàng

Tránh đường chém giết bạo tàn như xưa.

*

Thế rồi lần lượt các vua

Đều thua chiến trận cũng như người đầu

Sáu vua bị bắt giống nhau

Giải vào giam giữ trước sau trong thành

Tưởng như sắp dứt chiến tranh

Nào ngờ lính nọ nấp rình một nơi

Dùng gươm đâm lén ngựa nòi

Bên sườn máu đỏ tuôn rơi dầm dề

Hằn sâu thương tích nặng nề

Khiến quan kỵ mã nghĩ suy ngại ngần

Lòng can đảm chợt tiêu tan

Nghĩ rằng: "Ngựa yếu khó ngăn quân thù

Địch quân kia khó đánh thua

Đạo quân thứ bẩy có vua kiêu hùng,

Ta nên chọn một ngựa thường

Phủ ngoài áo giáp, yên cương sẵn sàng

Cũng to lớn, cũng hiên ngang

Để thay cho ngựa nòi đang thảm sầu!"

Nghĩ xong ông chẳng chờ lâu

Lệnh thay thế ngựa truyền mau ra rồi.

Tuy đang đau đớn thân người

Ngựa nòi thấy vậy mở lời can ngăn:

"Thưa ông, ông có biết chăng

Nếu ông xử dụng ngựa thường như xưa

Giết nhau mong chuyện hơn thua

Thì dù thắng cũng bằng thừa mà thôi

Sát sinh đã tạo nghiệp rồi

Vinh quang chốc lát, luân hồi dài lâu

Xin ông hãy xét lại mau

Ngựa nòi thuần chủng đứng đầu là tôi

 

Riêng tôi giúp được ông thôi

Xông vào trận tuyến đủ tài tấn công

Phá tan hàng ngũ địch quân

Mà không sát hại một nhân mạng nào

Bắt vua thứ bảy. Lành sao!

Chiến tranh chấm dứt biết bao an bình!"

Ông quan nghe ngựa khuyên mình

Nghe xong ông lại lên tinh thần rồi

Theo lời ngựa thi hành thôi.

Ngựa nòi gắng gượng vươn người đứng lên

Vết thương băng bó kỹ thêm,

Chở quan kỵ mã trên yên kiêu hùng

Với đà cố gắng phi thường

Ngựa lao trở lại chiến trường hăng say

Đạo quân thứ bảy phá ngay

Đồng thời bắt sống vua này êm xuôi

Hết xâm lăng! Hết nổi trôi!

Chiến tranh lắng đọng, khắp nơi thái bình.

*

Ngựa nòi trầm trọng bệnh tình

Quốc vương nhỏ lệ, thân hành đến thăm

Ngựa bèn trịnh trọng trối trăng:

"Tôi xin được một đặc ân cuối cùng

Hòa bình khi tái lập xong

Đừng thêm đổ máu mới mong lâu dài

Tôi xin trông cậy ở ngài

Ra tay phóng thích, triển khai tâm từ

Thả luôn tất cả bảy vua

Lân bang chung sống coi như một nhà!"

Nói xong ngựa duỗi mình ra

Từ từ nhắm mắt lìa xa cõi trần.

Quốc vương cùng với quan, quân

Xót xa nhỏ lệ muôn phần tiếc thương,

Thả vua bảy nước lân bang

Về sau chung sống trăm đường bình yên,

Cùng nhau hỏa táng ngựa hiền

Khắp nơi vang vọng lời khuyên nhân từ.

*

(NHẬN DIỆN TIỀN THÂN:

Ngựa nòi giống tốt và thông minh

là tiền thân Đức Phật.

Vị quốc vương là Ananda.

Người cưỡi ngựa là Xá Lợi Phất.)

 

TÂM MINH NGÔ TẰNG GIAO

(thi hóa, phỏng dịch theo bản văn xuôi

THE GREAT HORSE KNOWING-ONE

của Ven. Kurunegoda Piyatissa & Tod Anderson)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
25/03/2022(Xem: 5222)
Con Kính tặng Cụ Bà Tâm Thái (Mẫu thân của TT Tâm Phương, TT Nguyên Tạng, NS Tâm Vân) bài thơ này, vì Cụ Bà đã cho chúng con thêm niềm tin và hạnh tinh tấn, mỗi ngày Cụ Bà miên mật hai thời niệm Phật sáng- tối, ngoài thời gian này cụ bà lúc nào cũng giữ mình trong đời sống chánh niệm, tay không rời chuỗi hạt và nghe pháp thoại. Đó là hạnh phúc giản đơn mà ít người biết hưởng ? Kính chúc Cụ Bà Tâm Thái sống lâu trăm tuổi để tiếp tục lan toả hạnh tinh tấn đến cho mọi người. HH
23/03/2022(Xem: 4227)
Kiếp con người sướng vui hay đau khổ? Câu hỏi này đặt dấu hỏi chính ta Quả và Nhân muôn kiếp mới chính là Tốt hay xấu do Duyên ta tạo tác.
21/03/2022(Xem: 6339)
Bạn đã từng yêu thơ, đã từng đọc thơ, đã từng làm thơ, đã từng say đắm với thơ... tôi tin rằng bạn sẽ đứng tim khi đọc tới những dòng: cổng chùa khuya chưa khép bầy sao rủ nhau về soi trong hồ nước biếc tiếng hạc buồn lê thê Tôi đã đứng tim như thế, đã kinh ngạc đọc đi đọc lại các dòng thơ trên. Tôi đã nghiêng đầu, áp tai sát trang giấy để nghe xem tiếng hạc buồn lê thê thế nào. Tôi đã nghiêng trang giấy qua lại để xem có ngôi sao nào rơi ra từ giữa những dòng thơ. Khi đó, tôi đã thắc mắc vì sao có hình ảnh cổng chùa chưa khép trong thơ, có phải vì nhà sư thi sĩ đã đi lạc nơi phố chợ và quên mất lối về.
21/03/2022(Xem: 4548)
Sống an yên giữa dòng đời hối hả Đơn giản biết đủ trong mọi nhu cầu Giữ lòng thanh tịnh tu học chuyên sâu Điều không như ý …vẫn diễn ra suôn sẻ !
20/03/2022(Xem: 5815)
Những tưởng Ninh Giang Thu Cúc sẽ gác bút sau tập nhận định “Đọc Kiều Thương Khách Viễn Phương” nhưng nào có được - bởi nghiệp dĩ đeo mang nên mới có Kiều Kinh gởi đến quý vị. Với tuổi tác và bệnh trạng – tác giả muốn nghỉ viết để duy dưỡng tinh thần, trì chú niệm kinh và chung sống an yên cùng căn bệnh nghiệt ngã là xẹp cột sống lưng... Thế nhưng; với tiêu chí – còn thở là còn làm việc, tác giả không cam chịu là người vô tích sự vì thế NGTC vẫn viết (dù trong tư thế khó khăn) mong đóng góp chút công sức nhỏ nhoi cho nền Văn học nước nhà.
19/03/2022(Xem: 8908)
Thuở xưa có một anh kia Nấu đường cát trắng chuyên nghề đã lâu Một hôm đang bận, chợt đâu Có ông khách nọ sang giàu đến thăm
17/03/2022(Xem: 6749)
Tạ thâm ân những lần bên bờ vực thẳm Mầu nhiệm, gần gũi thay Đức Quán Thế Âm. Cứu khổ muôn loài vô biên Ứng hoá thân Người thọ nhận cảm ứng chỉ mình mình hiểu, Vì có nói chẳng ai tin cũng không thể hiểu !
17/03/2022(Xem: 7194)
Đại xuân mơ vẳng tiếng chuông ngân Tỉnh khách lợi danh rõ mộng trần Vượn hú đêm khuya nghe tiếng kệ chim kêu buổi sớm ngộ phù vân Chiều buông ảo ảnh vờn mây nước Sáng tỏa sương mù đón Mặc nhân Tọa chủ tĩnh lòng theo Phật hiệu Nhẹ tơn tâm trí hướng thanh tân
16/03/2022(Xem: 6929)
Vào chùa học hạnh khiêm cung Ra sân gặp mộ anh hùng Nam mô Oai linh toả sáng đền thờ Hoa thơm chánh điện Dòng thơ tươm vần Tháp vườn sau vắng chuông ngân
15/03/2022(Xem: 5244)
Hoá duyên khất thực độ tha, Tay ôm bình bát ngàn nhà gieo duyên. Tâm lành bố thí hạnh nguyền, Kết tràng hạnh phúc chẳng riêng Ta bà.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]