Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Về bà con thân hữu

11/02/201723:16(Xem: 9013)
Về bà con thân hữu

VỀ BÀ CON THÂN HỮU

 

 

 

LỚP TRUNG BỘ KINH

Các vị tăng ni trẻ

Trong lớp Trung Bộ kinh

Sáng nay đã đến thăm

Đọc những thơ mới làm

 

Thầy Nguyên Hiệp hát tặng

“Quê hương tôi miền Trung”

Sư Minh Liên vọng cổ

Những vần kinh Pháp Cú

 

Và sư em Thánh Tâm

Giọng cải lương mùi mẫn

Các Sư Cô Chú khác

Cũng góp phần ca ngâm

 

Tóm lại là rất vui

Chia tay hơi ngậm ngùi

Cầu Phật độ chư vị

Dõng mãnh trên đường dài

 

 

 

DIỆU DUNG VÀ DIỆU THANH

Diệu Dung và Diệu Thanh

Đến thăm từ Cam Ranh

Gặp Sư đang chóng mặt

Chỉ nhìn rồi ra nhanh

 

 

 

THIỆN LAI

Ưu bà tắc Thiện Lai

Tuổi đời trên bảy hai

Vừa quy y Tam Bảo

Lo niệm Phật đêm ngày

 

Từ bỏ vui ngũ dục

Chuyên hướng Liên Hoa Đài

Thân đang sống giữa đời

Tâm an vui cõi tịnh

 

 

 

THẦY NHỰT TRUNG SÓC TRĂNG

Mong ân Tam Bảo gia trì

Ơn thầy Thượng Tọa trú trì Khánh Sơn

Lại nhờ Phật tử mười phương

Khánh Anh tu viện sớm thành lập nên

Một ngôi chánh điện trang nghiêm

Một trường dạy những con em nhà nghèo

Nhà nuôi các cụ gieo neo

Việc đời việc đạo thầy đều đảm đương

Xây cầu, khoan giếng, sửa đường

Mỗi ngày thêm đẹp cảnh quan quanh chùa

Phòng riêng mái rách phên thưa

Tấm gương tu sĩ đại thừa sáng trong

 

 

 

PHẬT TỬ CHÙA KHÁNH ANH (st)

Phật tử chủa thầy thật dễ thương

Nam lo khuân vác sửa cây vườn

Nữ lo nấu nướng bày trai soạn

Rất đỗi vui lòng khách thập phương

 

 

 

CHÙA ĐẠI GIÁC SÓC TRĂNG

Đại Giác nguy nga một cảnh chùa

An cư quy tụ chúng về tu

Công ơn sư trưởng Thích Như Liễu

Vận động lo toan khó chẳng vừa

 

 

 

HẠNH PHẬT

(tặng cháu Ti)

Hạnh hiếu là hạnh Phật

Lời người xưa không ngoa

Tu hành đâu chỉ có

Mình khoác áo cà sa

 

 

 

GẶP LẠI NGƯỜI THÂN

(tặng bốn cháu Tú của Dì)

 

Thứ hai mồng bảy tháng tư

Ty về thăm lại quê xưa một lần

Nỗi mừng biết lấy chi cân

Dì đang nằm bệnhcũng dần khoẻ ra

Bao nhiêu bà con gần xa

Ty đều nhớ hết thật là dễ thương

Người xưa bế cháu, chị Lan

Bà cô đốc Nhựt vẫn thường cưng Ty

Nhớ mùa loạn lạc phân ly

Nhớ thời măng sữa những khi mẹ bồng

Cắn từng miếng mía cho con

Nhịn cơm thà đói để con no lòng

Bây giờ ấm lạnh quạt nồng

Bốn con hiếu thảo quây quần mẹ vui

Dù không nói được nên lời

Tấm lòng con mẹ muôn đời không quên

 

 

 

CÓ AI

Có ai đang lo mẹ

Lại còn nghĩ đến Dì

Xa xôi về thăm lại

Nhớ cả đến đường đi

 

Thăm qua làng xóm cũ

Cảnh người xưa còn chi

Bao sao dời vật đổi

Lòng con vẫn khắc ghi

 

Vẫn nhớ hoài Quảng Trị

Nơi mẹ sống một thời

Thăm ân nhân Hoàng Ngũ

Chi xiết nỗi mừng vui

 

 

 

PHƯỢNG ANH

Giúp Ti tròn hiếu đạo

Còn nhờ có Phượng Anh

Một người vợ chí tình

Một nàng dâu hiền thảo

 

 

 

DOÃN NGUYỆT MINH

Qua Diệu Liên quen Doãn Nguyệt Minh

Người con yêu dấu của Hà thành

Thấy em thấy cả trời Hương Tích

Trăng sáng Hoa Yên mạch suối lành

 

 

 

BÁC SĨ HOÀNG XUÂN TÀI

Vị lương y đức độ

Chuyên chữa bệnh kẻ khó

Binh sĩ và sinh viên

Trước thời gian “bỏ ngỏ”

 

Sau một cuộc đổi đời

Ông bị bắt học tập

Dân gửi đơn tới tấp

Yêu cầu thả ông ra

 

Thoát xong nhà tù nhỏ

Ông thoát luôn nhà to

Toàn gia đi trót lọt

Mừng ông được tự do

 

 

 

MINH PHÚC

Minh Phúc - Triệu Phước Vinh

Với đạo rất nhiệt tình

Một lòng lo phổ biến

Băng niệm Phật giảng kinh

 

Anh lại còn lo toan

Giáo dục đàn trẻ nhỏ

Khuyến khích chúng vào chùa

Tụng kinh và công quả

 

Đối với nhà Như Lai

Anh đặc biệt hậu tình

Dốc hết cả tiền túi

Sắm đủ thứ linh tinh

 

Nào tivi đầu máy

Cho trẻ em xem hình

Và nghe băng giảng pháp

Một người thật chí tình

 

Anh ở nhà Như Lai

Mới chỉ có vài ngày

Mà đi ai cũng nhớ

Bọn trẻ khóc lai rai

 

 

 

BẾN DÃ VIÊN

(Kính tặng thầy cũ Tôn Thất Hanh, dạy Anh văn)

 

Năm mươi năm lẻ đã trôi qua

Hình ảnh sông xưa chẳng nhạt nhòa

Có phải tuổi thơ nhiều ấn tượng

Một lần in dấu dễ phôi pha

 

Nhớ một trưa hè trên bến sông

Chị em chèo một chiếc xuồng con

Lướt dưới vòm cây in bóng mát

Lên tận Dã Viên cồn cát trong

 

Thuyền đổ dưới vòm cây si cong

Long lanh đáy nước mảnh trời hồng

Bốn bề bát ngát lòng thư thái

Tự hỏi nhà ai bến mát trong

 

Trên kia vườn lá cây xanh um

Bỗng hiện bà tiên còn trẻ măng

Cười đón chị em lên nhà nghỉ

Thì ra đây bến nhà thầy Hanh

 

Thu Ba, tên của bà tiên nữ

Hiền hậu nhu mì của thầy tôi

Thầy và hai em cùng đi vắng

Mình cô thui thủi ở nhà thôi

 

Cô nấu cơm mời hai chị em

Ăn xong đưa tập ảnh cho xem

Những cảnh gia đình vui đầm ấm

Trong khu vườn đẹp tợ non tiên

 

Tin cô tử nạn chốn trời Tây

Nghe dường như sét đánh ngang tai

Vô thường là lẽ thường như thế

Lẩm cẩm lòng con vẫn tiếc hoài

 

Đôi vần kính gởi đến thầy xưa

Ơn thầy dạy dỗ chẳng phai mờ

Âm dương đời đạo dù hai ngả

Vẫn đượm lòng ai một cõi thơ

 

 

 

VŨ CHẦM

Nguyên Đào và Nguyên Lạc

Thấm nhuần đạo giải thoát

Giữa dòng đời bôn ba

Thường hành chân diệu pháp

 

 

 

QUÂN – TRANG

Nằm bệnh có Quân – Trang đến thăm

Biết hai con ổn định Sư mừng

Quân thì dạy toán, Trang học vẽ

Con cái lớn khôn lại giỏi giang

 

 

 

NGUYỄN TRỌNG HIẾU

Bác tài Nguyễn Trọng Hiếu

Có chiếc xe nhà riêng

Thường chở các cô đi

Tính tiền giá “hữu nghị”

 

Khi còn là bé trai

Suốt mười bốn năm dài

Bác chỉ có đi biển

Và ở tù lai rai

 

Cuối cùng bác đến được

Một đảo ở Nam Dương

Khi các nước Tây phương

Hết đón nhận khách hàng

 

Bác cùng hàng ngàn người

Vẫn kiên trì ở lại

Suốt sáu bảy năm ròng

Không nước nào đoái tới

 

Cuối cùng họ bị đuổi

Lệnh cưỡng bức hồi cư

Từng đoàn lên phi cơ

Ai mô về nhà nấy

 

Mỗi khi lái xe đi

Bác kể chuyện ly kỳ

Trong thời gian ở đạo

Nghe rất là lâm ly

 

“Người ta chết thiếu gì

Suốt thời gian ở đảo

Vì đánh nhau, bạo bệnh

Tranh giành của, lắm khi

 

“Con làm đủ thứ nghề

Chăn nuôi rồi chài lưới

Ấp vịt và trồng cây

Cá nhiều đem ướp muối

 

“Khi có lệnh hồi hương

Mọi người rất hoang mang

Làm sao đem hài cốt

Về quê những người thân

 

“Vì người ta xét kỹ

Hành lý của từng người

Nếu có bình tro cốt

Tức thì bị bỏ rơi

 

“Ban đêm ra cồn mồ

Đào bới những xương khô

Những gì còn sót lại

Bỏ vào lon ghi gô

 

Phải là lon sữa mới

Đục khoét từ dưới đáy

Đổ sữa bỏ xương vô

Rồi lấy keo dán lại

 

“Có những thi thể mới

Người ta phải lóc thịt

Trước khi đốt ra tro

Để mang về đóng gói”

 

Những người về cuối cùng

Được ưu tiên đi trước

Theo diện O.D.P.

Nên bác Hiếu rất mừng

 

Oái oăm thay bác Hiếu

Bị xếp vào hạng bét

Trên đường đi định cư

Bác hơi rầu một ít

 

Chiến tranh Mỹ - Iraq

Thường nổ trên xe hơi

Mỗi khi bác kể chuyện

Khen Bush không tiếc lời

 

 

 

SƯ CÔ TỊNH NGHIÊM

Sư trưởng chùa Tịnh Nghiêm

Nghe bệnh vội đến thăm

Từ Mỹ Tho cách trở

Đạo tình thật thiết thâm

 

Tuổi đời trên năm mươi

Đệ tử cả trăm người

Phước Thành và Quảng Phước

Sư còn thêm hai nơi

 

Rất tinh nghiêm giới luật

Hạnh hoan hỷ tươi cười

Ni chúng nhờ ân đức

Sống đời tu tuyệt vời

 

 

 

SƯ CÔ NHẬT KHƯƠNG

Sư Nhật Khương, Huệ Nghĩa

Đến lúc vừa hừng đông

Khen cảnh chùa quá đẹp

Vườn Tịnh thất Diệu Không

 

Ngồi kể những chuyện vui

Trong thời gian lao lý

Những ngày em cùng chị

Bị ở chung người đời

 

Chị được mở cửa gió

Nhưng cũng bằng như không

Vì kẻ ở tù chung

Đứng hoài nơi cửa gió

 

Còn em lúc ngồi thiền

Bị kẻ kia chơi hỗn

Bỏ cam quýt trên đầu

Một trò chơi khùng điên

 

Vừa bạn tu bạn tù

Tình thân thêm thắm thiết

Dù gặp nhau ít dịp

Đạo tình chẳng phai đâu

 

 

 

SƯ CÔ HUỆ NGHĨA

Hơn ba chục năm trời

Cô lúc nào cũng vậy

Vẫn một nụ cười tươi

Hèn chi trông trẻ mãi

 

Bẩm chất cô rất hiền

Xưa có người tiên đoán

Chỉ một mình cô Nghĩa

Còn ở lại cửa thiền

 

Và quả đúng như lời

Trong số người làm chung

Nhiều cô đã bỏ đạo

Sau một cuộc đổi đời

 

 

 

DƯƠNG HIẾU THẢO

Tâm Hương, Dương Hiếu Thảo

Phật tử chùa Thiền Quang

Em sư cô Tuệ Nghiêm

Là người rất mến đạo

 

Anh tự động quyên góp

Xây dựng nhà Như Lai

Chánh điện khang trang này

Nhờ mười phương thí chủ

 

 

 

ANH CHỊ BỬU PHU

Bà con phủ Tuy Lý

Có anh chị Bửu Phu

Tính tình rất vui vẻ

Thường lui tới thăm chùa

 

Đổi đời nhiều mất mát

Anh chị vẫn thong dong

Nay ở khu An Lạc

Ngày xưa ở Lâm Đồng

 

Các con đều đi xa

Riêng Vĩnh Hưng ở nhà

Sớm tối thường thăm viếng

Anh chị vui tuổi già

 

 

 

HỒNG TUYẾN

Hồng Tuyến học chung từ tấm bé

Bao năm tình bạn chẳng phai phôi

Từ trường Thế Dạ lên Đồng Khánh

Kỷ niệm còn đây lắm chuyện vui

 

Tôi nhớ có lần bạn với tôi

Cùng bàn tán việc tày trời

“Té ra thầy Đãi cũng đi tiểu

Vào chỗ vệ sinh như mọi người”

 

Bởi vì thầy ấy rất nghiêm trang

Thầy chẳng bao giờ cười hé răng

Cả lớp giờ thầy như nín thở

Trả bài ai cũng đọc băng băng

 

 

 

PHÚC BÌNH

Phúc Bình Văn Xuân An

Xa quê đã nhiều năm

Ước mơ nhìn thấy lại

Một lần cuối Việt Nam

 

Khi rời khỏi xác thân

Chắc anh đã ngộ rằng

Đâu cũng là cõi tạm

Đâu cũng là quê hương

 

Xã thân rồi thọ thân

Trải qua vô số lần

Ta vào sinh ra tử

Nơi nào chẳng đặt chân?

 

Thân và hoàn cảnh sống

Như ốc mang theo vỏ

Hai thứ không rời nhau

Do thành trì bản ngã

 

Ở đông, chấp Đông Phương

“Nhiều tia hồng nắng ấm

Vùng tây kia ảm đạm

Cõi miền của tịch dương”

 

Đập tan cái vỏ ốc

Thì đâu còn Đông Tây

Ta hóa thân cùng khắp

Đâu cũng nước non này

 

 

 

CHÓ CHÙA

Từ lúc đổi đời cho đến nay

Nuôi nhiều mèo chó lạ lùng thay

Thấy bao người kẻ không bằng chó

Và cũng vì tạm trú khỏi khai

 

Lâu nhất ở chùa bác chó Su

Hơn mười năm đã, có căn tu

Hai buổi sớm khuya biết đáp kệ

Người ta niệm Phật chó gâu gâu

 

Cả bốn anh kia cũng họa theo

Tu đi chú chao cao lêu nghêu

Anh Cún Bắc Kinh pha nòi giống

Anh Bờm lùn tịt mắt trong veo

 

Chị Bộng chó Nhật lông trắng đẹp

Ngược với anh Bờm đen mượt mà

Cả năm anh chị đều thái giám

Tụng kinh niệm Phật rất vui nhà

 

Nhà Bè có anh Babilac

Anh đến từ cao nguyên xa xôi

Lông vàng đuôi xoắn đôi mắt đẹp

Ai thấy cũng xin đem về nuôi

 

Anh có đạo tâm nhưng hơi dữ

 Cắn cả thú y đến chích ngừa

Khiến ông nhảy thót lên bàn tránh

Từ đấy trở đi hết đến chùa

 

Lại có mồ ma chị Tu lanh

Vừa mới qua đời bịnh xơ gan

Nghe tin chị mất Sư thương lắm

Chị đã ở chùa trên tám năm

 

Nhà Bè còn có chị Bi lu

Chân què nhưng sóng mắt hồ thu

Chị lết đến chùa nằm ở cổng

Cô Tuệ Khai thương tình bế vô

 

Cả người Bi lu đầu ghẻ lác

Đôi mắt long lanh nhìn lên Sư

Sư bảo em này suy dinh dưỡng

Cho ăn đầy đủ không sao đâu

 

Quả nhiên sau đó chân hết đau

Chị nhảy tót lên ngồi xích đu

Nửa đêm nghe võng đưa kẽo kẹt

Mở cửa xem ra là Bi lu

 

Chị nổi danh đệ nhất thủ môn

Ném đồ ăn chị đớp trúng boong

Chở chị đi xe ai cũng ngó

Và khen mắt chị đẹp ghê hồn

 

 

 

MÈO CHÙA

Mèo thì trước nhất có Na Tra

Tên đặt theo phim truyện Tây Du

Mười năm nhập chúng ni Tuệ Uyển

Khi chết mọi người khóc lu bu

 

Kế Na Tra là chị Kity

Trắng muốt bộ lông đẹp diệu kỳ

Mới sinh ai vứt ngoài bờ giậu

Sư bảo đem vô chùa nuôi đi

 

Mèo chưa mở mắt mà rộng họng

La toáng lên đòi sữa không thôi

May nhờ Lan Phiên có mèo đẻ

Mang về bú ké sữa mẹ nuôi

 

Lại có mồ ma chị Tu bi

Tam thể bộ lông đẹp cách chi

Xin theo đại chúng từ tấm bé

Chị chết Tuệ Nguyên khóc li bì

 

Nhà Bè trước hết có Na, Nu

Tam thể sinh ra đã bị mù

Bà chủ toàn vùi trong đống rác

Ông chồng bất nhẫn mang vào chùa

 

Lại có chị mèo tên Bi bo

Nhị thể bụng trắng lưng xám tro

Bộ lông đặc biệt chưa từng thấy

Chị đi cả chùa tiếc ngẩn ngơ

 

Số là chị bỗng sinh một con

Vì chưa am hiểu cách nuôi con

Tối ngủ chị đè con bẹp dí

Các cô chôn xác mèo chết non

 

Tỉnh dậy vì không tìm thấy con

Kêu thương bà mẹ đi tìm con

Bứt dây chị bỏ đi mãi mãi

Biết bao giờ thấy lại màu lông

 

Nhà Bè còn có Somalie

Khi mới vô chùa bé tí ti

Dơ xương ốm đói dơ lông lá

Mèo nhà ai đẻ đem vứt đi

 

Các cô săn sóc mèo cô nhi

Bồi dưỡng cho ăn chẳng thiếu chi

Bây giờ mập ú như US

Hết đáng mang danh Somalie

 

Somalie biết coi tivi

Biết mở tủ lạnh lấy vật gì

Lục khắp để tìm hộp phó mát

Được rồi cu cậu ngồi nhâm nhi

 

Tiểu bạch xuất thân nhà giàu sang

Mới về nhỏ xíu bằng búp len

Lông trắng đốm đen xinh đáo để

Sư đeo vào cổ một chuỗi tràng

 

Tiểu bạch lớn lên thành nữ quái

Chuyên môn ăn vụng nhà láng giềng

Có bận vắng nhà luôn mấy buổi

Cả chùa cứ tưởng đã quy tiên

 

May thay chỉ độ mấy ngày sau

Nóc nhà vọng xuống tiếng meo meo

Mèo chùa người ta không nỡ bắt

 

Vì thấy cổ em có chuỗi đeo

 

Em trai Tiểu bạch là Metta

Vô chùa từ lúc mới sinh ra

Mấy cô tẩm bổ cho ăn uống

Mèo út nghiễm nhiên đẹp nhất nhà

 

Được cưng chiều em rộng họng la

Giờ ăn đứng tại chỗ kêu ca

Chờ được một cô lên bồng xuống

Bữa ăn mèo chó đã dọn ra

 

Tiểu bạch, Metta hai chị em

Thường thường biến mất vào ban đêm

Sáng ra mang về chiến lợi phẩm

Vậy mà hàng xóm vẫn lặng ên

 

Thỉnh thoảng còn qua thăm các em

“Từ lúc mèo chùa vắng hơi tăm

Chuột vào phá phách kho hàng hóa

Nên vẫn nhớ ơn hai chị em”

 

Từ đấy hai mèo được mệnh danh

Là đi “ở đợ” để kiếm ăn

Vì chùa không có đâu cá thịt

Nên nỗi hai con phải nhọc nhằn

 

Còn nữa biết bao nhiêu mèo chó

Sống chung đại chúng một thời gian

Kẻ đến rồi đi kẻ đang ở

Tất cả thầy xin gởi tấm thương

 

    

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/09/2016(Xem: 11427)
Chuông chùa vang tiếng gọi Thức tỉnh khách đường xa Bao tháng ngày say đắm Chẳng nhớ lại lòng ta
21/09/2016(Xem: 8032)
Linh Sơn câu hội nhớ Ân sư Từ thuở khai sơn nơi cõi hư Tự viện dựng xây trên thế giới Thi văn xuất bản khắp hoàn cầu Giới thân tiếp độ nguồn Bát-nhã
21/09/2016(Xem: 7665)
Bây giờ con mớ Bây giờ con mới hiểu ra Tu hành trước nhất thoát qua mê lầm Tụng kinh, gỏ mõ, thỉnh chuông Pháp thực tập để tâm buông niệm tà Thứ hai là phải vượt qua Cái thân bạc nhược trẻ già buông trôi Lòng từ tinh tấn trau dồi Đi về chân vẫn thảnh thơi bước thiền Thứ ba tỉnh thức qua đêm Tìm nguồn sáng để soi miền chân tâm Bớt gian dối, bớt si sân Thêm bi, trí, dũng cho gần thiện nhân Đến chùa là việc rất cần Nguyện quy Tam bảo, Tứ ân đáp đền Học thầy, học bạn chớ quên Chuyển hóa tâm tánh trở nên hiền hòa Tiền tài, danh vọng, xa hoa Tu hành cần phải tránh xa nảo phiền Sống theo “Bát chánh” làm quen Chánh niệm sẽ giúp ta thêm sáng lòng Bây giờ con mới hiểu thông Bôn ba cho lắm cũng vòng trầm luân Tự mình thắp sáng đèn tâm Soi đường đuốc tuệ theo chân Phật đà Cũng nhờ con đã hiểu ra Muốn tu hành phải bước qua luân hồi Từ bi, trí tuệ sáng soi Vào trong bể khổ cứu người lầm than Những điều quan trọng cần làm Phải luôn theo dõi thời gian “tâ
21/09/2016(Xem: 10991)
Lần cuối cùng, đến tiễn ông đi Bút cạn, thơ đâu biết nói gì Nhớ mãi nụ cười anh nhi ấy Bàn tay phe phẩy lúc phân ly
20/09/2016(Xem: 14640)
Người ơi! mở cánh cửa lòng Để cho trời đất mênh mông hiện vào Mỗi bình minh đến ngọt ngào An lành trên mỗi tế bào thân, tâm.
20/09/2016(Xem: 8413)
Nhớ Thầy - HT Thích Đức Niệm
20/09/2016(Xem: 8282)
Múa may nghĩ cũng quay cuồng Sáu mươi năm trọn vở tuồng trong ta Anh Nhi (Hạnh) từ lúc sanh ra Hồn nhiên trong trắng thi ca với đời
17/09/2016(Xem: 8477)
Hồi xưa trong cánh rừng bên - Họa mi làm tổ ở trên cây đào- Hàng ngày chim hót ngọt ngào - Véo von ca tụng trăng sao đất trời
16/09/2016(Xem: 8060)
Kính dâng Thầy Nguyên Tạng trên đường hoằng pháp HK Vượt trùng dương Thầy hoằng dương Mỹ Quốc Mang pháp lành truyền bá chúng hữu duyên Mình một mình đi suốt cuộc hành trình Không quản ngại dù xa xăm vạn lý.
15/09/2016(Xem: 7987)
Dạt dào, vằng vặc, bao la, Mênh mông, bát ngát đó là Mẹ tôi! , Vầng trăng vằng vặc muôn đời, Dạt dào hơi ấm truyền lời bảo ban
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]