Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Việt Nam Phật Giáo Sử Ca

07/09/201607:16(Xem: 20126)
Việt Nam Phật Giáo Sử Ca
    chuamotcot
    VIỆT
    NAM
    PHẬT
    GIÁO
    SỬ CA
 

 

TNT Mặc Giang

 

 MỤC LỤC

 

      Lời tác giả

01. Khơi dòng                                   (Câu 01 - 42)

02. Cái nôi Phật Giáo Luy Lâu                   (Câu 43 - 130)

03. PGVN Thế kỷ Thứ 3 - 5             (Câu 131 - 174)

04. PGVN Thiền Phái Thứ Nhất       (Câu 175 - 242)

05. Tăng Đoàn Việt Nam xuất du     (Câu 243 - 358)

06. Đem chuông đi đánh xứ người    (Câu 359 - 446)

07. PGVN Thiền Phái Thứ Hai                   (Câu 447 - 502)

08. Đất nước độc lập thái bình                   (Câu 503 - 542)

09. Dân tộc và Phật Giáo                           (Câu 543 - 578)

10. PGVN Triều đại Nhà Đinh                   (Câu 579 - 614)

11. PGVN Triều đại Nhà Tiền Lê     (Câu 615 - 654)

12. PGVN Triều đại Lý - Trần                    (Câu 655 - 694)

13. PGVN Thiền Phái Thứ Ba           (Câu 695 - 726)

14. Thiền Phái Trúc Lâm của PGVN          (Câu 727 - 778)

15. PGVN 14 Thuộc Minh                (Câu 779 - 806)

16. PGVN Triều đại Hậu Lê             (Câu 807 - 874)

17. PGVN Phái Tào Động                (Câu 875 - 890)

18. PGVN Phái Liên Tôn                            (Câu 891 - 922)

19. PGVN Phái Nguyên Thiều                    (Câu 923 - 966)

20. PGVN Phái Minh Hải                 (Câu 967 - 998)

21. PGVN Phái Liễu Quán                (Câu 999 - 1042)

22. PGVN Đất Phương Nam             (Câu 1043 - 1078)

23. PGVN Triều đại Nhà Nguyễn     (Câu 1079 - 1146)

24. Thế kỷ 20 đến cận hiện đại:

* Hậu họa khôn lường                       (Câu 1147 - 1178)

* 50 năm chấn hưng PG                     (Câu 1179 - 1222)

* Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam       (Câu 1223 - 1286)

* Phật Giáo Nguyên Thủy                (Câu 1287 - 1322)

* Phật Giáo Khất Sĩ                          (Câu 1323 - 1342)

* Pháp nạn Phật Giáo 1963              (Câu 1343 - 1434)

* Giáo Hội PGVN Thống Nhất                   (Câu 1435 - 1490)

* Cận tới hiện đại                              (Câu 1491 - 1530)

 

-------------------------------

 

 

 

 

 

LỜI TÁC GIẢ

 

Vào năm 2003 khi thảo Vạn Hữu Trường Ca được nửa chừng, bèn nghĩ có lẽ dừng lại để sau này sẽ tiếp để đi vào Việt Nam Thi Sử Hùng Ca trước, và mọi thể dạng mang sắc thái tình tự, dân tộc, quê hương, nhân sinh, mọi ngõ ngách cuộc đời và nhân thế, các sự kiện diễn ra, nghe tiếng kêu đồng loại,... đã hơn 34 năm qua, dĩ nhiên là văn vần, còn văn xuôi thì ít bởi ít khả năng vốn liếng thiên tư. Đến nay đã gần 1,700 bài khác nhau (một ngàn bảy trăm). Hai tuần trước chợt nhớ Vạn Hữu Trường Ca còn dang dở, dành vài ngày đi nốt và hoàn tất.

 

Tựa đề "Việt Nam Phật Giáo Sử Ca" đã xuất hiện trong đầu cùng lúc khi vào chuyện "Vạn Hữu" và "Thi Sử" nói trên, thời gian thấm thoát thoi đưa mới đó mà đằng đẵng đã hơn 13 năm rồi, vẫn chỉ là cái tựa đề đeo đẳng, nhiều lần chợt thoáng đè nặng tâm tư, chìm sâu thao thức, chứ nhân và duyên chưa có cơ hội tụ để bắt tay.

 

Gần đây do bị bịnh cảm, nhẹ thôi, không đáng gì, tuy nhiên làm cho uể oải dễ mệt nên giảm các sinh hoạt hay lao tác khác, ở trong liêu nhiều hơn. Tự ngẫm đây có lẽ là thời điểm thích hợp nhất. Thế là một nửa còn lại "Vạn Hữu" vài ngày đã xong như nói trên, và đi tiếp vào chuyện Phật Giáo Sử Ca.

 

Gần 50 năm trước đã đọc Việt Nam Phật Giáo Sử Lược của Ngài Mật Thể. Hơn 15 năm trước xem tiếp Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của Nguyễn Lang (Ngài Nhất Hạnh). 10 năm đổ lại có xem Đạo Phật và Dòng Sử Việt của Ngài Đức Nhuận. Hơn 5 năm gần đây đọc tiếp Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam của Viện Triết Học. Còn các tác phẩm: 50 Năm Chấn Hưng Phật Giáo của Ngài Thiện Hoa; Tăng Già Việt Nam của Ngài Trí Quang; Phật Giáo Tranh Đấu của Đuốc Tuệ đã đọc 40 năm trước, và đọc lại cùng với quyển Hai Ngàn Năm Việt Nam và Phật Giáo của Ts Lý Khôi Việt những hơn 30 năm rồi, trong đó có Thiền Sư Việt Nam của Ngài Thanh Từ nữa, hơi sau.

 

Đã lục tìm Phật Giáo Sử Ca qua văn vần để xem, học hỏi nhưng chừng như chưa có thì phải. Tựa đề ấy đã đeo dính liền suốt mười mấy năm, đôi khi trở thành thao thức và đè nặng trong lòng. Nên không ngần ngại tài hèn đức mọn sở học ít ỏi, cũng không e leo núi băng rừng, đâm vào đá tảng hòn chồng hay thung lũng hầm hố chông gai 2000 năm theo bóng thời gian.

 

Vốn như tựa đề là Sử Ca, tức một bài ca dài về Phật Giáo Sử Việt, đương nhiên tự nó theo cung bậc âm điệu giới hạn của một bài ca, dù cao thấp thăng trầm hay đa âm đơn điệu. Khen chê, cảm nghĩ, đánh giá, không đáng hay đón nhận, đều xin cảm ơn. Nếu ngại hay e các yếu tố này, thì nó đã không có mặt.

 

Đi vào chuyện với các tác phẩm nêu trên ở trên bàn cùng với Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim; Việt Sử Toàn Thư của Phạm Văn Sơn; Địa Lý Việt Nam của Nguyễn Khắc Ngữ & Phạm Đình Tiếu. Sau 8 ngày cuối tháng 8 đầu tháng 9, được 1,530 câu, xong và kết thúc.

 

Nếu được và đón nhận, xem như một cống hiến chân thành cho Đạo Pháp và văn hóa Phật Sử Việt. Nếu chê và không đáng, cũng xem như một cống hiến nhưng bất toại cùng tự thân về với cát bụi theo bóng vô thường.

 

Ngày 06-9-2016

TNT Mặc Giang

 


KHƠI DÒNG

 

Việt Nam Phật Giáo Sử Ca

02     Hai ngàn năm trên nước nhà Việt Nam

 

Hai ngàn năm huy hoàng tuyệt mỹ

Hai ngàn năm tuyệt ý tinh kỳ

Truyền thừa đạo lý từ bi

06     Thượng hoằng hạ hóa, độ vì chúng sanh

 

Chư Tổ Sư xuất trần chấn tích

Chư Thánh Đức tục diệm ấn tâm

Xây nền Phật Pháp uyên thâm

10     Dựng tảng chân lý cao ngần Thế Tôn

 

Chuyển Huệ Mạng trường tồn bất diệt

Truyền Pháp Đăng bất tuyệt không thời

Ngàn năm phổ chiếu nơi nơi

14     Muôn năm tỏa rạng cứu đời phù sinh

 

Chư Tôn Sư hiến mình Đạo Pháp

Chư Cổ Đức uyên áo phụng vì

Hàng hàng hậu duệ lượng suy

18     Lớp lớp hậu học thuận tùy xiển dương

 

Phật Pháp Đấng Pháp Vương vi diệu

Ba Tàng Kinh Luật Luận thượng thừa

Ba ngàn thế giới tôn thờ

22     Chúng sinh vạn loại đều nhờ đức ân

 

Ân Phật, Tổ bi lân tế độ

Ân Thánh, Hiền gia hộ từ nghiêm

Để cho chánh pháp hoằng truyền

26     Để cho chánh đạo vững thuyền chuyển lưu

 

Đạo Giải Thoát thời thời thường trụ

Đạo Từ Bi thế thế trường tồn

Dung thông quốc độ biên cương

30     Phổ chiếu muôn hướng ngàn phương an lành

 

Chân thành vén bức rèm quá khứ

Xin lần mò tìm dấu vết xưa

Ngàn năm sử tích đã thừa

34     Chấp tay trân trọng tôn thờ khắc ghi

 

Ngưỡng nguyện Đức Từ Bi gia hộ

Ngưỡng nguyện Chư Tôn Đức thùy từ

Mở trang lịch sử thắm tô

38     Việt Nam Phật Giáo cơ đồ vĩnh nhiên

 

Thắp tâm hương kiền thiền đảnh lễ

Đức Bổn Sư Từ Phụ chứng minh

Việt Nam Phật Giáo rạng danh

42     Hai ngàn năm sử đan thanh nối truyền.

 

CÁI NÔI PHẬT GIÁO LUY LÂU

Thế kỷ thứ 1,2,3

 

Việt Nam ta có miền Đất Phật

Đã hình thành sớm nhất từ đầu

Cái nôi Phật Giáo Luy Lâu

46     Trung tâm địa chính Giao Châu bấy giờ

 

Vào thế kỷ ban sơ Tây lịch

Đạo Phật truyền chấn tích tại đây

Ngay từ cái thuở nguyên khai

50     Luy Lâu Phật Giáo kết đài diệu liên

 

Đạo Vàng tỏa khắp miền khắp chốn

Tiếng chuông ngân sáng sớm chiều hôm

Thị thành cho đến nông thôn

54     Người người quy hướng ngưỡng tôn tri hành

 

Ngài Mâu Tử chí thành học Phật

Khương Tăng Hội thế phát xuất gia

Ma Ha Kỳ Vực kết hoa

58     Chi Cương Lương thắp tòa nhà Như Lai

 

Tức thứ nhất thứ hai thế kỷ

Hay thứ ba cho chí về sau

Khởi từ Phật Giáo Luy Lâu

62     Việt Nam ta tức Giao Châu một thời

 

Đọc sử sách cúi đầu ngưỡng vọng

Và kính thương hình bóng tiền nhân

Một vùng Đất Bắc cơ cần

66     Cái nôi dân tộc Rồng Tiên - Lạc Hồng

 

Xin đảnh lễ Liệt Tông Liệt Tổ

Xin khấu đầu Quốc Tổ Hùng Vương

Dựng xây tổ quốc giang sơn

70     Cấu thành đất nước quê hương năm ngàn

 

Năm ngàn năm muôn ngàn tình tự

Năm ngàn năm tích tụ hùng thiêng

Việt Nam gấm vóc Ba Miền

74     Bắc Nam Trung quyện hồn thiêng muôn đời

 

Vốn Phật Giáo không rời Dân tộc

Dù đi sau cột mốc ba ngàn

Nhưng hai là một tương lân

78     Xưa nay bất biến, cổ kim không màng

 

Không luận suy không phân không tích

Cứ nhìn đi từng tấc từng ly

Dân tộc - Phật Giáo tuyệt kỳ

82     Không hai không một đồng thì có nhau

 

Nhờ Phật Giáo nhuận màu Dân tộc

Nhờ Dân tộc nhuận sắc quê hương

Như hoa tự có mùi hương

86     Như đồng ruộng lúa như nương nắng chiều

 

Xin tạm gác cầu kiều bắc nhịp

Qua cầu tre chuyển tiếp Luy Lâu

Luy Lâu nằm ở nơi đâu

90     Nay là Hà Bắc trung châu Sông Hồng

 

Vùng châu thổ ba bông hoa nở

Như một cây mà trổ ba hoa

Bên này đích thị Cổ Loa

94     Long Biên bên đó chan hòa Luy Lâu

 

Sông Đuống, sông Lục Đầu nước chảy

Sông Thái Bình cùng vẫy sóng reo

Sông Hồng mái đẩy đưa chèo

98     Cái nôi Dân tộc đẳng đeo "Đồng bào"

 

Sau sau nữa Thăng Long - Hà Nội

Sau sau nữa mới Huế - Sài Gòn

Sau sau nữa mới Ba Miền

102   Bắc Nam Trung chung con thuyền Việt Nam

 

Khởi đi từ Luy Lâu đất Phật

Có chùa chiền bảo tháp tôn nghiêm

Dịch Kinh tới bộ mười lăm

106   Tăng Già Tăng Lữ năm trăm hơn rồi

 

Nên mặc nhiên là nơi gốc cội

Phật Giáo đã tắm gội Luy Lâu

Ngay từ thế kỷ ban đầu

110   Thứ hai nhuận sắc thứ ba nhuận màu

 

Xin bái vọng Luy Lâu Phật Giáo

Và nhớ thương hình bóng Giao Châu

Hai ngàn năm đã quá lâu

114   Người xưa biệt bóng người sau chạnh lòng

 

Dẫu cho rằng khơi dòng du nhập

Đừng cho rằng trầm tích kiếm chương

Bốn Ngài: Mâu Bác, Cương Lương

118   Kỳ Vực, Tăng Hội hỗ tương khơi nguồn

 

Kể từ đó tiếng chuông Phật Giáo

Và từ đó Phật Giáo Việt Nam

Tính ra đã hai ngàn năm

122   Việt Nam - Phật Giáo như trăng óng vàng

 

Cùng hòa nhịp mở đường khai lối

Cùng hỗ tương sớm tối chiều hôm

Sắt kia thấm nhuận cùng son

126   Son kia nhuận sắt tâm hồn Việt Nam

 

Chân thành thắp nén hương bái thỉnh

Xin dâng lên cổ kính cội nguồn

Tôn thờ Liệt Tổ Liệt Tông

130   Gia gia hộ hộ giống dòng Việt Nam.

 

PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Hậu Thế kỷ 3 đến cuối Thế kỷ 5

 

Cả hơn hai trăm năm một thoáng

Bóng thời gian và bóng không gian

Khắc ghi đôi nét sử vàng

134   Thắm tô Phật Giáo Việt Nam thuở này

 

Như sắc thái Luy Lâu đề cập

Phật Giáo ta hưng phát lắm rồi

Ngài Kỳ Vực quy xứ thôi

138   Ngài Tăng Hội ra nước ngoài hóa du

 

Được triều đại Đông Ngô mời thỉnh

Vua Tôn Quyền thành kính quy y

Mở ra dấu ngoặc kinh kỳ

142   Việt Nam lưu xuất bước đi diễm hằng

 

Chi Cương Lương song hành đồng điệu

Cả hai Ngài viết sách dịch Kinh

Hiện còn một số nguyên trinh

146   Nếu ai muốn biết tự mình sưu tra

 

Giờ xin được lược qua Thứ bốn

Cho đến hết Thế kỷ Thứ năm

Tòa nhà Phật Giáo Việt Nam

150   Có gì nổi bật nạm vàng điểm son

 

Có có chứ nét son tuyệt mỹ

Và có chứ kỳ vĩ tuyệt vời

Nhìn vào gương cũ điểm soi

154   Để cho con chữ dâng lời tán dương

 

Dạ xin vâng vô vàn trân trọng

Xin lưu danh hình bóng quý Ngài

Đạt Ma Đề Bà là ai

158   Là người Ấn Độ du hài An Nam

 

Trước Bồ Đề Đạt Ma - Đông Độ

Trổ bông hoa Thiền học Trung Hoa

Thì Việt Nam cũng Đạt Ma

162   Khoảng nửa thế kỷ trổ hoa trước rồi

 

Ngài Huệ Thắng cùng thời có mặt

Ngài Đạo Thiền đều nước Nam ta

Danh Tăng kiệt xuất tài hoa

166   Cùng nhiều vị khác ươm tòa hương sen

 

Ai muốn biết vào "Cao Tăng Truyện"

Còn riêng tôi một chuyến du hành

Du hành lược nét sử xanh

170   Tô son điểm phấn thắp vành trăng soi

 

Chuyến du hành xa xôi lắm lắm

Còn dặm ngàn thăm thẳm nhiêu khê

Hai ngàn năm sử chói lòa

174   Chỉ xin đan kết nụ hoa phương đài.

 

Thiền Phái Thứ Nhất tại VN

Sơ Tổ TỲ NI ĐA LƯU CHI

Thế kỷ Thứ 6 và về sau

 

Ngài Tỳ Ni Lưu Chi Sơ Tổ

Mở dòng Thiền thứ nhất Việt Nam

Ngài trụ tại Chùa Pháp Vân

178   Tọa lạc tại tỉnh Hà Đông - Bắc Hà

 

Nơi xuất thân chính là Ấn Độ

Sang Trung Hoa du hóa một phen

Tam Tổ Tăng Xán khơi đèn

182   Truyền tâm ấn tín lên thuyền xuôi Nam

 

Ngài Pháp Hiền - Pháp Vân tọa chủ

Cung thỉnh Ngài thạch trụ Thiền gia

Phật Giáo Việt Nam mở ra

186   Tông môn Pháp phái chính là từ đây

 

Hai Thầy trò như cây thêm cội

Hai Thầy trò ươm gốc nẩy chồi

Trổ bông kết trái xanh tươi

190   Thơm hương tỏa nhụy đất trời Việt Nam

 

Hành trạng mãn an nhiên thị tịch

Công hạnh viên quảy dép Tây quy

Bên ngôi Tháp Cổ phụng vì

194   Ngàn năm hình bóng Lưu Chi nghiêng mình

 

Đệ nhị Tổ Pháp Hiền ưu việt

Sinh quận Chu Diên tỉnh Sơn Tây

Tư chất đã vốn hiển bày

198   Tu tập đã ngộ mặt mày bổn lai

 

Pháp sư Đàm Thiên đà tán thán

Một Bồ Tát sống nước An Nam

Tỳ Ni Tổ thấy rõ ràng

202   Truyền tâm ấn tín nhẹ nhàng tự nhiên

 

Khi Tổ tịch tinh chuyên độ nhiếp

Kế thế truyền thừa tiếp hậu lai

Mười chín đời kiệt xuất thay

206   Và sau đó nữa đến nay vẫn còn

 

Mở dấu ngoặc vòng tròn nho nhỏ

Thắp đèn khuya khi tỏ khi mờ

Ngân sương ngưng đọng tinh mơ

210   Long lanh ươm giọt ơ hờ điểm soi

 

Bóng không gian nay bồi mai lở

Bóng thời gian lúc mở lúc cài

"Trường không nhạn quá" chim bay

216   "Ảnh trầm hàn thủy" ô hay, thế à

 

Sáu trăm năm đã qua dài ngắn

Sáu thế kỷ là ngắn hay dài

Đếm một ắt phải đếm hai

218   Còn không không cả một hai chi hè

 

Chừng như vọng tiếng nghe đâu đó

Sử vô thinh ai gõ mà nghe

Ve kêu to nhỏ mỗi hè

222   Có nghe không có nào "ve" cố tình

 

Chừng như muốn tơ tình gì thế

Nỗi niềm chi nói khẽ, nhỏ thôi

Xa xa bóng núi nghiêng đồi

226   Bềnh bồng mây trắng nổi trôi lưng trời

 

Tùy nghi vậy không mời không gọi

Có nói như không nói thế thôi

Con chữ nó chạy ghi lời

230   Vô ngôn bặt ý sử thời khắc lưu

 

Sáu trăm năm trước thời là trước

Sáu thế kỷ sau tức thị sau

Rõ không cần phải tô màu

234   Không cần thêm bớt con tàu thời gian

 

Ngài Tăng Hội, Cương Lương, Mâu Bác

Ngài Ma Ha Kỳ Vực khởi đầu

Và bao nhiêu vị nối nhau

238   Sao không là vị Tổ Sư ban đầu

 

Ngài Tỳ Ni đời sau quá cách

Sáu năm năm chuyển mạch ít sao

Thôi xin không dám đâu nào

242   Chỉ xin đánh động khõ vào sử xanh.

 

TĂNG ĐOÀN VIỆT NAM XUẤT DU

 

Ai cũng biết chuyện Đường Tam Tạng

Ngài Huyền Trang nhận chiếu xuất du

Đường xa vạn lý mịt mù

246   Tây Thiên nhả khói sương mờ giăng giăng

 

Thân độc lữ băng rừng vượt núi

Vượt dốc đèo hố thẳm nguy nan

Khí thiêng thú dữ ngập tràn

250   Hiến thân vì Đạo lên đàng thỉnh Kinh

 

Hơn mười năm trầm mình Tây Trúc

Học, lục, tìm thư tịch mù sương

Ba tàng giáo điển Pháp vương

254   Thỉnh bao của báu quy hương làm giàu

 

Đường Huyền Trang về sau "đốt cháy"

Cháy sách vở phim ảnh Đông Tây

"Tây Du Ký" cỡi trời mây

258   Trẻ già lớn bé chuyện này thao thao

 

Việt Nam ta cất cao tiếng nói

Một Tăng Đoàn sáu vị xuất chiêu

Tự thân, không chiếu, không điều

262   Vì Đạo tận hiến, không yêu không cầu

 

Cả sáu vị tuổi đời rất trẻ

Và khi tịch chưa quá sáu mươi

Chắp tay trao đóa sen tươi

268   Việt Nam Phật Giáo tuyệt vời, thua ai

 

Vẫn dõng dạc ngẩng đầu đi tới

Vẫn mang hia giẫm đạp góc gai

Trong khi cam phận ách tai

270   Cái đô cái hộ dài dài Bắc phương

 

Vậy mà vẫn đường đường Tăng tướng

Vậy mà vẫn khí tượng trượng phu

Sống trên biển đục ao tù

274   Giẫm tan sỏi đá mịt mù trầm kha

 

Đây là khí con nhà Hồng Lạc

Đây là chất đĩnh đạc Rồng Tiên

Là Tăng Lữ cũng là dân

278   Của dân tộc Việt cháu con Vua Hùng

 

Phải hãnh diện vui mừng là phải

Phải tự hào thỏa chí Dân Nam

Xứng danh dân tộc Việt Nam

282   Xứng xanh đất nước Việt Nam tuyệt vời

 

Nhân nơi đây ngỏ lời tha thiết

Hỡi người người của Việt Nam ta

Kính mong nam nữ trẻ già

286   Chư Tôn, huynh đệ đồng là thế thôi

 

Tổ Tiên ta tuyệt vời siêu xuất

Ông Cha ta lẫm liệt oai phong

Truyền trao huyết thống Lạc Hồng

290   Tinh hoa tiết liệt giống dòng Rồng Tiên

 

"Con nhà Tông, không lông cũng cánh"

"Cháu Lạc Hồng, không Rồng cũng Tiên"

Quẳng đi ném quách cái khiên

294   Cái mâu, cái thuẫn, cái kiềng, cái gông

 

Không cần biết dù Đông hay Bắc

Không cần biết dù "Bạch" hay Tây

Việt Nam định sẵn xưa nay

298   Hễ ai đụng tới biết tay Lạc Hồng

 

Xin quay lại không rong đi nữa

Kẻo thời gian lần lữa con thoi

Trên giàn Bầu gọi Bí ơi

302   Dưới giàn bồ ngót mồng tơi đâm chồi

 

Xin viết tiếp vươn ngoài vạn dặm

Cuộc Tăng Đoàn xuất hóa Việt Nam

Tuổi non như mạ xanh lam

306   Vậy mà lúa chín trên đàng chuyển lưu

 

Ngài Vân Kỳ thường đi thuyết hóa

Quê Giao Châu xưa cũ của mình

Tinh thông chữ Phạn đàm Kinh

310   Đã đến "Thất Lợi" giải, trình, luận, phân

 

Và thị tịch cơ phần đành đoạn

Tuổi ba mươi một thoáng phù sinh

Nguyện Ngài hiển giác tánh linh

314   Hồi đầu tiếp tục hành trình dở dang

 

Ngài Mộc Xoa lại càng xa xót

Tuổi hăm lăm quay gót về Tây

Người Giao Châu đi đó đây

318   Đi tới đất Phật chắp tay cúng dường

 

Bồ Đề Đạo Tràng vương Thánh tích

Ngài bỏ thân cát bụi bay bay

Xin Ngài nhớ nguyện quý này

322   Biết đâu Ngài đã từng quay trở về

 

Ngài Khuy Xung thì sao xin lược

Cũng Giao Châu và thật biệt tài

Tinh thông ngoại ngữ hơn ai

326   Tích Lan, Ấn Độ lối cài dặm băng

 

Cội Bồ Đề viếng thăm đảnh lễ

Vườn Trúc Lâm, Tinh xá Phật lưu

Nơi đây Ngài tịch xứ người

330   Tuổi còn rất trẻ ba mươi hết rồi

 

Ngài Huệ Diệm cũng Giao Châu nữa

Cũng xuất du hành đạo Tích Lan

Đệ tử của Ngài Vô Hành

334   Chắc chắn rất trẻ quá xanh mái đầu

 

Rồi quy tịch nơi đâu ở đó

Tuổi bao nhiêu không rõ không ràng

Tấm thân giả tạm không màng

338   Xin Ngài quay lại trên đàng độ sinh

 

Ngài Trí Hành, hành tung có khác

Quê Ái Châu - Thanh Hóa ngày nay

Trung Ấn hoằng hóa đêm ngày

342   Bắc Kinh lại đến ở đây cuối đời

 

Chùa Tín Già là nơi an trụ

Khi tịch biên thờ tự cũng đây

Quê mình còn lắm niềm tây

346   Quê người ngọn gió heo may lạnh lùng

 

Đại Thặng Đăng Thiền Sư lưu tích

Quê Ái Châu xuất cách siêu phương

Trung Hoa một thoáng còn vương

350   Ngài được thọ giới với Đường Huyền Trang

 

Vốn đã tinh những Tàng kinh các

Lại còn thông Phạn, Hán như in

Tích Lan, Thiên Trúc đăng đàn

354   Quy tịch Chùa Bát Niết Bàn, sáu mươi

 

Như thế ấy không vui sao được

Một Tăng Đoàn tự xuất du phương

Hành tung ấn tích phi thường

358   Dấu xưa chói lọi tấm gương đạo đời.

 

ĐEM CHUÔNG ĐI ĐÁNH XỨ NGƯỜI

 

Lại chuyện lạ tuyệt vời siêu liệt

Của An Nam nước Việt dấu yêu

Xem xong không trải chiếu điều

362   Tôi xin ném quách tiêu điều bút nghiên

 

Chuyện gì vậy coi chừng đó nhé

Uổng công lao Cha Mẹ sinh thành

Tốn gạo cơm, phí học hành

366   Ân Thầy ân bạn, xấu quàng cho ai

 

Không, nếu thế, tự tôi riêng gánh

Còn nếu thơm xin hiến xin dâng

Dâng vào nét đẹp sử vàng

370   Hiến vào gấm vóc giang san nước mình

 

Con chim Lạc xinh xinh ca hát

Con chim Hồng đồng hót vang vang

Không cần gãy khúc cung đàn

374   Tự cao cao vút, tự trầm trầm ca

 

Rồng vui vui chan hòa tình tự

Tiên mừng mừng tình tứ hân hoan

Hễ sắt thì phải có son

378   Hễ sáng đích thực là gương soi cùng

 

Vào chuyện nhé nhìn chung đánh giá

Thật khách quan đừng có riêng tư

Đã là chơn thật bất hư

382   Ném qua cửa sổ nào dư với thừa

 

Chuyện chí dị dù xưa vẫn mới

Chuyện cao kỳ nào đợi dệt thêu

Dẫu cho trải chiếu vải điều

386   Cũng chưa đủ thấm những siêu tuyệt này

 

Thời Nhà Đường là thời cực thịnh

Phật Giáo Tàu chắp cánh bay xa

Cao Tăng Tàu rất tinh hoa

390   Dân tộc cả nước Trung Hoa thái bình

 

Việt Nam ta oằn mình thống khổ

Cái ách tai đô hộ lần ba

Cả nước thở khói không ra

394   Đè đầu chận cổ can qua não lòng

 

Ách nạn một ngàn năm Bắc thuộc

Bao lầm than dân tộc điêu linh

Việt Nam không ánh bình minh

398   Tối tăm đen nghịt nhục hình thảm thương

 

Vậy mà chuyện phi thường xuất hiện

Việt Nam ta quả thật phi thường

Lò cừ nung nấu sắt son

402   Ách tai tôi luyện tinh tường tâm can

 

Vàng tinh anh đâu màng lửa đốt

Ngọc minh châu đâu ngại lao linh

Càng dũa càng đốt càng minh

406   Càng tinh nét ngọc càng xinh sắc vàng

 

Quế Đường - Lê Quý Đôn có trích

Trong sách "Kiến Văn Lục" chuyện này

Sách Hoa - Anh ngữ cũng bày

410   Việt Nam văn học bồi tài hay chưa

 

Ngài Nhật Nam Tăng ưa ẩn dật

Trụ chùa hang trong núi Trung Hoa

Người quê ở Nhật Nam ta

414   Đạo đức lừng lẫy chói lòa Bắc phương

 

Thi hào Trương Tịch đề thơ kính

Rằng: "Sơn Trung tặng Nhật Nam Tăng"

Ngợi ca vầng nguyệt lung linh

418   Vầng trăng e thẹn bóng hình dân Nam

 

Ngài Vô Ngại thượng nhơn, ta nữa

Chùa Sơn Tĩnh, Thanh Hóa, Cửu Châu

Trầm Thuyên Kỳ kính viếng hầu

422   Cũng đề thơ "Yết Cửu Châu..." vang lừng:

 

"Đại sĩ" thượng nhân "sanh Thiên Trúc"

Đại hạnh "Phân thân hóa Nhật Nam"

"Thiên nhiên sẵn thú tuyền lâm

426   "Rừng phơi áo giặt suối dầm nước hương"

 

Ngài Phụng Đình Pháp Sư được thỉnh

Vào Triều Đường trực kiến giảng Kinh

Diễn thuyết lão luyện cao minh

430   Bá quan văn võ nghiêng mình phục ba

 

Thi hào Dương Cự Nguyên đề tặng:

"Tống Phụng Đình Pháp Sư quy Nam"

Về, "Quấn quít lòng Trường An"

434   "Cửa trời, vắng Kinh Kệ", ngàn xa khơi

 

Ngài Duy Giám Pháp Sư cũng vậy

Cung vua Đường giảng dạy nhiều năm

Đến khi tuổi hạc cao niên

438   Vọng về cố quận cố hương quay về

 

Thi hào Cổ Đảo dâng thơ tặng:

"Tống An Nam Duy Giám Pháp Sư"

Ngài về, sao nỡ, thật ư

442   Tình quê cố quận Ngài ơi thì về

 

Chỉ chừng đó nghiêng thành đổ nước

Chỉ ngần đó nghiêng nước đổ thành

Về sau bao bậc tinh anh

446   Thêm trang kiệt xuất sử xanh vang lừng.

 

Thiền Phái Thứ Hai tại VN

Sơ Tổ VÔ NGÔN THÔNG

Thế kỷ Thứ 9 và về sau

 

Rừng Tam Tạng chập chùng thăm thẳm

Núi Tôn Sư thâm thậm từ ân

Pháp mầu pháp vũ pháp vân

450   Rừng sâu sâu thẳm núi ngàn ngàn cao

 

Việt Nam Phật Giáo vào trang sử

Phật Giáo Việt Nam kết đan thanh

Hàng hàng Pháp lữ đệ huynh

454   Lớp lớp Tứ chúng chân thành xiển dương

 

Tổ Sư Vô Ngôn Thông tiếp mạch

Hệ Phái Thiền xuất cách thứ hai

Việt Nam trân trọng kính Ngài

458   Tài bồi nội lực kết đài Tào Khê

 

Ngài ngộ nhập Tổ Sư Bách Trượng

Sang truyền trao chủ xướng nước ta

An trụ tại Chùa Kiến Sơ

462   Thuộc làng Phù Đổng tỉnh nhà Bắc Ninh

 

Chừng như vương bóng hình Đạt Mạ

Tức na ná Đạt Mạ Bồ Đề

Cửu niên diện bích nín khe

466   Ngài thì nhìn vách im re tháng ngày

 

Đã mấy năm trường Ngài vẫn thế

Chùa Kiến Sơ vẫn bặt âm thinh

Duy nhất chỉ Ngài Cảm Thành

470   Nhận biết yếu chỉ ân cần phụng tri

 

Trải sáu năm đến thì quy nhất

Ngài truyền trao miên mật Cảm Thành

Đó là cũng chính Pháp danh

474   Gánh vác Nhị Tổ Cảm Thành - Vô Ngôn

 

Vô Ngôn Thông là tôn là chỉ

Âm hưởng từ Bách Trượng Thanh Quy

Thâm sâu quy củ vô nghì

478   Thiền môn thanh tịnh tu trì nghiêm trang

 

Đó mới là Đạo Vàng siêu tuyệt

Là Lời Vàng ưu việt vô song

Mạng mạch mới chảy tuôn dòng

482   Tào Khê mới vững sạch trong thời thời

 

Từ Lục Tổ kết hồi Y Bát

Dụng tâm tâm ấn ấn truyền truyền

Tào Khê lan khắp mọi miền

486   Đông Tây Nam Bắc kiền thiền tín tri

 

Ngài Cảm Thành chờ Ngài lâu lắm

Quê Tiên Du thuộc tỉnh Bắc Ninh

Không ai biết họ biết tên

490   Xuất gia từ thuở đầu xanh, đợi Ngài

 

Nhiệm mầu thay vô tâm huệ chiếu

Cao quý thay vô ngã thường chơn

Huý Ngài vốn đã Vô Ngôn

494   Nên thông thông tuệ, nên chơn chơn thường

 

Ngài Thiện Hội vương vương chi lạ

Thờ Cảm Thành hơn cả mười năm

Một lòng một dạ nhất tâm

498   Không tăng không giảm không thêm không mòn

 

Thành Tam Tổ Vô Ngôn Thiền phái

Và đơm hoa kết trái về sau

Mười lăm đời tiếp nối nhau

502   Ngàn năm in bóng con tàu Vô Ngôn.

 

ĐẤT NƯỚC ĐỘC LẬP THÁI BÌNH

Kết thúc 1,000 năm Bắc thuộc

Nhớ Ơn Tổ Quốc - Khấu tạ Tiền Nhân

 

Đất nước reo giang sơn độc lập

Dân tộc thoát ngoại thuộc Bắc phương

Con tàu thống nhất quê hương

506   Kéo chung cả nước vui mừng hoan ca

 

Trận Bạch Đằng cừu thù quét sạch

Một ngàn năm Bắc thuộc tiêu ma

Ngô Quyền dựng lại triều ca

510   Dân tộc tái thiết nước nhà Việt Nam

 

Một ngàn năm vô vàn thống khổ

Một ngàn năm chồng chất đọa đày

Vậy mà sống được là may

514   Vậy mà thoát được, ơn dày hồn thiêng

 

Một ngàn năm tiền nhân nằm xuống

Mười thế kỷ xương máu chất chồng

Lựa là núi núi sông sông

518   Lựa là dòng giống Lạc Hồng ta ơi

 

May không bị đổi dời đồng hóa

May không bị biến thái tiêu vong

Hồn thiêng quyền quyện Tiên Rồng

522   Linh linh hiển hiển non sông nước này

 

Từ đó đến ngàn sau mãi gọi

Tiếng Việt Nam tiếng nói muôn đời

Dân Việt Nam sống thiên thu

526   Nước Việt Nam như thái hư vĩnh hằng

 

Thắp tâm hương dâng Hồn Sông Núi

Xin chắp tay khấu tạ tiền nhân

Đội ân cao cả vô ngần

530   Nhờ ân Liệt Tổ Liệt Tông mới còn

 

Đất nước còn là còn tất cả

Đất nước mất tất cả tiêu ma

À ơi quốc quốc gia gia

534   À ơi non nước cửa nhà Việt Nam

 

Không được quên ngàn năm Bắc thuộc

Không được quên Pháp thuộc trăm năm

Hăm mốt năm lắm đoạn trường

538   Đừng gieo rắc nữa quê hương của mình

 

Cùng tất cả cháu con Hồng Lạc

Cùng tất cả con cháu Rồng Tiên

Đất nước trên hết đừng quên

542   Dân tộc trên hết đáp đền dựng xây.

 

Dân Tộc và Phật Giáo

Phật Giáo và Dân Tộc

 

"Mình với ta tuy hai mà một

Ta với mình tuy một mà hai"

Năm ngàn năm không đổi thay

546   Hai ngàn năm cả đêm ngày có nhau

 

Mỗi khổ đau khổ đau chung một

Mỗi hạnh phúc hạnh phúc không rời

Dân tộc vui, Phật Giáo vui

550   Phật Giáo khổ, Dân tộc vui bao giờ

 

Gắn liền nhau như tơ kết sợi

Luôn có nhau như sợi kết tơ

Kể từ mở nước dựng cờ

554   Trải dài lịch sử như tờ giấy in

 

Hiện hữu nhau như hình với bóng

Có mặt nhau như bóng với hình

Dân tộc vinh, Phật Giáo vinh

558   Phật Giáo nhục, Dân tộc vinh đâu nào

 

Lìa Phật Giáo, thảo nào Dân tộc

Lìa Dân tộc, Phật Giáo sao cam

Mới gọi Phật Giáo Việt Nam

562   Sống cùng Dân tộc Việt Nam của mình

 

Hiện hữu nhau thiên hình vạn trạng

Quyền quyện nhau muôn vẻ muôn màu

Nhắm mắt đã biết thương nhau

566   Mở mắt thương nữa nói sao bây giờ

 

Vốn đã vậy kể từ nguồn cội

Từ ngàn xưa cho tới ngàn sau

Chung nhau trên một con tàu

570   Như hương nếp một như cau đầu mùa

 

Thực thể ấy không mua không bán

Hiện hữu ấy không bán không mua

Thời gian tự có bốn mùa

574   Không gian một thể thiếu thừa gì đâu

 

Ca hát mãi bài ca Dân tộc

Và hát cùng Phật Giáo Việt Nam

Vọng vang khắp Bắc Trung Nam

578   Không gian bất biến thời gian vô cùng.

 

PHẬT GIÁO VIỆT NAM

TRIỀU ĐẠI NHÀ ĐINH

12 năm Thế kỷ 10 (968-980)

 

Kính nhớ Triều Ngô Quyền tưởng nguyện

Trông đổ nát ngàn năm xéo giày

Nhìn trông tay trắng bàn tay

582   Người dân tay trắng trắng tay thôi mà

 

Nên lặng nhìn triều ca trống rỗng

Và lặng nhìn cả nước trống trơn

Ôm nhau mà nói mất còn

586   Thương nhau mà sống thiệt hơn bằng thừa

 

Ngô Quyền mất con chưa kịp lớn

Hai anh em mái tóc còn xanh

"Vua, Tôi", hai tiếng mới toanh

590   Hoàng tuyền xuống sớm đoạn đành biết sao

 

Nhưng vận nước nhờ Ngô Vương vậy

Mới thoát được ách nạn ngàn năm

Nếu không mưa vũ mây vần

594   Biết đâu vận nước nổi chìm vận non

 

Ba Cha con nằm yên ngơi nghỉ

Bao dân quân chín suối nghỉ ngơi

Nước non trao tặng nụ cười

598   Giang sơn trao lại cho người đi sau.

 

Trẻ chăn trâu Cờ Lau Tập Trận

Đã đứng lên dẹp loạn Sứ Quân

Mở ra triều đại Nhà Đinh

602   Nước Đại Cồ Việt vua Đinh Tiên Hoàng

 

Lại tái thiết kiện toàn triều chính

Kinh đô Hoa Lư tỉnh Ninh Bình

Phật Giáo chấn chỉnh quang minh

606   Đơm hoa kết trái vươn mình khắp nơi

 

Vua phong chức Thái sư Khuông Việt

Ngài Ma Ni, Tăng Lục được ban

Tăng Già phẩm vị rõ ràng

610 Từ đây Phật Giáo mở trang định bày

 

Đinh Tiên Hoàng về Tây khá sớm

Đinh Phế Đế sáu tuổi làm gì

Nhà Đinh cuốn chiếu ra đi

614   Cờ Lau - Bộ Lĩnh ru hời cờ lau.

 

PHẬT GIÁO VIỆT NAM

TRIỀU ĐẠI TIỀN LÊ

29 năm Thế kỷ 10 & 11 (980-1009)

 

Tướng Lê Hoàn thôi thời phải thế

Thay Nhà Đinh chuyển thể Nhà Lê

Giữ nguyên định chế đề huề

618   Cho non với nước vẹn thề nước non

 

Ngài Khuông Việt vẫn ngôi Tăng Thống

Để giữ yên thế đạo nhân tâm

Lê Đại Hành lại sớm băng

622   Các con giành giựt, ngậm tăm suối vàng

 

Ba ngày Vua Trung Tôn ngắn ngủi

Lê Long Đĩnh biến thái Ngọa Triều

Ngọa Triều nên quá trớ trêu

626   Mực đen ghi đậm rong rêu khó mờ

 

Đời Nhà Ngô lướt qua quá ngắn

Đời Nhà Đinh cũng ngắn không dài

Nhà Tiền Lê sớm một mai

630   Bảy mươi năm bóng tuyền đài phất phơ

 

Phật Giáo vẫn trơ trơ tuế nguyệt

Dân tộc vẫn tuế nguyệt trơ trơ

Chính là khế lý khế cơ

634   Băng qua thời thế vượt bờ lợi danh

 

Danh với lợi đeo cành rơi rụng

Địa với vị treo mủng tròng trành

Lên thì tột đỉnh trời xanh

638   Xuống thì xơ xác tơ mành vậy thôi

 

Muôn năm, núi vọng đồi là thế

Vạn năm, đồi vọng núi lung linh

Thành kia nhìn quách vặn mình

642   Kinh qua triều đại về thành cổ xưa

 

Làm dân hết thì đâu có được

Làm vua hết thì vua với ai

Đã an đã định đã bài

646   Phần ai phận nấy đổ ai chi nào

 

Ngàn năm vẫn là sao chi chít

Muôn năm vẫn trăng tít lưng trời

Trăng sao dù có chơi vơi

650   Không ai thay thế đổi dời trăng sao

 

Thời xưa khác thời nay không nhỉ

Hai chữ xưa nay đã khác rồi

Không nên hỏi đáp xa xôi

654   Mỗi thời mỗi khắc khác rồi, thế a.

 

PHẬT GIÁO VIỆT NAM

TRIỀU ĐẠI LÝ - TRẦN

390 năm Thế kỷ 11,12,13&14 (1010-1400)

 

Đây là thời nước nhà thịnh trị

Đây là thời tổ quốc khinh an

Cái thời đẹp nhất Việt Nam

658   Toàn dân cả nước hân hoan thái hòa

 

Bốn trăm năm sơn hà vĩnh chấn

Bốn thế kỷ nguy biến thành an

Cơ chừng hội tụ vẹn toàn

662   Hơn châu nạm ngọc hơn son thếp vàng

 

Bậc kiệt thế hàng hàng xuất hiện

Bậc tuyệt kỳ không hẹn đồng sanh

Vua, quan, tướng, sĩ tới dân

666   Tài, đức, văn, võ lượng phần hiển sinh

 

Ngoài, dẹp yên chiến chinh xâm lược

Lại mở mang rộng nước thêm nhà

Trong, hòa tiếng hát câu ca

670   Quê hương đẹp quá một nhà Việt Nam

 

Phật Giáo cũng nạm vàng trang sử

Bao nhiêu bậc thượng trí thượng thừa

Vinh danh cũng chẳng ăn thua

674   Tán thán chẳng khác người mù rờ voi

 

Xin mạn phép gương soi nho nhỏ

Xin được trông cho thỏa chút nào

Ngước nhìn vời vợi trăng sao

678   Đã mòn mỏi cổ đếm sao sao trời

 

Chữ nghĩa đâu đủ lời diễn đạt

Bút mực đâu đủ sức nhả châu

Xin moi cùng tận cái đầu

682   May lòi vài chữ đôi câu chí thành

 

Một Vạn Hạnh nêu danh đã khiếp

Một Pháp Thuận xưng hiệu đã rêm

Con đom đóm nhỏ làm đèn

686   Trong khung cửa hẹp vén rèm không trung

 

Chư vị Tổ Thiền Phái đồng hiện

Chư Thượng sĩ thạc đức hiển danh

Tỳ Ni - Vô Ngôn song hành

690   Trượng phu Long, Tượng "Trường Thành Thánh Nhan"

 

Sử đẹp quá không cần vàng chạm

Châu đẹp quá óng ánh rạng ngời

Bốn thế kỷ thật tuyệt vời

694   Bốn trăm năm không còn lời diễn ca.

 

Thiền Phái Thứ Ba tại VN

Sơ Tổ THẢO ĐƯỜNG

Thế kỷ Thứ 11 tiếp nối về sau

 

Lội thời gian ngược về quá khứ

Nhớ chuyện Ngài Thần Tú xa xưa

Một bậc thượng túc đâu vừa

698   Bài kệ bị sửa rụng rời tay chân

 

Chư Tổ Sư thứ năm thứ sáu

Ngũ với Lục xin gác đi qua

Giờ quay trở lại trong nhà

702   Nhìn xem chuyện của nước ta thử nào

 

Hình như cũng hao hao thế ấy

Vị Tăng Lục đi vắng đâu về

Bản "Ngữ lục" sửa bét be

706   Thất kinh run sợ rụt rè tâu Vua

 

Trong tù binh vừa thua trận ấy

Từ Chiêm Thành mới bắt về đây

Chính tù binh đó chứ ai

710   Liền truyền đưa tới bệ đài triều ca

 

Mọi ứng đối tuyệt cao tuyệt xảo

Mọi hỏi đáp tuyệt áo tuyệt uyên

Vua - tôi vội bước xuống liền

714   Tôn vinh phủ phục đại danh Thảo Đường

 

Đất Kinh đô Thăng Long Hà Nội

Lý Thánh Tôn phong sắc Quốc Sư

Chùa Khai Quốc, thỉnh ngự tòa

718   Việt Nam Phật Giáo trượng thừa Thánh Nhân

 

Phái Thảo Đường khai ân tế độ

Vua Thánh Tôn thọ giáo đầu tiên

Quan dân văn võ nối liền

722   Tam môn khai thị Dòng Thiền Thứ Ba

 

Phật Giáo ta ba Cây Hoa nở

Đạo từ bi giải thoát tỏa hương

Thôn quê thành thị phố phường

726   Lan đi thơm ngát nẻo đường Việt Nam.

 

Thiền Phái của Phật Giáo Việt Nam

Đại Thánh Trần Triều Đầu Đà Nhân Tông

Sơ Tổ Trúc Lâm Giác Hoàng Điều Ngự

 

Vua, ngự tọa cửu trùng tột đỉnh

Vua, tột cùng quyền bính ngai vàng

Cái ngôi Thiên tử trần gian

730   Thượng lên ngất ngưởng băng hàn không buông

 

Vua, địa vị nhất trên dương thế

Vua, trên đầu thiên hạ thần dân

Bức tranh kim cổ phù vân

734   Thành nghiêng quách đổ bệ vàng xưa nay

 

Vua, đã lọt vào tay thì nắm

Vua, khi chết nhắm mắt chưa yên

Tiếc ngôi bệ ngọc kim tiền

738   Cung phi mỹ nữ vương quyền cân đai

 

Lịch sử khắp Đông Tây Nam Bắc

Đủ màu da đen trắng đỏ vàng

Tranh giành sống chết đeo mang

742   Chưa ai bước xuống dở dang nửa chừng

 

Vậy mà Trần Nhân Tông Đại Việt

Đã làm chuyện có một không hai

Mấy lần không muốn lên ngai

746   Mấy lần trao lại an bài cho con

 

Ngài chỉ muốn nằm non gối tuyết

Ngài chỉ muốn phớt núi phất trời

Học Đạo giải thoát cứu đời

750   Đạt chơn ngộ tánh xa rời trầm luân

 

Lại được gặp Tuệ Trung Thượng Sĩ

Riêng trong Ngài vốn đã thiên tư

Chơn thân tự tại Tổ Sư

754   Chơn thể Hiền Thánh hữu dư thượng thừa

 

Ngồi đâu cũng là vua thiên hạ

Sống đâu cũng có Phật trong tâm

Hiển nhiên Sơ Tổ Trúc Lâm

758   Tại núi Yên Tử xanh lam bốn mùa

 

Tự bổn tâm đạt chơn dứt vọng

Tự bổn tánh thực chứng Bồ đề

Như như, như thể Tào Khê

762   Hiển nhiên như thể Phụ Từ Thích Ca

 

Hương Vân Đại Đầu Đà Yên Tử

Phật Hoàng Điều Ngự Trần Nhân Tông

Trúc Lâm Thiền phái Việt Nam

766   Thiền phái nguyên vẹn Việt Nam của mình

 

Kính vọng bái Trúc Lâm Sơ Sổ

Kính đảnh lễ Nhị Tổ Pháp Loa

Tam Tổ Huyền Quang tôn thờ

770   Việt Nam Phật Giáo sáng lòa đạo thiêng

 

Liệt liệt Tổ ban ân thí đức

Liệt liệt Tôn phổ chiếu từ quang

Việt Nam thấm nhuận Đạo Vàng

774   Tăng Ni hậu bối đăng đàn truyền lưu

 

Bát Niết bàn Vô dư thường trụ

Bát Niết bàn hằng hiện Hữu dư

Ta Bà hồi nhập độ sinh

778   Chúng sanh cửu hữu hàm linh độ đời.

 

PHẬT GIÁO và DÂN TỘC

14 năm Đại nạn Thuộc Minh

 

Hỡi cừu thù Trung Hoa phương Bắc

Việt Nam ta không thuở nào yên

Một ngàn năm sạch oan khiên

782   Lại nuôi cái mộng bá quyền xâm lăng

 

Hết Nhà Tống, Nhà Nguyên bạo ngược

Thì Nhà Minh xâm lược dã man

Mười bốn năm luống bẽ bàng

786   Quơ sạch của báu hốt mang tha về

 

Còn sử sách ê chề biết mấy

Hốt, quét, thui, đốt cháy bụi tro

Đại Hán, đại tráo, đại trơ

790   Thời xưa hung bạo, hiện giờ bạo hung

 

Luôn khuấy động từng vùng chiếm hữu

Luôn bạo xưng tiếm thế tiếm danh

Không trung, biển cả, đất liền

794   Nơi nơi chốn chốn không yên chỗ nào

 

Liên Hiệp Quốc ngươi gào ngươi thét

Án Quốc Tế ngươi chống ngươi chèo

Thời nay còn kỳ còn kèo

798   Thời xưa mặc thị Tàu phù Tàu điêu

 

Thời Thuộc Minh quẹo xiêu bao ải

May anh hùng Áo Vải Lam Sơn

May nhờ Nguyễn Trãi tiên sinh

802   Bình Ngô Đại Cáo, thuộc Minh tiêu tùng

 

Dân tộc ta sống còn đứng dậy

Phật Giáo ta đỡ gậy nương lên

Nếu không chìm ngập đảo điên

806   Sức cùng lực kiệt khơi đèn trắng đêm.

 

PHẬT GIÁO VIỆT NAM

100 năm Nhà Hậu Lê (1428-1527)

 

Qua rồi thời Lý - Trần hoàng đạo

Qua rồi thời uyên áo thượng thừa

Hậu Trần níu kéo dây dưa

810   Hậu Lê tàn hại mứa bừa thêm thôi

 

Núi còn lở nay loang mai lổ

Sông còn vùi bãi đục phù sa

Tự nhiên như thế vậy mà

814   Biết thì tự tại, Ta Bà phiêu du

 

Nếu không hiểu ao tù đày đọa

Nếu không tường vò võ vô minh

Tứ Thánh - lục phàm chúng sinh

818   Nghìn trùng xa cách thinh thinh điểm này

 

Một trăm năm nào ai với oán

Một thế kỷ nào chứng nào minh

Không cần tra cứu nghiên tầm

822   Không cần chìm nổi phù vân cuối chiều

 

Bóng hoàng hôn tịch liêu gác núi

Cánh nhạn bay gần khuất xa mờ

Đừng nằm đắp mộng ru mơ

826   Vò đầu bóp trán vật vờ hồn mê

 

Phật Giáo cuối Triều Trần xuống dốc

Qua Triều Lê bệ rạc bê tha

Cao Tăng ít xuất hiện ra

830   Thạc đức dần vắng nên phà vướng "Truông"

 

Trong thiền môn tiếng chuông vang nhỏ

Tiếng kệ kinh tiếng mõ dần thưa

Chuyến xe chuyên chở Ba Thừa

834   Giảm đi sức cuốn thượng thừa vô song

 

Ngoài dân gian bị dòng nước đục

Bị nhiễm lây tả đạo phường tà

Phiếm phù trào lộng quỷ ma

838   Dị đoan mê tín đẫy đà bung xung

 

Cuốn lôi những trăm năm có lẽ

Cũng đúng thôi đã có câu rằng:

"Phật cao một thước" nhớ chăng

842   "Ma cao một trượng" chớ thường dễ duôi

 

Tự nhiên thôi tùy thời tùy lúc

Tổ Đạt Ma diện bích cửu niên

Đức Lục Tổ bỏ đi liền

846   Nhận chân mới thấu cửa thiền Phật gia

 

Nhân nơi đây trích ra câu kệ

Vào đời Lý - Vạn Hạnh Thiền Sư

Không thêm một chữ bị dư

850   Không thiếu một chữ bị hư diệu kỳ

 

"Thân như điện ảnh hữu hoàn vô

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô

Nhậm vận thạnh suy vô bố úy

Thạnh suy như lộ thảo đầu phô".

 

"Thân như bóng chớp chiều tà

Cỏ cây xuân thắm thu qua rụng rời

Sá chi suy thạnh việc đời

Thạnh suy như hạt sương rơi đầu cành".

 

Đạo Phật vốn thinh thinh tuyệt tuyệt

Phật lý vốn diệu diệu minh minh

Nói như không nói: Vô thinh

854   Sắc không không sắc: Bặt hình thường chơn

 

Thiền Sư Mãn Giác lưu kệ, rằng:

 

"Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai

Sự trục nhãn tiền quá

Lão tùng đầu thượng lai

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai".

 

"Xuân đi trăm cánh hoa rơi

Xuân về hoa lại gặp thời nở hoa

Sự đời thấm thoát trôi qua

Sờ trên mái tóc sương pha kết đầu

Xuân tàn hoa rụng nơi đâu

Cành mai trước ngõ vẫn còn trổ bông".

 

Nhân nơi đây cũng xin nhắc câu

Ngài Thiện Hoa thế kỷ hai mươi

Viện Trưởng Hóa Đạo một thời

858   Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất

 

"Ba rừng Giáo Lý còn lưu lại

Cho đến bây giờ vẫn trắng tay

Trăng khuyết vì mây chưa vén trọn

Hay trăng còn đợi bóng đêm dài".

 

Tự nhận chân Phật Đà huyền diệu

Tự nhận chân Phật  lý uyên thâm

Y Kinh giải nghĩa Phật oan

862   Lìa Kinh một chữ chính toàn là ma

 

Trăng thì có trăng tà trăng khuyết

Nhật thì có nắng sớm hoàng hôn

Đạo Phật mà hỏi: Mất, còn

866   Vô chung vô thỉ rợn hồn: Vô minh

 

Hoằng Phật đạo khi vinh khi nhục

Chuyển pháp luân khi thịnh khi suy

Khen chê đào xới: Cười khì

870   Dèm pha biếm nhẽ: Bách, Tùng xanh xanh

 

Xin khép lại trăm năm một thoáng

Sương tinh mơ bóng chớp chiều tà

Chi mai hằng hữu trổ hoa

874   Như Ngài Ca Diếp nhìn hoa mỉm cười.

 

PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Thời Đại Nam - Bắc Triều ;

Trịnh - Nguyễn Phân Tranh

Thế kỷ 16 đến Thế kỷ 19 (1528-1802)

 

PHÁI TÀO ĐỘNG

Sơ Tổ Tri Giác Nhất Cú

 

Thiền Sư Nhất Cú người phương Bắc

Hội tụ nhân duyên đến nước ta

Pháp Phái Tào Động mở ra

878   Thế kỷ mười sáu trổ hoa quê mình

 

Đại Thánh Giác từ Ngài Đạt Mạ

Sơ Tổ Bồ Đề thuở Nhà Lương

Ngàn rưỡi năm tỏa muôn phương

882   Nay trải hương sắc nẻo đường quê ta

 

Ngài truyền lại cho Ngài Thủy Nguyệt

Ngài Tôn Diễn thừa tiếp nối nhau

Chùa Hòa Giai đượm sắc màu

886   Hàm Long, Trấn Quốc hương cau thơm lành

 

Đến hôm nay vương cành tỏa bóng

Phật Giáo mình đồng thoảng lan đi

Góp phần chuyển Đạo Từ Bi

890   Xiển dương chấn tích cũng vì độ sanh.

 

PHÁI LIÊN TÔN (gốc LÂM TẾ)

Tổ Lân Giác & Tổ Nguyệt Quang

 

Thế kỷ mười bảy bông hoa đẹp

Phái Liên Tôn hòa nhịp tươi cành

Hai Thiền Sư của Việt Nam

894   Cùng là huynh đệ hiệp thành dựng xây

 

Thăng Long Hà Hội, Ngài Lân Giác

Lập tại Chùa Liên Phái, Bạch Mai

Truyền lưu từ đó đến nay

898   Hương thơm lan tỏa đêm ngày thành đô

 

Ngài Nguyệt Quang lập Chùa Nguyệt Quang

Tọa lạc tại Kiến An hiện thời

Cùng một Chi Phái tuyệt vời

902   Tháng năm hiện hữu đâm chồi tốt tươi

 

Còn Sư Ông vốn người phương Bắc

Phái Lâm Giác - Lâm Tế, Bạch Mai

Từ Ngài tỏa bóng lan dài

906   Ngày xưa gieo hạt ngày mai vun trồng

 

Và sau đó Thiền Sư Hương Hải

Đang trụ núi Quy Cảnh, Đàn Trong

Đạo pháp tùy thuận nhân duyên

910   Nên Ngài giã biệt kết tương Đàn Ngoài

 

Ngài lưu lại pháp âm bất tuyệt

Là bốn câu lưu xuất muôn đời

Xin ghi nguyên vẹn từng từ

914   Vốn trong sử sách đã lưu quá nhiều:

 

"Nhạn quá trường không

Ảnh trầm hàn thủy

Nhạn vô di tích chi ý

Thủy vô lưu ảnh chi tâm"

 

"Trường không nhạn thoáng bay qua

Bóng in dưới nước la đà bèo mây

Chim đâu có ý niệm này

918    Nước lung linh nước nào hay bóng hình". (MG dịch)

 

Hết duyên, Ngài rời Nam ra Bắc

Một khi đi biền biệt tăm ngàn

Vô lưu vô tích chi tâm

922   Nhưng nay đâu cũng nhớ ân của Ngài.

 

PHÁI NGUYÊN THIỀU

Sơ Tổ Nguyên Thiều

 

Ngài sinh tại Triều Châu, họ Tạ

Tỉnh Quảng Đông gốc cũ Việt Nam

Mười chín tuổi cắt tóc xanh

926   Trên đường Tổ nghiệp xây thành Thiền gia

 

Ngài thuộc đời ba ba Lâm Tế

Đến nước ta Sơ Tổ Trung - Nam

Xây chùa Thập Tháp đầu tiên

930   Tỉnh Bình Định quận An Nhơn bấy giờ

 

Rồi ra Huế dựng nền Phật Giáo

Như cái nôi Phật Giáo Kinh Đô

Liền lập ngôi Chùa Quốc Ân

934   Chùa Hà Trung, vững cơ đồ từ đây

 

Tháp Phổ Đồng, tháng năm nghiêm phụng

Nằm sát chân núi Bân địa linh

Cơ chừng vùng đất Thần Kinh

938   Vấn vương cổ kính tự tình Cố Đô

 

Hạnh nguyện lớn ra vô xuôi ngược

Đại tâm nguyền rượt đuổi thời gian

Khi thì kiến lập Giới Đàn

942   Khi thì chấn tích quang lâm xa gần

 

Bước chân Ngài vào Nam sớm nhất?

Tận Biên Hòa vùng đất Đồng Nai?

Quốc An Kim Cang sơn khai?

946   Nơi đây Ngài trụ đến ngày Tây quy?

 

Tám mốt năm đó là thế thọ

Sáu hai năm tuổi Đạo một đời

Sinh, thời gá tạm xứ người

950   Tịch, thời tứ đại gởi người Việt Nam

 

Suốt cuộc đời phụng vì Đạo pháp

Suốt cuộc đời vị Pháp dấn thân

Bình Định, Thuận Hóa, Miền Nam

954   Ba dòng Pháp phái hàm ân khôn lường

 

Lạy Sơ Tổ nghiêm đường mẫn cố

Tháp phụng thờ hương khói bay bay

Kim Cang Tháp Tổ, Đồng Nai?

958   Hóa Môn Tháp Tổ, Linh Đài cố Đô

 

Cả hai nơi đều ghi Ngài hóa

Cả hai nơi thiết lễ Hậu phần

Trà tỳ, Linh cốt, Kim quan

962   Nhập Tháp, Tế tự, Pháp đàn tôn nghiêm

 

Trước  khi đi Ngài dạy:

 

"Tịch tịch kỉnh vô ảnh

Minh minh châu bất dung

Đường đường vật phi vật

Liêu liêu không vật không"

 

"Lặng lẽ gương không chiếu bóng

Sáng trưng ngọc chẳng thâu hình

Rõ ràng vật không phải vật

Mênh mông không chẳng là không". (Ngài Nhất Hạnh dịch)

 

Hai Tháp Tổ đồng phụng đồng kính

Linh cốt hai nơi không chẳng không

Ô hay cát bụi mờ sương

966   Vật không không vật, gương gương chi nào!

 

PHÁI MINH HẢI PHÁP BẢO

Sơ Tổ Minh Hải

 

Ngài thế danh là Lương Thế Ân

Sinh tỉnh Phúc Kiến làng Thiệu An

Mới vừa tròn chín tuổi xanh

970   Xuất gia tu học tựu thành Tổ Sư

 

Thuộc đời thứ ba tư Lâm Tế

Kết nhân duyên Phật Giáo Miền Trung

Tại Đại giới đàn Thiền Lâm

974   Tam Sư Thất Chứng đạo tràng tôn nghiêm

 

Ngài là một Chư Tôn Túc đó

Khi hoàn mãn trở gót quy hương

Cù lao Chàm phủ mù sương

978   Sóng to gió lớn cản đường về quê

 

Ngài quay lại Hội An dừng nghỉ

Chính mật cơ ý chỉ vô nghì

Nhiệm mầu Phật Pháp huyền vi

982   Như như thị thị vô suy luận bàn

 

Hễ có nhân thì duyên tích tụ

Hễ có căn thì gốc sẵn rồi

Nhân duyên kết nụ đâm chồi

986   Gốc sâu trụ vững thời thời vĩnh nhiên

 

Chùa Chúc Thánh khai sơn chấn tích

Một dòng Thiền thừa tiếp đến nay

Minh Hải - Chúc Thánh là đây

990   Hội An phố cổ đẹp thay Đạo Vàng

 

Năm mươi năm công thành quả mãn

Năm mươi năm hành trạng châu viên

Dặn dò phú chúc di ngôn

994   An nhiên thị tịch, Tử Tôn truyền thừa

 

Mỗi hàng năm Giỗ Tổ Chúc Thánh

Muôn cánh chim vỗ cánh bay về

Linh sơn Pháp lữ đề huề

998   Tâm tâm niệm niệm phụng thờ ngưỡng tôn.

 

PHÁI LIỄU QUÁN

Sơ Tổ Liễu Quán

 

Ngài họ Lê huý là Thiệt Diệu

Sông Cầu, làng Đạo Mã, Phú Yên

Sáu tuổi khuất bóng Mẹ hiền

1002 Vào chùa Hòa Thượng Tế Viên tu hành

 

Bảy năm sau Bổn Sư viên tịch

Ngài cầu đạo Lão Tổ Giác Phong

Chùa Báo Quốc, đất Thần kinh

1006 Năm sau Cha yếu quy trình dưỡng nuôi

 

Ngày ngày kiếm củi đong cơm cháo

Đêm đêm hầu hạ Cha ốm đau

Bốn năm Phụ tử ru châu

1010 Đói no ấm lạnh báo hầu Từ thân

 

Cha lại lìa hồng trần theo Mẹ

Sau Cư tang ra Huế tu trì

Lại được thọ giới Sa Di

1014 Thạch Liêm đại thụ danh Sư bấy giờ

 

Ngài Từ Lâm cho thụ Đại giới

Ngài Tử Dung dưỡng giáo thâm uyên

Rũ tâm tắm gội cửa Thiền

1018 Ngược dòng lặn hụp suối nguồn Tào Khê

 

Tám chín năm gần kề trước cửa

Cứ vào ra ngờ ngợ, biết đâu

Long Sơn cách trở nhịp cầu

1022 Nào dám tự tín, chờ hầu Tôn Sư

 

Một ngày kia Thầy trò hội ngộ

Phải bước ra bờ vỡ, buông tay

Ngất đi sống lại, ơ, này

1026 Miệng cười ha hả, chưa hay, chưa nhầm

 

Chuyện hôm qua chưa xong, nói lại

Đèn là lửa, cơm chín lâu rồi

Cùng nhìn, im lặng, thôi thôi

1030 Thiệt Diệu Liễu Quán lìa khơi tới bờ

 

Ngài Phật Hoàng Nhân Tông, thứ nhất

Ngài Liễu Quán cung bậc thứ hai

Tổ Sư Phật Giáo Việt Nam

1034 Hai dòng Thiền người Việt Nam vận hành

 

Cùng bao dòng Tông môn Pháp phái

Cùng bao bậc phát túc siêu phương

Việt Nam Phật Giáo lên đường

1038 Thừa đương trên khắp quê hương của mình

 

Trang trải từ đầu non góc biển

Thấm nhuận đến thành thị thôn quê

Vùng gần vùng sâu vùng xa

1042 Vùng cao vùng thấp mọi nhà Việt Nam.

 

Nền Tảng PHẬT GIÁO

Trên Đất Phương Nam

 

Đi vào Đất Phương Nam tổ quốc

Với lịch sử những bốn trăm năm

Thuở xưa mở nước khơi dòng

1046 Từ vùng châu thổ sông Hồng lan đi

 

Ngoài, các tỉnh địa đầu biên giới

Nam, Ái Châu cùng với Hoan Châu

Xứ Thanh - Nghệ - Tĩnh bây giờ

1050 Hai Châu Ô - Lý mở bờ xuôi Nam

 

Lần tới Gia Định Thành thẳng tắp

Đất Nam Kỳ - Lục Tỉnh đẹp xinh

Cà Mau, Rạch Giá, Hà Tiên

1054 Vịnh Thái Lan tiếp giáp liền nước ta

 

"Đây Sài Gòn đây Thủ Đô Nước Việt

Trái tim chung của Dân tộc anh hùng

Đời đang lên bao hứa hẹn trẻ trung

Bốn trăm tuổi bước đi vào lịch sử"

 

Phật Giáo đã đi cùng Dân tộc

Để vun bồi tắm gội thanh lương

Cùng đi xây đắp quê hương

1058 Cùng đi cho hết nẻo đường Việt Nam

 

Dấu chân Chư Tôn Sư đã đến

Chấn tích đã đặt tảng làm nền

Ươm mầm kết giống lớn lên

1062 Cây cao nhánh lớn vươn cành tốt tươi

 

Từ các Dòng Thiền Chư Sơ Tổ

Ngài Nguyên Thiều, Minh Hải ấn tâm

Cùng Ngài Liễu Quán hàm ân

1066 Và một số nữa Phương Nam rạng ngời

 

Những chùa cổ chùa xưa lưu tích

Những danh lam thắng cảnh khắc ghi

Trông qua biết mấy tư nghì

1070 Phát huy tô thắm bảo trì ân xưa

 

Ngắm bao cổ Tự dầm mưa nắng

Nhìn bao cổ Tháp dãi gió sương

Xa xa vang vọng chuông ngân

1074 Gần gần tiếng mõ câu kinh thăng trầm

 

Sinh hoạt chốn thiền môn là vậy

Sức sống Tăng tín đồ thế thôi

Thời gian gõ nhịp con thoi

1078 Không gian rộng hẹp hôm mai tháng ngày.

 

PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Triều Đại Nhà Nguyễn (1802-1945)

Kết thúc Vua Chúa cuối cùng ở nước ta

 

Ba trăm năm dập vùi gió bụi

Ba trăm năm khói lửa điêu linh

Thời Lê Chiêu Thống, thất kinh

1082 Nước ta, Chiêu Thống rước voi về dày

 

May nhờ có Tây Sơn tam kiệt

Nhạc - Huệ - Lữ xuất hiện kịp thời

Bình Bắc, quét sạch Lê rồi

1086 Chinh Nam thống lãnh yên bờ phía Nam

 

Con voi đó - Mãn Thanh mượn cớ

Kéo đại binh ập phủ nước ta

Nguyễn Huệ tức khắc xưng Vua

1090 Để cứu đất nước thoát ra họa này

 

Tài thao lược xưa nay hiếm có

Sức binh nhung thật quá phi thường

Bảy ngày yên ngựa mạnh cương

1094 Đống Đa một trận tiêu tùng giặc Thanh

 

Tiếc Triều Nguyễn Tây Sơn quá ngắn

Vua Quang Trung đã sớm băng hà

Hơn ba trăm năm can qua

1098 Bốn năm chưa nóng Triều ca ca gì

 

Quân Nguyễn Ánh tức thì nổi dậy

Mười hai năm tiêu diệt Tây Sơn

Mở ra Triều Nguyễn Gia Long

1102 Một thế kỷ rưỡi long đong nước nhà

 

Và thiết lập Kinh Đô tại Huế

Được cái công thống nhất giang san

Đặt tên nước là Việt Nam

1106 Nhưng dây với nhợ đại lầm đại nguy

 

Đại lầm đó, trăm năm Pháp thuộc

Đại nguy đó, trăm năm Thực dân

Phong đâu mà nói chi trần

1110 Còn chi mà nói hết lầm với than

 

Cho đến khi Thực dân biến mất

Nhưng đại nạn hậu hoạn nặng nề

Đó là cái nạn "Ba Kỳ"

1114 Dân tộc hễ nhắc chữ "Kỳ" tét "Ba"

 

Phật Giáo, thoáng nhìn qua yên vậy

Nhưng thật ra chẳng ổn yên gì

Đã bị ảnh hưởng suy vi

1118 Trăm năm lệ thuộc vết tì ngấm sâu

 

Nạn thống trị ngập đầu cả nước

Nạn "Ba Kỳ" vi trùng lân la

Một nước mà ba quốc gia

1122 Cùng một dân tộc biến ra "Ba Kỳ"

 

"Gót danh lợi bùn pha sắc xám

Mặt phong trần nắng nám mùi dâu"

Cái nạn Pháp thuộc quá đau

1126 Cái nạn ăn bám ê đầu nhức xương

 

Chùa chiền bị bứng ngang đổi chủ

Chuông ngân lại đổ tiếng khác rung

Dân gian tin Cốt tin Đồng

1130 Thần linh, bùa ngải, mã vàng lên hương

 

Sự mê tín bương bương trào lộng

Sự dị đoan khuấy động ngập tràn

Tường thành yếm thế bi quan

1134 Cấu thành thụ động kéo màn yên thân

 

Trùm mền, miễn có ăn có mặc

Đắp chiếu, miễn vinh thân phì gia

Chính là căn bịnh trầm kha

1138 Ngoài đời trong đạo chìm phà đớn đau

 

Bóng thời gian ngày lên đêm xuống

Bóng không gian lồng lộng thênh thang

Tiếng chuông không muốn ngân vang

1142 Tiếng mõ cũng chỉ khàn khàn khua khua

 

Đó là nguyên, tại sao hưng chấn

Đó là lý, tại sao chấn hưng

Đến đây xin được tạm ngưng

1146 Muốn nhìn dấu sử thì lần trang sau.

 

PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Thế kỷ 20 đến cận đại

 

Hậu họa khôn lường

 

Trải dài một ngàn năm Bắc thuộc

Ba trăm năm nội chiến tương tàn

Trăm năm Pháp thuộc tan hoang

1150 "Ba Kỳ" cái nạn gánh quàng phân ly

 

Hậu họa ấy cực kỳ tác hại

Hại triền miên dai dẳng khôn lường

Nhân tâm ngán ngẫm chán chường

1154 Thế sự giành giựt nhiễu nhương rã rời

 

Đời đã thế Đạo thời cũng thế

Ảnh hưởng lây phân liệt cũng lây

Lại còn mê tín lên mây

1158 Dị đoan xuống hố đu dây kết bè

 

Qua lịch sử biết bao bài học

Bài học nào cũng máu cũng xương

Anh em giày xéo nát tương

1162 Nồi da xáo thịt tang thương vô vàn

 

Gà một mẹ bao lần bôi mặt

Đấm đá nhau chết chóc tơi bời

Hơn thua từng tiếng từng lời

1166 Tranh nhau chỗ đứng chỗ ngồi miếng ăn

 

Loạn "Mười hai Sứ quân" chưa đủ

Nam - Bắc Triều là cái chi chi

Trịnh - Nguyễn là cái gì gì

1170 Ngoại thuộc biến mất "Ba Kỳ" còn nguyên

 

"Đóng cửa dạy nhau" Ông Cha dạy

Đàn con cháu khuyên bảo thế nào

Ngẫm đi thương giọt máu đào

1174 Nhớ đi mà gọi Bầu ơi Bí cùng

 

Cùng một bọc "đồng bào" đẹp quá

Chỉ Việt Nam xuất cách tuyệt siêu

Rồng Tiên con cháu yêu kiều

1178 Lạc Hồng ơi hỡi nhiễu điều giá gương.

 

Năm Mươi Năm

Chấn Hưng Phật Giáo

 

Năm mươi năm chấn hưng Phật Giáo

Năm mươi năm Phật Giáo chấn hưng

Chấn hưng khắp Bắc Nam Trung

1182 Khắp Trung Nam Bắc cùng chung một lòng

 

Năm mươi năm chấn hưng Phật Giáo

Năm mươi năm Phật Giáo chấn hưng

Chấn hưng quy củ thiền môn

1186 Chấn hưng Pháp phái Tông môn đẹp lòng

 

Chư Thạch Trụ lê chân mỏi gối

Chư Long Tượng kết nối tâm đan

Tôn dung Thượng sĩ xuất trần

1190 Đức hạnh Thích tử siêu phàm tinh anh

 

Bắc, quý Cụ Thanh Hanh, Bằng Sở,...

Trung, quý Ôn Phước Huệ, Giác Tiên,...

Nam, Ngài Khánh Hòa, Khánh Anh,...

1194 Và bao nhiêu bậc tuyệt luân thượng thừa

 

Hãy hòa hợp tương dung tương kính

Hãy hiệp lực dìu dắt bắt tay

Chấn hưng cải biến đắp xây

1198 Dụng toàn tâm lực miệt mài mới xong

 

Đồng thỏa thuận tán thành đã khó

Đồng dấn thân phụng sự khó hơn

Phải keo đem kết với sơn

1202 Chung tay chung sức chung lòng dễ đâu

 

Cái gì chấn một lòng phải chấn

Cái gì hưng một dạ phải hưng

Dẫu cho lên núi bắt còng

1206 Xuống sông tát biển bảo toàn nguyên siêu

 

Chấn, lọc lựa cho tiêu sạn đá

Hưng, kiên trì bảo vệ tinh hoa

Đâu là bông đâu là hoa

1210 Cùng nhau xây dựng tòa nhà Như Lai

 

Đạo vì đời hy sinh phụng hiến

Đời vì đạo hỗ trợ phát huy

Chữ Từ xung lực chữ Bi

1214 Bạt khổ vi lạc tư nghì kiên trung

 

Ba tổ chức Tăng Già hợp lực

Ba cơ cấu Tín đồ đồng hành

Bắc Nam Trung cùng đăng trình

1218 Trung Nam Bắc cùng nhiệt tình kết tương

 

Năm mươi năm chấn hưng Phật Giáo

Năm mươi năm Phật Giáo chấn hưng

Núi kia mới tụ cùng rừng

1222 Nước kia mới chảy về sông một nhà.

 

TỔNG HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Đại Hội thành lập: 6,7,8,9-5-1951 tại Chùa Từ Đàm

 

Năm mươi năm chấn hưng Phật Giáo

Năm mươi năm Phật Giáo chấn hưng

Bất phân tỉnh thị miền vùng

1226 Đưa Phật Giáo Bắc Nam Trung một nhà

 

"Lời Hiệu Triệu" ban ra như sấm

Khắp ba Miền chấn động pháp âm

Thượng tuân hạ phục nhất tâm

1230 Bốn phương tám hướng đăng lâm tựu về

 

Ba tập thể Tăng Già chấn tích

Ba tập thể Cư sĩ lên đường

Từ Đàm kính kính thương thương

1234 Đồng nhau câu hội nghiêm tường quang minh

 

Đại Hội Thống Nhất nghiêm nghiêm phục

Phật Giáo Thống Nhất nghiêm nghiêm tuân

Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam

1238 Kế thừa lịch sử hai ngàn năm qua

 

Phật Giáo sử mở ra kỳ tích

Phật Giáo ta thống nhất một nhà

Đó là sự nghiệp Tăng Già

1242 Tín đồ hỗ trợ kết đà dựng xây

 

Nhà Phật Giáo Việt Nam như nhất

Nền Phật Giáo Việt Nam nhất như

Trên đền ơn nặng Bổn Sư

1246 Dưới cứu cửu hữu hàm dư Tam Đồ

 

Chùa Từ Đàm là hoa là lá

Thống nhất Phật Giáo trổ lá hoa

Phật Giáo Việt Nam chan hòa

1250 Bắc Nam Trung trỗi bài ca Phật kỳ

 

Cờ Phật Giáo năm màu ngũ sắc

Chào Phật kỳ Phật Giáo Việt Nam

Tung bay phất phới Bắc Nam

1254 Khắp Trung Nam Bắc ca vang dưới cờ

 

Xin phép nhìn qua Ban Chiêu Tập

Ngài Tịnh Khiết, Mật Ứng, Đạt Thanh

Ban vận động, quý tôn danh:

1258 Quý Ngài Mật Nguyện, Tố Liên, Đạt Từ

 

Tiếp theo Ban Dự Thảo Điều Lệ

Chính hai Ngài Tố Liên, Trí Quang

Phật Giáo kết ngọc chạm vàng

1262 Ngôi nhà Phật Giáo vững vàng sắt son

 

Đại diện của từng Miền kính liễu

Bắc: Mật Ứng, Thanh Đoan, Tâm Châu,...

Trung: Ôn Tịnh Khiết, Trí Quang,...

1266 Nam: Ngài Đạt Thanh, Nhật Liên, Thiện Hòa,...

 

Tương ưng tương hợp còn chi thống

Tương hợp tương ưng, nhất, thế à

Thỉnh Ôn Tịnh Khiết ngự tòa

1270 Hội Chủ Phật Giáo nước nhà Việt Nam

 

Cùng phụng sự ngôi nhà Phật Giáo

Cùng dấn thân Phật Giáo Việt Nam

Khắp Trung Nam Bắc một lòng

1274 Tăng Ni Phật tử xa gần đắp xây

 

Đội công đức chư vị tiền bối

Truy tán ân thạch trụ thiền gia

Tựu thành Phật Giáo một nhà

1278 Kết trang sử ngọc con nhà Như Lai

 

Nhà Phật Giáo sắt son từ đó

Sức Phật Giáo từ đó tinh anh

Trên thời đền đáp Tứ Ân

1282 Dưới thời cứu khổ hàm ân Tam Đồ

 

Đạo Phật là đạo mầu giải thoát

Đạo Phật là đạo lý từ bi

Cơ cơ cảm cảm tư nghì

1286 Chơn chơn diệu hữu cũng vì độ sanh.

 

PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Nguyên Thủy - Nam Tông

Thành lập Hậu bán Thế kỷ 20

 

Khi Đức Phật đang còn tại thế

Ngài cùng với tập thể Tăng Đoàn

Quanh năm suốt tháng keo sơn

1290 Luôn luôn bên cạnh bước chân không rời

 

Khi Phật nhập Niết bàn tịch tịnh

Đạo Phật truyền hai hướng hai phương

Hướng Nam thì gọi Nam phương

1294 Hướng Bắc thì gọi Bắc phương vậy mà

 

Nước Việt Nam nhập theo hai hướng

Nhưng phong hóa phong tục nước ta

Bắc Tông duyên thuận đơm hoa

1298 Nam Tông duyên chậm kết hoa sau này

 

Trên vùng đất cuối Nam, Sa Đéc

Ngài Thiện Luật, là vị đầu tiên

Thứ hai là Ngài Huệ Nghiêm

1302 Ngài Bửu Chơn cũng theo chân bước vào

 

Ngài Hộ Tông, Phnom-Penh tiếp nối

Đó chính là bốn vị tiên phuông

Về sau sau nữa tùy duyên

1306 Phật Giáo Nguyên Thủy đương nhiên tựu thành

 

Nếu tính ra trăm năm đổ lại

Nước ta thêm Hệ phái ra đời

Góp cùng Phật Giáo nơi nơi

1310 Chung nhau tu tập độ đời bớt đau

 

Bởi phù sinh ngập đầu thống khổ

Nhiều bàn tay cùng vỗ tiếng kêu

Tiếng thương hòa lẫn tiếng yêu

1314 Cho đời bớt khổ lêu bêu giữa dòng

 

Tám vạn bốn Pháp môn Phật dạy

Chứ đâu phải chỉ một hai ba

Việt Nam chưa quá mười mà

1318 Và bao nhiêu nữa miễn Nhà Như Lai

 

Nhà Như Lai không hai không một

Nhưng một ly một tất rõ ràng

Đạo Phật không có lan man

1322 Đạo Phật không có nhập nhằng vậy thôi.

 

PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Hệ Phái Khất Sĩ

Thành lập Hậu bán thế kỷ 20

 

Từ Miền Nam, thêm Hệ Phái nữa

Cùng nhìn xem xuất phát thế nào

Vĩnh Long sông nước rì rào

1326 Người sinh từ đó đi vào Phật gia

 

Mới một tuổi Mẹ đà mất sớm

Mười lăm tuổi học đạo ở Miên

Sau về tu ẩn Thất Sơn

1330 Tự thân đạt ngộ tánh chơn của mình

 

Ngài tiếp tục tham cầu học đạo

Gặp Hòa Thượng Huệ Nhựt - Thiên Thai

Một Phái Thiền Lâm hiện nay

1334 Và sau đó nữa tự Ngài hóa sinh

 

Phái Khất Sĩ thành hình từ đó

Ngài vắng bóng tuổi ba mươi hai

Đệ tử hai giới theo Ngài

1338 Ngày càng lan rộng đến nay khá nhiều

 

Đệ tử nhớ Ân Sư kính ngưỡng

Tôn hiệu Tổ Sư Minh Đăng Quang

Phật Giáo Khất Sĩ Việt Nam

1342 Cùng với Đạo Phật đồng hành nước ta.

 

PHÁP NẠN PHẬT GIÁO 1963

 

Cờ Phật Giáo là cờ quốc tế

Cũng là cờ Phật Giáo Việt Nam

Đại Hội tại nước Tích Lan

1346 Mọi nước Phật Giáo đứng chung dưới cờ

 

Cờ Phật Giáo lá cờ ngũ sắc

Của Đạo Phật phất phới tung bay

Bất luận Nam Bắc Đông Tây

1350 Da vàng da trắng da đen da màu

 

Không phân chia quốc gia chủng tộc

Không phân biệt lãnh thổ biên cương

Đứng chung không đứng chuyện thường

1354 Nhưng mà triệt hạ chữ nhưng dị thường

 

Hễ dị thường, một đường phải chọn

Một là một, không có nói hai

Một hai hai một nói dài

1358 Thì hai với một ách tai tức thì

 

Một là một hơn đinh đóng cột

Cột ở đây là cột kim cương

Chứ không phải chuối ương ương

1362 Vốn mềm như bún nghê thường dễ duôi

 

Lại thời điểm đang Mùa Phật Đản

Mùa Đức Phật thị hiện giáng trần

Chư Thiên hớn hở vui mừng

1366 Nhân loại khấp khởi tưng bừng hòa vang

 

Phật Giáo Việt Nam mừng Phật Đản

Thượng cờ lên thiết lễ cúng dường

Hạ cờ, đại họa tai ương

1370 Cương quyết triệt hạ tư lường hồn ai

 

Chưa quốc gia nào triệt cờ xuống

Chưa chế độ nào kéo kẽm gai

Dùi cui súng đạn khói cay

1374 Bao quanh chận bắt ở ngay trước chùa

 

Xuất phát từ âm mưu kỳ thị

Đã kéo dài những chín năm trường

Tín đồ đẩy đi dinh điền

1378 Tăng Ni "bỏ bố" ném sông biển hồ

 

Xuất phát từ âm mưu tôn giáo

Biến Việt Nam mang đạo mới thôi

Nếu thuận sẽ được đổi đời

1382 Nếu không sẽ bị tơi bời thẳng tay

 

Thật trớ trêu ngay Mùa Phật Đản

Lệnh ban ra phải triệt hạ cờ

Chết liền bảy trẻ em thơ

1386 Xương rơi máu đổ mịt mờ khói cay

 

Ngay tại cố đô Mùa Phật Đản

Trở thành Mùa Pháp Nạn sáu ba (1963)

Tin từ xứ Huế loan ra

1390 Làm cho cả nước xót xa kinh hoàng

 

Cớ sự ấy tưởng chừng dập tắt

Phải cho biết thỏa đáng do ai

Nhưng chỉ có kẽm với gai

1394 Chỉ súng với đạn hết ngày tới đêm

 

Áp dụng khắp tỉnh thành cả nước

Triệt để nhất tại Huế, Sài Gòn

Biến thành cả nước xuống đường

1398 Ngọn lửa bùng phát máu xương loang đầy

 

Lại bắt bớ tù đày tra khảo

Hầu hết chùa chằng chịt kẽm gai

Tử vì Đạo, chứ biết sao

1402 Chết vì Đạo, chứ biết sao bây giờ

 

Kính lạy Đấng Từ Bi gia hộ

Nguyện mười phương Tam Bảo gia trì

Pháp nạn mau chóng qua đi

1406 Nhưng bóng đêm phủ đen sì điêu linh

 

Đành chấp nhận hiến thân vì Đạo

Nguyện một lòng vì Đạo hy sinh

Tăng Ni, Phật tử kiên trinh

1410 Xả thân cứu Đạo riêng mình sá chi

 

 

Lửa từ bi Bồ Tát Quảng Đức

Lửa từ bi tiếp lửa bùng lên

Bảo vệ Đạo Pháp đáp đền

1414 Bao Thánh Tử Đạo thiêu thân cúng dường

 

Lửa không đủ làm mềm chế độ

Quyết triệt tiêu, lệnh tổng tấn công

Chùa Xá Lợi giữa đêm không

1418 Nhào vô bắt hết cùm gông trong tù

 

Ở ngoài kia quân dân cán chính

Tự đứng lên chấm dứt Nhà Ngô

Kết thúc chế độ chín năm

1422 Anh em Tổng Thống đi thăm hoàng tuyền

 

Mùa Pháp Nạn tự nhiên tan biến

Tăng tín đồ trở lại chùa xưa

Ngày đêm vẫn tiếng chuông chùa

1426 Cuộc đời vẫn chỉ cơm dưa thanh bần

 

Không còn cảnh nực nồng Pháp Nạn

Bao quanh chùa không kẽm với gai

Phật Giáo nào tạo với gây

1430 Ngày xưa cũng thế ngày mai cũng là

 

Phật Giáo sống hòa bình thiện mỹ

Phật Giáo sống đạm bạc thanh lương

Chỉ hướng thuyền đời vươn lên

1434 Và đem trang trải tình thương cho đời.

 

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT

Đại Hội thành lập tại Chùa Xá Lợi - Sài Gòn (01-1964)

 

Pháp Nạn Phật Giáo Sáu Ba đó

Nhờ Chư Phật phổ chiếu nghiêm minh

Chư Thánh Tử Đạo thiêu thân

1438 Tăng Ni, Phật tử hy sinh mới còn

 

Cờ Phật Giáo tung bay ngũ sắc

Phật Giáo còn có mặt đến nay

Nếu không đã cuốn theo mây

1442 Đã tan theo bụi đã giày ra tro

 

Chứ còn đâu Tăng Ni pháp lữ

Còn gì nữa mà nói chùa chiền

Còn đâu vọng tiếng chuông thiêng

1446 Kệ Kinh trầm bổng cửa Thiền Phật gia

 

Một Đại Hội tại Chùa Xá Lợi

Giữa Thủ đô thành phố Sài Gòn

Như trước gồm sáu Tập Đoàn

1450 Thêm năm Giáo Phái họp hành tôn nghiêm

 

Một Hiến Chương đường đường công bố

Danh hiệu Giáo Hội tái tuyên xưng

Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam

1454 Gánh vác sứ mệnh hai ngàn năm qua

 

Cương vị cao nhất, ngôi Tăng Thống

Đức Tăng Thống Tịnh Khiết, suy tôn

Chánh Thư Ký, Ngài Trí Quang

1458 Giữ gìn cương kỷ đạo phong nghiêm từ

 

Lãnh đạo Giáo Hội, Viện Hóa Đạo

Viện Trưởng, Ngài Tâm Châu, Thiện Hoa

Tổng Thư Ký, Ngài Huyền Quang

1462 Điều hợp Phật Giáo trên toàn nước ta

 

Tiếp tục truyền thừa mọi thời thế

Tiếp tục chuyển hóa mọi không - thời

Dù cho vật đổi sao dời

1466 Phật Giáo vĩnh trụ một lời không hai

 

Khắc nơi đây dấu son Phật Giáo

Chạm nơi đây dấu ấn nạm vàng

Chỉ có Phật Giáo Việt Nam

1470 Cùng chung thống nhất cùng mang hạnh nguyền

 

Không nước Phật Giáo nào làm được

Mọi Giáo Phái cùng hỗ cùng tương

Bên nhau sát cánh nghiêm tường

1474 Cùng sống cùng chết cùng thương hết lòng

 

Băng không gian thăng trầm vinh nhục

Vượt thời gian biến đổi bốn mùa

Phật Giáo chuyên chở Ba Thừa

1478 Chuyển xe chánh pháp chưa vừa bổn nguyên

 

Vững tay lái con thuyền Giáo Hội

Vững tay chèo bốn biển năm châu

Phật Giáo Việt Nam rợp màu

1482 Tăng Ni, Phật tử cơ cầu bi lân

 

Hãy mạnh bước lên đường Tứ Thánh

Tự độ độ tha hạnh vô biên

Đi trong khắp chốn mọi miền

1486 Cùng nhau chuyên chở con thuyền thanh lương

 

Đạo vì đời dấn thân phụng hiến

Đời vì đạo hỗ trợ tương lân

Không ai đánh đổi phong trần

1490 Dù cho suy thạnh bao lần sá chi.

 

PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Cận Hiện Đại

  

Thế kỷ hai mươi qua hăm mốt

Bóng thời gian dịu dặt mai sau

Đây là thời đại tiến mau

1494 Kéo liền bốn biển năm châu rất gần

 

Mọi phương tiện thông thương khá dễ

Lại còn thêm hệ mạng toàn cầu

Văn minh tiến bộ nhờ nhau

1498 Tình người nhân loại giúp nhau đỡ đần

 

Mỗi quốc gia kết giao tôn trọng

Mỗi chủng tộc giữ bản sắc riêng

Chữ "đồng" hơi dễ nối liền

1502 Chữ "dị" cũng giảm oan khiên rã rời

 

Phật Giáo mình cũng thời cũng thế

Cũng đến đi hiện hữu khắp nơi

Á, Úc, Âu, Mỹ có rồi

1506 Phi Châu nghèo khổ cũng rồi có luôn

 

Lập cơ sở xây chùa thỉnh tượng

Khí Phật cụ tôn trí trang nghiêm

Kệ Kinh trầm bổng cửa thiền

1510 Người người lui tới học hành tường tri

 

Trong ngoài nước vận hành như thế

Người xuất gia đâu cũng thế thôi

Chiếc áo hoại sắc khoác rồi

1514 Trên thời đền đáp dưới thời hàm linh

 

Đời Tăng sĩ rày đây mai đó

Tương chao dưa muối đãi bốn mùa

Chẳng cần câu nệ hơn thua

1518 Sớm hôm gióng tiếng chuông chùa ngân vang

 

Cầu nguyện cho pháp luân thường chuyển

Phổ nguyện cho Phật Pháp trường tồn

Nghiêm tịnh khắp chốn thiền môn

1522 An hòa hải chúng phụng tôn Phật Đà

 

Dung hợp mọi Tông môn Pháp phái

Hòa hợp tình Pháp lữ keo sơn

Lịch sử gắn thêm điểm son

1526 Chấm đen trả lại bên cồn bờ lau

 

Hai ngàn năm sử vàng chói lọi

Hai ngàn năm lịch sử huy hoàng

Mai sau theo bóng thời gian

1530 Mong sao đẹp nét son vàng Sử Ca.

 

Bắt đầu cuối tháng 8

Viết xong ngày 04-9-2016

TNT Mặc Giang

 

***

       

THƠ TÌNH ĐỊA LÍ
Trái tim Em gồm nhiều "kinh vĩ tuyến",
Ôm lấy đời tôi "quả địa cầu tròn".
Bên Em "biển rộng" giận hờn,
Kỷ niệm cũ như là "tàn tích núi".
Cá tính Em chín phần "xâm thực đá",
"Bào mòn" Anh "tích tụ" lại nơi đời.
Xanh thăm thẳm "mây cao tầng buông lối",
Hẹn một ngày "mưa", "hoang mạc" lòng tôi.
Bên Em đấy những "phù sa cổ",
Bên tôi đấy sừng sững một sườn non.
Em là "cực Bắc" tôi là "cực Nam",
Em là "dòng sông" tôi là "đá nuí".
Lời ru "đêm đông" tật nguyền "đại lục",
"Gió" à ơi thổi tức giận đâu về.
"Mưa đá", "bão giông" phủ kín chiều êm ả,
"Sấm chớp" mịt mùng đau đáu một miền quê.
Em "địa hình" không phẳng phía bên kia
Tôi cô đơn, lẻ loi hình "núi sót".
Đêm ôm đàn mà mơ mình "trượt dốc"
Cà phê hoá thành "băng" tim nghìn "độ rích te".
Lúc bên nhau tình chẳng thành "thiên đỉnh"
Khi biệt li nhanh chóng tựa "băng tan".
Em ơi khổ đau tình địa lý
Ước trận "cuồng phong" "mưa trút" "đại dương" tràn.
Đất nước Việt Nam được tạc nên bằng vô vàn chất liệu và cách thức khác nhau: vẽ bằng bản đồ, khắc trên gỗ, trên đá, …. Và còn được tạc nên bằng những vần thơ
               
 
 vn map



***

Tác phẩm Việt Nam Phật Giáo Sử Ca, các trang mạng đã online:

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29/05/2021(Xem: 6572)
Năm nay cũng giống năm rồi Phật Đản lặng lẽ từ hồi Cô Vy Các Chùa đóng cửa cũng vì Ngăn ngừa dịch bệnh còn thì lưa thưa
27/05/2021(Xem: 9840)
Sáng nay, 20-5-2021, chén trà móc câu Thái Nguyên miên man hương vị quê nhà trở lại với mình sau hơn một năm dài vắng bóng. Lâu nay, vì đại dịch phải uống mãi trà Tàu, trà tứ xứ. Hương trà cũ lại phảng phất hồn quê khi cùng lúc có tin một bé gái người Việt thuộc thế thứ ba trên đất Mỹ đang ở cùng thành phố Sacramento với mình, vừa được giải “thi sĩ khôi nguyên” của tổ chức Thi sĩ Tuổi Trẻ Toàn quốc (National Youth Poet Laureate - NYPL) tại Hoa Kỳ: Đó là Alexandra Huynh (Huỳnh Thụy An), 18 tuổi, vừa đoạt giải.
25/05/2021(Xem: 8896)
Em email “ Chị ơi sao còn năng động thế!” Biết nói gì ... khi mình tự sách tấn kiên trì ! Bình thản chấp nhận ...lo âu có được chi ? Đời có số, vận mệnh đều do nghiệp! Nhưng ... nửa đêm thức giấc, tự hứa sẽ thu xếp! Cách nào đổi thay được mà chẳng lụy phiền Khi tin tức thế giới chưa tìm ra một chỗ an yên Đại dịch đang biến thể, chiến tranh còn tiếp diễn !
24/05/2021(Xem: 6387)
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Ngài là ánh sáng chan hòa Nhân Thiên . Sương long lanh, long lanh trên lá cành tươi mát Gió lừng hương, Chim hát khúc bình minh Hơn hai ngàn năm dòng lịch sử quang minh
24/05/2021(Xem: 5718)
Gom hết trần gian kiếp đọa đày Phật về xoa dịu những tương vay Điêu linh trong cõi đời mộng ảo Giác ngộ vô thường, thoát mê say
24/05/2021(Xem: 7133)
Nữ Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử VN, cô Alexandra Huynh, 18 tuổi, trong buổi chung kết đêm Thứ Năm 20/5/2021 đã thắng giải "2021 National Youth Poet Laureate" -- Nhà Thơ Khôi Nguyên Giới Trẻ Hoa Kỳ 2021. Theo Huynh trưởng GĐPT Tâm Thường Định giải thích hôm Thứ Năm với phóng viên Việt Báo: "Em Alexandra là Huynh trưởng GĐPT Kim Quang, và là học sinh lớp/trường trung học Mira Loma High School. Em ra trường năm ngoái và được nhận vào trường Đại Học Stanford, em cũng nhận giải viết của GĐPT VN tại Hoa Kỳ trong mùa dịch."
19/05/2021(Xem: 10082)
Cuốn truyện thơ kể lại cuộc đời của Đức Phật từ khi giáng sinh cho đến khi lập gia đình vào năm 16 tuổi, năm 29 tuổi quyết chí xuất gia tu hành tìm đạo, năm 35 tuổi giác ngộ ra chân lý, thành đạo và trở thành Phật. Trong suốt 45 năm sau đó Ngài đi thuyết pháp, giáo hóa chúng sinh rồi cuối cùng nhập niết bàn vào năm 80 tuổi.
19/05/2021(Xem: 4721)
Chúng con cung kính nghe rằng: Đất Cửu Hữu tối tăm trong dòng u mịch Cõi Diêm Phù điên đảo trên biển vô minh Nguyện độ thảy nghiệp quần sinh Tầm thanh đa cầu bỉ ngạn.
19/05/2021(Xem: 9716)
Kính dâng Thầy Viện Chủ TV Quảng Đức Thích Tâm Phương, Thầy Trụ trì TV Quảng Đức Thích Nguyên Tạng, Thầy Tri Sự TV Quảng Đức Thích Đăng Từ và đạo tràng Đại Gia Đình Quảng Đức với lòng ngưỡng phục và tán thán trong việc chuẩn bị cho Đại Lễ Phật Đản 2645 giữa đại dịch thiên tai kinh hoàng trong thế kỷ 21 này . Nguyện cầu những người con Phật đều được an bình và hạnh phúc . Kính chúc Sức khỏe Thầy và quý Phật tử đang miệt mài công quả chuẩn bị cho Đại Lễ này , HH Dù chưa đủ túc duyên xuất gia mang họ Thích ! Phật Tử thuần thành cũng có chút hỷ lạc riêng, Cúng dường, hộ trì Tam bảo, Công quả tuỳ duyên ... Sẵn sàng có mặt trong những đại lễ vía hội !
18/05/2021(Xem: 7175)
Lá cờ ngũ sắc tung bay nền trời Báo tin Phật Đản đến rồi khắp nơi Chưa đâu hãy còn thêm mười ngày nữa Phật Lịch 2565 bạn ơi!
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]