Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thi Sĩ Áo Vải Nâu Sồng

23/04/201607:44(Xem: 11182)
Thi Sĩ Áo Vải Nâu Sồng


HT Thich Tin Nghia
THI  SĨ  ÁO  VẢI  NÂU  SỒNG

Đức Hạnh LÊ BẢO KỲ

 

 



          Các giới văn học Việt Nam xưa nay, thường nói : Là thi sĩ, ai cũng có tâm hồn rất lãng mạn, đa tình trước trăng, sao, núi non, sông, hồ, suối reo, biển cả, trời xanh, đồng nội cò bay, sắc hương nữ nhân và ưa ru với gió, mơ theo trăng và lơ lững cùng mây . . .”.

          Những sắc trần nói trên đang bàng bạc khắp không gian trong, ngoài, trên dưới vũ trụ con người, là đối tượng thành Thơ của những người Nam, kẻ Nữ nào có tâm hồn thơ, liền tuôn trào ra những vần thơ thật lai láng, tuyệt tác tràn đầy những sắc thái ủy mị, hư vô, hiện thực, đanh thép, nồng nàn, nóng bỏng . . . Nhưng, thi sĩ áo vải nâu sồng, gọi là nhà thơ Chùa, thì không có lời thơ lãng mạn, ủy mị thường tình thế gian ấy. Tuy nhiên, nói về tình người, thi sĩ Áo Nâu rất là đa tình nhưng, tình là tình cao cả, xuất thế, vượt lên trên nhân thế, cho nên lời thơ của các thi sĩ Áo Nâu luôn thoát tục, được nghe ở âm giai vi vu như tiếng sáo diều, hư hư, thực thực, sắc sắc, không không, linh thiêng, vi diệu, khi cao vút lên hư không, lúc trầm xuống, tĩnh lặng như Đức Phật thiền tọa trên đĩnh Linh Sơn. Rồi lại lơ lững, uốn mình cong queo như khói trầm hương, quyện vào không gian vô định hướng, không trật tự.  Ý thơ của các Thi sĩ áo vải nâu sồng là thế đó. Nói như thế, không có nghĩa là do tâm hồn không vào định ! Do vì luôn có vào định, nên chi lời Thơ của các thi sĩ Áo Nâu, đều là Chân nguyên một cách tổng thể trong các thể loại  thơ : sáu tám, bảy chữ, tám chữ, năm chữ, bốn chữ . Tất cả đều chân nguyên, do tâm tỉnh thức, gọi là thơ Thiền. Dù là lời thơ chứa đầy tình thương yêu đối với Quốc Tổ, Thầy tổ, Pháp lữ, Huynh đệ chi Tăng, Đồng hương, đồng bào Phật tử các giới, kẻ xa, người gần và luôn quan tâm đến sự thịnh suy của dân tộc và đạo pháp . . . Và tâm tình với trời xanh, mây trắng, biển rộng, sông dài, ruộng đồng, núi non, chùa xưa, Tháp cũ, . . . Vẫn là lời thơ thoát tục, làm cho các đọc giả phải hơn một lần suy tư mới nhận ra ý tưởng của tác giả. Nhất hạng là bài thơ được phổ nhạc, lại càng làm cho các thính giả lắng nghe cho kỹ, mới thấy được ý thơ. Nhận ra ý thơ khi đọc giả đọc đến bài thơ, thính giả nghe đến lời ca, mới đúng là thi sĩ Áo nâu. Ngược lại, không phải thi sĩ áo nâu, vì không phơi bày bản chất, hiện thực bản thể của các đối tượng. Thật sự, đâu phải hễ là Tăng trong đạo Phật, ai cũng làm thơ được ! Một số vị nào đó thôi.   

          Một số vị làm thơ được nhưng, đâu phải ai cũng có lời thơ vừa siêu đẳng, bay bổng, vi vu, sắc sắc, không không, vừa hiện thực bản thể ! Tất cả đều do tâm. Tâm nào thì, ý thơ đó, được hiền lộ ra lời thơ, lời nhạc, nếu không nói là khúc khuỷu, như đám mây vân cẩu, như tiếng trống Bát nhã dồn dập lúc cuối hồi . . . Lời thơ các thi sĩ Áo Nâu, dù là đa dạng ở mỗi cảnh vật nhưng, thường thường chân thật, chân nguyên bản chất, không hư cấu, cảnh như thế nào, lời thơ thế đó.

          Tôi muốn nói đến Hòa Thượng Thích Tín Nghĩa, vị thi sĩ Áo Vải Nâu Sồng, đã và đang có nhiều bài thơ thật là tình đối với :  Đạo Pháp, Dân tộc, nước non, cỏ, cây, hoa lá, làng cũ, chùa xưa, chư Tăng các cấp, pháp lữ xưa nay, phật tử các giới, môn đồ pháp quyến, việc chùa, việc Phật, các Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, suy tư thế sự, nhân sinh, v.v… Mỗi mỗi, được Ngài diễn tả trong vần thơ, đều chân chất, tình cảm thật lòng, bình dị, không kém phần bản chất Thiền môn thanh tịnh trong Phật giáo. Những tư tưởng súc tích về các thứ tình chân chất ấy của nhà thơ áo vải nâu sồng, Hòa Thượng Tín Nghĩa, được chứng thực qua từng bài Thơ, được thấy rõ  trong Thi phẩm “Trúc Lâm Thiền Phái Thi Tập”.

          Tư tưởng về dân tộc và đạo pháp. Người Phật tử Việt Nam, ai cũng biết vai trò và nghĩa vụ của Tăng bảo, là hòa nhập vào dòng sinh mệnh dân tộc, đạo pháp lúc thịnh, cũng như lúc suy, dù đang an trú  ở quốc độ nào, trên quê hương, hải ngoại, đều quan tâm có hành động đi cùng trong trường hợp thuận duyên. Bằng không, thì ra lời thơ cảm thán đến cực độ, mà vẫn thấy dân tộc, đạo pháp chưa thuận hòa, liền có lời nhắn nhủ. Tư tưởng âu lo cho đạo pháp và dân tộc của chư Tăng Việt Nam đều cùng có nhưng, với Tăng sĩ có tâm hồn thơ, thì tuôn trào ra bằng lời thơ. Điều này được thấy ở Hòa thượng Thích Tín Nghĩa, thi sĩ Áo Vải Nâu Sồng, qua bài thơ Cảm Thán :

                Đêm nằm trằn trọc suốt canh thâu,
                Hết đứng rồi đi bởi vì đâu ?
                Nhớ đến Quê hương đang khổ lụy,
                Trông về Giáo hội thấy lao đao.
                Càng thương càng nhớ tâm chua xót,
                Còn ước còn mong ý xuyến xao.
                Cầu nguyện quê hương và đạo pháp,
                Tự do khương thái một phần nào.


          Sau tư tưởng ước mơ, mong sao cho Quê hương, Đạo pháp được phần nào tự do. Chỉ một phần tự do đó thôi, không gì khác hơn, mà chẳng được. Trong khi hai khối dân tộc và đạo pháp đã gắn liền nhau suốt bề dầy lịch sử trên 4 ngàn năm văn hiến. Mặc dù, có khi bị phân ly bởi các bạo lực ngoại xâm nhưng, đã thống nhất chung một khối. Thì tại sao bây giờ huynh đệ trong hai khối lớn trong và ngoài nước vẫn chưa yên, tâm hồn thường trực bất an, phân ly ! Như vậy, sao gọi là thống nhất Tổ quốc và thồng nhất Phật giáo ? Do đó, cứ hằng đêm, tâm tư Thầy thi sĩ Thích Tín Nghĩa tiếp tục cho mình đêm không ngủ, bởi cái tâm của Ngài đầy tràn những làn sóng nhiệt huyết, dâng trào lên tận khối óc. Khiến cho đôi chân Thầy thi sĩ cứ đi ra, rồi lại đi vào, đụng phải cột Chùa, Thầy lại đi ra. Cứ như thế suốt đêm không ngủ. Trạng thái ưu tư, đôi chân đếm bước suốt canh thâu đó, được thấy trong bài thơ có tên bằng chữ M, một cách hiện thực sau đây :

                Một phần nào nghĩ suốt thâu canh,
                Ngồi đứng, vào ra vẫn một mình,
                Nhớ nước đau lòng thân sầu thảm,
                Thương nhà xót ruột dạ buồn tênh,
                Việt nam thống nhất nào hạnh phúc,
                Giáo hội phân ly chẳng quang vinh,
                Cầu nguyện cho nhau cùng tâm huyết,
                Việt nam - Phật giáo sớm an bình.

          Hằng năm cứ mỗi độ xuân về trên quê hương, Thầy hy vọng xuân này Giáo hội đoàn kết, vinh quang, dân tộc sống tự do, hạnh phúc. Cứ xuân này, xuân này, rồi lại xuân này mãi suốt hơn 30 năm xuân này ấy, được kể từ lúc 1975, đến 2006, là thời gian của Thầy thi sĩ ngồi nhìn những mùa Xuân đến, Xuân đi, với niềm hy vọng dân tộc và Phật giáo sẽ được vinh quang, hạnh phúc. Nhưng, cả hai cứ tiếp tục dậm chân tại chỗ lên bàn Chông phân ly, lửa  bỏng, khổ đau, hận thù, băng giá tái tê ! Bàn Chông Thiên la, Địa vỏng ấy, do những con người không có chất xuân đang đứng ở bờ Mê, bến Lú trên đất Việt đã tạo nên.  Xuân về, là biểu tượng cho vạn hữu vươn lên, ra cành, nảy lộc, đơm hoa, kết trái bởi tiết xuân ấm áp.

Cũng như vậy, dân tộc Việt Nam, sau một năm, ngược xuôi, vất vả, ruột rối, tơ lòng trên vận hành mưu sinh  giữa trường đời. Đến mùa xuân, mùa hy vọng bỏ cũ, đổi mới. Thì dân tộc và Phật giáo chẳng những được hưỡng Xuân, đổi mới ! Mà cứ tiếp tục nhận lấy những khổ nạn, tái tê, não nề ! Cảnh Xuân, mà không Xuân ấy, được Thầy thi sĩ nói lên ở bài Cảnh Xuân Về :

                Ba chục năm dư, xuân vẫn về,
                Xuân về lòng vẫn cứ tái tê,
                Quê hương Đạo pháp nhiều đau khổ,
                Dân tộc Tăng ni lắm não nề.

                 Tháng tháng năm năm hằng cầu nguyện,
                 Thời thời khắc khắc mãi hướng về :
                 Tám chục triệu dân cần no ấm,
                 Chư tôn Giáo phẩm bớt nhiêu khê.

                 Ất dậu, chiều Ba mươi Tết -  January, 28  2006

          Chư Tăng bảo Phật giáo thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, vị nào cũng có vai trò, bổn phận, nghĩa vụ đối với dân tộc, đạo pháp, cha mẹ, sư trưởng, pháp lữ, chư tôn tiền bối, đàn na tín thí trong và ngoài giáo hội trên quê hương mình theo khả năng văn hóa quốc gia, Phật pháp vốn có ít, nhiều. Hai thứ văn hóa đạo, đời  này đối với người Tăng bảo ắt phải có, không thể không có. Nếu không nói rằng : là gốc rễ, chủng tử Bồ Đề của pháp thân, mang quốc tịch nước Cực Lạc Di Đà. Nói như ngôn ngữ Việt Nam : “Văn là người. Có văn có chất mới thật con người”. Văn và chất ở hàng Tăng bảo, là văn hóa Phật giáo và chất phật trong tâm. Cả hai thứ văn và chất này, là nền tảng, chất liệu kiến tạo nên vị Tăng lý tưởng. Lý tưởng, là sẵn sàng tri hành Bảy đối tượng cơ bản nói trên (dân tộc, đạo pháp . . .).

Rõ thật, điều này đã được thấy Hòa thượng Tín Nghĩa đối với Dân tộc và Đạo pháp qua ba  bài Cảm Thán, Một phần nào, Cảnh Xuân Về, vừa rồi ở trang trước.
          Đối với Cha Mẹ. Qua bài Cảm Niệm Vu Lan. Nội dung bài này, nói lên ý nghĩa Vu Lan tháng bảy thu về, mang bản sắc văn hóa Việt Tộc, là  phải báo hiếu ơn Cha, nghĩa Mẹ như ở những câu :

          Lòng xao xuyến thu vàng đổ lá, . . . Thu về lòng những nhớ quê . . . Nhớ mẹ già, xế bóng tóc sương . . . và bài Hoa Nào Cho Cha, qua những câu : Tháng bảy năm nay, lệ chảy nhòa,  Màu trắng hoa hồng cài ngực áo,  Mẹ đã xa rồi dạ xót xa . . ..

    Đối với Sư trưởng. Sư trưởng ở đây, là Tăng bảo, bậc tu hành, đạo cao đức trọng, trí tuệ cao vời, uyên thâm Phật pháp, đã cho các đệ tử xuất gia, tại gia một kiến thức và khai mở trí tuệ cùng tình thương rộng lớn. Sau đó các đệ tử tự mình thắp đuốc lên mà đi. Do vậy, Hòa thượng Tín Nghĩa, lúc nào cũng nhớ ơn sâu dầy của Sư phụ mình, là đại lão Hòa Thượng Mật Hiển, trụ trì chùa Trúc Lâm, được thấy qua bài thơ “Cảm Niệm Sư Phụ”
                         Tăng già mãi cầm cân,
                         Giáo hội mãi góp phần,
                         Luôn để tâm chấn chỉnh,
                         An hòa Chúng trung tôn.

               Vượt thời gian không gian,
               Trách nhiệm với Tăng đoàn,
               Trong dụng tâm Bồ tát,
               Ngoài hiện tướng Thanh văn.

                         Húy thượng Tâm hạ Hương,
                         Pháp giới đã phổ huân,
                         Đạo hiệu là Mật Hiển,
                         Rải tâm diệu cát tường,

               Cát tường, cát tường thùy,
               Giới hạnh tuyệt uy nghi,
               Suốt đời cho Giáo hội,
               Tăng chúng bất xả ly.

                         Oai đức thì trác tuyệt,
                         Bổn sư cũng vừa lòng,
                         Liền phú chúc diệu kệ,
                         Tự tại và thong dong. . . .

          Người viết, mạo muội xin nói một vài nét về Đại lão Hòa Thượng Thích Mật Hiển. Chư tôn đức Tăng, Ni và nam, nữ Phật tử gốc Huế, hiện nay đang ở tuổi 65, 75, . . . đều biết đến Hòa Thượng Trúc Lâm, tức là Ngài Mật Hiển, là bậc đạo sư, uyên thâm Phật pháp, rất nghiêm minh giới luật, nếu không nói rằng luôn khắc khe đối với Tăng chúng tại Huế nói chung, chùa Trúc Lâm và Phật Học Viện Báo Quốc nói riêng trước 1975. Do vậy, nếu Ngài bắt gặp bất cứ Tăng sinh nào, Báo Quốc hay Diệu Đế, Linh Quang, Từ Hiếu, Quốc Ân . . .  không  giữ oai nghi, tức là giỡn cợt nhau . . . lúc đi ra phố Đông Ba hay  trên đường đến trường Quốc Học bằng xe đạp hay đi bộ. Ngài liền gọi đến, bảo đứng im, sau vài lời chỉ giáo, Ngài tặng nhẹ cho ba gậy ngay giữa đường.

          Đối với Pháp lữ.

          Con người trong mọi giai cấp xã hội ở bên đông, bên tây đều có bạn. Bạn cùng trường, cùng sở, cùng xóm. Bạn trong Phật giáo, gọi Pháp lữ, có nghĩa là bạn cùng chùa, cùng tu học trong Phật Học Viện với thời gian năm năm, mười năm . . . Sau khi tốt nghiệp ra trường, cũng lại cùng nhau trong sự nghiệp phụng sự đạo pháp trong các Giáo hội với nhau. Tâm hồn nhớ bạn của Hòa thượng Thích Tín Nghĩa, không phải ở những lời tình cảm thiết tha, mà là lời nhắn nhủ hãy tiếp tục tri hành Phật pháp, vì sự nghiệp của Tăng bảo là xiễn dương chánh pháp, dù ở đâu, đừng quên nghĩa vụ cao cả ấy, được thấy qua bài “Gởi Quý Pháp Lữ” bên quê nhà :

                         Tôi ở Hoa Kỳ, một phương xa,
                         Gởi chư Pháp lữ ở quê nhà,
                         Cố công diễn xướng phần Phật pháp,
                         Gắng sức lưu truyền chuyện Đạo ca,
                         Đuốc tuệ rạng soi khắp thiên hạ,
                         Đèn từ chiếu sáng đến bá gia,
                         Đôi lời tâm huyết xin gởi đến,
                         Đệ huynh Pháp lữ họ Thích già.

          Đối với đàn na tín thí.

          Cụm từ trên được chỉ cho hai giới nam phật tử (Ưu bà tắt), nữ Phật tử (Ưu bà di) trong Phật giáo. Hai giới Phật tử này, được chư Tăng trong các Giáo Hội Phật Giáo nói chung, Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ nói riêng, luôn tri hành nghĩa vụ cao cả, là quan tâm mở lớp học Phật pháp, để có trí tuệ, là cây đèn sáng thấy được lý đạo trong bài Phật pháp, theo đó mà tu tập, đạt đạo giải thoát.

          Với tâm Bồ Tát luôn giác tha và tâm hồn thi sĩ, Hòa thượng Tín Nghĩa trong vai trò Chủ tịch Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ, có tham gia giảng dạy, nên chi cảm thấy vui mừng, đã thốt lên lời thơ “Mừng Khóa Tu Học BẮC MỸ LẦN II ”.

                         Khóa học năm nay thật là vui,
                         Nhìn nhau hoan hỷ với nụ cười,
                         Giảng viên hướng dẫn bài tường tận,
                         Học chúng tiếp thu ý đầy vơi,
                         Vào lớp cùng thi nhiều lý thú,
                         Ra sân bàn luận thấy thảnh thơi,
                         Mỗi năm đều có học như thế,
                         Thiện tín, chư Tăng cố chung đôi.
                         Bắc Mỹ kỳ này thật mãn nguyền,
                         Thái Siêu chu đáo quá châu viên,
                         Tịnh Từ hướng dẫn phần Tăng chúng,
                         Minh Đạt giảng bài với học viên,
                         Bổn Đạt Di đà cười vui vẻ,
                         Thắng Hoan Duy thức, giảng uyên thuyên.
                         Tâm Hòa, Hạnh Tuấn và Tâm Hạnh,
                         Cùng với Nguyên Siêu trọn ước nguyền.

                                                                           San Jose, ngày 04-8-2012.

          Nói đến thi sĩ trong Phật giáo Việt Nam từ ngàn xưa và hôm nay trên quê hương và hải ngoại, là phải nói đến tư tưởng nhập thế đa dạng, một khi đã có mặt giữa dòng sinh mệnh của dân sinh, để ban vui, cứu khổ, đoạn hoặc, chứng chân bằng giáo lý Phật Đà, thì không thể không có tư tưởng đa dạng ấy. Đa dạng, được thấy trong Văn, Thơ. Qua đây cho ta thấy Hòa Thượng Tín Nghĩa, nhà thơ có trên trăm tư tưởng, tức là mỗi bài thơ là một tư tưởng, mang sắc thái, tình huống, hoạt cảnh vui, buồn, trống vắng . . . của vạn hữu, nhân tình, thế thái, mà Ngài thi sĩ áo vải nâu sồng Thích Tín Nghĩa đã hơn một lần chứng thực. Mặc dù Hòa thượng Tín Nghĩa, là bộ hành cô đơn (kinh sống một mình-Trường A Hàm) đi giữa trường đời Việt Nam trong nghĩa vụ hoằng hóa lợi sanh nhưng, tâm Ngài luôn tỉnh thức, nhận biết mọi hoạt cảnh trong biển sắc xã hội Việt Nam.
          Tư tưởng bình thường, không gì để nói, như Mừng Khóa Tu Học . . . Mừng Ngày Về Nguồn VI, Chúc Tết, (trang 64), An Cư (trang 48) . . . là bình thường. Tư tư tưởng độc đáo mới đáng nói lên. Thơ mang tư tưởng độc đáo, khoảng trên chục bài nhưng, chỉ chọn một số bài để biểu thị thôi.

             Cõi Vắng
                         Một mình đứng giữa chốn hoang vu,
                         Khói quyện trong mây tỏa mịt mờ,
                         Tuyết phủ bốn bề thân buốt giá,
                         Gió lùa tứ phía miệng cứng đơ.
                         Kêu ai chẳng được thôi đành chịu,
                         Gọi bạn không quen cũng đợi chờ,
                         Từng phút ngóng trông, từng phút mất,
                         Quay qua, nhìn lại chỉ mình ta.

          Thấy Mà Buồn
                         Ngồi buồn suy nghĩ Giáo hội mình,
                         Mạc vận đây rồi, thấy mà kinh,
                         Dân tộc Quốc gia không người chủ,
                         Tăng ni Giáo hội thiếu kẻ thành.
                         Cầm cân Dân tộc thì lo lợi,
                         Nảy mực Tăng đoàn chỉ vì danh,
                         Vì Đạo, vì Dân, ai ? Người liệu :
                         Làm cho Đời - Đạo được quang vinh ! ! !

          Tỉnh
                          Thân đang . . .
                          Lạc bước Ta bà,
                          Bước đi khấp khểnh,
                          Biết là về đâu ?
                          Đưa tay . . .
                          Lần chuổi kinh cầu,
                          Lời kinh huyền nhiệm,
                          Thấm sâu tâm hồn.
                          Giờ thì : . . .
                          Thấu đạt nguồn chơn,
                          Đục trong chẳng ngại,
                          Chẳng sờn đường tu.

            Tưởng
                         Tưởng rằng trẻ mãi giống như xuân,
                         Ngoảnh lại thì ra ngoại lục tuần,
                         Răng cỏ rung rinh, tai ù điếc,
                         Chân tay bủn rủn, ý khật khùng,
                         Tụng kinh bái sám thì biếng nhác,
                         Niệm Phật trì danh lại buông lung.
                         Uổng phí thời gian cho trôi mãi,
                         Để rồi hối tiếc cũng như không.

          Bốn bài thơ trên, được biểu thị tư tưởng độc đáo nhưng, chưa độc đáo lắm. Bài thơ sau đây mới là độc đáo nhất, đó là bài “Từ Đàm Hải Ngoại Cảm Tác”  (Bài thơ thất ngôn, bác cú bằng Hán tự và dịch ra Việt ngữ). Tất cả chư Tăng, Ni, Phât tử các giới trong và ngoài nước, ai cũng biết Hòa thượng Thích Tín Nghĩa là đệ tử của cố đại lão Hòa Thượng Thích Mật Hiển, trụ trì chùa Trúc Lâm bên Việt Nam. Cho nên nhà thơ Thích Tín Nghĩa sáng tác bài “Trúc Lâm Cảm Tác”, là chuyện thường tình, vì Trúc Lâm là nơi hành đạo, học Phật, sau đó được thành Tăng tài. Nhưng, tại sao, nhà thơ Thích Tín Nghĩa lại sáng tác thêm “Từ Đàm Hải Ngoại Cảm Tác”. Rồi đặt tên chùa của mình, là Tổ Đình Từ Đàm Hải Ngoại. Không để chùa Từ Đàm, lại thêm hai chữ Tổ Đình, cho nên mới nói độc đáo nhất, là chỗ đó.

          Trước khi phân tích lý do nào mà Ngài thi sĩ Thích Tín Nghĩa không sử dụng danh từ kép Trúc Lâm để đặt tên chùa của mình, lại dùng cụm từ “Từ Đàm Hải Ngoại”đặt tên cho ngôi chùa của mình bên Dallas - Texas .

                             Từ Đàm Hải Ngoại Cảm Tác.

                         Tổ  ấn trùng quang diệu pháp khai,
                         Đình  tiền hiển hiện Quán âm đài,
                         Từ  năng tế độ thiên sanh bịnh,
                         Đàm   xuất tiêu trừ vạn kiếp tai,
                         Hải  nội đạo tràng tuyên mật ngữ,
                         Ngoại  viên thiền viện phụng Như lai,
                         Cảm  tương Tăng lữ nan tư nghị,
                         Tác  hóa quần sanh tuyệt bất nhai.

           Tam dịch  :

                                Tổ ấn mở pháp diệu vời,
                                Trước sân hiển hiện linh đài Quán âm,
                                Từ hay tế độ xa gần,
                                Đàm hoa trị liệu muôn phần kiếp tai,
                                Hải hội mật ngữ an bài,
                                Ngoài vườn phụng thỉnh Như Lai độ đời,
                                Cảm thông tôn đức khó bì,
                                Giáo dưỡng quần chúng muôn đời truyền lưu.

           Trúc Lâm Cảm Tác.

                                Trúc lâm vang vọng chốn đế đô,
                                Suối chảy, thông reo ngát hương từ,
                                Trước mặt, dòng khe kêu róc rách,
                                Sau lưng, hàng liễu đứng nhấp nhô.
                                Thầy trò tương đắc truyền Tổ ấn,
                                 Huynh đệ gần xa nhận Phật thừa.
                                 Gốc đạo vun bồi ngày thêm tốt,
                                 Xây nền thiền tịnh tự ban sơ.

          Phân tích.
          Câu đầu của bài Trúc Lâm Cảm Tác. Ngài Thi sĩ Thích Tín Nghĩa, cho rằng chùa Trúc Lâm của Ngài được vang vọng chốn cố đô. Điều đó rất đúng với phong cảnh Trúc Lâm. Thật sự tất cả chùa ở Huế nói riêng, trên ba miền nói chung, chùa lớn nào cũng được vang vọng bởi nhiều thứ, chứ không gì chùa ở Huế. Cho nên, trạng từ “vang vọng” ở đây, mà Thầy thi sĩ dùng, được ám chỉ chung cho tất cả ngôi chùa lớn, có tầm vóc quốc gia như Trúc Lâm, Báo Quốc, Linh Mụ, Châu Lâm . . . vừa có phong cảnh hữu tình, vừa có bậc đạo sư chơn tu trong đó. Nhưng ngôi chùa TỪ ĐÀM ở dốc Nam Giao - Huế, là ngôi chùa nổi tiếng nhất Việt Nam, do một số yếu tố làm nổi tiếng. Những yếu tố cơ bản sau đây : 1- Vào khoảng năm 1941, đoàn Thanh Niên Phật Tử Việt Nam, được thành lập đầu tiên tại chùa Từ Đàm với danh xưng Gia Đình Phật Hóa Phổ, do cố Hòa Thượng Thích Minh Châu, lúc bấy giờ là Giáo Sư Trường Quốc Học thành lập. Sau đổi lại danh xưng “Gia Đình Phật Tử Việt Nam” trên cả nước. 2- Từ những năm 1951- đến 1953, Từ Đàm là nơi hội tụ của chư Tăng từ Hà Nội vào, Sài Gòn ra, để dự đại hội Phật Giáo định kỳ toàn quốc mỗi năm. 3- Đến Năm 1952, chùa Từ Đàm, được chư Tăng  toàn quốc chọn làm trụ sở Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam. 4-Sau đó, bị Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm của chính phủ Quốc Gia Việt Nam Bảo Đại, từ Sài Gòn ra hạ bảng “Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam” xuống, và đem lời yêu cầu Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết, Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, phải giao nộp khuôn dấu. 5-Từ 1952-1963, Hòa Thượng Thích Trí Quang giữ chức “Tổng Trị Sự Trưởng Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam” và Trị Sự Trưởng Hội Phật Giáo Trung Phần tại chùa Từ Đàm. 6- Giữa năm 1959, công an của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, chặn bắt Đại Đức Thích Huệ Minh bên hông chùa Từ Đàm, rồi đem nhốt tại Chín Hầm dưới chân núi Tứ tượng- Huế. 7- Mùa Phật Đản năm Quý Mảo 1963, Phật Giáo bị Tổng Thống Ngô Đình Diệm triệt hạ cờ Phật Giáo, Từ Đàm là nơi mở đầu cho công cuộc tranh đấu Phật Giáo trên cả nước, đòi nhà cầm quyền Ngô Đình Diệm, hãy để cho Tăng, Tín đồ Phật Giáo Việt Nam được tự do hành đạo như Thiên Chúa Giáo. 8- Hai vị đạo sư trước 1975 thường trực ở Từ Đàm, là cố đại lão Hòa Thượng Thích Thiện Siêu, và đại lão Hòa Thượng Thích Trí Quang, dù cho có lúc ở Hải Đức Nha Trang, Ấn Quang, Quảng Hương Già Lam Sài Gòn một thời gian ngắn, rồi cũng trở về lại Tổ đường Từ Đàm. Hiện nay- 2016, đại lão Hòa Thượng Thích Trí Quang đang trú xứ Từ Đàm. Dịp Tết Bính Thân vừa rồi, Đức Hạnh tôi được thăm và hầu chuyện với Ngài tại căn phòng riêng ở tầng lầu 2 vào sáng ngày 7 tháng Giêng Bính Thân, nhằm ngày 14 tháng Hai-năm 2016 vào lúc 11 giờ 10 phút. Đến 12 giờ chúng tôi (Đức Hạnh, Võ Trọng Thưởng) mới ra về, để cho Ngài thời Ngọ.

          Qua Tám dữ kiện lớn mang tính lịch sử nói trên, cho ta thấy chùa Từ Đàm, được coi như Tổ Đình (Từ Đường), linh hồn của khối Phật Giáo Việt Nam, Tăng, Ni, Phật tử trên ba Miền từ trong quá khứ, cho đến hôm nay tại quốc nội và hải ngoại. Nếu không nói tằng ; đàn chim Việt Quốc Gia tung cánh bay ra khỏi nước sau 30-tháng Tư, 1975, đã mang theo Quê hương, nghĩa là tất cả những gì đã được có trong tâm hồn đều mang theo. Trong đó Phật tử Việt Nam (4 chúng) nói chung, những người Con Sông Hương nói riêng đã mang theo ngôi chùa của mình vào lòng nhưng, Từ Đàm thì nặng tình hơn cả. Nặng tình Từ Đàm  rất lâu. Được chứng thực tâm nặng tình ấy qua bài ca “TỪ ĐÀM QUÊ HƯƠNG TÔI” của Nhạc sĩ Văn Giảng (Video clip nhạc). Bài ca này, đã có ra tại Huế -Việt Nam vào khoảng 1953. Vì nặng tình với Từ Đàm, cho nên mỗi lần nghe ca sĩ Hà Thanh hát bài Từ Đàm Quê Hương Tôi, ai cũng đều cảm thấy nhớ, thương chùa Từ Đàm, nhớ thương luôn quê hương Việt Nam !

          Vì thế cho nên, Hòa thượng Thích Tín Nghĩa đã chọn cụm từ “Tổ Đình Từ Đàm Hải Ngoại”, để đặt tên ngôi chùa của Ngài tại Dallas - Texas, rất là đúng cách. Chứ không phải chủ đích để nổi tiếng. Nói về nổi tiếng, thì Văn, Thơ của Ngài đã và đang được nổi tiếng rồi. Hà tất gì, phải lấy tên chùa Từ Đàm, mới nổi tiếng ! Sở dĩ, Ngài thi sĩ áo vải nâu sồng, Thích Tín Nghĩa lấy tên chùa Từ Đàm bên Huế và thêm vào Tổ Đình, Hải Ngoại, là mục đích để cho Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam sanh sau 30-4-1975 và sau này, nhất hạng là sanh trưởng tại hải ngoại, phải được biết đến lịch sử oai hùng của Phật Giáo Việt Nam trong quá khứ xa, gần mà ngôi chùa Từ Đàm là điểm hội tụ các danh Tăng trên ba Miền tạo nên lịch sử oai hùng đó như đã nói trên.

      

    Viết tại Am Đường Chiều (Sunset Trails) San Diego.

          Ngày 18, tháng Tư – Năm 2016.

          Đức Hạnh - Lê Bảo Kỳ

 

 

 
                                                                          

                                            

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/10/2014(Xem: 10970)
ĐÔNG Dơi nhập thiền Rét đậm Thắm hoa trạng nguyên ƠN THẦY Ngọng nghịu i… tờ Thầy dìu dắt Nên vần thờ… ơ thơ
22/10/2014(Xem: 15395)
Trần gian quán trọ đời mình Đến chơi một chút thình lình rồi đi Trăm năm tay giữ được gì Có mang xuống dưới âm ty bạc vàng?
21/10/2014(Xem: 10009)
Chiều đã kéo mây về phơi chóp núi Mà ta còn lầm lũi ở trần gian Ôm hơn thua để phỏng tay trần trụi Đâu biết đời tan hợp tợ khói giăng Hãy để thơ chơi giữa miền thường tại Tung chân thật thôn tính hết dối gian Dẫu nghiên lệch mực khô câu rớt vận Cũng chẳng cầu phủi sạch bụi trầm luân Hãy để thơ chia với đời khốn khổ Nghe lũ chà nhức nhối tước thềm thơ
20/10/2014(Xem: 11136)
Giữa trưa tĩnh tọa trong rừng Chim về tắt nắng gió lừng chiêm bao Ngồi đôi mắt chết phương nào Run cơn mộng đỏ chớp hào quang bay
19/10/2014(Xem: 17420)
Nhẫn nhịn cho đời luôn được yên Hơn thua tranh cãi chỉ thêm phiền Thắng người chưa chắc về an giấc Kẻ bại hận thù lẽ tất nhiên
19/10/2014(Xem: 9883)
Đừng tìm hạnh phúc nơi nào xa quá Hãy quây về tìm nó ở trong ta Chỉ cần tâm thanh thản sẽ nhận ra Vì hạnh phúc là điều đơn giản nhất
19/10/2014(Xem: 10875)
Cuộc đời này vốn vô thường, huyễn mộng… Là con Phật thì ai cũng rõ biết. Kiếp người là giả tạm, phù du, mong manh ngắn ngủi… là người học Phật thì ai cũng đã thấu hay. Quy luật “sinh trụ hoại không” của muôn đời thật phũ phàng và vô cùng nghiệt ngã, hỏi có mấy ai vượt thoát khỏi vòng kiềm tỏa chặt chẽ của nó? Dẫu rõ biết, dẫu thấu hay, nhưng vì vẫn là một chúng sanh, một sinh linh bé nhỏ, đang còn hụp lặn giữa bể khổ trầm luân, trôi lăn giữa dòng sinh tử luân hồi, nên chúng ta cứ luôn luôn sẵn sàng cho những giọt nước mắt tuôn rơi không chỉ khi tiếc nuối đau buồn với tổn thất, mà còn với lúc hạnh phúc mừng vui. Nước mắt lưng tròng, rơi rớt đầm đìa, trào tuôn ràn rụa… thì cứ để chúng tự nhiên xuất đáo, tự do bay nhảy, không chuyện chi phải kềm nén, đắp đê ngăn đập để chặn đường rơi lối chảy của chúng. Khóc được cứ khóc, đó là chuyện bình thường. Khóc với tâm bình thường thì vẫn không hề xa Đạo.
18/10/2014(Xem: 10456)
Nâng bàn chân Mẹ hôn lên Bàn chân nhỏ nhắn thuyền lênh đênh dòng Hôn nhăn nheo gót từng hồng Bao năm lặn lội đường trần nhiêu khê Bàn chân tất tả đi, về Đường phù hoa phố, đường quê mùa làng Bàn chân từng bước cao sang Từng hành khất gạo lo tròn bữa cơm
18/10/2014(Xem: 9887)
Đất Trời nuôi dưỡng vạn loài Sao ta nở giết chẳng hoài đoái thương Trời dạy ta biết tỏ tường Đất dạy ta phải yêu thương nhau cùng
17/10/2014(Xem: 11890)
Động Tĩnh Như Nhiên Một bữa học trò tới hỏi Thầy: - Thưa Thày, mấy bữa nay lòng con không yên, tâm con động. Làm sao đây? Thiền Sư: - Động thì cứ động, sao phải mong tĩnh. Vài bữa sau, học trò lại chạy tới: - Mấy hôm rày con ngắm trời xanh trong, nước suối văn vắt, thấy lòng yên tĩnh lạ thường. - Tĩnh thì cứ tĩnh sao phải nói ra thành động. - Bao năm rồi con theo Thầy, nhưng tự cảm thấy chưa hiểu được gì. Lòng con lúc tĩnh, lúc rối... Thiền Sư: - Ta cũng như con, lúc rối lúc tĩnh... Nhưng ta không thấy phải nói ra điều đó thành ngôn ngữ. Ta chỉ... như ngồi yên trên con thuyền ý thức, mặc cho sóng lòng chao đảo hay yên bình..*:) happy
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]