LỜI NÓI ĐẦU
A Nan Đà, ta biết,
Là một trong mười người
Được gọi đại đệ tử
Khi Đức Phật sinh thời.
Ông xuất thân quí tộc
Con vua A Mi Đà,
Tức ông là cháu ruột
Của Đức Phật Thích Ca.
Khi Ngài về La Vệ,
Ông vừa tròn hai mươi,
Xin được thành phật tử,
Đi theo Ngài khắp nơi.
Bốn ba năm hầu Phật,
Luôn có mặt bên Ngài.
Sau đức Đại Ca Diếp,
Ông là Tổ thứ hai.
Hăm lăm năm phụ tá,
Giúp đỡ Ngài hàng ngày,
Ông là gương trung thực
Và tận tụy với Thầy.
Đắc đạo A La Hán,
Ông nhẫn nhục, trung thành.
Một trăm hai mươi tuổi,
Để tiếng tốt lưu danh.
Với trí nhớ tuyệt mỹ,
Thuộc hết lời Thầy mình,
Ông giúp đời ghi lại
“Hiền Ngu Nhân Duyên Kinh”.
Ông cất công tỉ mẩn
Ghi nhớ bộ Kinh này
Khi theo hầu Đức Phật
Đi giảng pháp hàng ngày.
Bộ Kinh có chín quyển,
Mỗi quyển năm, sáu bài,
Nói về các tiền kiếp
Của Đức Phật Như Lai.
Giờ tôi ngồi viết lại
Thành thể thơ nôm na,
Đơn giản và dễ hiểu
Giúp phật tử gần xa
Hiểu thêm về Đức Phật,
Đặng thoát cõi vô minh,
Thanh lọc Tâm và Thức,
Chỉ làm điều tốt lành.
Tiếc bộ Kinh quá lớn,
Sức có hạn, thành ra,
Có chỗ đành lược bỏ.
Nam Mô A Di Đà!
1
PHẠM THIÊN THỈNH PHÁP
Lần nọ, ở Xá Vệ,
Chính tôi, A Nan Đà,
May mắn được chứng kiến
Chuyện này của Thích Ca.
Sau bao năm tu luyện,
Ngài thành Phật, nhưng rồi,
Ngài tư lự, chợt nghĩ:
“Cuộc đời này, than ôi,
Đầy chúng sinh mê ngủ,
Tham lam và hợm mình,
Chỉ đua theo tà đạo,
Khó thoát vòng vô minh.
Ta ở lại vô ích.
Không giúp được thế gian,.
Chi bằng lên ngự trị
Cõi Dư Vô Niết Bàn.”
Ý nghĩ này của Phật
Được vua trời Phạm Thiên
Thấu hiểu, và lập tức
Từ vời vợi cõi tiên,
Vua bay xuống, quì mọp
Trước Đức Phật anh minh,
Xin Ngài hãy ở lại
Hằng cứu độ chúng sinh.
Thấy Đức Phật do dự,
Vua đứng dậy, chắp tay
Xin phép Ngài được kể
Một câu chuyện thế này.
*
Ngày xưa, nhiều kiếp trước,
Có một ông vua già,
Sống ở Châu Diêm Phủ,
Tên là Tu Lâu Bà.
Ông là vua, cai trị
Hai mươi nghìn phu nhân,
Tám tư nghìn nước nhỏ,
Mười nghìn quan đại thần.
Một hôm, vua chợt nghĩ,
Ta giàu, dân cũng giàu,
Nhưng vẫn chưa có thuốc
Chữa được bệnh buồn đau.
Ta phải có trách nhiệm
Tìm nó để giúp người.
Vua cho ra yết thị
Rồi sai dán khắp nơi:
“Ai biết đạo giải thoát
Của Phật cõi Dư Vô,
Hãy nói cho ta biết.
Muốn gì ta cũng cho.”
Tỳ Sa Môn, vua lớn,
Cõi trời Tứ Thiên Vương,
Hay tin, liền xuất hiện.
Ông, pháp thuật cao cường,
Liền biến thành con quỉ,
Mắt đỏ, mặt xanh lè,
Răng to như quả chuối,
Thoạt nhìn đã thấy ghê.
Tu Lâu Bà cung kính
Mời ông ngồi lên cao.
Ông, con quỉ, muốn biết
Vua thành tâm mức nào,
Bèn nói, muốn nghe Pháp,
Trước hết phải cho ông
Ăn thịt con và vợ,
Dẫu việc ấy đau lòng.
Tu Lâu Bà lập tức
Cho gọi vợ con mình.
Con quỉ ăn ngấu nghiến.
Ai nhìn cũng thất kinh.
Khi ăn xong, con quỉ,
Tức vua Tỳ Sa Môn,
Mới đọc một bài kệ,
Chỉ bốn câu cỏn con:
“Đã sinh, tất phải khổ.
Hết thảy đều vô thường.
Tưởng có mà không có,
Sao cứ phải vấn vương?”
Vua vui mừng khôn xiết
Khi ngộ ra điều này,
Bèn ra lệnh dân chúng
Phải niệm nó hàng ngày.
Bấy giờ con quỉ dữ
Mới trở lại nguyên hình
Là đức vua thiên giới:
“Thật là điều tốt lành.
Vua biết trọng Chính Pháp,
Vậy thì sẽ có ngày
Vua cũng trở thành Phật,
Cứu độ thế gian này.”
Vừa dứt lời, lập tức
Vợ con Tu Lâu Bà
Lại xuất hiện, nguyên vẹn
Như không gì xẩy ra.
*
Vua Phạm Thiên cung kính
Thưa với Phật Thích Ca:
“Tiền kiếp Ngài ngày ấy
Là vua Tu Lâu Bà.
Vì chính pháp cao cả,
Ngài chẳng ngại hy sinh.
Giờ sao Ngài có thể
Nỡ bỏ rơi chúng sinh?”
Đức Phật nghe, suy ngẫm.
Cuối cùng Ngài gật đầu,
Và hứa sẽ ở lại
Như Phạm Thiên thỉnh cầu.
Nơi đầu tiên Ngài đến
Là khu vườn nhiệm màu
Ở nước Ba La Nại,
Để thuyết giảng lần đầu.
Kiều Trần Như có mặt
Trong số năm người nghe,
Sau thành đại đệ tử,
Tài đức thật nhiều bề.
Thái Bá Tân
MAN NƯƠNG PHẬT MẪU
1
Một pháp sư Ấn Độ
Đến truyền đạo nước ta
Vào thế kỷ mười một,
Tên là Khâu Đà La.
Ngài thường ở hang đá,
Đọc sách hoặc ngồi thiền,
Giảng giải về đạo Phật,
Khuyến khích xây chùa chiền.
Năm một một sáu chín,
Ngài đến chùa Cổ Châu
Truyền đạo và hoằng pháp,
Nay gọi là Chùa Dâu.
Trong chùa có cô gái,
Xinh đẹp, tên Man Nương,
Người làng Mèn gần đó,
Lo nấu nướng, dọn giường.
Môt hôm cô nấu cháo
Cho các sư ăn đêm.
Nấu xong, do mệt quá,
Cô ngủ thiếp ngoài thềm.
Một chốc sau, trời tối,
Khâu Đà La ra ngoài,
Bước qua người cô gái.
Và rồi cô có thai.
Khi thai được bốn tháng,
Ông Tu Đĩnh, cha cô,
Báo cho thiền sư biết.
Ngài bảo ông đừng lo.
Đó là con của Phật.
Tức là con của đời.
Sau này sẽ có ích
Cho tất cả mọi người.
Sau đúng mười bốn tháng,
Cô gái ấy, Man Nương,
Sinh được đứa con gái,
Khắp nhà đầy mùi hương.
Bảy ngày sau, vào núi,
Cô trả con cho sư.
Khâu Đà La nhận nó
Không một chút chần chừ.
Thiền sư bế đứa bé
Đi ngược theo sông Dâu,
Về phía chùa Phật Tích,
Nắng chang chang trên đầu.
Gặp cây phù dung cổ,
Cành và lá xùm xòa,
Ngài nói: “Đây, con Phật,
Ngươi giữ dùm cho ta.”
Thân cây phù dung ấy
Lập tức nứt làm đôi.
Ngài vuốt tóc đứa bé,
Đặt vào đó, và rồi
Từ từ, cây khép lại.
Thiền sư và Man Nương
Quay trở về làng cũ.
Sau, dừng lại dọc đường,
Ngài đưa chiếc xích trượng
Cho Man Nương, bảo cô
Mỗi khi có hạn lớn
Và ruộng đồng nứt khô,
Hãy cắm nó xuống đất,
Sẽ có nước chảy ra.
Man Nương nghe, kính cẩn
Mang xích trượng về nhà.
Về sau quả đúng thế.
Những năm hạn lâu ngày
Cô cắm nó xuống đất,
Nước chảy ào ra ngay.
Quan Thái thú Sĩ Nhiếp
Thấy lạ, hỏi sự tình.
Cô kể hết mọi chuyện,
Cả chuyện đứa con mình.
Sĩ Nhiếp không tin lắm,
Hỏi Đà La xem sao.
Sư làm lễ cầu vũ,
Trời đổ mưa ào ào.
2
Một hôm, người ta thấy
Có thân cây phù dung
Trôi dưới sông, to lắm.
Đến cửa chùa thì dừng.
Cây phát ra tiếng nhạc,
Lại nhấp nháy ánh đèn.
Quan Sĩ Nhiếp kinh ngạc,
Bèn cho người vớt lên.
Thế mà bao binh lính
Không vớt nổi thân cây.
Bà Man Nương biết chuyện,
Đến bảo nó thế này:
“Nếu con là con mẹ,
Thì hãy lên với ta.”
Bà ném chiếc dải yếm,
Nó trườn ngay lên bờ.
Thần báo mộng Sĩ Nhiếp
Phải cho người làm ngay
Bốn pho tượng Phật đẹp
Từ gỗ thân cây này.
Cả bốn bức tượng ấy
Bốn chùa đem về thờ,
Sau thành thiêng, nổi tiếng,
Còn giữ đến bây giờ.
Bà Man Nương sống thọ,
Chết năm tròn chín mươi.
Vị thiền sư người Ấn
Nghe nói bay lên trời.
Nơi ngài truyền đạo Phật,
Gần chùa Dâu hiện nay,
Còn có chiếc giường đá
Ngài vẫn nằm hàng ngày.
Giường đá linh thiêng ấy
Có tên là Thạch Sàng.
Được người dân thờ cúng,
Gìn giữ quí hơn vàng.
Về sau, dân sở tại
Dựng đền và miếu thờ
Thờ Man Nương Phật Mẫu,
Thờ cả đến bây giờ.
Thái Bá Tân
KINH HIỀN NGU
2
THÁI TỬ MA HA TÁT ĐÓA
HIẾN THÂN CHO HỔ ĂN THỊT
Lần nọ, ở Xá Vệ,
Chính tôi, A Nan Đà,
Cùng Đức Phật khất thực,
Một buổi sáng hiền hòa.
Khi mới vào thành phố,
Chúng tôi nhìn, giật mình,
Thấy lính vua đang giải
Hai người đi hành hình.
Đó là hai tên trộm,
Chuyên làm điều xấu xa.
Mẹ chúng đi bên cạnh,
Một phụ nữ đã già.
Vừa nhìn thấy Đức Phật,
Bà chạy đến, hồi lâu
Khóc, xin Ngài giúp đỡ
Để con khỏi mất đầu.
Ngài sai tôi theo lính
Thỉnh vua ở hoàng gia.
Vua nể tình Đức Phật,
Nên cuối cùng đã tha.
Cả ba người cúi rạp,
Cảm ơn Phật lòng lành,
Rồi xin Ngài cho phép
Được nhập đạo tu hành.
Đức Phật cười nhân hậu,
Đáp: “Thiện Lai Tỳ Kheo!”
Ngay lập tức, thật lạ,
Ba bộ quần áo nghèo
Thành cà-sa vàng chói.
Tóc trên đầu từ từ
Rụng cho đến khi hết.
Họ trở thành nhà sư.
Họ nghe Ngài thuyết pháp,
Tâm, thức ngộ, sáng dần.
Con chứng A La Hán,
Mẹ chứng A Na Hàm.
Được nhìn thấy sự lạ,
Tôi, tức A Nan Đà,
Liền quì gối cung kính
Bạch Đức Phật Thích Ca:
“Xin Thầy cho con biết
Ba người này trước đây
Làm được gì công đức
Để đắc đạo thế này?”
Phật bảo tôi đứng dậy,
Rồi thong thả, bắt đầu
Kể một câu chuyện lạ,
Có nội dung như sau.
*
Vô lượng kiếp về trước,
Ở một xứ rất xa,
Có ông vua vĩ đại,
Tên là La Đàn Na.
Vua có ba nghìn nước
Và ba người con trai.
Chàng Ma Ha Tát Đóa -
Con thứ ba của ngài.
Chàng là người đức lớn,
Lòng từ bi vô biên,
Thương yêu các loài vật,
Hiếu thảo và nhân hiền.
Một hôm, vua, hoàng hậu
Cùng thị nữ vào rừng,
Săn bắn và ăn uống,
Rồi múa hát tưng bừng.
Ba hoàng tử đi dạo,
Không may bị lạc đường.
Họ gặp ba con hổ,
Ốm yếu, gầy trơ xương.
Con hổ mẹ chờ chết,
Nhìn mà thật thương tình.
Chàng Ma Ha xúc động,
Bèn hỏi các anh mình:
“Ôi thương quá, hổ mẹ,
Bị đói, sữa không còn.
Nó thường ăn gì nhỉ,
Để có sữa nuôi con?”
Hai anh đáp: “Loài hổ
Rất thích ăn thịt người.
Ăn cả xương lẫn thịt,
Thích uống cả máu tươi.”
Chàng lặng im không nói,
Đi theo anh, cúi đầu,
Rồi bảo họ về trước,
Chàng có việc, về sau.
Chàng quay lại chỗ cũ,
Nơi hổ mẹ, hổ con
Đang thoi thóp chờ chết.
Mẹ đói, sữa không còn.
“Ta luôn sống no đủ,
Luôn nuông chiều xác thân,
Chưa làm được gì tốt,
Cái mà chúng sinh cần.
Tại sao ta không thể
Đổi cái Tham, Sân, Si,
Để cho hổ ăn thịt,
Lấy bất diệt, từ bi?
Ta sống thừa, vô ích.
Sao không lấy mạng mình
Cứu bầy hổ chết đói,
Cứu được ba sinh linh?”
Nghĩ thế, chàng hăm hở
Lăn vào chỗ hổ nằm,
Nhưng con hổ yếu quá,
Không mở nổi hàm răng.
Chàng lấy dao cứa cổ,
Dòng máu nóng trào ra.
Hổ liếm máu, tỉnh lại,
Ăn thịt chàng Ma Ha.
Lại nói vua, hoàng hậu
Và hai anh, hồi lâu
Không thấy chàng quay lại,
Liền đi vào rừng sâu.
Họ tới chỗ bầy hổ,
Nhưng chúng đã bỏ đi.
Chỉ sót ít xương vụn,
Ngoài ra không còn gì.
*
Kể vừa xong, Đức Phật
Bảo tôi, A Nan Đà:
“Chàng Ma Ha Tát Đóa
Là tiền kiếp của ta.
Sau khi cứu bầy hổ,
Chàng trở thành người trời
Ở cõi trời Đâu Suất,
Sống vĩnh cửu, muôn đời.
Còn con hổ mẹ đói
Là bà già hôm nay.
Hai hổ con của nó
Là hai chàng trai này.
Trước ta cứu mạng họ,
Giờ ta cứu linh hồn,
Cho họ thành đắc đạo,
Sống trong cõi càn khôn.”
Mọi người nghe, hoan hỉ,
Ngưỡng mộ thầy Thích Ca.
Rồi tất cả lễ phép
Cúi đầu chào, lui ra.
Thái Bá Tân
4
THẦN BIỂN VÀ NHỮNG NGƯỜI ĐI BUÔN
Lần nọ, ở Xá Vệ,
Chính tôi, A Nan Đà,
May mắn được chứng kiến
Chuyện này của Thích Ca.
*
Một đoàn thuyền hùng hậu
Gồm những năm trăm người
Định đi tìm châu báu
Giữa muôn trùng biển khơi.
Nhưng biển đầy nguy hiểm,
Chẳng biết đâu mà lường.
Họ cần một người giỏi
Để chỉ lối, dẫn đường.
Cuối cùng, Ưu Bà Tắc
Được chọn làm người này.
Ông tuân thủ ngũ giới,
Có tài ăn nói hay.
Thuyền đang đi, biển lặng,
Thần Biển bỗng ngoi lên
Dưới dạng một con quỉ,
Xấu xí, lông màu đen.
Trông thần thật dữ dội,
Cặp răng nanh trắng dài,
Mắt xanh, đầu bốc lửa,
Tay khua giáo ra oai.
Thần hỏi người đi biển:
“Ta hỏi thật, các ông
Đã thấy ai hung dữ,
Đáng sợ như ta không?”
Ưu Bà Tắc liền đáp:
“Ở đời này, thưa thần,
Rất nhiều người đáng sợ,
Đáng sợ gấp triệu lần.”
“Không thể có chuyện ấy.
Vậy họ là những ai?”
“Họ là người độc ác,
Ngu si và bất tài,
Nói dối và dâm dật,
Sát sinh và giết người,
Đắm mình trong tà đạo,
Phỉ báng Phật và Trời.
Nhưng điều đáng sợ nhất:
Tất cả những người này
Sẽ phải xuống địa ngục,
Bị đày đọa hàng ngày.
Họ sẽ bị bỏ đói,
Bị thiêu sống, bị đâm,
Bị nghiền thành bột nhỏ
Trong hàng nghìn triệu năm.
Vậy thì họ chắc chắn
Đáng sợ hơn còn gì?”
Thần Biển nghe, thu giáo.
Và đoàn thuyền lại đi.
Mấy ngày sau, lần nữa
Thần Biển lại hiện lên
Dưới dạng một phù thủy,
Gầy, nhăn nhó, xấu, đen.
Thần hỏi người đi biển:
“Ta hỏi thật, các ông
Đã thấy ai ghê tởm,
Xấu xí như ta không?”
Ưu Bà Tắc liền đáp:
“Ở đời này, thưa thần,
Rất nhiều người xấu xí,
Xấu xí gấp triệu lần.”
“Không thể có chuyện ấy.
Vậy họ là những ai?”
“Họ là người độc ác,
Ngu si và bất tài.
Họ tham của, keo kiệt,
Bỏ không nuôi mẹ cha,
Không cúng dàng, làm phúc,
Chỉ tôn thờ ma tà.
Chết, họ thành quỉ đói,
Người mụn nhọt đen xì.
Người như thế mới xấu,
Chứ thần đã thấm gì!”
Thần Biển nghe, lần nữa,
Cho đoàn thuyền đi qua.
Thần làm biển yên tĩnh,
Gió lặng và hiền hòa.
Được ít hôm Thần Biển
Lại xuất hiện, lần này
Là một cô gái đẹp,
Đẹp tuyệt trần xưa nay.
Thần hỏi người đi biển:
“Ta hỏi thật, các ông
Đã thấy ai, quả thật,
Xinh đẹp như ta không?”
Ưu Bà Tắc liền đáp:
“Ở đời này, thưa thần,
Rất nhiều người xinh đẹp,
Xinh đẹp gấp triệu lần.”
“Không thể có chuyện ấy.
Vậy họ là những ai?”
“Họ là người đức độ,
Thông minh và có tài.
Họ thờ ngôi Tam Bảo,
Chuyên tâm việc cúng dàng,
Chăm làm các việc thiện,
Tướng mạo rất đàng hoàng.
Khi chết, những người ấy
Được tái sinh trên trời.
Phúc đức và viên mãn,
Khuôn mặt họ sáng ngời.
Họ thật sự mới đẹp,
Đẹp cả ngoài lẫn trong,
Gấp triệu lần cái đẹp
Cô gái này của ông.”
Thần nghe, thấy hợp lẽ.
Ưu Bà Tắc giúp thần
Hiểu giáo lý của Phật
Và con đường pháp luân.
Nên thần làm biển lặng,
Tặng rất nhiều bạc vàng,
Còn gửi lễ dâng Phật
Và châu báu cúng dàng.
Họ quay thuyền trở lại.
Tất cả năm trăm người,
Bố thí hết của cải
Rồi tay không, thảnh thơi,
Họ đến quì trước Phật,
Xin một lòng qui theo.
Đức Phật rất hoan hỉ,
Nói: “Thiện Lai Tỳ kheo!”
Ngay lập tức, tất cả
Biến thành người trọc đầu.
Quần áo cũ đang mặc
Thành cà-sa cùng màu.
Họ nghe Ngài giảng pháp,
Nghe như uống từng lời,
Chứng quả A La Hán,
Và hiển danh muôn đời.
Mọi người thấy, hoan hỉ,
Ngưỡng mộ thầy Thích Ca.
Rồi tất cả lễ phép
Cúi đầu chào, lui ra.
Thái Bá Tân
6
THÁI TỬ TU XÀ ĐỀ
Chính tôi được chứng kiến,
Phật Thích Ca mâu Ni
Ở Tịnh xá Vườn Trúc,
Thuộc nước La Duyệt Kỳ.
Lúc ấy, tôi và Phật
Đang khất thực trong thành,
Thấy hai ông bà lão
Mù, trú dưới tháp canh.
Hai ông bà chỉ có
Một thằng bé lên mười.
Nó ăn xin, có được
Cái gì ngon và tươi
Đều nhường cho bố mẹ.
Còn mình thì chỉ ăn
Những cái thiu và thối,
Hoặc nhịn đói, nhiều lần.
Tôi kể lại với Phật
Tấm gương hiếu thảo này.
Phật đáp, ai có hiếu
Đều hưởng phước xưa nay.
Rồi Ngài bắt đầu kể
Một câu chuyện về mình.
Chuyện ngày xưa, kiếp trước,
Cảm động và chân tình.
*
Xưa, ở Châu Diêm Phủ
Có nước rộng bao la
Là Đặc Xoa Thi Lợi,
Vua tên là Đề Bà.
Con vua, mười hoàng tử,
Có nước riêng của mình.
Thiện Trụ là con út,
Nước giàu và thái bình.
Ở nước vua thời ấy,
Quan tể tướng La Hầu
Là một người độc ác,
Thích quyền lực, thích giàu.
Hắn âm mưu làm phản,
Giết chết vua Đề Bà,
Rồi cho người mưu giết
Các hoàng tử gần xa.
Trong khi ấy, Thiện Trụ
Vẫn không hay biết gì.
May được quỉ mật báo,
Khuyên lên đường trốn đi.
Vì gấp gáp, Thiện Trụ
Đưa hoàng hậu và con
Cùng bảy ngày lương thực,
Quyết vượt núi trèo non,
Đi đến nước người bạn,
Ước tính mất bảy ngày.
Nhưng do đường giặc chặn,
Họ đổi hướng, không may
Cuối cùng lương thực hết,
Ăn rễ, lá cầm hơi.
Vua Thiện Trụ thầm nghĩ:
Buộc phải giết một người.
Giết để lấy máu thịt,
Hai người còn lại ăn.
Nếu không, sẽ chết hết.
Một quyết định khó khăn.
Người vua quyết định giết
Là hoàng hậu, vợ ông.
Khi cầm dao định chém,
Dẫu thầm khóc trong lòng,
Thì người con, thái tử,
Tên là Tu Xà Đề,
Lúc ấy còn ít tuổi,
Hỏi ông định làm gì.
Ông đáp, phải giết mẹ
Để lấy thịt nuôi con.
“Bố cho con được chết.
Vì khi mẹ vẫn còn,
Mẹ sẽ sinh con khác.
Vậy xin phép từ nay,
Con cắt hai miếng thịt
Nuôi bố mẹ hàng ngày.
Bố và mẹ phải sống
Để trả thù cho ông,
Để lấy lại đất nước.
Con chết cũng cam lòng.
Không còn cách nào khác,
Nhà vua phải nghe lời.
Hàng ngày cậu cắt thịt,
Nuôi bố mẹ cầm hơi.
Cứ thế, họ đi tiếp,
Khi đích sắp đến gần.
Cậu không đi được nữa,
Bèn nói với hai thân:
“Hãy để con ở lại.
Bố mẹ tiếp tục đi.
Chắc nửa ngày nữa đến.
Con không ân hận gì.”
Thái tử nằm trên đất,
Một mình giữa rừng xanh,
Rồi cất lời phát nguyện,
Sâu sắc và chân thành:
“Con thành tâm kính lạy
Các Đại giác Thập phương
Cùng Hùng Sư Tam Thế,
Mấy ngày qua, đi đường,
Con tự mình xẻo thịt
Để nuôi hai thân con,
Trước, tỏ lòng báo hiếu,
Sau, để cứu giang sơn.
Xin chư vị cứu xét
Việc làm ấy của mình,
Đặng cho con thành Phật
Để cứu độ chúng sinh.”
Vừa dứt lời phát nguyện,
Liền chấn động sáu lần
Cả ba nghìn thế giới,
Trời lung lay dưới chân.
Các cõi trời Dục Giới
Và Sắc Giới ngạc nhiên,
Sao lại có sự lạ
Làm rung chuyển Cõi Thiên?
Nhìn xuống thì chợt thấy
Thái tử Tu Xà Đề
Cắt thịt nuôi bố mẹ,
Đau đớn cũng chẳng nề.
Vua Đế Thích bay xuống,
Lạy, rồi nói thế này:
“Ngài là tấm gương sáng
Về hiếu thảo xưa nay.
Vậy xin phép được hỏi,
Ngài làm việc phi thường,
Hướng về ngôi Đế Thích,
Hay Phạm Thiên, Ma Vương?”
“Tôi chỉ muốn thành Phật
Để cứu độ chúng sinh,
Không muốn làm ai khác,
Mong sung sướng, yên bình.”
Rồi Đế Thích lại hỏi:
“Ngài hối hận gì không?”
“Tuyệt không hề hối hận,
Và rất thảnh thơi lòng.”
Nói đoạn, cậu phát nguyện:
“Thưa chư vị bốn phương,
Nếu quả tôi nói thật,
Xin cho lại bình thường!”
Lập tức, người thái tử
Liền trở lại nguyên lành.
Vua Đế Thích sụp lạy,
Khen thái tử chí thành.
Lại nói vua Thiện Trụ
Và hoàng hậu về sau,
Được nước bạn giúp đỡ,
Giết hết bọn La Hầu.
Đất nước lại thịnh trị.
Thái tử Tu Xà Đề
Được mọi người kính trọng,
Ân đức đủ mọi bề.
*
Kể đến đây, Đức Phật
Bảo tôi, A Nan Đà:
“Thiện Trụ và hoàng hậu
Là hai thân của ta.
Tu Xà Đề ngày ấy
Chính là ta hôm nay.
Nhờ cứu sống bố mẹ,
Được thành Phật thế này.”
Mọi người nghe, hoan hỉ,
Ngưỡng mộ thầy Thích Ca.
Rồi tất cả lễ phép
Cúi đầu chào, lui ra.
Thái Bá Tân
5
NGƯỜI CON CẦU TỰ
Chính tôi được chứng kiến,
Phật Thích Ca Mâu Ni
Ở Tịnh xá Vườn Trúc,
Thuộc nước La Duyệt Kỳ.
Có một ngôi đền nhỏ
Bên dòng sông hiền hòa,
Thờ vị thần thiêng lắm,
Là Ma Ni Bạt La.
Quan tể tướng nước ấy
Mãi không có con trai,
Nghe tiếng, liền tìm đến,
Dâng lễ, nói với ngài:
“Ngài thiêng, hãy giúp đỡ,
Cho tôi một mụn con.
Tôi lấy vàng đúc tượng,
Chùa sẽ quét sơn son.
Nếu không, xin đừng trách,
Tôi san phẳng chùa này.
Mặt ngài tôi băm nhỏ,
Rồi ngài sẽ biết tay!”
Rồi tể tướng quay gót,
Không nói thêm một lời.
Thần Bạt La sợ quá,
Lên tâu với Vua Trời.
Cũng vừa hay lúc đó,
Có người sắp chết già.
Vua Trời bảo người ấy
Hãy giúp thần Bạt La.
Tức đầu thai lần nữa,
Kiếp này làm con trai
Của một quan tể tướng,
Sẽ thành người hiền tài.
Vợ quan tể tướng ấy
Một năm sau có con,
Đủ tất cả tướng đức,
Rồi nhanh chóng lớn khôn.
Hai vợ chồng mừng lắm,
Mời thầy tướng đến nhà,
Đặt tên Hằng Gia Đạt,
Khi cậu vừa lên ba.
Khi lên mười lăm tuổi,
Cậu đã hiểu rằng đời
Không có gì vững chắc,
Mọi cái chỉ nhất thời.
Và rằng người đau khổ
Chính vì Tham, Sân, Si.
Rồi cậu xin phép bố
Cho xuất gia qui y.
Tể tướng không đồng ý,
Nói nhà mình giàu sang,
Nên cậu phải nối nghiệp
Để tiêu hết bạc vàng.
Thế là cậu từ đó
Trở thành người u sầu,
Sách vở không buồn đọc,
Cũng chẳng muốn đi đâu.
Cậu tìm cách tự tử,
Nỗi buồn nặng trong tim.
Nhưng treo cổ, không chết,
Nhảy xuống sông, không chìm.
Cuối cùng cậu quyết định
Phạm tội, cốt để mình
Bị nhà vua cho lính
Bắt, đem đi hành hình.
Một sáng nọ, hoàng hậu
Cùng cung nữ của bà
Ra vườn Thượng Uyển tắm,
Áo vắt cành cây đa.
Cậu rón rén đi lại,
Lấy quần áo, giả đùa.
Ngay lập tức có lính,
Đến bắt cậu, trình vua.
Vua nổi giận, ra lệnh
Đem ngay ra pháp trường.
Lính giương cung rồi bắn,
Nhưng trái với bình thường,
Các mũi tên được bắn
Quay lại phía nhà vua.
Hằng Gia Đạt, tội phạm,
Thì đứng trơ, cười đùa.
Ba lần đều như thế.
Vua thấy lạ, tò mò,
Bèn cho gọi cậu đến,
Bắt kể hết nguyên do.
Nghe xong, vua liền nói:
“Chỉ có thế thôi à?
Ngày mai ta dẫn cậu
Tới gặp Phật Thích Ca!”
Đúng hẹn, vua thỉnh Phật,
Liền cho cậu đi theo.
Biết chuyện, Phật hoan hỉ
Nói: “Thiện Lai Tỳ kheo!”
Lập tức Hằng Gia Đạt
Bỗng thấy mình trọc đầu.
Chiếc áo bẩn đang mặc
Thành cà-sa sẫm màu.
Cậu nghe Phật thuyết pháp,
Tâm ý khai ngộ dần,
Chứng quả A La Hán,
Học được sáu “pháp thần”,
Cùng tám pháp “giải thoát”
Còn thêm ba pháp “minh”.
Hằng Gia Đạt từ đấy
Thành hiền tài, hiển vinh.
Thấy vậy, A Xà Thế,
Tên ông vua nước này,
Liền quì xuống trước Phật:
“Xin Ngài nói cho hay,
Con người này tiền kiếp
Đã làm được điều gì
Để tự tử không chết,
Và nhanh chóng qui y?”
Phật dạy: “Xưa, lâu lắm,
Có ông vua rất giàu,
Tên là Phạm Ma Đạt.
Một hôm cùng nàng hầu,
Vua vào rừng đi dạo,
Rồi ăn uống no say,
Cùng múa hát vui vẻ.
Thật vui chuyến đi này.
Khi mỹ nữ đang hát
Thì bất chợt bên ngoài
Có ai đấy họa lại,
Nghe văng vẳng bên tai.
Vua tức giận, ra lệnh
Bắt người ấy hành hình.
May có quan tể tướng,
Đi ngang, biết sự tình.
Quan xin vua tha tội.
Con người này về sau,
Để trả ơn tể tướng,
Tự nguyện làm người hầu.
Trung thành và tận tụy,
Ông hầu hạ nhiều năm,
Rồi xin được lên núi
Để tu hành, tĩnh tâm.
Ông nhanh chóng đắc đạo,
Khai ngộ được tinh thần,
Trở thành Bích Chi Phật,
Hiểu thấu mọi nguồn nhân.
Ông còn giúp tể tướng,
Vốn là ân nhân mình,
Thấu hiểu giáo lý Phật,
Thoát khỏi vòng vô minh.
Kể đến đây, Đức Phật
Nói với vua thế này:
“Ông quan tể tướng ấy
Là Gia Đạt ngày nay.
Bởi duyên lành kiếp trước,
Nên được ta độ trì,
Tự tử mà không chết,
Và nhanh chóng qui y.”
Mọi người nghe, hoan hỉ,
Ngưỡng mộ thầy Thích Ca.
Rồi tất cả lễ phép
Cúi đầu chào, lui ra.
Thái Bá Tân
7
CÔNG CHÚA BA XÀ LA
Lần nọ, ở Xá Vệ,
Chính tôi, A Nan Đà,
May mắn được chứng kiến
Chuyện này của Thích Ca.
Đức vua Ba Tư Nặc,
Một ông vua hiền hòa,
Cưới hoàng hậu Mạt Lợi,
Sinh nàng Ba Xà La.
Bố mẹ thì xinh đẹp,
Không hiểu sao nàng này
Lại cực kỳ xấu xí,
Xấu xí nhất xưa nay.
Da nàng như da cóc,
Hình dáng chẳng giống người.
Tóc cứng như lông ngựa,
Cái miệng méo như cười.
Cả vua và hoàng hậu
Lấy thế làm buồn rầu,
Nuôi nàng như công chúa,
Nhưng giấu kỹ, rất sâu.
Đến tuổi nàng khôn lớn,
Tức là tuổi lấy chống,
Họ lại càng khó nghĩ:
Có gả chồng hay không?
Quan trong triều không ít,
Nếu ép, họ cũng nghe,
Nhưng sau sẽ xấu hổ,
Lại phiền toái nhiều bề.
Cuối cùng họ quyết định
Gả cho anh dân thường,
Một chàng trai khỏe mạnh,
Thấy đang đi giữa đường.
Đức vua Ba Tư Nặc
Khi gặp, rất thật lòng,
Nói con ngài xấu lắm,
Anh có chịu lấy không.
Anh kia liền đồng ý.
Đang nghèo rớt mồng tơi,
Tự nhiên thành phò mã.
Coi như cuộc đổi đời.
Nhưng anh và công chúa
Phải sống trong hậu cung,
Không để ai nhìn thấy,
Không bao giờ đi cùng.
Đất nước đang thịnh trị,
Nhiều trò vui cung đình,
Nhưng anh chàng phò mã
Cứ luôn đi một mình.
Mọi người lấy làm lạ,
Nghĩ chắc vợ anh chàng
Hoặc là người rất xấu,
Hoặc xinh như bà hoàng.
Rồi các quan quyết định
Tự mình tìm hiểu xem.
Nhân một hôm dạ tiệc,
Họ chuốc chàng say mèm.
Họ lục lấy chìa khóa,
Bảy chìa khóa vào nhà,
Mở hết bảy cánh cổng
Để thấy Ba Xà La.
Lại nói công chúa xấu,
Chồng đi chơi một mình,
Ở nhà buồn, phát khóc,
Ngẫm éo le cảnh tình.
Nàng nghĩ xưa nay Phật
Vẫn ra ân cứu đời,
Sao mình không nhờ Phật
Cứu mình như mọi người.
Nói đoạn, nàng sắm lễ,
Hướng về núi Linh Sơn,
Thành tâm cầu nguyện Phật
Ban phước và ban ơn.
Lời cầu rất đau đớn,
Và thống thiết, chân thành.
Phật đến, cho nàng thấy
Mái tóc Ngài màu xanh.
Lập tức, nàng thấy tóc
Mềm xanh như tóc Ngài.
Ngài để lộ khuôn mặt
Khi đến lần thứ hai.
Nàng nhìn khuôn mặt Phật,
Tự nhiên thấy mặt mình
Tươi sáng như vành ngọc
Với những đường nét xinh.
Lần thứ ba xuất hiện,
Ngài để lộ toàn thân.
Một cơ thể tuyệt đẹp,
Đẹp hơn cả chư thần.
Vậy là, ngay lập tức,
Các đường nét người nàng
Bỗng trở nên tuyệt mỹ,
Thanh lịch và dịu dàng.
Sau đó Ngài giảng pháp.
Nàng lắng nghe từng lời
Như uống nước cam lộ,
Như mật ngọt của đời.
Một lúc sau nàng ngộ,
Mọi nghiệp chướng tiêu tan.
Đầu óc thấy sáng suốt,
Chứng quả Tu Đà Hoàn.
*
Lại nói mấy quan nọ,
Tìm đến được nhà nàng
Khi Phật vừa lui gót.
Họ sững sờ, bàng hoàng
Khi thấy nàng công chúa
Đẹp nghiêng nước nghiêng thành.
Không có gì để nói,
Họ kiếm cớ chuồn nhanh.
Chàng phò mã say bét
Cuối cùng cũng về nhà,
Ngạc nhiên thấy người đẹp
Thay cho Ba Xà La.
Rồi mọi việc sáng tỏ.
Sáng hôm sau hai người
Gặp vua và hoàng hậu.
Vui không nói nên lời.
Để tạ ơn Đức Phật,
Vua sắm lễ rất to,
Rồi xin Ngài giải thích
Cặn kẽ mọi nguyên do.
*
Đức Phật rất hoan hỉ,
Kể câu chuyện như sau.
Cách đây nghìn vạn kiếp
Có một ông nhà giàu.
Ông giàu này phát nguyện
Sẽ suốt đời cúng dàng
Một vị Bích Chi Phật,
Rất tốt, rất đàng hoàng.
Nhưng thân dáng ông xấu,
Có thể nói dị hình,
Nên con gái ông chủ
Thường tỏ ý coi khinh.
Tuy nhiên, Bích Chi Phật
Không nói lại một câu.
Sau thấy ông đắc quả,
Làm được các phép màu,
Cô này rất hối hận,
Cúi đầu xin ông tha.
Cô gái ấy, Phật nói
Chính là Ba Xà Na.
Kể đến đây, Đức Phật
Liền nhắc nhở mọi người
Khiêm tốn trong cư xử,
Cẩn thận khi nói lời.
Mọi người nghe, hoan hỉ,
Ngưỡng mộ thầy Thích Ca.
Rồi tất cả lễ phép
Cúi đầu chào, lui ra.
Thái Bá Tân
3
ĐI Ở LẤY TIỀN CÚNG DÀNG
Một lần, ở Xá Vệ,
Chính tôi, A Nan Đà,
May mắn được chứng kiến
Chuyện này của Thích Ca.
Có một ông trưởng giả
Sinh con trai, cậu này
Rất thông minh, đẹp đẽ,
Ra đời, đã nói ngay.
Cậu bé liền hỏi mẹ:
“Có phải Phật Thích Ca,
Tôn giả Xá Lợi Phất,
Tôn giả A Nan Đà
Vẫn đang còn tại thế,
Và đang sống ở đây?”
Mẹ cậu đáp: “Đúng vậy”,
Thầm ngạc nhiên điều này.
Nên bà liền vội vã
Đến gặp Phật Thích Ca,
Đem kể hết mọi chuyện.
Ngài nghe xong, bảo bà:
“Không việc gì phải sợ.
Đứa bé này dần dần
Sẽ trở nên vinh hiển,
Cả cõi thiên, cõi nhân.”
Ngày hôm sau đứa bé
Bảo bố mẹ mời Ngài
Cùng chư tăng, phật tử
Đến nhà mình thọ trai.
Bố mẹ cậu mới kịp
Bày bát lên bàn ăn
Họ đã thấy trong bát
Có đủ thứ mình cần.
Hôm ấy Phật đến dự,
Ngài rất vúi, trai xong,
Thăng tọa, ngồi yên tĩnh,
Thiền định cùng đám đông.
Cậu bé lớn, theo Phật,
Rất chăm chỉ tu hành,
Chứng quả A La Hán,
Có đức và có danh.
Thấy sự lạ như vậy,
Tôi, tức A Nan Đà,
Quì xuống, rất cung kính,
Bạch Đức Phật Thích Ca:
“Xin Thế Tôn cho biết
Vì sao cậu bé này
Sinh vào nhà giàu có,
Vừa tu đã chứng ngay?”
Phật đáp rằng cậu bé
Xưa là con một người
Ở nước Ba La Nại,
Bỗng sa cơ, lỡ thời.
Bố mẹ chết, nghèo khổ,
Để có tiến cúng dàng,
Cậu phải làm thằng ở
Một năm, lấy lạng vàng.
Với số tiền kiếm được,
Cậu sửa soạn trai nghi,
Mua sắm các lễ vật,
Dâng Phật và tăng ni.
Kể tới đây, Đức Phật
Nói với tôi thế này:
“Cậu bé đi ở nọ
Là cậu bé ngày nay.
Và rằng người nghèo khổ
Làm thuê để cũng dàng
Sẽ được hưởng nhân phúc
Và đắc đạo dễ dàng.”
Mọi người nghe, hoan hỉ,
Ngưỡng mộ thầy Thích Ca.
Rồi tất cả lễ phép
Cúi đầu chào, lui ra.
Thái Bá Tân
KINH HIỀN NGU
8
TỲ KHEO KIM TÀI
Lần nọ, ở Xá Vệ,
Chính tôi, A Nan Đà,
May mắn được chứng kiến
Chuyện này của Thích Ca.
Ngoài tôi ra còn có
Một nghìn hai trăm người,
Các chư tôn, đệ tử
Nguyện theo Phật suốt đời.
Có ông đại trưởng giả
Sinh được người con trai,
Dung mạo rất tốt đẹp,
Rất cân đối hình hài.
Tuy nhiên có sự lạ:
Hai tay cậu bé này
Mới sinh đã nắm chặt.
Khi bà mẹ gỡ tay,
Mọi người càng lạ nữa,
Vì hai đồng tiền vàng
Liền rơi ngay xuống đất.
Ai thấy cũng ngỡ ngàng.
Sau đó, tay lại nắm,
Được gỡ ra, và rồi
Thêm hai đồng vàng nữa.
Cứ thế mãi không thôi.
Vậy là đại trưởng giả
Đã giàu càng thêm giàu.
Đến mức vàng nhiều quá
Không biết để vào đâu.
Lớn lên cậu bé ấy
Xin phép mẹ và cha
Đưa cậu đến tịnh xá
Gặp Đức Phật Thích Ca.
Nhìn thấy Ngài, lập tức
Cậu sụp lạy xin theo.
Đức Phật rất hoan hỉ,
Nhận cậu làm tỳ kheo.
Kể từ ngày hôm ấy,
Tỳ kheo mới Kim Tài
Được Đức Phật ưu ái
Cho đi theo hầu Ngài.
Khi cậu hai mươi tuổi,
Các đại đức đăng đàn
Truyền cho giới Cụ Túc,
Rồi lại ngồi xuống bàn.
Hôm ấy, theo nghi thức,
Cậu đỉnh lễ từng người.
Mỗi lần cúi xuống lễ,
Hai đồng vàng lại rơi.
Được ban giới Cụ Túc,
Kim Tài chăm tu hành,
Chứng quả A La Hán,
Thành một người hiển danh.
Thấy sự lạ như vậy,
Nên tôi, A Nan Đà,
Muốn biết rõ duyên cớ,
Bèn hỏi Phật Thích Ca.
Ngài kể một câu chuyện,
Cho tôi và mọi người:
“Cách đây chín mốt kiếp
Có Đức Phật ra đời.
Đức Phật ấy thông tuệ
Hiệu là Tỳ Bà Thi.
Ngài cứu giúp dân chúng
Thoát khỏi Tham, Sân, Si.
Ngài và các đệ tử
Thường khất thực khắp nơi.
Ai cũng dâng lễ vật,
Trong đó có một người,
Nghèo, vừa bán gánh củi
Chỉ được hai đồng tiền,
Tiền ăn cả mấy bữa,
Thấy Phật, đã cúng liền.
Trải qua chín mốt kiếp,
Con người ấy đầu thai
Vào những nhà giàu có,
Và nay là Kim Tài.”
Kể xong, Ngài nhắc nhở
Tất cả mọi chúng sinh
Phải lưu tâm bố thí,
Cho đời, tức cho mình.
Mọi người nghe, hoan hỉ,
Ngưỡng mộ thầy Thích Ca.
Rồi tất cả lễ phép
Cúi đầu chào, lui ra.
Thái Bá Tân
9
TỲ KHEO BẢO THIÊN
Lần nọ, ở Xá Vệ,
Chính tôi, A Nan Đà,
May mắn được chứng kiến
Chuyện này của Thích Ca.
Trong thành có trưởng giả
Sinh được người con trai,
Mặt mũi rất xinh đẹp,
Rất cân đối hình hài.
Có một điều thật lạ,
Là lúc cậu ra đời,
Nhiều vàng bạc, châu báu
Rơi xuống từ trên trời.
Láng giềng đến chúc tụng,
Nhân tiện nhặt ít vàng.
Chắc đây là phần thưởng
Việc kiếp trước cúng dàng.
Bố mẹ nhờ thầy tướng
Xem số và đặt tên.
Tiền rơi từ trời xuống,
Thì cứ gọi Bảo Thiên.
Bảo Thiên rất thông tuệ,
Lại chăm chỉ sách đèn,
Nên sớm hiểu đạo lý,
Biết cái sang, cái hèn.
Ngẫu nhiên một lần nọ
Cậu được gặp Thích Ca,
Nghe lỏm Ngài giảng pháp,
Tâm trí sáng dần ra.
Rồi được phép bố mẹ,
Cậu xin Phật cho theo.
Đức Phật rất hoan hỉ,
Nói: “Thiện Lai Tỳ kheo!”
Lập tức tóc cậu rụng,
Quần áo thành cà sa.
Kể từ ngày hôm đó
Cậu theo hầu Thích Ca.
Nhờ chuyên tâm tu luyện,
Kinh kệ học thuộc làu
Nên chứng A La Hán
Chỉ một thời gian sau.
Nhân một buổi vấn đạo,
Tôi, tức A Nan Đà,
Muốn biết rõ duyên cớ,
Đã hỏi Phật Thích Ca.
Ngài bèn kể câu chuyện
Về Bảo Thiên qui y:
Cách đây đã lâu lắm,
Thời Phật Tỳ Bà Thi.
*
Phật và các đệ tử
Khất thực ở các làng,
Được người dân yêu mến
Đem thức ăn cúng dàng.
Có một người yêu Phật,
Nhưng khốn nỗi quá nghèo,
Không có cả hạt gạo
Để bố thí tỳ kheo.
Cuối cùng, lòng thành kính,
Bốc nắm sỏi nhiều màu,
Anh tung lên đầu họ,
Rồi phát nguyện thỉnh cầu.
Nhờ thế mà người ấy,
Chín mốt kiếp sau này
Đầu thai nhà giàu có
Rồi chứng quả ngày nay.
Mọi người nghe, hoan hỉ,
Ngưỡng mộ thầy Thích Ca.
Rồi tất cả lễ phép
Cúi đầu chào, lui ra.
***********
Thái Bá Tân
6 hrs ·
285
Tôi có thể không thích
Điều anh nói với tôi.
Nhưng tôi phải cho phép
Anh được nói với tôi.”
Voltair nói câu ấý
Còn nổi tiếng đến nay.
Thậm chí ông thà chết
Để tôn trọng quyền này.
286
Chết không phải bi kịch.
Bi kịch là khi ta
Để cái gì đó chết
Dân dần trong chúng ta.
287
Bạn bè thực sự tốt,
Ta ngã thì nâng lên.
Chứ không phải chờ chết
Đến để thắp hương, đèn.
288
Người thông minh biết học
Cái gì đó hàng ngày.
Người thông thái biết bỏ
Cái gì đó hàng ngày.
289
Einstein từng nói:
Đừng vội vã khen chê.
Biết thì ai cũng biết.
Hiểu mới là vấn đề.