Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tôi muốn hạnh phúc (thơ)

13/06/201505:25(Xem: 7791)
Tôi muốn hạnh phúc (thơ)

minh_hoa_quang_duc (6)
TÔI MUỐN HẠNH PHÚC

Một người hỏi Đức Phật:
“Bạch Như Lai từ bi,
Tôi muốn có hạnh phúc.
Vậy thì phải làm gì?”
Đức Phật đáp: “Trước hết
Anh phải bỏ chữ “Tôi”.
Tiếp đến bỏ chữ “Muốn”.
Chỉ hai chữ đó thôi.
Vì “Tôi” là ích kỷ.
“Muốn” là mong, là tham.
Bỏ nó, anh hạnh phúc,
Trong ý nghĩ, việc làm.”

Thái Bá Tân


PHẬT DI LẶC
1
Theo Kinh Phật, Di Lặc
Cùng thời với Thích Ca,
Sinh ở Nam Ấn Độ,
Hiệu là A Dật Đa.
Ngài xuất thân quí tộc,
Đẳng cấp Bà La Môn,
Bỏ nhà tìm chân lý,
Diệt khổ và trường tồn.
Di Lặc là tiếng Phạn,
Tức là lòng thương người.
Một ông già to béo
Với nụ cười rất tươi.
Di Lặc sẽ thành Phật,
Tức là Phật thứ năm
Kế tiếp Thích Ca Phật,
Sau ba mươi nghìn năm.
Trong khi chờ thành Phật,
Ngài ngụ ở cung trời
Có tên là Đâu Suất,
Hóa kiếp đi khắp nơi.
Dẫu mới là Bồ Tát,
Người dân nước Trung Hoa
Luôn coi ngài là Phật.
Cũng thế ở nước ta.
Ngài được thờ rất sớm,
Ngay từ thời Tây Tần
Đã có tranh Di Lặc
Ngồi chống cằm, tréo chân.
Hoặc hình Ngài đang bước,
Mũ lá đội trên đầu,
Tay cầm chiếc bình nước,
Cằm nhẵn nhụi không râu.
Về sau phổ biến nhất
Là hình Ngài đang ngồi
Với cái bụng rất phệ
Và nụ cười trên môi.
Dân gian gọi “Tiếu Phật”,
Tức là ông Phật cười,
“Di Lặc Phật bụng phệ”
Hoan hỷ với mọi người.
Một hình ảnh quen thuộc,
Thật đáng yêu ông già,
Người mang lại tiền bạc
Niềm vui cho mọi nhà.
2
Di Lặc có nhiều kiếp.
Vào thế kỷ thứ mười
Là Bố Đại hòa thượng,
Với chiếc túi trên người.
Bố đại là túi vải.
Ngài đi khắp đó đây,
Truyền đạo, làm việc thiện
Với chiếc túi vải này.
Ngài người thấp, to béo,
Cái bụng phệ khác thường.
Quần áo rất tùy tiện,
Ăn và ngủ dọc đường.
Ngài thích đùa vua vẻ,
Trẻ con theo rất đông.
Nhiều đứa bá lên cổ
Hay nhảy tót vào lòng.
Khi Ngài đi khất thực,
Hễ ai cho cái gì
Là Ngài nhét vào túi,
Cười hề hề rồi đi.
Ngài mở túi khi đói,
Lấy ra ăn kỳ no.
Nếu có người đứng cạnh
Muốn ăn, Ngài cũng cho.
Ngài là thần may mắn.
Các quán trọ tranh nhau
Mời Ngài vào ăn nghỉ,
Hy vọng sẽ phát giàu.
Lần nọ, Ngài nghỉ lại
Nhà một bác nông dân.
Trong bữa ăn, bà vợ
Cứ luôn miệng cằn nhằn,
Rằng mùa thì đói kém
Mà phải nuôi báo cô
Ông sư này dở tính
Ăn nhiều vì bụng to.
Ngài nghe xong đứng dậy,
Đổ cơm vào gốc cây.
Tự nhiên nồi nhà ấy
Đang vơi lại thành đầy.
Hai vợ chồng kinh ngạc,
Chạy theo xin lỗi Ngài,
Nhưng Ngài không thèm đáp,
Phanh bụng phệ ra ngoài.
Lần khác, Ngài thích thú
Đang tắm mát dưới sông.
Lũ trẻ trộm quần áo,
Thế là Ngài tồng ngồng
Vừa đuổi theo vừa mắng.
Mấy bà nhìn, cười thầm,
Thấy chim Ngài bé tí
Như chim trẻ lên năm.
Nhưng rồi họ sụp lạy
Khi thấy trên lưng Ngài
Bốn con mắt tỏa sáng
To như mắt con nai.
Không ít người tinh nghịch,
Thấy Ngài hiền, nhiều khi
Cướp chiếc túi bỏ chạy.
Ngài chỉ cười khì khì.
Nhưng lát sau, thật lạ,
Chiếc túi vải của Ngài,
Như không hề bị cướp,
Lại lủng lẳng trên vai.
Khi đi tới làng nọ,
Ngài thấy một anh chàng
Đang mài dao chuẩn bị
Giết thịt con bò vàng.
Ngài dừng lại và nói:
“Anh biết kiếp luân hồi.
Nó là người kiếp trước.”
Anh chàng kia liền thôi.
Cuối cùng Ngài nhập diệt
Gần ngôi chùa Nhạc Lâm,
Trên một bàn thạch lớn,
Tư thế thảnh thơi nằm.
Nhưng đó chỉ một kiếp.
Ngài còn sống quanh ta
Chờ ba vạn năm nữa
Thành Phật, sau Thích ca.
Người ta xây ngôi tháp
Thờ Ngài ở Phong Sơn.
Kể từ ngày có tháp
Cây cối bỗng xanh rờn.
Lạ nữa, ở núi ấy
Vốn là chỗ cằn khô,
Bống có nhiều mạch nước,
Nước tích đọng thành hồ.

Thái Bá Tân


TAM TẠNG KINH
Bốn chín năm hành Đạo,
Đức Phật Tổ anh minh
Để lại cho trần thế
Tất cả năm bộ Kinh.
Đó là lời thuyết pháp
Và lời dạy của Ngài
Cho chúng sinh đệ tử
Trong một thời gian dài.
Sau khi Phật nhập diệt
Một thời gian khá lâu,
Người ta biên soạn lại
Thành năm bộ như sau:
Một, bộ kinh thứ nhất -
Kinh Hoa Nghiêm, Kinh này
Là Kinh cao siêu nhất,
Giảng trong hăm mốt ngày.
Ngài giúp các Bồ Tát
Đã chứng phép Vô Thường
Thành Đẳng Giác, Diệu Giác
Đầy tình yêu, tình thương.
Hai, bộ Kinh cơ bản,
Gọi là Kinh A Hàm,
Giúp chúng sinh tu tập,
Cả lời nói, việc làm.
Mười hai năm liên tục
Ngài nói về Kinh này.
Nhiều thí dụ minh họa,
Thiết thực và rất hay.
Ba là Kinh Phương Đẳng.
Về tự giác ngộ mình,
Để mình thành sáng láng,
Giác ngộ cho chúng sinh.
Kinh này được Ngài giảng
Trong suốt tám năm trời,
Giúp đệ tử thoát tục,
Cứu mình và cứu người.
Bốn là Kinh Bát Nhã.
Ngài giảng hăm hai năm,
Về Chân Không, Vũ Trụ,
Ánh Sáng và Tối Tăm,
Thật Tướng và Vô Tướng
Của các Pháp tu hành.
Kinh này sau phát triển
Thành Bát Nhã Tâm Kinh.
Năm, và là Kinh cuối -
Pháp Hoa và Niết Bàn.
Trong tám năm ngài giảng,
Thuyết minh và luận bàn.
Trong Kinh này Ngài nói
Về lý do, nguyên nhân
Ngài, sau nghìn vạn kiếp,
Xuất hiện ở đời trần.
Rồi trước khi nhập diệt,
Các đệ tử của Ngài
Được Ngài chúc, thọ ký
Thành Phật trong tương lai.
*
Toàn bộ Kinh của Phật
Sau được các Tăng Già
Tập hợp thành Tam Tạng,
Tức Kinh Pi-ta-ka.
Một - gọi là Kinh Tạng,
Tức là giáo lý Kinh,
Bao gồm các bài giảng
Khai ngộ cho chúng sinh.
Hai - gọi là Luật Tạng,
Về lịch sử Tăng Già
Và về các giới luật
Dành cho người xuất gia.
Ba - gọi là Luận Tạng,
Bàn các vấn đề chung
Cao siêu và triết lý
Trong vũ trụ vô cùng.

Thái Bá Tân


TRƯỞNG GIẢ CẤP CÔ ĐỘC
Ông là người giàu có,
Thích bố thí, cúng dường,
Không chỉ các tăng lữ,
Mà cả người bình thường.
Lần nọ, đến Vương Xá,
Được diện kiến Thích Ca,
Nghe lời Ngài giảng pháp,
Rồi xúc động sâu xa,
Lập tức ông phát nguyện,
Không nề hà điều gì,
Xây một Tịnh Xá lớn
Cho Phật và tăng ni.
Ông trở về Xá Vệ,
Cho người đi khắp vùng
Tìm khu đất thích hợp.
Sau nhiều ngày, cuối cùng
Ông chọn được một chỗ
Rất đẹp và không xa.
Đó là khu vườn lớn
Của Thái Tử Kỳ Đà.
Một khu vườn rất rộng,
Bốn mùa cây lá xanh.
Mát mẻ và thanh tịnh,
Cảnh vật đẹp như tranh.
Tuy nhiên, vì nó đẹp
Mà Thái Tử Kỳ Đà,
Nhất định không chịu bán,
Dù giá đắt gấp ba.
Cuối cùng thấy bất tiện,
Không muốn mất lòng ông,
Thái Tử đòi cái giá,
Mà thực chất nói “Không!”
“Thôi được, thì tôi bán,
Nếu ông thực sự giàu
Rải vàng khắp vườn ấy.
Không bớt đồng nào đâu!”
Trưởng giả Cấp Cô Độc
Liền cho trăm người nhà
Chở vàng đến, rải kín
Vườn Thái Tử Kỳ Đà.
Ngay hôm sau, lập tức
Ông thuê một nghìn người
Ngày đêm xây Tịnh Xá,
Rộng và đẹp tuyệt vời.
Xong, ông làm lễ lớn
Mời Đức Phật Thích Ca
Dọn đến ở, và gọi
Là Tịnh Xá Kỳ Đà.
Có điều, sau lần ấy,
Nhà ông chẳng còn gì.
Không đủ để ăn mặc
Và cúng dường tăng ni.
Một lần, nhà hết gạo,
Trong túi tiền cũng không.
Ông đem khúc gỗ quí
Bán, kiếm được bốn đồng.
Vợ ông cầm đi chợ,
Mua bốn lon gạo ngon.
Lấy một lon, sung sướng
Nấu cơm cho chồng con.
Cơm chín thì bất chợt
Bà ngước mắt nhìn ra -
Tôn giả Xá Lợi Phất
Cầm bát đứng trước nhà.
Không một chút do dự,
Bà dâng cơm cho ngài.
Rồi quay vào, hý húi
Nấu lon gạo thứ hai.
Nấu xong, bà chợt thấy
Tôn giả Mục Kiền Liên
Cùng hai vị sư khác
Cầm bát, đứng kề bên.
Lần nữa, bà hoan hỉ
Đem nồi cơm của bà
Cúng chư tăng phật tử.
Còn nồi cơm thứ ba
Bà cúng cho Ca Diếp.
Vậy là nhà chỉ còn
Duy nhất một lon gạo
Để dành cho chồng con.
Nấu xong lon gạo ấy,
Định đi mời cả nhà,
Chợt ngước nhìn, bà thấy
Chính Đức Phật Thích Ca.
Ngạc nhiên và xúc động,
Bà dâng cơm mời Ngài.
Không nghĩ chuyện phải nhịn
Hôm nay và ngày mai.
Cảm động trước tâm thiện
Và công đức hai người,
Đức Phật liền chúc phúc
Cho an lạc suốt đời.
Một lát sau, đầy tớ
Và gia nhân vội vàng
Vào thưa: Có phép lạ!
Thóc gạo và bạc vàng
Bỗng từ đâu đổ đến,
Chất đống tận trần nhà.
Trưởng giả Cấp Cô Độc
Biết là Phật Thich Ca,
Bèn lập đàn thật lớn
Cúng Phật và tăng ni.
Rồi mời Ngài giảng pháp
Về Hỉ Xả Từ Bi.

Thái Bá Tân


BẢY CÁCH BỐ THÍ CỦA NGƯỜI NGHÈO
Một người nọ hỏi Phật:
“Vì sao con luôn nghèo?”
Ngài đáp: “Vì đơn giản,
Con chưa bố thí nhiều.”
“Bạch Ngài, con thực sự
Không có gì để cho,
Đúng thế, không gì cả,
Ngoài đói khổ, buồn lo.”
“Ta tin lời con nói.
Nhưng có bảy cái này
Con có thể bố thí,
Mà bố thí hàng ngày.
Thứ nhất là Nhan Thí,
Tức bố thí nụ cười.
Thứ hai là Ngôn Thí,
Là nói đẹp với người.
Thứ ba là Tâm Thí,
Tức bố thí tấm lòng.
Thứ tư là Nhãn Thí,
Tức cái nhìn cảm thông.
Thứ năm là Thân Thí,
Bố thí việc ân tình.
Thứ sáu là Tọa Thí,
Nhường chỗ ngồi của mình.
Thứ bảy là Phòng Thí,
Dạng bố thí cuối cùng,
Khi con cho người khác
Tình Yêu và Bao Dung.”

Thái Bá Tân


PHÉP HUYỀN DIỆU
Phật ở thành Vương Xá,
Nghỉ trong rừng Trúc Lâm.
Một đêm hè mát mẻ,
Lại đúng ngày trăng rằm.
Đêm ấy, trong vườn vắng
Xá Lợi Phất ngồi thiền.
Cái đầu trọc vừa cạo
Soi vành trăng mới lên.
Từ phương Bắc bay xuống,
Hai hung thần bật cười
Thấy cái đầu bóng loáng
Dưới ánh trăng sáng ngời.
Một hung thần liền nói:
“Lão hòa thượng này hay.
Ta muốn búng một phát
Lên đầu trọc lão này.”
Hung thần kia can bạn:
“Ấy chết, không được đâu.
Đại sư này có phép
Thần thông và nhiệm màu.”
Bất chấp lời can gián,
Hung thần thích đùa dai
Lao xuống, búng một cái
Lên đầu trọc của ngài.
Cú búng ấy rất mạnh,
Có thể giết cả voi,
Làm cả rừng cây ngã,
Hay làm núi nứt đôi.
Thế mà Xá Lợi Phất
Vẫn tiếp tục ngồi yên.
Chiếc đầu trọc bất động
Trong tư thế định thiền.
Trong khi thần hung ác
Vừa chạm vào người ngài,
Liền bất ngờ bốc cháy,
Thành vệt lửa kéo dài.
Đang ở một nơi khác,
Đại đức Mục Kiền Liên,
Người có tài thiên nhãn
Và biết trước nhân duyên,
Đã nhìn thấy tất cả,
Liền bay đến: “Thưa ông,
Ông vẫn khỏe đấy chứ?
Cú đánh có đau không?”
“Cảm ơn, tôi vẫn khỏe.
Chỉ hơi chút nhức đầu.”
“Pháp lực ông thật lớn,
Uy đức thật thâm sâu.
Từ xa tôi nhìn thấy
Một hung thần đánh ông.
Một cú đánh khủng khiếp,
Làm vỡ núi, tắc sông.
Thế mà ông vẫn khỏe,
Vẫn tiếp tục ngồi thiền.
Chỉ đầu hơi nhức nhức.
Pháp lực thật vô biên.”
Đức Phật khi hay chuyện,
Bèn nói với mọi người:
“Ai trong lòng tĩnh lặng,
Không vương vấn bụi đời,
Sẽ vững như núi đá,
Sẽ chiến thắng cái đau.
Gặp vui không xúc động.
Gặp rủi không buồn rầu.

Thái Bá Tân


MỘT NGÀY XUẤT GIA
Thời Đức Phật tại thế,
Trong thành có một người,
Một hoàng tử giàu có,
Nổi tiếng dân làng chơi.
Cậy giàu, cậy thế lực,
Cậu tiêu cả núi tiền
Vào các cuộc trác táng
Và tiệc tùng triền miên.
Trong thành, ai cũng biết.
Xì xào tiếng cười chê.
Không ít người nhắc nhở,
Nhưng chàng vẫn không nghe.
Một sáng nọ, Đức Phật
Nói với A Nan Đà:
“Ta thương con người ấy,
Một hoàng tử tài ba,
Mà ăn chơi vô độ.
Chết sẽ bị đọa đày
Trong lửa thiêu địa ngục.
Thật thương thay, thương thay.
Con đến gặp hoàng tử,
Và nói rằng anh ta
Bảy ngày nữa sẽ chết,
Nên hãy sớm xuất gia.”
Tôn giả gặp hoàng tử,
Chuyển lời của Như Lai.
Hoàng tử lo sợ lắm,
Nhưng vẫn cố van nài
Xin được tiếp tục sống
Theo cách cũ, năm ngày.
Bước sang ngày thứ sáu
Sẽ xuất gia theo thầy.
Vậy là hoàng tử ấy
Chỉ một ngày xuất gia.
Chàng sống trong tịnh xá,
Thụ Pháp của Thích Ca.
Bước sang ngày thứ bảy,
Như Phật nói, tiếc thay,
Chàng đổ bệnh rồi chết,
Làm tỳ kheo một ngày.
Hôm sau, trong giờ nghỉ,
Tôn giả A Nan Đà
Hỏi về chàng hoàng tử,
Và được Phật Thích Ca
Nói giờ con người ấy
Ở cõi trời Tứ Vương,
Đầu thai làm hoàng tử
Tỳ Xa Môn Thiên Vương.
Chàng sẽ đầu thai tiếp
Sau đúng năm trăm năm
Lên cõi trời Đạo Lợi,
Hưởng thọ một nghìn năm.
Rồi hai nghìn năm tiếp
Ở cõi trời Dạ Ma,
Hưởng hết mọi phúc lộc,
Quay lại cõi Ta Bà.
Một lần nữa hoàng tử
Được đầu thai làm người,
Xuất gia, thành La Hán,
Mãn nguyện một cuộc đời.
*
Câu chuyện này được kể
Trong rất nhiều cuốn Kinh.
Một câu chuyện có thật,
Để nhắc nhở chúng sinh
Rằng muốn tránh tội lỗi
Và bể khổ đời này,
Phải xuất gia theo Phật,
Dù chỉ trong một ngày.

Thái Bá Tân


TRUYỆN CÔ GÁI NGHÈO CÚNG MỘT ĐỒNG TIỀN
Xưa, có cô gái nọ
Sống bằng nghề ăn xin.
Một lần, đứng trước cửa
Ngôi chùa ở làng bên.
Qua cánh cổng, cô thấy
Các sư ngồi trong sân,
Chia những thứ ít ỏi
Mới xin được cùng ăn.
Dẫu là người hành khất,
Nhịn suốt ngày là thường,
Cô vẫn thấy ái ngại,
Và chợt muốn cúng dường.
Cô sờ túi, thất vọng,
Tiền chỉ đúng một đồng.
Biết mua gì vào cúng,
Ai được ăn, ai không?
Cuối cùng cô quyết định
Mua một bát muối đầy,
Các sư ăn sẽ đủ,
Thậm chí được mấy ngày.
Sư trụ trì biết chuyện,
Liền mời cô vào chùa,
Tiếp rước như Bồ Tát,
Dùng cả lọng tua rua.
Nhờ sự cúng dường ấy,
Cô gái này về sau
Trở thành vợ hoàng tử,
Cao quí và rất giàu.
Một hôm, cô cho chở
Cả một xe vàng đầy
Vào dâng ngôi chùa ấy.
Thế mà rồi lần này
Sư trụ trì đón tiếp
Không khác khách bình thường,
Bất chấp sự giàu có,
Địa vị người cúng dường.
Cô hỏi thì ngài đáp:
Bát muối đầy ngày xưa
Là những gì cô có,
Thành tâm dâng nhà chùa.
Còn bạc vàng, châu báu
Cô dâng cúng hôm nay,
Tất nhiên chùa đa tạ,
Nhưng tiền cúng lần này
Là tiền của nhà nước,
Tức là tiền của dân.
Cô chỉ thay mặt họ
Để cúng dường cầu thân.
Thái Bá Tân


CHIẾC NHẪN KIM CƯƠNG
Phật Thích Ca từng dạy:
Bố thí giúp chúng sinh,
Tức là ta gây dựng
Một gia sản cho mình.
Chính nó là ân phước
Cho chúng ta sau này.
Không phải xuống địa ngục
Để chịu cảnh đọa đầy.
Ngược lại, giờ may mắn
Ta hạnh phúc hơn người,
Là do các kiếp trước
Ta bố thí giúp đời.
*
Ở Ấn Độ thời ấy
Có một bà rất giàu.
Một bà hoàng xinh đẹp
Với hàng nghìn người hầu.
Bà là người mộ đạo,
Một lòng thờ Thích Ca.
Bà ăn ở phúc đức.
Mọi người yêu mến bà.
Một hôm bà đi dạo
Trong vườn uyển với chồng,
Một ông vua vĩ đại,
Nổi tiếng khắp Tây Đông.
Thấy bà ngời hạnh phúc,
Kim cương đeo đầy người,
Chồng bà nói: “Hoàng hậu
Quả sung sướng nhất đời.
Thiết nghĩ nàng cũng biết,
Rằng nàng được thế này
Là nhờ ta ân sủng
Và nâng đỡ lâu nay.”
Bà đáp: “Tâu bệ hạ,
Thiếp rất biết ơn ngài.
Ngài là chồng của thiếp,
Một đức vua hiền tài.
Nhưng việc thiếp hạnh phúc
Và mãn nguyện hôm nay,
Là do phúc đức thiếp
Đã gieo trồng trước đây.”
Vua nghe, chỉ im lặng,
Dù khó chịu trong lòng.
“Thật vô ơn! Hãy đợi,
Xem điều ấy đúng không.”
Đêm hôm ấy, lặng lẽ
Chờ hoàng hậu ngủ say,
Vua tháo chiếc nhẫn quí
Bà vẫn đeo hàng ngày.
Chiếc nhẫn kim cương lớn,
Quà một vua Phương Đông.
Không một chút do dự,
Vua ném nó xuống sông.
Sáng hôm sau tỉnh dậy,
Thấy mất nhẫn kim cương,
Bà hỏi chồng. Vua đáp:
“Chiếc nhẫn ấy bình thường.
Mất có gì đáng tiếc.
Sao nàng lại hỏi ta?
Nếu nàng có “phúc đức”,
Sẽ tìm thấy thôi mà.”
Bà hiểu ý châm chọc.
Ngay trước mặt chồng mình,
Liền phát nguyện, rồi khấn:
“Xin Đức Phật anh linh
Và chư tăng chứng giám,
Rằng các kiếp trước đây
Con ăn ở phúc đức,
Nên được như ngày nay.
Và rằng nếu đúng vậy,
Nếu phước lộc đang còn,
Thì chiếc nhẫn đã mất
Sẽ quay về với con!”
Vừa dứt lời, cửa mở.
Anh đầu bếp đi vào,
Tay cầm chiếc nhẫn quí
Lấp lánh như ngôi sao.
“Bẩm vua và hoàng hậu,
Con thấy chiếc nhẫn này
Trong bụng một con cá
Gia nhân mua sáng nay.”
Thái Bá Tân


CHẾT, ĐẦU THAI THÀNH TRÂU
Hai anh em nhà nọ,
Bố mẹ chết, và rồi
Gia sản lớn để lại
Được hai người chia đôi.
Vốn tham lam, keo kiệt,
Kể từ đấy, người em
Buôn bán, tìm mọi cách
Để giàu càng giàu thêm.
Người anh thì ngược lại,
Bản chất vốn nhân từ,
Đem tiền làm việc thiện,
Cúng Tam Bảo, cúng sư.
Người em giàu thấy thế,
Luôn cười chê anh trai.
Người anh khuyên can cậu,
Nhưng không ai chịu ai.
Về sau, người anh cả
Đã qui y xuất gia.
Đến sống trong Tịnh Xá
Gần Đức Phật Thích Ca.
Nhờ phúc đức kiếp trước,
Nhờ học pháp hàng ngày,
Ông chứng A La Hán,
Luôn đi gió về mây.
Người em thì thật tiếc,
Cả núi tiền, rất giàu,
Nhưng chết, xuống địa ngục,
Đầu thai thành con trâu.
Trâu làm việc vất vả,
Còn bị đánh, thật thương.
Bị bỏ đói, bỏ khát
Cũng là chuyện bình thường.
Anh nó, A La Hán,
Nhờ thiên nhãn thần thông,
Đã nhìn thấy, cám cảnh,
Thương em, không cầm lòng.
Ông vội vàng bay đến,
Bỏ tiền mua con trâu,
Nhân tiện kể câu chuyện
Về người em tham giàu.
Chủ con trâu hốt hoảng,
Lo sợ chuyện nhân duyên.
Quì trước vị La Hán,
Nhất định không lấy tiền.
Ông còn xin được dẫn
Tới gặp Phật Thích Ca.
Phật thấy ông thành thật,
Đồng ý cho xuất gia.
Lại nói con trâu nọ,
Được La Hán, người anh,
Cho qui y Tam Bảo,
Dạy niệm Phật, tụng kinh.
Không lâu sau, nó chết,
Vãng sanh lên Cõi Trời.
Và sau hàng vạn kiếp,
Được đầu thai thành người.
Thái Bá Tân


TRUYỆN ÔNG VUA VÀ
HAI VỊ TƯỚNG THÙ GHÉT NHAU
Thời ấy ở Ấn Độ
Có một vị vua già
Nổi tiếng giỏi cai trị
Và bảo vệ nước nhà.
Bí quyết rất đơn giản:
Có hai tướng hàng đầu,
Ông luôn làm cho họ
Phải ghen ghét, thù nhau.
Ông giỏi khích bác họ,
Lúc vui, lúc phiền lòng,
Giỏi cả việc bắt họ
Luôn trung thành với ông.
Thường thì một công việc
Ông giao cho cả hai,
Chủ ý để hai tướng
Tranh lập công, tranh tài.
Họ ghét nhau cay đắng,
Ghét đến mức sẵn sàng
Người này giết người nọ,
Dù mất cả núi vàng.
Một lần, trong chiến trận,
Một tướng cứu được vua,
Đúng lúc bị vây hãm
Và quân mình sắp thua.
Để đền ơn, vua nói:
“Ta ban thưởng cho ngươi
Bất cứ gì ngươi muốn,
Bất cứ gì trên đời.
Có điều, - vua nói tiếp,
Ông vua già thông minh,
Biết chắc chắn vị tướng
Muốn giết đối thủ mình, -
Có điều, ngươi phải nhớ:
Ông tướng kia, bạn ngươi,
Cũng sẽ được ta thưởng,
Ta quí trọng hai người.
Và nếu ngươi được một,
Ông kia sẽ gấp hai.
Nào, muốn gì, hãy nói,
Hai vị tướng có tài!”
Vị tướng lập công trạng
Chắp hai tay, và rồi,
Không do dự, liền nói:
“Hãy móc một mắt tôi!”
Trong các buổi thuyết pháp
Đức Phật dạy chúng ta
Phải kiềm chế cơn giận,
Nhiều khi đến mù lòa.
Và rằng sự giận dữ
Che lấp sự thông minh,
Chỉ mang lại tai họa
Cho người và cho mình.

Thái Bá Tân


Đây là câu thần chú các bác phải tâm niệm nó hàng ngày.
THẦN CHÚ BẢO ĐẢM HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH
Bớt một chút cáu giận,
Bớt một chút buồn phiền.
Bớt một chút lười biếng,
Bớt một chút tiêu tiền.
Tăng một chút suy nghĩ,
Tăng một chút vị tha
Tăng một chút yêu vợ,
Tăng một chút ở nhà.
Đấy, bài toán số học,
Cho mình, cho gia đình.
Cộng trừ rất đơn giản
Thành hạnh phúc, yên bình.
Chúc Hạnh Phúc! Và nhất định các bác sẽ có hạnh phúc gia đình, nếu luôn nhớ và làm theo thần chú này.
Thề luôn!
Thái Bá Tân


149
Các bạn Phây sướng thật.
Khoe chồng, khoe vợ con,
Chát chít xôm trò lắm.
Còn tôi thì châm ngôn.
Châm ngôn viết cả rổ
Rồi đưa hết lên Phây.
Cả bài mới bài cũ,
Hơn trăm bài mỗi ngày.
Các bác chắc phát sợ.
Tự tôi thấy cũng kỳ.
Xin lỗi, nhưng rồi hỏi,
Tôi còn biết làm gì?
Suốt ngày đêm hí húi,
Ngồi một đống lù lù,
Viết như bị ma ám,
Còn khổ hơn thằng tù.
Cái số tôi nó thế,
Cả mấy chục năm nay.
Viết, viết nữa, viết mãi
Mà túi thơ vẫn đầy.
Một bác hồn nhiên hỏi:
“Cụ viết thế, mệt không?”
Úi giời, đi mà hỏi
Con trâu cày giữa đồng.
Mệt thì được nghỉ chắc?
Tôi sinh năm con trâu,
Nên trời hành là đúng,
Mà hành nhiều, hành lâu.
May mà việc có ích,
Thơ cũng không không quá tồi.
Mong các bác thông cảm,
Mà tha cho thằng tôi.
Nên thích thì mời đọc.
Không thích thì bỏ qua.
Còn tôi, nếu viết được,
Tôi sẽ post gấp ba.
Tính tôi là thế đấy,
Không ai ngăn được đâu,
Sẽ viết cho đến lúc
Không còn thơ trong đầu.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
30/05/2011(Xem: 8017)
Chùa tôi nho nhỏ bên làng Bên dòng sông quyện bên hàng thông xanh Có tre mấy lũy yên lành Có chim ca hót trên cành líu lo
22/05/2011(Xem: 7929)
Sao thưa trăng nhạt sáng từ tâm Tất Đạt từ lâu phát quảng tâm Thê tử đoạn tình vì đại nguyện Quốc thành xả bỏ bởi bi tâm
22/05/2011(Xem: 6609)
Tôi là người Việt Nam, nước da tôi cùng một màu vàng như các sắc tộc Á Châu, Nhưng trái tim tôi hòa cùng một nhịp đập như người dân Tây Tạng...
18/05/2011(Xem: 11140)
Nắng lụa chan hoà dâng ý thơ Ấm tình gia tộc chốn hoang sơ. Lên đồi hoa trắng, hồn thư thái Cứ ngỡ lạc vào một cõi mơ…
14/05/2011(Xem: 7892)
Ðức Phật đản sanh là một sự kiện kỳ diệu hy hữu như lời Ngài đã dạy: ”Có một người sinh ra đời vì an lạc của quần sanh, vì lòng thương tưởng đối với đời, vì lợi ích, an lạc và hạnh phúc của chư thiên và nhân loại.
14/05/2011(Xem: 8028)
Hạt bụi lang thang* từ vô thủy Bay về sương khói cõi vô chung Là xong một kiếp phong trần khách Còn lại bài thơ thở tuyệt cùng
12/05/2011(Xem: 12339)
Nhân mùa Phật Đản đang trở về trong lòng người con Phật, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tập thơ đặc biệt "Tuyển tập Thơ Phật Đản" của Mặc Giang như là món quà nhỏ gởi đến quí vị...
09/05/2011(Xem: 7167)
Chập chờn thức giấc nửa khuya, Tưởng hình bóng Mạ như vừa thoáng qua. Áo dài nối vạt phất phơ!
08/05/2011(Xem: 8438)
Vương vấn bao nhiêu chuyện ở lòng Đến rồi chẳng lẽ trở về không Gió chiều thoảng vờn khe núi Nắng sớm dịu dàng tỏa bến sông
08/05/2011(Xem: 9016)
Hai ngàn sáu trăm hai mươi ba năm trước Thế giới ba ngàn sinh diệt diệt sinh Cõi hồng trần kết bằng nghiệp tham ái sân si...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567