1.
Trong các truyện cổ tích xưa, tôi nghĩ
Truyện Quan Âm Thị Kính được nhiều người
Biết và đọc, vì có nhiều triết lý
Về nhân tình thế thái, chuyện muôn nơi.
Sao thế nhỉ, sao cuộc đời cứ bắt
Người đàn bà phải gánh chịu buồn đau
Và oan trái, mới được tôn làm phật
Để quanh năm phải mưa nắng dãi dầu?
Trong khi đó, trong đời thường, lặng lẽ
Lo đảm đương các thiên chức đàn bà,
Họ là phật, phật chính danh, cứu thế,
Cứu hàng ngày cuộc sống thật chúng ta.
Họ là phật, hay cũng gần như vậy,
Thế mà ta không kính trọng, tôn thờ.
Cái khái niệm đàn bà và nước mắt
Không vô tình được nhắc mãi trong thơ.
2.
Chuyện kể xưa, có một người đức hạnh
Đã trải qua chín kiếp, chín đời người,
Luôn tu luyện mà vẫn chưa thành thánh,
Nên Thích Ca quyết định kiếp thứ mười
Cho đầu thai thành một trang nhi nữ,
Một gia đình khá giả nước Cao Ly.
Chả là Ngài lần cuối cùng muốn thử
Để cho thành Bồ Tát của Mầu Ni.
Cô bé ấy được sinh ra như ý,
Được đặt tên Thị Kính, lớn, đến ngày
Được gả chồng, thư sinh Sùng Thiện Sỹ,
Quả trai tài gái sắc, hiếm xưa nay.
Một tối nọ, vợ ngồi bên may vá,
Chàng thư sinh nằm đọc sách, và rồi
Chàng ngủ thiếp, thấy sợi râu trên má
Mọc khá dài, lại mọc ngược, khó coi,
Sẵn con dao, nàng cầm lên định cắt
Thì chồng nàng chợt tỉnh, vội kêu lên
Vì thầy vợ đang dí dao vào mặt,
Giết anh ta - một tội ác đê hèn!
Bỏ ngoài tai lời thanh minh của vợ,
Chàng thư sinh cùng bố mẹ, ông bà
Cứ một mực kết tội nàng vô cớ,
Rồi dắt nàng đem trả lại thông gia.
Thật nhục nhã, thật đau lòng, hơn thế,
Thật oan sai nhưng không biết làm gì,
Để giải oan và đền ơn bố mẹ,
Nàng cuối cùng đã quyết định ra đi,
Đi lặng lẽ, không một người hay biết,
Để than ôi, lần nữa lại đề tài
Của đàm tiếu, rằng hư thân, mất nết,
Nàng bỏ nhà, bỏ cha mẹ theo trai.
Nàng cởi bỏ bộ áo quần phụ nữ
Rồi cải trang thành nam giới, cạo đầu
Xin vào tu trong ngôi chùa Vân Tự,
Nguyện một lòng nương cửa phật dài lâu.
Sư trụ trì lâu năm ngôi chùa ấy,
Vốn vị tha, đã chấp nhận, và nàng
Được đổi tên thành Kính Tâm, từ đấy
Cuộc đời nàng lặng lẽ lật sang trang.
Tưởng như vậy đã yên xuôi mọi nhẽ,
Thế mà không, lại tai họa bất ngờ.
Trong làng ấy có một cô gái trẻ
Tên Thị Mầu, khá nhẹ dạ, ngây thơ.
Cô là con một phú ông có cỡ,
Theo mẹ cha lên lễ phật, và rồi,
Thấy Kính Tâm, bèn thầm yêu trộm nhớ,
Cũng nhiều lần tỏ tình ý, than ôi,
Nhà sư trẻ Kính Tâm không đáp lại,
Khiến cô ta rất thất vọng, buồn rầu.
Vốn lẳng lơ, và trong cơn tự ái,
Đã tư tình với đầy tớ, về sau
Đến ngày tháng, bụng to, làng phạt vạ.
Bị người ta căn vặn mãi, cô này
Bèn đổ lỗi cho Kính Tâm tất cả.
Thế là nàng, dẫu lý đúng, tình ngay,
Vẫn bị đánh rất đau, và sư cụ
Phải đứng ra xin nộp phạt, thế là
Được về chùa, không sống trong phòng cũ,
Mà ở ngoài mái chái, tít đằng xa.
Cái nhân vật Thị Mầu này, phải nói,
Gian thì gian, nhưng thú vị. Sau này
Được sân khấu tô vẽ thêm, rất nổi
Và cũng thường được nhắc đến xưa nay.
Một hình tượng dân gian vui, dân dã,
Nhất là khi có Mẹ Đốp đi kèm,
Vừa chua ngoa vừa lẳng lơ mà ả
Nhận được nhiều tán thưởng của người xem.
Khác Thị Kính suốt đời luôn nhẫn nhục,
Thị Mầu ta thì phản kháng, bất cần.
Một biểu tượng đấu tranh đòi hạnh phúc,
Đậm chất người, đầy sức sống, vân vân...
3.
Khi Thị Mầu sinh con trai, đứa bé
Bị phú ông bắt trả lại nhà chùa,
Trả Kính Tâm lúc này đang lặng lẽ
Ngồi một mình niệm Phật giữa ban trưa.
Nghe tiếng khóc, nàng đi ra, chợt thấy
Đứa con trai bị bỏ lại bên đường,
Còn Thị Mầu thì bước đi như chạy.
Vồn là người trắc ẩn, động lòng thương,
Nàng Thị Kính, tức Kính Tâm, vội vã
Đem về nuôi, từ đó một mình nàng
Vừa chịu nhục, vừa khổ tâm, vất vả
Bế con đi xin bú sữa khắp làng.
Khi thằng bé lên ba, ngoan, giống “bố”,
Cũng là khi Đức Phật Tổ nghĩ thầm:
Con người này nhận đủ phần đau khổ,
Đã đến ngày thành Bồ Tát Quan Âm.
Liền sau đó, thấy toàn thân bải hoải,
Sư Kính Tâm, không đau đớn, nhẹ nhàng,
Nằm xuống chết, có phong thư để lại
Nhờ con trai đưa đến hộ nhà nàng.
Lúc liệm xác chôn cất nàng, hết thảy
Rất ngạc nhiên và cũng rất đau lòng
Khi thấy nàng là nữ nhi. Nghe vậy
Người trong làng kéo nhau đến rất đông.
4.
Trong khi đó, thư sinh Sùng Thiện Sỹ,
Nhờ bức thư nàng gửi lại, lúc này
Biết mình sai, liền vội vàng chuẩn bị
Kíp lên đường đến dự lễ ma chay.
Sư trụ trì cùng nhà chùa làm lễ
Để giải oan cho Thị Kính; dân làng
Bắt phú ông chi tiền mua vật tế,
Còn Thị Mầu phải theo bước xe tang.
Bỗng đột nhiên một đám mây ngũ sắc
Từ trên cao hạ xuống đúng ngang tầm
Chiếc quan tài, Phật Thích Ca nghiêm khắc
Cho nàng thành một Bồ Tát Quan Âm.
Lại nói chuyện thư sinh Sùng Thiện Sỹ,
Rất đau lòng, khi kết thúc ma chay,
Muốn suốt đời được thảnh thơi yên nghỉ,
Đã đi tu, và ở lại chùa này.
5.
Nàng Thị Kính vậy là lên thành phật,
Nhưng than ôi, vẫn còn đó trên đời
Nhiều đau khổ và rất nhiều nước mắt,
Cũng rất nhiều những đứa bé con rơi.
Ít hy vọng nhiều người nơi hạ thế
Một ngày kia thành Bồ Tát, và Bà,
Dẫu nghìn mắt và nghìn tay, có thể
Cứu loài người thoát nỗi khổ trầm kha.
Vâng, rất ít, nhưng vẫn còn hy vọng
Và chúng ta phải cố bám, chừng nào
Ta còn khổ, nghĩa là ta còn sống,
Vì cuộc đời vẫn vậy, biết làm sao...