Trở Về Mái Nhà Xưa
Có những phận người không mái ấm
Tuổi thơ hạnh phúc đã rách bươm
Áo cơm trộn lẫn lời cay đắng
Bán hồn nhiên - mua những tủi hờn
Có những phận người không mái ấm
Ôm ấp nhau mà lắm đoạn trường
Thị phi chất chứa bao điên đảo
Gian dối che mờ ánh mắt thương
Có những phận người không mái ấm
Lòng bơ vơ không chốn quay về
Vết thương khắp nẻo đời tranh lấn
Khát thèm an trú giữa tình quê…
Tìm đâu mái ấm hồn lưu lãng?
Đâu giữa vô thường chốn bình yên?...
Câu kinh ngân vọng lời thương cảm
Khơi lại nguồn xưa chút Tâm Thiền
Dừng tâm: về lại Mái Nhà Xưa
(Mái ấm bẵng quên - thuở luân hồi)
Quốc Độ Tâm Linh ngời tuệ giác (*)
Thương nỗi niềm du tử trùng khơi.
---
(*): Quốc Độ Tâm Linh: Biệt ngữ chỉ tâm thái
tín ngưỡng tâm linh mang tính chất tôn giáo
hướng thiện-hướng thượng (Chân-Thiện-Mĩ).
Tâm thái tín ngưỡng này có thể hiện hữu ở
người theo tôn giáo hoặc không theo tôn giáo.
Một số nhà khoa học gọi bản thể tâm linh là
trường ý thức, trường điểm không, trường
tiềm năng, trường thống nhất, trường Akasha.
Tuệ Thiền (Lê Bá Bôn)
-------------
Kính mời đọc thêm:
Vài Trải Nghiệm Hành Thiền Của Một Cư Sĩ
- Là cư sĩ, tôi chọn cách sống bình thường (thông thường) của một người dân.
- Tìm hiểu, học hỏi Chánh Pháp.
- Có khát vọng ngộ nhập tâm thể bất sinh bất diệt (Tánh Viên Giác) vì thiện ích cho mình, cho tất cả chúng sinh, cho sự nghiệp giác ngộ chung.
- Hoan hỉ và thật tâm tôn trọng tất cả các tôn giáo, các tông phái, các pháp môn, các đường lối tu tập hướng thiện-hướng thượng tâm linh.
- Sống nương theo (tương đối) lời khuyên của Thập Thiện Đạo.
- Không chấp thủ bất kì danh-tướng nào.
- Thấy rằng bất kì nhân cách chân chính nào, bất kì sự tu tập chân chính nào cũng phải có sự ý thức về cái “tôi” vọng tưởng (ngã chấp).
- Khi cảm nghiệm tâm ý thì nhận ra rằng, cái “tôi” vọng tưởng là vận hành ngôn từ trong tâm (tâm ngôn tâm hành); diễn trình chánh tư duy cũng vậy.
- Con người có khả năng nhận ra được những nói năng, những vọng niệm trong tâm (tâm ngôn tâm hành), vì tâm ai cũng có sẵn Tánh Nghe (Tánh Giác).
- Biết nghe lại tâm mình, tức biết sống tỉnh giác, là bắt đầu sống với Huệ Mạng (sinh-mệnh-Tuệ-Giác-đại-thừa).
- Tôi thực hành thiền “Phản văn văn tự tánh” (xoay cái nghe nghe tự tánh); cũng chính là quán tâm, tự tri.
- Khi có vọng tưởng thì “tự tánh” là chúng-sinh-tâm; khi vọng tưởng tịch lặng thì tự tánh là Tâm Không (Chân Tâm, Viên Giác) hiện tiền.
- Khi tọa thiền, lắng nghe tâm ngôn vọng tưởng là “độ thoát tất cả chúng sinh”; chúng-sinh-tâm ở cá nhân và chúng-sinh-tâm trong toàn vũ trụ là một mạng lưới tương quan tương duyên với nhau, biết tự độ là có tác dụng độ tha.
- Tâm Không là tâm Thấy biết-vô ngôn vô niệm, là Tánh Không.
- Tâm Không là pháp thân, tâm ngôn chánh tư duy là hóa thân, Lắng Nghe là báo thân; tam thân nhất thể.
- Thường sống với năng lực Lắng Nghe (báo thân); lắng nghe Tâm Không tịch chiếu là ngộ nhập bản thể; lắng nghe tâm ngôn vọng tưởng, tâm ngôn chánh tư duy, tâm thái đối cảnh là diệu dụng.
- Với người sơ ngộ như tôi, quan trọng là lắng nghe cái “tôi” vọng tưởng và ngộ nhập thâm sâu bản thể bất sinh bất diệt.
- Thường tỉnh giác lắng nghe với tâm thái từ bi-vô tác-vô cầu.
- Để có thể trợ giúp các bạn lữ sơ cơ, xin tóm tắt ngắn gọn như sau:
----
SINH-MỆNH-TUỆ-GIÁC-ĐẠI-THỪA LẮNG NGHE
Tâm xuất hiện cái “tôi” vọng tưởng, lắng nghe tâm ngôn vọng tưởng;
Tâm khởi chánh tư duy, lắng nghe tâm ngôn chánh tư duy;
Tâm đối diện với sự việc, lắng nghe tâm thái đối cảnh;
Tâm-Vô-Ngôn (vô niệm) hiện tiền, lắng nghe Tâm Không.
Thường tỉnh giác lắng nghe với tâm thái từ bi-vô tác-vô cầu.
***
“Tri huyễn tức li, li huyễn tức giác”. (Kinh Viên Giác).
“Phản văn văn tự tánh”-(Xoay cái nghe nghe tự tánh). (Kinh Lăng Nghiêm).
***
* “Sinh-mệnh-Tuệ-Giác-đại-thừa lắng nghe” chính là “tự tri-tỉnh thức-vô ngã”.
* “Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là đạo lí của vũ trụ, là mẫu số chung của ý nghĩa cuộc sống, là Thiền; mang năng lượng tích cực có lợi cho toàn vũ trụ, cho sự thăng hoa trí tuệ-tâm linh chung của tất cả. (Đường Về Minh Triết; Tuệ Thiền Lê Bá Bôn).
* Tâm Không: Tánh Không, chân lí tuyệt đối, Thượng Đế, bản thể vũ trụ, Viên Giác, trường tiềm năng, trường trí tuệ, pháp thân, pháp giới, Chân-Thiện-Mĩ.
***